I. Lí thuyết
1. Chủ ngữ của câu kể Ai thế nào? Chỉ những sự vật có đặc điểm, tính chất hoặc trạng thái được nêu ở vị ngữ.
Ví dụ: Bàn tay mẹ rám nắng, các ngón tay xương xương gầy gầy.
2. Chủ ngữ thường do danh từ (hoặc cụm danh từ) tạo thành.
Ví dụ:
Bầu trời // trong xanh.
Những ngôi nhà bé nhỏ ấy // đều là tài sản mà ba chị Lan đã để lại.
II. Phương pháp làm một số dạng bài tập
1. Dạng bài xác định câu kể Ai thế nào?
Để xác định những câu kể có dạng Ai thế nào? ta cần làm như sau:
- Xác định chủ ngữ và vị ngữ của câu.
- Xét xem chủ ngữ có phải là danh từ hoặc cụm danh từ hay không?
- Phần vị ngữ có nêu được đặc điểm, tính chất, trạng thái của sự vật được nêu ở chủ ngữ không?
Nếu đảm bảo hai yếu tối trên thì đó chính là câu kể dạng Ai thế nào?
2. Dạng bài xác định các thành phần trong câu.
Dựa trên hai yếu tố sau để phân định các thành phần chủ vị trong câu:
- Chủ ngữ thường là danh từ hoặc cụm danh từ
- Vị ngữ thường nêu đặc điểm, tính chất, trạng thái của sự vật được nêu ở chủ ngữ.
3. Dạng bài đặt câu kể Ai thế nào?
- Câu kể phải có nội dung phù hợp với yêu cầu của đề bài.
- Câu kể phải đảm bảo hai yếu tố về cấu tạo sau:
+ Chủ ngữ thường là danh từ hoặc cụm danh từ
+ Vị ngữ thường nêu đặc điểm, tính chất, trạng thái của sự vật được nêu ở chủ ngữ.