Thuyết minh về cây tre 1
Những người đi xa quê hương thường nhớ về hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình,.. những hình ảnh quen thuộc của quê hương. Trong số ấy không thể thiếu lũy tre đầu làng. Đúng vậy, cây tre đã từ lâu trở thành một loài cây thân thuộc với người dân Việt Nam.
Không ai biết cây tre có từ bao giờ, chỉ biết rằng lũy tre đã đứng vững chãi như vậy từ hàng ngàn năm trước từ thuở vua Hùng dựng nước đến các cuộc kháng chiến chống xâm lăng. Tre đã cùng con người bảo vệ từng tấc đất của dân tộc. Tre vốn là loài cây thuộc họ thảo mộc, có rễ chùm, thân thẳng vững trãi. Những cây tre nhỏ thì cao khoảng từ hai đến ba mét còn những cây tre trưởng thành có thể cao hơn năm mét.
Thân tre hình ống trụ dài, bên trong rỗng. Trên thân tre thường được chia thành các đốt dài bằng gang tay người trưởng thành. Ở mỗi đốt ấy đều có một mấu nối gọi là mắt tre, nơi mà các cành tre mọc ra. Cành tre nhỏ mảnh khảnh không to như càng cây bàng hay bằng lăng nhưng dại dẻo dai. Những cành cây mọc ra theo nhiều hướng khác nhau, cành này đan vào cành kia tạo thành một tấm áo giáp bảo vệ cho những búp măng nhỏ bé đang ẩn náu sâu trong lũy tre.
Măng tre hình búp, khoác lên mình một màu xanh pha nâu của đất. Những lớp áo của măng tre là từng bẹ lá úp vào nhau, đợi đến khi trưởng thành thì những bẹ lá ấy cứ tách dần ra cho măng tre mạnh mẽ vươn lên như một cây giáo đâm thẳng lên bầu trời. Lá tre nhỏ, thon và dẹp thuôn nhọn về phía đầu và sắc. Những chiếc lá mới đầu có màu xanh nhưng khi già thì nó chuyển sang màu vàng.
Tre cũng là loài thực vật có hoa nhưng chỉ nở một lần vào cuối đời vào thời gian nở là từ năm mươi đến sáu mươi năm. Hoa tre có mùi hương hơi nồng và có màu vàng nhạt như màu đất. Có thể thấy, tre là loài cây dễ sống, chúng thích nghi với mọi hoàn cành mọi loại đất dù là đất bạc màu hay đất chua, vì vậy mà đi đến bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam ta cũng thấy cái dáng cao cao nghiêng nghiêng của lũy tre
Nói đến tre Việt Nam thì làm sao kể cho xiết, từ Bắc vào Nam không biết có bao nhiêu là loài tre: tre Việt bắc, trúc Lam sơn, ... Từ lâu tre đã trở thành người bạn của người nông dân đặc biệt là măng tre được coi như một món ăn đặc sản của người nông dân. Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ, măng tre được chế biến thành nhiều món ăn như tre luộc, măng khô nấu canh, măng tươi...
Lá tre khô còn là một vật liệu đốt dễ kiếm cho các bà các mẹ. Cành tre có gai nhọn thường được người nông dân xưa làm hàng rào quanh nhà. Đặc biệt nhất là thân tre, chúng trở thành những đòn gánh theo bước chân người nông dân ra đồng, thành cối xay giúp người nông dân xay lúa. Thân tre còn được vót mỏng thành những lạt mỏng dùng để gói bánh hay buộc mái nhà của người dân xưa hay được đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân biến hóa thành những chiếc rổ giá hay hình thì cho cò, con vạc,... những món đồ lưu niệm cho khách du lịch.
Trong những ngày lễ Cổ truyền, thân tre còn được dùng làm cây nêu cầu may trong nhà. Những lũy tre còn đi sâu vào tâm trí của những đứa trẻ em vùng quê khi vào những buổi trưa hè nóng bức mà được ngồi dưới gốc tre mà hát những bài ca đồng quê, thả những con thuyền tre. Chính những kí ước đó là hành trang cho bất cứ người con xa quên sau này đều nhớ về quê hương.
Không những vậy, hình ảnh dáng tre vững chãi đã đi vào những cuộc kháng chiến từ thời vua Hùng, Thánh Gióng lấy lũy tre làm vũ khí đánh tan quân thù, đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ những dụng cụ làm từ tre: cày, cuốc... cũng được Bác nhắc đến trong bài kêu gọi toàn dân kháng chiến... Chính vì những điều đó mà cây tre từ lúc nào đã trở thành biểu tượng cho làng quê Việt Nam.
Thuyết minh về cây tre 2
Không biết tự bao giờ cây tre đã trở thành người bạn thân thiết của người dân Việt Nam. Tre là hình ảnh quen thuộc của không gian làng quê Việt Nam, là bạn của nhà nông, là biểu tượng cao quý cho một dân tộc quật cường. Bởi vậy mà từ lâu tre đã khắc sâu vào tiềm thức mỗi người, để mỗi khi nhắc về Việt Nam thân thương là người ta lại nhớ ngay đến cây tre " thân gầy guộc lá mong manh ".
Không ai biết rõ cây tre có tự bao giờ, có lẽ là từ rất lâu, rất lâu. Người ta chỉ thấy rằng cây tre đã gắn bó với dân tộc mình từ những ngày đầu dựng nước và giữ nước, từ khi người anh hùng Thánh Gióng nhổ bụi tre ngà đánh tan giặc Ân ra khỏi bờ cõi, từ khi Ngô Quyền cắm cọc tre trên sông Bạch Đằng đã tiêu diệt quân Nam Hán và không biết bao nhiêu chiến công nhờ cây tre nhỏ bé tạo dựng nên.
Cây tre được phân bố khắp nơi từ miền Bắc vào miền Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, đâu đâu ta cũng thấy những lũy tre xanh rờn, rì rào trong gió ngàn, tỏa bóng râm mát ôm trùm đường làng ngõ xóm thân quen. Họ hàng nhà tre cũng rất là phong phú, đa dạng, gồm nhiều loại như tre Đồng Nai, tre Việt Bắc, trúc Lam Sơn, nứa, vầy rồi dang, hóp, lạt...
Khác với những loài cây khác, tre có những đặc điểm rất độc đáo, khác biệt. Ngay từ khi còn là một mầm măng tre đã nhọn hoắt như cái chông, cứ hiên ngang mà đâm thẳng lên đón gió, đón nắng của trời. Tre là loài cây dễ trồng, không kén chọn các điều kiện tự nhiên. Dù cho đất đai cằn cỗi, thời tiết khắc nghiệt thì tre vẫn luôn xanh tốt lạ thường. Thời gian trôi đi, mầm măng nhỏ, yếu ớt ngày nào đã trở thành cây tre xanh, cứng cáp và dẻo dai.
Rễ tre là loại rễ chùm, bám rất sâu và chắc vài đất giúp cây luôn đứng vững trước mọi bão tố. Thân tre gầy guộc, hình ống rỗng và khoác lên mình bộ áo màu xanh thẫm. Trên thân tre chia thành các đốt, khi tre càng lớn thì các đốt càng dài. Từ thân tre đâm ra tua tủa biết bao nhiêu là cành lá. Lá tre nhỏ, thon dài, xanh một màu xanh mơn mởn với những đường gân ở mặt sau lá. Mỗi khi có làn gió thoảng qua, vài chiếc lá lại lìa cành, chao liệng trên không trung rồi đáp xuống mặt nước như những chiếc thuyền nan tí hon.
Tre không mọc đơn lẻ mà mọc thành bụi, thành lũy. Từng khóm tre xanh rì quanh xóm làng đã ôm ấp từng ngôi nhà, tỏa bóng mát khắp nơi nơi. Cây tre còn là hình ảnh không thể thiếu của làng quê Việt Nam. Chắc hẳn sâu trong tâm trí mỗi người đều ghi dấu hình ảnh từng đàn trâu thong thả nhai rơm dưới gốc tre làng xanh mát. Dưới bóng mát của tre còn là nơi vui chơi lí tưởng của bọn trẻ con. Chúng nô đùa, kể chuyện với những tiếng cười giòn tan, trong sáng và ngây thơ.Rồi tre cũng làm nên những trò chơi thú vị của tuổi thơ như đan vòng tay bằng búp tre, chiếc hóp cho các bạn nam... Các cụ già thì ngồi dưới gốc tre phe phẩy chiếc quạt nan lại bàn đôi ba câu chuyện thế sự, về việc nhà, việc làng. Chiếc điếu cày phì phèo điếu thuốc cũng được làm từ tre, chiếc chõng- nơi ngồi nhàn đàm của các cụ ta cũng từ tre mà ra.Trong lao động, tre là cánh tay hỗ trợ đắc lực cho người nông dân. Từ thân tre nhỏ gọn mà cứng cáp, người ta chế tạo được biết bao công cụ hữu ích như cán cuốc, cán cào... Rồi từ bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân mà từ cây tre thô mộc được gọt giũa thành những đôi đũa đẹp đẽ, những đồ mỹ nghệ có giá trị thẩm mỹ được xuất khẩu sang nước ngoài mang lại những nguồn lợi kinh tế lớn. Trong chiến đấu tre còn là người đồng chí, đồng đội quả cảm của dân tộc ta. Từ thời trung đại, tre đã cùng dân ta góp nên bao chiến thắng vang dội rồi đến thời kì kháng chiến chống Pháp chống Mĩ tre lại góp công mình diệt giặc. Những vũ khí thô sơ như chông tre, gậy tre, cán cuốc, cán cày... mà cũng đã làm nên những chiến thắng lừng lẫy năm châu. Tre giống như người lính tiên phong giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre sẵn sàng hi sinh để bảo vệ dân tộc ta. Cây tre đã trở thành biểu tượng cho con người Việt nam từ sự ngay thẳng, kiên chung đến sự dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì dân vì nước. Cuộc sống ngày càng đổi thay và hiện đại nhưng mong rằng cây tre sẽ cùng song hành với người Việt Nam trên mọi chặng đường.
Thuyết minh về cây tre 3
Nhắc đến nước Nga, chúng ta nhớ ngay đến thủ đô Moscow với những hàng bạch dương “sương trắng nắng tràn”. Nhắc đến Nhật Bản, ta lại nghĩ tới thành phố Tokyo tràn ngập hoa anh đào. Còn với dải đất hình chữ S, có thể nói cây tre đã trở thành biểu tượng cho con người và mảnh đất Việt.
“Tre xanh
Xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”
(“Tre Việt Nam”- Nguyễn Duy)
Chẳng biết tre có từ bao giờ mà trong những câu thơ, Nguyễn Duy cũng không thể biết được. Chỉ biết: từ thuở xa xưa, cùng với làng bản, xóm thôn, cùng với cuộc sống con người Việt, tre đã xuất hiện rồi. Ở trên khắp những vùng quê Việt Nam, không khó để có thể bắt gặp và quan sát những dãy tre làng. Tre là loại thân rỗng, chia thành nhiều đốt, cùng họ với nứa, trúc, mai, vầu, … Tre mang dáng thẳng, vươn cao từ 10-18 m. Ngọn tre cong vút, lá tre mỏng và sắc, gân lá song song như lá lúa, màu xanh đậm. Tre thường sống ở nơi đất đai khô cằn, kém màu mỡ với chiếc rễ tre- loại rễ chùm, cứng, ăn sâu vào lòng đất để hút chất dinh dưỡng tối đa đi nuôi cây. Chính vì vậy, trong bài thơ của mình, nhà thơ Nguyễn Duy còn viết:
“Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”
(“Tre Việt Nam”)
Dưới gốc tre còn có những lớp măng non nhọn hoắt, được bao bởi những lớp bẹ dày, cứng ở ngoài. Tre mới mọc, mọc thành từng khóm, từng lũy xếp sát với nhau. Có phải vì “thương nhau” mà “tre chẳng ở riêng” như Nguyễn Du nói không. Tre trên khắp đất nước Việt Nam rất đa dạng và phong phú nhưng chủ yếu phân theo ba loại chính. Loại đầu tiên là những tre xanh được trồng nhiều ở các làng quê, dáng thẳng, vươn cao cho bóng mát. Tre đằng ngà là loại tre có thân màu vàng óng. Truyền thuyết kể lại rằng: ngựa sắt của Thánh Gióng phun lửa làm cháy những bụi tre để lại màu ngả vàng như thế. Còn tre gai là loại tre nhỏ, thân thấp, có nhiều gai rất thuận tiện dùng để làm hàng rào, hàng dậu. Cây tre từ lâu đã trở nên gần gũi và ý nghĩa đối với cuộc sống mỗi người dân Việt Nam. Trong đời sống hằng ngày, tre dùng để làm nhà cửa, làm giường, làm bàn ghế. Ngay cả những chiếc rổ rá cũng được làm rất rỉ mỉ và tinh tế bằng tre. Ngày nay, tre còn dùng làm đồ thủ công mỹ nghệ như những chiếc giỏ, chiếc nàn hay những bộ bàn ghế đầy tinh xảo. Trong lao động, tre dùng làm chiếc cối xay thóc để làm ra những hạt gạo thơm ngon, trắng ngần. Đúng như nhà văn Thép Mới đã viết: “Cối xay tre nặng nề quay, Từ nghìn đời nay, xay nắm thóc.” Tre làm thành cán cày, cán cuốc của cha, là đòn gánh theo mẹ vào mỗi buổi đi chợ. Trong chiến đấu, gậy che, chông tre chính là vũ khí đặc biệt để chống quân thù; “Tre xung phong vào xe tăng đại bác. Tre giữ làng giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín” (Thép Mới). Tre đi vào không gian sinh hoạt, cùng con người chiến đấu và chiến thắng oanh liệt mà còn đi vào lịch sử với những câu chuyện li kì của bà và của mẹ. Trong truyền thuyết, khi gậy sắt bị gãy, Thành Gióng đã nhỏ tre để quét sạch lũ giặc Ân độc ác ra khỏi bờ cõi. Rồi năm 938, cũng chính nhưng cây tre ấy, đều được dùng làm cọc đánh xuống lòng sông Bạch Đằng khiến cho quân Nam Hán tan tác. Sau những năm tháng chiến đấu hào hùng, tre lại trở về với cuộc sống đời thường, cùng vui buồn sinh hoạt với mọi người. Những điếu cày tre từ bao giờ chính là niềm vui của những cụ già, là niềm vui của đám trẻ với những que truyền bằng tre. Và tất nhiên không thể thiếu được những chiếc sáo diều vi vu trên bầu trời những đêm hè của lũ trẻ nghịch ngợm trong làng, những chiếc nôi tre đưa em thơ vào giấc ngủ êm đềm. Không chỉ có những công dụng và lợi ích trong cuộc sống sinh hoạt, tre còn mang rất nhiều ý nghĩa riêng. Từ lâu, tre đã gắn bó với con người đời đời kiếp kiếp: từ lúc lọt lòng trong chiếc nôi tre đến khi trở về với đất mẹ trên những chiếc chõng tre; tre vẫn luôn bên người. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tre đã cùng con người lao động dựng xây, chiến đấu và sản xuất. Vì thế tre chính là biểu tượng cho người Việt Nam cần cù chịu khó, kiên cường, bất khuất. Những búp măng non còn là biểu tượng cho thiếu niên nhi đồng đầy sức sống vươn lên. Rồi tự bao gờ, tre đã bước vào những câu thơ, lời hát của những nghệ sĩ để rồi trở thành những câu ca bất hủ. Tre đi vào những bức họa đồng quê, chỉ lặng lẽ đứng một góc nhưng lại cho ta cảm giác yên bình, tĩnh tâm và hạnh phúc. Vì vậy, dù có nơi đâu, lúc nào đi chăng nữa, chỉ cần nơi đâu có những rặng tre, những búp măng xanh thì đều có tâm hồn và vẻ đẹp, nhân cách Việt. Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, những chiếc giường tre, chõng tre đã dần bị thay thế bởi những thiết bị hiện đại, những lũy tre nơi làng quê cũng thưa thớt dần. Nhưng sẽ có một điều mãi mãi không thay đổi: vẻ đẹp và những giá trị tâm hồn cao quý của con người, mảnh đất này.
Thuyết minh về cây tre 4
Có lẽ đối với mỗi người Việt Nam, cây tre đã trở thành một phần của cuộc sống. Đặc biệt với mỗi con người ra đi từ làng quê thì hình ảnh những lũy tre xanh đã ăn sâu vào tiềm thức, do vậy dù có đi đâu đến nơi đâu họ cũng đều nhớ về lũy tre xanh như nhớ về kỉ niệm gắn bó, thân thương nhất. Và đó chính là niềm tự hào của họ hàng nhà tre chúng tôi.
Sự gắn bó, gần gũi của họ hàng nhà tre chúng tôi được thể hiện ở chỗ đi bất cứ nơi đâu, đồng bằng hay miền núi thì bạn cũng đều thấy chúng tôi nghiêng mình trên những con đường hay trong những cánh rừng bát ngát. Họ nhà tre chúng tôi rất đông đúc, nào là: Tre Đồng Nai, nứa, mai, vầu Việt Bắc, trúc Lam Sơn, tre ngút ngàn rừng cả Điện Biên, rồi dang, rồi hóp và cả luỹ tre thân thuộc đầu làng...
Khác với các loài cây khác, từ khi mới bắt đầu sinh ra, chúng tôi đã thể hiện sự ngay thẳng, điều đó các bạn có thể thấy ngay khi nhìn những mầm tre mọc thẳng tắp và dù trong bất cứ môi trường nào chúng tôi cũng vẫn vươn lên để sống mạnh mẽ và xanh tốt. Thân tôi gầy guộc hình ống rỗng bên trong,màu xanh lục, đậm dần xuống gốc.
Tôi bền bỉ hiên ngang chẳng dễ gì bị ngã dưới các anh mưa chị gió. Vả lại trên thân tôi có rất nhiều rất nhiều gai nhọn như những chiếc kim giúp tôi tự vệ ,bảo vệ cuộc sống của mình trước những bàn tay ác quỷ dám chặt phá tôi một cách vô lí. Lá của tôi mỏng manh một màu xanh non mơn mởn với những hình gân song song trên lá như những chiếc thuyền nan rung rinh theo những cơn gió thoảng. Rễ tôi thuộc loại rễ chùm, gầy guộc và cằn cỗi nhưng bám rất chắc chắn vào đất giúp giữ mình không bị đổ trước những cơn gió dữ.
Vào những ngày khô hạn nóng nực vô cùng. Cả nhà chúng tôi đung đưa theo gió, dang những cành tre che mát cho đàn con - những đàn con thân yêu. Đến thời kì mưa gió bão bùng,chúng tôi kết thành lũy dày kiên cố ra sức chống gió cản mưa. Chính nhờ đặc điểm này mà chúng tôi sống được ở nhiều vùng khí hậu khác nhau, ở những nơi gần nước hay những nơi xa nước. Vì thế mà câu thơ này ra đời:
"Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu"...
Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, chúng tôi luôn cùng con người đấu tranh cho độc lập, tự do. Chẳng thế mà từ lâu, người Việt đã ví chúng tôi với phẩm chất quật khởi của dân tộc ngàn đời. Những ngày đất nước Việt Nam còn sơ khai, chúng tôi đã giúp ông Gióng diệt lũ giặc Ân bạo tàn, đem lại hạnh phúc cho muôn dân. Rồi trong cuộc chiến chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chính chúng tôi đã dìm chết bao tàu chiến của địch khiến cho chúng khiếp sợ phải thua cuộc.
Thuở đất nước còn chưa có vũ khí hiện đại như bây giờ, chúng tôi là vũ khí mạnh nhất được dùng để tiêu diệt quân thù. Và trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, chúng tôi cũng tích cực tham gia kháng chiến bằng cách góp một phần bé nhỏ cơ thể mình để làm ra những cây chông nhọn hoắt sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù. Bởi vững vàng trong chiến đấu mà họ mà tre tôi đã được phong danh hiệu anh hùng bất khuất.
Không chỉ trong đánh giặc giữ nước, loài tre nhà chúng tôi còn rất có ích trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi khi về thăm một thôn xóm, một bản làng nào bạn cũng sẽ thấy vòng tay của chúng tôi dang rộng, ôm trọn và tỏa bóng mát cho cho cả dân làng. Trong vòng tay của chúng tôi, những ngôi nhà trở nên mát mẻ, những chú trâu mới có bóng râm để nhởn nhơ gặp cỏ. Những trưa hè, chúng tôi thật hạnh phúc khi được ngắm những khuôn mặt trẻ thơ say nồng giấc ngủ trong tiếng võng kẽo kẹt dưới khóm tre. Hơn thế chúng tôi còn là những vật liệu để bà con dựng nhà, những ngôi nhà được làm từ tre rất mát mẻ và sạch sẽ.
