Tác giả, Tác phẩm văn 6 – Mẹ hiền dạy con

Mẹ hiền dạy con

I. Đôi nét về tác giả: tác giả

Mạnh Tử (372 - 289 TCN)

Tên là Mạnh Kha, người đất Trâu, nay thuộc huyện Trâu thuộc tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc.

Bậc hiền triết nổi tiếng của Trung Hoa thời Chiến quốc, được các nhà nho xưa suy tôn là Á thánh (vị thánh thứ hai) sau Khổng Tử.

II. Đôi nét về tác phẩm:

1. Thể loại:

- Truyện Mẹ hiền dạy con ra đời trước thời kì trung đại, nhưng vì có cách viết, đặc điểm nội dung, nghệ thuật giống với các tác phẩm truyện trung đại, nên cũng được xếp vào nhóm truyện trung đại Trung Quốc.

2. Xuất xứ văn bản Mẹ hiền dạy con

- Văn bản Mẹ hiền dạy con (trong SGK Ngữ văn 6 Tập một) được dịch từ sách Liệt nữ truyện của Trung Quốc. Do Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân biên dịch. In trong cuốn Cổ học tinh hoa.

3. Phương thức biểu đạt

- PTBĐ chính là tự sự

4. Tóm tắt

Bài tóm tắt số 1

Thầy Mạnh Tử lúc nhỏ hay bắt chước, nên người mẹ đã phải chuyển nhà tới ba lần (từ vị trí gần nghĩa địa chuyển đến gần chợ, rồi đến gần trường học) để có chỗ ở phù hợp với việc học tập của con. Mạnh mẫu giữ lời, tránh cho con hiểu lầm nhưng cũng rất cương quyết trong dạy con.

Bài tóm tắt số 2

Truyện Mẹ hiền dạy con (trích Liệt nữ truyện) của Trung Quốc thuộc thể loại truyện trung đại.

Thầy Mạnh Tử thuở nhỏ hay bắt chước nên người mẹ đã phải chuyển nhà tới ba lần (lúc đầu ở gần nghĩa địa chuyển đến gần chợ, rồi đến gần trường học) chuyển vị trí sinh sống để thầy Mạnh Tử có chỗ phù hợp với việc học tập. Mẹ thầy Mạnh Tử là người rất biết giữ lời, không nuông chiều con cái và sau này thầy thành người tài giỏi, nổi tiếng chính là một phần công sức của bà.

Bài tóm tắt số 3

Nhà Mạnh Tử ở gần nghĩa địa, mẹ Mạnh Tử thấy vậy liền dọn nhà ra ở gần chợ. Nơi này cũng không phải nơi cho mẹ con Mạnh Tử ở được, nhà Mạnh Tử bèn chuyển đến gần trường học. Vì nhỡ lời nói đùa với con mà bà đã đi mua thịt lợn về cho con ăn. Thấy Mạnh Tử bỏ học, bà liền cầm dao cắt đứt miếng vải đang dệt để dạy con chuyên cần học hành.

5. Bố cục(2phần)

- Phần 1 (từ đầu đến “cắt đứt đi vậy”): Quá trình dạy con của bà mẹ

- Phần 2 (còn lại): Kết quả của quá trình dạy con

6. Giá trị nội dung

- Bà mẹ thầy Mạnh Tử là tấm gương sáng về tình thương con và đặc biệt là về cách dạy con:

   + Tạo cho con một môi trường sống tốt đẹp

   + Dạy con vừa có đạo đức vừa có chí học hành

   + Thương con nhưng không nuông chiều mà ngược lại rất kiên quyết

- Truyện nêu vai trò, sự ảnh hưởng của môi trường sống đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người

7. Giá trị nghệ thuật

- Xây dựng cốt truyện theo mạch thời gian

- Có nhiều chi tiết độc đáo, giàu ý nghĩa gợi xúc động trong lòng người đọc

II. Phân tích văn bản

a) Dàn ý

Dàn ý phân tích mẫu số 1

I. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về truyện trung đại (khái niệm, thời gian ra đời, đặc trưng của thể loại,…)

