Cảm nhận ngày thương binh liệt sỹ 1
“ Tôi lớn lên, khi đất nước không còn chia Bắc Nam, Chẳng biết chiến tranh là gì, chỉ còn lại trong những câu chuyện của cha…”
Đó chỉ là một câu hát vu vơ mà tôi vẫn thường hay nghe, song có lẽ nó là đại diện cho cả một thế hệ trẻ. Tại sao ư? Vì chúng ta đâu được chứng kiến sự tàn nhẫn của chiến tranh, sự khó khăn của những người lính bất đắc dĩ phải cầm súng và cả sự khổ cực của hậu phương,… Chúng tôi cũng đâu cảm nhận được chiến tranh, chẳng thấy được cái gọi là xót thương đối với những bà mẹ mất con, những đứa con mất cha và tất nhiên cũng không thể thấy được niềm vinh quang, hãnh diện khi cả đất nước hân hoan giải phóng, thống nhất bởi lúc đó chúng tôi đâu đã được ra đời!
XX năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương của mình để giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc. Để hôm nay của chúng ta được sống trong hòa bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà.
Chúng ta nhớ về những ngày tháng đất nước còn trong khói lửa chiến tranh, trên đất nước luôn chỉ muốn hòa bình. Để giữ lấy nền độc lập thiêng liêng ấy của Tổ quốc, hàng triệu thanh niên Việt Nam với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, ra đi với tình yêu cho quê hương đất nước vô cùng mãnh liệt, thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Những người con anh dũng của Tổ quốc, có người còn sống nhưng cũng có người đã nằm lại với đất mẹ thân yêu. Thế nhưng những chiến công và tên tuổi của các anh đã trở thành bất tử, khắc ghi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi được thế hệ những người Việt Nam tưởng nhớ.
Cùng đồng bào cả nước, Ban lãnh đạo XX luôn ghi nhận và tri ân tới những anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống vì Tổ quốc nói chung và cha mẹ đẻ của cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn là thương binh, liệt sỹ nói riêng bằng cách gửi những món quà ý nghĩa bằng tinh thần và vật chất để động viên tới những thương binh, liệt sỹ và gia đình của họ.
Cảm nhận ngày thương binh liệt sỹ 2
Ngày 27/7/1947 - 27/7/20XX tròn YY năm kỷ niệm, chúng ta mỗi người dân Việt Nam kính cẩn nghiêng mình để tưởng nhớ linh hồn các bậc tiền bối, anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng ngã xuống, đánh đổi xương máu của mình cho nền độc lập, tự do và sự thống nhất, phồn vinh của Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa ngày hôm nay.
Hằng năm cứ đến ngày này, thế hệ trẻ hôm nay lại có nhiều nghĩa cử cao đẹp để thể hiện tấm lòng thành kính của mình đối với những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống trong nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt. Họ là những người con của Tổ quốc Việt Nam thân yêu, dám hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho dân tộc. Sự cống hiến, hi sinh của họ thể hiện rõ lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, của truyền thống bốn nghìn năm lịch sử giữ nước và dựng nước của cha ông ta. Chúng ta có quyền tự hào về những người con ưu tú đó của dân tộc Việt Nam.
Dù rằng chiến tranh đã đi qua, song những di chứng của chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Nó để lại cho mỗi người, mỗi gia đình, bạn bè và người thân các thương binh, liệt sỹ. Những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng,… để giờ đây những nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9,… bạt ngàn những ngôi mộ, biết bao làng không chồng, trại thương binh và rất rất nhiều những hài nhi bé nhỏ dị tật được sinh ra trên đất nước. Đó là bằng chứng của tội ác chiến tranh, là những tiếng bi ai rung động đất trời. Ngoài những mất mát, hi sinh mà các anh đã vinh viễn mất đi ở chiến trường thì vẫn còn đó những di chứng, thương tật mà các anh còn để lại trên cơ thể của mình cũng như để lại cho thế hệ con cháu về sau này. Đó là các nạn nhân của chất độc màu da cam, đó là những đứa trẻ bị di chứng của chiến tranh do bố mẹ tham gia chiến trường…. Những nỗi đau đó vẫn còn hiện hữu, chưa thể nguôi ngoai trong nhiều gia đình, dòng họ. Thấy rõ được điều này, chúng ta càng cảm thông, chia sẻ hơn nữa cho hoàn cảnh của họ, đồng thời càng căm thù hơn đối với kẻ thù đã gieo rắc nên tội ác này.
Ăn quả phải nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu nhất.
Trước những mất mát, hi sinh của các thương binh, liệt sỹ cho dân tộc Việt Nam, trong suốt thời gian dài từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà còn cho muôn đời con, cháu mai sau.
