Suy nghĩ về câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách (6 mẫu)

Cảm nhận câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách  1

Tương thân tương ái là thứ tình cảm thiêng liêng của dân tộc Việt Nam ta. Nó được truyền từ đời này qua đời khác và sẽ còn được các thế hệ con cháu sau tiếp nối và phát huy. Ông cha ta có nhiều câu tục ngữ về tinh thần tương thân tương ái như “lá lành đùm lá rách” để răn dạy con cháu về đạo đức làm người.

“ Lá lành đùm lá rách” câu tục ngữ ngắn gọn mà chứa đựng một bài học thật quý giá. “Lá lành” là chỉ những chiếc lá nguyên vẹn, còn “ lá rách” là để chỉ những chiếc không còn nguyên vẹn nữa và đã bị sâu nát. Hình ảnh “ lá lành đùm lá rách” thường được thấy qua những chiếc bánh trưng, bánh tẻ,.. được gói bên trong là những chiếc lá rách và được đùm bọc bên ngoài bằng những chiếc lá đẹp và lành lặn hơn. Nếu chỉ gói bánh bằng những chiếc lá rách thì chiếc bánh sẽ không chắc chắn khi được gói kèm với chiếc lá lành.

Mượn hình ảnh “ lá lành đùm lá rách”, nhân dân ta muốn liên hệ đến hình ảnh con người trong đời sống. Lá lành ở đây chính là chỉ những người giàu có và có điều kiện trong xã hội, cuộc sống của họ không phải vật lộn với “ cơm áo gạo tiền”. Còn lá rách ở đây là chỉ những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, cuộc sống của họ không được may mắn như những người khác, và họ phải làm việc vất vả để kiếm tiền nuôi gia đình. “ Lá lành đùm lá rách” chính là bài học đạo đức quý báu mà ông cha ta đã để lại và khuyên răn con cháu từ ngàn xưa. Con người sống với nhau trong cùng một đất nước, cùng một “ bọc trăm trứng “ của mẹ Âu Cơ thì phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

Con người nếu sống với nhau mà cứ “ mạnh ai nấy sống” thì không thể đoàn kết được, mỗi khi có việc cần đến đều phải nhờ tới sự trợ giúp của anh em, bạn bè, xóm giềng. Vì thế trong lúc khó khăn nếu bản thân cứ khư khư không chịu san sử với ai thì sẽ bị cô lập trong xã hội. Hơn nữa, trong cuộc sống có nhiều người sinh ra đã kém may mắn so với những người khác, họ phải vất vả vật lộn với cuộc sống để mưu sinh, thì những người may mắn hơn có điều kiện ở trong môi trường tốt cũng nên có sự tương thân chia sẻ về tinh thần, vật chất để giúp xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giàu truyền thống tương thân tương ái: “ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” hay “ bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Và điều đó đã được minh chứng rõ nét qua từng thời kì lịch sử. Năm 1945, đất nước ta có hơn hai triệu người chết đói, trong hoàn cảnh như vậy, khi vừa mới tuyên bố độc lập, đất nước còn rất nhiều khó khăn nhưng Hồ Chủ tịch đã giương cao ngọn cờ cả dân tộc đoàn kết tương thân tương ái vì vậy đã giúp đất nước ta thoát khỏi nạn đói khủng khiếp. Bác đã lập ra “ Hũ gạo cứu đói”, mỗi tuần lại nhịn ăn một bữa để tích cóp giúp đỡ người bị nạn, noi gương Bác, hàng loạt những phong trào yêu nước, đùm bọc lẫn nhau đã diễn ra sôi nổi khắp cả nước.