- Giới thiệu về truyện “Mẹ hiền dạy con” (tóm tắt văn bản, khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật,…)

II. Thân bài

1. Quá trình dạy con của bà mẹ

a) Dạy con bằng cách chọn nơi ở

- Nhà gần nghĩa địa: Mạnh Tử bắt chước về nhà đào, chôn, lăn, khóc

→ Bà mẹ dọn nhà ra gần chợ

- Nhà gần chợ: Mạnh Tử về nhà bắt chước nô nghịch cách buôn bán điên đảo

→ Bà mẹ dọn nhà đến trường học

- Nhà gần trường học: Mạnh Tử học tập lễ phép

→ Bà mẹ vui lòng, nói “Chỗ này là chỗ con ta ở được đây”

⇒ Môi trường sống có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của mỗi đứa trẻ,

⇒ Vai trò của người mẹ trong quá trình phát triển của mỗi đứa con

b) Dạy con bằng cách cư xử hằng ngày

- Nói đùa với con “Người ta giết lợn để cho con ăn đấy” sau đó bà hối hận và quyết định mua thịt lợn về cho con ăn

→ Dạy con không được nói dối, phải luôn thành thật

- Khi Mạnh Tử bỏ học đi chơi: người mẹ cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung

→ Dạy con nghiêm khắc, muốn con trở nên tốt hơn

2. Kết quả quá trình dạy con của bà mẹ

Mạnh Tử học tập rất chuyên cần, sau thành một bậc đại hiền

III. Kết bài

- Khái quát nội dung và nghệ thuật của văn bản:

   + Nội dung: đề cao ảnh hưởng của môi trường sống đối với mỗi người và vai trò to lớn của người mẹ

   + Nghệ thuật: cốt truyện theo mạch thời gian, nhiều chi tiết độc đáo, giàu ý nghĩa…

Dàn ý phân tích mẫu số 2

1. Mở bài

Truyện "Mẹ hiền dạy con" trích từ cuốn "Liệt nữ truyện" của Trung Hoa thời phong kiến trung đại.

Truyện kể về cách dạy con nghiêm khắc và đúng đắn của bà mẹ lúc Mạnh Tử còn nhỏ. Nhờ vậy mà sau này Mạnh Tử trở thành bậc đại hiền trong thiên hạ.

2. Thân bài

Những việc làm sáng suốt của bà mẹ

Nhà ở gần nghĩa địa, thấy con bắt chước người ta đào, chôn, lăn, khóc, bà mẹ dọn nhà ra gần chợ.

Nhà ở gần chợ, thấy con học thói bán buôn điên đảo, bà dọn nhà đến gần trường học.

Nhà ở gần trường, thấy con học hành chăm chỉ và lễ phép với mọi người, bà bảo đây mới đúng là chỗ con trẻ ở được lâu dài.

Thấy hàng xóm giết lợn, con hỏi mẹ để làm gì, mẹ đáp giết lợn cho con ăn. Biết mình lỡ lời, bà ra chợ mua thịt cho con ăn.

Bà đang dệt vải, thấy con bỏ học về nhà chơi, liền lấy dao cắt đứt tấm vải. Con hiểu ý mẹ, lại chăm chỉ học hành.

b. Ý nghĩa của những việc làm trên

Môi trường sống có tác động rất lớn tới việc hình thành nhân cách của con người, nhất là trẻ em.

Trong cuộc sống, người lớn phải biết giữ chữ tín.

Cha mẹ phải nghiêm khắc giáo dục, làm gương cho con cái noi theo.

3. Kết bài

Truyện ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều bài học bổ ích, thiết thực về phương pháp giáo dục con cái.

