Đề thi cuối học kì 1 Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức năm 2022 - 2023 có đáp án (Đề 2)


ĐỀ 2

MA TRẬN ĐỀ THI HỌC KÌ I

TT

Kĩ năng

Nội dung

Mức độ nhận thức

Tổng % điểm

Nhận biết

Thông hiểu

Vận dụng

Vận dụng cao

TN

TL

TN

TL

TN

TL

TN

TL

1

Đọc hiểu

Sử thi

3

0

5

0

0

2

0

0

60

2

Viết

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

0

1*

0

1*

0

1*

0

1*

40

Tổng

15

5

25

15

0

30

0

10

100%

Tỉ lệ %

20%

40%

30%

10%

Tỉ lệ chung

60%

40%

BẢNG ĐẶC TẢ ĐỀ THI HỌC KÌ I

TT

Chương/ chủ đề

Nội dung/ đơn vị kiến thức

Mức độ đánh giá

Số câu hỏi theo mức độ nhận thức

Nhận biết

Thông hiểu

Vận dụng

Vận dụng cao

1

Đọc hiểu

Sử thi

Nhận biết:

- Nhận biết được đặc điểm của không gian, thời gian, cốt truyện, nhân vật trong sử thi.

- Nhận biết được người kể chuyện (ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất); điểm nhìn, lời người kể chuyện, lời nhân vật, ... trong sử thi.

- Nhận biết được đề tài, các chi tiết tiêu biểu, đặc trưng của sử thi.

- Nhận biết được bối cảnh lịch sử - văn hoá được thể hiện trong sử thi.

Thông hiểu:

- Tóm tắt được cốt truyện.

- Hiểu và phân tích được nhân vật trong sử thi; lí giải được vị trí, vai trò, ý nghĩa của nhân vật trong tác phẩm.

- Nêu được chủ đề, tư tưởng, thông điệp của văn bản; phân tích được một số căn cứ để xác định chủ đề.

- Lí giải được tác dụng của việc chọn nhân vật người kể chuyện (ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất); lựa chọn điểm nhìn, lời người kể chuyện, lời nhân vật, ... trong sử thi.

- Lí giải được ý nghĩa, tác dụng của đề tài, các chi tiết tiêu biểu, đặc trưng của sử thi.

Vận dụng:

- Rút ra được bài học về cách nghĩ, cách ứng xử do văn bản gợi ra.

- Nêu được ý nghĩa hay tác động của tác phẩm đối với nhận thức, tình cảm, quan niệm của bản thân.

- Vận dụng những hiểu biết về bối cảnh lịch sử – văn hoá được thể hiện trong văn bản để lí giải ý nghĩa, thông điệp của văn bản.

- Đánh giá được ý nghĩa, giá trị của thông điệp, chi tiết, hình tượng, những đặc sắc về nghệ thuật trong tác phẩm theo quan niệm của cá nhân.

3TN

5TN

2TL

2

Viết

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

Nhận biết:

- Giới thiệu được đầy đủ thông tin chính về tên tác phẩm, tác giả, thể loại,… của tác phẩm.

- Trình bày được những nội dung khái quát của tác phẩm văn học.

Thông hiểu:

- Triển khai vấn đề nghị luận thành những luận điểm phù hợp. Phân tích được những đặc sắc về nội dung, hình thức nghệ thuật và chủ đề của tác phẩm.

- Kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm.

- Đảm bảo cấu trúc của một văn bản nghị luận; đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Vận dụng:

- Nêu được những bài học rút ra từ tác phẩm.

- Thể hiện được sự đồng tình/ không đồng tình với thông điệp của tác giả (thể hiện trong tác phẩm).

Vận dụng cao:

- Đánh giá được ý nghĩa, giá trị của nội dung và hình thức tác phẩm.

- Thể hiện rõ quan điểm, cá tính trong bài viết; sáng tạo trong cách diễn đạt.

1TL*

Tổng số câu

3TN

5TN

2TL

1TL

Tỉ lệ (%)

20%

40%

30%

10%

Tỉ lệ chung

60%

40%

SỞ GD&ĐT TỈNH ……………………..

