Phân tích văn bản Sài Gòn tôi yêu của Minh Hương
1. Văn bản Sài Gòn tôi yêu được viết theo thể tuỳ bút. Trong văn bản này, Minh Hương lại miêu tả những nét riêng tạo nên phong cách và vẻ đẹp của một thành phố
Bài văn được viết khá linh hoạt, đan xen những câu ngắn, câu dài, có khi sử dụng kết cấu trùng điệp: “Tôi yêu trong nắng sớm...”, “Tôi yêu thời tiết trái chứng,..” “Tôi yêu cả đêm khuya thưa thớt tiếng ồn”,...
2. Bài văn được triển khai theo các ý:
- Những cảm nhận chung và tình yêu của tác giả đối với Sài Gòn (từ đầu đến “tông chi họ hàng”).
- Bình luận về phong cách con người Sài Gòn (từ “ở trên đất này” đến “leo lên hơn năm triệu”).
- Khẳng định tình yêu thắm thiết của tác giả đối với thành phố (từ “Vậy đó mà” đến hết).
Trong đoạn mở đầu, tác giả thể hiện những nét riêng của thiên nhiên và khí hậu Sài Gòn bằng một giọng văn đặc biệt. Không phải là những phép thống kê hay đặc tả đơn thuần, mà bằng một giọng văn biểu cảm linh hoạt và nồng nhiệt khác thường: “Tôi yêu Sài Gòn da diết...”, “Tôi yêu trong nắng sớm...”, “Tôi yêu thời tiết trái chứng...”, “Tôi yêu cả đêm khuya...”, “Tôi yêu phố phường náo động...”, “Yêu cả cái tĩnh lặng...”. Tình yêu đó gắn liền với từng biến thái của thiên nhiên (nắng sớm - một thứ nắng ngọt ngào, chiều lộng gió nhớ thương, trời ui ui buồn bã, trong vắt như thuỷ tinh), tình yêu đó gắn liền với mỗi sinh hoạt thường ngày (đêm khuya thưa thớt tiếng ồn, phố phường náo động, dập dìu xe cộ) cho nên, dẫu tác giả có viết: “Nếu cho là cường điệu”, thì mỗi câu vấn vẫn cứ bộc lộ một trạng thái tình cảm rất đỗi chân thành của tác giả.
Trong bài văn, tác giả đã sử đụng một loạt so sánh. Ban đầu là so sánh giữa một phạm trù vô hạn với một phạm trù hữu hạn (“Sài Gòn vẫn trẻ. Tôi thì đương già”) và tiếp đó là so sánh về lịch sử hình thành và phát triển (“Ba trăm năm so với năm ngàn năm của Đất nước thì cái đô thị này còn xuân chán”). Với cảm hứng dạt dào trước một vùng đất trẻ trung, tác giả viết tiếp: “Sài Gòn cứ trẻ hoài như một cây tơ đương độ nõn nà, trên đà thay da, đổi thịt, miễn là cư dân ngày nay và cả ngày mai biết cách tưới tiêu, chăm bón, trân trọng giữ gìn cái đô thị ngọc ngà này”. Lời văn biểu cảm lôi cuốn, mạch suy nghĩ của tác giả đan xen nhuần nhuyễn đưa người đọc đến với những ấn tượng sâu sắc về thiên nhiên, khí hậu, nhịp sống và sinh hoạt của thành phố, đặc điểm cư dân và phong cách con người Sài Gòn.
Thể hiện về phong cách của người Sài Gòn, tác giả đã đưa tới một cách nhìn rất riêng: “ở trên đất này, không có người Bắc, không có người Trung, người Nam, người Hoa, người Khơ-me... mà chỉ toàn người Sài Gòn cả”. Sài Gòn - nơi tụ hội và hoà hợp của bốn phương, không phân biệt nguồn gốc. Chính cách nhìn nhận này là điểm tựa để tác giả khái quát: “Sài Gòn bao giờ cũng dang hai cánh tay mở rộng mà đón nhiều người từ trăm nẻo đất nước kéo đến”. Bằng sự từng trải của mình, tác giả nhận xét: Tự nhiên, bộc trực, mạnh bạo, cởi mở và dễ gần là những nét tính cách nổi bật của người Sài Gòn. Đặc biệt, cách ăn mặc, ứng xử của các cô gái Sài Gòn được tác giả tái hiện khá tỉ mỉ, với những lời bình tinh tế. Những nét tính cách đẹp đẽ ấy của người Sài Gòn không chỉ biểu hiện trong đời sông hằng ngày mà đã thử thách qua thời gian.
Đoạn văn cuối là một khái quát sâu sắc, có tác dụng làm tăng tính thuyết phục cho bài văn; nó gợi lên trong mỗi người đọc về một tình yêu cụ thể đối với đất nước, quê hương.