Ý nghĩa truyện không bó hẹp trong việc cha mẹ dạy con mà còn mở rộng ra tới phạm vi giáo dục con người nói chung trong xã hội.

b) Bài văn phân tích

Phân tích truyện Mẹ hiền dạy con – Bài phân tích mẫu số 1

Trên thế giới có rất nhiều tiếng nói, mỗi một dân tộc đều có tiếng nói riêng. Nhưng mỗi người con lại có chung một tiếng gọi Mẹ. Có lẽ, người mẹ nào cũng mang nặng tình thương yêu với con. Vì vậy, mẹ cũng là người dạy dỗ ta từ những điều nhỏ nhất. Mạnh Tử là người nối tiếp Khổng Tử phát triển và hoàn chỉnh Nho giáo, ông cũng là một bậc đại hiền của Trung Quốc. Sự thành công của ông có được nhờ vào công lao dạy dỗ, giáo dục của người mẹ. “Mẹ hiền dạy con” ghi lại những việc bà đã dạy Mạnh Tử.

     “Mẹ hiền dạy con” là truyện trung đại được trích trong “Liệt nữ truyện” theo “Cổ học tinh hoa”, câu chuyện ngắn nhưng bao gồm những sự việc cụ thể, mỗi sự việc là một bài học đắt giá không chỉ cho Trung Hoa cổ đại mà còn cho những thế hệ nối tiếp.

Truyện bao gồm 5 sự việc chính, sự việc trước nối tiếp sự việc sau và dẫn đến cao trào. Nhân vật trong truyện không nhiều, người con là Mạnh Tử được mẹ dạy dỗ, rèn luyện, giáo dục. Sự việc rõ ràng, tình tiết đơn giản, cùng hai mẹ con Mạnh Tử đã tạo thành cốt truyện đầy hấp dẫn.

Sự việc đầu tiên bắt nguồn từ việc gia đình Mạnh Tử ở gần nghĩa địa, khi có đám tang Mạnh Tử thấy người ta đào, chôn, lăn, khóc, Mạnh Tử cũng bắt chước họ làm những việc đó. Người mẹ nhận ra đấy là môi trường không phù hợp cho con nên quyết định chuyển nhà đến gần chợ. Người Việt có câu: “Nhất cận thị, nhị cận giang”, gần chợ thuận lợi cho việc buôn bán, đó cũng là nơi diễn ra cuộc sống náo nhiệt nên phải chăng người mẹ muốn chuyển đến chợ để con có thể học tập được nhiều điều.

Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự việc thứ hai. Khi chuyển đến chợ sinh sống, người con hàng ngày không còn chứng kiến cảnh u uất, đớn đau của những đám tang để bắt chước mà chứng kiến cuộc sống buôn bán điên đảo. Về nhà Mạnh Tử cũng bắt chước nô đùa, nghịch ngợm, buôn bán. Người mẹ thấy vậy lo lắng, đó cũng là điều đương nhiên vì Mạnh Tử còn nhỏ tuổi, buôn bán dành cho những người đã đứng vững trong thị trường và sở dĩ người mẹ hiểu: con học cách buôn bán từ nhỏ sẽ nảy sinh lừa gạt, xảo trá để đạt được mục đích của mình nên người mẹ đã quyết định chuyển nhà đến gần trường học.

Sự việc thứ ba cũng bắt nguồn từ đó. Trường học là nơi dạy đạo đức, lễ nghi, khuôn phép. Người ta lớn lên nhờ sự chăm sóc những muốn trưởng thành môi trường đầu tiên là trường học. Người mẹ quả thực đã đúng khi suy nghĩ và lựa chọn cho con môi trường như vậy! Hàng ngày con bắt chước học tập lễ phép và mẹ cảm thấy vui lòng là điều tất nhiên. Đó là môi trường thích hợp cho bất cứ đứa trẻ nào và em cũng hiểu một điều: Nhà trường, học tập là môi trường thuận lợi để dạy dỗ chúng em thành những con người có nhân cách.