ĐỀ SỐ 2

ĐỀ THI HỌC KÌ I

Năm học: 2022 – 2023

Môn: Ngữ văn – Lớp 10(Thời gian làm bài: 90 phút)

Phần 1: Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

NỖI NHỚ QUÊ HƯƠNG CỦA UY-LÍT-XƠ

(Trích Ô-đi-xê – Sử thi Hy Lạp)

Giới thiệu: Sử thi Ô-đi-xê kể lại hành trình trở về quê hương của Uy-lít-xơ sau khi hạ thành Tơ-roa. Đoạn trích dưới đây trong sử thi Ô-đi-xê kể về nỗi nhớ và niềm khao khát được trở về quê hương của người anh hùng Uy-lít-xơ sau 20 năm trời đằng đẵng xa cách.

Chín ngày đêm, Uy-lít-xơ phó mặc số mệnh cho gió dập sóng vùi. Chàng chỉ có mỗi cách đối phó và bám chắc lấy con bè đơn sơ của mình, con bè bằng hai cây gỗ ghép lại. Đến đêm thứ mười, chàng trôi dạt vào bờ biển của một hòn đảo. Đó là hòn đảo Ô-gi-giê ở giữa biển khơi bao la mà xưa nay chẳng mấy ai biết đến. Cai quản hòn đảo này là tiên nữ Ca-líp-xô có những búp tóc quăn xinh đẹp và nói được tiếng người, con của vị thần Ti-tăng Át-lát. Chẳng rõ nàng tiên xinh đẹp dòng dõi của Ti-tan này cai quản hòn đảo từ bao giờ, chỉ biết hòn đảo đầy hoa thơm quả ngọt, thức ăn, vật phẩm dồi dào mùa nào thức ấy chẳng hề thiếu thốn một thứ gì. Hơn nữa, trên đảo, ngoài Ca-líp-xô và những người nữ tì hầu hạ nàng, chẳng có một bộ lạc đông đảo nào ở cho nên của cải vật phẩm đã sung túc lại càng sung túc. Ca-líp-xô sống biệt lập ở đây chẳng hề giao thiệp với thế giới thần thánh cũng như với loài người trần tục đoản mệnh.

Trôi dạt vào hòn đảo, Uy-lít-xơ lần tìm vào giữa nơi có tiếng hát véo von và làn khói nhẹ lượn lờ trên những lùm cây xanh ngắt, và chàng đã đặt chân đến động của tiên nữ Ca-líp-xô có những búp tóc quăn xinh đẹp và nói được tiếng người. Ca-líp-xô đãi người anh hùng Uy-lít-xơ rất chân thành và nồng hậu. Nàng chiều chuộng người anh hùng, chăm sóc chàng hết sức chu đáo. Duy chỉ có mỗi một điều nàng không thể chiều lòng chàng, làm theo ý chàng được là: giúp đỡ chàng trở về quê hương I-ta-ke. Bởi vì nàng đã đem lòng yêu mến chàng. Nàng muốn chàng ở lại hòn đảo này, kết duyên với nàng. Nàng hứa sẽ làm cho chàng trở thành bất tử, và hai người sẽ sống bên nhau trong hạnh phúc của tuổi xuân vĩnh viễn.

Uy-lít-xơ vô cùng xúc động trước tình yêu chân thành và nồng thắm của Ca-líp-xô, nhưng chàng không thể chiều lòng nàng được. Nỗi nhớ quê hương và gia đình da diết, lòng khát khao được trở về nơi chôn rau cắt rốn đã khiến chàng khước từ nguyện vọng của tiên nữ Ca-líp-xô. Còn tiên nữ Ca-líp-xô ra sức chiều chuộng chàng, thuyết phục chàng ở lại hòn đảo này vĩnh viễn với nàng, và cứ thế ngày tháng trôi đi, năm tháng trôi đi, có ai ngờ đâu Uy-lít-xơ đã bị giam cầm ở hòn đảo Ô-gi-giê tới bảy năm trời. Bảy năm trời, người anh hùng nổi danh vì tài trí và lòng kiên định ngày ngày ra ngồi ở bờ biển ngóng nhìn về một phương trời xa lắc, mong nhìn được những làn khói nhẹ bốc lên từ hòn đảo quê hương. Đã biết bao nhiêu lần chàng nhìn biển khơi vỗ sóng vào vách núi mà tưởng như lòng mình đang tan vỡ ra trong nỗi niềm vô vọng.

