Tiết 18 - BÀI 15: ÔN TẬP CHƯƠNG II
I. Mục tiêu:
Sau khi học xong bài này học sinh cần đạt được những yêu cầu sau:
1. Kiến thức:
- Củng cố được những kiến thức đã học về phần tính quy luật của hiện tượng di truyền.
- Biết cách giải một số dạng bài tập cơ bản về tính quy luật của hiện tượng di truyền.
2. Các kĩ năng sống cơ bản được giáo dục trong bài:
- Kĩ năng thể hiện sự tự tin khi trình bày ý kiến trước nhóm, tổ , lớp.
- Kĩ năng lắng nghe tích cực, trình bày suy nghĩ/ ý tưởng, quản lí thời gian và đảm nhận trách nhiệm, hợp tác trong hoạt động nhóm.
- Kĩ năng tìm kiếm và xử lí thông tin về: vận dụng kiến thức đã học để giải một số bài tập về tính quy luật của hiện tượng di truyền.
3. Thái độ:
- Giúp HS phát triển niềm yêu thích môn học và giải thích được một số hiện tượng trong tự nhiên.
II. Phương pháp dạy học:
- Bài tập củng cố.
III. Phương tiện dạy học:
- Sách Bài tập sinh học 12.
IV. Tiến trình dạy học:
1.Khám phá: (7p)
* Ổn định lớp:
* Kiểm tra bài cũ:
2. Kết nối:
Hoạt động GV - HS |
Nội dung |
*Hoạt động 1: Hệ thống hóa kiến thức và một số phương pháp giải bài tập. - GV: Hướng dẫn hs hệ thống hóa kiến thức trọng tâm bằng sơ đồ. - HS: + Trình bày các nội dung trọng tâm. + Thể hiện bằng sơ đồ. - GV: Hướng dẫn hs một số phương pháp giải bài tập di truyền. - HS: vận dụng kiến thức để làm các bài. *Hoạt động 2: Luyện tập bài tập. - GV: Yêu cầu HS vận dụng kiến thức đã học để giải các bài tập SGK- trang 66- 67. - HS: Lên bảng làm bài tập 2, 6, 7 – trang 64. - GV: Nhận xét, đánh giá, chữa bài tập. - GV: Chữa một số bài tập trắc nghiệm trong phiếu học tập đã phát. |
I. Hệ thống hóa kiến thức trọng tâm chương II: 1. Các quy luật di truyền. 2. Một số phương pháp giải bài tập di truyền: a. Cách giải bài tập lai một cặp tính trạng: Phép lai một cặp TT đề cập tới các qui luật di truyền: Phân li, trội không hoàn toàn, tương tác gen không alen, tác động cộng gộp, di truyền liên kết giới tính. * Xác định tỉ lệ KG, KH ở F1 hay F2. Đề bài cho biết TT là trội, lặn hay trung gian hoặc gen qui định TT (gen đa hiệu, tương tác giữa các gen không alen, TT đa gen...) và KH của P. Căn cứ vào yêu cầu của đề (xác định F1 hay F2), ta suy nhanh ra KG của P. Từ đó viết sơ đồ lai từ P đến F1 hoặc F2 để xác định tỉ lệ KG và KH của F1 hay F2. Ví dụ tỉ lệ KH 3:1 (trội hoàn toàn), 1:1 (lai phân tích), 1:2:1 (trội không hoàn toàn), 9:7 (tương tác gen không alen)... * Xác định KG, KH của P: Đề bài cho biết số lượng hay tỉ lệ các KH ở F1 hoặc F2. Căn cứ vào KH hay tỉ lệ của nó ta nhanh chóng suy ra KG và KH (nếu đề bài chưa cho). Ví dụ: Nếu F1 có tỉ lệ KH 3:1 thì P đều dị hợp tử, hay 1:1 thì một bên P là thể dị hợp, bên còn lại là thể đồng hợp lặn, nếu F2 