Nhưng câu chuyện không kết thúc ở đó.Một hôm cậu Mạnh Tử thấy hàng xóm thịt lợn liền hỏi mẹ: “ Hàng xóm giết lợn để làm gì?” mẹ nói “Mổ cho con ăn”, nhưng sau khi nói ra người mẹ thấy mình đã lỡ lời, hậu quả sẽ ra sao khi mẹ thành người nói dối? Nên thay bằng chữa lại câu nói đùa của mình bà đã mua thịt về cho con ăn. Lời nói đùa diễn ra hàng ngày và có lẽ mọi người đều có thể sử dụng câu nói đùa nhưng em thấy người mẹ đã vô cùng sâu sắc, thấu tình đạt lý, bà không muốn con nói dối và thiếu trung thực mà dạy con “Lời nói đi đôi với việc làm”, đó cũng là bài học thứ tư mà người mẹ dạy cho Mạnh Tử. Uy tín, tính trung thực mà người mẹ dạy đã củng cố, hình thành nhân cách cho con trai mình.

Mỗi sự việc xảy ra đều đem đến sự hấp dẫn kỳ lạ, từ việc thay đổi của người con đến cách xử lý vô cùng khéo léo đầy nghệ thuật của người mẹ. Nhưng đứa trẻ nào cũng vậy, luôn ham chơi và dễ bắt chước. Được một thời gian Mạnh Tử vấp phải một sai lầm chính là bỏ học đi chơi, biết được tính ham chơi hơn ham học của người con người mẹ hiền từ nhưng nghiêm khắc đã dùng trí tuệ, sự thông minh để đưa ra một hành động thật quyết liệt, bất ngờ đó là dùng dao cắt đứt tấm vải mình đang dệt. Có lẽ khi chứng kiến hành động lạ thường này bất cứ người con nào cũng thấy sửng sốt.

Mẹ không dùng lời nói dạy con mà dùng hành động mang ẩn ý sâu sắc: để dệt được một mảnh vải đẹp, bền là cả một quá trình, học tập cũng vậy để thành đạt cần phải chuyên tâm, việc bỏ học đi chơi giống như việc bản thân con tự cầm dao cắt đứt những gì mình từng cố gắng. Đó là bài học không những sâu sắc mà còn cảm phục mà mẹ mang lại.

Em thấy Mạnh Tử cũng như rất nhiều những người con, những đứa trẻ khác, tâm hồn ngây thơ, trong trắng, dễ bắt chước nhưng cũng dễ hoà vào cuộc sống mới, không ngại đổi thay, thông minh và hiểu điều mẹ dạy.

Như bất cứ bà mẹ nào, người mẹ trong câu chuyện rất đáng ngợi ca, đó là người mẹ thông minh, khéo léo, tinh tế, cương quyết, yêu thương, hiểu tâm lý con trẻ. Đó quả là một người mẹ hiếm có.

     Câu chuyện đọc xong giúp em có được thêm nhiều bài học. Em rất khâm phục bà mẹ Mạnh Tử đã có những cách dạy con khéo léo, cương nhu để thế giới có một Mạnh Tử tài, đức vẹn toàn.

Phân tích truyện Mẹ hiền dạy con  – Bài phân tích mẫu số 2

Tục ngữ có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” là để nhắc nhở phụ nữ cần quan tâm giáo dục con cháu. Thế nhưng phải dạy trẻ như thế nào để đạt được kết quả mong muốn không phải là điều dễ dàng. Có những bà mẹ vì thương mà quá nuông chiều con; có những bà mẹ thì dạy con bằng quan niệm “thương cho roi cho vọt...” mà không hề tìm hiểu đặc tính của con cái mình. Mẹ hiền dạy con có lẽ là một truyện giúp các bà mẹ ấy thêm chút kinh nghiệm để nuôi dạy con cái nên người.

Truyện chỉ có hai nhân vật: người mẹ và con trai mà sau này được mọi người tôn vinh là “Thầy Mạnh Tử”. Người mẹ ấy là người như thế nào? Thuở nhỏ Mạnh Kha là đứa trẻ ra sao? Truyện không giới thiệu một dòng nào, nhưng từ những tình huống được mô tả trong truyện người đọc có thể nhận ra đặc tính của từng nhân vật.