Bởi vậy, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn ”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ, chúng ta những người dân Việt Nam một lần nữa xin được kính cẩn nghiêng mình dâng lên các Anh hùng liệt sỹ ngọn nến tri ân, những vòng hoa tươi thắm, thắp nén tâm nhang xin bày tỏ lòng thành kính, thể hiện lòng biết ơn vô hạn đến các anh - những người con bất tử, đã hi sinh cho Tổ quốc. Vinh quang của dân tộc Việt Nam ngày hôm nay không ai khác chính các anh là những người đã tạo nên. Tổ quốc, nhân dân Việt Nam tự hào về các anh - những người anh hùng của dân tộc Việt Nam!
XX mùa thu đi qua là XX mùa tri ân, ngày 27/7 trở thành ngày mà những người còn sống mãi mãi không được quên, không thể quên. Mặt khác, phải thể hiện lòng tri ân một cách thiết thực, hiệu quả thường xuyên, coi việc mình làm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh là làm thay những người con ưu tú đã hi sinh vì Tổ quốc, vì mình, vì cả dân tộc Việt Nam. Mỗi một người trẻ hôm nay hãy sống sao cho xứng đáng với sự ra đi của các anh, hãy tự răn mình bằng những việc làm hữu ích cho non sông đất nước.
Cảm nhận ngày thương binh liệt sỹ 3
"Việt Nam đất nước ta ơi!
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mù che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn
Đất nghèo nuôi những anh hùng
Từ trong máu lửa lại vùng đứng lên!"
Có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới mà di chứng chiến tranh để lại nhiều như ở Việt Nam. Dù bất cứ nơi đâu, từ phố phường chật hẹp đến làng quê “cò bay thẳng cánh” đều có những nghĩa trang liệt sỹ ken dày mộ chí. Phần lớn trong số những người ngã xuống mới mười tám đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời. Họ bước vào cuộc chiến với tâm thế của những anh hùng, họ biết đặt cái khát khao giành độc lập, tự do lên trên sinh mạng của chính mình. Nhờ thế, đất nước Việt Nam được định hình trên bản đồ thế giới cũng từ tinh thần hy sinh cao cả ấy.
Chính vì vậy việc tri ân đối với những người, những gia đình có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân chúng ta, những con người đang được sống trong một đất nước hòa bình nhờ công sức, xương máu cha, anh đổ xuống, mà đó còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Đó là thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta.
Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta đã có rất nhiều câu nói, bài viết và dành những tình cảm đặc biệt đối với những thương binh, bệnh binh, anh hùng, liệt sĩ một trong những bài nói bài viết có thể kể đến: Trong thư gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh nhân ngày Thương binh tử sĩ 27-7-1952, khi nói về trách nhiệm của nhân dân đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết: “...Nên coi đó là một nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sĩ bị thương, bị bệnh; không nên coi đó là một việc “làm phúc”.
Quán triệt quan điểm đó của bác, Đảng và Nhà nước ta và rất nhiều tổ chức, cá nhân đã cùng chung tay trong các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người, những gia đình có công với cách mạng, được thể hiện qua những hoạt động cụ thể, thiết thực như: phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, hỗ trợ gia đình thương bình, liệt sỹ, tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sỹ, công trình tưởng niệm... Những việc làm ấy, nó không chỉ thể hiện tấm lòng biết ơn đối với những người đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, mà còn đề cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ta.
Đất nước đã hòa bình, nhưng chiến tranh chưa hẳn đã lùi xa, hàng ngày hàng giờ các thế lực thù địch, phản động lưu vong vẫn nhăm nhe chia cắt đất nước, những loại tội phạm nguy hiểm vẫn chực chờ cơ hội, thiên tai lũ lụt vẫn hoành hành.
Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, Bác Hồ đã viết: "Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Cho nên đối với "những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng", và Người giải thích: "Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại".
Hướng về kỷ niệm XX năm ngày thương binh liệt sĩ, mỗi một con người Việt Nam chúng ta chắc hẳn đều bộc lộ cảm xúc của mình khác nhau song tất cả đều cùng một mục đích đó là biết ơn những người con đã cống hiến, chiến đấu để cho chúng ta có được hòa bình độc lập hôm nay. Chúng ta tin tưởng và quyết tâm giữ vững nền tự do độc lập ấy.