Ngày nay, truyền thống đoàn kết tương trợ lẫn nhau vẫn còn được tiếp nối và phát huy. Hàng năm, nhân dân dọc miền Trung lại phải gánh chịu hậu của của thiên tai, lũ lụt, làm nhiều người chết và nhiều người lâm vào cảnh “ màn trời chiếu đất”. Mỗi khi đất nước lâm vào hoàn cảnh như vậy thì nhân dân ở khắp mọi nơi lại dấy lên phong trào quyên góp quần áo, đồ ăn, thức uống hỗ trợ những gia đình gặp nạn. Hay hàng năm, học sinh, sinh viên trên cả nước lại tổ chức phong trào quyên góp sách vở, quần áo cũ gửi tặng những trẻ em vùng cao không có điều kiện học tập. Nhìn những nụ cười của trẻ em vùng cao khi nhận được những cuốn sách, cuốn vở mới thấm thía cái nghĩa tình sâu nặng của người với người. Có những khi tinh thần “ Lá lành đùm lá rách” lại được thể hiện ngay chính trong cuộc sống hàng ngày diễn ra như việc chúng ta giúp đỡ những người vô gia cư, những trẻ em lang thang, khuyết tật những món quà tinh thần và vật chất để thể hiện rằng “ Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lí đó không bao giờ thay đổi.”

Tinh thần tương thân tương ái đó không chỉ được nhân dân ta thể hiện trong đất nước của mình mà nó còn lan tỏa ra khắp năm châu bốn bể, khi những biến động xấu xảy ra trên Thế Giới, Đảng và Nhà nước ta vẫn giương cao ngọn cờ chung tay góp sức giúp nước bạn vượt qua khó khăn. Tuy vây, trong cuộc sống vẫn còn tồn tại nhiều người ích kỉ, không biết sẻ chia tình yêu thương, đùm bọc đến những người khốn khó xung quanh mà chỉ giữ khư khư cho riêng mình. Đó là những người cần phải lên án và đấu tranh loại bỏ để xây dựng một xã hội vững mạnh và gắn bó.

“ Lá lành đùm lá rách” thể hiện truyền thống đoàn kết của dân tộc ta,trong từng giai đoạn lịch sử nó đều phát huy tác dụng giúp nhân dân ta xây dựng một nước Việt nam vững mạnh và phát triển. Vì vậy, thế hệ con cháu chúng ta cần phải tiếp tục nối tiếp truyền thống thiêng liêng đó và truyền dạy lại cho thế hệ đời sau những bài học đạo đức quý báu của dân tộc.

Cảm nhận câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách  2

Đoàn kết, tương thân tương ái là một tình cảm đặc biệt và nổi bật trong nhân sinh quan của mỗi con người Việt Nam xưa và nay. Nhờ vậy mà dân tộc ta đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, thử thách, thiên tai, dịch bệnh…, đứng vững vàng giữa năm châu, bốn bể. Đã có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ trong kho tàng ca dao, tục ngữ của dân tộc đề cập đến vấn đề này. Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” là một trong số đó. Câu tục ngữ trên cho ta thấy bài học làm người, phản ánh mối quan hệ tình cảm đậm đà giữa người với người.

Nghĩa đen của câu tục ngữ phản ánh một hiện tượng rất đỗi bình thường trong sinh hoạt hằng ngày của nhân dân ta. Đó là việc dùng lá để gói hàng, ngày xưa thì lá thông dụng được dùng để gói mọi thứ. Khi lá bị rách thì người ta sẽ lấy một tấm lá khác bao bọc bên ngoài cho. thêm phần chắc chắn. Nhưng không chỉ vậy, hình ảnh “lá lành”, “lá rách” ở đây mang ý nghĩa tượng trưng cho con người chúng ta trong những hoàn cảnh, thời điểm khác nhau. “Lá lành” là con người lúc yên ổn, thuận lợi, giàu có. Còn ngược lại “lá rách” là con người lúc sa cơ, thất thế, nghèo khó. Bằng lối nói tượng trưng, dùng hình ảnh cụ thể và giản dị, câu tục ngữ ngụ ý khuyên chứng ta nên biết chia sẻ, giúp đỡ, cảm thông, xót thương những người bị rơi vào cảnh ngộ cùng quẫn, cô đơn.