Nhưng đến năm thứ tám, nữ thần A-tê-na đã can thiệp để cho Uy-lít-xơ được trở về quê hương. Nữ thần biết rõ được Uy-lít-xơ đã chọc mù mắt tên khổng lồ Pô-li-phê-mê con của thần Pô-dê-i-đông. Chính vì chuyện này mà Thần Pô-dê-i-đông đem lòng thù ghét người anh hùng. Nữ thần A-tê-na bèn đem chuyện Uy-lít-xơ bị giam cầm ở hòn đảo Ô-gi-giê ra để trách móc đấng phụ vương Dớt và các vị thần đã đối xử tệ bạc với Uy-lít-xơ. Nghe A-tê-na nói, đấng phụ vương quyết định ngay. Thần Héc-mét sẽ lãnh nhiệm vụ xuống hòn đảo Ô-gi-giê, đích thân gặp nữ thần Ca-líp-xô, thông báo cho Ca-líp-xô biết quyết định của các thần, đòi nàng phải chấp hành nghiêm chỉnh, buông tha cho Uy-lít-xơ trở về. […]

Tuân theo lệnh Dớt, vị thần Ca-líp-xô xinh đẹp đi tìm người anh hùng Uy-lít-xơ. Nàng ra bờ biển, đến bên chàng và cất tiếng an ủi. Nàng nói, nàng chẳng cản trở ý định trở về quê hương của chàng nữa. Nàng sẵn lòng để chàng đóng bè ra đi và sẽ giúp đỡ chàng lương thực. Nghe Ca-líp-xô nói, Uy-lít-xơ vô cùng xúc động, nhưng chàng cảm thấy hồ nghi. Vì sao nàng lại thay đổi ý định chóng vánh như vậy? Suốt bảy năm trời đằng đẵng, nàng đã giam cầm chàng ở hòn đảo này. Có lúc nào nàng từ bỏ ý định thuyết phục chàng ở lại hòn đảo này xe duyên kết nghĩa với nàng đâu? Thế mà giờ đây, không hiểu vì một lẽ gì mà nàng lại đột ngột từ bỏ ý định ấy, sẵn lòng buông tha chàng, để chàng ra về. Uy-lít-xơ chưa hề tin đó là những lời nói thật lòng.

Sáng hôm sau, khi nàng Rạng đông có những ngón tay hồng xuất hiện thì hai người trở dậy. Nữ thần Ca-líp-xô ban cho Uy-lít-xơ những dụng cụ quý báu: một chiếc rìu đồng khá to và một chiếc búa chắc chắn. Nàng dẫn chàng vào rừng để chặt cây và chỉ dẫn cho chàng cách đóng bè. Sau đó, Ca-líp-xô trở về động sai gia nhân phụ giúp cùng Uy-lít-xơ. Uy-lít-xơ chặt cây, đẽo gọt, đóng bè, đẽo cột buồm, làm bánh lái, làm sàn bè, bện dây,… Chàng làm việc hăng say và khéo léo suốt bốn năm ngày trời. Nữ thần Ca-líp-xô không quên cho người mang vải tới để chàng làm buồm. Thế là mọi việc xong xuôi. Uy-lít-xơ dùng đòn bẩy đưa bè xuống mặt biển.

Ngày thứ năm, nữ thần Ca-líp-xô cho phép người anh hùng rời đảo. Cảnh chia tay thật xúc động. Nữ thần đứng trên bờ nhìn con bè đưa người anh hùng thân yêu của mình rời đảo. Còn người anh hùng trước khi giương buồm đón gió, lần cuối cùng đứng trên sàn bè, đưa tay lên ngực, kính cẩn cúi mình chào từ biệt vị nữ thần xinh đẹp và bất tử. Chàng lưu giữ trong trái tim mình mối tình chân thành và nồng thắm của nàng, một mối tình đẹp đẽ và thơ mộng suốt bảy năm trời nhưng không thể kết thúc bằng hôn nhân như nàng mong muốn.