Là tuổi trẻ...., chúng ta phải kiên định chủ nghĩa mác lênin, tư tưởng hồ chí minh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, luôn tin tưởng và chấp hành nghiêm những đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Quyết tâm cao nhất trong nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, đóng góp trí tuệ, sức lực, tài năng cho sự phát triển nhanh, mạnh mẽ, bền vững của đất nước, xứng đáng với sự hy sinh và kỳ vọng của các anh hùng, liệt sĩ, các thế hệ cha anh đi trước. Năng động, sáng tạo, luôn là lực lượng xung kích đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị theo tinh thần của "tuổi trẻ sáng tạo". Có tinh thần hỗ trợ nhau trong công tác cũng như cuộc sống hàng ngày, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Thế hệ trẻ chúng ta hôm nay có quyền tự hào về thế hệ cha anh đi trước. Chúng ta hãy noi gương các anh hùng liệt sỹ – những người đã hiến trọn đời mình cho tổ quốc, bằng những hành động cụ thể hãy cống hiến hết sức mình cho tổ quốc, xây dựng đất nước ta "ngày càng to đẹp hơn" sánh vai với các cường quốc trên thế giới như lời chủ tịch hồ chí minh đã căn dặn.
Cảm nhận ngày thương binh liệt sỹ 4
Những ngày tháng Bảy, cả nước lại lặng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho ngày hòa bình, độc lập và tri ân cho người trở về sau đạn bom khói lửa, gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường để bảo vệ bình yên cho Tổ Quốc, cho nhân dân. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh các anh vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ chúng tôi hôm nay và mai sau.
Chúng tôi là những người may mắn và hạnh phúc sinh ra trong thời bình nhưng qua những nhân chứng lịch sử, qua trang sử hào hùng chúng tôi luôn tự hào về các anh. Các anh ra đi để lại sự hòa bình cho Tổ quốc. Những lần đến viếng đền thờ các anh hùng liệt sỹ là từng ấy lần tôi không thể không rơi lệ, giọt nước mắt để tưởng nhớ về những người đã quên mình để bảo vệ cho Tổ quốc. Thương lắm khi trên đất nước này thân xác các anh đã không còn nguyên vẹn, từng mảnh, từng mảnh đã hòa cùng cây cỏ, đất trời. Thương lắm, những cánh thư viết vội cho người thân của các anh chưa tìm được địa chỉ…. Hầu hết các anh đã tiên đoán được cái chết sẽ đến với mình bất cứ lúc nào, nhưng các anh vẫn tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời vì các anh biết rằng mình đã góp được phần nhỏ bé để bảo vệ cho Tổ quốc thân yêu, cho người thân được an toàn. Và trong thâm tâm các anh luôn chắc chắn một điều rằng rồi đây nước nhà sẽ độc lập – ngày ấy sẽ không còn xa.
Mỗi năm cứ đến ngày 27/7, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước lại tưởng nhớ đến các anh hùng thương binh liệt sỹ và thêm tự hào về bước phát triển của công tác chăm sóc thương binh, liệt sỹ theo tư tưởng và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cứ hàng năm vào ngày này tháng này, từ già tới trẻ từ bắc chí nam, từ ngược tới xuôi tất cả đều hướng con người và trái tim của mình về những người thương binh liệt sĩ-những người đã hi sinh cả tuổi thanh xuân-cái tuổi đẹp nhất của đời người cho đất nước, cho thế hệ con em chúng ta, sử sách không ghi hết được sự hi sinh cao cả của họ, chỉ có lòng thành kính nhớ ơn mới là đáng quý. Trong đó có những người tuổi đời còn rất trẻ đã gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, nguyện đem thân mình dâng hiến cho Tổ quốc. Biết bao người đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, hay để lại một phần thân thể, đã hy sinh máu xương vì lý tưởng cao đẹp, như anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã viết: "Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng ...".
Đây không chỉ là ngày chúng ta ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, những thương binh đã anh dũng chiến đấu với giặc để giành lại độc lập tư do cho dân tộc, đây cũng là dịp để chúng ta có thể giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, và cần phải làm cho thế hệ trẻ hiểu được công ơn to lớn của những anh hùng liệt sĩ, những thương binh cựu chiến bình. Một lần nữa mong các anh hùng liệt si hãy an nghỉ nơi chính suối, Tổ quốc sẽ mãi ghi nhớ công ơn của các anh, và mong một điều nữa, các anh sẽ nhanh chống được người thân tìm và đưa về quê hương yêu dấu của mình một lần ra đi mà vẫn chưa trở lại.
Giờ đây chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng mỗi tấc đất của quê hương đã chứa đựng tâm hồn và thể xác của các anh, để bây giờ chúng tôi, những người thanh niên Việt Nam được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc. Chúng tôi sẽ nguyện bước tiếp con đường mà các anh đã chọn, sống, lao động và học tập thật tốt để xứng đáng với những hy sinh to lớn của các anh.
