Cảm nghĩ của em về bộ đội biên phòng 1
“Ai đi biên giới cho lòng ta theo với
Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình
Bạt ngàn lau trắng ở tận cùng bờ cõi
Suốt một đời cùng với gió giao tranh.”
Biên cương, hải đảo – vùng đất địa đầu tổ quốc, vùng đất thiêng liêng của dân tộc Việt nam. Biết bao mồ hôi, bao sương máu của những người chiến sĩ đã đổ xuống nơi đây để gìn giữ vẹn tròn bờ cõi non sông. Để rồi chính sự hi sinh cao cả ấy đã trở thành niềm cảm hứng bất tận trong những sáng tác đi cùng năm tháng. Hình ảnh những người chiến sĩ biên phòng trong tâm tưởng mỗi người dân Việt Nam hiện lên thật đẹp, thật lung linh, thật tráng lệ.
Trải qua bao gian nan, vất vả, lực lượng biên phòng ngày càng được xây dựng và củng cố thêm về nhiều mặt nhưng dù ở đâu, ở bất cứ khi nào hình ảnh những người lính biên phòng quân hàm xanh vẫn luôn là hình ảnh gần gũi đẹp đẽ đối với nhân dân miền biên giới hải đảo. Dấu chân người lính biên phòng in sâu từng tấc đất, từng con sông, từng con rừng heo hút; gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân.
Ta bắt gặp hình ảnh người lính ấy chèo đèo vượt thác, mưa gió quản chi, tảo tần đến lớp, mang ánh sáng con chữ đến đàn em thơ. Những người lính quân hàm xanh ấy cõng trên vai những balo đầy ắp tập vở, những cuốn sách, nhiệt tình, hăm hở lên non để tri thức để văn hóa được đến với các con, đến với bản làng thân yêu. Học trò nơi đây có lẽ đã quá quen thuộc với hình ảnh người chiến sĩ với màu áo xanh đầy tự hào đứng trên bục giảng say sưa giảng bài: “ Học cái chữ Bác Hồ, để ngày mai sẽ tươi sáng ấm no, cuộc sống vui trên bản làng ta đến rồi”. Các anh- những người lính biên phòng chân chất đã mang cái chữ, mang văn hóa tiên bộ rọi soi hủ tục lạc hậu nơi núi rừng sâu thẳm. Các anh đã trở thành những người thầy kính mến của lớp lớp người dân buôn làng.
Đâu chỉ có thế, những người lính biên phòng ấy còn là những người thầy thuốc, người bác sĩ ngày đêm tận tụy chăm lo cho sức khỏe nhân dân. Giữa dòng đời vội vã, bao vất vả bao lo toan, thiếu thốn bộn bề vẫn có những người lặng lẽ chữa bệnh cứu người. Họ mong sao có thể đem y thuật của mình giúp ích chữa bệnh giúp ích cho bà con. Hình ảnh người chiến sĩ Đặng Cát với 20 năm bán bản cùng bà con chiến đấu với dịch bệnh, trèo đèo khám bệnh, lên rừng sâu tìm thuốc, nghiên cứu ngày đêm thật không khỏi khiến lòng ta xao xuyến.
Câu nói “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào là anh em ruột thịt” không chỉ còn là câu nói cửa miêng mà đã trở thành lời hẹn thề sắt son, thành tư tưởng chỉ đạo trong lực lượng bộ đội biên phòng. Biết bao cuộc vận động, bao chương trình hướng về bà con vùng biên giới, hải đảo đã được các chiến sĩ biên phòng triển khai sâu rộng như: “Chương trình bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”; “Mái ấm biên cương”; “Nâng bước em tới trường”. Những người lính hăm hở lên đường, cùng nhân dân lao động, miệt mài hướng dẫn bà con áp dụng những phương pháp kĩ thuật hiện đại vào sản xuất, chăn nuôi, ăn cùng dân, ở cùng dân, coi nhân dân như anh chị em ruột thịt. Thậm chí có những chiến sĩ còn dành dụm phần lương ít ỏi của mình đóng góp xây dựng, phát triển buôn làng. Hành động của các chiến sĩ đã góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện tích cực đời sống nhân dân và củng cố lòng tin của người dân vào ánh sáng của Đảng của Nhà nước.
