Tả ông của em - Bài văn mẫu 1
Suốt bao năm qua, ông em là người đưa đón em đi học. Vì vậy, em rất thân thiết với ông. Năm nay, ông em đã gần bảy mươi tuổi. Mái tóc ông đã bạc trắng hơn nửa. Em rất thích vuốt vuốt chòm râu dài cũng bạc trắng của ông. Người ông cao lớn nhưng làn da đã nhăn nheo theo năm tháng. Gương mặt của ông hình chữ điền, góc cạnh. Đôi mắt nâu đen, sâu thẳm thường nhìn em trìu mến. Ông rất yêu thương em, ông thường dẫn em đi chơi, đi ăn, đi mua đồ. Mỗi lần em vâng lời, ông xoa đầu em và dặn mau lớn để làm chàng thanh niên điển trai, tài giỏi như ông ngày trẻ. Em chỉ biết cười rồi sà vào lòng ông nũng nịu.
Tả ông của em - Bài văn mẫu 2
Ông nội của em năm nay đã ngoài 70 tuổi. Ông là kĩ sư chăn nuôi của Sở nông nghiệp tỉnh Hải Dương. Da mồi, tóc bạc phơ, ông đeo kính khi đọc sách báo. Ông thích uống trà vào buổi sáng. Bạn của ông là các cụ cán bộ trong huyện đã về hưu. Bà con anh em rất kính trọng ông, gọi ông là cụ Điền. Ông vui vẻ và hiền hậu. Các cháu nội, ngoại đều được ông yêu quý, săn sóc việc học hành. Ông là người ông đáng kính nhất của em, em mong ông luôn khỏe mạnh sống thật lâu. Cả cuộc đời ông đã hi sinh hết mình vì con vì cháu. Thương ông, em hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để đền đáp tình yêu thương vô bờ bến mà ông dành cho em.
Tả ông của em - Bài văn mẫu 3
Ông ngoại em năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Dáng người ông khom gầy. Mái tóc ông đã bạc trắng. Đôi mắt ông không còn sáng và minh mẫn như trước nữa. Mỗi khi đọc báo ông đều phải nheo mắt hoặc đeo kính lão mới có thể đọc được. Đôi mắt ấy luôn nhìn em với cái nhìn ấm áp, yêu thương. Vầng trán ông cao và rộng đã xuất hiện nhiều nếp nhăn như vết hằn của thời gian nghiệt ngã. Nước da ông sạm đen, chai sần. Bàn tay ông thô ráp, chai sạn lại. Nhìn ông đầy vẻ khắc khổ của một người đàn ông một đời phiêu bạt lo toan. Mỗi tuần em đều đến thăm ông. Có gì ngon ông cũng dành phần em. Ông hay cho em mấy đồng lẻ để em khi thì mua cái kẹo, lúc lại mua cái bánh. Mỗi khi ở lại ăn cơm với ông, ông đều tự tay làm những món em thích. Ông thường kể em nghe chuyện ngày xưa ông đi bộ đội. Vết sẹo dài ở cánh tay phải của ông là minh chứng cho một thời gian khổ, anh hùng mà ông đã trải qua. Em rất yêu quý ông ngoại em. Em sẽ thường xuyên đến thăm ông và chăm sóc cho ông. Em mong ước ông sẽ sống lâu trăm tuổi cùng con cháu!
Tả ông của em - Bài văn mẫu 4
Hôm nay em tan học sớm nên được mẹ chở vào bệnh viện thăm ông ngoại. Em rất thương ông, dạo này thời tiết ẩm ướt, hơi lạnh nên bệnh thấp khớp của ông trở nặng phải vào viện theo dõi.
Mở cửa phòng bệnh, em thấy ông đang ngồi đọc sách bên cửa sổ. Ánh nắng ấm áp tràn vào phòng bao quanh ông như vầng hào quang của ông bụt trong truyện cổ tích. Thấy em và mẹ đến, ông cất cuốn sách đi vẫy tay gọi em lại. Em sà vào lòng ông, thật ấm áp biết bao! Năm nay ông mới gần 60 tuổi, thoạt nhìn vẫn còn trẻ khỏe. Mái tóc hoa râm của ông lòa xòa vài cọng xuống trán, ông cười hỏi han tình hình học tập của em trong lúc mẹ gọt trái cây. Nụ cười của ông thật hiền từ.
Lưng ông chưa còng nhưng vì căn bệnh mà hay đau mỏi. Em tranh thủ đấm bóp cho ông, vừa nghe ông kể chuyện. Nhìn gần, khóe mắt ông đã có nhiều nếp nhăn, khi ông cười hoặc nheo mắt lại thấy rất rõ. Bàn tay ông rất lớn, nắm lấy bàn tay bé nhỏ của em thật là an toàn. Giọng ông trầm ấm mà nhẹ nhàng, kể cho em nghe rất nhiều điều thú vị mà em chưa từng biết. Nhờ ông mà em được tiếp xúc với rất nhiều kiến thức mới lạ. Ông rất thích đọc sách, vì vậy kiến thức của ông như một thư viện khổng lồ.