Cảm nhận ngày thương binh liệt sỹ 5
Chiến tranh đã qua đi, đất nước hòa bình, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù lấp được. Chúng ta chỉ biết tưởng nhớ những người đã khuất, đã bị thương trong cuộc chiến bằng lòng biết ơn, sự kính trọng lớn lao. Hàng năm, cứ đến ngày 27/7, đồng bào cả nước, lại nhớ về những người lính đã quên mình vì hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai của đất nước.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã đặt các thế hệ thanh niên vào vị trí đặc biệt. Đó là vị trí chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù hung bạo nhất của thế kỷ XX. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta, mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho quê hương, đất nước. Các anh, các chị, có người đã ngã xuống trên chiến trường, hoặc khi trở về mang trên mình những thương tích của chiến tranh. Hàng triệu thân nhân liệt sỹ, những người vợ khắc khoải chờ chồng, những người mẹ mòn mỏi chờ mong những đứa con mãi mãi không về…
Trên những triền dốc nho nhỏ, bóng rừng thông nghiêng mình phủ lên những nấm mồ thẳng tắp, cái có tên, năm sinh, quê quán, cái chưa xác định được tên tuổi…các anh đã quy tập về đây sau khi oanh liệt ngã xuống tại chiến trường....
Dâng nén hương thơm mà khóe mắt cay cay, cắm xuống mộ phần nhỏ xinh của các anh mà lòng bùi ngùi thương xót, những ngày này các anh có thêm nhiều hoa tươi, nến sáng, từng đoàn người tấp nập viếng thăm nhưng làm sao bù đắp được tuổi xuân các anh đã hiến dâng cho đất nước này!
Chính mảnh đất khắc nghiệt này là nơi an nghỉ của hơn XX anh hùng liệt sĩ từ khắp mọi miền Tổ quốc, chưa kể tỉnh XX còn hơn XX nghĩa trang liệt sĩ cấp xã, phường khác. Trong số ấy, có những con người mãi mãi “vô danh” trên bia mộ, có lẽ tên anh đã hòa với hai từ Tổ quốc thiêng liêng!
Cảm ơn những ngày này để những người sống trong nền hòa bình độc lập kín cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh hùng liệt sĩ, để mỗi chúng ta tự soi rọi lại chính mình, để thế hệ trẻ tự hào về sự nghiệp của cha ông, lấy đó làm động lực phấn đấu rèn luyện tu dưỡng xây dựng quê hương đất nước.
Bởi thế, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa như nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã viết trong ca khúc bất hủ “Mùa xuân”. Có đi qua những ngày mưa mới biết trân quý giá trị của ngày nắng, có kinh qua đau thương mất mát của chiến tranh mới biết quý trọng giây phút hòa bình.
Sự hy sinh không thể tả xiết ấy nhắc nhở cho hậu thế phải tiếp bước tiền nhân bảo vệ non sông nước Việt khỏi các thế lực ngoại bang, để không hỗ thẹn với vong linh các anh hùng liệt sĩ. Như chủ tich Hồ Chí Minh nhắn nhủ “Các vua Hùng đã có công dự nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Chiến tranh đã khiến hàng lớp lớp những người con đất Việt ra đi không bao giờ trở lại, có những cuộc chia ly đã trở thành một phần của lịch sử, không ít trong số ấy vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Những chiến binh còn sống dẫu mang trong mình những mảnh đạn, mảnh bom nhưng họ không hề gục ngã trước nỗi đau thể xác mà vẫn hừng hực khí thế góp công sức xây dựng quê hương.
Cảm nhận ngày thương binh liệt sỹ 6
Chiến tranh đã đi qua nhiều năm nhưng những hậu quả và dư âm của nó còn sót lại vẫn rất lớn lao và khốc liệt, ghi dấu mãi mãi trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam, ngày 27/7 lại đang đến gần, đó là ngày mà nhân dân cả nước đã giành riêng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống hi sinh vì đất nước, vì độc lập tự do. Các anh ra đi vì những mục tiêu cao đẹp và ngã xuống hào hùng, bàn tay của giặc đã tàn phá dày xéo đất nước nhưng không bao giờ làm thay đổi được bản chất của con người Việt Nam. Uống nước nhớ nguồn, đó là đạo lí tốt đẹp của dân tộc, và chúng ta có được hòa bình độc lập như ngày hôm nay chính là nhờ một phần lớn công lao của các thế hệ đi trước. Hãy cùng tưởng niệm các anh hùng dân tộc.
Không ai chọn cho mình cách chết, cũng không ai muốn mình phải chết và không có cái chết nào có ý nghĩa bằng được sống. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng bị đe doạ, của cải, ruộng nương làng mạc bị xâm chiếm thì lựa chọn cái chết để đất nước được trường tồn là một lựa chọn vinh quang và cao cả. Mỗi một thân xác nằm xuống, mỗi một phần thi thể mất đi là một ánh hào quang soi sáng hơn con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đó là những dòng chữ bằng vàng khắc sâu vào lịch sử 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc.
"Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam.
