Bài 12 : Thủy quyển, nước trên lục địa

Sách chân trời sáng tạo

Đổi lựa chọn

I. Khái niệm thủy quyển

- Thủy quyển là toàn bộ lớp nước bao quanh Trái Đất, phân bố trong các đại dương, trên lục địa, trong các lớp đất đá, trong khí quyển và cả trong cơ thể sinh vật.

- Phân bố: thủy quyển phân bố không đều trên Trái Đất

+ Nước mặn chiếm 97,5%, phân bố trên các biển và đại dương.

+ Nước ngọt chỉ 2,5%, phân bố trên lục địa.

- Vai trò của thủy quyển

+ Nước trong các đại dương và nước băng tuyết giữ ổn định nhiệt độ của bề mặt Trái Đất.

+ Lượng nước ngọt trong khí quyển và lục địa giúp duy trì sự sống trên đất liền.

II. Nước trên lục địa

a. Các nhân tố ảnh hưởng đến chế độ nước sông

- Sông là dòng chảy thường xuyên tương đối lớn trên bề mặt lục địa và đảo.

- Nguồn cung cấp nước cho sông: nước mưa, nước ngầm và băng tuyết tan.

- Chế độ nước sông là sự thay đổi của lưu lượng nước sông có tính chu kì trong năm.

- Chế độ nước sông ảnh hưởng bởi các đặc điểm địa lí tự nhiên của nguồn cấp nước và bề mặt lưu vực.

* Ảnh hưởng của nguồn cấp nước: 

- Nước ngầm: là nguồn cấp ít biến động, có vai trò điều tiết nước trong năm. 

+ Những vùng có cấu tạo bởi đá granit và đá biến chất thì có khả năng thấm nước, tạo nguồn nước ngầm phong phú, nên sông ngòi có lượng nước dồi dào.

+ Những vùng có cấu tạo đá phiến sét không thấm nước, nên vào mùa mưa, khi có mưa lớn, lũ lên rất nhanh, đến mùa khô thì nước sông cạn kiệt hoặc rất ít nước.

- Nước trên mặt (nước mưa và nước băng tuyết tan) là nguồn cấp có biến động rõ rệt theo mùa. Chế độ nước sông phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cấp nước này.

- Tùy vào nguồn cấp nước mà chế độ nước ở các sông khác nhau:

+ Nếu sông có một nguồn cung cấp nước (mưa) thì chế độ nước khá đơn giản (mỗi năm một mùa lũ, một mùa cạn)

+ Nếu sông có nhiều nguồn cung cấp nước (vừa do mưa, vừa do băng tuyết tan) thì chế độ nước phức tạp (trong năm có nhiều mùa lũ, cạn xen kẽ nhau).

* Ảnh hưởng của đặc điểm bề mặt lưu vực: 

- Địa hình

+ Ở miền núi, nơi có độ dốc lớn, sông có tốc độ dòng chảy nhanh hơn đồng bằng.

+ Ở sườn đón gió thường có lượng nước cấp trên mặt dồi dào hơn so với sườn khuất gió.

- Hồ đầm: nối với sông có tác dụng điều hòa nước sông.

+ Khi nước sông dâng lên, một phần nước chảy vào hồ, đầm.

+ Vào mùa cạn, hồ cung cấp nước ngược lại cho sông (điển hình như Biển Hồ Cam-pu-chia giúp sông Mê Kông điều hòa dòng chảy trong mùa lũ).

- Thực vật: khi nước mưa rơi xuống, một lượng nước lớn được tán cây giữ lại. Nước thấm dần vào đất tạo thành những mạch nước ngầm. Rừng ở thượng nguồn của các con sông giúp điều hòa dòng chảy, giảm lũ lụt, ...

- Sự phân bố và số lượng phụ lưu, chi lưu

+ Nếu các phụ lưu tập trung trên một đoạn sông ngắn, dễ xảy ra tình trạng lũ chồng lũ.

+ Nếu các phụ lưu phân bố đều theo chiều dài dòng chính, mỗi đợt lũ có thể kéo dài hơn nhưng lũ không quá cao.

+ Sông có nhiều chi lưu, nước lũ thoát nhanh, chế độ nước sông bớt phức tạp.

b. Hồ

- Là những vùng chứa nước trên bề mặt Trái Đất, không trực tiếp thông với biển.

