Bạn đã bao giờ nhìn thấy cả hàng phi lao xanh rì rào trong gió? Bạn đã bao giờ được thỏa sức đạp xe dưới bóng phi lao mát rượi mỗi trưa hè? Riêng tôi, tôi đã may mắn có được trải nghiệm đó. Cây phi lao là một trong những loài cây phổ biến tại quê tôi, là loài cây gắn bó với tuổi thơ của lũ trẻ con nơi đây.
Phi lao có tên gọi khác là dương liễu, thông ta, xì lau, có tên khoa học và thuộc họ phi lao – Casuarinaceae. Cây có nguồn gốc châu Úc, hiện nay được trồng ở hầu hết các nước Đông Nam Á, các nước châu Á và châu Phi nhiệt đới. Người Pháp đã đem cây phi lao vào trồng ở Việt Nam từ năm 1896. Hiện nay phi lao đã trở thành một trong những loài cây gỗ quen thuộc của Việt Nam. Hầu hết các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đều trồng phi lao trên các bãi cát ven biển. Nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam trồng phi lao làm cây chắn gió, cây ven đường lấy bóng mát, hay trong công viên làm cây cảnh.
Phi lao là cây gỗ trung bình, cao 15 – 25m, mang hoa đơn tính cùng cây. Vỏ thân cây màu nâu nhạt, bong thành mảng, thịt nâu hồng. Cành nhỏ, có đốt, màu xanh lá cây, quang hợp thay cho lá. Lá tiêu giảm thành vảy nhỏ, bao quanh các đốt của cành, dài 1-2mm. Lá phi lao có màu xanh đậm, tuy nhiên cũng có thể ngả sang màu đỏ khi vào mùa thu. Có khi lá còn chuyển thành màu trắng. Mùa xuân là mùa khoe sắc của lá và hoa phi lao. Hoa đực tập trung ở đầu cành, lúc nở, nhị có màu vàng nâu khiến cho toàn cây như bị khô cháy. Hoa cái mọc thành cụm ở giữa hay gốc cành, khi nở sẽ khoe sắc đỏ thắm rất đẹp mắt. Khi hoa nở rộ trông xa lá cây như chuyển thành màu vàng úa. Nét đẹp của phi lao là lá liễu thướt tha xinh đẹp.
Quả phi lao thuộc dạng quả kép, màu bầu dục, bao phủ bởi nhiều gai, khi chín có vỏ hóa gỗ và tự khai để phóng thích hạt ra ngoài. Hạt có khả năng tái sinh mạnh, cây con mọc khỏe và thích nghi với các đồi cát vàng ven biển rất tốt. Cây phi lao chịu được mặn, khô và gió. Cây sinh trưởng nhanh, cành lá sum suê, hệ rễ phát triển, rễ cọc ăn sâu vào đất tận 2m, rễ ngang lan rộng, có thể chịu được gió bão cấp 10, chịu được cát vùi lấp, trốc rễ. Thân cây chịu được cát va đập, nếu cây bị cát vùi lấp, nó có thể ra lớp rễ phụ mới ở ngang mặt đất vì vậy ở Việt Nam, tới nay phi lao vẫn là cây gỗ số một được trồng trên vùng cát cố định và cát bay ven biển. Sau khi trồng 1 năm, cây có thể đạt chiều cao 2-3m, đường kính 3cm; cây 4 tuổi cao 11-12m, đường kính 12-15cm; cây 10 tuổi cao 18-20m, đường kính trên 20cm. Thông thường trên 25 tuổi, cây ngừng sinh trưởng chiều cao, đến 30-50 tuổi cây trở nên già cỗi.
Phi lao sinh trưởng quanh năm, nhưng vào mùa mưa, cây sinh trưởng nhanh hơn. Ở giai đoạn tuổi nhỏ cây chịu khô và chịu rét kém; vượt qua giai đoạn này cây sinh trưởng tốt hơn. Cây tái sinh chồi rất tốt. Trên thân cây có nhiều rễ bất định, do đó thân cây bị vùi lấp tới đâu, cây vẫn ra rễ được ở nơi đó và sinh trưởng bình thường.
Phi lao có rất nhiều giá trị. Gỗ của cây cho nhiệt lượng lớn, cháy xong để lại than chất lượng cao, làm chất đốt rất tốt, nhất là phục vụ các lò gạch, lò gốm…Vỏ phi lao chứa tanin thường được dùng để thuộc da, nhuộm lưới đánh cá. Gỗ thường được dùng trong xây dựng, trụ mỏ, đóng đồ gỗ, làm cột điện và làm củi. Cành, lá rụng dưới rừng là nguồn củi đun chủ yếu cho nhân dân ở nhiều vùng ven biển. Nhiều nơi, người ta còn khai thác vỏ phi lao dùng vào việc nhuộm vải, lưới đánh cá, hay dùng cho y học. Lá cây dùng làm bột giấy thô và là nguồn thức ăn tốt cho trâu bò.
Các cành và thân cây chịu cắt uốn nên còn dùng làm cây cảnh, cây bóng mát và cây bonsai. Ngoài ra, trong dân gian phi lao cũng được dùng làm thuốc, rễ cây dùng làm thuốc hỗ trợ điều trị tiêu chảy và kiết lị. Đây cũng là loại cây trồng chắn gió cho đồng ruộng rất phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và duyên hải miền Trung. Cây phi lao dùng làm cây công trình, các cành và thân cây chịu cắt uốn nên còn dùng làm cây cảnh, cây bóng mát và cây bonsai. Ở những vùng nông thôn,cây được trồng để lấy bóng mát, xua tan cái nóng nực của mùa hè.
Phi lao chỉ là một trong rất nhiều loài cây được trồng tại các vùng miền nhưng nó mang ý nghĩa và giá trị đặc biệt của riêng mình. Bóng phi lao xanh đung đưa theo gió đã trở thành hình ảnh vô cùng đẹp đẽ trong trái tim nhiều người Việt Nam.