Sự việc hay tình huống thứ nhất xảy ra do nhà “ở gần nghĩa địa”. Chính chi tiết thuộc về nơi chốn này làm bộc lộ đặc tính hay bắt chước của trẻ con. Nghĩa địa là nơi để chôn cất người chết. Nhà lại ở gần, tính lại tò mò nên chắc “cậu bé” Mạnh Kha thường ra xem. Cảnh đào huyệt, cảnh khóc thương người chết khiến cậu bé làm theo. Có thể những bà mẹ lấy đó làm vui, cho rằng con mình hay, giỏi. Nhưng mẹ của Mạnh Kha thì khác, bà cho rằng: “Chỗ này không phải chỗ con ta ở được”. Nghĩ như thế rồi bà dọn nhà ra gần chợ.

Ở gần chợ, “cậu bé” Mạnh Kha lại “bắt chước nô nghịch cách buôn bán điên đảo”. Người mẹ lại bảo: “Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được”. Cũng như lần đầu, nghĩ như thế là bà dọn nhà đến ở cạnh trường học.

Ở giần trường học, cậu bé Mạnh Kha ngày ngày thấy bạn sinh hoạt ở trường, “về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, cắp sách vở”.

Bà mẹ thấy con trai mình như thế, trong lòng thấy vui và tự nhủ rằng “Chỗ này là chỗ con ta ở được đây”.

Nhà văn với vai trò dẫn truyện đã kể lại như thế bằng văn miêu tả. Bà mẹ quyết định dời chỗ ở là do kinh nghiệm sống và sự quan tâm đến con cái của bà. Kinh nghiệm sống giúp bà nhận ra ngoại cảnh có sức tác động mạnh vào trí óc non nớt của tuổi thơ. Có thể bà không hiểu tâm lí học nhưng cái nhìn, cái “thấy thế” của bà không khác với lí thuyết về đặc tính tập nhiễm của trẻ thơ. Bà đã sớm nhận ra trẻ con có đặc tính “bắt chước”. Bắt chước nhiều lần thì sẽ trở thành thói quen, mà đã là thói quen thì khó mà sửa, bỏ.

Đức tính thứ hai mà người đọc có thể học được ở người mẹ là tính quyết đoán, dứt khoát. Đã xác định trong tư tưởng rằng “không phải chỗ con ta ở được” là dọn nhà ngay, cũng như mua thịt lợn về cho con ăn, hay cắt đứt tấm vải đang dệt.

Sau hai tình huống dọn nhà, nhà văn kể chuyện nhà hàng xóm giết lợn. Cậu bé Mạnh Kha hỏi, và người mẹ trả lời. Qua sự việc ấy, người đọc có thể nhận ra thêm tính tò mò, ưa thắc mắc của trẻ thơ, ngoài tính bắt chước. Cậu bé Mạnh Kha hỏi nhà hàng xóm giết lợn để làm gì. Người mẹ trả lời: “Để cho con ăn đấy”. Trong lúc vui đùa với con, bà đã nhanh miệng trả lời thế. Nhưng chợt nghĩ lại nếu không đi mua thịt “thì chẳng hoá ra ta dạy nó nói dối hay sao?”. Thế là bà đi mua thịt lợn về cho con ăn để con có ấn tượng về sự thật. Ai cũng nhận ra nói dối là một tính xấu, có thế gây tai hại khôn lường. Để dạy trẻ không dối trá thì cách tốt nhất là giúp chúng thấy rõ sự thật trước mắt. Bà mẹ đã ứng xử như thế.

Cuối cùng là sự việc bỏ học của Mạnh Kha. Đang dệt vải, thấy Mạnh Kha bỏ học về nhà bà liền cắt đứt tấm vải và nói: “Con đang đi học mà bỏ học, thi cũng giống như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy”. Sự việc xảy ra khá nhanh và dứt khoát, đồng thời giải thích bằng cách so sánh hành vi của mẹ với việc làm của con. Thật khó có người mẹ nào ứng xử một cách linh hoạt và dứt khoát như người mẹ của Mạnh Kha.