Câu tục ngữ đã thể hiện mối quan hệ tình cảm tốt đẹp đậm đà của nhân dân ta từ xưa đến nay trong xã hội. Đoàn kết, tương thân tương ái vốn là một truyền thống tốt đẹp đáng tự hào của dân tộc ta. Ngoài câu tục ngữ trên, trong kho tàng ca dao, tục ngữ còn rất nhiềụ^câu tương tự như thế: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người chung một nước phải thương nhau cùng” hay “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”… Các câu trên đều khuyên nhủ ta: Hễ là đồng bào thì nên đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trên tinh thần tương thân tương ái, không nên thờ ơ, ngoảnh mặt, quay lưng trước nỗi bất hạnh của người khác; mà trái lại, phải luôn luôn quan tâm, giúp đỡ, đùm bọc, che chở người khó khăn, thất thế. Những người giàu có nên yêu thương, giúp đỡ cho những người nghèo khổ, nhất là những khi họ gặp hoạn nạn, tai ương. Những người có địa vị cao trong xã hội nên tạo điều kiện giúp đỡ quần chúng được sống một đời sông ấm no, hạnh phúc. Đúng như tinh thần của người xưa đã từng khuyên dạy: “Thấy ai đói rách thì thương, Rét thường cho mặc, đói thường cho ăn”.

Trong đời sống xã hội, hoàn cảnh con người dễ thay đổi thất thường, khi thành công khi thất bại, khi được khi mất, khi giàu có khi nghèo khổ. Vì thế tinh thần tương thân tương ái giúp cho xã hội tránh được mầm móng chia rẽ, xung đột, xây dựng được tình đoàn kết, tương thân tương ái. Điều đó cho thấy rằng lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo chính là một phẩm chất tốt đẹp mà mỗi cá nhân cần phải có để lấy đó làm nền tảng xây dựng nên một xã hội bình đẳng, thân ái, hoà bình, ổn định. Cũng phải nhận ra rằng thờ ơ trước nỗi đau, bất hạnh của ngữời khác là một thói xấu, một thái độ ích kỉ, vô lương tâm.

Trong đời sống còn nhiều khó khăn của xã hội ta hiện nay, hơn lúc nào hết, lòng nhân ái, tình cảm thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, phải được nâng lên thành ý thức tự giác trong mỗi con người chúng ta.

Câu tục ngữ này đã được tiếp nối bao đời trong các thế hệ người Việt, khẳng định truyền thống cao quý trong đạo lí làm người của dân tộc ta. Chính nhờ sự đoàn kết keo sơn, tinh thần tương thân tương ái đậm đà nèn trải qua bao cuộc xâm lược dã man, nhân dân vẫn bảo vệ được nền độc lập, bảo vệ được sự sống còn, vững mạnh của đất nước cho đến ngày nay.

Và một điều quan trọng nữa là “Lá lành đùm lá rách” nghĩa là người khoè mạnh, bình thường phải giúp đỡ người yếu đuối, khó khăn là một bổn phận cần thiết nhưng không được xuất phát từ động cơ cá nhân thấp hèn và cũng không phải là hành động ban ơn kiểu bố thí; mà nhất thiết là phải bắt nguồn từ lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo thực sự. Và người được giúp đỡ cũng không được ỷ lại, hoàn toàn sống nhờ vào tình thương xót của người khác để trở nên thụ động, biếng nhác, mà phải biết vươn lên hoàn cảnh.

Tóm lại, tình yêu thương, đùm bọc nhau là một truyền thống tốt đẹp về đạo lí làm người của dân tộc ta đã được giữ vững và phát huy qua nhiều thế hệ, giai đoạn lịch sử của đất nước.

Ngày nay truyền thống ấy cần được kế thừa và phát huy manh mẽ hơn nữa. Mỗi người chứng ta phải có ý thức đoàn kết tương ái, tương thân, tương trợ lẫn nhau trong sinh hoạt, học tập, sẵn sàng, tích cực tham gia các công tác cứu trợ xã hội, hoạt động từ thiện. Đồng thời, hơn ai hết, thanh niên chúng ta cần kiên quyết chống tư tưởng ỷ lại, đề cao tinh thần tự lực cánh sinh.

Cảm nhận câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách  3

Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam có rất nhiều những câu tục ngữ giàu ý nghĩa. Nhân dân ta đã dùng những câu tục ngữ để đúc kết lại những đạo lí, những kinh nghiệm của mình trong quá trình sống. “Lá lành đùm là rách” là một trong những câu tục ngữ ngắn gọn nhưng giàu ý nghĩa của Việt Nam ta. Vậy câu tục ngữ ấy có ý nghĩa như thế nào?