Dưới bóng chúng tôi là cả một nền văn hóa lâu đời đang từng ngày được nâng niu và gìn giữ. Trong đời sống sinh hoạt, chúng tôi còn làm ra những đồ dùng thân thuộc với mỗi người: đó là đôi đũa, là chiếc chõng tre, chiếc giường tre. Đối với mỗi gia đình nông dân, tre tôi là người bạn vô cùng thân thiết.
Ngoài ra cây danh, nứa, một trong những họ nhà trẻ còn giúp con người chẻ lạt buộc nhà, nứa giúp cắm sào làm giàn cho bầu bí leo quấn quýt vào nhau. Tre còn gắn với tuổi già, cho họ chiếc ống điếu hút thuốc làm vui. Đối với trẻ con ở miền thôn quê thì tre còn có thể làm nên những trò chơi thú vị, bổ ích. Dưới những bãi đất rộng, được chúng tôi che hết ánh nắng oi ả của mùa hè, các bạn tha hồ chơi đùa thỏa thích.
Các bạn nữ còn trò gì thú vị hơn ngồi đánh chuyền với những que chắt bằng tre. Còn các bạn nam lại chạy nhảy reo hò theo tiếng sáo vi vút trên chiếc diều cũng được làm ra từ tre. Những cánh diều đó sẽ đem ước mơ của các bạn về nơi xa. Tre chúng tôi còn làm nên những tiếng nhạc réo rắt từ những cây sáo tre, sáo trúc, làm vơi đi bao nỗi vất vả nhọc nhằn của người nông dân chân lấm tay bùn.
Ngày nay loài tre của chúng tôi còn vươn xa hơn nữa. Có một giáo sư là Việt Kiều sống ở Pháp đã đưa anh em chúng tôi sang trồng thử trên đất Pháp. Thế mà ở xứ lạ, chúng tôi vẫn sống vững vàng. Ngày sau, dẫu nước mình có hiện đại hơn, loài tre chúng tôi cũng vẫn sẽ ngay thẳng, thủy chung và can đảm để tôn lên những đức tính của người hiền - đức tính Việt Nam.
Thuyết minh về cây tre 5
Từ bao đời nay, cây tre là người bạn gắn bó và gần gũi với người dân Việt Nam. Tre đã cống hiến tất cả sự sống cho con người nên ta phải yêu quý và bảo vệ cây tre Việt Nam.
Tre là một loại cây khẳng khiu, có nhiều công dụng. Lá tre thường được người miền Nam lấy để gói bánh tro vào dịp lễ giết sâu bọ. Lạt tre dùng để cột bánh. Thân tre được dùng để làm đũa. Các thợ thủ công cũng đã tận dụng thân tre để đan thành giỏ tre, rổ tre. Nhân dân ta thường đong dầu, đong nước mắm khi mua bán bằng ống tre. Thời cách mạng, bộ đội Việt Nam dùng ống tre để đựng nước, nấu cơm. Trong quán ăn ở vùng nông thôn, người ta cũng chẻ thân tre để làm ống tăm cho khách sử dụng sau bữa ăn. Thân tre chẻ nhỏ để nhóm bếp rất đượm lửa.
Tre có một số loại thông dụng như: tre gai, tre xanh, tre ngà, tre rừng... Bên cạnh đó, nó còn có anh em bà con như: lồ ô, trúc, tầm vông... Tre xanh lúc còn sống có màu xanh mượt, đốt dài và bóng nhẵn, đường kính của thân tre trưởng thành khoảng từ 6 – 8cm. Cao không đến 10m. Tre gai kích thước ốm và thấp hơn, lá cũng mỏng manh hơn nhưng ở mỗi đốt tre mọc ra rất nhiều nhánh gai, sắc, nông dân thường trồng thành hàng rào chống trộm. Tre ngà là loại tre có thân sọc vàng xen lẫn với sọc xanh rất đẹp. Người ta thường trồng làm cảnh. Tre rừng, mọc hoang trong rừng nên thường không tươi tốt lắm.
Ngược lại, lồ ô là loại tre rừng khổng lồ, bề ngang và bề cao của nó gấp hai, ba lần tre xanh. Nó mọc thành từng bụi, từng hàng như rừng trong vùng đất hoang. Người ta đốn lấy gỗ làm nhà tranh, nhà sàn rất chắc chắn. Lồ ô to lớn bao nhiêu thì trúc lại mảnh mai, yếu ớt bấy nhiêu vì thân rỗng và kích thước nhỏ bé. Có hai loại trúc là trúc xanh và trúc vàng. Gần đây nước ta có nhập thêm một ít trúc kiểng gọi là trúc Nhật. Những cây kiểng này có hình dáng đặc biệt, thân màu vàng óng, lá xanh mượt mà rất được mọi người ưa chuộng, trồng làm cảnh và thường bày ở mái hiên, phòng khách.
Hình ảnh cây tre đã đi vào ca dao, thơ văn và ca từ. Chẳng hạn như:
"Rễ siêng chẳng ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu lá bấy nhiêu cần cù
Nghiêng mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành..."
(NGUYỄN DUY)
Ông bà ta có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn tre tốt:
"Trồng tre, trồng trúc, trồng dừa
Muốn nên cơ nghiệp thì chừa lang vân"
Người ta còn sử dụng tre già hay tre non vào những việc khác nhau:
"Tháng tám tre non làm nhà
Tháng năm tre già làm lạt"
Người thợ mộc còn so sánh độ bền của tre như sau:
"Tre già là bà gỗ lim"
Ngoài ra, ông bà ta còn nhìn cây tre để nghe ngóng về thời tiết: "Lá tre trôi lộc, mùa rét xộc đến". Và từ đó người xưa còn rút ra một quy luật sống của thiên nhiên và con người: "Tre già, măng mọc" tre chẻ ra làm nuộc lạt, trở thành, một thứ không thể thiếu ở nhiều chỗ: khi gói bánh, bó rau hoặc lợp nhà. Ca dao cũng nhắc đến nuộc lạt: "Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu". Ai từng đọc truyện Thánh Gióng hẳn không quên bụi tre Đằng Ngà khi Thánh Gióng nhổ tre đánh tan giặc ngoại xâm: "Chẻ tre nghe Gióng".
Tre không những đi vào thơ văn mà măng tre còn là một thực phẩm chế biến đa dạng. Các món ăn từ măng tre: măng tươi, măng khô, bún măng vịt, măng xào thịt ba rọi, thịt kho măng, măng luộc chấm mắm tôm, măng chua... Bún măng vịt là món ăn được nấu với vịt non, béo, măng tươi hoặc khô đã được luộc và thay nước nhiều lần, khi ăn người ta cho bún, một ít hành răm và rau sống vào nữa, trở thành một món ăn vừa thơm vừa béo với nước dùng ngọt dịu.
Măng tươi đã luộc kĩ, có màu vàng chanh, được xắt miếng xào chung với thịt ba rọi trở thành một món ăn dân dã và rất ngon nếu có thêm một vài lát ớt đỏ thì lại càng hấp dẫn. Thịt heo kho măng cũng là một món ăn "bắt mắt", nấu nhanh và để được vài ngày, tiết kiệm được thời gian nấu nướng mà khi chan vào chén cơm nóng thì cũng rất ngon miệng. Măng luộc phải chọn măng trúc non, vào mùa mưa. Sau khi luộc nhiều lần, ta xắt mỏng rồi chấm với mắm tôm hoặc nước mắm ngon ăn kèm với cơm như một món rau. Nó sẽ có một vị vừa giòn vừa mát, kèm theo một vị ngọt dịu của măng tươi.
Nói tóm lại thì cây tre luôn là người bạn đồng hành và nó đóng góp tất cả lợi ích của bản thân mình cho con người Việt Nam. Hiện nay cuộc sống ngày càng hiện đại và có nhiều đồ dùng là bằng nhựa, inox xuất hiện. Nhưng người ta vẫn có khuynh hướng quay về với thiên nhiên. Bằng chứng là những bộ salon làm bằng mây và tre rất được ưa chuộng và trở thành một món hàng xuất khẩu đắt giá. Ngày nay, nhiều người đã bỏ trồng lúa hoặc cây khoai, đốn cây tre để có chỗ xây nhà lầu, nhưng nếu một lúc nào đó, nước ta không còn một bóng tre thì đời sống sẽ khó khăn và buồn tẻ biết mấy!
Thuyết minh về cây tre hay nhất 6
Một trong những loài cây có sự gắn bó lâu đời và mật thiết đời sống, văn hóa của dân tộc Việt Nam phải kể đến là cây tre. Khi nhắc đến cây tre, chúng ta không khỏi tự hào gọi là cây tre Việt Nam như sự thừa nhận, khẳng định cây tre là một phần không thể thiếu được của nước nhà.
Tre thường được thấy ở cổng làng, cổng đình cùng với những hình ảnh như cây đa, giếng nước, sân đình, là một điều không thể thiếu nơi làng quê. Chúng đứng thành bụi, giăng thành hàng, thành lũy. Những lũy tre mọc cao, dày vươn lên như có ý che chắn cả cả một vùng sinh hoạt bên dưới. Dáng tre mọc thẳng, cao, nhìn có vẻ “gầy gò” mà thực chất rất dẻo dai.
Rễ tre thuộc loại rễ chùm, gầy guộc và cằn cỗi nhưng bám rất chắc chắn vào đất giúp giữ cây không bị đổ trước những cơn gió dữ. Thân tre tròn, xanh thẫm, nhỏ nhắn nhưng dẻo dai, không dễ gì đổ, gãy. Trên thân có các đốt được phân ra, nhìn kĩ có màu vàng nhạt. Các nhánh tre thường không mọc trên cao mà mọc ngay gần dưới đất, chúng có rất nhiều gai gồ ghề và thường rất nhỏ. Lá dài, thon, nhọn, chỉ bằng nửa lá xoài, nhìn mỏng manh nhưng không dễ bị úa tàn.
Họ nhà tre phải đến cả trăm họ, đông đúc, nào là: Tre Đồng Nai, nứa, mai, vầu Việt Bắc, trúc Lam Sơn, tre ngút ngàn rừng cả Điện Biên,… Dù là họ nào thì từ khi còn là măng tre, đã có dáng mọc thẳng, hiên ngang như vươn lên phía bầu trời không chịu cong bao giờ.
Cấu tạo thì có vẻ đơn giản như vậy nhưng cây tre có rất nhiều công dụng, là một phần rất quan trọng trong đời sống của bà con nông dân. Dân ta xưa kia chưa thể xây nhà gạch, mái ngói, tre trở thành chất liệu lợp mái, lát vách che nắng che mưa cho bao gia đình. Tre còn được tận dụng trong nghề thủ công, đan lát, trở thành những chiếc rổ, chiếc rá xinh xắn, tiện dụng theo các cô, các chị ra chợ, ra đồng.
Tre làm cán cuốc, cán cày một nắng hai sương với người nông dân để được những mùa gặt bội thu. Tre gắn bó trở thành những thứ đồ hàng cho tụi trẻ chăn trâu, trở thành cái điếu cày làm bạn tuổi già với các cụ già,… Không chỉ thế, các chị, các mẹ còn trở nên duyên dáng hơn nhiều trong chiếc guốc tre thoải mái. Tre đã trở thành người bạn thân thiết với nông dân ta từ xưa đến nay.
Khi thời bình, tre trở thành những vật dụng thường ngày của người nông dân nhưng vào lúc nước ta gặp nỗi gian truân, tre lại trở thành một vũ khí vô cùng lợi hại của dân ta. Ở đó, “tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín” (Thép Mới). Trong lúc mà dân ta chưa có vũ khí hiện đại, vũ khí sử dụng đều phụ thuộc cả vào thiên nhiên. Tre với tính chất dẻo dai mà cứng rắn đã trở thành một vũ khí vô cùng lợi hại của dân ta.
Từ ngày còn bé ta đã được biết đến truyền thuyết về vị anh hùng Thánh Gióng, bẻ tre bên đường, đánh cho quân xâm lược không còn manh giáp. Hay sự kiện lịch sử quan trọng, Ngô Quyền dùng cọc tre và lợi dụng thủy triều đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào năm 938, chấm dứt một nghìn năm Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ cho Việt Nam. Đó là minh chứng rất cụ thể cho vai trò to lớn của cây tre trong những trận chiến khốc liệt giành độc lập dân tộc.
Tre cũng mang trong mình những ý nghĩa biểu tượng rất đáng tự hào, tiêu biểu cho những đức tính tốt đẹp của dân tộc. Tre luôn mọc thành lũy, thành hàng chứ không bao giờ mọc một mình, đó là tinh thần đoàn kết, đồng lòng, là một truyền thống quý báu từ bao đời của cha ông.
Tre mọc thẳng, mọc cao, không bao giờ mọc nghiêng, cùng sự dẻo dai dễ sống của cây là biểu hiện rõ nhất cho sự kiên cường, bất khuất, giống như những con người Việt Nam dù phải chịu bao nhiêu sương gió, nhọc nhằn hay bị áp bức vẫn không mất đi sự cao quý trong tâm hồn và sự kiên cường trong tính cách. Đó đều là những phẩm chất đáng quý của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, nên mới nói, nhắc đến cây tre là nhắc đến con người Việt Nam. Bởi vậy, cả dân tộc đều gọi tre là cây tre Việt Nam.
Tre thật đẹp, thật có ích. Tre là biểu tượng không thể phai đổi, không thể mất đi, tre già măng mọc, thế hệ này sẽ tiếp nối nhựa sống của thế hệ kia, sẽ còn mãi đến mai sau. Dù là chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống trở nên hiện đại hơn, nhiều loại vật liệu được sinh ra thay thế cho tre nhưng cây tre vẫn mãi giữ một vị trí quan trọng trong tâm hồn người Việt và mãi là tài sản vô giá của cả dân tộc.
Trên mảnh đất Việt Nam của cha ông, tre và người và đã gắn bó, cùng đồng cam cộng khổ, nâng đỡ nhau qua bao năm tháng lịch sử có giá trị to lớn và vĩnh hằng. Hình ảnh cây tre đã trở thành hình ảnh không thể thiếu trong những trang văn hóa bất diệt của dân tộc, là người bạn lớn đáng tôn vinh của cả dân tộc.
Thuyết minh về cây tre 7
Việt Nam rừng vàng biển bạc, tài nguyên nước ta vô cùng phong phú, khắp nơi đều có muôn vàn những loại cây thảo mộc, cây xanh đa dạng khác nhau. Chính vì thế nước Việt Nam “xanh muôn ngàn cây lá khác nhau” Từ núi cao cực Bắc tới sông nước Cà Mau, mỗi vùng sinh thái đều tươi xanh những loài thảo mộc, hoa trái đặc trưng. Nhưng thân thương xiết bao, khi đâu đâu cũng bốn mùa xanh những lũy tre tươi tốt.
Tre làm bạn với làng, bản, xóm, thôn, từ ngàn xưa, bóng tre xanh âu yếm đã phủ đầy nếp sống thanh cao, cần mẫn của người dân Việt ta. Cây tre cao, thẳng thắn như vẻ đẹp thanh cao, tinh khiết của tâm hồn người dân Việt Nam. Có lẽ, cây tre xanh xanh đã trở thành người bạn thân thiết của nông dân và nhân dân Việt Nam, sống bền bỉ, dai dẳng và âm thầm làm êm dịu cho vẻ đẹp tâm hồn người dân đất Việt.
Tre là loại cây thân gỗ, cao vút, thân nhỏ khoảng bằng cánh tay người trưởng thành. Xung quanh thân cây có những chiếc gai nhọn, sắc. Tre thường mọc cành và lá ở phần ngọn, lá tre xanh xanh, thon thon như chiếc thuyền nan. Trên lá có những đường gân song song trông rất duyên dáng. Tre già măng mọc, cứ như thế tre luôn sinh sôi phát triển.
Tre "mộc mạc", "nhũn nhặn" mà nhẫn nại không chê đất cằn, sá gì sương gió. Tre "ngay thẳng, thủy chung, can đảm", giàu lòng vị tha, bao dung, đùm bọc. Tre "thanh cao, giản dị, chí khí như người". "Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm". Chính vì thế mà dù đất nước có phát triển, ngày càng tiến bộ hiện đại thì bóng tre xanh vẫn sống trong lòng người Việt Nam ta không bao giờ mất đi.
Tre ăn ở với người kiếp kiếp. Từ khi còn ấu thơ chúng ta vẫn nằm trong chiếc nôi tre, võng tre ầu ơ trong tiếng ru của bà của mẹ lớn lên từng ngày đó thôi. Đến khi đã gần đất xa trời, về với tổ tiên thì cây tra lại là linh hồn gắn với chiếc xe đưa tiễn ta trên đoạn đường cuối cùng. Tre xanh xưa kia còn là cánh tay đắc lực giúp người nông dân làm các công cụ bằng tre, các đồ vật như làn, rổ, rá bằng nứa rất dẻo dai và bền bỉ. Tre xanh đi vào những câu ca dao, những câu thơ rất điệu rất duyên đằm sâu vào tâm hồn người Việt Nam ta:
“Lạt mềm gói bánh chưng xanh
Cho tre lấy trúc cho anh lấy nàng”.
Như thế tre đã sống với tất cả tấm lòng và tâm hồn thanh ao, chân thật cùng người dân ta, cả khi chiến tranh, gậy tre, chông tre chống lại sắt thép quân thù. Tre xung phong vào xe tăng đại bác, tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh giữ đồng lúa chín. Đến khi hòa bình, tre được dùng để làm các đồ nội thất trong gia đình.
Tre là loại cây mộc mạc, đơn sơ, không phải vẻ sang trọng, khí phách quân tử như những cây tùng, cây bách cũng không cuốn hút, hấp dẫn lòng người bởi hương thơm, nhưng tất cả những gì cây tre mang lại là nguồn dưỡng tảo tần đã gắn bó với người dân ta đời đời kiếp kiếp. Chính vì thế, với cây tre xanh, không chỉ đơn thuần là loại cây vô tri vô giác nữa mà đó là cây linh hồn của người dân Việt Nam.
Dưới bóng tre xanh, tâm hồn ta được tỏa bóng mát, được êm dịu và lắng nghe những khúc nhạc du dương của đồng quê, của tiếng diều sáo vi vu, đó chính là những sợi nhớ, sợi thương của quê hương mà cây tre xanh xanh đã giăng mắc trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Cây tre là biểu tượng cho phẩm chất đặc sắc nhất của con người Việt Nam ta: đoàn kết, thủy chung, thanh cao, bất khuất. Là đức tính kiên cường ẩn tàng trong khả năng thích ứng dẻo bền vô hạn trước mọi tai họa thiên nhiên cũng như mọi biến thiên, bão táp và bi kịch lịch sử, tất cả đến từ mọi phía lẫn do nội sinh, để trường tồn và phát triển. Cùng với dân tộc ta, cùng với lịch sử phát triển của dân tộc, cây tre xanh âm thầm bền bỉ nuôi dưỡng những tinh hoa của đất Việt, hun đúc nên những phẩm chất được bạn bè năm châu mến mộ.
Cây tre xanh là những gì thiêng liêng và cao quý vô ngần của tâm hồn người Việt Nam xưa và nay chưa bao giờ mất đi, chưa bao giờ tiêu biến, làm nên những nét rất riêng cho văn hóa, linh hồn quê hương.
Tuổi thơ ta với tiếng diều sáo vi vu, với tiếng võng kéo cà kẽo kẹt cũng đi lên từ tre xanh xanh ngát. Tre xanh là vẻ đẹp tâm hồn, là nét đẹp truyền thống rất Việt Nam rất truyền thống rất nền nã của nhân dân ta. Có lẽ sau này, dù công nghiệp hóa hiện đại hóa có phát triển mạnh mẽ như vũ bão chăng nữa thì cây tre xanh vẫn mãi mãi là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam.
Thuyết minh về cây tre hay nhất 8
"Tre kiên cường, tre bất khuất...tre anh hùng lao động...”. Từ bao đời nay tre gắn bó mật thiết với hình ảnh của làng quê Việt Nam hàng ngàn năm nay, là biểu tượng luôn in sâu trong tâm trí của người Việt ta.
Cây tre, cây nứa, cây vầu, trúc,… và nhiều loại tre bương khác là loại cây thuộc họ Lúa. Tre có thân rễ ngâm, sống lâu mọc ra những chồi gọi là măng. Thân rạ hóa mộc có thể cao đến 10 -18m, ít phân nhánh. Mỗi cây có khoảng 30 đốt,… Cả đời cây tre chỉ ra hoa một lần và vòng đời của nó sẽ khép lại khi tre “bật ra hoa”.
