Kể về lễ hội - Bài văn mẫu 1
Lễ hội chọi trâu được tổ chức tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Có lần thăm quê vào đúng ngày lễ đó, em được bố mẹ cho đi xem hội. Trên sân lúc này là hai chú trâu đã được đánh số. Con nào con nấy rất hung hăng. Khi vừa có hiệu lệnh của trọng tài là lập tức các chú lao vào nhau húc lấy húc để. Không con nào chịu nhường con nào. Sau một hồi đấu đá, trâu mang số báo danh 07 đã thua trâu có số báo danh 11. Tiếp theo đó lại là những cặp trâu khác. Những trận đấu diễn ra rất sôi nổi hấp dẫn trong tiếng hò hét cổ vũ của những người xem.
Kể về lễ hội - Bài văn mẫu 2
Ở quê em có một hội lớn lắm. Đó là lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn - Hải phòng, nổi tiếng trên khắp các vùng miền cả nước. Nhân dân ta có câu:”Dù ai buôn đâu bán đâu, mồng chín tháng tám thì về chọi trâu”. Vào ngày hội du khách các nơi đổ về xem hội rất đông. Trước khi bắt đầu chọi trâu có một màn múa cờ truyền thống rất đặc sắc. Sau đó các cụ già làng dắt trâu ra thế là bắt đầu một ngày hội chọi trâu. Con trâu thứ nhất là số 87, con trâu thứ hai là số 89. Con trâu số 89 là con trâu của làng em. Hai con trâu hùng hổ đánh nhau. Sau bao nhiêu trận đấu quyết liệt là những tiếng reo hò của khán giả. Ông trâu số 89 của làng em đã chiến thắng. Ông trâu ấy sẽ mang vinh quang, tự hào và cả sự sung túc cho làng em.
Em rất thích hội chọi trâu bởi hội chọi trâu chứng minh sự thịnh vượng của quê hương em.
Kể về lễ hội - Bài văn mẫu 3
Mỗi vùng đất đều có một phong tục tập quán riêng. Và các lễ hội cũng vậy, không vùng nào giống vùng nào. Như thế mới tạo nên nét đặc trưng riêng của vùng đó. Tháng Giêng năm ngoái em có dịp được đi Hải Phòng và xem lễ hội chọi trâu. Đây là lần đầu tiên em được chứng kiến cảnh chọi trâu đầy ấn tượng như thế này.
Lễ hội chọi trâu không phải vùng nào cũng có, ở quê em không có lễ hội này. Ở Hải Phòng, lễ hội chọi trâu được diễn ra vào mùa xuân. Vì đây là thời điểm mọi người có thời gian vui chơi, nghỉ ngơi tham gia các lễ hội dành cho mùa xuân.
Ở đây người dân chuẩn bị một cái sân thật to và thật rộng, hai làng sẽ chuẩn bị hai con trâu khỏe nhất mang ra chọi nhau. Khi con trâu nào qụy xuống trước là thua cuộc và ngược lại.
Hai con trâu được mang ra chọi có màu đen thẫm, làn da bóng nhẫy nhìn rất khỏe khoắn và đầy sức mạnh. Hai đôi mắt long lanh của hai chú trâu cứ nhìn chằm chằm vào nhau.
Hai con trâu bắt đầu tiến gần lại với nhau, chân đạp đạp xuống đất và mũi không ngừng thở. Sừng trâu cong vút lên, khỏe mạnh và hình như chúng đang chuẩn bị tâm thế để bước vào cuộc chiến gay go nhất.
Hai chú trâu cứ thế lao vào nhau, sừng cọ nhau, húc và xô đẩy nhau không phân thắng bại. Xung quanh tiếng hò hét của những người dân khiến cho không khí của lễ hội chọi trâu trở nên náo nhiệt và vui vẻ hơn bao giờ hết.
Hai chú trâu đang hì hục chiến đấu ở trên sân nền cỏ, chân của chúng làm cho những đám bỏ bị bật gốc trơ trọi ở trên mặt đất. Thi thoảng chú trâu kia húc mạnh chú trâu này khiến cho chân của trâu bị lún xuống một hố nông nhưng cũng đủ khiến cho người xem cảm thấy trận chiến đang diễn ra ác liệt.
Chú trâu làng bên vì có sức khỏe dai và mạnh hơn nên đã húc chú trâu làng kia một cái. Nhưng may sao chú trâu kia có sức kháng cự nên bật lại. Cả hai chú vẫn đang khiến người xem thót tim không biết bao nhiêu lần.
Nhưng cuối cùng chú trâu to con hơn của làng bên đã làm ngã khuỵu chú trâu còn lại và kết quả lễ hội chọi trâu đã được công bố. Em rất ấn tượng với lễ hội này ở Hải Phòng.
Kể về lễ hội - Bài văn mẫu 4
Lễ hội chọi trâu là một lễ hội rất đặc biết của người Việt Nam. Một trong những nơi có lễ hội chọi trâu nổi tiếng nhất đó chính là Đồ Sơn – Hải Phòng.
Em có dịp được đến đây xem hội cùng với ông nội. Thực sự rất ấn tượng và khó quên. Đây là một lễ hội vô cùng hoành tráng. Lễ hội chọi trâu cũng được chia làm hai phần là phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, các trâu chọi đều phải được ra làm lễ, còn sau đó là phần rước nước thành về để thờ thành hoàng làng. Sau khi làm lễ xong, thì trâu chọi chính thức trở thành “ông trâu” có ý nghĩa như một vị thần tâm linh đối với người dân ở đây sẽ phù hộ cho một năm mới tốt lành. Khi phần hội chọi trâu bắt đầu, các trâu chọi được đưa vào vị trí. Trên khán đài, khán giả gieo hò cuồng nhiệt. Người đến xem phần đông hơn cả chính là những du khách thập phương trong cả nước, thậm chí còn có cả khách nước ngoài. Để cho có không khí, ban tổ chức còn cho đội trống, đội kèn và đội cờ xung quanh sân đấu.
Những chú trâu bước ra oai phong, mạnh mẽ và đôi mắt rực lửa. Chúng lao vào nhau và bắt đầu cuộc đấu, tiếng trống dồn dập, bụi tung lên mờ ảo khiến cho trận chiến thêm phần quyết liệt. Trận đấu kết thúc đương nhiên có chú trâu thắng cuộc và chú trâu thua cuộc. Có cả nước mắt và nụ cười của những người chủ. Nhưng theo truyền thống ở đây, dù chú trâu đó có thắng hay thua cuộc thì vẫn sẽ được giết thịt để tế trời đất. Đây là phong tục từ bao đời nay, còn bây giờ, trâu thắng thì dùng để thờ, còn các con trâu thua cuộc sẽ được giết thịt để bán cho khác đến lễ hội.