(Thần thoại Hy Lạp, tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 2019)

Câu 1: Nhân vật trung tâm trong văn bản trên là ai?

A. Uy-lít-xơ

B. Uy-lít-xơ, Ca-líp-xô

C. Uy-lít-xơ, A-tê-na

D. Uy-lít-xơ, thần Dớt

Câu 2: Dòng nào dưới đây nêu đúng đề tài của văn bản trên?

A. Chinh phục thế giới tự nhiên

B. Cuộc trở về quê hương của người anh hùng

C. Chiến công của người anh hùng trước khi về quê hương

D. Cuộc phiêu lưu của người anh hùng cộng đồng

Câu 3: Cốt truyện của văn bản trên là gì?

A. Xoay quanh việc các vị thần giúp đỡ Uy-lít-xơ trở về quê hương

B. Xoay quanh cuộc sống của Uy-lít-xơ trên đảo Ô-gi-giê

C. Xoay quanh sự việc Uy-lít-xơ bị thần Ca-líp-xô giam cầm và sau đó được trở về quê hương

D. Xoay quanh sự việc Uy-lít-xơ bị giam cầm

Câu 4: Chi tiết “hòn đảo đầy hoa thơm quả ngọt, thức ăn, vật phẩm dồi dào mùa nào thức ấy…không giao tiếp với thần thánh và loài người” của thần Ca-líp-xô thể hiện mơ ước gì của người Hy Lạp?

A. Cuộc sống đối lập với thần thánh và đời thường

B. Cuộc sống lí tưởng, viên mãn, đủ đầy

C. Cuộc sống đủ đầy, hài hòa với tự nhiên

D. Cuộc sống lí tưởng, viên mãn, đủ đầy, mang vẻ đẹp của cuộc sống thực

Câu 5: Hành động từ “Bảy năm trời, người anh hùng” đến “hòn đảo quê hương” thể hiện điều gì về Uy-lít-xơ?

A. Tình cảm tha thiết, sắt son hướng về quê hương, đất nước

B. Tình cảm thiết tha, sắt son hướng về gia đình, quê hương, đất nước

C. Tâm hồn phóng khoáng, bay bổng

D. Nhớ gia đình, quê hương đất nước

Câu 6: Câu từ “Nữ thần đứng trên” đến “…nữ thần xinh đẹp và bất tử” thể hiện bút pháp nghệ thuật đặc trưng nào của sử thi?

A. Bút pháp trữ tình

B. Bút pháp miêu tả

C. Bút pháp ước lệ

D. Bút pháp tả thực

Câu 7: Lí tưởng thẩm mĩ về người anh hùng sử thi được thể hiện như thế nào qua hình tượng Uy-lít-xơ trong văn bản trên?

A. Trân trọng tình yêu và sự gắn bó tha thiết với quê hương

B. Ca ngợi giá trị đạo đức, tình cảm nhân văn bền chặt, kết hợp cái anh hùng với cái cao cả

C. Ca ngợi tình cảm gia đình, tình vợ chồng thủy chung, son sắt

D. Ca ngợi, trân trọng tình cảm gia đình, tình yêu quê hương sâu nặng

Câu 8: Thông điệp được gửi gắm trong văn bản trên là gì?

A. Trân trọng khát vọng khám phá những vùng đất mới của con người

B. Mơ ước về một cuộc sống viên mãn, bất tử

C. Ca ngợi, trân trọng chiến công của người anh hùng trước khi về quê hương

D. Ca ngợi tình cảm của người anh hùng với gia đình và quê hương

Câu 9: Vì sao Uy-lít-xơ được xem là biểu tượng của những tình cảm cao quý, đẹp đẽ của người Hy Lạp thời đại Hô-me? Lí giải rõ bằng dẫn chứng từ văn bản trên.