Cùng với cây đa, bến nước, sân đình một hình ảnh quen thuộc, thân thương của làng Việt cổ truyền, thì những bụi tre làng từ hàng ngàn năm đã có sự cộng sinh, cộng cảm đối với người Việt. Tre hiến dâng bóng mát cho đời và sẵn sàng hy sinh tất cả. Từ măng tre ngọt bùi đến bẹ tre làm nón, từ thân tre cành lá đến gốc tre đều góp phần xây dựng cuộc sống.
Cây tre đã gắn bó với bao thăng trầm của lịch sử nước nhà. “…Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc…”. Không phải ngẫu nhiên sự tích loại tre thân vàng được người Việt gắn với truyền thuyết về Thánh Gióng - Hình ảnh Thánh Gióng nhổ bụi tre đằng ngà đánh đuổi giặc xâm lược đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng thần kỳ của dân tộc ta đối với những kẻ thù xâm lược lớn mạnh.
Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, lũy tre xanh đã trở thành “pháo đài xanh” vững chắc chống quân xâm lược, chống thiên tai, đồng hóa. Tre trở thành chiến lũy và là nguồn vật liệu vô tận để chế tạo vũ khí tấn công trong các cuộc chiến. Những cọc tre trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán. Chính ngọn tầm vông góp phần rất lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược để giành Độc lập - Tự do cho Tổ Quốc. “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín,…”
Cây tre đã từng là nguồn cảm hứng vô tận trong văn học, nghệ thuật. Từ những câu chuyện cổ tích, đến các ca dao, tục ngữ đều có mặt của tre. Đã có không ít tác phẩm nổi tiếng viết về tre: “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới và bài thơ cùng tên của Nguyễn Duy,… Tre góp mặt trong những làn điệu dân ca, điệu múa sạp phổ biến. Nó là một trong những chất liệu khá quan trọng trong việc tạo ra các nhạc khí dân tộc như: đàn tơ tưng, sáo, kèn,…
Tre đi vào cuộc sống của mỗi người, đi sâu thẳm vào tâm hồn người Việt. Mỗi khi xa quê hương, lữ khách khó lòng quên được hình ảnh lũy tre làng thân thương, những nhịp cầu tre êm đềm… Hình ảnh của tre luôn gợi nhớ về một làng quê Việt Nam mộc mạc, con người Việt Nam thanh cao, giản dị mà chí khí. Tre ngày nay còn là nguyên liệu làm ra các sản phẩm văn hóa có giá trị thẩm mỹ cao được nhiều khách nước ngoài ưa thích: những mặt hàng dùng để trang trí những nơi sang trọng : đèn chụp bằng tre, đĩa đan bằng tre.
Bản lĩnh bản sắc của người Việt và văn hóa Việt có những nét tương đồng với sức sống và vẻ đẹp của cây tre đất Việt. Tre không mọc riêng lẽ mà sống thành từng lũy tre, rặng tre. Đặc điểm cố kết này tượng trưng cho tính cộng đồng của người Việt. Tre có rễ ngấm sâu xuống lòng đất, sống lâu và sống ở mọi vùng đất. Chính vì thế tre được ví như là con người Việt Nam cần cù, siêng năng, bám đất bám làng. Tre cùng người Việt Nam trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua bao cuộc chiến tranh giữ nước, tre xứng đáng là hình ảnh biểu tượng cho tính kiên cường, bất khuất của người Việt Nam.
Bắt gặp hình ảnh những khóm tre trong cuộc sống hiện đại ngày nay, quả thực, chẳng dễ dàng. Nhưng luôn in đậm trong tâm trí của mỗi người con đất Việt sẽ luôn là những khóm tre xanh tươi tốt, luôn hướng lên trời cao, hướng về một tương lai tươi sáng.
Thuyết minh về cây tre 9
Ngày xửa ngày xưa,tôi chỉ là một mầm măng nhỏ được sinh ra tại một làng quê nghèo chất phác và mộc mạc.Từ lâu tôi đã thắc mắc không biết tổ tiên mình là ai và có từ khi nào. Chỉ biết rằng:
"Tre xanh xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh".
Thật đúng như vậy,họ hàng nhà tre chúng tôi đã có từ lâu đời,gắn bó với người dân Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử.
Thuở ấu thơ,tôi chỉ là một mầm măng yếu ớt với cái thân hình bé nhỏ hình nón,trên đầu nhọn hoắc và khoác ngoài nhiều lớp áo xếp chồng lên nhau bao lấy tấm thân nhỏ bé.Rồi tôi trưởng thành theo thời gian và trở thành một chàng tre đích thực.Thân tôi gầy guộc hình ống rỗng bên trong,màu xanh lục,đậm dần xuống gốc .Tôi bền bỉ hiên ngang chẳng dễ gì bị ngã dưới các anh mưa chị gió.Vả lại trên thân tôi có rất nhiều rất nhiều gai nhọn như những chiếc kim giúp tôi tự vệ ,bảo vệ cuộc sống của mình trước những bàn tay ác quỷ dám chặt phá tôi một cách vô lí.
Lá của tôi mỏng manh một màu xanh non mơn mởn với những hình gân song song trên lá như những chiếc thuyền nan rung rinh theo những cơn gió thoảng. Rễ tôi thuộc loại rễ chùm, gầy guộc và cằn cỗi nhưng bám rất chắc chắn vào đất giúp giữ mình không bị đổ trước những cơn gió dữ .
Vào những ngày khô hạn nóng nực vô cùng. Cả nhà chúng tôi đung đưa tạo gió, dang những cành tre che mát cho đàn con-những đàn con thân yêu. Đến thời kì mưa gió bão bùng,chúng tôi kết thành lũy dày kiên cố ra sức chống gió cản mưa .Chính nhờ đặc điểm này mà chúng tôi sống được ở nhiều vùng khí hậu khác nhau, ở những nơi gần nước hay những nơi xa nước. Vì thế mà câu thơ này ra đời:
"Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu"...
Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, vai trò của tôi được nêu cao trong việc làm vũ khí đánh giặc như gậy , trông, mũi tên, cung tên,...góp phần mang lại hòa bình cho dân tộc Việt Nam hôm nay. Trong cuộc sống của con người ngày hôm nay, tôi được xây dựng thành những ngôi nhà tre vững chãi che nắng che mưa, nuôi sống con người và đàn con thơ của họ.
Trong bữa cơm hằng ngày của con người, tôi được dùng để gắp thức ăn và con người gọi tên tôi là đũa, Dùng tôi để gắp thức ăn không trơn trượt như đũa nhựa mà rất nhẹ và dùng gắp thức ăn rất dễ, lại rẻ tiền nữa! Sau mỗi bữa ăn. những ng lớn dùng tăm để xỉa răng được làm từ tôi. mỗi sáng các chị em phụ nữ trên tay xách chiếc giỏ mây đi chợ, hay các ông các bà nhâm nhi tách trà nóng trên bộ bàn ghế được đan bằng mây.
Vì vậy, ở quê hương tôi có nhiều người làm tăm tre,đũa tre, đan giường hay đan giỏ mây,bàn ghế mây. Các chị tre ngà có ngoại hình khá đẹp và ấn tượng thì được trồng làm cảnh . Ngoài ra, khi cuộc đời tôi đã chấm hết ,thân hình chỉ còn là một cây tre gầy còm, xơ xác và khô héo lụi tàn , tôi vẫn được mọi ng sử dụng để làm chất đốt vì dễ cháy và ngọn lửa mạnh.
Các bạn đã nghe câu: "Tre già măng mọc" chưa? Đó là chu kỳ sống của họ nhà tôi đấy! Dòng họ nhà tre chúng tôi sẽ duy trì nòi giống cho đến tận mai sau để gắn bó với con người nhiều hơn, để dần đi vào tiềm thức của loài người, để được người đời nhớ mãi. Nhớ rằng tre như một người nông dân chất phác và mộc mạc, chịu thương chịu khó.
Tre còn như một biểu tượng thiêng liêng cho một sức mạnh hùng hồn, sự bền bỉ và chịu đựng ngoan cường, tinh thần bất khuất trước kẻ thù của đất nước ta, dân tộc ta trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Thân hình yếu ốm của loài tre chúng tôi như nước Nam ta thời xưa chưa hùng mạnh nhưng lại tiềm ẩn một sức mạnh phi thường , đánh đổ được tất cả những bão tố, khó khăn để đi đến một thắng lợi vẻ vang và chính nghĩa.
"Mai sau, mai sau, mai sau
Đất xanh xanh mãi xanh màu tre xanh"...
Thuyết minh về cây tre 10
Tôi là một người bạn vô cùng thân thiết với con người, không chỉ cùng con người chiến đấu trong những ngày đất nước có giặc ngoại xâm, mà ngay cả trong thời bình, khi hòa bình đã lập lại thì tôi vẫn gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của con người. Tôi thường sống thành bụi, thành khóm, chúng tôi sống nương tựa vào nhau, vì vậy mà chúng tôi vô cùng kiên cường, sức sống cũng rất mãnh liệt. Bạn đoán ra tôi là loài cây gì không? Đúng vậy, tôi là một cây tre, một trong những thành viên của họ nhà tre
Tôi là một cây tre mới trưởng thành, thân tôi thẳng tắp và vươn lên cao vút, so với họ nhà tre chúng tôi thì tôi thuộc thế hệ thanh niên đầy khỏe khoắn, tràn đầy nhiệt huyết cũng như sức sống ở bên trong mình. Họ nhà tre chúng tôi thường sinh sống thành từng khóm, từng rặng, trong mỗi khóm ấy thì lại có đến năm đến bảy cây tre khác nhau. Tùy vào sức sinh sản và phát triển của từng rặng tre mà số lượng cây tre cũng khác nhau.
Khóm tre nhà tôi gồm có tre ông, tre bố và tre mẹ, tre bà, và một cây tre em, tôi là con trưởng trong gia đình tre chúng tôi, cũng là cây tre cao nhất trong khóm tre ấy. Tre ông và tre bố vì đã già rồi nên không phát triển được nhiều nữa. Tuy nhiên, so về độ cứng cáp, vững chắc thì tôi không thể so với ông hay bố của tôi được.
Tôi là một loại thực vật thân thẳng, giữa các khúc thân của tôi được kết nối bởi một bộ phận, đó là mấu tre hay nhiều nơi còn gọi bằng một tên khác đó là mắt tre. Đây là bộ phận cứng cáp nhất trên cơ thể của thôi, nó có vai trò giữ cho thân tre được vững chắc, nhưng cũng không kém phần mềm dẻo. Thân tôi có rất nhiều đốt, qua mỗi giai đoạn phát triển thì những đốt tre này dần đẩy tôi lên cao.
Một bộ phận nữa không thể kể đến khi nhắc tới họ nhà tre chúng tôi, đó chính là lá tre, lá của chúng tôi không to như những chiếc lá nhãn hay lá xoài, lá của chúng tôi rất mảnh, nhỏ và dài. Nhìn bề ngoài những chiếc lá tre tương đối giống với những chiếc lá của cây cỏ, nhưng lớn hơn. Lá của chúng tôi cũng có rất nhiều công dụng đấy nhé, chúng tôi được con người đun lên để lấy nước xông hơi khi bị cảm.
Hay những chiếc lá non vẫn được cuộn tròn thành dạng sợi nhỏ, con người vẫn gọi với cái tên là nõn tre, khi con người bị bụi hay côn trùng bay vào mắt thì những chiếc nõn tre này là một dụng cụ êm dịu, không hại cho mắt, dùng để lấy côn trùng ra. Những chiếc lá của tôi cũng mọc khá đặc biệt, nó không mọc ở các cành cây mọc quanh thân của cây mà những chiếc lá này mọc chủ yếu ở ngọn.
Những cành tre của chúng tôi cũng phát triển sát trên ngọn, còn ở thân cây của tôi thì nhẵn bóng bởi các khúc tre, đốt tre. Bộ phận gắn kết chúng tôi với mặt đất, đó chính là rễ tre. Những chiếc rễ của chúng tôi dạng chùm và có hình tròn trông rất đặc biệt, cũng nhờ những chiếc rễ bám sâu vào lòng đất mà chúng tôi có thể thoải mái đung đưa, vẫy gọi mỗi khi chị gió thổi qua.
Chúng tôi rất có ích cho con người, không chỉ trong chiến tranh mà trong cả thời bình. Chúng tôi tuy không có thân thể không quá cường tráng nhưng lại vô cùng rắn chắc, cũng vì vậy mà trong thời chiến, chúng tôi được con người chế tạo thành những thứ vũ khí tuy đơn sơ, giản dị song lại vô cùng hữu ích, chúng tôi được chế tạo thành những chiếc gậy đánh giặc, chế tạo thành những mũi tên, hay con người có thể vót nhọn đầu của chúng tôi, kết nối chúng tôi thành một hệ thống thành những chiếc chông.
Những chiếc chông này vô cùng lợi hại nhé, con người sẽ chọn những chiếc chông này xuống dưới mặt đất, sau đó dải lớp lá lên trên đó, khi giặc vô tình đi qua thì sẽ bị những chiếc chông này tấn công và chúng sẽ không bao giờ có thể thoát được. Trong các trận chiến, ngay cả trận chiến gian khổ, ác liệt nhất thì tôi luôn sát cánh cùng những người chiến sĩ, những anh chị nông dân xông pha vào trận mạc.
Chúng tôi tuy chỉ là những thứ vũ khí thô sơ, nhưng dưới bàn tay cùng với sự quyết tâm mạnh mẽ của con người thì chúng tôi bỗng chốc trở thành những vũ khí lợi hại nhất, mà những vũ khí tối tân, hiện đại của kẻ địch cũng không thể chống đỡ, đối phó được. Chúng tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi con người Việt Nam giành được độc lập, tự do, quét sạch được vó ngựa xâm lược ra khỏi bờ cõi. Niềm tự hào ấy càng thêm ý nghĩa khi hình bóng của chúng tôi cũng thấp thoáng xuất hiện trong các chiến thắng ấy. Chúng tôi không ngại gian khổ, đau thương mà luôn cùng con người đấu tranh vì tấc tấc, vì giống nòi.
Trong chiến đấu chúng tôi là những người anh hùng, còn trong thời bình, chúng tôi vẫn là người bạn thân thiết của con người Việt Nam, chúng tôi được dùng làm nguyên liệu để phục vụ cuộc sống hàng ngày như: đũa, gậy, vật dùng để gói gém, thắt buộc, gậy gộc, rổ rá… Cuộc sống của con người không thể không thiếu chúng tôi, nhất là những người dân ở vùng nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay kinh tế, công nghệ phát triển thì vai trò của chúng tôi cũng không còn được như khi xưa nữa.
Nhưng, dù thế nào thì chúng tôi cũng đã trở thành biểu tượng về sự kiên cường, cứng cỏi của người Việt Nam, chúng tôi được mọi người dân Việt Nam biết đến, đặc biệt hơn là cả những người ngoại quốc cũng biết đến chúng tôi, để khi nhìn chúng tôi thì học sẽ liên tưởng ngay đến con người cũng như những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Không chỉ tôi mà cả họ nhà tre chúng tôi đều rất tự hào về điều đó.
Thuyết minh về cây tre 11
Dọc theo đất nước Việt Nam, có thật nhiều những loài cây, mỗi loài mỗi vẻ, mỗi vai trò riêng trong cuộc sống của con người. Và có lẽ, từ bao đời nay, cây tre vẫn luôn là loài cây thân thuộc, gần gũi và gắn bó sâu sắc với những làng quê nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung.
Tre là một loài cây được trồng phổ biến ở nhiều nơi trên đất nước ta. Tre là một trong số nhiều loài cây thuộc tông tre, phân họ tre, thuộc bộ hòa thảo. Cây cùng họ với nhiều loài khác như nứa, vầu, trúc,... Đồng thời, tre thuộc nhóm thực vật thân xanh, có thể sống nhiều năm, còn gọi là cây đa niên và được trồng ở nhiều nơi.
Tre được chia làm nhiều loại khác nhau như tre gai, tre mạnh tông, tre vàng sọc,... Mỗi loại ấy đều có những đặc trưng riêng song chúng đều mang trên mình những đặc điểm chung của tre. Trước hết, mỗi cây tre thường cao khoảng tám đến mười mét, thân cây được chia làm nhiều đốt khác nhau và bên trong nó thường rỗng. Tùy vào từng loại tre khác nhau mà màu sắc của thân tre cũng như độ dài của các đốt trên thân tre cũng có thể khác nhau.
Thêm vào đó, lá tre thường dài, mỏng và dẹt, có một đầu nhọn hoắt và thường có các gân lá song song với nhau theo chiều dọc của lá cây. Lá tre thường kết lại với nhau thành một chùm gồm năm lá, tỏa ra các hướng trông như một chiếc quạt nan. Theo thời gian và độ trưởng thành của cây tre, lá tre cũng chuyển đổi từ màu xanh sang màu vàng và cuối cùng là rụng đi.
Và một điều chắc hẳn ít ai biết đó chính là tre cũng có hoa. Hoa tre thường có màu trắng, tuy nhiên, ít ai có thể nhìn thấy nó bởi lẽ, hoa tre thường rất ít khi nở và nó thường chỉ nở một lần duy nhất vào cuối vòng đời của nó. Đồng thời, tre là loài cây rễ chùm, chúng không sống riêng rẽ từng cây như các loài cây khác mà nhiều cây tụ lại với nhau, sống thành từng khóm, từng lũy như để bao bọc, chở che cho nhau.
Tre là loài cây gần gũi, quen thuộc với mọi người nhưng nó lại có nhiều công dụng và ý nghĩa to lớn trong đời sống của con người Việt Nam từ ngàn đời nay. Măng tre là một món ăn ngon, quen thuộc của hàng triệu con người Việt Nam từ xưa đến nay. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đây là món ăn quen thuộc dùng để chống đói, cải thiện đời sống cho quân và dân ta.
Ngày nay, măng còn có thể được sử dụng để nấu nhiều món ăn khác nhau như nộm măng, măng xào, canh măng nấu chua, vịt nấu măng,... Thêm vào đó, tre còn là nguồn nguyên liệu quan trọng trong sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ độc đáo như giỏ hoa, đèn treo, ghế,... Đó là những mặt hàng được người Việt Nam và du khách quốc tế yêu thích và tin dùng. Đồng thời, tre được sử dụng để tạo ra nhiều vật dụng hữu hiệu và cần thiết trong cuộc sống hằng ngày của con người Việt Nam như đũa tre, làm bờ rào, làm giá để đồ, làm rổ rá,...
Đặc biệt, trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, tre là người đồng hành tin cậy, là vũ khí cùng nhân dân ta đánh đuổi quân xâm lược, đúng như nhà văn Thép Mới trong "Cây tre Việt Nam" đã viết "Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng đại bác, tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người ! Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!"
Hơn nữa, tre còn là loài cây biểu tượng cho "cốt cách con người Việt Nam" với nhiều phẩm chất đáng quý như kiên cường, đoàn kết, luôn biết quan tâm, yêu thương lẫn nhau. Cùng với con trâu, giếng nước, cây tre trở thành một biểu tượng đẹp cho làng quê Việt Nam. Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cây tre luôn giữ một vai trò, vị trí rất đặc biệt và có lẽ bởi thế nó là một trong số những loài cây được nhắc tới nhiều trong các tác phẩm văn học và hội họa.
Tóm lại, tre là loài cây gần gũi với mọi người song nó lại có giá trị và ý nghĩa hết sức to lớn trong đời sống của con người Việt Nam. Nhắc tới cây tre, ta nhớ ngay đến một loài cây biểu tượng cho vẻ đẹp bình yên của làng quê Việt và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
Thuyết minh về cây tre 12
Trong đời sống hàng ngày và trong tâm hồn của người Việt, ngoài hoa sen, cây lúa thì có lẽ, cây tre chính là loài cây phổ biến và quen thuộc nhất. Có lẽ, trong tiềm thức của con người Việt Nam, hình ảnh bờ tre đã trở thành một biểu tượng quen thuộc không thể nào xóa nhòa. Cây tre đã có từ lâu đời, gắn bó với người Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. Tre xuất hiện trong truyền thuyết đánh giặc ngoại xâm, xuất hiện trong đời sống ngày thường,…từ miền ngược tới miền xuôi, đâu đâu cũng thấp thoáng khóm tre thân thuộc.
Trong tất cả các loài thực vật, có lẽ tre chính là loài cây dễ sống bậc nhất. Dù là ở nơi “đất sỏi, đá vôi bạc màu” thì cây vẫn có thể sinh trưởng và tỏa ra bóng mát êm dịu. Tre không đứng riêng lẻ mà cây mọc thành từng khóm, từng bụi, tre đoàn kết như chính mảnh đất mà cây sinh trưởng. Ban đầu, tre chỉ là một mầm măng nhỏ, yếu ớt, mũi nhọn hướng thẳng lên trời.