Cảm nghĩ của em về bộ đội biên phòng 2
Những đêm liên hoan bên bếp lửa trại bập bùng, những bữa cơm thân mật đơn sơ, những cái tết tình thân ấm cúng và những cái ôm thật chặt đã nói lên tình cảm trân quý, mến thương mà người dân dành cho những anh bộ đội biên phòng.
Với người dân, lúc nào các anh ấy cũng hòa đồng, thân thiện, chất phác nhưng trở về với nhiệm vụ chính họ lại là những người lính hiên ngang. Những người lính ấy đứng giữa bão giông, đứng trên đầu ngọn sóng để canh giấc ngủ bình yên cho mọi nhà. Những người lính chiến đấu oai hùng, dũng cảm để bảo vệ từng tấc đất của non sông đất nước. Họ- những con người rất đỗi bình dị, họ bỏ lại cả quê hương gia đình để đến nơi đây, đến hải đảo và biên giới xa xôi bảo vệ, gắn bó máu thịt với dân tộc, hoàn thành mọi nhiệm vụ cao cả được Đảng và Nhà nước giao phó, xứng đáng là lực lượng nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hơn 60 năm hình thành và phát triển, bộ đội biên phòng đã và đang phấn đấu, nỗ lực đóng góp và cống hiến, bảo vệ và xây dựng vùng biên cương, hải đảo. Họ đã và đang viết tiếp nên những trang sử hào hùng tôn vinh bức tượng đài “anh bộ đội cụ Hồ”. Từng bước chân anh qua từng niềm vui nhân lên. Những hình ảnh đẹp đẽ sẽ mãi lung linh, bất diệt trong tiềm thức và trái tim dân tộc Việt Nam. Xin mượn vài dòng thơ đơn sơ để bày tỏ nỗi niềm kính yêu vô ngàn ấy:
“Biển và biên cương – vòng tay dang rộng
Như quê hương luôn khát vọng yên bình
Người lính Biên phòng thức dậy mỗi bình minh
Giữ trọn niềm vui nghĩa tình non nước”
Cảm nghĩ của em về bộ đội biên phòng 3
Tôi đã từng nghe nhiều bài thơ về các anh chiến sĩ biên phòng như:
“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều,
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo,
Núi không đè nổi vai vươn tới,
Lá ngụy trang reo với gió đèo”
Và cứ thế, như những vần thơ, hình ảnh anh chiến sĩ biên phòng càng hiện lên lung linh, đẹp đẽ trong trái tim tôi.
Những người chiến sĩ biên phòng ngày nay không chỉ bảo vệ biên giới mà còn ngày đêm đóng góp công sức của mình, với mong muốn giảm bớt khó khăn, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân nơi biên giới. Các anh đến đâu, niềm vui của dân được nhân lên đến đó.
Trong những năm qua, đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của người dân đã được cải thiện đáng kể. Song ở một số địa phương, do cơ sở hạ tầng còn kém nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều so với các địa phương khác, tình hình an ninh trật tự có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp. Khó khăn là vậy, nhưng mỗi chiến sĩ đều vững tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu vực biên giới biển.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn tận tụy với nhiệm vụ, luôn nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân tận tình bằng những việc làm thiết thực, xây dựng tình quân dân ngày càng vững chắc. Không ngại khó, không ngại khổ, bất kể công việc gì từ trồng rừng, xây dựng nhà, làm đường… đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân đều có bàn tay của các anh.
Bên cạnh đó, những chiến sĩ quân hàm xanh luôn phấn đấu học tập, rèn luyện, lời nói đi đôi với việc làm, khẳng định vai trò, nhiệm vụ của mình bằng cách nghĩ, cách làm hiệu quả; luôn sát cánh cùng người dân để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, nghĩa tình quân dân thêm thắt chặt, hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ càng được tôn vinh bởi mỗi người lính đang phấn đấu trở thành hạt nhân trong đơn vị, là niềm tin đối với nhân dân. Các mặt công tác luôn gắn với phong trào học tập và làm theo gương Bác, đã thôi thúc cán bộ chiến sĩ biên phòng gắn kết hơn với nhân dân, củng cố tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Lực lượng bộ đội biên phòng không chỉ đóng vai trò chủ lực trong thường trực sẵn sàng chiến đấu, mà còn là nòng cốt trong công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, cùng với các cấp ủy Đảng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn biên giới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, người lính biên phòng đã hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, chung sức xây dựng quê hương, giữ vững chủ quyền biên giới.
