I. Kiểu bài và yêu cầu
a. Kiểu bài
Bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật sự kiện lịch sử là kiểu văn bản thuật lại một sự việc có thật nhằm giúp người đọc hiểu về sự việc, qua đó hiểu về nhân vật sự kiện lịch sử có liên quan.
b. Yêu cầu đối với kiểu bài
- Sự kiện được kể lại trong văn bản là có thật và liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử.
- Sử dụng người kể chuyện ngôi thứ nhất (xưng "tôi") thuật lại sự việc theo một trình tự hợp lí.
- Sử dụng chi tiết, thông tin chọn lọc, tin cậy về sự việc, nhân vật, sự kiện.
- Sử dụng yếu tố miêu tả trong bài viết.
- Kết hợp kể chuyện với miêu tả một cách hợp lí, tự nhiên.
- Bố cục bài viết cần đảm bảo:
+ Mở bài: giới thiệu sự việc có thật liên quan đến nhân vật/ sự kiện lịch sử.
+ Thân bài: thuật lại quá trình diễn biến của sự việc, chỉ ra mối liên quan giữa sự việc với nhân vật, sự kiện lịch sử, kết hợp kể chuyện với miêu tả.
+ Kết bài: khẳng định ý nghĩa của sự việc, nêu cảm nhận của người viết.
II. Quy trình viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết
- Xác định đề tài:
- Trước tiên, em cần trả lời câu hỏi: Yêu cầu của đề bài là gì?
- Mục đích viết bài này là gì?
⟹ Mục đích viết bài là kể lại một sự kiện có liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử em biết. Người đọc bài viết này có thể là ai?
⟹ Người đọc bài viết này có thể là tất cả mọi người, các bạn học sinh…
- Với mục đích và người đọc đó, nội dung và cách viết sẽ mạch lạc, rõ ràng và dễ hiểu, chân thực.
- Thu thập tư liệu:
- Em cần thu thập tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau từ tài liệu thực tế: hình ảnh, lời kể…. đến các tài liệu lưu trữ.
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
- Dàn ý:
- Mở bài:
+ Nêu được sự việc có thật liên quan đến nhân vật sự kiện lịch sử mà văn bản sẽ thuật lại.
+ Nêu lí do hay hoàn cảnh người viết thu thập tư liệu liên quan.
- Thân bài:
Gợi lại bối cảnh, câu chuyện, dấu tích liên quan đến nhân vật sự kiện:
- Câu chuyện, huyền thoại liên quan.
- Dấu tích liên quan
Thuật lại nội dung diễn biến của sự việc có thật liên quan đến nhân vật/ sự kiện lịch sử:
- Bắt đầu - diễn biến - kết thúc.
- Sử dụng được một số bằng chứng (tư liệu, trích dẫn,...); kết hợp kể chuyện với miêu tả.
Ý nghĩa, tác động của sự việc đối với đời sống hoặc đối với nhận thức về nhân vật, sự kiện lịch sử.
Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của sự việc hoặc nêu cảm nhận của người viết về sự việc.
Bước 3: Viết bài
- Lần lượt viết mở bài, thân bài, kết bài. Riêng thân bài, em cần lưu ý:
- Khi thuật lại nội dung diễn biến, cần chỉ ra mối liên hệ giữa sự việc với nhân vật sự kiện lịch sử qua các bằng chứng, nhân chứng, vật chứng hoặc tư liệu đáng tin cậ
- Sử dụng yếu tố miêu tả một cách hợp lí, chọn lọc (tả chân dung nhân vật, tả cảnh quan, tả vật chứng, nhân chứng,... khi cần), kết hợp kể chuyện với miêu tả một cách hài hoà, tự nhiên.
Bước 4: Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm
- Xem lại và chỉnh sửa
- Học sinh tự kiểm tra, xem xét và điều chỉnh những chi tiết liên quan đến nội dung và cấu trúc của bài viết.
- Rút kinh nghiệm
- Viết bài giúp em có thêm kinh nghiệm khi viết về sự việc có thật liên quan đến sự kiện lịch sử: việc thu thập tài liệu, viết bài kể chuyện…
- Nếu được thực hiện lại bài viết, em sẽ kể chi tiết và có thêm những dẫn chứng cho bài viết được tốt hơn.
III. Bài tập minh họa
Bài tập: Viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em có dịp tìm hiểu.
Phương pháp giải:
Chọn sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử
Dựa vào nội dung Quy trình viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử
Lên ý tưởng và lập dàn ý:
Dựa vào dàn ý phát triển thành bài viết
Lời giải chi tiết:
Vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn)
Lý Công Uẩn người làng cổ Pháp thuộc Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay ở làng Đình Bảng vẫn còn có lăng và đền thờ các vua nhà Lý.
Tục truyền rằng Công Uẩn không có cha; mẹ là Phạm Thị đi chơi chùa Tiên Sơn (làng Tiên Sơn,
phủ Từ Sơn), đêm về nằm mộng thấy "đi lại" với thần nhân, rồi có thai đẻ ra đứa con trai. Lên ba tuổi, đứa bé càng khôi ngô tuấn tú; gia đình đem cho nhà sư ở chùa cổ Pháp tên là Lý Khánh Văn làm con nuôi. Lý Công Uẩn được học hành chữ Nho, kinh Phật và võ nghệ từ nhỏ, lớn lên dưới mái chùa, trở thành một tài trai văn võ siêu quần.
Ngoài 20 tuổi, Lý Công Uẩn đã làm võ tướng dưới triều vua Lê Đại Hành, từng lập công to trong trận Chi Lăng (981) đại phá quân Tống xâm lược, chém đầu tướng giặc Hầu Nhân Bảo. Về sau, ông giữ chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ, nắm trong tay toàn bộ binh quyền. Đức trọng tài cao, ông được quần thần và tướng sĩ rất kính phục. Năm 1005, Lê Đại Hành băng hà. Ngôi vua được truyền cho Lê Long Việt. Chỉ 3 ngày sau, Lê Long Đĩnh giết anh, giành lấy ngai vàng. Lê Long Đĩnh là một tên vua vô cùng bạo ngược khác nào Kiệt, Trụ ngày xưa. Hắn hoang dâm vô độ, nên mắc bệnh không ngồi được; đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là Vua Ngọa Triều. Cuối năm 1009, Lê Ngọa Triều chết. Năm đó, Lý Công Uẩn đã 35 tuổi. Bấy giờ lòng người đã oán giận nhà Tiền Lê lắm rồi; quân thần và tầng lớp tăng lữ suy tôn ông lên ngôi báu, mở đầu triều đại nhà Lý (1010- 1225).
Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế vào đầu xuân 1010, tức là vua Lý Thái Tổ nhà Lý. Nhà vua trị vì được 19 năm, thọ 55 tuổi, băng hà năm 1028.