Vì tổ quốc, vì nhân dân, rất nhiều người con của dân tộc, trong đó có những con người tuổi đời mới mười chín, đôi mươi đã để lại phía sau hạnh phúc riêng tư, những trang sách, giảng đường… sẵn sàng lên đường đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Để đất nước được giải phóng, được thống nhất như ngày hôm nay, rất nhiều người đã anh dũng hy sinh hay để lại một phần thân thể ở chiến trường. Họ sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “ tất cả vì Tổ quốc thống nhất ”.
Con xin được gửi lời tri ân thành kính tới các thế hệ đã chiến đâu vì độc lập tự do, vì sự bình yên cho Tổ quốc hôm nay. Sống trong cảnh hòa bình, được cất tiếng hát ca sẽ không quên mảnh đất dưới chân mình đã thấm đượm mồ hôi, xương máu của cha anh đi trước, và xin nguyện sống xứng đáng với những kỳ vọng của các thế hệ đi trước.
Hồn thiêng dân tộc đã che chở cho đất nước luôn thái bình, cầu mong những phần mộ liệt sĩ thất lạc tìm thấy và an nghỉ, xin chúc những bác thương binh đều có cuộc sống ổn định và được đền đáp xứng đáng khi đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước. Kính chúc các mẹ Việt Nam anh hùng luôn mạnh khỏe. Chúng con trân trọng giá trị hòa bình ngày hôm nay!.
Cảm nhận ngày thương binh liệt sỹ 7
Hơn nửa thế kỷ qua dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã nhất tề đứng dậy quyết tâm thực hiện lợi kêu gọi của Bác Hồ vĩ đại "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không làm nô lệ", Nhân dân ta đã vượt qua bao khó khăn, trở ngại, gian khổ hy sinh để đánh thắng các thế lực xâm lược giành độc lập tự do, thống nhất Tổ Quốc.Để làm nên chiến thắng to lớn ấy, đã có hàng triệu chiến sĩ, đồng bào ta đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trên những chiến trường, những trận địa. Cùng với đồng bào cả nước, nhân dân tỉnh ta tiễn đưa hơn ...... ngàn thanh niên ra chiến trường bảo vệ Tổ Quốc...
Để đền đáp công ơn to lớn đó, kế tục và phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của ông cha ta, trong những năm qua cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta đã hết lòng chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng và người có công với cách mạng. Tuy là một tỉnh tuy kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thế nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta, bằng tình cảm và trách nhiệm đã thường xuyên làm tốt phong trào tình nghĩa ở khắp các địa phương trong tỉnh, với rất nhiều hoạt động phong phú, nhiều việc làm nhân ái chẳng hạn như: lập quỹ đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, nhận chăm sóc thương binh, bệnh binh khó khăn,… Chúng ta không thể kể hết được những việc làm mà Đảng bộ, nhân dân ta, ở khắp mọi địa phương trong tỉnh đã và đang làm để có thể bày tỏ lòng biết ơn đối với anh chị em thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng trong những năm qua.
Đất nước ta đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước vì dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Đó là mục tiêu đáp ứng khát vọng của toàn dân, do đó hơn lúc nào hết công tác Chăm sóc Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng vừa là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, vừa là trách nhiệm và tình cảm của toàn dân. Mặc dù trong những năm vừa qua chúng ta có rất nhiều cố gắng chăm lo cho công tác Thương binh - Liệt sĩ, thế nhưng so với yêu cầu, chúng ta còn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Một lần nữa, xin bày tỏ lòng biết ơn đối với anh chị em thương bệnh binh, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình liệt sĩ, các gia đình có công với với cách mạng. Xin nhiệt liệt biểu dương các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội cùng các cá nhân đã đóng góp vào việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Mong rằng mỗi người, mỗi ngành, mỗi tổ chức xã hội, hãy làm thật tốt hơn nữa công tác chăm sóc Thương binh, liệt sĩ và người có công, coi đây là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự của chúng ta, tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với người có công đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và Bảo vệ tổ quốc Việt nam.
Cảm nhận ngày thương binh liệt sỹ 8
Đất nước Việt Nam là đất nước của vùng tâm bão với lịch sử liên tiếp chống giặc ngoại xâm rất đỗi quật cường. Những con người Việt Nam đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép, sẵn sàng dâng hiến cuộc đời mình vì độc lập tự do cho tổ quốc. Cũng chính những con người ấy họ đã viết lên bản anh hùng ca chói lọi nhất trong lịch sử chống thực dân pháp và đế quốc Mĩ.
Rời vòng tay yêu thương của gia đình, các anh - những người chiến sĩ mang trên vai gánh nặng non sông, từ giã những người thân yêu nhất của mình để ra tiền tuyến, nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết là vô cùng mong manh. Nhưng vượt lên tất cả, khi cuộc chiến không còn có thể nhân nhượng, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đứng lên.