Màu xanh biên giới luôn đồng hành cùng các anh - những người chiến sĩ biên phòng và nơi biên giới ấy, người chiến sĩ biên phòng đang vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ chủ quyền vùng biển, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
“Những chiến sĩ biên phòng
Đứng chon von dưới trời cao biên giới”
Cảm nghĩ của em về bộ đội biên phòng 4
Viết về hình ảnh người chiến sỹ bộ đội Biên phòng nơi biên cương của Tổ quốc, nhà thơ Chế Lan Viên đã có những vần thơ sau:
Ai đi biên giới cho lòng ta theo với
Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình
Bạt ngàn lau trắng ở tận cùng bờ cõi
Suốt một đời cùng với gió giao tranh.
Biên cương, hải đảo- những vùng lãnh thổ vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Từ muôn đời nay, bao thế hệ nhân dân, chiến sĩ đã đổ mồ hôi, xương máu để gìn giữ vẹn tròn bờ cõi của đất nước. Đấy là nguồn cảm hứng dạt dào cho nhiều người cầm bút trong đó có các nhà thơ. Đã có không ít bài thơ giàu chất sống, nhiều cảm xúc viết về biên giới hải đảo mà người lính quân hàm xanh là nhân vật trung tâm.
Trong tâm hồn mỗi người dân, tình yêu biên giới luôn là phần sâu sắc không gì có thể thay thế được. Mỗi dòng suối, ngọn núi ở đây, dù bé nhỏ đến đâu cũng là Tổ quốc, là tài sản vô giá ông cha ta để lại. Những dân binh, chiến binh muôn đời nay đã kế tiếp nhau bền bỉ, can trường giữ gìn cương vực của non song.
Vùng đất, vùng biển phên dậu mãi mãi là ký thác thiêng liêng và vững bền của nhân dân về sự toàn vẹn lãnh thổ và trường tồn của đất nước. Xưa cũng thế và nay cũng thế; không thế lực nào, dù hung bạo mưu mô đến mấy làm suy suyển, dập tắt được. Nguyễn Đình Chiến trong bài thơ “Mùa xuân nơi hẹn gặp” đã viết:
Biên cương ơi ký thác của bao đời
Người sống để cháu con về hái lộc
Thơ đã viết đầm đìa trên cột mốc
Câu thơ nào tâm huyết của riêng tôi…
Nói đến biên phòng không thể không nhắc đến những cột mốc hữu hình và vô hình trên những cánh rừng, dòng sông hay vùng biển đảo xa xôi. Người lính biên phòng cũng là những cột mốc chủ quyền của đất nước cũng như Tổ quốc là điểm tựa vĩnh hằng của chiến sĩ ta. Bằng tâm thức như vậy, Vũ Hiệp Bình đã khẳng định:
Với Tổ quốc, chúng tôi là cột mốc
Với chúng tôi, Tổ quốc là điểm tựa ngàn đời
(Tổ quốc, biên giới và chiến sĩ biên phòng).
Không gì đẹp hơn khi những chiến sĩ mang quân hàm lá cây là núi của núi, là sông của sông, là ruộng của ruộng, là đất của đất, là nước của nước nơi cương vực:
Đất vẫn đất nâng cao thế đứng
Và đồng đội chúng tôi
Như cột mốc ngàn đời
Làm biên giới đất đai
(Vương Trọng-Sáng chào cờ ở một đồn biên phòng).
Con đường trập trùng, đầy gian nan thử thách mà những người lính ấy đi qua là những hành trình đỏ gìn giữ bình yên và gieo mầm cuộc sống mới nơi biên cương như Phạm Vân Anh đã phác họa rất đẹp:
Đèo Sa Mù mây bay
Chúng tôi đi trong hành trình đỏ
Gieo xuống đất biên thùy hạt ban mai rực rỡ (Hành trình đỏ).
