Giáo án Lịch sử 10 bài 11: Tây Âu thời hậu kì trung đại mới nhất

Bài 11: TÂY ÂU THỜI HẬU KỲ TRUNG ĐẠI

I. MỤC TIÊU BÀI HỌC:

1. Kiến thức:

- Trình bày được các cuộc phát kiến địa lý.

- Hiểu biết được khái niệm thế nào là tích lũy vốn ban đầu, giải thích được tại sao chủ nghĩa tư bản lại nảy sinh ở châu Âu, nắm được những biểu hiện sự nảy sinh chủ nghĩa tư bản ở châu Âu.

- Trình bày được nguyên nhân, thành tựu của Văn hóa Phục hưng, cải cách tôn giáo và chiến tranh nông dân.

2. Kỹ năng:

- Kỹ năng phân tích, đánh giá sự kiện về sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, lập bảng thống kê các cuộc đấu tranh.

- Kỹ năng khai thác lược đồ “Những cuộc phát kiến địa lý”, khai thác tranh ảnh về những thành tựu hội họa của Văn hóa Phục hưng.

3. Tư tưởng, tình cảm:

Giúp các em thấy được công lao của các nhà phát kiến địa lý, trân trọng những giá trị văn hóa của nhân loại thời kỳ Phục hưng để lại và tinh thần đấu tranh của nhân dân lao động trong trận tuyến chống lại chế độ phong kiến.

4. Định hướng phát triển năng lực

* Những năng lực chung: năng lực tự học, năng lực phát hiện và giả quyết các vấn đề, năng lực sáng tạo, giao tiếp, thuyết trình, hợp tác.

* Năng lực chuyên biệt: Vận dụng kiến thức lịch sử để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra: giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của nhân loại.

Nănglựcthựchànhbộ môn: Sưu tầm tư liệu, thuyết trình, báo cáo…

II.CHUẨN BỊ CỦA GIÁO VIÊN HỌC SINH.

1.Chuẩn bị của giáo viên: Giáo án, tranh ảnh, tư liệu, giao nhiệm vụ cho học sinh chuẩn bị ở nhà và trình bày trên lớp

2.Chuẩn bị của học sinh: chuẩn bị nội dung bài học, sưu tầm tài liệu, thuyết trình trên lớp

III.KĨ THUẬT VÀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC: thảo luận nhóm, hoạt động nhân. Sử dụng tranh ảnh, tư liệu…

IV. TIẾN TRÌNH TỔ CHỨC DẠY HỌC:

1. Kiểm tra bài cũ:

- Câu hỏi 1: Thế nào là lãnh địa? Đời sống kinh tế và chính trị trong các lãnh địa như thế nào?

- Câu hỏi 2: Nguyên nhân và vai trò của các thành thị trung đại?

2. Bài mới:

Một trong những thành tựu quan trọng của loài người ở thế kỷ XV là tiến hành các cuộc phát kiến địa lý phát hiện ra châu Mỹ và đi vòng quanh thế giới, đã đem lại nguồn của cải lớn trong châu Âu. Trên cơ sở đó đã dẫn đến quá trình tích lũy tư bản ban đầu và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Qua đó được hình thành cùng với đó hai giai cấp mới – tư sản và vô sản ra đời. Để tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn đến các cuộc phát kiến địa lý? Các cuộc phát kiến địa lý đó diễn ra như thế nào? Hệ quả của cuộc phát kiến địa lý ra sao? Nguyên nhân, diễn biến Cải cách tôn giáo và chiến tranh nông dân? Chúng ta tìm hiểu bài học hôm nay để trả lời câu hỏi nêu trên.

3. Hình thành kiến thức mới:

MỤC TIÊU – PHƯƠNG PHÁP

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

* Hoạt động 1: Tìm hiểu những cuộc phát kiến địa lý.

- GV nêu câu hỏi: Tại sao sang thế kỷ XV, con người có thể tiến hành các cuộc phát kiến địa lý?

- HS đọc SGK trả lời.

- GV nhận xét và chốt ý, nhấn mạnh sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật là quan trọng nhất, vì chính nhờ có đó mà con người có những con tàu lớn chở được nhiều người và lương thực, thực phẩm nước uống cho những chuyến đi dài ngày.

- GV treo lược đồ, yêu cầu HS dưa vào SGK trình bày các cuộc phát kiến địa lý, HS khác bổ sung.

- GV nhận xét, bổ sung và chốt ý.

* Hoạt động 2: Tìm hiểu hệ quả của các cuộc phát kiến địa lý.

- GV nêu câu hỏi: Hệ quả của các cuộc phát kiến địa lý?

- HS đọc SGK thảo luận, trình bày. HS khác bổ sung.

- GV nhận xét, chốt ý.

- GV nêu câu hỏi: Số vốn ban đầu mà quý tộc và thương nhân tích lũy do đâu mà có?

- HS trả lời.

- GV nhận xét, bổ sung, chốt ý: Sau các cuộc phát kiến địa lý, kinh tế châu Âu phát triển nhanh. Tầng lớp quý tộc, thương nhân Tây Âu ra sức cướp bóc của cải, tài nguyên vàng bạc của các nước châu Mỹ, châu Phi và châu Á. Giai cấp tư sản tích lũy được số vốn ban đầu bằng sự cướp bóc thực dân.

- GV nhấn mạnh thêm: Giai cấp tư sản thậm chí còn dùng bạo lực để tước đoạt ruộng đất của nông dân. Chẳng hạn ở Anh có phong trào “Rào đất cướp ruộng”, hàng vạn gia đình nông dân mất đất, đi lang thang buộc phải làm thuê trong các xí nghiệp của giai cấp tư sản. Ngay ở thành thị, thợ thủ công cũng bị tước đoạttư liệu sản xuất, trở thành người đi làm thuê.

