Tác giả, Tác phẩm văn 6 – Con hổ có nghĩa

Con hổ có nghĩa

I. Đôi nét về tác giả: tác giả Vũ Trinh

- Vũ Trinh (1795 - 1828) 

- Quê quán: làng Xuân Lan, huyện Lang Tài, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh)

- Tài năng: học rộng, hiểu nhiều, có tài năng thơ ca thi phú

- Sự nghiệp:

·       Năm 17 tuổi đỗ Hương Cống (cử nhân)

·       Làm quan cho triều Lê và triều Nguyễn

- Quan điểm sáng tác: văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí

II. Đôi nét về tác phẩm: Con hổ có nghĩa

1. Thể loại: truyện trung đại Việt Nam

2. Xuất xứ văn bản Con hổ có nghĩa

- Trích từ Lan Trì kiến văn lục, trong sách Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập I (do Nguyễn Đăng Na tuyển chọn và giới thiệu, Hoàng Hưng dịch, NXB Giáo dục, Hà Nội, năm 1997)

3. Phương thức biểu đạt

- PTBĐ chính là tự sự

4. Tóm tắt

Bài tóm tắt số 1

Một bà đỡ họ Trần người huyện Đông Triều một đêm hổ cõng vào rừng đỡ đẻ cho hổ cái. Sau đó, hổ đực đào lên một cục bạc biếu bà. Nhờ có cục bạc đó, bà sống qua được năm mất mùa đói kém. Bác tiều ở huyện Lạng Giang một lần giúp một con hổ lấy chiếc xương bị hóc, được hổ biếu một con nai tạ ơn. Khi bác tiều mất, hổ đến viếng. Mỗi lần giỗ bác tiều, hổ đều mang dê hoặc lợn đến biếu gia đình.

Bài tóm tắt số 2

Truyện kể về hai có hổ có nghĩa: Con đực đền ơn bà đỡ Trần mười lạng bạc vì bà đã cứu hổ cái qua một cơn đẻ khó. Hổ trán trắng được bác tiều phu gỡ giúp khúc xương mắc ngang họng. Sau đó, nó tha một con nai đến trước nhà để tạ ơn. Hơn mười năm sau, bác tiều phu qua đời, nó đến tận mộ để đưa tiễn ân nhân. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ bác tiều phu. Hổ trán trắng lại đưa dê hoặc lợn đến trước nhà bác

Bài tóm tắt số 3

Trong truyện thứ nhất, bà đỡ Trần đỡ đẻ cho hổ nên được hổ biếu cục bạc, lại còn đưa ra tận cửa rừng. Trong truyện thứ hai, bác tiều gỡ xương cho hổ, hổ không những biếu bác nai mà khi bác mất còn về viếng, mỗi ngày giỗ còn đem thú rừng đến biếu gia đình bác.

Bà đỡ Trần nửa đêm bị hổ cõng đi, tưởng bị hổ ăn thịt, té ra là hổ nhờ bà giúp hổ cái sinh con. Hổ biếu bà cục bạc, tiễn bà ra tận cửa rừng. Bác tiều phu sau khi gỡ xương cho hổ, chỉ nói chơi rằng: "Hễ được miếng gì lạ thì nhớ nhau nhé", không ngờ hổ mang nai đến thật, lại còn đến viếng và nhớ đến bác mỗi khi đến ngày giỗ. Đó là những chi tiết hay, thú vị, có tính chất gợi mở cho câu chuyện.

Con hổ thứ nhất chỉ trả ơn bà đỡ Trần có một lần, con hổ thứ hai mang ơn nghĩa và trả nghĩa suốt đời, ngay cả khi bác tiều đã mất.

Bài tóm tắt số 4.

Có bà đỡ người họ Trần huyện Đông Triều được một con hổ cõng vào rừng trong một đêm. Ban đầu, bà sợ lắm. Nhưng khi thấy hổ đực nhỏ nước mắt vào tay mình thì bà nhận ra hổ cái đang đau bụng, cần phải sinh ra con ngay. Sẵn có thuốc, bà liền hòa với nước sông và cho hổ cái uống. Hổ cái đẻ được con. Hổ đực mừng rữ, hổ cái thì nằm bẹp xuống. Hổ đực liền đào từ đất lên một cục bạc, tặng bà đỡ Trần và tiễn bà về. Khi bà về đến làng, hổ liền gầm một tiếng. Năm đó là năm mất mùa, nhưng nhờ có cục bạc mà bà qua khỏi năm đó

Bài tóm tắt số 5

Truyện Con hổ có nghĩa gồm hai câu chuyện về loài hổ.

Truyện thứ nhất: Một bà đỡ họ Trần người huyện Đông Triều một đêm nọ được hổ cõng vào rừng. Đến nơi bà thấy một con hổ cái đang sinh nở rất khó khăn bèn giúp hổ cái sinh con trót lọt. Hổ đực mừng rỡ đào lên một cục bạc biếu bà. Nhờ có cục bạc của hổ mà bà sống qua được năm mất mùa đói kém.