Ở một góc nhìn khác của Phạm Thanh Khương, hành trình đỏ ấy mang những thương nhớ lo toan, khao khát ước mong của người lính hải đội biên phòng trên biển:
Những con tàu xé sóng ra đi
Để lại bãi bờ những nét cười giấu trong nỗi nhớ
Giấu lo lắng trong từng nhịp thở
Nuôi ước mơ, nuôi khao khát con người (Qua triền con sóng)…
Có đến với bộ đội biên phòng mới thấu hết những khó khăn vất vả và những thiệt thòi, hi sinh thầm lặng của họ. Mỗi bước đi là mỗi gian lao, mỗi ngày sống là mỗi thử thách trước khắc bạc thiên nhiên, trước nghiệt ngã cuộc sống. Thơ Nguyễn Đức Lợi cho ta một hình dung về mùa hè tây bắc đất nước, nơi chưa bao giờ vắng bóng chiến sĩ biên phòng:
Nay biên giới đang vào mùa bọ chó
Ruồi vàng bay rám cả vạt giang
Tai nóng giẫy từng cơn, từng cơn gió
Từ bên kia đất bạn đốt sang (Thư gửi từ biên giới).
Trần Đăng Khoa có cái nhìn rất sâu, rất cảm và đầy chia sẻ nhân văn về những người lính biên phòng ở nơi núi cao heo hút:
Những mùa đi thăm thẳm
Trong mung lung chiều tà
Có bao chàng trai trẻ
Cứ lặng thinh mà già (Đỉnh núi).
Đâu chỉ trong chiến tranh mà ngay cả thời bình người lính vẫn phải chịu những thiệt thòi, lặng lẽ cống hiến hi sinh tuổi thanh xuân cho đất nước. Cuộc sống đời thường của người lính biên phòng cũng đầy gian khổ, thiếu thốn. Trong một lần lên biên cương, Hữu Thỉnh đã xúc động viết:
Gạo thường lên sớm, thư thời chậm
Đài mở thâu đêm đỡ vắng hầm
Bao năm không thấy màu con gái
Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em.(Thư mùa đông).
Cái sự nhầm kia của người lính trẻ làm cho ta nghẹn ngào rưng rưng. Trong bài thơ “Trở về Bát Xát”, Lê Đình Cánh lại giúp ta thấy rõ hơn cảnh ngộ, gọi là thân phận cũng được của một cán bộ biên phòng:
Về đâu bác trưởng đồn thâm niên thượng úy
Ngôi sao cầu may chưa đậu xuống vai già
Thân gà trống ngại ngùng đi bước nữa/
Điếu cày khuya lưỡng lự vào ra! (Trở về Bát Xát)…
Giữa muôn vàn thử thách gian khó, hình ảnh chiến sĩ biên phòng hiện lên thật đáng yêu, đáng trân trọng. Những người lính ấy, vừa là chiến sĩ, vừa là thầy giáo, thầy thuốc và cũng là cán bộ thôn bản nữa. Thầy giáo biên phòng hiện lên trong thơ Trương Hữu Thiêm thật bình dị và gần gũi:
Chấm bài nào thầy cũng cho điểm cao
Nếu không thế mai họ không đến lớp
Bài văn tả có người hồn nhiên viết
“Thầy giáo biên phòng chăm như con trâu” (Lớp học biên phòng). Lính biên phòng là những người rất tình cảm. Tôi đã đến nhiều đồn biên phòng ở cả ba miền Bắc Trung Nam và cả biển đảo nên rất thấu hiểu điều đó. Những gì tôi cảm nhận được trong thơ viết về các anh trước hết bắt nguồn từ hồi ức kỷ niệm về bộ đội biên phòng sau các chuyến lên rừng xuống biển rất nhiều ấn tượng. Vì thế, tôi đồng cảm với Nguyễn Đức Nhuận trong bài “Màu đỏ miền Đông”:Trận địa miền Đông bịn rịn cánh cò/Công sự đỏ ngụy trang bằng màu đỏ/Dù đi đâu trai biên phòng vẫn nhớ/Nhận ra nhau qua màu áo riêng mình; của Doãn Tấn trong “Bài thơ tháng Ba”:
Tháng ba đồng đội tôi ơi
Non xanh nước bạc ai người có nhau; của Nguyễn Xuân Thái trong bài “Sang suối”:
Tôi bâng khuâng nhìn lại bóng mình
Mỗi một lần sang suối
Dòng chảy nào cong hình dấu hỏi
Trong xanh quá thôi sao chẳng dễ trả lời; của Trần Lâm Bình trong bài “Chốt biên phòng”: Chốt biên phòng
Đường lên trời thì gần
Đường xuống chợ thì xa
Mỗi lần tuần tra
Lính biên phòng gỡ mây giăng đầy tiếng mõ…
Có lẽ vì thế mà tôi cũng đã viết bài “Vợ lính biên phòng” trong lần lên đồn Bạch Đích (Hà Giang) năm 1998, có những câu:
Gần chồng chẳng được mấy khi
Xa chồng, lại nhớ ngày đi thăm chồng
Đường lên dựng núi nghiêng sông
Cổng trời mây trắng bềnh bồng bám theo…và:
Gặp chồng bao nỗi rưng rưng
Lời yêu thương lại ngại ngùng nói ra/
Bâng khuâng chuyện xóm, chuyện nhà
Chuyện con nhớ bố, chuyện bà nhớ anh…
Nói sao hết những ngọn ngành
Về xuôi đôi chuyện dữ lành vướng theo
Ngước nhìn dáng đá cheo leo
Bóng xưa đổ xuống đỉnh đèo mây bay…
Tôi nghĩ, thơ đã ký thác vào biên cương những yêu thương, khát khao và hy vọng của chúng ta!