- Phân loại hồ: 

+ Hồ núi lửa: thường hình thành trên miệng núi lửa đã tắt và khá sâu (Biển hồ Plei Ku, hồ Crây-tơ, ...

+ Hồ kiến tạo: hình thành tại các nơi sụt lún, nứt vỡ trên mặt đất do các mảng kiến tạo di chuyển. Các hồ này thường dài và sâu. (Hồ Bai-can, hồ Vic-to-ri-a, ...)

+ Hồ móng ngựa: hình thành tại các khúc uốn sông bị tách ra khỏi dòng chính, sau khi chuyển dòng. Hồ dạng này thường nông và cong. (Hồ Hoàn Kiếm – Việt Nam)

+ Hồ băng hà: Trong quá trình di chuyển, các khối đá do sông băng cổ mang theo đã bào lõm mặt đất bên dưới. Về sau khi sông băng không còn các hố lõm trở thành lòng hồ, như hệ thống Ngũ Hồ ở biên giới Hoa Kỳ và Canada, hồ Gấu Lớn (Canada).

+ Hồ nhân tạo: do con người tạo nên với các mục đích khác nhau như hồ thủy điện, hồ thủy lợi, hồ cảnh quan, ... (Hồ Ca-ri-ba, hồ Dầu Tiếng, hồ Hòa Bình, ...)

c. Nước băng tuyết 

- Khi nhiệt độ xuống dưới 0oC, mưa chuyển từ trạng thái lỏng sang xốp gọi là tuyết.

- Nếu lượng tuyết tan hằng năm ít hơn lượng tuyết rơi xuống, tuyết sẽ tích đọng và rắn lại, trở thành băng.

- Khi băng có độ dày trên 30m, trọng lực sẽ khiến băng có thể tự dịch chuyển từ vài cm đến 30m/ngày, tạo thành sông băng. Với kích thước lớn, sông băng là nhân tố làm biến đổi địa hình nơi nó đi qua.

- Nước băng tuyết bao phủ 10% diện tích lục địa.

- Băng tuyết phân bố rải rác trên các đỉnh núi cao, chiếm khoảng 3% diện tích băng trên toàn Trái Đất, trở thành nguồn cung cấp nước cho nhiều con sông lớn. Hơn 90% diện tích băng trên Trái Đất nằm ở vùng cực Bắc và cực Nam.

- Vai trò của băng tuyết: điều hòa nhiệt độ Trái Đất, cung cấp nước ngọt, chiếm gần 70% tổng lượng nước ngọt trên Trái Đất.

- Hiện nay biến đổi khí hậu đã làm cho nước băng tuyết giảm dần.

d. Nước ngầm

- Nước ngầm: là lượng nước tồn tại dưới bề mặt đất, trong tầng chứa nước.

 Nguyên nhân hình thành nước ngầm: do nước trên mặt (nước mưa, băng tuyết tan, sông, hồ) thấm xuống.

- Các nhân tố ảnh hưởng đến nước ngầm: 

+ Nguồn cung cấp nước

+ Đặc điểm địa hình (dốc hay bằng phẳng) 

+ Khả năng thấm nước của đất đá

+ Mức độ bốc hơi

+ Lớp phủ thực vật.

- Phân bố: 

+ Tại các vùng ẩm ướt, đất đá dễ thấm hút nước, nước ngầm dồi dào và nằm khá nông, thậm chí sát mặt đất.

+ Tại các vùng khô hạn, nước ngầm có thể nằm dưới sâu vài chục đến vài trăm mét.

- Vai trò của nước ngầm: 

+ Cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất

+ Ổn định dòng chảy, nguồn cung cấp nước cho sông hồ vào mùa khô.

+ Cố định các lớp đất đá, chống sụt lún

+ Có giá trị về kinh tế (làm nước khoáng đóng chai)...

- Việc khai thác sử dụng không hợp lí đã dẫn tới tình trạng suy giảm lượng nước ngầm. Hiện nay, việc chôn lấp, xử lí rác thải không đúng cách đã làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.

e. Các giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt

- Sử dụng nguồn nước ngọt một cách hiệu quả, tiết kiệm và tránh lãng phí.

- Giữ sạch nguồn nước và tránh ô nhiễm nguồn nước ngọt

- Phân phối lại nước ngọt trên thế giới: xây dựng các hồ trữ nước, bảo trì và cải tạo đường ống vận chuyển nước ngọt, giám sát nguồn tài nguyên nước, ...