Xét theo nghĩa đen ở đây câu nói có ý lá lành đùm lá rách thì sẽ có tác dụng che chắn, bao bọc những chiếc lá rách kia. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở nghĩa đen của câu chữ thì không bao giờ câu nói trên trở thành một câu nói ý nghĩa cả. Ở đây là lành chính là những người có số phận may mắn, những người giàu có, những người có cuộc đời an nhàn, hạnh phúc. Còn lá rách chính là hình ảnh chỉ cho những số phận con người kém may mắn, họ có thể là những người mồ côi cả cha lẫn mẹ, những nhà có hoàn cảnh nghèo khó, những đứa trẻ vì nghèo không thể đến trường, những chú thương binh, những em bé bị chất đôc màu da cam…Tóm lại câu nói thể hiện sự giúp đỡ, hỗ trợ tương thân tương ai giữa con người với con người.

Trong thực tế, đồng cảm giúp đỡ lẫn nhau là truyền thống đạo đức quý báu của dân tộc ta. Dù thực tế nghèo nàn nhưng số phận may mắn vẫn giúp đỡ những số phận kém may mắn để tạo nên một sức mạnh to lớn. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, nạn đói 1945 đã làm cho 2 triệu đồng bào ta chết đói, ngay lập tức khi chính quyền non trẻ được thành lập Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào ủng hộ những người nghèo khó để diệt nạn đói với khẩu hiệu “Một nắm khi đói bằng một gói khi no” và chính vì chính sách ấy mà nhân dân ta nhanh chóng vượt qua nạn đói và ổn định. Hay miền Bắc sau khi chiến thắng đã nhanh chóng ủng hộ Miền Nam chống Mỹ. Đó là sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Hay những ví dụ hết sức đời thường như hoạt động khuyên góp của các bạn học sinh có điều kiện cho những bạn học sinh vùng nghèo về sách vở, quần áo. Đó cũng là một ví dụ về “lá lành đùm lá rách”.

Việc làm ấy không những giúp cho con người gần gũi nhau hơn, những người nghèo có thể có điều kiện để phát triển như những người may mắn hơn, không có sự phân hóa giàu nghèo mà còn giúp cho lòng người được thoải mái yêu mến cuộc đời hơn. Khi chúng ta làm tốt một việc gì đó, giúp đỡ được một người mặc dù việc đó rất nhỏ nhưng trong lòng ta cũng cảm thấy tự hào về bản thân mình. Đồng thời người được giúp đỡ cũng yêu mến ta hơn. Và trong cuộc đời đầy những sóng gió này “Sông có khúc người có lúc” nếu như ta biết đối sử tốt với mọi người, nếu có lúc ta gặp khó khăn thì chắc chắn sẽ có người giúp đỡ lại ta.

Tóm lại câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách” có ý dạy con người chúng ta nên biết giúp đỡ, sẻ chia với những số phận kém may mắn. Việc làm tuy nhỏ nhưng không những ta giúp đỡ được những người kém may mắn mà ta còn giúp cho đất nước phát triển hơn

Cảm nhận câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách  4

Thực tế lịch sử đã cho thấy trong bốn ngàn năm sống còn trên dải đất bên bờ biển Đông đầy sóng gió này, dân tộc Việt Nam chúng ta đã từng gánh chịu biết bao là thiên tai dịch họa vô cùng ác liệt. Phép lạ nào đã giúp tổ tiên chúng ta vượt qua được mọi khó khăn, điêu đứng ấy để đứng vững cùng bè bạn năm châu? Phải chăng là ở sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau? Phải chăng là nhờ nhân dân ta đã thực hiện đúng như câu tục ngữ mà từ bao đời nay cha ông ta đã truyền đời: “Lá lành đùm lá rách?”

Nội dung chứa đựng trong câu ấy có thể xem như một bài học về đạo lý làm người, đồng thời phản ánh mối quan hệ tình cảm đậm đà trong xã hội ta ngày trước.

Đọc câu tục ngữ ấy lên, chúng ta hình dung được ngay một hiện tượng rất bình thường trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân ta. Đó là dùng lá cây – lá chuối chẳng hạn – để gói hàng. Nếu lá bị rách, người ta sẽ lấy một tấm lá khác lành lặn bọc lại bên ngoài cho thêm chắc chắn.