Khi đọc những vần thơ viết về sự gian lao mà cũng đầy hào hùng về những chiến sỹ Biên phòng nơi biên cương, hải đảo xa xôi của tổ quốc tôi chợt nghĩ đến hình ảnh thế hệ trẻ hôm nay. Các anh đã chiến đấu bảo vệ từng tấc đấc, dòng sông, ngọn núi nơi biên cương, đem lại sự vui tươi, an lành cho những người thân, gia đình và những người xung quanh. Sự cống hiến của họ vừa mang trong mình những lí tưởng, mục đích cao đẹp, vừa lí trí.
Thế hệ trẻ hôm nay có nhiệt huyết và thực sự họ đã, đang và sẽ đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Những bước chuyển mình của đất nước này có sự đóng góp của họ và công lao của họ đang được cả xã hội ghi nhận. Minh chứng là những giải thưởng, những buổi vinh danh..đều xuất hiện hình ảnh những người trẻ năng động, khát khao cống hiến cho xã hội. Sự cố gắng của họ hôm nay đóng góp vào vị thế của một Việt Nam hùng cường trong tương lai. Nhưng bên cạnh những con người như thế không ít những người trẻ họ thực sự lạc lối, hoang mang trong việc chọn lựa cách thức đóng góp cho đất nước. Họ đang tham gia vào những hoạt động mà họ không biết được bản chất của hoạt động đó trên thực tế, họ thực sự trở thành những con rối trong tay những nhà “rân chủ”, những nhà “tự do” giả hiệu. Chúng đang biến những trái tim nóng của những con người trẻ thành những con người tiên phong trong chiến dịch cổ súy cho những giá trị mới mà chính họ cũng không hiểu được giá trị ấy mới đến đâu, nó có lợi gì cho đất nước này.
Hãy là những khóm “hoa lau” nơi biên giới xa xôi – những khóm hoa lau vừa tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ nhưng cũng đầy tỉnh táo, phân minh trước sự đổi thay của thời cuộc
Cảm nghĩ của em về bộ đội biên phòng 5
Tôi muốn viết về những người lính thời bình vẫn hi sinh thầm lặng cho cuộc sống ấm no của nhân dân, như truyền thống vẻ vang “vì dân” của Quân đội Việt Nam anh hùng.
Tôi sinh ra và lớn lên giữa thời đại hòa bình, lúc đất nước đã vượt qua thời bom đạn đầy đau thương mất mát và đi qua biết bao nhọc nhằn khó khăn của những ngày tháng bao cấp. Thời điểm mà những người lính tiếp tục cùng nhân dân xây dựng đất nước.
Hình ảnh người lính đem con chữ đến những bản làng nghèo xa xôi, thắp lên hi vọng và ước mơ cho những em nhỏ vùng cao, chia sẻ cùng nhân dân những nhọc nhằn, gian khó đã trở thành quen thuộc. Những chiến sĩ đang công tác nơi biên giới ấy, đa phần tuổi đời đều chẳng còn trẻ, vợ con chưa có, bố mẹ đã già, một năm được về phép vài ngày. Có những người mười mấy năm không còn biết đến không khí Tết nơi miền xuôi quê nhà, thoáng thấy những cánh đào lấm chấm nụ, lòng lại dâng lên nỗi nhớ nhà thao thiết.