Em ở chơi với ông một buổi chiều rồi phải về nhà để chuẩn bị bài vở cho hôm sau. Thật mong ông sẽ sớm lành bệnh để về nhà với em. Em rất yêu quý ông ngoại của mình.
Tả ông của em - Bài văn mẫu 5
Trong gia đình em có rất nhiều người cùng chung sống. Nhưng em yêu quý nhất là ông nội, vì ông là người gần gũi với em nhiều nhất từ khi em còn bé.
Ông em năm nay đã ngoài 70 tuổi, lưng của ông đã hơi còng xuống do sức nặng của thời gian. Mái tóc ông bạc trắng như cước. Trên gương mặt phúc hậu của ông đã hằn lên nhiều vết chân chim, mỗi khi ông cười lộ rõ hơn bao giờ hết. Đôi mắt của ông không còn tinh anh như xưa, lúc đọc báo ông đều phải đeo một cặp kính lão gọng vàng để nhìn cho rõ chữ. Ông có sở thích nghe đài, lần nào trước khi ngủ và mỗi sáng dậy sớm ông có thói quen nghe bản tin thời sự hay ca nhạc.
Bàn tay ông ngày trước cầm súng khoẻ bao nhiêu thì bây giờ lại gầy gầy xương xương bấy nhiêu. Trên đôi tay đầy dấu đồi mồi ấy có một vết sẹo dài. Ông kể ngày trước trong khi chiến đấu đã bị thương, tưởng phải cưa tay đi nhưng thật may vẫn cứu chữa được. Em rất thích ngồi nghe ông kể chuyện thời chiến tranh, ông gặp bà thế nào, chiến đấu anh dũng quả cảm cùng đồng đội ra sao. Ông vừa kể bằng giọng ấm áp vừa xoa đầu em, dặn em phải học thật tốt.
Ông đã không còn trẻ nữa nên sức khoẻ yếu đi nhiều. Em thấy ông vui vẻ nhất khi gặp lại các đồng đội cũ mỗi dịp đi họp cựu chiến binh. Em mong ông sẽ sống thật lâu cùng với mọi người.
Tả ông của em - Bài văn mẫu 6
Trong gia đình em, người em yêu quí nhất là ông nội. Ông em năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Mái tóc ông bạc trắng như cước. Vầng trán cao và rộng trên đôi mắt không còn tinh anh như trước nữa. Dáng người ông dong dỏng cao. Mặc cho đã ngoài bảy lần xuân xanh, ông vẫn đi lại rất nhanh nhẹn và hoạt bát. Hằng ngày, ông chở em đến trường và cuối mỗi buổi học lại đón em về nhà. Ông là người rất vui tính. Ông thường kể cho chúng em nghe những câu chuyện ngày xưa, về thời ông đi kháng chiến. Biết bao nhiêu là những câu chuyện cảm động và đầy anh dũng của cha ông một thời nhọc nhằn khói lửa. Ông nội em là một người yêu cây cối. Ông có một khu vườn nhỏ trước nhà. Ở đó, ông trồng nào là cam, nào là bưởi, nào là những hoa hồng, hoa cúc. Chiều chiều, ông ra thăm vườn, bắt sâu cho lá, tưới nước cho hoa, cắt lá, tỉa cành. Ngắm nhìn ông làm vườn với tất cả say mê và sự vui thích, em cũng muốn sau này trở thành một kĩ sư trồng trọt, để phát minh ra những giống cây trồng mới đem về tặng ông tô sắc cho gia tài bé nhỏ của ông nội. Hằng ngày, sống gắn bó bên ông song có một kỉ niệm mà em nhớ mãi. Đó là một ngày trời mưa tầm tã. Mưa xối xả. Sau ba hồi trống kết thúc buổi học vang lên, hùa theo đám bạn, em không đứng đợi ông ở phòng bảo vệ như thường lệ mà chạy đi ra ngoài đường. Khi ông đến cổng trường, không thấy em thì rất lo lắng. mặc trời mưa rất lớn, ông mải miết đi tìm em. Sau ngày hôm ấy, ông vì bị dính nước mưa nên bị cảm nặng. Ngồi bên giường ông mà em cảm thấy hối lỗi vô cùng. Lúc ấy, ông nhẹ nhàng cầm lấy tay em và nói: “Ông không sao cháu gái ngoan của ông ạ!”. Em rất yêu ông nội của em.