Đoạn kết của truyện tác giả nêu ngắn gọn về kết quả của “cái công giáo dục quý báu của bà mẹ” là Mạnh Kha chuyên cần học tập, rồi sau này được tôn vinh “thành một bậc đại hiền”, người có đạo đức và hiểu biết sâu rộng. Triết học Trung Quốc biết ơn người mẹ đã giáo dục con trai mình trở thành bậc đại hiền, sau Khổng Tử, trong việc kiện toàn và truyền bá Nho giáo không chỉ ở Trung Quốc mà còn cả ở các nước Phương Đông mà người ta thường ghép tên của hai vị thành tên gọi giáo lí Khổng Mạnh.

Truyện tuy ngắn nhưng ý nghĩa nội dung thì thật sâu sắc. Là mẹ thương con nhưng cũng cần biết cách dạy con, biết lúc nào thì quyết đoán, lúc nào thì chiều chuộng; biết cách ly con khỏi môi trường xấu, và đưa con hoà nhập với môi trường tốt.

Với học sinh thì cần biết rằng hoàn cảnh xã hội ngày nay khác xưa rất nhiều, có nhiều cái tốt mà cũng có lắm điều xấu, chỉ có người lớn tuổi như mẹ mới có kinh nghiệm để phân biệt. Bởi vậy, đạo làm con là phải biết vâng lời cha mẹ, tự mình lấy câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” làm châm ngôn.

Phân tích truyện Mẹ hiền dạy con – Bài phân tích mẫu số 3

   Nếu không có người mẹ hiền thì cũng không có anh hùng, thi sĩ. Mỗi một đứa trẻ trên trái đất đều có một người mẹ; hạnh phúc nhất của đứa con là có người mẹ hiền.

       Mẹ hiền là người mẹ sinh thành nuôi dưỡng đứa con. Tục ngữ có câu: Đứa con là hạt máu cắt đôi của mẹ. Mẹ hiền là người yêu thương dạy bảo con nên người, biết nuôi dưỡng chí hướng và lẽ sống cho con, hình thành nhân cách văn hoá cho con. Bà mẹ Mạnh Tử là một người mẹ hiền lý tưởng xưa nay.

       Bà thay đổi nơi ở đến nhiều lần. Lần thứ nhất dời nhà đến ở gần nghĩa địa, bà quan sát thấy con chỉ biết bắt chước "đào, chôn, lăn khóc". Đó là việc của phu đào huyệt, là những biểu hiện đau  buồn của tang gia. Mạnh mẫu nói với mình, nói cho mình: chỗ này không phải chỗ con ta ở được. Lần thứ hai, bà phải dời nhà; dời nhà vì con thơ. Đến nơi ở mới, gần chợ, con trai bà cũng bắt chước nô nghịch cách buôn bán điền đảo. Không thể để con nhiễm phải tính xấu ấy, bà lại nói như nhắc khẽ mình: Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được. Bà lại dời nhà đến nơi khác. Tất cả vì con. Lần thứ ba, Mạnh mẫu chuyện nhà đến ở gần trường học. Con bà thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, cáp sách vở. Mẹ Mạnh Tử rất vui lòng, nói: Chỗ này là chỗ con ta ở dược đây. Qua đó, ta thấy Mạnh mẫu rất quan tâm đến con, luôn luôn theo dõi những biến đổi, những tiến bộ của con, tìm môi trường sống, môi trường học tập tốt đẹp cho con. Đó là cách dạy con rất tích cực, rất tiến bộ.