Đó chính là nghĩa đen, nghĩa thực của câu tục ngữ. Thế nhưng về mặt nghĩa bóng thì sao? Hình ảnh lá lành, lá rách ở đây tượng trưng cho con người trong những hoàn cảnh riêng khác nhau. Lá lành chỉ con người lúc yên ổn, thuận lợi, cuộc sông xuôi chèo mát mái.

Trái lại, lá rách chỉ con người lúc khó khăn, sa cơ lỡ vận. Bằng lối nói tượng trưng, dùng hình ảnh cụ thể và giản dị ấy, câu tục ngữ ngụ ý khuyên chúng ta nên biết chia sẻ, giúp đỡ, thông cảm, xót thương những người bị rơi vào cảnh ngộ cùng quẫn, gieo neo.

Với nội dung vừa nói, câu tục ngữ trên đã biểu hiện mối quan hệ tình cảm tốt đẹp, đậm đà của nhân dân ta từ xưa trong xã hội. Thật vậy, đoàn kết tương thân tương ái vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Ngoài câu tục ngữ trên, người xưa còn truyền đời các câu: “Chị ngã em nâng”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương nhau cùng” , ” Bầu ơi! Thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một già”…

Các câu tục ngữ trên đều khuyên nhủ ta hễ là đồng bào thì nên đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trong tinh thần tương thân tương ái, không nên thờ ơ, ngoảnh mặt, quay lưng trước nỗi bất hạnh của người khác mà trái lại phải luôn luôn quan tâm giúp đỡ, đùm bọc, chở che người khó khăn, thất thế.

Những người giàu nên thương yêu giúp đỡ những người nghèo khổ, nhất là trong những khi họ gặp hoạn nạn tai ương như lụt lội, cháy nhà, bệnh tật… Những người có địa vị cao, trách nhiệm lớn nên tạo điều kiện, giúp đỡ quần chúng được sống một đời no ấm hạnh phúc. Đúng như tinh thần của người xưa đã từng khuyên dạy:

“Thấy ai đói rách thì thương

Rét thường cho mặc, đói thường cho ăn”

Trong đời sống xã hội, hoàn cảnh con người dễ thay đổi bất thường khi thành công, khi thất bại. Có cái tính thương người như thể thương thân ấy, thì cuộc sống xã hội mới tránh được mầm mống chia rẽ, xung đột, xây dựng được tình đoàn kết, tương thân, tương ái. Điều đó đủ cho thấy lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo chính là một phẩm chất tốt đẹp mà mỗi cá nhân cần phải có để lấy đó làm nền tảng xây dựng nên một xã hội bình đẳng, thân ái. Cũng phải thấy rằng thờ ơ trước nỗi đau bất hạnh của kẻ khác là một thói xấu, một thái độ ích kỉ, vô lương tâm.

Trong đời sống còn nhiều khó khăn của buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, hơn lúc nào hết, lòng nhân ái, tình cảm thương yêu, đùm bọc lẫn nhau ấy phải được nâng lên thành ý thức tự giác ở mỗi con người chúng ta.

Câu tục ngữ được truyền tiếp bao đời nay đủ để khẳng định truyền thống cao quý trong đạo lý làm người của dân tộc ta. Chính nhờ sự đoàn kết keo sơn, tinh thần tương thân tương ái đậm đà nên trải qua bao thời Bắc thuộc, Pháp thuộc và Mỹ thuộc, nhân dân ta vẫn bảo vệ được nền độc lập, bảo vệ được sự sống còn vững mạnh cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhận định, đánh giá đúng tinh thần của câu tục ngữ này. “Lá lành đùm lá rách” nghĩa là người khỏe mạnh, bình yên phải giúp đỡ người yếu đuối, khó khăn là một bổn phận cần thiết nhưng phải không được xuất phát từ động cơ cá nhân thấp hèn và cũng không phải là hành động ban ơn trịch thượng kiểu bố thí mà nhất thiết phải bắt nguồn từ lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo mà chúng ta vừa phân tích ở trên.

Cả người được giúp đỡ cũng vậy, không nên ỷ lại, hoàn toàn sống nhờ vào tình thương xót của người khác để trở nên thụ động, biếng lười. Họ phải vươn lên xứng đáng để làm nên mối quan hệ bình đẳng thân ái với người khác.