Trải qua bao nắng mưa, tre giờ đây đã trở thành những thân cây mạnh mẽ, dẻo dai, sẵn sàng đối đầu với những phong ba bão táp. Thân tre tuy khá nhỏ, lại rỗng bên trong nhưng mang rất nhiều gai nhọn, không cẩn thận có thể bị đâm bởi những chiếc gai ấy. Thân cây óng mượt màu xanh lục được điểm xuyến với rất nhiều lá xanh mỏng, dài nhọn như hình mũi mác.
Tre bám rất sâu vào đất bởi đặc tính vùng đất mà tre sinh trưởng thường khô cằn, sỏi đá. Cả cuộc đời, tre chỉ ra hoa một lần, để rồi khi trải qua giai đoạn đẹp nhất ấy, tre cũng sẽ khép lại quãng thời gian của mình. Tre rất quan trọng với con người cả về mặt vật chất và tinh thần. Tre là mái nhà tranh, là công cụ lao động. Tre là điếu cày cho ông, là rổ rá cho bà, cho mẹ.
Tre còn là chiếc chõng trong buổi trưa hè lộng gió, là đôi đũa quen thuộc trong các bữa ăn. Tre là những que chuyền nhỏ nhắn, là tiếng sáo diều vi vu,…Măng tre là món ăn mộc mạc nhưng đậm đà hương vị quê hương. Hình ảnh tre cứ thế, dần dần lấp đầy tâm hồn người Việt.
Không chỉ đến bây giờ mà từ xa xưa, cây tre đã luôn ở bên cạnh con người từ cuộc sống cho đến chiến đấu. Gậy tre, chông tre chống lại quân thù xâm lược. Tre giữ làng giữ nước. Tre bảo vệ xóm thôn, bảo vệ con người ! Tre là bạn, là mối dây không thể thay thế !
Cuộc sống càng hiện đại, những vật dụng bằng tre cũng đã ít dần trong nhà, những bụi tre làng chỉ còn thấy tại những vùng quê yên ả. Tuy vậy, hình ảnh bụi tre kiên cường, bất khuất tượng trưng cho tâm hồn, khí phách con người Việt Nam luôn là hình ảnh đẹp, là biểu tượng không thể thay thế bởi một yếu tố nào khác.
Thuyết minh về cây tre 13
Tre xanh, xanh tự bao giờ
Tự ngàn xưa, đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy, nên thành, tre ơi ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu "…
Việt Nam có một hệ thực vật phong phú và đa dạng. Một trong những nguồn tài nguyên thực vật phân bố tương đối rộng và gần gũi với cuộc sống hằng ngày của người dân là cây tre, được mệnh danh là “gỗ của người nghèo".
Tre là một nhóm thực vật đa niên, thân gỗ, là một loại thực vật có hoa, nhưng chỉ nở hoa một lần duy nhất vào lúc cuối đời. Hoa tre có mùi hương hơi nồng và có màu vàng nhạt như màu đất. Tre Việt Nam có 7 loại là: tre mạnh tông, tre gai, tầm vông, tre vàng sọc, tre mỡ, tre tàu và trúc.
Tre xanh lúc còn sống có màu xanh mượt, đốt dài và bóng nhẵn, đường kính của thân tre trưởng thành khoảng tư 6 đến 8cm. Cao không đến 10m. Tre gai kích thước ốm và thấp hơn, lá cũng mỏng manh hơn nhưng ở mỗi đốt tre mọc ra rất nhiều nhánh gai, sắc, nông dân thường trồng thành hàng rào chống trộm. Tre ngà là loại tre có thân sọc vàng xen lẫn với sọc xanh rất đẹp. Người ta thường trồng làm cảnh.
Tre rừng, mọc hoang trong rừng nên thường không tươi tốt lắm. Ngược lại, lồ ô, tầm vông là loại tre rừng khổng lồ, bề ngang và bề cao của nó gấp hai, ba lần tre xanh. Nó mọc thành từng bụi, từng hàng như rừng trong vùng đất hoang. Người ta đốn lấy gỗ làm nhà tranh, nhà sàn rất chắc chắn. Lồ ô to lớn bao nhiêu thì trúc lại mảnh mai, yếu ớt bấy nhiêu vì thân rỗng và kích thước nhỏ bé.
Có hai loại trúc là trúc xanh và trúc vàng. Gần đây nước ta có nhập thêm một ít trúc kiểng gọi là trúc Nhật. Những cây kiểng này có hình dáng đặc biệt, thân màu vàng óng, lá xanh mượt mà rất được mọi người ưa chuộng, trồng làm cảnh và thường bày ở mái hiên, phòng khách.
Tre được sử dụng làm cột kèo để dựng nhà, làm đũa, làm máng nước, rổ rá, làm vật dụng nông nghiệp. Tre trồng làm hàng rào. Tre khô làm củi đun. Thân tre chẻ nhỏ để nhóm bếp rất đượm lửa. Lá tre thường được người miền Nam lấy để gói bánh tro vào dịp lễ giết sâu bọ. Lạt tre dùng để cột bánh. Thân tre được dùng để làm đũa. Các thợ thủ công cũng đã tận dụng thân tre để đan thành giỏ tre, rổ tre.
Nhân dân ta thường đong dầu, đong nước mắm khi mua bán bằng ống tre. Thời cách mạng, bộ đội Việt Nam dùng ống tre để đựng nước, nấu cơm. Trong quán ăn ở vùng nông thôn, người ta cũng chẻ thân tre để làm ống tăm cho khách sử dụng sau bữa ăn. Trong chiến tranh, tre được sử dụng làm vũ khí rất lợi hại. Lịch sử có kể về Nguyễn Thiện Thuật sử dụng tre để làm vũ khí chống giặc Pháp. Ngày nay, những bộ salon làm bằng mây và tre rất được ưa chuộng và trở thành một món hàng xuất khẩu đắt giá. Năm 2009, nông dân An Giang đã trồng tầm vông để lấy nguyên liệu sản xuất, lãi 120 triệu đồng trên một hecta.
Hình ảnh cây tre đã đi vào ca dao, thơ văn và ca từ. Chẳng hạn như:
"Rễ siêng chẳng ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu lá bấy nhiêu cần cù
Nghiêng mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành…"
Ông bà ta có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn tre tốt:
"Trồng tre, trồng trúc, trồng dừa
Muốn nên cơ nghiệp thì chừa lang vân."
Người ta còn sử dụng tre già hay tre non vào những việc khác nhau:
"Tháng tám tre non làm nhà
Tháng năm tre già làm lạt"
Người thợ mộc còn so sánh độ bền của tre như sau: "Tre già là bà gỗ lim". Ngoài ra, ông bà ta còn nhìn cây tre để nghe ngóng về thời tiết: “Lá tre trôi lộc, mùa rét xộc đến”. Và từ để người xưa còn rút ra một quy luật sống của thiên nhiên và con người: “Tre già, măng mọc” tre chẻ ra làm nuộc lạt, trở thành một thứ không thể thiếu ở nhiều chỗ: khi gói bánh, bó rau hoặc lợp nhà. Ca dao cũng nhắc đến nuộc lạt: “Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”. Ai từng đọc truyện Thánh Gióng hẳn không quên bụi tre Đằng Ngà khi Thánh Gióng nhổ tre đánh tan giặc ngoại xâm: "Chẻ tre nghe Gióng".
Tre không những đi vào thơ văn mà măng tre còn là một thực phẩm chế biến đa dạng. Các món ăn từ măng tre: măng tươi, măng khô, bún măng vịt, măng xào thịt ba rọi, thịt kho măng, măng luộc chấm mắm tôm, măng chua… Bún măng vịt là món ăn được nấu với vịt non, béo, măng tươi hoặc khô đã được luộc và thay nước nhiều lần, khi ăn người ta cho bún, một ít hành răm và rau sống vào nữa, trở thành một món ăn vừa thơm vừa béo với nước dùng ngọt dịu.
Măng tươi đã luộc kĩ, có màu vàng chanh, được xắt miếng xào chung với thịt ba rọi trở thành một món ăn dân dã và rất ngon nếu có thêm một vài lát ớt đỏ thì lại càng hấp dẫn. Thịt heo kho măng cũng là một món ăn “bắt mắt”, nấu nhanh và để được vài ngày, tiết kiệm được thời gian nấu nướng mà khi chan vào chén cơm nóng thì cũng rất ngon miệng. Măng luộc phải chọn măng trúc non, vào mùa mưa.
Sau khi luộc nhiều lần, ta xắt mỏng rồi chấm với mắm tôm hoặc nước mắm ngon ăn kèm với cơm như một món rau. Nó sẽ có một vị vừa giòn vừa mát, kèm theo một vị ngọt dịu của măng tươi. Nói tóm lại thì cây tre luôn là người bạn đồng hành và nó đóng góp tất cả lợi ích của bản thân mình cho con người Việt Nam.
Từ bao đời nay, cây tre là người bạn gắn bó và gần gũi với người dân Việt Nam. Hiện nay cuộc sống ngày càng hiện đại và có nhiều đồ dùng là bằng nhựa, inox xuất hiện. Nhưng người ta vẫn có khuynh hướng quay về với thiên nhiên. Ngày nay, nhiều người đã bỏ trồng lúa hoặc cây khoai, đốn cây tre để có chỗ xây nhà lầu, nhưng nếu một lúc nào đó, nước ta không còn một bóng tre thì đời sống sẽ khó khăn và buồn tẻ biết mấy! Tre đã cống hiến tất cả sự sống cho con người nên ta phải yêu quý và bảo vệ cây tre Việt Nam.
Thuyết minh về cây tre 14
Quê em có muôn ngàn cây lá khác nhau, mỗi cây có một vẻ đẹp riêng, một công dụng riêng. Nhưng gân gũi nhất vẫn là cây tre. Nếu như làng quê thiếu lũy tre làng thì chẳng còn là làng quê nữa.
Tre có dáng thẳng, thân tròn. Tre đứng thành bụi, giăng thành hàng, thành lũy. Lá tre mỏng, nhọn, trông mảnh khảnh nhưng thật dẻo dai. Họ nhà tre có mấy chục loại khác nhau, nhưng cùng một điểm tương đồng, đó là cùng có mầm nọn măng mọc thẳng. Dáng tre vươn cao, có chiều quằn ở ngọn, màu tre tươi như nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên cứng cáp, dẻo dai, tre mộc mạc, giản dị như người nông dân chân lấm tay bùn.
Cây tre đã góp phần tô điểm cho cảnh sắc quê hương em. Tre ôm ấp xóm làng, tre làm cho phong cảnh làng quê thêm duyên dáng, thanh bình. Còn gì đẹp hơn hình ảnh những mái đình, ngôi chùa cổ thấp thoáng dưới bóng tre xanh, ánh trăng vàng lơ lửng trên ngọn tre. Và cũng thật là đẹp với hình ảnh con trâu nằm nhai bóng râm dưới bụi tre đầu làng. Tre hòa quyện cùng với cuộc sống lao động, tre chia ngọt sẻ bùi cùng con người trong những phút thư nhàn ngồi trò chuyện cùng nhau. Tre làm cho quê hương em có một vẻ đẹp yên bình, ấm áp.
Tre không chỉ đẹp đơn thuần là màu xanh cây lá; không chỉ là cái dáng nghiêng nghiêng ôm ấp xóm thôn mà vẻ đẹp của tre còn là sự cần cù, chất phác:
Cánh đồng ta năm đôi ba vụ
Tre với người vất vả quanh năm. (Cây tre Việt Nam – Thép Mới)
Tre là bạn của nhà nông. Tre giúp người làm cột, làm kèo, đan phên nứa để dựng vách, làm sườn nhà… Tre từng một nắng hai sương với người lao động. Tre làm cán cuốc, cán cày. Tre đồng cam cộng khổ với người, cùng người gánh vác khó khăn, cùng người hạnh phúc. Tre là bạn tâm giao với mọi lứa tuổi. Tre gắn bó với tuổi già, chiếc điếu cày giúp cụ già khoan khoái hút thuốc làm vui, nhổ vụ trước; nghĩ đến mùa sau hay nghĩ đến một ngày mai bội mùa, no ấm.
Tre đem lại niềm vui cho con trẻ, tre làm chiếc nôi để những em bé có giấc ngủ say nồng, tre làm que chuyền để trẻ em có niềm vui thú. Tre đan rổ, rá, nong, nia để các bà, các cô có cái mà sử dụng. Tre đem lại vẻ đẹp giản dị, thuần khiết cho người con gái thôn quê. Guốc tre, nón tre đi cùng với tà áo dài của người phụ nữ Việt Nam thì đẹp biết bao! Không chỉ thế, tre còn đem lại hạnh phúc lứa đôi:
Lạt này gói bánh chưng xanh
Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng.Thép Mới
Tre không chỉ phục vụ nhà nông mà còn là vũ khí để đánh giặc. Gậy tre, chông tre, mũi tên tre đã dựng nên thành đồng Tổ quốc. Tre mang chí khí như người chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu giữ làng, giữ nước, giữ hòa bình hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.Chiến tranh đi qua, tre lại mang nét đẹp duyên dáng, trữ tình. Tre rì rào khúc hát bốn mùa. Tre vi vút những bài ca xây dựng của cuộc sống đang hướng tới tương lai. Tre hiên ngang đứng giữa cổng chào chiến thắng.
Ngày nay, đất nước ta đã có một nền khoa học công nghệ hiện đại nhưng cây tre Việt Nam vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống. Tre có mặt khắp nơi, các mặt hàng được làm từ tre đã đi khắp mọi miền Tổ quốc, được xuất khẩu ra nước ngoài. Tre vinh dự góp phần đưa nền kinh tế đất nước ngày một đi lên. Đặc biệt hơn nữa, tre nứa làm nên những trang giấy trắng tinh để chứa đựng biết bao nguồn tri thức giúp các em vững bước vào đời.
Cây tre thật đẹp, thật có ích. Tre gắn bó với người, cùng người lao động và chiến đấu, cùng người xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong tương lai, tre vẫn còn mãi mãi. Tre già, măng mọc, theo qui luật từ bao đời nay. Búp măng non mãi trên phù hiệu hay trên mũ đội viên. Đó là hình ảnh lớp trẻ đang lớn mạnh, là thế hệ tương lai của đất nước.
Em mong rằng quê hương em vẫn mãi mãi xanh một màu xanh của tre, màu xanh của tâm hồn, của nền văn hóa, của cuộc sống tươi đẹp, phồn vinh.
Thuyết minh về cây tre 15
“Tre xanh xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”
Đó là những câu thơ hay nói về một loài cây vô cùng gần gũi, thân thuộc với cuộc sống của người dân đất Việt-cây tre. Tre xanh đã trải qua hàng nghìn đời, không ai biết cây tre có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi ta sinh ra và lớn lên, tre đã tồn tại, gắn bó với đời sống hàng ngày và trở thành biểu tượng của khí chất ngay thẳng. Hãy cùng tìm hiểu bài thuyết minh về cây tre để biết rõ hơn về loài cây này nhé.
Tre là một loài cây thuộc nhóm thực vật thân gỗ, thân cây mọc thẳng, có nhiều đốt, vươn lên cao và thường sống thành từng bụi. Tre rất dễ sống, có thể sống trong điều kiện đất đai khô cằn, không mất công chăm sóc như nhiều loài cây khác. Tre thường sống được trong khoảng từ 13-15 năm tuổi.
Về hình dáng, tre có đầy đủ các bộ phận như rễ tre, thân tre, cành tre, lá tre. Rễ tre thường mọc thành chùm và cắm sâu vào lòng đất, có một phần rễ tre nổi trên mặt đất, bao bọc lấy thân cây. Thân cây to thẳng, có chiều dài khoảng 5 mét đối với những cây trưởng thành, được hợp thành bởi nhiều đốt tre. Đốt tre thường được phân cách với nhau bằng mắt tre, phần bên trong của mỗi đốt thường rỗng.
Lá tre là cơ quan quang hợp của cây tre, phần lá tre không có lông tơ, thường được cấu tạo bởi hai phần bẹ lá và phiến lá. Phần bẹ lá dài, có hình lòng máng, gắn chặt vào cành từ phần cuống lá, ngoài ra còn có tai lá, và lưỡi lá thường khá sắc.
Hoa tre cũng là một trong những bộ phận của cây tre nhưng thường rất hiếm nở. Hiện tượng hoa tre nở có thể được xem là một hiện tượng độc đáo và phải là người may mắn mới có thể thấy được. Hoa tre có dạng bông màu vàng nhạt, nhị hoa bao lấy phấn hoa, khi tàn sẽ hình thành quả nhỏ bằng hạt thóc, có thể phát tán để mọc thành cây non.
Về giá trị vật chất, tre có thể được sử dụng trong xây dựng. Người xưa vẫn thường ngâm thân tre trong nước, ủ khoảng vài tháng rồi sử dụng để làm kèo mái nhà rất chắc chắn.
Trong nông nghiệp, tre được sử dụng để làm cán cào, cán cuốc rất chắc chắn. Tre được sử dụng làm chiếu, chõng, chạn bát, muôi múc, gáo, gầu, ống đựng. Mọi vật dụng trong gia đình ở làng quê Việt Nam thời xa xưa dường như đều có sự xuất hiện của vật dụng làm từ tre.
Cây tre còn được sử dụng để làm vũ khí chiến đấu như giáo mác, gậy gộc, cung tên trong thời chiến. Bên cạnh đó, thân tre cũng được sử dụng để làm đồ mỹ nghệ, đan lát. Nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như giỏ hoa, lọ hoa, sọt đựng, nia, mẹt.
Lá tre cũng có nhiều công dụng như tạo bóng râm cho người nông dân nghỉ ngơi sau những buổi làm việc đồng áng mệt nhọc. Khi lá tre khô và rụng xuống còn được sử dụng làm chất đốt.
Măng được sử dụng làm thức ăn, có rất nhiều món ăn ngon được chế biến từ nguyên liệu này. Đây cũng là món ăn được ưa thích và phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Không những thế, mà măng còn là món ăn của bộ đội ta trong thời kỳ kháng chiến. Trong nhiều bài thơ, hình ảnh măng đã xuất hiện một cách hết sức tự nhiên, như trong thơ Bác:
“Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”
Hay trong “Việt Bắc” của Tố Hữu, hình ảnh những cô em gái hái măng đã trở thành một hình ảnh vô cùng quen thuộc. Thậm chí trong thơ cổ, món ăn dân giã này còn thường xuyên được nhắc tới “Thu ăn măng trúc đông ăn giá/Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao” (Nhàn_Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Đối với trẻ thơ, hình ảnh cây tre cũng gắn bó với những kỉ niệm tươi đẹp không thể nào quên, những hôm vui chơi dưới gốc tre những trưa hè, lấy lá tre làm đồ chơi, lấy cành tre vót thành cần câu cá, lấy đốt tre làm ống đựng, làm nhiều thứ đồ chơi dân giã khác.
Tre còn là một loài cây dễ sống, dễ mọc, chính bởi vậy mà trong bài thơ “Tre Việt Nam”, nhà thơ Nguyễn Duy đã miêu tả:
“Thân gầy guộc lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành em ơi
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu
Có gì đâu có gì đâu, mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành”
Cây tre không chỉ mang lại những giá trị về kinh tế, giá trị vật chất mà còn gắn bó với đời sống tinh thần của người dân Việt. Hình ảnh cây tre trở thành biểu tượng của đức tính trung thành, kiên cường bất khuất và sức sống mãnh liệt. Tinh thần bất khuất ấy cũng được thể hiện thành công trong những vần thơ:
“Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre kia không ngại khuất mình bóng râm
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay vin tay níu tre gần nhau thêm”
hay:
“nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường”
hay trong bài thơ “Viếng Lăng Bác” khi nhìn thấy những hàng tre xanh xanh thẳng hàng trước lăng, nhà thơ đã liên tưởng ngay đến hình ảnh cây tre kiên cường, trong mọi hoàn cảnh vẫn đứng thẳng hàng:
“Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão tố mưa giông vẫn thẳng hàng”
(Viếng Lăng Bác_Viễn Phương)
Hình ảnh những thân tre đùm bọc lấy nhau, đứng thành hàng lũy còn là biểu tượng cho tình thần đùm bọc, lá lành đùm lá rách của người con đất Việt:
“Thương nhau tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người”
Tinh thần ấy còn được thể hiện qua những vần thơ:
“Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con”
Giá trị tinh thần của loài cây này còn được thể hiện một cách sâu sắc trong văn hóa dân gian của dân tộc ta. Trong những câu chuyện cổ tích tre trở thành vũ khí đánh giặc, lũy thành tre dường như là một bức tường thành kiên cố chống lại quân thù, đẩy lùi giặc xâm lược.