Tuổi xuân của họ đã dành trọn cho Tổ quốc, nguy hiểm nơi rừng núi biên giới luôn rình rập, nhưng với họ, đáng sợ nhất lại là nỗi cô đơn. Sao tôi cứ hình dung về một nỗi buồn mênh mang khi chiều đông đến, có người lính đứng trên ngọn đồi nhìn xuống bản làng nhà cửa trù phú, khát khao một bữa cơm gia đình, một vòng tay yêu thương ấm áp.
Tôi biết đến những chiến sĩ đang ngày đêm miệt mài và âm thầm cống hiến. Dẫu bữa cơm còn đạm bạc, dẫu đêm đông giá buốt hay mưa gió sấm sét sáng lòa cả một vùng trời, họ vẫn vững vàng và kiên gan cống hiến. Ở nơi xa xôi ấy vẫn thấp thoáng màu hoa thược dược, đồng tiền, mười giờ rực rỡ. Họ trồng hoa, đun ấm chè như sẵn sàng cho bất kì người khách nào bất ngờ ghé thăm…
Ngoài trời đêm đã rất khuya, vẫn còn biết bao người lính đang thầm lặng bảo vệ và gìn giữ sự bình yên cho Tổ quốc. Là nơi đầu sóng ngọn gió ngoài biển Đông, là nơi địa đầu đất nước, là nơi biên giới xa xôi, vẫn có những người lính âm thầm đã ngã xuống, ngay cả trong thời bình. Không còn đạn lạc, chẳng có sốt rét rừng, có những người lính vẫn hi sinh vì cứu một em nhỏ giữa dòng nước lũ, vì bảo vệ một hòn đảo mỗi khi triều lên là chìm sâu trong nước, vì đuổi bắt tội phạm giữa đêm khuya… Trước đây tôi chưa bao giờ hình dung được hiện thực tàn khốc đến nhường ấy, mà giờ đây, khi đứng trước vong linh các chiến sĩ trẻ, lại cảm thấy như chạm vào nơi đau thương nhất của cuộc đời.
Tháng 12 nơi mùa đông miền Bắc gió lạnh tê người, tôi bắt gặp người phụ nữ trẻ, người trở dạ, bố mẹ ở quê xa chưa lên kịp, chồng là bộ đội, cô một mình tự bắt taxi đến bệnh viện. Nhìn ánh mắt cương quyết và nỗi đau cố kìm lại của người phụ nữ ấy, tôi bỗng hiểu đó là sự hi sinh. Có biết bao người phụ nữ đang hi sinh một cách thầm lặng như thế, như hậu phương vững chắc của những người chiến sĩ đang công tác xa nhà? Tôi cảm phục trước sự mạnh mẽ của những người phụ nữ ấy biết bao nhiêu, khi chứng kiến những giọt nước mắt lăn dài của người vợ trẻ mới cưới một anh lính hải quân, chăn gối chưa nồng đã cách biệt cả năm trời.
Nhưng tôi tự hào biết bao vì giờ đây, vẫn luôn có những thanh niên yêu thích các học viện của Quân đội, như niềm khao khát cống hiến cho Tổ quốc, như lòng yêu nước tràn đầy trong tim. Sự cống hiến ấy không hề nhỏ, là cách biệt gia đình, là nơi thao trường huấn luyện nắng đỏ lửa hay trời sương giá, là sẵn sàng chiến đấu khi có nhiệm vụ.
Tôi xúc động khi nghe từng lớp lớp các chiến sĩ hàng ngày hát vang bài ca Vì nhân dân quên mình của người chiến sĩ lục quân Doãn Quang Khải. Những người lính ấy học hát chẳng qua trường lớp đào tạo nào, là cán bộ đại đội dạy cho cán bộ trung đội, cán bộ trung đội dạy cho cán bộ tiểu đội, cán bộ tiểu đội dạy cho từng chiến sĩ, là người đi trước dạy cho người đi sau, là sự truyền lửa không bao giờ lụi tắt, như ý chí và sức mạnh bền bỉ của Quân đội nhân dân Việt Nam, vượt qua mọi gian khó để hoàn thành nhiệm vụ. Bài ca ấy là bài ca thuộc về mỗi người lính.
Lời cuối, xin trích lời bài hát ấy, một bài hát chứa đựng cả 12 điều kỉ luật, 10 lời thề của Quân đội, nói được cả những lời dạy của Bác Hồ và hơn hết là nói lên Quân đội là từ nhân dân, vì nhân dân:
Vì nhân dân quên mình
Vì nhân dân hy sinh
Anh em ơi, vì nhân dân quên mình