Tóm lại, tình yêu thương, đùm bọc nhau là một truyền thông đẹp đẽ về đạo lý làm người đã được dân tộc ta giữ vững và phát triển qua nhiều thế hệ, trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước nhất là trong khó khăn, hoạn nạn, dịch họa, thiên tai.

Ngày nay, truyền thống “lá lành đùm lá rách” cần được kế thừa và phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Mỗi người chúng ta phải có ý thức đoàn kết tương ái, tương thân, tương trợ nhau trong sinh hoạt, học tập và sẵn sàng tích cực tham gia các công tác cứu trợ xã hội. Tuy nhiên, hơn ai hết, thanh niên chúng ta cần chống tư tưởng ỷ lại, đề cao tinh thần tự lực cánh sinh.

Cảm nhận câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách  5

Tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta luôn luôn được phát huy cao độ dù trong thời kỳ nào cũng vậy, chỉ khi nhân dân ta đoàn kết lại mới có thể đưa đất nước đi lên, phát triển nhất là thời kỳ hội nhập ra thế giới như nước ta hiện nay. Các cụ có câu để nói lên những tinh thần ấy, như câu “lá lành đùm lá rách” để thể hiện tinh thần dân tộc luôn được giữ vững.

Ngày xưa khi nước ta còn nhiều chiến tranh, nhân dân phải chịu nhiều khó khăn, bao nhiêu ách thống trị của bọn thực dân, phong kiến thì tinh thần ấy càng được nêu cao. Đất nước ta đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, mất mát và đau thương để dành lấy độc lập và tự do như ngày hôm nay. Tất cả đều cần sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân trong cả nước, là cả một quá trình sống và chiến đấu, yêu thương, đoàn kết giúp đỡ nhau. Nhân dân ta đã thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của cha ông ta trong câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách”, câu nói thể hiện một tinh thần dân tộc rất sâu sắc, thực tế, gần gũi với mỗi người dân Việt Nam, cùng là con cháu Việt, chính vì vậy cần yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong các cuộc kháng chiến, trong công việc và học tập để cùng nhau phát triển đưa đất nước lên tầm vinh quang sáng chói.

Trong cuộc sống hiện nay, “lá lành đùm lá rách” là câu tục ngữ có ý nghĩa gần với thực tế, không hề xa xôi, đâu đâu chúng ta cũng thấy tình yêu thương giữa người với người. Ngay trong trường học, mỗi bạn trong lớp cần đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, giúp đỡ bạn trong lớp có hoàn cảnh khó khăn. Để hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách” chúng ta cùng đi tìm hiểu ý nghĩa của nó để hiểu chính xác nhất nội dung. Hiểu theo đơn giản rằng khi chúng ta có điều kiện được no đủ trong khi đó còn rất nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn, không có đủ cơm để ăn, đủ quần áo để mặc, vì vậy cần những hành động của cộng đồng giúp sức, cùng san sẻ, đồng cảm, nỗ lực để họ thoát khỏi cái nghèo, cái khổ đưa đất nước ta lên một tầm phát triển mới. Là một nước đang trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kéo theo đó có rất nhiều những mặt trái, những con người kém may mắn, đồng bào cả nước cần chung tay giúp đỡ những người kém may mắn như vậy. Hay hàng năm nước ta có rất nhiều thiệt hại do bão lụt gây ra ở miền trung chính vì thế tinh thần “lá lành đùm lá rách” lúc này cần phát huy nhất cả nước vì “miền trung thân yêu”.