Nhiều hoạt động sinh hoạt của người dân Việt thường diễn ra dưới gốc tre, chính vì lẽ đó mà tre đã trở thành một loài cây biểu tượng, không thể thiếu khi nhắc đến làng quê Việt Nam.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tre vẫn mãi là một loài cây được ưa chuộng, là một loài cây gắn bó thân thiết với làng quê Việt. Những bức họa hình cây tre tĩnh lặng, cứ thế đi vào tâm hồn ta, mang đến cho mỗi người cảm giác bình yên khó tả.
Như vậy, qua bài thuyết minh về cây tre này, chắc chắn các bạn đã hiểu hơn về loài cây này, đặc điểm hình dạng, công dụng cũng như ý nghĩa to lớn của nó. Cây tre sẽ mãi gắn với hình ảnh làng quê Việt Nam, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường, của tâm hồn cao quý.
Thuyết minh về cây tre 16
Bức tranh thanh bình của làng quê Việt Nam là cảnh sắc làng quê nông thôn với những biểu tượng đặc trưng mang đậm sắc thái dân tộc: mái đình cây đa, cánh cò, sáo diều, con trâu, lũy tre…Dù đi đâu về đâu thì hình ảnh ấy vẫn sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam.
“ Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi”…
Cái hình ảnh “lắc lẻo” ấy cứ rung động nhẹ nhàng liên tiếp trong lòng tôi mãi mãi như lời ru của mẹ, nằm trên chiếc võng tre màu trà lên nước in bóng mẹ đã theo tôi đi hết cuộc đời. Cây tre là người bạn thân thiết lâu đời của người nông dân và nhân dân Việt Nam,với nhiều phẩm chất cao quý,nó đã trở thành biểu tượng về con người, về đất nước Việt Nam.
“Tre xanh xanh tự bao giờ. Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh” không biết tre có từ đâu, nhưng từ thời Hùng Vương thứ Sáu đã đi vào truyền thuyết lịch sử chống giặc cứu nước. Tre tượng trưng cho người quân tử bởi thân hình gầy guộc thẳng đứng, cao vút, bất khuất vươn lên bầu trời cao.
Lá thì mong manh, manh áo cọc bao ngoài thì để dành cho măng, như người mẹ hiền âu yếm, hi sinh cho đứa con yêu bé bỏng. Dù gầy guộc nhưng tre vẫn biết sống chung biết kết nên lũy nên thành, sự đoàn kết đó không sức mạnh gì tàn phá nổi. Những cây con thì nhọn hoắt, đâm thẳng, tự tin, vươn lên đầy sức sống, như sự tiếp sức cho thế hệ đi trước. Tre kiên gan bền bỉ vững chãi trong mọi môi trường sống dù bùn lầy, khô hạn, đất sỏi đất vôi bạc màu tre cũng xanh tươi mượt mà. Tre mộc mạc, nhũn nhặn, cứng cáp dẻo dai, thanh cao chí khí như người. Sự hóa thân ấy đã xóa bỏ ranh giới giữa con người với sự vật.
Tre là người bạn thân của con người, từ khi lọt lòng nằm trong chiếc nôi tre, lớn lên gắn bó với tre qua các trò chơi: tán hưng, ống thụt, làm diều, làm lồng đèn trung thu… Trưởng thành lao động dưới bóng tre những đêm trăng: “ Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng. Tre non đủ lá đan sàng được chăng?". Đến khi lấy vợ gả chồng thì cùng dựng mái nhà tranh có kèo cột tre, giường tre….Tre hiện diện trong đời sống con người từ ăn, ở, làm việc, trong phong tục, tập quán, dựng nhà dựng cửa… từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi, tre với con người sống chết có nhau chung thủy.
“Dưới bóng tre, thấp thoáng mái đình chùa cổ kính” là một nền văn hóa nông nghiệp, những nhọc nhằn, giần sàng, xay, giã đều có tre. Tre chẽ lạt gói bánh chưng khi xuân về, khít chặt như những mối tình quê cái thuở ban đầu nỉ non dưới bóng tre xanh. Tre trong niềm vui trẻ thơ, trong chút khoan khoái của tuổi già, khắng khít ràng buộc như định sẵn như tơ duyên.
Tre đi vào đời sống tâm linh như một nét văn hoá.Từ những câu hát, câu thơ như xâu chuỗi tâm hồn dân tộc “bóng tre trùm mát rượi”, một lời tâm sự về mùa màng “Cánh đồng ta năm đôi ba vụ. Tre với người vất vả quanh năm”, hay một khúc hát giao duyên “Lạt này gói bánh chưng xanh. Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng”. Nhạc của trúc của tre là khúc nhạc đồng quê. Những buổi trưa hè lộng gió, tiếng võng tre kẽo kẹt bay bổng, xao xuyến bâng khuâng man mác như lời của đồng quê của cuộc sống thanh bình.
Tre trong sự nghiệp dựng nước cũng bất khuất, can trường với khí tiết ngay thẳng: “Tre xung phong vào xe tăng đại bác. Tre giữ làng giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người”. Tre lăn xả vào kẻ thù vào cái ác, dù cái ác rất mạnh, để giữ gìn non sông đất nước, con người. Tre là đồng chí của ta, tre vì ta mà đánh giặc. Kì lạ thay cái cối xay tre là biểu tượng về cuộc đời lam lũ, về sự chịu đựng bền bỉ dẻo dai, vẫn là cây tre nhũn nhặn ấy, nó nhọn hoắt mũi tầm vông với sức mạnh của Thánh Gióng năm xưa đánh đuổi giặc Ân cứu nước.
Mai này, khoa học kĩ thuật có phát triển đến đâu, cũng không thể thay thế hình ảnh cây tre trong tâm hồn của con người Việt Nam. Nó trở thành cây tre tinh thần là bóng mát, là khúc nhạc tâm tình, còn là biểu tượng cao quý cho phẩm chất cốt cách con người Việt Nam.
Thuyết minh về cây tre hay nhất 17
Cây tre gắn bó với người nông dân Việt Nam từ hàng nghìn năm rồi. Hình ảnh làng quê Việt Nam từ xưa gắn liền với luỹ tre làng – những bụi tre gai ken dày chắn gió bão thiên tai và che chắn cho mỗi làng Việt trước trộm đạo, giặc cướp và kẻ xâm lược – nhân tai.
Cây tre đã đi vào văn hoá Việt Nam như một hình ảnh bình dị mà đầy sức sống, dẻo dai chống chịu thiên tai, gió bão và giặc ngoại xâm. Thế nhưng những năm gần đây, có một thực tế đáng buồn là loại cây đa dạng, thiết thực trong mọi mặt đời sống này đã bị coi nhẹ, bị chặt phá, bị thoái hoá… bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Về tính năng, không thể kể hết tính đắc dụng của tre đối với người dân Việt Nam: làm nhà cửa (vì kèo, lanh tô, phên liếp, vách tường…), làm vô số vật dụng: cái cần câu, cái vó cất tôm cất tép, cái đó, bè mảng, cái cầu ao và cả những cái cầu bắc qua những con mương, con kênh nhỏ; làm chông, làm tên bắn chống giặt ngoại xâm…
Tre từng được sử dụng phổ biến để làm đồ gia dụng: bàn ghế, giường chõng, các loại vật dụng sinh hoạt từ cái đòn gánh và đôi quang (thứ vật liệu đa dụng để gánh mọi thứ ra đồng và gánh lúa từ đồng về nhà, chưa kể còn được dùng như một thứ “tủ lạnh” thông thoáng để bảo quản thức ăn và chống chó, mèo, chuột hữu hiệu) đến cái khung cửi, cái xa quay sợi, cái rổ, cái rá, cái dần, cái sàng gạo, cái rế đựng nồi, cái gáo múc nước, cái bừa, cái cào, cái ách khoác lên cổ con trâu cày đến con dao cật nứa cắt rốn lúc chào đời, cái quạt nan, đôi đũa, cái tăm… nhiều thứ vật dụng làm bằng tre còn được dùng đến ngày nay.
Đấy là còn chưa nói tới các loại vật dụng của nhà nông, cũng như nhiều loại vũ khí thời xưa của cha ông ta đều có phần cán, phần tay cầm làm bằng một loại cây nào đó thuộc họ tre. Cây gậy tầm vông thời đánh Pháp xâm lược là một chứng tích đã đi vào lịch sử. Cây nêu dựng lên trước cửa nhà vào dịp năm mới thời xưa để trừ ma quỷ, cái ống đựng bút và quản bút lông của các nhà nho mà những năm gần đây về nơi thôn dã ta còn thấy, đến những cánh diều mà hôm nay con trẻ còn chơi… tất cả đều làm từ tre.
Vật dụng ngày càng có vẻ thuận tiện hơn, có vẻ đẹp đẽ hơn đã đẩy chúng ta xa rời thứ cây nhiều lợi ích như thế. Thậm chí có một thời ấu trĩ, người ta đã chặt đi những bụi tre gai quanh làng với lý do là chúng làm đất bạc màu.Những rặng tre rợp bóng ở đường làng, nghiêng xuống nơi bờ ao không còn mấy nữa. Nhiều người quên mất rằng bao đời tổ tiên người Việt khai phá đồng bằng Bắc Bộ được như ngày hôm nay là do đắp đê chống lụt, trị thuỷ. Những triền đê được giữ vững trước nước lụt, bão tố, ngoài phần công sức của người Việt xưa bao đời bồi đắp, thì còn có phần công sức của những bụi tre có tác dụng giữ đất, chống xói lở.
Thuyết minh về cây tre 18
Hình ảnh cây tre xuất hiện từ rất lâu, từ khi Thánh Gióng dùng tre để đánh giặc giữ nước tre đã đi vào lịch sự của dân tộc ta, đã gắn bó son sắt với con người chúng ta.
Từ rất lâu đã có câu: Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Với câu này cây tre được ví như một anh hùng oai hùng bất khuất làm sao? Hi sinh mình để bảo vệ cho đất nước về mọi thứ gắn liền với những công việc, những hình ảnh mà người nông dân phải ngày đêm canh tác làm ra. Với câu nói ấy, dừơng như tre đã đi vào tiềm thức của mỗi con người, đi vào lịch sử của dân tộc.
Có thể nói cây tre rất có giá trị trong mọi mặt, đầu tiên phải nói trong nền văn hóa. Với cây tre nó gắn liền với những nền văn hóa cổ xưa, từ rất lâu nó đã trở thành một vật gì đó vô cũng hiện hữu trong dân tộc. ngày nay cây tre đã trở thành những món đặc sản đặc sắc trong nền văn hóa nhờ bàn tay khéo léo của những con người nông dân.
Trong nền kinh tế, cây tre vẫn đóng một vai trò quan trọng. cây tre đã được con người chế tạo thành những thành phẩm vô cùng đáng yêu và có giá trị xuất khẩu. Với vóc dáng nhỏ nhắn mà xinh xắn làm sao, thân cây nhỏ dài được nhiều đốt, mọc thẳng. với vóc dáng của thân cây, con người dùng nó để đan các loại rổ, rá, cốt, ví, làm tăm… và nhiều đồ dùng có giá trị cao khác.
Khi cây tre còn nhỏ còn gọi là măng đây là một loại thức ăn rất có giá trị và được nhiều người ưa chuộng. Lá tre nhỏ với một màu xanh sáng sửa, con người dùng nó để làm thức ăn cho trâu bò. Tre có gai nếu không chú ý thì dễ bị gai đâm đó với chi tiết này cho thấy tre rất sắc bén và thể hiện sự son sắc ở đây.
Không chỉ có thế, tre được mọc thành bụi, chùm. Những rặng tre rợp bóng ở đường làng, nghiêng xuống nơi bờ ao không còn mấy nữa. Nhiều người quên mất rằng bao đời tổ tiên người Việt khai phá đồng bằng Bắc Bộ được như ngày hôm nay là do đắp đê chống lụt, trị thuỷ. Những triền đê được giữ vững trước nước lụt, bão tố, ngoài phần công sức của người Việt xưa bao đời bồi đắp, thì còn có phần công sức của những bụi tre có tác dụng giữ đất, chống xói lở.
Có thể nói, tre có giá trị rất lớn đối với con người Việt Nam. Vì vậy hãy biết nâng niu gìn giữ những gì mà đất nước ta đã, có đừng lãng phí nó một cách vô ích. Nó là một người bạn rất thân thiết của con người.
Thuyết minh về cây tre 19
Cây tre là một cây khẳng khiu nhưng có nhiều công dụng. Lá tre thường được người Việt Nam lấy để gói bánh vào dịp Tết Đoan Ngọ. Thân tre thì dùng để làm đũa, muỗng; các thợ thủ công cũng đã tận dụng thân tre để đan thành giỏ tre, rổ tre; nhân dân ta thường đong dầu, đong nước mắm khi mua bán bằng ống tre. Trong quán ăn ở vùng nông thôn, người ta cũng chẻ nhỏ thân tre để làm tăm cho khách dùng sau bữa ăn. Đôi khi người nông dân cũng dùng thân tre để nhóm bếp.
Tre có một số loại thông dụng như tre gai, tre xanh, tre ngà, tre rừng… Bên cạnh đó nó còn có anh em bà con như lồ ô, trúc, tầm vông… Tre xanh lúc còn sông có màu xanh mượt, đốt dài và bóng nhẵn, đường kính của thân tre trưởng thành khoảng từ 6cm đến 8cm‘, cao không đến 10m. Tre gai kích thước ốm và thấp hơn, lá cũng mỏng manh hơn nhưng ở mỗi đốt tre mọc ra rất nhiều nhánh, gai sắc, nông dân thường trồng thành hàng rào trông trộm. Tre ngà là loại tre có thân sọc vàng xen lẫn với sọc xanh rất đẹp, người ta thường trồng làm cảnh. Tre rừng thì không trồng được, mọc hoang trong rừng nên thường không tươi tốt lắm. Ngược lại, lồ ô là loại tre rừng khổng lồ, bề ngang và chiều cao gấp hai, ba lần tre xanh. Nó mọc thành từng bụi, từng hàng như rừng, trong vùng đất hoang.
Người ta đốn lấy thân làm nhà tranh, nhà sàn rất chắc chắn. Lồ ô to lớn bao nhiêu thì trúc lại mảnh mai, yếu ớt bấy nhiêu, vì thân rỗng và kích thước nhỏ bé. Có hai loại trúc là trúc xanh và trúc vàng. Gần đây nước ta có nhập thêm một ít trúc kiểng gọi là trúc Nhật. Những cây trúc kiểng này có hình dạng đặc biệt, thân màu vàng óng, lá xanh mượt mà rất được mọi người ưa chuộng, trồng làm cảnh và thường bày ở mái hiên, phòng khách.
Thuyết minh về cây tre 20
“Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa…đã có bờ tre xanh”
Đúng như những lời nhà thơ Nguyễn Duy đã gửi gắm trong bài thơ “Tre Việt Nam” của mình, cây tre đã xuất hiện và gắn bó với người dân Việt Nam từ rất lâu. Dường như sẽ chẳng có ai có thể nói rõ ra được cây tre xuất hiện từ bao giờ vì trong tiềm thức của người dân Việt, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên từ làng, bóng cây tre đã ở bên và che chở họ suốt từ những ngày ấu thơ cho đến khi trưởng thành.
Cây tre là một loại thực vật thuộc Bộ Hòa Thảo. Trong đó, cây tre thuộc phân họ Tre và thông Tre (tên tiếng Anh là bambuseae). Tông Bambuseae có đến hơn 1000 loại và 91 chi, sinh trưởng tập trung ở các đất nước thuộc châu Á. Tuy nhiên, ở Việt Nam, phổ biến nhất vẫn là các loài trúc, vàu xanh, sặt dây,… Như đã nói ở trên, thực sự không thể biết được cây tre bắt đầu mọc và sinh trưởng tại Việt Nam từ thời điểm cụ thể nào. Tuy nhiên, qua những câu chuyện cổ, những huyền thoại, những truyền thuyết được dân gian truyền miệng; qua việc ngắm nhìn những rặng tre bát ngát phủ xanh khắp các vùng miền ở đất Việt hiện nay, có thể hiểu được rằng, cây tre đã làm bạn với người Việt từ thời kỳ dựng nước, giữ nước, xây dựng và phát triển đất nước. Cây tre như một chứng nhân cho những trang sử vàng son của dân tộc, là một phần trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất “con rồng cháu tiên”.
Để nói về đặc điểm của cây tre, bằng mắt thường có thể thấy được thân cây tre có màu xanh lục. Sắc xanh này nhạt ở phần ngọn tre và từ từ lan đậm dần xuống gốc tre. Thân cây tre mọc thẳng tắp và có rất nhiều đốt. Thân cây tre còn rỗng ruột và có rất nhiều nhánh nhỏ có gai mọc ra từ thân tre. Chính những đặc điểm này của thân cây tre đã được đưa vào nhiều câu chuyện cổ tích quen thuộc như “Cây tre trăm đốt” hay “Khắc nhập khắc xuất”,… in sâu vào tâm trí của mỗi đứa trẻ thơ. Lá của cây tre rất mỏng và dài, có những đường gân chạy dọc trên bề mặt chiếc lá. Vào mùa hè, những chiếc lá tre xanh tươi rung rinh trong gió, tạo ra những tiếng rì rào êm ái đi vào trong giấc ngủ trưa của những con người sống dưới bóng tre. Rễ của cây tre thuộc loại rễ chùm, tuy những nhánh rễ rất nhỏ và mỏng nhưng lại bám rất chắc vào lòng đất. Đặc điểm này đã giúp cây tre chống chọi lại với mưa to gió lớn, đứng sừng sững và vững vàng chẳng kém gì những loại cây cổ thụ khác. Có lẽ nhà thơ Nguyễn Duy đã nhìn thấy sự quật cường này, để rồi phải thốt lên:
“Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu”
Cây tre ban đầu sẽ là một mầm măng nhỏ, mọc ngay dưới gốc cây tre trưởng thành, được bao bọc và che chắn trong lớp vỏ xanh dày. Mầm măng đó sẽ lặng lẽ tích lũy tinh hoa của đất trời rồi từ từ lớn lên, vươn mình trở thành một cây tre trưởng thành thẳng tắp. Khoa học đã chứng minh rằng, trong điều kiện lý tưởng, cây tre có thể cao thêm 15cm đến 20cm mỗi ngày. Đây thực sự là một sự phát triển rất thần kỳ, do đó cây tre thường có chiều cao trung bình từ 4m đến 5m. Có lẽ nhiều người không biết rằng cây tre cũng nở hoa. Hoa của cây tre có màu vàng rất nhạt, có hương thơm hơi nồng. Hoa tre rất hiếm khi nở, thời điểm hoa nở cũng chính là lúc cây tre khép lại vòng đời của mình. Và rồi sẽ lại có một cây tre non mọc lên ở chính gốc tre già đã rời đi ấy. “Tre già măng mọc”- từng thế hệ nối tiếp nhau trở thành một lũy tre dài chạy dọc khắp mảnh đất hình chữ S như thành lũy không gì phá nổi.
Không phải ngẫu nhiên mà hình tượng cây tre luôn gắn liền với người dân đất Việt, trở thành biểu tượng cho nền văn hóa truyền thống. Đó là bởi vì cây tre thực sự có rất nhiều công dụng khác nhau. Từ lao động, sinh hoạt, chiến đấu,dù là ở mặt nào của cuộc sống, cây tre đều đóng vai trò quan trọng và là người bạn kề vai sát cánh với mỗi người dân lao động.
“Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc” – Từ thuở sơ khai, cây tre đã luôn là nguồn vật liệu vô tận để người dân chế tạo ra vô vàn ra các loại vũ khí khác nhau sử dụng trong chiến đấu. Từ những chông tre được vót nhọn, cắm tại sông Bạch Đằng đã đánh tan quân Nam Hán đến những cung tên bằng tre, mác bằng tre, gậy tre,… Tất cả đều là những vũ khí sắc bén được người dân nắm chắc trong tay, dùng nó để hạ từng kẻ thù xâm lược và viết nên trang sử vàng son của dân tộc. Không chỉ thế, những lũy tre xanh mướt rì rào trong gió cũng trở thành chiến lũy để giữ lấy làng khi có giặc đến xâm lăng. Từng lũy tre đứng sừng sững, hết lớp này đến lớp khác đã bảo vệ cuộc sống cho cụ già, cho em thơ và là thành trì chiến đấu của những thanh niên đứng lên chống giặc bảo vệ mảnh trời quê hương.
