Tả bữa cơm ngày thường của gia đình hay nhất (2 bài văn mẫu)

Tả bữa cơm ngày thường của gia đình - Bài văn mẫu 1

Bữa cơm tối của gia đình em là bữa cơm đông vui nhất. Mẹ đi chợ bán rau đã về. Bố ở nhà làm vườn cũng đã xong. Ba chị em cũng đã đi học về.

Chị Xuân lo nấu nướng. Em chuẩn bị mâm bát. Đũa ăn cơm tuy chỉ là đũa tre, nhưng hôm nào chị Xuân cũng nhắc em phải lau thật sạch, thật cẩn thận từng đôi, không được làm qua loa. Chiếc chiếu cũ đã được trải ra trên thềm nhà láng xi măng bóng nhẵn. Mâm, bát đũa đã đặt lên. Một nồi cơm đầy, cơm gạo quê giống lúa mới dẻo thơm, toả khói. Chị Xuân, bếp trưởng bày đĩa rau xào lên mâm, một đĩa rau thật to và đẹp mắt. Trên mâm còn có một đĩa cá kho và một bát canh rau ngót. Đĩa cà muối mặn thì không bữa nào vắng mặt trên chiếc mâm nhôm. Năm bát cơm đầy toả khói nghi ngút. Bố em bảo: “Ăn chắc, mặc bền. Cơm phải xới thật đầy!”. Bố và mẹ nói đủ thứ chuyện trong bữa ăn. Ăn xong, em đứng dậy mang ấm nước vối ra.

Bữa cơm thường của nhà em như thế đó. Bình dị thôi, chưa có nhiều thịt cá nhưng ấm cúng và vui.

Tả bữa cơm ngày thường của gia đình - Bài văn mẫu 2

Đối với mỗi người chúng ta, bữa cơm gia đình chiều cuối năm là một bữa cơm vô cùng đặc biệt, nó không chỉ là bữa ăn bình thường mà nó còn là dịp để mọi thành viên trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau sau những tháng ngày bận rộn vất vả với những lo toan bộn bề của cuộc sống.

Guồng quay hối hả của cuộc sống đã vô tình làm cho con người ta quên đi những giây phút thanh bình đầm ấm bên bữa cơm gia đình. Những tiệc tùng, hội họp, đôi khi là những lo toan cơm áo gạo tiền khiến ta trở nên khô khan và bữa cơm tối với gia đình bỗng trở nên xa xỉ với nhiều người.

Nhưng cứ mỗi khi vào dịp cuối năm, cái bộn bề chóng mặt của cuộc sống lại lặng lẽ lùi xa để thay vào đó là không khí của tình thân gia đình, của sự gắn kết yêu thương giữa những thành viên trong gia đình. Bữa cơm ấy không chỉ là bữa cơm bình thường mà bữa cơm ấy là bữa cơm sum họp của gia đình đông đủ để thấy người già còn mạnh khỏe, con cái ngày càng lớn lên. Không chỉ là sum họp giữa những người trong gia đình, thường ngày vì công việc hay học hành ít có dịp ngồi lại cùng nhau mà còn là giữa những người thân trong dòng tộc ngày 30 Tết về thăm ông bà, họ hàng. Bữa cơm cuối năm còn mang ý nghĩa lớn lao là mời tổ tiên, những người đã khuất về cùng ăn Tết. Thế nên bữa cơm cuối năm, dù giản dị thôi nhưng lại là thời điểm hết sức đầm ấm, gắn kết mọi người, ngồi ôn lại chuyện năm cũ bàn chuyện năm mới mà không sợ phải kiêng cữ lời ăn tiếng nói như những ngày đầu năm mới. Bữa cơm chiều cuối năm thường là bữa đầu tiên trong mấy ngày Tết. Cả nhà sum vầy đủ đầy bên mâm thức ăn ngon. Khi mâm cỗ cúng được đưa từ ban thờ xuống, cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm đầm ấm. Bên bữa cơm gia đình ấm áp, những khó khăn bộn bề của cuộc sống tạm thời bị gác sang một bên để nhường lại cho những nụ cười, những niềm vui và cả những giọt nước mắt cảm động của tình cảm gia đình.

Bữa cơm gia đình cũng là dịp để những đứa con từ nơi xa trở về bên vòng tay yêu thương của cha mẹ, để cảm nhận những điều hạnh phúc giản dị nhưng ngọt ngào nhất. Với mỗi con người, cha mẹ và gia đình mãi là nơi bình yên nhất, thoải mái nhất để trở về sau mỗi chuyến đi của cuộc đời.