Một xã hội muốn ấm no, hạnh phúc, đất nước muốn phồn thịnh thì tình yêu thương là điều mà mỗi người cần phải cố gắng bồi đắp và vun vén để giúp đỡ lẫn nhau. Tình thương yêu sẽ gắn kết chúng ta lại với nhau, đoàn kết nhiều người như một đồng lòng. Nhất là trong các cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược, nhân dân ta đã phải đổ bao nhiêu máu và nước mắt, đã hi sinh vì sự độc lập về sau. Và tình yêu, sự bao bọc lấy nhau là điều rất cần thiết tạo nên sức mạnh bất diệt, tạo nên làn sóng mạnh mẽ nhấn chìm tất cả, mọi khó khăn gian nan sẽ được vượt qua nếu chúng ta cố gắng phấn đấu đánh bại chúng, đuổi hết bọn thực dân xâm lược ra khỏi nước ta. Tình yêu thương và đùm bọc nhau sẽ là sức mạnh đoàn kết mãnh liệt nhất giúp dân tộc ta vượt lên tất cả.Tuy nhiên, yêu thương và giúp đỡ nhau phải xuất phát từ tâm, từ cái tình mang trong mình, thật lòng thì mới có kết quả tốt. Nhất quyết không được biến tình yêu thương, bao bọc đó thành hành động bố thí hay ban ơn.

Câu tục ngữ trên mang ý nghĩa răn dạy mỗi con người hãy không ngừng yêu thương và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tấm lòng của mỗi con người sẽ góp phần xây dựng nên một xã hội giàu mạnh và văn minh hơn, mỗi chúng ta đang sống trong một cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay thì càng cần phát huy được tinh thần đó

Cảm nhận câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách  6

Từ lâu trong xã hội của chúng ta, luôn tôn trọng những giá trị của truyền thống dân tộc, nó được thể hiện trong các văn hóa ứng xử của người Viêt, đặc biệt  đề cao hết thảy là tình thân giữa người với người trong một gia đình, nâng cao lên thành tình thân ái giữa con người trong xã hội phải xuất phát từ trái tim nóng.  Điều đó được bàn luận rất rõ qua câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”.

Bài học bất tận về tình tương thân, tương ái vẫn vang mãi qua thời gian, là quan niệm sống của người xưa, nó cho ta hiểu được đạo lý sâu sắc về sức mạnh của tấm lòng yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa con người trong một cùng một cộng đồng. Hình ảnh ấy được bắt nguồn từ những vật tưởng như vô tri “Chiếc lá”, là hai loại khác nhau cái  lành lặn,mới, cái thì rách, cũ, nát . Con người dân ta xưa đã nhanh chóng biết sử dụng nó trong việc gói bọc những chiếc bánh truyền thống để giữ trọn hương vị vẹn nguyên, độ nóng, tạo màu cho nó. Ta thường thấy được người ta chọn những chiếc lá rách nằm bên trong, phủ ra ngoài là chiếc lá lành lặn vừa tạo tính thẩm mỹ cho tổng quan của chiếc bánh. Không chỉ dừng lại ở đó, người xưa đã liên tưởng đến được nó tượng trưng cho con người. Chiếc lá lành chẳng khác chi người giàu có trong xã hội, chiếc lá rách đại diện cho người nghèo, người bất hạnh, gặp điều rủi ro trong cuộc sống, cần sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Sớm hiểu được rằng, những con người giàu có hơn nên biết đùm bọc, chia sẻ với những hoàn cảnh nghèo khó hơn mình dù chỉ là một ít, thì mới mong rằng giá trị đạo đức, văn hóa của xã hội đi lên, diện mạo của xã hội cũng dần dần sáng sủa, văn minh, tiến bộ hơn

Như những chiếc lá kia còn đùm bọc nhau, tạo thành hàng lớp lớp lá. Còn có thể hiểu đến con người, nào ai có thể dám khẳng định mình sống lẻ loi, giữa cuộc đời này. Nó tạo nên sức mạnh của tình yêu thương, giúp những người khó khăn sẽ tái hòa nhập được với cuộc sống, dần cải thiện được cuộc đời họ. Khó có thể sống mà mặc kệ làm ngơ trước những mảnh đời bất hạnh, chỉ biết sống vì lợi ích cá nhân, vì con người  trong ta vốn dĩ luôn được nuôi dưỡng phương châm sống, thái độ sống đúng đắn, giúp người khác chính là giúp mình, vì là “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Tình cảm ấy phải được hiểu là nên xuất phát bằng trái tim nóng, sự bắc cầu của tình yêu thương trong sáng, chân thành nhất, chứ không nên làm vì sự bố thí, sự khinh thường hoàn cảnh người khác, làm được điều đó mới thực chất hoàn thiện được, hiểu được toàn bộ đạo lý cao đẹp này.