Ngoài là vũ khí, người ta còn dùng cây tre để làm nên cái cào, cái cuốc, cái ra, cái rổ, làm cả đôi quang gánh gánh trên đôi vai của mẹ, của chị mỗi buổi chợ chiều. Đồ vật làm từ tre vừa nhẹ vừa dẻo dai và đặc biệt là rất bền Dường như người dân Việt đã nhìn thấy được những giá trị vật chất to lớn mà cây tre mang lại. Từ đó liên tục sử dụng cây tre để chế tạo dụng cụ lao động, dụng cụ sinh hoạt,… bắt đầu từ những ngày đầu xây dựng cuộc sống của mình. Thậm chí người ta còn lá tre phơi khô để làm thức ăn cho trâu bò, để làm lá đốt trong các bếp lửa ở làng quê. Măng tre thì được sử dụng làm thức ăn. Thật sự rất khó để có thể liệt kê được hết những món ăn được chế biến từ măng. Vị ngọt thanh của những khúc măng non đã biến măng tre trở thành một nguyên liệu quen thuộc giúp cho các món ăn truyền thống thêm thơm ngon, đậm đà.
Ngày nay, trong giai đoạn phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, việc trồng tre và sử dụng cây tre để làm nên các đồ thủ công mỹ nghệ đang rất được đầu tư quan tâm. Bằng sự khéo léo của mình, các nghệ nhân đã biến những vật dụng hàng ngày thô sơ mộc mạc như rổ, rá, giỏ,…trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Tất cả đều có tính ứng dụng và mang giá trị thẩm mỹ cao, rất được các du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Các sản phẩm từ tre đã được xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới, tạo ra nguồn thu nhập cho những người dân lao động và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Thương hiệu đồ thủ công mỹ nghệ làm từ tre của Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường trong nước và nước ngoài, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Lào, Malaysia,…
Bên cạnh những giá trị vật chất, cây tre còn mang đến những giá trị tinh thần lớn lao cho người dân trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Bóng tre xanh mát đã là nơi vui đùa của những đứa trẻ vùng quê trong suốt những năm tháng ngây ngô nhất; là nơi em thơ nằm gọn trong chiếc võng đi vào giấc ngủ trong tiếng à ơi của mẹ, của bà. Bóng tre còn là nơi nghỉ chân của các cô, các bác sau một ngày làm đồng mệt nhọc. Những lũy tre giống như lá phổi xanh của các làng quê, không chỉ đưa đến bóng mát mà còn tạo ra không khí thanh mát trong lành mà vùng đô thị khó có được. Từ lá tre, những món đồ chơi truyền thống đã được sáng tạo và trở thành niềm vui cho những đứa trẻ lớn lên từ làng. Có lẽ sẽ chẳng đứa trẻ nào quên được cào cào lá tre, đèn lồng tre,…Tất cả dù giản dị, mộc mạc, chẳng được màu sắc bắt mắt như đồ chơi bằng nhựa, nhưng lại cùng chúng ta trưởng thành.
Không chỉ thế, hình ảnh cây tre còn đi vào trong văn học, trong thơ ca của người Việt, là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của các nhà văn, nhà thơ. Hình ảnh cậu bé Thánh Gióng nhổ bụi tre đằng ngà, cưỡi ngựa sắt, một mình đánh tan giặc Ân có lẽ đã in sâu vào trong tiềm thức của bất kỳ người dân Việt Nam nào. Hình ảnh đã thành biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng thần kỳ trước bất kỳ kẻ thù xâm lược nào, dù chúng có lớn mạnh hơn quân ta gấp nhiều lần. Hình ảnh đó cũng thể hiện sự dũng cảm cùng với khát vọng vươn mình chiến thắng trước nghịch cảnh của nhân dân đất Việt. Đến thời kỳ của văn học hiện đại, cây tre tiếp tục xuất hiện trong nhiều bài thơ, bài văn nổi tiếng. Nhà thơ Nguyễn Duy đã từng viết trong bài “Cây tre Việt Nam”:
“Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chất dồn lâu hóa nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”
Nhà văn Thép Mới cũng đã có những lời văn ấn tượng để miêu tả về cây tre trong bài “Tre Việt Nam”. Chính sự tương đồng về những đặc điểm của cây tre và vẻ đẹp của con người Việt đã giúp cho cây tre trở thành hình ảnh đại diện cho con người Việt Nam trong nền văn học dân tộc. Những câu chuyện cổ, những huyền thoại, truyền thuyết, những bài thơ, bài văn đó đã chứng minh được vị trí của cây tre trong đời sống văn hóa của người Việt. Từ đó dần dần nâng tầm hình ảnh của cây tre trở thành một biểu tượng văn hóa đặc biệt được bạn bè quốc tế ca ngợi.
Ngày nay, khi đất nước đã hòa bình, khi đất nước đã hiện đại, có thể người ta sẽ không còn sử dụng tre để làm vũ khí, cũng không còn sử dụng tre để làm vật dụng sinh hoạt hàng ngày vì đã có đồ nhựa, đồ inox,…Nhưng điều đó không có nghĩa là cây tre đã mất đi những giá trị của mình. Thế hệ sau của đất nước sẽ trồng, sẽ gìn giữ và bảo vệ lũy tre làng theo một cách khác, để hình ảnh cây tre sẽ luôn sừng sững trong trái tim của những người con đất Việt và trong mắt của bạn bè quốc tế.
Thuyết minh về cây tre 21
Tre xanh xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh.
Hai câu thơ ấy như đã khái quát một cách đầy đủ nhất về hình ảnh cây tre vốn quen thuộc, bình dị và gần gũi với những làng quê Việt Nam. Và để rồi, mỗi lần nhắc tới chốn làng quê bình yên ấy mỗi người chúng ta lại nhớ đến hình ảnh cây tre như một lẽ tự nhiên.
Tre là loài cây có từ lâu đời ở hầu hết các vùng quê trên đất nước Việt Nam. Xét về nguồn gốc, tre là một trong số những loài cây thuộc bộ Hòa thảo, họ tre. Đồng thời, nó là thuộc nhóm thực vật nhóm thực vật thân xanh, sống lâu năm. Tre có nhiều loại khác nhau như tre mạnh tông, tre gai, tre vàng sọc, tre tàu và trúc, song chúng đều mang những đặc điểm chung. Trước hết, tre là một trong số những loài cây rễ chùm, thường sống rất lâu và sống thành từng lũy, từng khóm chứ không sống riêng rẽ từng cây một. Thân tre thường cao từ 8 đến 10 mét và thẳng đứng, nhẵn bóng, chia thành nhiều đốt khác nhau, mỗi đốt có độ dài khoảng 10 xăng-ti-mét. Bên trong thân cây thường rỗng và có các màng trăng bên trong. Tùy vào từng loài tre khác nhau và độ dài của thân tre có thể thay đổi như tre gai thường thấp hơn các loài tre khác. Lá cây tre thường dài, mỏng và dẹt, một đầu của lá tre thường thon nhọn như mũi dao. Lúc mới ra lá tre thường có màu xanh và theo thời gian, lá tre dần chuyển sang màu vàng và rụng đi để những lá mới mọc lên. Lá tre thường mọc theo tán gồm có năm chiếc lá kết lại với nhau thành chùm. Tre cũng là một loài cây có hoa nhưng chắc hẳn ít ai có thể nhìn thấy hoa tre bởi lẽ hoa tre rất ít khi nở, thông thường nó chỉ nở hoa từ 5 đến 60 năm một lần duy nhất vào cuối đời. Với những điểm nêu trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng tre là loài cây rất dễ sống và phát triển, nó có thể tồn tại ở bất cứ điều kiện khắc nghiệt nào của thiên nhiên.
Có thể nói, tre là một trong số những loài cây có vị trí quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của những người dân nơi làng quê Việt Nam nói riêng và con người Việt Nam nói chung từ xa xưa cho đến tận ngày nay. Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt của dân tộc, tre trở thành người bạn đồng hành, cùng chiến đấu và chúng kiến biết bao hi sinh, mất mát cùng những chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta. Và có lẽ không quá lời khi Thép Mới trong “Cây tre Việt Nam” đã từng viết: “Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng đại bác, tre giữ làng, giữ n¬ước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người ! Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!” Không chỉ là người bạn đồng hành cùng nhân dân ta trong các cuộc chiến đấu gian khổ, tre còn là loài cây được sử dụng nhiều trong cuộc sống lao động và sinh hoạt hằng ngày của người dân quê Việt Nam. Tre được dùng làm cột kèo trong các ngôi nhà, làm rổ rá, làm giá để dồ, làm chõng, làm máng nước và nhiều vật dụng khác trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tre còn được sử dụng để làm bờ rào, che chắn ruộng, nương, nhà cửa và để làm củi đun nấu trong nhà. Đặc biệt ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ cùng bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của những người thợ thủ công, tre được dùng để chế tác đồ mĩ nghệ thủ công, làm đũa tre, tăm tre. Nhiều sản phẩm sản xuất từ tre đã được xuất khẩu ra nước ngoài, mang lại hiệu quả cao về kinh tế. Thêm vào đó, tre là một trong số những loài cây được nhắc tới nhiều trong các tác phẩm thơ ca và là biểu tượng xuất sắc cho những vẻ đẹp của người dân Việt Nam – đoàn kết, tình nghĩa, kiên cường, giàu ý chí, nghị lực vươn lên, đúng như nhà thơ Nguyễn Duy trong bài thơ “Tre Việt Nam” từng viết:
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cảnh rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.
Tóm lại, tre là loài cây gần gũi và có vị trí đặc biệt trong lòng của hàng triệu, hàng triệu người con Việt Nam. Dẫu thời gian có trôi đi, đất nước chúng ta ngày càng phát triển và xuất hiện nhiều vật dụng hiện đại cùng với sự xuất hiện của bê tông, cốt thép nhưng tre vẫn mãi còn đó như một chứng nhân cho những năm tháng gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Đồng thời, nó mãi mãi là biểu tượng cho những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người Việt Nam.
Thuyết minh về cây tre 22
Từ bao đời nay, cây tre đã có mặt hầu khắp các nẻo đường đất nước và gắn bó thủy chung với cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đặc biệt trong tâm thức người Việt, cây tre chiếm vị trí sâu sắc và lâu bền hơn cả và được xem như là biểu tượng của người Việt đất Việt.
Từ hồi bé tẹo tôi vẫn nhớ bài “Cây tre Việt Nam: Nước Việt Nam xanh muôn vàn cây lá khác nhau, cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa trúc mai vầu mấy chục loại khác nhau, nhưng cùng một mần xanh mọc thẳng…”
“Tre xanh, xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh…”
Cây tre, cây nứa, cây vầu, trúc,… và nhiều loại tre bương khác là loại cây thuộc họ Lúa. Tre có thân rể ngâm, sống lâu mọc ra những chồi gọi là măng. Thân rạ hóa mộc có thể cao đến 10 -18m, ít phân nhánh. Mỗi cây có khoảng 30 đốt,… Cả đời cây tre chỉ ra hoa một lần và vòng đời của nó sẽ khép lại khi tre “bật ra hoa”.
Cùng với cây đa, bến nước, sân đình - một hình ảnh quen thuộc, thân thương của làng Việt cổ truyền, thì những bụi tre làng từ hàng ngàn năm đã có sự cộng sinh, cộng cảm đối với người Việt. Tre hiến dâng bóng mát cho đời và sẳn sàng hy sinh tất cả. Từ măng tre ngọt bùi đến bẹ tre làm nón, từ thân tre cành lá đến gốc tre đều góp phần xây dựng cuộc sống.
Cây tre đã gắn bó với bao thăng trầm của lịch sử nước nhà. “…Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc…”. Không phải ngẫu nhiên sự tích loại tre thân vàng được người Việt gắn với truyền thuyết về Thánh Gióng, hình ảnh Thánh Gióng nhổ bụi tre đằng ngà đánh đuổi giặc Ân xâm lược đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng thần kỳ, đột biến của dân tộc ta đối với những kẻ thù xâm lược lớn mạnh. Mặt khác, hình tượng của cậu bé Thánh Gióng vươn vai hóa thân thành người khổng lồ rất có thể liên quan đến khả năng sinh trưởng rất nhanh của cây tre (theo các nhà Thực vật học, thì cây tre phát triển điều kiện lý tưởng, có thể cao thêm từ 15 -20cm mỗi ngày). Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, các lũy tre xanh đã trở thành “pháo đài xanh” vững chắc chống quân xâm lược, chống thiên tai, đồng hóa. Tre thật sự trở thành chiến lũy và là nguồn vật liệu vô tận để chế tạo vũ khí tấn công trong các cuộc chiến. Chính những cọc tre trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán. Chính ngọn tầm vông góp phần rất lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược để giành Độc lập - Tự do cho Tổ Quốc. “ Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín,…”
Vốn gần gũi và thân thiết với dân tộc, cây tre đã từng là nguồn cảm hứng vô tận trong văn học, nghệ thuật. Từ những câu chuyện cổ tích ( Nàng Ưt ống tre, cây tre trăm đốt,…) đến các ca dao, tục ngữ đều có mặt của tre. Đã có không ít tác phẩm nổi tiếng viết về tre : “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới và bài thơ cùng tên của thi sỹ Nguyễn Duy,… Tre còn góp mặt trong những làn điệu dân ca, điệu múa sạp phổ biến hầu khắp cả nước. Và nó là một trong những chất liệu khá quan trọng trong việc tạo ra các nhạc khí dân tộc như : đàn tơ tưng, sáo, kèn,… Tre đi vào cuộc sống của mỗi người, đi sâu thẳm vào tâm hồn người Việt. Mỗi khi xa quê hương, lữ khách khó lòng quên được hình ảnh lũy tre làng thân thương, những nhịp cầu tre êm đềm… Hình ảnh của tre luôn gợi nhớ về một làng quê Việt nam mộc mạc, con người Việt Nam thanh cao, giản dị mà chí khí.
Trong quá trình hội nhập quốc tế và hiện đại hóa thì tre ngày nay lại trở thành những sản phẩm văn hóa có giá trị thẩm mỹ cao được nhiều khách mước ngoài ưa thích, như những mặt hàng dùng để trang trí ở những nơi sang trọng : đèn chụp bằng tre, đĩa đan bằng tre.
Có thể thấy rằng bản lĩnh bản sắc của người Việt và văn hóa Việt có những nét tương đồng với sức sống và vẻ đẹp của cây tre đất Việt. Tre không mọc riêng lẽ mà sống thành từng lũy tre, rặng tre. Đặc điểm cố kết này tượng trưng cho tính cộng đồng của người Việt. Tre có rễ ngấm sâu xuống lòng đất, sống lâu và sống ở mọi vùng đất. Chính vì thế tre được ví như là con người Việt Nam cần cù, siêng năng, bám đất bám làng : “Rễ sinh không ngại đất nghèo, Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”. Tre cùng người Việt Nam trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua bao cuộc chiến tranh giữ nước tre xứng đáng là hình ảnh biểu tượng cho tính kiên cường, bất khuất của người Việt Nam, là cái đẹp Việt Nam.
Hà nội tre không còn nhiều (Lăng Bác thì có tre ngà). Giờ mở rộng Hà nội tre lại bát ngát các vùng quê ôm làng ôm xóm. Chiều về khói rơm không còn quấn quýt bên tre, (vì đun than, đun ga), nhưng tôi vẫn thấy cây tre vươn thẳng gắn bó với thôn quê dẫu bao năm đổi thay từng ngày lên phố
Thuyết minh về cây tre 23
“Tre xanh xanh tự bao giờ,
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”
Cây tre đã gắn bó với lịch sử hào hùng của người dân Việt Nam, làng quê Việt Nam và dân tộc Việt Nam qua hàng thế kỉ. Cây tre đã trở thành biểu tượng của sự kiên cường, bất khuất.
Tre có ở khắp nơi, ở miền núi, ở đồng bằng và thung lũng. Tre thuộc nhiều chủng loại khác nhau như tre tàu, tre gai… Thân tre rắn chắc và thẳng đứng xen kẻ nhau như những ngọn giáo chọc tận trời. Lá tre có màu xanh lục bao bọc lấy thân cây. Cùng với đó là những cành tre dang tay đón lấy ánh mặt trời chiếu rọi. Mặc dù thuộc nhiều chủng loại và có mặt ở khắp nơi nhưng chúng có chung một nguồn cội và lịch sử. Cội nguồn là tre Việt Nam và lịch sử là sự anh dũng, kiên cường đánh đuổi giặc ngoại xâm.
“Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa xa vẫn đứng thẳng hàng”
Cây tre là một vị anh hùng của dân tộc ta. Từ xa xưa, Thánh Gióng đã dùng tre để đánh đuổi giặc Ân. Trong chiến tranh chống Pháp và Mỹ, tre như những bức tường thành vững chắc ngăn bước tiến của quân thù và làm vũ khí chiến đấu. Đó là những thanh gậy gộc bằng tre, đó là những hầm chông chôn xác quân thù. “Tre xung phong vào xe tăng đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín.” Tre đã góp phần vào những chiến công hiển hách của dân tộc ta.
Giống như những đứa trẻ, tre phát triển rất nhanh. Tre sinh ra nhiều búp măng non. Những búp măng ấy là một món ăn đặc sản. Măng có thể đem hầm với thịt heo lấy nước chan cơm thì thật tuyệt vời. Hay măng tre xào chung với thịt cò lại càng thơm ngon hơn.
Trong sản xuất, tre dùng làm khung để làm ra những chiếc nón lá truyền thống nhờ sự dẻo dai của mình. Trong một số ngôi nhà gỗ, tre dùng làm những cây kèo hay trụ vách đầy rắn chắn. Ngoài ra tre còn dùng làm nhiều đồ thủ công mỹ nghệ đẹp mắt. Đó là những cái sọt, cái thúng, cái rổ… gắn liền với cuộc sống. Những còn làm sáo trúc tạo nên những thanh âm vô cùng trong trẻo. Tre là nơi nghỉ trưa của những buổi làm đồng vất vã. Tre là cả tuổi thanh xuân của những đứa trẻ sống ở quê.
“… Mai sau
Mai sau
Mai sau
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”
Cây tre Việt Nam mãi mãi là một biểu tượng của sự kiên cường và bất khuất. Tre dẻo dai mà rắn chắc. Tre mảnh mai, mỏng manh mà anh dũng, kiên trung mang dáng vóc của con người Việt Nam anh hùng, một dân tộc Việt Nam bất khuất.
Thuyết minh về cây tre 24
Cây tre gần gũi và gắn bó với con người, với nhiều người hình ảnh lũy tre xanh đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm hồn. Cây tre góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước qua bao đời.
Không có ai biết cây tre có từ khi nào, chỉ biết rằng nó gắn bó với người dân Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. Họ hàng nhà tre phong phú về chủng loại Tre nứa, vầu, tre mai, trúc…Loài tre giỏi thích nghi với đất cằn cỗi, re không ngại thời tiết khắc nghiệt hay giông bão, tre mọc thành bụi, thành lũy, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, tre già, măng mọc. Rễ tre thuộc loại dễ chùm, mọc rất nông nhưng bám vào lòng đất rất chặt giúp nó chống trọi lại những cơn gió mạnh. Thân tre gầy guộc, thẳng đứng hình ống, rỗng bên trong, chia thành đốt. Thân tre tua tủa rất nhiều gai nhọn, những chiếc gai dùng để bảo vệ tre. Mới đầu, tre là một mầm măng nhỏ, trưởng thành theo thời gian rồi trở thành cây tre đích thực, cứng cáp, dẻo dai. Lá tre màu xanh mát, mỏng với những đường gân lá song song. Lá tre non màu xanh nhạt cuộn thành ống nhọn dần về phía đầu. Ban đầu tre chỉ mọc thẳng đứng, chưa mọc lá; đến một thời gian nhất định, từ các mấu tre mọc ra những nhánh connhỏ, từ đó mới mọc lá. Tre cũng có hoa, cả đời tre chỉ ra hoa một lần duy nhất, khi đó tre sẽ già đi. Cây tre rất có ích với con người, cây tre dùng làm nhà, làm cửa che mưa, che nắng, tre làm các vật dụng trong gia đình: tre làm đũa, làm rổ, rá, tăm, giường, chõng…Tre đã làm nên tuổi thơ hồn nhiên, những trò chơi thú vị như chơi đánh chắt, đánh truyền, con diều vi vu hay cảnh những em bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo.
Thuở xưa, khi Thánh Gióng đánh giặc Ân Ngài đã vươn tay nhổ bụi tre bên đường, ra sức đánh giặc, khiến bọn chúng khiếp sợ mà bỏ chạy tan tác. Rồi đến khi đánh Pháp, đánh Mĩ tre cũng giúp con người. Tre là người bạn, người đồng chí, tre làm gậy, làm chông chống lại sắt thép, súng đạn của quân thù.. Từng lớp lũy tre bao bọc lấy làng, bảo vệ cho làng quê được ấm no.