Ngoài tiền tuyến, các anh đã chiến đấu không ngơi nghỉ, nhưng bên cạnh đó là những khoảng lặng không tên. Ở đó, các anh vốn là những người xa lạ, nhưng chẳng hẹn mà quen nhau, xem nhau như tri kỷ, vì các anh cùng chung cảnh ngộ và lý tưởng chiến đấu.
Tình đồng chí, đồng đội ở các anh thật cảm động biết bao, nét đẹp đó đã đi vào những câu thơ bất hủ trong bài "Đồng chí" của nhà thơ Chính Hữu:
"Áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay"
Vẻ đẹp của các anh còn được thể hiện ở thái độ, tư thế hiên ngang trước sức mạnh của quân thù. Trong sâu thẳm trái tim người lính là lòng nhiệt tình cách mạng, ý chí chiến đấu bất khuất kiên cường. Ở hậu phương, có bóng hình người mẹ, người vợ vẫn ngày ngày đợi chờ các anh, để rồi lại giấu nỗi đau vào tim khi được tin các anh mãi mãi không trở về.
Vẫn biết chiến tranh là có mất mát hy sinh, vết thương thịt da có thể lành lặn, nhưng vết thương trong lòng sẽ mãi còn với thời gian.
Giờ đây chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng mỗi tấc đất của quê hương đã chứa đựng tâm hồn và thể xác của các anh, để bây giờ chúng tôi, những người thanh niên Việt Nam được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc. Các anh là những người hát bè trầm để đất nước vươn tới đỉnh bè cao. Một ngôi sao xa long lanh nước mắt, một nụ cưòi em nhỏ mới sinh, một sườn núi xanh, một nấm mồ năm trong bát ngát, em muốn biết tên anh người liệt sỹ vô danh đã làm nên tổ quốc. Mười nghìn bát hương, mười nghìn đồng đội còn mười nghìn nữa, 10 nghìn đồng đội nằm dải ở Trường Sơn, 10 nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng, 10 nghìn khát vọng được về bên nhau. Vâng! các anh – những con người đã vì cuộc sống hoà bình, vì nụ cười của lớp trẻ thơ của chung ta hôm nay đã ngã xuống nơi đây để đất được hồi sinh, để dòng nước mát thêm ngọt lành.
Chúng em kính dâng lên các anh vòng hoa nghĩa tình tại nghĩa trang liệt sĩ trong buổi chiều 27 tháng 7 lộng gió, những ngọn nến lung linh sẽ được thắp lên, thể hiện lòng tri ân sâu sắc nhất của chúng tôi đến những người đã chiến đấu hết mình cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Ngày hôm nay được học tập vui chơi dưới bầu trời hoà bình, chúng cháu luôn nhắc nhở nhau phải biết ơn sự hy sinh của các bậc cha anh và luôn cố gắng phấn đấu tiếp bước cha anh rèn đức luyện tài, tu dưỡng mọi mặt luôn phấn đấu là con ngoan trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ, xứng đáng với sự hy sinh cảu các anh hùng liệt sỹ nơi đây.
Xin được kính cẩn nghiêng mình trước những linh hồn đời đời bất diệt mãi mãi vinh quang.
Cảm nhận ngày thương binh liệt sỹ 9
Chúng con sinh ra khi quê hương không còn tiếng súng, khi đất nước không còn bóng giặc ngoại xâm, cả cõi đất yên bình tĩnh lặng… Bởi giữa lòng đất của Tổ Quốc đang ôm ấp các anh – những người con anh hùng của dân tộc. Mỗi tấc đất giấu trong mình cả một ký ức về lịch sử khốc liệt của chiến tranh mà bao đời ông cha đã kiên cường giữ lấy. Đất đã nhận lấy những gì đau thương của chiến tranh để chúng con được yên lành bước đi. Đất đã đón các anh trở về, để các anh được nằm yên nghe tiếng gió, được nhìn ngắm bầu trời xanh vời vợi, được thấy hoa ban nở trắng rừng Điện Biên.
Chúng con… chỉ cần nhắm mắt lại… sẽ nghe tiếng của đất trời, cả một trang sử hào hùng mà cha anh đã trải qua, những con người hy sinh không tiếc máu xương mình, là những người thanh niên, là những người thiếu nữ tuổi đôi mươi, với đôi mắt cháy lửa tình yêu quê hương đất nước, với trái tim dũng cảm kiên cường bước lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng. Với những năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, vác trên mình súng đạn vận chuyển cho chiến trường, đắp lại từng con đường để xe pháo đi qua. Khí thế của tinh thần tất cả vì độc lập của dân tộc, quyết chiến và quyết thắng, các anh đã kéo lên những quả pháo trên những ngọn đồi để cảnh tỉnh những kẻ xâm lăng phi nghĩa. Những con đường hầm, những trận chiến dành lấy từng tấc đất, có người lính đã nằm xuống để đồng đội mình được tiến lên.
