I. Hướng dẫn nói và đáp lời không đồng ý
- Chúng ta thường nói lời không đồng ý khi không muốn tham gia một hoạt động nào đó được đối phương đề nghị.
- Khi nói lời không đồng ý, em cần nói với thái độ tôn trọng, chân thành và đưa ra lí do mình không đồng ý.
- Khi đáp lời không đồng ý, cần chú ý giọng nói, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ phù hợp.
II. Tình huống nói và đáp lời không đồng ý
1. Tình huống 1
* Anh trai rủ em trèo cây hái quả chín.
- Anh: Em ơi, chúng mình đi trèo cây hái quả chín đi!
- Em: Anh ơi, mình đừng làm như thế nhé! Trèo cây hái quả nguy hiểm lắm! Không may ngã xuống có thể sẽ gãy chân, gãy tay.
- Anh: Ừm em nói đúng. Như vậy nguy hiểm thật.
2. Tình huống 2
* Bạn rủ em đi tắm sông.
- Bạn: Cậu ơi, bọn mình đi tắm sông cho mát đi!
- Em: Cậu ơi, bọn mình đừng làm thế nhé! Tắm sông nguy hiểm lắm! Khúc sông này nước chảy xiết, nhiều chỗ trũng, bọn mình dễ bị đuối nước lắm!
- Bạn: Cậu nói đúng, bọn mình không nên đi tắm sông.
III. Hướng dẫn nói và đáp lời đề nghị
- Chúng ta thường sử dụng lời đề nghị khi muốn bày tỏ mong muốn và mong đối phương thực hiện cùng mình hoặc giúp mình.
- Khi nói lời đề nghị cần chú ý giọng nói, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ để thể hiện sự sự chân thành, tôn trọng trong mong muốn của bản thân.
- Khi nói lời đáp lời đề nghị cần thể hiện thái độ chân thành, thẳng thắn, tôn trọng (đồng ý lời đề nghị hay không đồng ý)
IV. Tình huống nói và đáp lời đề nghị
Tình huống 1 : Đề nghị được cùng chơi trò chơi với các bạn
Nói: Cho chúng mình chơi Thi đoán tên đồ vật với!
Đáp: Mời các bạn cùng chơi.
Tình huống 2: Đề nghị được cùng đóng góp ý kiến với các bạn
Nói: Cho mình đóng góp ý kiến về việc trang trí lớp học với!
Đáp: Mời bạn nêu ý kiến.