- Đây là mục giảm tải, GV hướng dẫn HS tự tìm hiểu sự nảy sinh chủ nghĩa tư bản tập trung vào các nội dung sau: Nguyên nhân, biểu hiện.

* Hoạt động 3: Tìm hiểu những thành tựu Văn hóa Phục hưng.

- GV nêu câu hỏi: Nêu những thành tựu của Văn hóa phục hưng?

- HS đọc SGK trả lời.

- GV bổ sung và chốt ý: Thời đại Văn hóa Phục hưng có những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật và hội họa với các nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ và những tác phẩm tiêu biểu: Ra-bơ-le vừa là nhà văn vừa là nhà y học; Đê-các-tơ vừa là nhà toán học vừa là nhà triết học; Lê-ô-na-đơ Vanh xi vừa là họa sĩ thiên tài vừa là kỹ sư nổi tiếng; Sếch-xpia là nhà soạn kịch vĩ đại…

- GV nêu câu hỏi: Hãy cho biết ý nghĩa của phong trào Văn hóa Phục hưng?

- HS đọc SGK trả lời.

- GV nhận xét và chốt ý, đồng thời nhấn mạnh thực chất của phong trào Văn hóa phục hưng là cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống lại chế độ phong kiến trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

- GV giới thiệu cho HS bức tranh hình 28 trong SGK “ Bức họa La Giô-công của Lê-ô-na-đơ Vanh xi “; yêu càu HS nêu nội dung tác phẩm Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Sếch-xpia …Qua tác phẩm, GV chỉ rõ giá trị nhân văn, tính chiến đấu của tác phẩm.

- Mục giảm tải: GV hướng dẫn cho HS tự tìm hiểu về cải cách tôn giáo và Chiến tranh nông dân.

1. Những cuộc phát kiến địa lý.

- Nguyên nhân phát kiến địa lý:

+ Sản xuất phát triển dẫn đến nhu cầu về hương liệu, vàng bạc, thị trường cao.

+ Con đường giao lưu buôn qua Tây Á và Địa Trung Hải bị người Ả Rập độc chiếm.

+ Khoa học – kỹ thuật có những bước tiến quan trọng như kỹ thuật mới trong đóng tàu, sa bàn, hải đồ…

- Các cuộc phát kiến địa lý lớn:

+ B.Đi-a-xơ đã đi vòng cực nam của lục địa Phi, đặt tên mũi Hảo Vọng.

+ Va-xcô đơ GA-ma đã đến được Ca-li-cút Ấn Độ.

+ C.Cô-lôm-bô đến được một số đảo vùng biển Ca-ri-bê. Ăng-ti là người đầu tiên phát hiện ra châu Mỹ.

+ Ma-gien-lan là người thực hiện chuyến đầu tiên vòng quanh thế giới bằng đường biển (1519-1522).

- Hệ quả của phát kiến địa lý:

+ Đem lại hiểu biết mới về Trái Đất, về những con đường mới, dân tộc mới.

+ Thị trường thế giới được mở rộng.

+ Thúc đẩy nhanh sự tan rã của quan hệ phong kiến và sự ra đời của chủ nghĩa tư bản.

+ Nảy sinh quá trình cướp bóc thuộc địa và buôn bán nô lệ.

2. Sự nảy sinh chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu.

(Đọc thêm)

3. Văn hóa Phục hưng.

- Nguyên nhân:

+ Giai cấp tư sản có thế lực về kinh tế, song chưa có địa vị về xã hội tương ứng.

+ Những quan điểm lỗi thời của xã hội phong kiến kìm hãm sự phát triển của giai cấp tư sản.

- Phong trào Văn hóa Phục hưng là phong trào khôi phục tinh hoa văn hóa cổ đại Hi Lạp – Rô ma, xây dựng một nền văn hóa mới cảu giai cấp tư sản, đề cao giá trị chân chính của con người, đòi quyền tự do cá nhân, coi trọng khoa học kỹ thuật.

- Bắt đầu từ I-ta-li-a, sau lan sang cả Tây Âu.

- Thành tựu: xuất hiện các nhà văn hóa lớn: Ra-bơ-le (nhà văn, y học), Đê-các-tơ (toán học, triết học), Lê-ô-na-đơ Vanh xi (họa sĩ, kỹ sư), Sếch-xpia (soạn kịch).

4. Cải cách tôn giáo và chiến tranh nông dân.

(Đọc thêm)

4. Hoạt động luyện tập:

Kiểm tra HS qua câu hỏi: Nguyên nhân nào dẫn đến cuộc phát kiến địa lý? Các cuộc phát kiến địa lý đó diễn ra như thế nào? Hệ quả của các cuộc phát kiến địa lý ra sao? Nguyên nhân, nội dung phong trào Văn hóa Phục hưng? Nguyên nhân, diễn biến cải cách tôn giáo và chiến tranh nông dân?

V. HƯỚNG DẪN HỌC SINH TỰ HỌC

- Dặn dò: Học bài cũ, trả lời câu hỏi trong SGK.

- Bài tập: Lập bảng thống kê về phong trào Văn hóa Phục hưng, cải cách tôn giáo và chiến tranh nông dân Đức theo nội dung sau:

Tên phong trào

Nguyên nhân

Diễn biến chính

Người lãnh đạo

Kết quả, ý nghĩa

Văn hóa Phục hưng

Cải cách tôn giáo

Chiến tranh nông dân Đức