Câu 10: Văn bản trên đã thể hiện những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức nào của Hy Lạp? Những giá trị ấy còn ý nghĩa trong cuộc sống hôm nay không? Vì sao?

Phần 2: Viết (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Nữ thần Lúa là con gái Ngọc hoàng, nàng là một cô gái xinh đẹp, dáng người ẻo lả và có tính tình hay hờn dỗi. Sau những trận lũ lụt ghê gớm xảy ra, sinh linh cây cỏ đều bị diệt hết, trời bèn cho những người còn sống sót sinh con đẻ cái trên mặt đất và sai Nữ thần Lúa xuống trần gian để nuôi sống con người. Khi giáng trần, nàng đã làm phép cho những hạt giống gieo xuống đất nảy mầm, mọc thành cây, kết bông mẩy hạt. Lúa chín tự về nhà không cần phải gặt và không phải phơi gì cả. Cần ăn, cứ ngắt bông bỏ vào nồi là lúa sẽ thành cơm.

Trong một lần dẫn các bông lúa vào sân, Nữ thần Lúa bị một cô gái phang chổi vào đầu, nên nàng giận dỗi. Từ đó, nhất định không cho lúa bò về, và lúa cũng không tự biến thành cơm nữa, người trần gian phải tự làm hết tất cả, và sự hờn dỗi lên đến đỉnh điểm là Nữ thần cấm bông lúa nảy nở. Vì thế sau này mỗi lần gặt xong là người trần gian phải làm lễ cúng cơm mới hay còn gọi là cúng hồn Lúa.

(Trích “Nữ thần Lúa” - Thần thoại Việt Nam)

Thực hiện yêu cầu:

Anh/ chị hãy viết một bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và hình thức nghệ thuật của bài đọc trên.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần 1: Đọc hiểu (6,0 điểm)
CâuĐáp án

Điểm

Câu 1

A. Uy-lít-xơ

0,5 điểm

Câu 2

B. Cuộc trở về quê hương của người anh hùng

0,5 điểm

Câu 3

C. Xoay quanh sự việc Uy-lít-xơ bị thần Ca-líp-xô giam cầm và sau đó được trở về quê hương

0,5 điểm

Câu 4

D. Cuộc sống lí tưởng, viên mãn, đủ đầy, mang vẻ đẹp của cuộc sống thực

0,5 điểm

Câu 5

B. Tình cảm thiết tha, sắt son hướng về gia đình, quê hương, đất nước

0,5 điểm

Câu 6

A. Bút pháp trữ tình

0,5 điểm

Câu 7

B. Ca ngợi giá trị đạo đức, tình cảm nhân văn bền chặt, kết hợp cái anh hùng với cái cao cả

0,5 điểm

Câu 8

D. Ca ngợi tình cảm của người anh hùng với gia đình và quê hương

0,5 điểm

Câu 9

- Biểu tượng cho tình cảm cao quý, đẹp đẽ: nổi bật tính nhân bản, lí tưởng thẩm mĩ sâu sắc của hình tượng người anh hùng Uy-lít-xơ:

+ Tình cảm vợ chồng thủy chung, son sắt

+ Tình yêu quê hương, đất nước tha thiết, sâu nặng

- HS lấy dẫn chứng từ văn bản.

1 điểm

Câu 10

- Những giá trị văn hóa, đạo đức của thời đại: khát vọng về vẻ đẹp con người lí tưởng: vừa có trí tuệ tuyệt vời, vừa có nghị lực lớn lao, vừa kết tinh những tình cảm cao quý đẹp đẽ, niềm tin vào vẻ đẹp con người (cái anh hùng, cái cao cả).

- HS tự liên hệ để nhận thấy sự ảnh hưởng, hiện diện và duy trì của những giá trị cốt lõi, bền vững của sử thi Hy Lạp tới ngày nay.

1 điểm

Phần 2: Viết (4,0 điểm)
CâuĐáp án

Điểm

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

0,25 điểm

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích, đánh giá chủ đề và hình thức nghệ thuật của bài đọc “Thần Lúa”.