Có những cái chết mãi thành bất tử
Chiến công này lịch sử dấu còn ghi
Hào khí non sông chung đúc thật diệu kỳ
Toả rạng để vang lừng bốn bể
Các anh đã nằm lại nơi đây, nơi nghĩa trang này và từng tấc đất của những ngọn đồi giữa mảnh đất Điện Biên anh hùng. Nắng vẫn chiếu màu nắng yên bình trên vai anh, hoa ban trắng vẫn nở dưới chân anh – những người anh hùng bất tử!
Máu của các anh đã nhuộm thắm lá cờ đỏ của Tổ Quốc, hồn thiêng của cha anh vẫn luôn dõi bước với quê hương.
Cảm nhận ngày thương binh liệt sỹ 10
Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng những đau thương mất mát bởi chiến tranh để lại thì không gì bù đắp được. Hàng năm, cứ đến dịp 27/7, nhân dân cả nước lại tưởng nhớ về những người lính đã đã hy sinh xương máu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Tinh thần xả thân vì nước của đồng bào ta vốn đã tỏa sáng ngay từ thời Vua Hùng dựng nước, trải qua hàng nghìn năm đấu tranh giữ nước, từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, thời Đinh, Lý, Trần, Lê,…, tinh thần ấy luôn được phát huy mạnh mẽ qua những cuộc đấu tranh bảo vệ bờ cõi trước giặc xâm lược phương Bắc.
Những cuộc khởi nghĩa đánh tan hàng chục vạn quân giặc xâm lược "ỷ đông hiếp yếu", làm cho chúng hoảng sợ tháo chạy về nước rồi mà vẫn còn “tim đập chân run”, như trong “Bình Ngô đại cáo” đã từng tổng kết. Hay như đoàn quân của vua Quang Trung thần tốc và bách chiến bách thắng, đánh cho quân xâm lược nhà Thanh “không còn mảnh giáp” che thân; bại trận, bỏ chạy ngay từ khi chưa kịp hiểu vì sao, chỉ có thể khiếp đảm mà thốt lên rằng “tướng thì như trên trời rơi xuống, quân thì như từ dưới đất chui lên”. Rồi các nghĩa sĩ Cần Giuộc, tuy không giành thắng lợi trước quân đội viễn chinh Pháp, nhưng vẫn làm cho “mã tà, ma ní hồn kinh”.
Còn sức mạnh của những người lính trong thời đại Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa sức mạnh truyền thống và lý tưởng của thời đại. Họ chính là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại mới, là một trong những hình tượng đẹp nhất của lịch sử dân tộc.
Trong cuộc chiến này, nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương, nhiều người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Rồi đã thành truyền thống, nhân dân ta đã dành tình yêu thương của mình, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, bệnh binh một cách tận tình chu đáo hàng chục năm nay.
Ngày 27/7 là dịp nhân dân Việt Nam hướng về những chiến sĩ đã hy sinh, bày tỏ biết ơn và trân trọng những thương binh anh dũng trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong cuộc sống hôm nay. Đây cũng là dịp để chúng ta nhớ về những trang sử hào hùng của cha ông.
Sau ngày 30/4/1975, đất nước hòa bình thống nhất, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cùng đồng lòng, gắng sức, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước. Ngày nay, sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta không những vượt qua nghèo nàn, lạc hậu mà còn đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhân dân ngày càng giàu mạnh, đất nước ngày càng có vị thế vững vàng trên trường quốc tế.
Tuy vậy, nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó, rất nhiều những người thương binh vẫn nhức nhối cơn đau mỗi khi trái gió trở trời, rất nhiều những vong hồn liệt sĩ vẫn bơ vơ nơi núi rừng hiu quạnh hay lạnh cóng dưới những lòng sông, lòng hồ và rất nhiều những mẹ già đến hôm nay rồi vẫn mòn mỏi ngóng tin con. Chúng ta không được phép quên, mà ngược lại, đất nước ngày càng giàu mạnh thì Đảng, Nhà nước và mỗi người dân càng phải trân trọng, giữ gìn những thành quả cách mạng, trân trọng giữ gìn và tri ân các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, xả thân vì nước.
Tiếp tục tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, tôn tạo, sửa sang, hương khói các nghĩa trang liệt sĩ, chăm lo, đãi ngộ xứng đáng cho Thương binh và thân nhân liệt sĩ. Đó chính là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã được hun đúc trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc ta từ thời mở cõi, qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Bằng hết tâm, hết sức, mỗi người dân Việt hãy chung lòng cùng Đảng, Nhà nước, góp phần dựng xây đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong mỏi và lớp lớp cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì giống nòi dân tộc. Đối với mỗi thương binh đều luôn khắc ghi lời Bác, “tàn nhưng không phế”, luôn là tấm gương sáng, giáo dục thế hệ đi sau gắng sức học tập, công tác và mỗi anh linh liệt sĩ vẫn dõi theo và phù giúp cho tiền đồ dân tộc.
Cảm nhận ngày thương binh liệt sỹ 11
Hôm nay là Ngày Thương binh Liệt sĩ. Đó là ngày mà cả dân tộc ta, đất nước ta tưởng nhớ về những người con anh dũng đã mãi mãi nằm lại với đất mẹ. Tri ân những người có công với cách mạng, những người đã mất một phần thân thể vì nền độc lập dân tộc. Triệu triệu lời tri ân thành kính, triệu triệu trái tim con dân Đất Việt vẫn sẽ, vẫn mãi cháy bùng “ngọn lửa” tình yêu dân tộc, đất nước. Nhìn tấm gương lịch sử nước nhà, ai ai cũng tự hào.
Ngược dòng thời gian, chúng ta thấy trong lịch sử thế giới thật hiếm có một đất nước đã mất chủ quyền hơn 1000 năm Bắc thuộc mà vẫn có thể dành lại nước. Trong lịch sử khu vực, Việt Nam là đại diện cuối cùng, duy nhất còn sót lại của đại gia đình Bách Việt vừa giành lại được độc lập, giữ được truyền thống văn hóa của người Việt, vừa hiên ngang trong tư thế của một quốc gia tự chủ tự cường, tự lập. Vì sao tổ tiên ta lại có thể giành được những thắng lợi lẫy lừng như vậy?
Sức mạnh trường tồn của dân tộc, của nền văn hóa dân tộc càng được minh chứng thêm trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Một dân tộc Việt Nam bé nhỏ đã làm được là đập tan được mọi mưu đồ xâm lược, đồng hóa của thực dân, đế quốc sừng sỏ nhất lúc bấy giờ bằng những chiến thắng vang dội, đánh dấu mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc, làm nức lòng dân tộc lẫn bạn bè thế giới.
Nhưng một lần nữa người phương Bắc lại làm gì? Trên đất liền, Năm 1979, Trung Quốc đưa 600.000 quân ồ ạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía bắc. Năm 1984, tại Vị Xuyên – Hà Giang xảy ra cuộc xung đột cực kỳ khốc liệt, để rồi trong cuộc chiến này hơn 4000 người con đã ngã xuống. Dưới biển, năm 1974 họ chiếm Hoàng Sa, năm 1988, đánh chiếm Trường Sa mà cụ thể là các bãi Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, tiếp đến là đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao mà hình ảnh Vòng tròn bất tử mãi khắc ghi trong tâm trí chúng ta. Rồi năm 1990 họ xâm lược bãi Én Đất.
Việc chỉ ra những sự kiện lịch sử trên để cho mỗi người chúng ta thấy thêm được giá trị, ý nghĩa của lịch sử dân tộc, của hai chữ hòa bình. Bởi xưa nay chúng ta chỉ được học sử qua những sự kiện nổi bật, qua những số liệu chiến thắng, còn chỉ nói ra sự đau thương, mất mát một cách rất chung chung. Tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc nó cần bắt đầu từ mọi đường hướng. Đặc biệt, khi lịch sử được xem là sự kết nối giữa danh dự cá nhân và dân tộc, nó trở thành điểm quy chiếu về giá trị và ý nghĩa tinh thần trong sự tồn tại và phát triển của dân tộc đó.
Xâu chuỗi các sự kiện lịch sử nước nhà, từ thời Phương Bắc bành trướng, cho đến thời thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, Cho đến chiến tranh Biên giới với Trung Quốc ở trên đất liền và biển đảo và đến cái “đường lưỡi bò” ngang ngược của họ, để cho mỗi chúng ta, nhất là lớp trẻ ý thức được lịch sử nước nhà tuy oai hùng, nhưng cũng lắm đau thương. Và tin tưởng về hai chữ Chính nghĩa: “Kẻ dấy lên can qua bao giờ cũng thất bại dù lúc khởi đầu cuộc chiến mạnh đến đâu đi nữa”.
Biển Đông dậy sóng, đất liền cũng khó bình yên thì hơn bất kỳ lúc nào, mỗi người con nòi giống Lạc Hồng cần biết rõ lịch sử nguồn cội hơn bao giờ hết. Chính lịch sử và bản sắc hào hùng của dân tộc đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người Việt Nam trên dải đất hình chữ S này. Khi “ngọn lửa” yêu nước luôn bùng cháy và tỏa sáng trong triệu triệu trái tim dân Việt thì đất nước sẽ mãi mãi trường tồn.