       Bà mẹ Mạnh Tử quan tâm giáo dục con tính trung thực, thật thà. Mẹ không được nói dối con thơ. Mẹ phải làm gương cho con trong nói năng, ứng xử, trong mọi việc lớn nhỏ. Nhỡ nói đùa con: "Để cho ăn ăn cơm đây", khi con hỏi: Người ta giết lợn làm gì thế, bà nghĩ và hối hận. Bà tự trách mình: Ta nói lỡ mồn rồi! Con ta thơ ấu, tri thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng hoá ra ta dạy nó nói dối hay sao?. Mẹ hiền đã đi mua thịt lợn, đem về cho con ăn thật. Lời nói ấy, cách suy nghĩ ấy, việc làm ấy cho thấy người mẹ hiền rất gương mẫu trong giáo dục đạo đức cho con thơ.

       Mạnh mẫu rất thương con, nhưng không nuông chiều. Bà rất nghiêm khắc, rất kiên quyết trước ý thức vô kỷ luật trong học tập của con. Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Cử chỉ người mẹ trông thấy con bỏ học liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung thể hiện thái độ rất giận trước ý thức kém cỏi của con. Tấm vải đang dệt mà bị cắt đứt, xem như bị hỏng. Không la mắng! Không roi vọt! Bà chỉ nói với con: Con đang đi học mà bỏ học, thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy. Một lời dạy con rất nghiêm, rất sâu sắc. Mạnh mẫu đã dạy con tính nghiêm túc, tính chăm chỉ trong học tập. Nhờ công giáo dục quý báu của mẹ hiền mà từ đó về sau, Mạnh Tử học tập rất chuyên cần, chẳng bao lâu trở thành một bậc đại hiền, được người đời ngưỡng mộ.

       Mẹ hiền dạy con là một truyện lí thú. Một cách viết ngắn, lớp lang mạch lạc, giản dị mà sâu sắc: Ba lần chuyển chỗ ở, một lần hối hận vì "nói đùa" với con, một lần cắt đứt tấm vải đang dệt... để dạy con ý thức học tập. Mạnh mẫu rất yêu con, lại có phương pháp dạy con, quan tâm giáo dục đạo đức và chí hướng học hành cho con. Mạnh mẫu là một bà mẹ hiền vĩ đại. Mạnh Tử là một nhà hiền triết vĩ đại mới có người con vĩ đại. Đọc truyện Mẹ hiền dạy con, càng kính trọng Mạnh mẫu bao nhiêu thì ta càng yêu quý mẹ cha mình bấy nhiêu!

Phân tích truyện Mẹ hiền dạy con – Bài phân tích mẫu số 4

Ông ta vẫn có câu rằng: "Dạy con từ thuở còn thơ", nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của thời điểm dạy dỗ con cái, cũng như vai trò của bậc cha mẹ trong việc giáo dục. Trong truyện ngắn Mẹ hiền dạy con bằng những mẩu chuyện nho nhỏ giữa hai mẹ con thầy Mạnh Tử, chúng ta nhận ra được nhiều điều về cung cách nuôi dạy con cái, cách suy nghĩ thấu đáo của người mẹ. Chính nhờ cách nuôi dạy tuyệt vời ấy đã là bước đệm khiến cho Mạnh Tử trở thành bậc hiền triết được người đời kính trọng mãi về sau này, thì công của người mẹ quả thực đóng vai trò vô cùng to lớn.

Sự kiện đầu tiên, ấy là nhà thầy Mạnh Tử vốn ở gần nghĩa địa, suốt ngày thấy cảnh tang thương, kêu khóc, đắp mồ, chôn mả, thì ông bắt chước làm theo. Người mẹ nhận thấy rằng đó chẳng phải chốn có thể sinh sống lâu dài, bởi những cảnh ấy chỉ khiến con mình thêm u sầu, làm những việc dại dột, học hành thì chẳng tới đâu, mai này sẽ khó nên người. Mẹ Mạnh Tử quyết định dời đến nơi mới để con tránh xa chỗ u uất, chết chóc, làm hại tâm hồn con. Nhưng lần chuyển nhà này cũng không mang đến kết quả như ý muốn, nơi hai mẹ con chuyển đến là chỗ chợ đông người, hỗn tạp, ngày ngày thấy tiếng buôn bán ỏm tỏi. Sống trong môi trường đầy thị phi, phức tạp ấy, Mạnh Tử bắt chước nô nghịch đảo điên, chẳng quan tâm đến sách vở.