Truyện thứ hai: Bác tiều ở huyện Lạng Giang đang bổ củi ở sườn núi thấy một con hổ bị hóc xương bèn giúp hổ lấy xương ra. Để tạ ơn, hổ biếu bác một con nai. Khi bác tiều mất, hổ đến viếng. Từ đó, mỗi lần giỗ bác, hổ lại đưa dê hoặc lợn về biếu gia đình bác.

5. Bố cục(3 phần)

- Phần 1 (từ đầu đến “bà mới sống qua được”): Câu chuyện của con hổ với bà Trần

- Phần 2 (còn lại): Câu chuyện của con hổ với bác tiều phu

6. Giá trị nội dung

Truyện “Con hổ có nghĩa” thuộc loại truyện hư cấu, truyện nhằm đề cao ân nghĩa trong đạo lí làm người

7. Giá trị nghệ thuật

- Mượn chuyện loài vật để nói chuyện con người

- Sử dụng các biện pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hóa, hư cấu, tưởng tượng…

- Kể chuyện thoe trình tự thời gian, tuần tự (cái gì xảy ra trước thì kể trước, cái gì xảy ra sau thì kể sau ) → Đây là một phong cách kể được kế thừa từ văn học dân gian

II. Phân tích văn bản Con hổ có nghĩa

a) Dàn ý

I. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về truyện trung đại Việt Nam (khái niệm, thời gian ra đời, đặc trưng thể loại,…)

- Giới thiệu về truyện “Con hổ có nghĩa” (tóm tắt, khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật,…)

II. Thân bài

1. Câu chuyện của con hổ với bà Trần

- Hổ cái sắp sinh con

- Hổ đực đi tìm bà đỡ Trần

- Hố đực lao tới cõng bà, chạy như bay xuyên qua bụi rậm, gai góc. Hổ luôn luôn bảo vệ sự an toàn cho bà đỡ

→ Hành động khẩn trương, quyết liệt, thể hiện tình cảm, sự lo lắng của hổ đối với người thân

- Thái độ của bà Trần: lúc đầu bà rất sợ, sau đó bà đồng ý đỡ đẻ cho hổ cái

- Cách trả ơn, đáp nghĩa của hổ đực: cung kính, lưu luyến, tặng bà một bọc bạc để bà sống qua năm mất mùa, đói kém

⇒ Hổ thủy chung, biết ơn và đền đáp ơn nghĩa cho người đã giúp đỡ mình

2. Câu chuyện của hổ với bác tiều phu

- Hổ bị hóc xương, đau đớn, bất lực

- Bác tiều phu thò tay vào cổ, lấy xương ra cho hổ

→ Sự can đảm và lòng yêu thương loài vật

- Hành động trả ơn của hổ:

   + Khi bác còn sống: mang nai đến trả ơn

   + Khi bác mất: hổ tỏ lòng thương xót, đến dụi đầu vào quan tài, từ đó, đến ngày giỗ bác, hồ mang dê, lợn đến tế

→ Đề cao ân nghĩa thủy chung

III. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản:

   + Nội dung: Truyện “Con hổ có nghĩa” thuộc loại truyện hư cấu, truyện nhằm đề cao ân nghĩa trong đạo lí làm người

   + Nghệ thuật: mượn chuyện loài vật để nói chuyện con người, nhân hóa,…

- Bài học cho bản thân: biết ơn những người đã giúp đỡ mình….

b) Bài văn phân tích

Phân tích truyện Con hổ có nghĩa – Bài phân tích mẫu số 1

Truyện ngắn Con hổ có nghĩa là câu chuyện cảm động về bài học đền ơn đáp nghĩa chốn nhân sinh. Qua đó ta có thể thấy, dù là người hay vật thì đừng bao giờ quên ơn những người đã giúp đỡ mình.

Con hổ có nghĩa nói về chuyện bà đỡ Trần và bác tiều phu gặp hổ, và đã được hổ đền ơn đáp nghĩa. Truyện đề cao đạo lí ân nghĩa thuỷ chung ở đời. Truyện gồm có hai phần, phần nào cũng tinh giản mà kì thú, ý nghĩa.

Ở đây ta nói về mẩu chuyện bà đỡ Trần gặp hổ. Tình huống li kì hồi hộp: đêm, nghe tiếng gõ cửa, bà đỡ ra mở cửa, rồi bị con hổ lao tới cõng bà đi. Bị hổ bắt làm sao mà sống được? Bà đỡ, ban đầu sợ đến chết khiếp. Hổ dùng một chân ôm lấy bà chạy như bay, hễ gặp bụi rậm, gai góc thì dùng tay rẽ lối chạy vào rừng sâu. Phải chăng hổ bắt được mồi, nên vội vã tha mồi về hang?. Nhưng cái cử chỉ một chân ôm lấy bà, một tay rẽ lối của hổ thì có vẻ như nương nhẹ, cẩn trọng? Một tình tiết hồi hộp, hấp dẫn.