Hiện nay có nhiều đồ dùng là băng nhựa, inox thay thế cây tre, nhưng không có bóng dáng cây tre sẽ buồn tẻ lắm, không có cây tre cũng không phải là làng quê Việt. Tre đã cống hiến tất cả sự sống cho con người nên ta phải yêu quý và bảo vệ cây tre như một người bạn thật sự của con người.
Thuyết minh về cây tre 25
Cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam.
Nước Việt Nam xanh tươi với muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất là tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi… đâu đâu ta cũng có tre nứa làm bạn.
Tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau, nhưng cùng một mầm măng mọc thẳng. Vào đầu tre cũng sống, ở đâu tre cũng xanh tốt. Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre trông thanh cao, giản dị chí khi như người.
Nhà thơ đã có lần ca ngợi:
Bóng tre trùm mát rượi
Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm thôn. Dưới bóng tre của ngàn xưa, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang. Tre ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp. Tre, nứa, mai, vầu giúp nghìn công việc khác nhau. Tre là cánh tay của người nông dân.
Cánh đồng ta năm đôi ba vụ
Tre với người vất vả quanh năm.
Tre với người như thế đã mấy nghìn năm. Một thế kỉ “văn minh”, “khai hóa” của thực dân cũng không làm ra được một tấc sắt. Tre vẫn phải còn vất vả mãi với người. Cối tre nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc.
Trong mỗi gia đình nông dân Việt Nam, tre là người nhà, tre khăng khít với đời sống hàng ngày.
Giang chẻ lạt, buộc mềm, khít chặt như những mối tình quê cái thuở ban đầu thường nỉ non dưới bóng tre, bóng nứa:
Lạt này gói bánh chưng xanh
Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng.
Tre còn là nguồn vui duy nhất của tuổi thơ. Các em bé còn có đồ chơi gì nữa ngoài mấy que chuyền chắt bằng tre.
Tuổi già hút thuốc làm vui. Vớ chiếc điếu cày tre là khoan khoái. Nhớ lại vụ mùa trước, nghĩ đến những mùa sau, hay nghĩ đến một ngày mai sẽ khác…
Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nằm tre giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thủy.
Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất.
Người xưa có câu: “Trúc dẫu cháy, đốt ngang vẫn thẳng”. Tre là thẳng thắn, bất khuất! Ta kháng chiến, tre lại là đồng chí chiến của ta. Tre vốn cùng ta làm ăn, lại vì ta mà cùng ta đánh giặc.
Buổi đầu, không có một tất sắc trong tay, tre là là vũ khí. Muôn đời biết ơn chiếc gậy tầm vông đã dựng nên thành đồng Tổ quốc ! Và sông Hồng bất khuất có cái chông tre.
Gây tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động ! Tre, anh hùng chiến đấu !
(…) Nhạc của trúc, nhạc của tre là khúc nhạc của đồng quê. Nhớ một buổi trưa nào, nồm nam cơn gió thổi, khóm tre làng rung lên man mác khúc nhạc đồng quê.
Diều bay, diều lá tre bay lưng trời…
Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời…
Gió đưa tiếng sáo, gió nâng cánh diều.
Trời cao lồng lộng, đồng ruộng mênh mông hãy lắng nghe tiếng hát giữa trời cao của trúc, của tre…
“Tre già măng mọc”. Măng mọc trên phù hiệu ở ngực thiếu nhi Việt Nam, lứa măng non của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Các em, các em rồi đây lớn lên, sẽ quen dần với sắt, thép và xi măng cốt sắt. Nhưng nứa, tre sẽ còn mãi với các em, còn mãi với dân tộc Việt Nam, chia bùi sẻ ngọt của những ngày mai tươi mát, còn mãi với chúng ta, vui hạnh phúc, hòa bình. Ngày mai, trên đất nước này, sắt thép có thể nhiều hơn tre, nứa. Nhưng trên đường ta dấn bước, tre xanh vẫn là bóng mát. Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình. Tre sẽ càng tươi những cổng chào thắng lợi. Những chiếc đu tre vẫn dướn lên bay bổng. Tiếng sáo diều tre cao vút mãi.
Cây Tre Việt Nam! Cây Tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thủy chung, can đảm. Cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.
Thuyết minh về cây tre 26
Từ lâu, cây tre đã xuất hiện trong cuộc sống của con người Việt Nam. Cây tre đã sống gắn bó và đem lại nhiều lợi ích mà ít có loài cây nào sánh kịp. Đối với con người Việt Nam, cây tre là biểu tượng cho sự cần mẫn, đức hi sinh, tinh thần đoàn kết bất diệt. Tre sống và chiến đấu cùng con người, tre ăn đời ở kiếp với con người, tre đi vào đời sống tinh thần, làm nên nét văn hóa làng quê đậm đà bản sắc dân tộc trong mấy nghìn năm qua.
Cây tre thuộc bộ hòa thảo, lớp thực vật hai lá mầm, tông tre. Cây tre vừa mang đặc tính của loài cây thân cỏ (thân rỗng), vừa mang đặc tính của các loài cây thân gỗ (thân cao).
Cây tre được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới. Phổ biến nhất là các nước nhiệt đới, vùng xích đạo và các khu vực cận xích đạo. Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Lào, Thái Lan,… là những nước trồng nhiều tre.
Việc phân loại các loài tre khá phức tạp bởi số lượng loài được phát hiện là rất lớn. Đến nay, trên thế giwois người ta đã phát hiện khoảng 1300 loài thuộc 70 chi. vẫn còn rất nhiều loại được cho là có quan hệ họ hàng với tre chưa được đặt tên và nhiều loài khác chưa được phát hiện. Nước trồng nhiều tre nhất thế giới là Trung Quốc.
Khác với các loài cây thân cỏ, cây tre tỏ ra vượt trội về chiều cao và tuổi thọ. Một cây tre trưởng thành có thể cao từ 10 đến 20 mét. Về cơ bản, cây tre cũng có cấu tạo hình dáng bên ngoài và đặc điểm sinh trương, phát triển giống như các loài thân cỏ khác.
Quan sát một cây tre ta thấy gồm: Gốc rễ, thân ngầm, thân chính, cành, lá, hoa, quả.
Dưới gốc cây là thân ngầm. Thân ngầm đặc, thường nằm trong đất, là cơ quan phát rễ, có chức năng giữ cho cây đứng vững và cũng là cơ quan sinh sản của cây. Trên thân ngầm thường mọc lên các chồi măng. Măng tre là cây con phát triển, bên trông mềm, bên ngoài được bọc một lớp áo vỏ cứng. Lá cẩm lớp vỏ ấy khi bóc ra được gọi là mo. Măng tre có hình nhọn, thường phát triển rất nhanh.
Thân ngầm của cây tre thường nằm trong đất, đôi khi cũng trồi lên. Thân ngầm là nơi phát triển của bộ rễ và những mầm măng. Thân ngầm đặc, rất cứng, giúp cây đứng vững. Trên thân ngầm là thân chính. Thân chính của cây tre có nhiều lóng rỗng và đốt đặc. Thân tre to ở gốc và nhỏ dần ở ngọn. Mỗi lóng tre dài khoảng 40 đến 60cm. Một số loài có đốt ngắn hơn như le, tre gai,… Tuy nhiên có loài có lóng dài đến 120cm như trúc xanh, giang, nứa, lồ ô,… Tại các lóng tre có rễ giả. Bộ rễ giả này nếu gặp điều kiện ẩm ướt sẽ phát triển thành rễ tre. Thế nên, người ta thường hay giâm cành để tạo vường ươm mới.
Đốt tre đặc mang chồi, có vòng mo và vòng đốt. Lóng và đốt khi non được mo thân che phủ. Khi già mo rụng đi, để lại dấu vết của mo thân, đó chính là vòng mo. Tại các mấu mắt phát triển cành tre. Cành nhánh hướng về phía trên, đều mang lá.
Lá và bẹ lá là cơ quan quan trọng của quá trình quang hợp. Lá tre thon nhỏ, thô cứng thường rụng sau một thời gian phát triển. Mo tre là cơ quan bẹ lá, sau rụng đi hoặc bám chạ vào thân tre. Mỗi năm, tre thay lá rất nhiều lần, đặc biệt vào mùa khô tre có thể rụng hết lá để tránh bị thoát nước.
Tre cũng là một loại thực vật có hoa, nhưng chỉ nở hoa một lần duy nhất vào lúc cuối đời. Thường thì tre có chu kỳ ra hoa khoảng 30-50 năm hay dài hơn nữa. Hoa tre dạng bông, màu vàng nhạt, nhị hoa mang bao phấn màu vàng tươi. Quả dạng quả dĩnh, nhỏ. Khi quả rụng xuống phát triển thành cây con. tuy nhiên. Tuy nhiên, khi trồng tre, người ta thường trồng bằng cành nhánh để cây tre mau phát triển hơn.
Thật không thể kể hết được vai trò của cây tre trong đời sống con người. Bằng trí thông minh và sự sáng tạo của người nông dân, trải quan hàng nghìn năm sử dụng, cây tre đã trở thành một cây trồng không thể thiếu trong đời sống con người. Có thể nói trên khắp lãnh thổ Việt Nam, ở đâu có sự sống, ở đó có mặt của cây tre.
Cây tre là một vật dụng xây dựng rất hữu ích và tiết kiệm. Tre dựng nhà, xây cửa, làm cầu, chắn sóng,… Lạt tre buộc chặt kết nối các vật với nhau không gì sánh bằng. Trên đan liếp, nông bồ, phên giậu che chắn cho không gian sống của con người. Tre làm hàng rào bảo vệ vườn cây, ao cá, ruộng đồng. Cây tre làm sào phơi đồ, mái chèo tre lướt sóng, thuyền tre bồng bềnh trên sông phản ánh sâu sắc sức mạnh khai thác tự nhiên của con người trong công cuộc chinh phục vĩ đại.
Măng tre vốn là một loại thực phẩm ưa thích của nhiều người Việt Nam. Món ăn từ măng tre đơn giản, dễ chế biến. Tuy không mang lại nhiều dinh dưỡng cho người dùng như nó làm cho bữa ăn thêm đậm đà, ý vị.
Cây tre cũng là nguyên liệu của ngành thủ công mỹ nghệ và các nông cụ sản xuất. Những phẩm vật được làm từ nan tre, cây tre nhiều không sao kể xiết. Từ cái cày, cái thúng, cái ghế, cái giường,… cho đến những đồ vật làm đẹp không gian như gáo tre, nón tre, đèn lồng tre, kệ tre,… Chiếc đũa tre bao đời đã gắn bó với người nông dân trong những bữa cơm gia đình đầm ấm tạo nên nét đẹp văn hóa thuần Việt hết sức độc đáo.
Hình ảnh cây tre còn gắn với lịch sử vĩ đại của dân tộc. Từ truyền thuyết Thánh Giống nhổ cụm tre đánh giặc đến sự kiện Ngô Quyền đóng cọc tre phá tan thủy quân Nam Hán đã làm nên những trang sử hào hùng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cây tre cũng góp một phần lớn làm nên chiến thắng hào hùng. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre xung phong vào trận mạc, anh dũng chiến đấu chống giặc. Ụ tre lật đổ xe tăng. Lũy tre chống đạn, che chắn nhân dân, gậy tre giúp chiến sĩ vượt đường xa,… Có thể nói, chưa bao giờ tre thôi gắn bó với con người trên từng bước đường gian khổ.
Cũng giống như hình ảnh cây đa, bến nước, cây tre cũng đi vào đời sống con người như một người bạn chân tình, hồn hậu. Tre đi vào thi ca, nhạc, họa với tư thế vừa mềm mại, vừa kiêu hãnh, biểu trưng cho phẩm chất anh hùng và ý chí bất khuất của dân tộc.
Cuộc sống hiện đại, nhiều vật liệu mới ra đời tưởng chừng như cây tre sẽ lùi vào quá vãng. Nhưng gần đây, bởi nhận ra vai trò tuyệt vời của nó, cây tre đã được quan tâm trở lại. Còn việc nghiên cứu cải tạo giống tre trúc không biết bao giờ mới được tiến hành. Phong trào trồng cây luồng ở một số địa phương gần đây là một tín hiệu đáng mừng.
Muốn trồng tre trước hết phải chọn giống tre phù hợp với nhu cầu sử dụng. Cây con để trồng là cành chiết hoặc giâm hom. Có thể trồng cây tre quanh năm, tốt nhất là vào đầu mùa mưa để cây mới trồng sinh trưởng thuận lợi.
Trồng cây tre gần như không cần đầu tư nhiều. Cây tre thích hợp với nhiều điều kiện khí hậu, bộ rễ phát triển và ăn sâu, thích hợp với các loại đất, có khả năng chịu hạn và úng, trồng được ở nhiều nơi từ miền núi cao đến vùng đồng bằng.
Khi cây tre đã bén rễ ta cần tưới nước vào mùa khô để cây phát triển tốt. Khi cây lớn phải thường xuyên dọn cành để bụi tre thông thoáng, tránh sâu bọ giúp cây phát triển tốt.
Trồng tre trước hết là thu hoạch măng tre và cây tre. Một búi tre trồng sau khoảng ba năm là cho thu hoạch măng. Một năm tre ra măng hai đợt. Một đợt một vào đầu tháng ba, đợt hai vào cuối tháng tám. Có một vài loài tre ra măng quanh năm. Khi cắt măng cần che vết cắt lại để tránh gốc tre bị úng thối hoặc các loài gậm nhấm phá hoại. Cây tre từ khi lên măng đến khi sử dụng được mất khoảng hơn một năm. Không nên đốn cây khi tre còn non hoặc khai thác mang tre quá mức duy trì sức sinh sản và tiếp tục phát triển.
Ở các nước Đông Á, nơi được coi là quê hương của cây tre, đang có xu hướng quay trở lại sử dụng loại vật liệu có nhiều đặc tính quý báu này trong mọi mặt của đời sống. Dù ngày nay, nền công nghiệp phát triển cao nhưng mãi mãi, cây tre vẫn giữ vững vai trò của mình trong đời sống con người. Càng phát triển con người có xu hướng tìm về với các giá trị tự nhiên nguyên thể, có ý nghĩa bảo vệ và phát triển môi trường sống ngày càng thân thiện, bền vững như đất mẹ đã ban tặng.
Thuyết minh về cây tre 27
Từ bao đời nay, cây tre là người bạn gần gũi và gắn bó với con người Việt Nam. Đặc biệt với những con người sinh ra từ làng quê thì hình ảnh lũy tre xanh đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm hồn. Tre đã cống hiến tất cả sự sống cho con người nên ta phải yêu và bảo vệ cây tre Việt Nam..
Chẳng biết cây tre có từ bao giờ, chỉ biết nó có từ xa xưa, đã gắn bó với người dân Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. Tre xuất hiện cùng bản làng trên khắp đất Việt, đồng bằng hay miền núi. Họ hàng nhà tre rất đa dạng, phong phú về chủng loại Tre nứa, vầu, tre mai, trúc…Nổi tiếng loài tre từ xưa đến nay là trúc Lam Sơn và Tre Điện Biên.
Loài tre rất dễ thích nghi với loại đất, đất cằn cỗi cũng như đất tốt tươi tre cũng có thể sống được. Tre không ngại thời tiết khắc nghiệt hay giông bão, tre mọc thành bụi, thành lũy, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, tre già, măng mọc. Rễ tre thuộc loại dễ chùm, mọc rất nông nhưng bám vào lòng đất rất chặt giúp nó chống trọi lại những cơn gió mạnh. Thân tre gầy guộc, thẳng đứng hình ống, rỗng bên trong, chia thành từng đốt. Sắc tre màu xanh thẫm, đầm dần xuống gốc. Thân tre tua tủa rất nhiều gai nhọn, những chiếc gai dùng để bảo vệ tre. Mới đầu, tre là một mầm măng nhỏ, trưởng thành theo thời gian rồi trở thành cây tre đích thực, cứng cáp, dẻo dai. Lá tre màu xanh mát, mỏng với những đường gân lá song song hình lưỡi mác rõ nét. Lá tre non màu xanh nhạt cuộn thành ống nhọn dần về phía đầu. Ban đầu tre chỉ mọc thẳng đứng, chưa mọc lá; đến một thời gian nhất định, từ các mấu tre mọc ra những nhánh connhỏ, từ đó mới mọc lá. Tre cũng có hoa, cả đời tre chỉ ra hoa một lần duy nhất, chúng ta rất hiếm gặp và sau khi có hoa, vòng đời của tre sẽ kết thúc.
Chắc ai cũng biết, tre giúp ta trăm công nghìn việc, là cánh tay đắc lực cho người nông dân. Tre làm cày, làm cuốc, làm đòn gánh. Cây tre dùng làm nhà, làm cửa vững chắc, che mưa, che nắng cho con người, tre làm các vật dụng trong gia đình: tre làm đũa, làm rổ, rá, tăm, giường, chõng…Đối với bọn trẻ con nông thôn, tre đã làm nên tuổi thơ hồn nhiên, những trò chơi thú vị như chơi đánh chắt, đánh truyền, những con diều vi vu hay cảnh những em bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo. Bóng tre dang rộng, ôm trọn và tỏa bóng mát cho cả bản làng, xóm thôn. Trong vòng tay tre, những chú trâu chậm rãi nhai cỏ, các bác nông dân cũng có chỗ nghỉ ngơi sau một buổi làm việc mệt nhọc.
Dưới bóng tre, con người Việt Nam vẫn giữ nết văn hóa truyền thống lâu đời. Tre ăn ở đời đời, kiếp kiếp với con người, giúp con người làm ăn sinh cơ, lập nghiệp.
Ngày xưa, xưa lắm, khi Thánh Gióng đánh giặc Ân, vì gãy vũ khí, Ngài đã vươn tay nhổ bụi tre bên đường, ra sức đánh giặc, khiến bọn chúng khiếp sợ mà bỏ chạy tan tác. Rồi đến khi đánh Pháp, đánh Mĩ tre cũng giúp con người. Tre là người bạn, người đồng chí, tre làm gậy, làm chông chống lại sắt thép, súng đạn của quân thù. Tre theo chân các anh bộ đội đi đánh giặc. Lũy tre dày đặc che chắn cho các anh bộ đội khi phải rút lui, cùng các anh lập mưu đánh giặc. Tre giữ làng, giữ nước, bảo vệ nhân dân. Từng lớp lũy tre bao bọc lấy làng, bảo vệ cho làng quê thanh bình. Tre hi sinh thân mình để bảo vệ con người, tre vẫn hiên ngang mặc cho gió bão táp. Tre rất kiên cường.
Hiện nay, đồ nhựa và inox xuất hiện thay thế một số đồ dùng bằng tre trong gia đình nhưng không thể thay thế hình bóng cây tre kiên cường, bất khuất trong lòng người dân Việt Nam. Những bộ bàn ghế bằng tre nứa có kiểu cách bắt mắt rất được nhiều người ưa chuộng à trở thành mặt hàng xuất khẩu đắt giá hiện nay. Tre hiện nay, tre ngay thẳng thủy chung với đất Việt như những đức tính của người dân Việt Nam.
Thuyết minh về cây tre 28
Hình ảnh người nông dân, đồng ruộng, con trâu đã gắn liền với lũy tre làng từ hàng nghìn năm nay! Cây tre đã đi vào văn hoá Việt Nam như một hình ảnh bình dị mà đầy sức sống, dẻo dai chống chịu thiên tai, gió bão và giặc ngoại xâm. Tre xanh giúp người dân làm nhà dựng cửa, vỡ ruộng khai hoang, tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp. Họ nhà tre gồm: nứa, vầu, trúc, luồng, giang… đâu đâu cũng có luỹ tre xanh rì rào ẩn hiện. Rặng tre xanh là chiến luỹ bảo vệ làng mạc, thôn xóm, đồng thời tre ôm vào lòng mình tình thân thương của bà con chòm xóm từ đời này qua đời khác, chắn gió che mưa cho con người. Ta có thể thấy, tre gắn bó thân thiết với con người trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ thời chiến tranh tre cùng ta đánh giặc gìn giữ độc lập chủ quyền, làm rạng danh cho non sông, đất nước cho đến những vật dụng quen thuộc trong gia đình ở thời bình. Hơn thế, tre đã đi vào thơ ca như một hình tượng bất hủ:
Tre xanh
Xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù cát sỏi đá vôi bạc màu
Lật lại những trang sử hào hùng của dân tộc, ta thấy hình ảnh cây tre sát cánh cùng với người dân chiến đấu chống lại giặc ngoại xâm trong truyền thuyết Thánh Gióng từ đời vua Hùng Vương thứ 6. Thánh Gióng là một hình tượng tiêu biểu, đại diện cho khí phách Việt Nam. Mới 3 tuổi đã biết đánh giặc, khi gậy sắt gẫy, Gióng đã tự lấy tre làm vũ khí để tiêu diệt quân thù, đánh đuổi giặc Ân. Và không biết tự bao giờ, cây tre và con người Việt Nam đã trở thành đôi bạn chiến đấu thân tín, keo sơn..Tre vốn cùng ta làm ăn lại cùng ta đánh giặc. Buổi đầu không một tấc sắt trong tay, tre là vũ khí, từ chiếc gậy tầm vông, gậy tre, chông tre kiên cường chống lại sắt thép của quân thù, tre còn làm hầm ngụy trang và giữ bí mật… Tre bao bọc, che chở cho nguời con Việt trong những đêm dài hành quân ra trận. Rừng là nhà, lá tre nứa làm áo ngụy trang, đất làm giường, nứa tre làm gối, tre đã cùng người lập nên những chiến công vang dội, hiển hách.
