Tả về một loài cây hay nhất - Bài văn mẫu 1
Vườn nhà em có ba gốc bưởi, giống bưởi Diễn do ông nội trồng hơn mười năm về trước.
Ba cây bưởi đứng cạnh bờ ao, cành lá sum sê, xanh mượt, che rợp một góc vườn. Tháng giêng, bưởi đơm hoa. Nụ hoa như chiếc cúc bạch ngọc bằng đầu ngón tay út xinh xinh. Hoa bưởi nở xoè năm cánh trắng phau, nhị vàng, toả hương thơm ngào ngạt. Mùa hoa bưởi, ong bướm dập dìu kéo đến hút mật đông vui như hội. Trong làn mưa xuân, hoa bưởi rụng trắng vườn.
Bà vẫn nhặt hoa bưởi rụng, hái lá bưởi già nấu nước tắm, nước gội đầu cho các cháu. Luộc ốc, bà lót vào đáy nồi ba, bốn chiếc lá bưởi, ốc có mùi thơm, ăn rất ngon.
Tháng bảy, tháng tám, bưởi chín. Trái bưởi nào cũng căng tròn, vỏ màu vàng chanh. Cây nào cũng lúc lỉu hàng trăm quả tròn to. Mỗi quả bưởi nặng trên dưới một cân, múi có tép mọng, vị ngọt thanh. Năm nào cũng vậy, các cháu nội, ngoại đều được bà cho mỗi đứa hai quả làm quà đón Tết Trung thu.
Tả về một loài cây hay nhất - Bài văn mẫu 2
Cây chuối rất thân thuộc với mọi miền quê. Từ Bắc vào Nam, từ rừng núi tới vùng duyên hải, đi tới đâu ta cũng bắt gặp cây chuối, vườn chuối. Vườn nhà em, vườn chú Tư, vườn cô Hảo… đều trồng nhiều chuối.
Họ hàng chuối thật đông đúc. Nào là chuối ngự, chuối ba hương, chuối tiêu. Nào là chuối mật, chuối hột (chuối chát), chuối ta, chuối tây, chuối lá, chuối lùn…
Khóm chuối, bụi chuối là hình ảnh tuyệt đẹp về sự sum vầy đông vui của một gia đình. Cây chuối mẹ còng lưng cõng buồng chuối trĩu quả. Cây chuối tơ trổ hoa màu tím thẫm. Ba bốn cây chuối con cao hơn nửa mét, lá xanh màu cấm thạch như xoè bàn tay đón nắng gió. Chuối mẹ che chở cho đàn con. Chuối tơ, chuối con như ôm lấy, quây quần lấy chuối mẹ.
Cây chuối có rất nhiều giá trị. Lá chuối tươi để gói bánh chưng, bánh tét. Lá chuối khô để gói bánh gai. Hoa chuối, cây chuối non đem thái mỏng đế làm nộm ăn với bún riêu, bún cua. Trái chuối xanh thái mỏng cùng với khế chua để ăn với tôm chua thì thật ngon miệng.
Tả về một loài cây hay nhất - Bài văn mẫu 3
Bầu là loại cây leo. Ba, bốn gốc bầu chung giàn, dây quấn vào nhau. Sau những ngày mưa xuân, cây bầu đua nhau vươn lên. Lá bầu xanh rêu, xoè ra như cánh quạt giấy, như cánh chim câu, che rợp một góc ao bèo. Dây bầu bằng ngón tay cái, ngọn bầu xanh ngọc bằng ngón tay út, chạy dài, bò trên giàn tre.
Đầu tháng ba, bầu trổ hoa, màu trắng nhạt. Hoa bầu nở xoè như cái bát cổ. Ong, bướm, chuồn chuồn cũng kéo đến khi giàn bầu trổ hoa. Hoa bầu không có hương thơm. Hoa rụng xuống ao, đàn cá rô phi tranh nhau ăn lấy ăn để.
Cuối tháng ba, trong làn nắng mới, bầu kết trái. Giàn bầu lúc lỉu quả to, quả nhỏ, quả ngắn, quả dài. Quả bầu hình nậm rượu rất xinh. Giữa quả bầu thắt nhỏ phần dưới và phần trên phình to ra, phần dưới to hơn phần trên. Quả bầu dài khoảng 10-20 xăng-ti-mét, màu xanh nhạt. Chỉ độ một tháng sau, quả bầu đã nặng đến hơn một cân.
Quả bầu lứa đầu to nhất, mẹ để làm giống. Bầu non, bầu bánh tẻ được mẹ hái đem ra chợ bán. Từ quả bầu, mẹ chế biến được nhiều món ăn ngon: canh bầu với tôm rảo, bầu riêu cua, lòng gà xào với bầu…
Tả về một loài cây hay nhất - Bài văn mẫu 4
Chú Hợi, phó tiến sĩ, giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã cho bố em một cây mận quý, giống mận Lạng Sơn. Sau hai năm, cây mận đã bói quả.
Bố em trồng cây mận ở góc vườn, cạnh sân gần phía ngõ. Bố chăm sóc cây mận rất cấn thận. Cây mận bằng cổ chân người lớn, màu nâu. Cành mận bằng ngón tay, bằng chiếc đũa. Lá mận gần giống lá chanh, xanh thẫm. Tháng giêng, cây mận ra hoa, hoa nhỏ, màu trắng, gần giống hoa mơ. Cây mận tươi tốt, cành lá sum sê, rất đẹp.