Cảnh thứ hai cũng đầy kịch tính. Bà đỡ nhìn thấy hổ cái đang lăn lộn cào đất, bà đỡ run sợ không dám nhúc nhích. Bà sợ lắm vì tưởng là hổ định ăn thịt mình. Hổ đực dùng cử chỉ để thay lời nói. Nó nhỏ nước mắt, thương hổ cái lắm. Nó "cầm tay bà nhìn hổ cái" như kêu van, như xin được cứu giúp. Người và hổ đã tương tri, đã biết cảnh ngộ nhau, biết tấm lòng của nhau. Bà đỡ rất cần mẫn, có tay nghề giỏi, bà chỉ nhìn bụng hổ cái như có cái gì động đậy, thế là bà biết ngay hổ cái sắp đẻ. Thật nhân đức, bà đỡ hoà thuốc với nước suối cho hổ cái uống, bà còn dán xoa bụng cho hổ. Cử chỉ của bà đầy tình thương. Đã mấy ai trong thiên hạ dám đưa tay xoa bóp bụng hổ. Với bà đỡ Trần thì hổ cái là một sản phụ, đang đau đẻ, cần giúp đỡ để cứu cả mẹ lẫn con.

Cảnh thứ ba là cảnh hổ cái đẻ con và hổ đực đưa tiễn bà đỡ. Hổ đực rất tình cảm và có nghĩa. Nó vui mừng đùa giỡn với con. Nó quỳ xuống bên một gốc cây, lấy tay đào lên một cục bạc để tặng bà đỡ. Nó đứng dậy đi, quay nhìn bà để ra hiệu đưa tiễn bà về. Nghe bà đỡ nói: Xin chúa rừng quay về, nó cúi đầu vẫy đuôi, rồi gầm lên một tiếng. Cảnh tiễn biệt đầy lưu luyến và sâu nặng tình nghĩa biết bao!.

Câu chuyện thật hay, thật hồi hộp cảm động. Người đỡ đẻ, giúp hổ cái mẹ tròn con vuông. Hổ đền ơn người một cục bạc, nhờ món quà ấy mà bà đỡ sống qua được năm mất mùa đói kém. Chuyện cũng là chuyện người. Bài học đền ơn đáp nghĩa thật kỳ thú mà vô cùng ý nghĩa, cảm động.

Phân tích truyện Con hổ có nghĩa – Bài phân tích mẫu số 2

Truyện Con hổ có nghĩa có hai đoạn, mỗi đoạn là một truyện ngắn độc lập. Có thể gọi đây là một truyện kép, vì nó gồm có hai truyện độc lập.

Mỗi truyện có nhân vật riêng, có cốt truyện riêng, hai truyện có hai con hổ khác nhau. Hai chuyện được ghép lại với nhau là do chúng có một chủ đề thống nhất: Con hổ có nghĩa. “Nghĩa” trong bài này là tình nghĩa, ân nghĩa. “Con hổ có nghĩa” là con hổ có tình, có lòng biết ơn. Con hổ ở hai mẫu truyện ngắn đều thể hiện lòng biết ơn.

Cốt truyện của hai truyện đều giống nhau. Thoạt đầu là con hổ gặp nạn. Một con hổ cái đẻ khó, một con hổ hóc xương. Tiếp theo là người cứu hổ. Con hổ cái được bà đỡ Trần cho uống thuốc và xoa bóp, để được mẹ tròn con vuông. Con hổ hóc xương được bác Tiều thò tay vào họng hổ móc xương ra. Cuối cùng là hai con hổ tỏ lòng biết ơn. Một con hổ trả một cục bạc hơn mười lạng. Con hổ kia thì đem nai bắt được đến biếu, khi bác Tiều chết, con hố lại còn đến đưa ma và nhớ ngày giỗ bác Tiều. Cốt truyện biểu dương người làm ơn, nhưng chủ yếu là biểu dương con hổ biết ơn.

Con hổ là giống vật ăn thịt, là loài thú hung dữ bậc nhất trong các loài thú dữ. Người ta nói dữ như cọp. Người ta thường đem hổ ra mà dọa nhau. Ấy thế mà con hổ còn có tình, có nghĩa, có lòng biết ơn, điều đó đáng làm cho những con người vô tình, vô ơn phải hổ thẹn.

Con hổ có tình, có lòng biết ơn, có nghĩa là con hổ có tính người. Loài thú dữ mà còn có tính người như thế đáng làm cho những con người mất tính người phải xấu hổ. Đó là ý nghĩa giáo dục đạo đức của truyện. Truyện ngắn thời trung đại thường có mục đích giáo dục rõ rệt như vậy. Cốt truyện ở đây cũng có quan hệ nhân quả rất rõ rệt. Người kể chuyện tin rằng làm việc tốt tất được báo đáp tốt, làm việc xấu tất có kết cục xấu. Niềm tin ấy nâng đỡ người ta sống đẹp.