1. Số thập phân bằng nhau
- Nếu viết thêm chữ số \(0\) vào bên phải phần thập phân của một số thập phân thì được một số thập phân bằng nó.
Ví dụ:
\(\begin{array}{l}0,5 = 0,50 = 0,500 = 0,5000\\1,23 = 1,230 = 1,2300 = 1,23000\\34 = 34,0 = 34,00 = 34,000\end{array}\)
Lưu ý: Mỗi số tự nhiên \(a\) đều có thể viết thành số thập phân với phần thập phân là những chữ số \(0\).
- Nếu một số thập phân có chữ số 0 ở tận cùng bên phải phần thập phân thì khi bỏ chữ số \(0\) đó đi, ta được một số thập phân bằng nó.
Ví dụ:
\(\begin{array}{l}0,5000 = 0,500 = 0,50 = 0,5\\1,23000 = 1,2300 = 1,230 = 1,23\\34,000 = 34,00 = 34,0 = 34\end{array}\)
2. So sánh hai số thập phân
- So sánh các phần nguyên của hai số đó như so sánh hai số tự nhiên, số thập phân nào có phần nguyên lớn hơn thì số đó lớn hơn.
- Nếu phần nguyên của hai số đó bằng nhau thì ta so sánh phần thập phân, lần lượt từ hàng phần mười, hàng phần trăm, hàng phần nghìn...đến cùng một hàng nào đó, số thập phân nào có chữ số ở hàng tương ứng lớn hơn thì số đó lớn hơn.
- Nếu phần nguyên và phần thập phân của hai số đó bằng nhau thì hai số đó bằng nhau.
Ví dụ:
\(2018,1 > 2015,99\) (vì \(2018 > 2015\)).
\(85,135 < 85,2\) (vì phần nguyên bằng nhau, ở hàng phần mười có \(1 < 2\)).
\(156,47 > 156,426\) (vì phần nguyên bằng nhau, hàng phần mười bằng nhau, ở hàng phần trăm có \(4 > 2\)).