Tuy mới chuyển nhà không lâu, nhưng thấy cớ sự vậy bà mẹ cũng chẳng dám để con ở gần chợ lâu, bởi chỗ ồn ào, náo nhiệt chẳng thích hợp với một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, chỉ tổ dạy hư con cái mình mà thôi. Lần này bà quyết tâm chuyển nhà đến gần trường học, may thay thấy bạn bè chăm chỉ cắp sách đi học Mạnh Tử cũng bắt chước chăm chỉ học hành. Người mẹ thấy vậy mới yên tâm nghĩ thầm trong bụng "Chỗ này là chỗ con ta ở được đây". Từ 2 lần chuyển nơi ở của bà mẹ, ta nhận ra một điều rằng, môi trường sinh sống rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, bởi chúng là lứa tuổi hiếu động, lại tò mò, thích bắt chước, nếu chọn những nơi ở không phù hợp sẽ dễ nhiễm thói xấu mà đổ đốn. Việc mất công chuyển nhà của người mẹ, cũng là tấm lòng yêu thương con hết mực, một lòng lo nghĩ cho tương lai của con mình, cũng thể hiện được sự thông minh sáng suốt trong quá trình nuôi dạy con cái của người mẹ.

Sự kiện tiếp theo ấy là việc Mạnh Tử hỏi nhà hàng xóm giết lợn làm gì, vô tình bà mẹ hứng trí lỡ đùa rằng là giết cho Mạnh Tử ăn, nhưng với đầu óc nhanh nhạy, người mẹ lập tức thấy mình đã sai lầm, bởi đã dối gạt con, dù không cố ý. Thế nên để giải quyết cớ sự bà đã mua thịt lợn về thật. Sự kiện này khiến chúng ta nhận ra một điều rằng, thân làm cha mẹ, là người lớn thì phải là tấm gương sáng cho con cái noi theo, chớ bạ đâu nói đấy, không cẩn trọng dễ khiến trẻ nhỏ bắt chước thói xấu. Bởi trong tiềm thức đứa trẻ người lớn đã làm thì ắt là đúng, chúng không hề có sự chọn lọc nào ở đây cả. Đặc biệt với vấn đề nói dối, người lớn phải thành thực với con trẻ, đã hứa thì phải làm, chớ nuốt lời, bằng không chúng sẽ bắt chước dẫn tới hình thành nhân cách xấu. Cách xử lí của người mẹ trong trường hợp này quả thật rất thông minh và nhanh nhạy, biến lời nói dối thành sự thực luôn là cách giải quyết chu toàn nhất.

Sự kiện cuối, ấy là có lần Mạnh Tử bỏ học về nhà rong chơi, bà mẹ thấy thế thì không tức giận mà chỉ dùng kéo cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, nói rằng: "Con đang đi học mà bỏ học, thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đi vậy". Không mắng nhiếc không nổi giận, nhưng hành động dứt khoát cùng một ví dụ so sánh chân thực đến vậy sẽ dễ dàng khắc sâu vào tâm trí của một đứa trẻ. Điều đó không những nhẹ nhàng để chúng hiểu ra mà cũng khiến chúng phải nể sợ, đối với con trẻ không phải cứ roi vọt mà thành người, quan trọng là phương thức dạy bảo như thế nào. Dùng hành động thực tiễn làm ví dụ chính là thứ khiến chúng nhớ lâu và thấm thía hơn so với việc đánh mắng nhiều lần. Sự kiên quyết và dứt khoát của người mẹ cũng là một bài học đối với các bậc phụ huynh, con cái dạy dỗ nhẹ nhàng nhưng cũng không thể nuông chiều thái quá, sai phải uốn nắn, bởi nếu cứ chiều theo chúng thì chúng sẽ có nguy cơ tái phạm lần tiếp theo, chi bằng cắt đứt cái ý nghĩ ấy ngay từ đầu là tốt hơn cả.