I. Môi trường
1. Môi trường và cấu trúc của môi trường
Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và nhân tạo bao quanh con người, có mối quan hệ mật thiết với nhau, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại cũng như phát triển của con người và thiên nhiên.
Môi trường tự nhiên cung cấp chỗ ở, thức ăn và đáp ứng những nhu cầu sống thiết yếu khác của con người và sinh vật, đồng thời chứa dựng các chất thải do con người tạo ra và bảo vệ con người khỏi những tác động từ vũ trụ.
- Môi trường tự nhiên bao gồm các thành phần tự nhiên như địa hình, địa chất, đất trồng, khí hậu, sinh vật, nước,....
- Môi trường xã hội chính là tổng thể các mối quan hệ xã hội giữa con người với con người thông qua hệ thống luật pháp, thể chế, quy chế.
- Môi trường nhân tạo chính là các đối tượng lao động do con người sản xuất ra và chịu sự chi phối của con người.
Tuy nhiên, một thực tế là môi trường sống của con người đang bị huỷ hoại nghiêm trọng mà nguyên nhân cũng bắt nguồn từ con người .
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường
Một số yếu tố tác động lớn tới môi trường:
Biến đổi khí hậu: biểu hiện rõ nhất là nhiệt độ toàn cầu đang tăng trong những năm gần đây.
Phát triển dân số: sự gia tăng dân số đã gây ra những áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn có hạn. Đồng thời đòi hỏi giải quyết những yêu cầu về sinh hoạt, giao thông, y tế,.. tăng mạnh.
II. Ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường: là việc thâm nhập các chất làm hại cho sức khỏe của sinh vật vào môi trường. Các chất đó có thể đến từ thiên nhiên như khói bụi từ núi lửa, hay có thể sinh ra từ chính hoạt động của con người.
Môi trường tự nhiên đang ngày càng bị ô nhiễm, biểu hiện ở sự biến đổi tính chất vật lí, hoá học, sinh học của thành phần môi trường.
1. Ô nhiễm ánh sáng
Ô nhiễm ánh sáng xảy ra do việc sử dụng sai hướng (hình 1.2) hoặc quá mức ánh sáng nhân tạo từ đèn điện (bảng 1.1). Đây là tác động tiêu cực của quá trình đô thị hoá, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, phá vỡ hệ sinh thái.
Ánh sáng chói dẫn đến điều kiện lái xe không an toàn.
Tiếp xúc với ánh sáng lâu sẽ gây ra đau đầu, mệt mỏi, lo âu, trầm cảm, căng thẳng thần kinh (rối loạn nhịp sinh học).
Ngoài ra, ô nhiễm ánh sáng tác động tiêu cực đến sinh lí động thực vật, làm rối loạn chuyển hướng của động vật, thay đổi tương tác cạnh tranh. Điều đó dẫn đến mất cân bằng sinh thái.
Sử dụng ánh sáng không cần thiết gây lãng phí năng lượng, tăng chi phí sản xuất và tiêu dùng.
2. Ô nhiễm tiếng ồn
Ô nhiễm tiếng ồn là do tiếng ồn trong môi trường kéo dài hoặc có mức cường độ âm vượt quá ngưỡng nhất định (âm thanh quá to), gây khó chịu và nhiều bất lợi cho người và động vật.
Nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn chủ yếu từ phương tiện giao thông, vận tải (xe máy, ô tô, máy bay, tàu hoả,...); nhà máy, công trình xây dựng; loa có công suất lớn, hoạt động trong thời gian dài. Đây cũng là tác động tiêu cực của quá trình đô thị hoá.
Ô nhiễm tiếng ồn tác động xấu đến sức khoẻ tâm lí, tinh thần, gây tăng nhịp tim, tăng huyết áp, căng thẳng, ù tai, giảm thính lực, rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ.
Ngoài ra, ô nhiễm tiếng ồn gây ảnh hưởng bất lợi đối với động vật gây mất cân bằng sinh thái,...