0,25 điểm

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới:

- Tóm tắt lại truyện: Thần Lúa là con gái Ngọc Hoàng, được sai xuống hạ giới để nuôi những người còn sống sót sau lũ lụt. Nàng làm phép cho hạt giống tự gieo mầm, thành hạt, di chuyển về nhà, con người chỉ việc nấu chín để ăn. Nhưng vì giận dỗi do bị một cô gái phang vào đầu nên nữ thần không giúp con người làm ra lúa, họ phải tự làm lấy. Có khi thần còn cấm lúa nảy nở nên dân phải dâng lễ cúng.

- Không gian, thời gian: Mặc dù không có một câu văn nào nhắc tới thời gian, nhưng yếu tố nhân vật và không gian giúp ta nhận ra dấu ấn thần thoại đậm nét trong tác phẩm: con gái của Ngọc Hoàng, nàng xuống trần gian sau trận đại hồng thuỷ khủng khiếp huỷ diệt muôn loài duy chỉ con người tồn tại. Đó là thời gian, lần đầu tiên hạt lúa xuất hiện ở hạ giới. Những yếu tố đó xây dựng nên một bối cảnh thần thoại, không gian - thời gian của buổi bình minh của loài người, khi mà mọi thứ mới bắt đầu được kiến tạo.

- Nhân vật:

+ Tác phẩm có cốt truyện rất đơn giản, xoay quanh nhân vật nữ thần Lúa.

+ Xuất thân: nàng là con gái của Ngọc Hoàng – con gái của một vị thần thống trị tam giới. Nàng có xuất thân thần linh và rất đỗi cao quý.

+ Ngoại hình, hình dáng: cô gái xinh đẹp, hình dáng ẻo lả.

+ Công việc của thần: Theo lệnh Ngọc Hoàng thần xuống trần gian để duy trì sự sống của con người. Thần đã sáng tạo ra lúa, và phụ trách hết thảy mọi quy trình để tạo ra hạt lúa quý giá: gieo hạt, nảy mầm, kết bông, lúa chín tự bò về nhà. Con người chỉ việc ngắt bông bỏ vào nồi thì lúa sẽ thành cơm chín thơm ngon.

+ Tính tình của thần rất hay hờn dỗi. Và tác giả dân gian đã minh chứng cho tính cách ấy bằng sự kiện thần bị một cô gái trần gian đánh nên đã không làm lúa cho con người nữa, có lúc thần còn ko cho bông lúa chín…

=> Nhận xét:

+ Thần Lúa là vị thần có công lao rất lớn trong việc tạo ra nguồn sống cho con người. Vị thần có xuất thân cao quý nhưng tính cách cũng rất con người với hỉ nộ ái ố, giận hờn, chấp chước. Tính cách kiểu của cô gái xuất thân đài các, ẻo lả, thất thường.

+ Thông qua vị thần này, tác giả dân gian giải thích sự ra đời của cây lúa theo cách lí giải hồn nhiên, ngây thơ của mình.

- Yếu tố kì ảo: là thần thoại suy nguyên, câu chuyện hoang đường. Hình tượng thần hoàn toàn do hư cấu. Xuất thân của vị thần này, lẫn cả những chi tiết hạt lúa tự gieo mầm, sinh trưởng và kết bông, tự bò vào nhà… đều xuất phát từ những tưởng tượng của người cổ đại để cắt nghĩa, lí giải sự ra đời của lúa và những hiện tượng trong tự nhiên, nét văn hoá trong sinh hoạt của người bình dân.

- Chủ đề: Truyện sáng tạo ra hiện tượng các vị thần để giải thích hạt lúa hình thành như thế nào, quy trình tạo ra hạt lúa rất vất vả lắm công đoạn; những hiện tượng mất mùa trong sản xuất của người dân. Đồng thời, lí giải nguồn gốc của tục cúng hồn lúa sau mỗi mùa thu hoạch của người nông dân.

2,5 điểm

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,5 điểm

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ, sáng tạo.

0,5 điểm

Danh mục: Đề thi