Những hiện vật thể hiện mối quan hệ giữa tre và con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc còn được lưu giữ rất nhiều trong Bảo tàng Việt Nam. Nào tầm vông, giáo mác, chông tre, những chiếc gùi tre đan, những ống tre tích nước, đựng nước… Tre đã cùng ta vượt bao gian khổ để đạt tới một tương lai với cuộc sống ấm no, giàu mạnh.
Vào thời bình, tre không còn là hung khí để đánh giặc nữa mà tre trở nên hiền hòa, hữu ích cho đời sống người dân hơn. Tre được sử dụng phổ biến để làm đồ gia dụng, từ những vật dụng cỡ lớn như bàn ghế, giường chõng, cái cột, cái kèo, các loại vật dụng sinh hoạt từ cái đòn gánh, cái thúng, chưa kể còn được dùng như một thứ “tủ lạnh” thông thoáng để bảo quản thức ăn, đựng chén bát và chống chó, mèo, chuột hữu hiệu) cho đến cái khung cửi, cái xa quay sợi, cái rổ, cái rá, cái dần, cái sàng gạo, cái rế đựng nồi, cái gáo múc nước, cái bừa,.. Cây tre hữu dụng và thân thiết với con người Việt Nam đến mức từ những vật dụng nhỏ nhất như cái tăm, đôi đũa tre. Trong mỗi bữa ăn ấm cúng của gia dình không thể thiếu bóng dáng của tre bởi tre đã trở thành người bạn gần gũi và thân thiết với mỗi người dân Việt Nam.
Trong quá trình hội nhập quốc tế và hiện đại hóa thì tre ngày nay lại trở thành những sản phẩm văn hóa có giá trị thẩm mỹ cao được nhiều khách nước ngoài ưa thích, như những mặt hàng dùng để trang trí ở những nơi sang trọng : đèn chụp bằng tre, đĩa đan bằng tre, lồng đèn,…
Trong chiến tranh, tre không chỉ đơn thuần là vũ khí đánh giặc mà tre luôn sát cánh cùng người con Việt Nam, tre cung cấp lương thực trong những ngày đói rét. Cái hương vị đăng đắng, ngọt ngào của những bát măng rừng mãi là âm hưởng không thể nào quên trong trái tim của những người lính đã từng đi qua chiến tranh. Trong thời đại ngày nay, măng tre cũng luôn xuất hiện trong bữa ăn của các gia đình Việt Nam. Ta có thể gặp măng nấu canh, măng xào, măng luộc, cá kho với măng,… Lá tre, nước tre, tinh tre, mỗi loại đều có tính năng riêng nhưng thông thường, lá tre được sử dụng phổ biến hơn cả. Trong một bài thuốc chữa cảm dân gian, cái hương vị ngọt ngọt, man mát của lá tre là một hương vị không thể thiểu trong các nồi xông. Nó đã góp phần giúp cho người bệnh cảm thấy nhẹ nhàng, sảng khoái hơn.
Vốn gần gũi và thân thiết với dân tộc, cây tre đã từng là nguồn cảm hứng vô tận trong văn học, nghệ thuật. Từ những câu chuyện cổ tích ( Nàng Út ống tre, cây tre trăm đốt,…) đến các ca dao, tục ngữ đều có mặt của tre. Đã có không ít tác phẩm nổi tiếng viết về tre : Cây Tre Việt Nam, Viếng lăng Bác cũng có sự xuất hiện của cây tre… Tre còn góp mặt trong những làn điệu dân ca, điệu múa phổ biến hầu khắp cả nước. Và nó là một trong những chất liệu khá quan trọng trong việc tạo ra các nhạc khí dân tộc như : đàn T’rưng, sáo, tiêu,… Tre đi vào cuộc sống của mỗi người, đi sâu thẳm vào tâm hồn người Việt. Mỗi khi xa quê hương, lữ khách khó lòng quên được hình ảnh lũy tre làng thân thương, những nhịp cầu tre êm đềm. Hình ảnh của tre luôn gợi nhớ về một làng quê Việt nam mộc mạc, con người Việt Nam thanh cao, giản dị mà chí khí.
Trong những câu ca dao, dân ca, tục ngữ, người dân Việt Nam hay nói: tre già thì măng mọc để thể hiện sự kế tục của các thế hệ. Bên cạnh đó hình ảnh cây tre cũng tượng trưng cho hình ảnh cần cù, chịu thương chịu khó của con người Việt Nam ta “Rễ sinh không ngại đất nghèo, Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”. Tre cùng người Việt Nam trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua bao cuộc chiến tranh giữ nước,tre xứng đáng là hình ảnh biểu tượng cho tính kiên cường, bất khuất của người Việt Nam, là cái đẹp của cong người Việt Nam.
Thuyết minh về cây tre 29
Nhắc đến cây tre là nhắc đến truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Đời sống người Việt Nam dù thay đổi thế nào, phát triển ra sao thì chúng ta cũng không thể nào quên được những năm tháng hào hùng của dân tộc mà cây tre là một phần gắn bó không thể thiếu. Nếu năm xưa không có tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà chung thì có lẽ không có nước Việt Nam như ngày hôm nay.
Ngày nay ở những vùng thành phố lớn chúng ta có thể không nhìn thấy cây tre nhưng ở cổng làng, cổng đình chắc chắn cây đa vẫn luôn luôn tồn tại. Song hành với cây tre chính là cây đa, giếng nước, sân đình. Đây chính là những hình ảnh than thuộc, là nét đẹp và là hồn quê. Cây tre bao giờ cũng mọc cùng với nhau thành từng bụi, giăng thành hàng, thành lũy. Chính vì vậy mà người ta vẫn nói là bụi tre, lũy tre. Lũy tre nào cũng vậy, chúng được tạo nên bởi rất nhiều cây tre. Chúng mọc thẳng tắp và cao vút. Những cây tre vươn mình lên trời xanh để che chắn cho không gian phía dưới. Con người vì thế mà thương sinh hoạt tập thể ngay bên dưới gốc tre xanh đầu làng. Nhìn thân cây tre trông có vẻ gầy gò như vậy thôi nhưng thực chất cây tre rất dẻo dai. Những cái rễ tre gầy guộc nhưng chúng mọc với nhau thành từng chùm và ăn sâu xuống dưới lòng đất. Nhờ vậy mà cây tre có thể vươn mình đứng thẳng mà không sợ bị đổ, gãy. Thân cây tre được chia ra làm nhiều đốt. Bên cạnh gốc của những cây tre già bao giờ cũng có rất nhiều cây măng nhỏ. Lá tre thì nhỏ bé và trông rất mong manh nhưng chúng không dễ bị úa tàn đâu nhé. Tre có nhiều loại lắm, nào tre Đồng Nai, nứa, mai, vầu Việt Bắc, trúc Lam Sơn, tre ngút ngàn rừng cả Điện Biên,… nhưng nhìn chung chúng đều có cái dáng đứng thẳng, hiên ngang như người Việt Nam dù ở miền nào của Tổ quốc thì khi đất nước có giặc cũng đều trở thành những người anh hùng, bất khuất.
Cây tre có cấu tạo đơn giản nhưng công dụng của nó đối với đời sống của người Việt Nam vô cùng tuyệt vời. Thưở xa xưa, Thánh Gióng dùng tre để đánh giặc, thời Ngô Quyền, ông dùng tre để đóng cọc tiêu diệt quân đội Nam Hán. Thời bình, người dân dùng tre để làm nhà, lợp mái che mưa che nắng cho cả gia đình. Dân dần con người biết tận dụng cây tre vào nhiều việc có ích hơn. Với đặc tính mềm dẻo, cây tre được vót thành que nan đan rổ, đan rá cho các bà các cô đựng đồ đem ra chợ bán. Tre hóa thành những cái cán cày, cán quốc theo chân người đàn ông xuống ruộng, lên rừng. Rồi tre trở thành những món đồ hàng cho trẻ con chăn trâu cùng chơi chẳng hạn như trái bóng kết từ thân tre. Dần dần, người Việt ạo ra được nhiều sản phẩm hơn nữa từ cây tre như đôi guốc, rồi những vật dụng cao cấp như đồ mây tre đan. Những món đồ này không chỉ bán cho người Việt mà còn được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Nhờ vậy mà đời sống của người Việt Nam ngày càng được cải thiện.
Hình ảnh cây tre chính vì vậy mà lúc nào cũng gắn liền với hình ảnh của người Việt Nam. Cái dáng thẳng đứng của tre tượng trưng cho sự anh hùng, bất khuất. Tre mọc thành lũy, thành thì tượng trưng cho sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Chính nhờ có sự đoàn kết này mà chúng ta đã vượt qua được bao nhiêu năm nô lệ, chiến thắng được những kẻ thù mạnh và hung hãn hơn chúng ta gấp nhiều lần. Cây tre cũng vậy, dù gặp phải bao trận phong ba, bão táp nhưng cây tre vẫn luôn đứng thẳng để canh giữ cho sự bình yên của làng quê. Hình ảnh tre già măng mọc còn lạ sự nối tiếp thế hệ đời này qua đời khác tiếp tục giữ gìn và dựng xây đất nước.
Cây tre vì vậy mà luôn được gọi là cây tre Việt Nam. Là một loài cây thân thuộc không thể thiếu trong truyền thống và trong văn hóa của người Việt. Biểu tượng cây tre là một biểu tượng bất diệt.
Thuyết minh về cây tre 30
“Tre xanh, xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”
Mối duyên tình giữa cây tre với đất đai, quê hương cũng như mối duyên tình của nó với người nông dân Việt Nam, vừa bền chặt, vừa dai dẳng, đời đời, kiếp kiếp. Hình ảnh những bụi tre, khóm tre, liếp tre, rặng tre trở thành hình ảnh thật quen thuộc, gần gũi trên khắp mảnh đất hình chữ S này.
Tre là thực vật họ cỏ, phổ biến trên thế giới, lớp thân gỗ, rể chùm. Thân tre rỗng bên trong, bên ngoài có màu xanh sẫm hoặc vàng nâu. Thân tre chia thành nhiều đốt bởi những mấu mắt. Mỗi mấu mắt tạo thành một khoảng gọi là lóng tre. Thân tre cao từ 1- 20m, đường kính 1- 25 cm. Các cành mọc từ mắt tre, mỗi mắt mọc 3 – 5 cành, cành phân nhánh và mang lá. Lá tre có phiến dài, thon, không có lông tơ, mỗi lá có từ 3 -5 đôi gân bên song song. Một đặc điểm đặc trưng của tre là trên thân có các vòng mo, được coi là phiến lá thân. Đối với các loài cây có hình thức sinh sản hữu tính là thụ phấn thì cây tre ra hoa là một kì tích. Tre chỉ ra hoa một lần trong đời vì chu kì ra hoa của nó từ 30- 50 năm có khi dài hơn. Hoa tre màu vàng nhạt, quả tre nhỏ có thể mọc thành cây con. Tre thuộc họ rẻ chùm, với các rể tua tủa tự gốc thân bám chặt vào lòng đất.Từ một cây tre ban đầu, thêm một chồi măng mọc ra có nghĩa là cây tre mới ra đời. Cứ thế tre chẳng bao giờ sống đơn lẻ mà mọc thành từng bụi, từng rặng, từng bờ. Loài cây này không kén đất vì thế nó có ở khắp nơi, từ sau hè, trước ngõ, ra bờ sông đến đình làng.Họ hàng nhà tre cũng khá đông đúc, chỉ riêng tre đã có nhiều loại: tre gai: có nguồn gốc từ Quảng Ngãi, cây khá dài nhưng mắt ngăn và nhiều cành nhỏ. Tre tầm vong có nguồn gốc Tây Ninh, thân óng, đặc có nhiều lỗ nhỏ và mắt ngăn. Tre đằng ngà có nguồn gốc từ các nước Châu Á, thân tre màu vàng, lóng tre dài, thân và ruột đều đặc…Ngoài tre còn có trúc, nứa, mai, vầu cũng có chung một số đặc điểm của loài.Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi tre là loài cây của làng quê Việt Nam. Cây tre đã đi vào đời sống người nông dân như hình với bóng. Từ xưa, khi chưa có cốt, thép,xi măng, tre trở thành cái kèo, cái cột, phên vách làm nhà. Tre trở thành chiếc bàn ăn cơm, bộ ghế đặt trước nhà. Tre kẽo kẹt tiếng võng đưa mẹ ru con những trưa hè. Chiếc giường được làm từ bụi tre già qua mấy đời vẫn còn nguyên vẹn. Dưới tán tre xanh,các làng nghệ thủ công truyền thống ra đời. Qua bàn tay khéo léo của con người, tre trở thành cái rổ, thúng, giỏ hoa, cái nôm,cái đó.. Chẳng đứa trẻ nông thôn nào lại không biết đến những cánh diều làm từ khung tre, những chiếc sáo diều vi vu và những chiếc cần câu cong vút. Tre gắn bó đời mình vào cuộc đời lam lũ của người nông dân. Chiếc đòn gánh trên vai mẹ làm từ tre nuôi các con khôn lớn. Tre làm cán cuốc, đòn cày theo cha ra ruộng…Một đất nước không tấc sắt nhưng lại chiến thắng kẻ thù hùng mạnh nhờ vào sự kiên cường của con người trong đó tre góp một phần quan trọng. Gậy tre, tầm vông làm vũ khí đánh giặc. Tre xung phong trên khắp các trận địa, từ cộc tre trên sống Bạch Đằng đến các hầm chông khiến kẻ thù khiếp sợ. Nếu có một loài cây xứng đáng là quốc thụ thì đó chính là cây tre. Cây tre mang linh hồn, tính cách, phong tục, tập quán của người Việt. Đó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, san sẻ. Những bụi tre đứng thẳng, hướng về phía mặt trời tượng trưng cho tinh thần bất khuất, ham tự do của nhân dân. Tre nhũn nhặn, đứng khép mình nhưng lại mieetjmaif bám chắc vào lòng đất hay chính người nông dân hiền làng, chung thủy và mang trong lòng tình yêu nước sâu nặng. Cây tre đi vào đời sống tinh thần của người Việt Nam từ khi mới lọt lòng mẹ qua câu ầu ơ: “Em về cắt rạ đánh tranh Chặt tre, chẻ lạt cho anh lợp nhà” Lớn lên, ngồi hiên sau nghe bà kể chuyện Thánh Gióng bẻ che làm gậy đánh giặc với đôi mắt ngưỡng mộ rồi thương cho anh Khoai hiền lành tìm mãi cây tre trăm đốt. Cây tre trở thành lời dạy bảo của ông bà qua thành ngữ: “tre già măng mọc, tre non dễ uốn”. Có không ít nhà thơ, nhà văn viết về cây tre nhưng tre chưa bao giờ lặp lại mình trong cảm hứng của mỗi tác giả. Tre là hình bóng quê nhà của tế Hanh khi nhớ về con sông quê hương miền nam “Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre”
Tre thành biểu tượng của đất nước, dân tộc qua “Cây tre Việt Nam” của Nguyễn Duy
“ Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu”
Cây tre đã sống và cống hiến trọn đời mình cho đời sống nhân dân. Dù hôm nay, xi măng,sắt, thép đã thay thế dần vị trí của tre nhưng chẳng có bất cứ thứ gì thay thế được sự chung thủy, gắn bó mà loài cây này đối với con người. Cây tre anh hùng, bất khuất, trung hiếu, cần mẫn mãi là hình đẹp đi vào truyền thống lao động, chiến đấu của chúng ta.
Thuyết minh về cây tre 31
Cây tre là loài cây gắn liền với dân tộc Việt Nam, là biểu tượng cho tinh thần Việt, con người Việt qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Bên cạnh đó tre còn để lại biết bao giá trị vật chất cho nhân dân ta.
Tre là loại cây mọc tự nhiên, người ta chưa xác định được thời gian ra đời. Chỉ biết rằng tre đã có từ lâu lắm rồi, và gắn bó với người Việt hàng ngàn đời nay. Ta bắt gặp hình ảnh của tre trong các truyện cổ tích như: Thánh Gióng, Cây tre trăm đốt, ta nhìn thấy tre trong mỗi làng mỗi xóm. Tre có nhiều loại: tre, nứa, mai, vầu,… cả chục loại khác nhau, nhưng đều từ mầm tre mọc thẳng. Nhưng nếu tính riêng về tre, ta có thể nhận biết hai loại là tre xanh và tre đằng ngà. Tre xanh thì thân tre và cành lá tre đều một màu xanh nõn nà, còn tre đằng ngà thì toàn bộ cây là một màu vàng xuộm.
Tre có cấu tạo khác biệt so với các loài cây lấy gỗ khác. Thân cây thường khoảng bốn mươi, năm mươi đốt, trong ruột rỗng, vỏ ngoài mịn và vươn thẳng tắp lên cao vút tới năm, bảy mét. Thân tre có màu xanh mượt, nhưng ở tre già có màu bạc phếch. Tre có hai loại là tre đực và tre cái. Tre đực thân nhỏ, có đốt mau hơn tre cái, đặc biệt là có ruôt đặc. Với loại tre này nếu ngâm nước một thời gian rồi phơi khô thì độ cứng chắc cũng không thua gì gỗ lim. Vì vậy mà tre đực thường được dùng dựng nhà dựng cửa. Tre cái có ruột rỗng hơn, đốt thưa hơn tre đực, thường được dùng làm lạt, đan rổ. Lá tre màu xanh, hình thuôn dài, sờ vào thấy ráp do có lớp lông bao phủ, hoàn toàn không thấy gân lá. Lên cao tre bắt đầu phân cành, phân nhánh. Các cành tre được đâm ra từ những đốt tre, vì vậy chỉ cần có một cây trưởng thành là lập tức có măng mọc lên: Độ vươn của tre dựa vào ánh sáng, càng nắng, càng gió thì tre càng phát triển, càng vươn cao. Cây măng non thường có lớp bẹ lá màu sẫm, khi cây cao được trên một mét thì bẹ lá mới bắt đầu rụng. Có một điều mà mọi người không biết ở tre: đó là hoa tre! Hoa tre màu trắng ngần, nhỏ li ti, rụng vào mùa đông, và mọc ở cao tít trên các cành cây gần ngọn. Tre không bao giờ mọc đơn độc mà luôn mọc thành bụi, thành lũy rộng dài.
Tre gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần của con người. Xưa kia khi chưa có gạch ngói, xi măng cốt thép, tre là vật liệu để xây dựng nhà cửa. Tre giản dị hơn với những cái nơm tre, rổ tre, gầu tre, đũa tre,… phục vụ chính đời sống của người dân. Tre còn gắn liền với những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Chính vậy mà Thép Mới từng viết: “Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”. Cây tre đã trở thành người bạn thân thiết của người nông dân Việt Nam. Sẽ thật thiếu vắng nếu ngày Tết không có bát canh măng. Tre đã đi vào đời sống tuổi thơ ngay từ buổi lọt lòng, đứa trẻ đã được nằm trong chiếc nôi tre, chiếu tre, rồi lớn lên cầm cây đũa tre ăn cơm, lấy tre làm diều thả chơi mỗi buổi chiều hè. Tre đi vào tâm thức người Việt, là biểu tượng cho tình đoàn kết, cho sự kiên cường bất khuất, phẩm chất ngay thẳng, thuỷ chung của con người. Tre còn mãi trong chiếc huy hiệu Đội với hình ảnh búp măng non, biểu tượng cho thiếu niên Việt Nam. Giờ đây người ta đã thấy được nhiều giá trị mà tre mang lại. Những vật dụng làm từ tre có tính nghệ thuật cao được nhiều nước trên thế giới ưa thích.
Đối với em, tre là hình ảnh của dân tộc Việt Nam.