 Lòng nhân đạo tuyệt vời ấy không hiếm thấy trong cuộc sống, biểu hiện của nó xuyên thời gian, không gian, ám ảnh lên mỗi con người sống trong cùng một xã hội. Trong chiến tranh, vì có tinh thần đoàn kết tương thân tương ái mà cả nước ta mới chiến thắng kẻ thù với sức mạnh bền bỉ, là những lần nạn đói hoành hành, tinh thần ấy trỗi dậy “ Một nắm khi đói, bằng một gói khi no” là lời thuyết phục đúng đắn được hành động tiên phong làm gương đó là  Hồ Chí Minh- vị chủ tịch nước CHXHCNVN đương thời tài ba, hay là các gia đình có người thân ra tuyền tuyến đều được bà con xóm làng, khu phố an ủi, động viên, giúp đỡ khi ốm đau, thiếu thốn, tương trợ nhau trong sản xuất. Là những lần tặng huy chương, đến thăm hỏi, động viên các  “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” có những hoàn cảnh neo đơn, vì họ đã gánh chịu  những mất mát to lớn tinh thần, vật chất , họ đã để  những người con của mình ra đi để bảo vệ tổ quốc nhưng không may mãi mãi hy sinh tuổi thanh xuân của họ, nằm lại nơi chiến trường. Đến khi hòa bình lặp lại, thiên tai lại ập đến, những cơn lũ hằng năm đã cướp đi sinh mạng, của cải, vật chất, để lại những vết tích đau đớn in hằn trong tâm khảm người dân nằm vùng bão.Chính phủ, Cộng đồng người Việt ở  trong nước, nước ngoài và nhiều tổ chức quốc tế cũng nhiệt tình ủng hộ nhân dân vùng lũ.

Trong những câu ca dao, tục ngữ ta cũng có nói rằng: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, “Thương người như thể thương thân”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng” và “Khôn ngoan đối đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, .. .Có lẽ chất keo kết dính giúp cho xã hội phát triển chính là tình thân tương thân tương ái, giúp nhau qua hoạn nạn,tình yêu thương, cùng giúp  nhau tiến bộ-  giúp nhau trong khó khăn, tạo nên sức sống bất diệt của một dân tộc vững bền từ trong ra ngoài. Có thể nói nó đã trở thành phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam, trở thành đặc trưng bản sắc văn hóa Việt nam đáng để được tự hào.

Điều hoàn thiện cho câu nói “Lá lành đùm lá rách” ở biểu hiện cụ thể như  Gia đình nào có con em lấy vợ, lấy chồng, hoặc đỗ đạt, thành tài, thì bà con xóm phố cũng đều đến chia vui,… Tóm lại là nên hiểu sự giúp đỡ đó phải xuất phát từ tinh thần tự nguyện và sự yêu thương của mỗi một  người dành cho nhau, không hẳn là chỉ chia sẻ với những nỗi buồn của người khác , mà khó hơn nữa là biết sống đồng cảm với niềm vui với người khác. Và nếu như  có sai lệch trong suy nghĩ căn bản như giúp đỡ để đổi lại một cái thứ gì đó thì đó không phải là ý nghĩa chân chính của Tinh thần tương thân tương ái, mà đó chỉ là sự trao đổi . Vậy nên  chúng ta hãy sống xứng đáng với dân tộc ,với truyền thống, trọn vẹn đạo đức làm người,  áp dụng luôn, học luôn những cái nhỏ nhất sự chia sẻ, rèn luyện nó mỗi ngày bằng việc đơn giản giúp đỡ mọi người xung quanh.

Em tự thấy  mình cần phải tu dưỡng tốt tinh thần cao đẹp này, vì em hiểu rằng làm một việc tốt cho người xung quanh không vụ lợi, mình cảm thấy tâm hồn dường như thanh thản, vui vẻ hơn, bớt đi được những khó khăn cho xã hội. Bài học “Lá lành đùm lá rách” cao quý này không chỉ cho mỗi người nuôi dưỡng ý nghĩa cao cả biết giúp đỡ người xung quanh, mà còn là giúp cho ta biết hoàn thiện nhân cách để xứng đáng trở thành một con người toàn diện về đạo đức, trí tuệ.