có tổng tỉ lệ KH bằng 16 và tùy từng tỉ lệ KH mà xác định kiểu tương tác gen không alen cụ thể. b. Cách giải bài tập lai nhiều cặp tính trạng: Phép lai hai hay nhiều cặp TT đề cập tới các qui luật di truyền: Phân li độc lập, di truyền liên kết hoàn toàn và không hoàn toàn. * Xác định tỉ lệ KG, KH ở F1 hay F2. Đề bài cho qui luật di truyền của từng cặp TT và các gen chi phối các cặp TT nằm trên cùng một NST hoặc trên các NST khác nhau. Dựa vào dữ kiện đề đã cho ta viết sơ đồ lai từ P đến F1 hoặc F2 để xác định tỉ lệ KG và KH ở F1 hoặc F2. * Xác định KG, KH của P: Đề bài cho biết số lượng cá thể hoặc tỉ lệ các KH ở F1 hay F2. Trước hết phải xác định qui luật di truyền chi phối từng cặp TT, từ đó suy ra kiểu gen ở P hoặc F1 của cặp TT. Căn cứ vào tỉ lệ KH thu được của phép lai để xác định qui luật di truyền chi phối các TT: - Nếu tỉ lệ mỗi KH bằng tích xác suất của các TT hợp thành nó thì các TT bị chi phối bởi qui luật phân li độc lập. - Nếu tỉ lệ KH là 3:1 hoặc 1:2:1 thì các cặp TT di truyền liên kết hoàn toàn. - Nếu tỉ lệ KH không ứng với 2 trường hợp trên thì các cặp tính trạng di truyền liên kết không hoàn toàn. II. Bài tập: * Gợi ý đáp án bài tập chương II SGK: 1/66: Đây là bệnh do gen lặn qui định nên cả người vợ lẫn người chồng đều có xác suất mang gen bệnh (dị hợp tử) là 2/3. Xác suất để cả 2 vợ chồng đều là dị hợp tử và sinh con bị bệnh là: 2/3 x 2/3 x 1/4 = 1/9. 2/66: Cần phải sử dụng qui luật xác suất để giải thì sẽ nhanh. a. Tỉ lệ KH trội về gen A là 1/2, về gen B là 3/4, về gen C là 1/2, về gen D là 3/4 và về gen E là 1/2 . Do vậy tỉ lệ đời con có tỉ lệ KH trộivề tất cả 5 tính trạng sẽ bằng: 1/2x3/4x1/2x3/4x1/2. b. Tỉ lệ đời con có KH giống mẹ sẽ bằng 1/2x3/4x1/2x3/4x1/2. c. Tỉ lệ đời con có KG giống bố sẽ bằng: 1/2x1/2x1/2x1/2x1/2. 3/66: a. Xác suất mẹ truyền NST X mang gen bệnh cho con là 1/2. Xác suất sinh con trai là 1/2 nên xác suất để sinh con trai mang NST X có gen gây bệnh sẽ là: 1/2x1/2=1/4. b. Vì bố không bị bệnh nên con gái chắc chắn sẽ nhận gen X không mang gen gây bệnh. Do vậy xác suất để sinh con gái bị bệnh là bằng 0. 4/67: Gen qui định chiều dài nằm trên NST X còn gen qui định màu mắt nằm trên NST thường. 5/67: Dùng phép lai thuận nghịch. Nếu kết quả phép lai thuận nghịch giống nhau thì gen nằm trên NST thường. Nếu kết quả phép lai luôn theo KH giống mẹ thì gen nằm trong ti thể. Nếu kết quả phép lai cho tỉ lệ phân li kiểu hình ở 2 giới khác nhau thì gen nằm trên NST X. 6/67: C 7/67:D |
3. Thực hành/ Luyện tập: (7p)
- GV: Yêu cầu HS hoàn thành các bài tập chương II, phiếu bài tập.
4. Vận dụng: (3p)
- HS: về nhà làm thêm bài tập trong Sách bài tập sinh học 12 và chuẩn bị bài mới.
V. Rút kinh nghiệm: