Tác giả, Tác phẩm văn 6 – Cây bút thần

Cây bút thần

I. Đôi nét về tác phẩm: Cây bút thần

1. Thể loại:

- Cây bút thần thuộc nhóm truyện cổ tích viết về kiểu nhân vật có tài năng kì lạ

2. Phương thức biểu đạt

- PTBĐ chính là tự sự

3. Tóm tắt

Bài tóm tắt số 1

Mã Lương là một em bé mồ côi, thông minh, nghèo nhưng say mê học vẽ, vẽ giỏi và ao ước có một cây bút vẽ. Được thần cho cây bút thần, Mã Lương vẽ vật nào, vật ấy đều thành vật thực. Em vẽ cho tất cả người nghèo trong làng. Đến tai địa chủ, hắn bắt Mã Lương vẽ theo ý hắn, em quyết không làm theo, trừng trị và bỏ đi vùng khác. Em vẽ tranh kiếm sống, sơ ý để lộ năng lực bút thần, vua biết và bắt em vẽ theo ý vua. Vì chống lại nên em bị bắt vào ngục. Vua cướp bút thần vẽ nhưng không thành, Mã Lương được thả, em vờ đồng ý, rồi vẽ biển, vẽ sóng trừng trị tên vua tham. Mã Lương trở về với dân, đem tài năng giúp đỡ người nghèo khổ.

Bài tóm tắt số 2

Mã Lương mồ côi cha mẹ, tự học vẽ rất giỏi nhưng không có cây bút nào trong tay. Thần linh đã cho em cây bút thần. Em vẽ để giúp cho người nghèo khổ lương thiện. Tên địa chủ trong vùng không thuyết phục được Mã Lương vẽ để thỏa lòng tham lam, hắn nhốt em và định giết, Mã Lương trốn thoát và ngồi trên yên ngựa em vẽ tên, cung để bắn chết tên địa chủ độc ác ấy. Tên vua tham lam bắt Mã Lương thỏa mãn dục vọng của nó. Cuối cùng Mã Lương đã vẽ biển, vẽ thuyền cho vua đi, sau đó vẽ bão tố để chôn vùi tên vua khốn kiếp đó.

Bài tóm tắt số 3

Mã Lương là cậu bé mồ côi thông minh và say mê học vẽ từ nhỏ. Em vẽ khắp nơi trốn núi, ven sông, dưới nước, trên tường... nhưng vì nghèo, cậu ước ao được vẽ tranh nhưng vẫn không mua được bút vẽ.

Một hôm em nằm mơ được cụ già râu tóc bạc phơ cho chiếc bút thần bằng vàng. Mã Lương cảm ơn và vô cùng vui sướng.

Mã Lương vẽ chim, chim bay lên trời, vẽ cá, cá trườn xuống sông. Em vẽ cuốc, vẽ cày, vẽ đèn, vẽ thùng múc nước cho người nghèo trong làng.

Tên địa chủ biết chuyện bèn sai đầy tớ bắt Mã Lương về vẽ cho hắn. Bị từ chối, hắn tức giận, đem giam Mã Lương vào chuồng ngựa và bỏ đói.

Mã Lương vẽ bánh để ăn, vẽ lò để sưởi. Địa chủ tức giận sai đầy tớ giết Mã Lương để cướp bút thần. Mã Lương vẽ thang trốn ra ngoài, vẽ ngựa để chạy trốn, vẽ cung tên bắn chết tên địa chủ đang cầm dao đuổi theo.

Dừng chân ở một thị trấn, Mã Lương vẽ tranh bán để kiếm sống. Vì sơ ý để lộ cây bút thần. Tên vua tham lam, tàn ác bắt Mã Lương vẽ theo ý hắn. Mã Lương cũng không chịu, em thậm chí còn chơi khăm nhà vua. Thay vì vẽ rồng, vẽ phượng, Mã Lương vẽ con cóc ghẻ, con gà trụi lông. Vua tức giận cướp lấy cây bút thần nhưng hắn vẽ núi vàng thì thành ra núi đá, vẽ cả thỏi vàng thì thành ra con mãng xà toan nuốt chửng cả vua.

Thấy không ăn thua, vua bèn xuống nước dỗ dành và hứa gả công chúa cho Mã Lương. Mã Lương vờ đồng ý rồi vẽ biển xanh, vẽ thuyền rồng cho vua cùng cả triều thần đi chơi ngắm cá. Cuối cùng, Mã Lương vẽ cuồng phong dữ dội nhấn chìm thuyền rồng, chôn vùi tên vua tham lam, độc ác.

Sau đó không ai biết Mã Lương đi đâu. Có người nói em đã trở về quê cũ nhưng cũng có người nói em đi khắp nơi, dùng cây bút thần để giúp đỡ những người nghèo.

4. Bố cục(3 phần)

- Phần 1 (từ đầu đến “thích thú vô cùng”): Mã Lương học vẽ và có được cây bút thần

- Phần 2 (tiếp đó đến “em vẽ cho thùng”): Mã Lương dùng bút thần giúp đỡ dân nghèo

- Phần 3 (tiếp đó đến “phóng như bay”): Mã Lương dùng bút thần chống lại tên địa chủ

- Phần 4 (tiếp đó đến “lớp sóng hung dữ”): Mã Luong dùng bút thần chống lại tên vua hung ác, tham lam

- Phần 5 (còn lại): Những truyền tụng về Mã Lương và cây bút thần

5. Giá trị nội dung

Truyện “Cây bút thần” là truyện cổ tích về nhân vật có tài năng kì lạ. Truyện thể hiện quan niệm của nhân dân về công lí xã hội, về mục đích của tài năng nghệ thuật, đồng thời thể hiện ước mơ về những khả năng kì diệu của con người

6. Giá trị nghệ thuật

- Sử dụng chi tiết tưởng tượng, thần kỳ đặc sắc, tạo sự hấp dẫn cho câu chuyện.

- Xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập: nhân vật chính diện (Mã Lương) - nhân vật phản diện (tên địa chủ, bọn vua quan độc ác, tham lam...)

- Sử dụng nghệ thuật kể chuyện dân gian:

·       Kể chuyện theo trình tự thời gian, chuyện gì xảy ra trước thì kể trước, chuyện gì xảy ra sau thì kể sau.

·       Nội dung câu chuyện xoay quanh một nhân vật chính là Mã Lương theo mô tip quen thuộc của truyện cổ tích (sinh ra và lớn lên với tài năng đặc biệt, được thần tiên ban cho cây bút thần với phép lạ, cứu giúp dân nghèo, gặp các khó khăn đến từ kẻ xấu, dùng tài năng để chiến thắng và tiêu diệt kẻ ác) với kết thúc luôn có hậu.

II. Phân tích văn bản Cây bút thần

a) Dàn ý

Dàn ý phân tích mẫu số 1

I. Mở bài

- Giới thiệu về truyện cổ tích (khái niệm, các kiểu nhân vật, đặc sắc nghệ thuật, ý nghĩa…)

- Giới thiệu về truyện cổ tích “Cây bút thần” (thuộc kiểu nhân vật nào, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật…)

II. Thân bài

1. Mã Lương học vẽ và có được cây bút thần

- Cha mẹ đều mất sớm, phải chặt củi, cắt cỏ, kiếm ăn qua ngày nhưng vẫn không đủ tiền mua một cây bút

- Là một em bé rất thông minh, có tài vẽ và hằng ngày đều chăm chỉ, dốc lòng học vẽ: vẽ chim, cá giống hệt

- Luôn ao ước có được một chiếc bút

- Được ban một chiếc bút thần – vẽ gì được nấy

→ Mã Lương là người có tài, có tâm, thuộc kiểu nhân vật có tài năng kì lạ

2. Mã Lương và cây bút thần

- Với những người nghèo: vẽ cho họ dụng cụ lao động – cày, cuốc, đèn, thùng nước, chò múc…

→ Nhân hậu, giúp đỡ những người cùng khổ

- Với tên địa chủ:

   + Nhân vật tên địa chủ: tham lam, độc ác, bắt giam Mã Lương, dụ dỗ, dọa nạt, thậm chí muốn giết Mã Lương với mong muốn có được cây bút thần

   + Mã Lương vẽ cung tên bắn chết tên địa chủ

→ Trừng phạt kẻ tham lam, độc ác, hung hăng

- Với nhà vua:

   + Nhân vật nhà vua: tham lam, làm điều tàn ác với dân nghèo, dụ dỗ, dọa nạt bắt Mã Lương về hoàng cung để vẽ những điều mà hắn muốn

   + Mã Lương và cây bút thần trước những yêu cầu của ông vua:

      ● Bắt vẽ rồng:vẽ con cóc ghẻ

      ● Bắt vẽ con phượng: vẽ con gà trụi lông

      ● Vẽ núi vàng: biến thành những tảng đá lớn

      ● Vẽ thỏi vàng: biến thành con mãng xà

   + Kết quả: Mã Lương vẽ thuyền và biển cả, gió bão, sóng dữ và tên vua bị nhấn chìm trong những lớp sóng hung dữ

→ Tiêu diệt, trừng trị kẻ tham lam, độc ác

3. Những truyền tụng về Mã Lương và cây bút thần

- Có nhiều lời truyền tụng khác nhau về Mã Lương và cây bút thần khắp cả nước:

   + Mã Lương trở về quê cũ, sống với ruộng đồng

   + Mã Lương đi khắp đó đây, đem hết thời gian và sức lực để vẽ cho những người nghèo khổ…

III. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật:

   + Nội dung: Truyện thể hiện quan niệm của nhân dân về công lí xã hội, về mục đích của tài năng nghệ thuật, đồng thời thể hiện ước mơ về những khả năng kì diệu của con người

   + Nghệ thuật: sử dụng chi tiết tưởng tượng thần kì….

- Bài học cho bản thân: sống hiền lành, không tham lam, ở hiền gặp lành….

Dàn ý phân tích mẫu số 2

1. Mở bài

·       Nhân dân ta từ xưa đã đánh giá rất cao vai trò của trí tuệ trong đời sống.

·       Nhân vật em bé trong truyện "Em bé thông minh" tiêu biểu cho trí thông minh của người lao động.

2. Thân bài
a. Trí thông minh tuyệt vời của chú bé nông dân

·       Thể hiện qua nhiều tình huống có tính chất thử thách, càng về sau càng gay go

o   Trả lời câu hỏi của viên quan bằng chính cách hỏi: "Ngựa của ông một ngày đi được mấy bước?"

o   Hóa giải lệnh oái oăm của nhà vua là bắt dân làng nuôi trâu đực đẻ bằng câu chuyện bịa đặt và nhờ vua bắt cha mình đẻ em bé.

o   Vua thử tài chú bé, bắt làm cỗ từ một con chim sẻ. Chú yêu cầu sứ giả tâu với vua cho người rèn chiếc kim thành dao để mổ chim.

o   Sứ thần nước ngoài thách đố xâu sợi chỉ qua đường ruột của một chiếc vỏ ốc vặn, chú bé nghĩ ra mẹo và làm được.

b. Thái độ của nhà vua đối với chú bé thông minh

·       Khẳng định chú chính là nhân tài mà mình đang cần tìm.

·       Phong cho chú bé chức Trạng nguyên, lưu lại trong cung nuôi ăn học tử tế để sau này giúp nước.

·       Tin dùng và thường hỏi ý kiến của chú bé trong những công việc quốc gia đại sự.

3. Kết bài

·       Với truyện "Em bé thông minh", khao khát đổi đời của người lao động xưa kia đã được thoả mãn.

·       Qua truyện, trí tuệ và trí khôn dân gian được đề cao và ca ngợi

·       Tạo ra được tiếng cười hồn nhiên, vui vẻ trong cuộc sống hàng ngày.

·       Các chi tiết cường điệu khiến cho truyện trở nên thú vị và hấp dẫn.

b) Bài văn phân tích

Phân tích Cây bút thần  – Bài phân tích mẫu số 1

 Từ thuở xưa, nhân dân ta đã coi trọng trí tuệ, bởi trí tuệ giúp con người vượt qua được khó khăn, thử thách trong cuộc sống hằng ngày. Bằng trí tượng trượng, họ đã sáng tạo ra những nhân vật tiêu biểu cho vẻ đẹp trí tuệ. Truyện "Em bé thông minh" đề cao trí khôn dân gian (qua hình thức giải những câu đố, vượt qua những thử thách oái ăm...), từ đó tạo ra tiếng cười vui vẻ, hồn nhiên nhưng không kém phần thâm thúy. Trong truyện, sự thông minh của em bé được thử thách cả thảy bốn lần.

     Lần đầu, em trả lời câu hỏi éo le của viên quan: "Trâu cày một ngày được mấy đường?"

Lần thứ hai, em hóa giải cái lệch ngược đời của vua về chuyện ban cho dân làng ba con trâu đực, bắt nuôi sao cho chúng đẻ thành chín con trong một năm.

Lần thứ ba, em vượt qua thử thách cực kì khó khăn: từ thịt một con chim sẻ, phải nấu thành ba mâm cỗ theo yêu cầu của nhà vua.

Lần thứ tư là làm được công việc oái ăm mà sứ thần nước ngoài thách đố: xâu một sởi chỉ mảnh qua đường ruột của một chiếc vỏ ốc vặn.

Thử thách ngày càng khó nhưng chú bé đều vượt qua một cách dễ dàng. Điều đó chứng tỏ trí thông minh tuyệt vời của em bé.

Bối cảnh của truyện là thời mà chế độ phong kiến Việt Nam đã phát triển đến mức độ cao. Trên có vua quan, dưới có tổ chức làng xã. Vua biết trọng dụng người hiền tài để phò tá cai trị đất nước. Bởi vậy nên mới có chuyện nhà vua sai một viên quan đi dò la để tìm cho ra người tài giỏi. Viên quan ấy đã đi rất nhiều nơi mà vẫn chưa tìm hấy ai như ý.

Một hôm, viên quan đi qua làng nọ, thấy hai cho con chú bé đang làm ruộng. Cha đánh trâu cày, con đập đất, những công việc quen thuộc hằng ngày của nhà nông. Khi viên quan cất giọng hách dịch hỏi: "Này, lão kia! Trâu của lão cày một ngày được mấy đường?" Thì người cha bất ngờ và hốt hoảng nên cứ đứng ngẩn người ra chưa biết trả lời thế nào. Đứa con trai mới chừng bảy tám tuổi đã nhanh miệng vặn lại quan rằng: "Thế xin hỏi ông câu này đã. Nếu ông trả lời đúng ngựa của ông đi một ngày được mấy bước, tôi sẽ cho ông biết trâu của tôi cày một ngày được mấy đường".

Trong lần đầu tiên này, sự nhanh trí của chú bé thể hiện ở chỗ đã đánh đố lại viên quan. Chú bé biết lợi dụng chính cái lắt léo trong câu hỏi để đẩy ông ta vào thế bí. Chú đã xoay chuyển được tình thế, giành phần thắng về mình. Có ai để ý đếm bước chân ngựa trên đường? Vậy thì có ai đếm được trâu cày trong một ngày bao giờ? Mục đích của viên quan là nêu câu hỏi cắc cớ để dồn kẻ bị hỏi vào thế lúng túng, thì chú bé đã hỏi lại viên quan với ngụ ý: Nếu ông không trả lời được của tôi thì cha tôi không việc gì phải trả lời ông cả. Trái độ mạnh bạo, tự tin cùng câu hỏi thông minh của chú bé khiến viên quan nọ giật mình, há hốc mồm sửng sốt và nghĩ rằng có lẽ chú bé chính là nhân tài mà nhà vua đang cần tìm. Ông ta vội vã trở về triều, trong bụng mừng thầm.

Nghe viên quan tâu lại đầu đuôi câu chuyện về chú bé, nhà vua mừng rỡ nhưng muốn thử lại cho chắc chắn: Vua sai ban cho làng (của chú bé) ba thúng gạo nếp với ba con trâu đực, ra lệnh phải nuôi làm sao ba con trâu ấy đẻ thành chín con, hẹn năm sau phải đem nộp đủ, nếu không thì cả làng phải tội.

Cái lệnh kì quặc xưa nay chưa từng thấy của nhà vua làm cho dân làng lo lắng, sợ hãi, họp bàn liên tục mà không tìm ra cách giải quyết. Giải quyết sao được bởi xưa nay trâu đực có đẻ con bao giờ? Nhưng dẫu phi lí đến đâu chăng nữa thì đó cũng là lệnh vua. Không thực hiện đúng lệnh là mắc tội khi quân, ắt cả làng phải chịu tội chết. Đoạn kể về thái độ của dân làng khi nhận được lệnh vua thật cụ thể, sinh động, làm nổi bật không khí lo sợ kinh hoàng. Từ trên xuống dưới, mọi người đều tin là một tai họa.

Chuyện đến tai chú bé, chú bé thản nhiên bảo cha: ''Chả mấy khi được lộc vua ban, cha cứ thưa với làng giết thịt hai con trâu và đồ hai thúng gạo nếp để mọi người ăn một bữa cho sướng miệng. Còn một con trâu và một thúng gạo, ta sẽ xin làng làm phí tổn cho cha con ta trẩy kinh lo liệu việc đó".

Sự tính toán đâu ra đấy và thái độ bình tĩnh, tự tin ấy quả là khác thường, kì lạ đối với cá tuổi lên bảy, lên tám của chú bé. Nghe con nói, người cha sợ hãi khuyên can, chú bé vẫn khăng khăng quả quyết: "Cha cứ mặc con lo liệu, thế nào cũng xong xuôi mọi việc".

Lần thứ hai này, chú bé vượt qua thử thách bằng cách khéo kéo gài bẫy để nhà vua phải công nhận sự vô lí trong lệnh của mình.

Nghĩ sao làm vậy, chú cùng cha lên kinh đô, tìm cách đến tận trước ngai vàng và ra mắt vua với điệu bộ, lời lẽ cố tình gây chú ý đối với mọi người: lẻn vào sân rồng, khóc um lên. Thấy chuyện lạ, vua sai lính điệu vào, phán hỏi: "Thằng bé kia, mày có việc gì? Sao lại đến đây mà khóc?". Chú bé chỉ chờ có thế để thực hiện mưu kế của mình: "Tâu đức vua! Mẹ con chết sớm mà cha con thì không chịu đẻ em bé để chơi với con cho có bạn, cho nên con khóc. Dám mong đức vua phán bảo cha con cho con được nhờ".
 
Lời nói ngộ nghĩnh của bé chú khiến nhà vua và quần thần đều bật cười về sự vô lí của nó. Vua phán: "Cha mày là giống đực, làm sao mà đẻ được!". Vậy là chú bé đã lừa nhà vua vào tròng một cách nhẹ nhàng, êm ái: "Thế sao làng chúng con lại có lệnh trên bắt nuôi ba con trâu đực cho đẻ thành chín con để nộp đức vua? Giống đực thì làm sao mà đẻ được ạ!".
 
Hiểu ý chú bé, đức vua bật cười bảo: "Ta thử đấy mà!". Chú bé đã tương kế tựu kế, dùng thuật gậy ông lại đập lưng ông để giành phần chủ động về mình, mạnh dạn lấy cái phi lí trong lời lẽ của mình để buộc đức vua phải tự công nhận sự phi lí trong lệnh của đức vua. Trí thông minh nhanh nhạy, tài ứng đối trôi chảy, lí lẽ sắc sảo của chú bé làm cho đức vua và triều thần đều chịu thằng bé là thông minh lỗi lạc.
 
Câu chuyện càng trở nên hấp dẫn khi chú bé lần lượt vượt qua hết thử thách này đến thử thách khác. Tuy đã tận mắt chứng kiến khả năng ứng xử thông minh của chú nhưng đức vua vẫn muốn thử một lần nữa. Những lần trước, trí thông minh của chú bé thể hiện qua lời nói; lần này, đức vua muốn được xem trí tuệ ấy thể hiện ra sao qua hành động.
 
Đức vua sai sứ giả mang tới cho chú bé một con chim sẻ và truyền lệnh chú bé phải làm thịt chim, dọn thành ba mâm cỗ. Không chút bối rối, chú bé bảo cha lấy cho mình một cây kim may rồi đưa cho sứ giả và bảo: "Ông cầm lấy cái này về tâu với đức vua xin rèn cho tôi thành một con dao để xẻ thịt chim". Phản ứng của chú bé thật nhanh nhạy và cách xử trí cũng thật là đáng phục. Chú bé đã đẩy trả thế bí cho đối phương bằng cách đánh đố lại với ngầm ý: Nếu nhà vua rèn được cây kim này thành con dao thì tôi cũng sẽ làm được ba mâm cỗ từ thịt con chim sẻ. Tất nhiên, yêu cầu của chú đối với vua là không thể thực hiện được, do vậy sẽ không có chuyện ngược lại. Trí thông minh của chú bé thật tuyệt vời!
 
Để câu chuyện tăng tính hiện thực và mức độ thuyết phục, người xưa đã đưa vào chi tiết: Hồi đó có một nước láng giềng lăm le muốn xâm chiếm bờ cõi nước ta. Để dò xem bên này có nhân tài hay không, họ sai sứ đưa sang một cái vỏ ốc vặn rất dài, rỗng hai đầu, đố làm sao xâu một sợi chỉ mảnh xuyên qua đường ruột ốc. Kiểu thử tài này thường thấy trong truyện kể dân gian về các nhân vật thông minh, tài giỏi như Trạng Quỳnh, Mạc Đĩnh Chi, Trạng Hiền...
 
Sự thách đố oái ăm ấy làm cho các vị đại thần vò đầu suy nghĩ mà không sao tìm ra cách. Nhà vua đành phải nhờ đến trí thông minh của chú bé. Nghe qua, chẳng cần suy nghĩ lâu la gì, chú bé liền hát: "Tang tình tang! Tính tình tang. Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng. Bên thời lấy giấy mà bưng. Bên thời bôi mỡ, kiến mừng kiến sang. Tang tình tang..." Câu hát hồn nhiên, nhí nhảnh nhưng lại chứa đựng một giải pháp cực kì sáng suốt, tuy đơn giản, dễ dàng như một trò chơi con trẻ. Dân gian chẳng có câu: Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ đó sao? Kiến ngửi thấy mùi mỡ ắt tìm mọi cách lần sang bằng được, do vậy sợi chỉ sẽ được kéo sang theo. Đơn giản thế mà đức vua và các nhà thông thái không sao nghĩ ra. Giải pháp đó chính là trí tuệ, là kinh nghiệm của dân gian được đúc kết từ cuộc sống.
 
Trí thông minh của chú bé càng ngày càng được bộc lộ ở mức độ cao hơn. Ban đầu, chú bé làm cho viên quan đi tìm người tài phải ngạc nhiên. Sau đó đến đức vua và quần thần trong triều đình. Cuối cùng, sứ thần ngoại bang cũng phải thán phục trước trí tuệ của nhân tài nước Nam. Tài trí thông minh tuyệt vời của chú bé thật xứng đáng với chức Trạng nguyên nhà vua ban tặng, xứng đáng với dinh thự nguy nga bên cạnh cung vua. Chú bé trở thành người được nhà vua tin dùng trong quá trình trị vì đất nước.
 
Truyện đề cao trí thông minh của người lao động. Trí thông minh của chú bé không thể hiện qua chữ nghĩa, văn chương, thi cử mà là qua thực tế cuộc sống hằng ngày. Cuộc đấu trí của chú bé xoay quanh những chuyện bình thường như đường cày, bước chân ngựa, con trâu, con chim sẻ, con ốc, con kiến vàng. Chú bé tiêu biểu cho trí tuệ dân gian được đúc kết từ đời sống và luôn được vận dụng trong thực tế.
 
Truyện còn mang ý nghĩa hài hước thâm thúy. Cách giải các câu đố của chú bé đều thông minh, hóm hỉnh, tạo ra những tình huống bất ngờ thú vị, đem lại tiếng cười vui vẻ.
 
Trong truyện, từ dân làng cho đến các ông trạng, các nhà thông thái và vua quan đều thua tài em bé. Nhân vật em bé thông minh khiến cho mọi người yêu thích bởi tính chất hồn nhiên, ngây thơ mà sắc sảo tuyệt vời.
 
     Chú bé thông minh được vua phong cho chức Trạng nguyên. Trí tưởng tượng và khao khát đổi đời của người xưa được thỏa mãn. Qua truyện này, nhân dân ta muốn khẳng định sức mạnh của trí tuệ, đồng thời thể hiện tình cảm mến yêu, thán phục đối với những người hiền tài đã làm rạng danh cho gia đình và đất nước.

Phân tích Cây bút thần  – Bài phân tích mẫu số 2

Trong chương trình Ngữ Văn 6 chúng ta đã tiếp cận với rất nhiều truyện cổ tích hay và đặc sắc của văn học dân gian Việt Nam như: Thạch Sanh, Sọ Dừa, … Bên cạnh đó, truyện cổ tích nước ngoài cũng có nội dung hấp dẫn không kém như truyện Cây bút thần. Truyện kể về một nhân vật thông minh, tài giỏi, có tấm lòng lương thiện đã mang tài năng của mình đi giúp đỡ mọi người, trừng phạt kẻ ác.

   Nhân vật chính của tác phẩm là cậu bé tên Mã Lương – nhân vật có tài năng kì lạ, đây cũng là kiểu nhân vật phổ biến trong truyện cổ tích. Mã Lương là một cậu bé mồ côi, lấy việc chặt củi, cắt cỏ, … để nuôi sống bản thân. Em có niềm đam mê với bộ môn mĩ thuật, dù không có dụng cụ để vẽ nhưng hàng ngày em vẫn hăng say luyện tập, em vẽ ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào, không ngừng trau dồi bản thân. Trước tấm lòng, niềm đam mê của em, thần đã ban tặng cho em một cây bút thần. Cây bút thần chỉ được trao cho Mã Lương mà không phải một ai khác bởi nó là phần thưởng xứng đáng cho cậu bé có niềm đam mê, luôn nhiệt huyết, cần cù và hết lòng vì niềm đam mê ấy.

   Có cây bút thần trong tay Mã Lương đã dùng nó để giúp đỡ những người xung quanh. Em quả là một cậu bé có tâm hồn trong sáng và tấm lòng lương thiện. Mã Lương vẽ cho bà con cày, cuốc, đèn,… có một điều kì lạ đó là em không vẽ cho mọi người lương thực thực phẩm, vàng bạc mà chỉ vẽ những công cụ để tạo ra những điều đó. Bởi em hiểu rằng chỉ có chăm chỉ lao động thì thành quả đạt được mới lâu bền, con người mới biết trân trọng những thành quả đó. Chỉ với một chi tiết nhỏ nhưng ta lại càng hiểu rõ hơn sự thông minh, biết nhìn xa trông rộng, tấm lòng nhân hậu của em.

   Những tưởng rằng em sẽ có cuộc sống hạnh phúc, thanh bình bên cạnh cây bút thần, nhưng chính vì có cây bút thần mà biết bao sóng gió đã ập đến với em. Đầu tiên đó là tên địa chủ, khi biết em có cây bút thần hắn đã bắt em về, bắt em vẽ theo ý hắn, nhưng là một người khẳng khái, không sợ quyền uy em đã nhất quyết không làm theo nên bị hắn giam lại. Có cây bút thần và bằng trí thông minh của mình em đã vượt khỏi nơi giam giữ không chỉ vậy còn trừng trị được tên địa chủ tham lam, xấu xa. Thử thách vẫn chưa hết với em, trong lần thử thách này em phải đối đầu với một thế lực mạnh hơn, xấu xa và xảo quyệt hơn chính là tên vua tham lam, độc ác. Trước những yêu cầu của hắn, em không những không nghe theo mà còn làm trái ngược hoàn toàn: vua yêu cầu vẽ rồng em vẽ cóc ghẻ, vua yêu cầu vẽ phượng hoàng em vẽ con gà trụi lông. Trước thế lực quyền uy như vậy em cũng không hề tỏ ra nao núng, run sợ. Nhưng chỉ có dũng cảm không thôi liệu đã đủ để em tiêu diệt tên vua xấu xa? Đến lúc này tài trí, sự thông minh của em mới thực sự được phát huy tác dụng. Nhà vua dụ dỗ hứa sẽ gả công chúa và cho em nhiều bạc vàng, Mã Lương đã vờ đồng ý. Và khi nhà vua yêu cầu Mã Lương vẽ biển, em đã vẻ biển mênh mông, xanh biếc, không một gợn sóng, rồi em vẽ thuyền, vẽ cá theo yêu cầu của hắn. Điều này khiến tên vua độc ác vô cùng thích thú vì nghĩ rằng Mã Lương đã bị mình thu phục. Nhưng ngay khi hắn ra yêu cầu em vẽ sóng và gió em đã đậm tô nét vẽ, khiến cả tàu và người đều bị nhấm chìm xuống biển sâu. Mã Lương thật thông minh, nhanh trí, em hoàn toàn chủ động tiêu diệt tên vua độc ác đem lại sự bình yên cho dân nghèo.

   Mã Lương đã tiêu diệt được những thế lực xấu xa nhất trong xã hội là vua và địa chủ. Việc em tiêu diệt những thế lực này cũng ngầm thể hiện những quan điểm của nhân dân ta về công lí công bằng xã hội. Đồng thời các tác giả dân gian cũng khẳng định rằng tài năng chỉ thực sự có giá trị khi dùng để tiêu diệt cái xấu, cái ác thực hiện công bằng; nghệ thuật chân chính là nghệ thuật vì nhân dân và phục vụ nhân dân.

   Nghệ thuật xây dựng truyện đặc sắc, Mã Lương được đặt vào các cuộc phiêu lưu với trình tự hợp lý. Các chi tiết nghệ thuật đặc sắc, điển hình như chi tiết giọt mực rơi vào bức tranh con cò, nó là nút thắt, giúp đẩy câu chuyện lên cao trào. Ngoài ra nghệ thuật tăng tiến cũng góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm.

   Cây bút thần là một truyện cổ tích đắc sắc, với cốt truyện hấp dẫn, tình tiết sắp đặt khéo léo theo chiều tăng tiến. Qua tác phẩm đặc biệt là qua nhân vật Mã Lương, truyện đã thể hiện những quan niệm của nhân dân về công lí, công bằng trong xã hội, về mục đích và nhiệm vụ của nghệ thuật đối với đời sống con người, đồng thời còn thể hiện mơ ước của nhân dân về khả năng kì diệu của con người.

Phân tích Cây bút thần  – Bài phân tích mẫu số 3

"Cây bút thần" là một trong truyện cổ tích tiêu biểu trong kho tàng văn học dân gian Trung Quốc, truyện viết về kiểu nhân vật bất hạnh nhưng có tài năng kỳ lạ. Bằng những chi tiết kỳ ảo, đặc sắc, truyện đã phản ánh ước mơ của nhân dân về sự công bằng trong xã hội và khát khao có những khả năng kỳ diệu của con người.

Mã Lương là một em bé có hoàn cảnh đáng thương. Em mồ côi cha mẹ, hàng ngày phải đốn củi, cắt cỏ,...để kiếm tiền nuôi bản thân. Tuy vất vả song em có một niềm đam mê vẽ bất tận, Mã Lương nuôi dưỡng niềm đam mê của mình bằng cách vẽ vào bất cứ nơi đâu mà em muốn, lúc nào em cũng thích vẽ và mong ước có đủ tiền mua được cây bút để vẽ. Em không chỉ đam mê vẽ mà còn là một em bé tài năng với bộ môn nghệ thuật này, thấy được tấm lòng và tinh thần ham học hỏi của em, một vị thần thương tình tặng cho Mã Lương cây bút thần quý giá. Cây bút thần dành tặng cho người có tài năng, chịu thương, chịu khó là phần thưởng xứng đáng dành cho em.

Từ khi được tặng cây bút thần, em vẽ được nhiều hơn. Trong làng, những ai khó khăn, thiếu vật dụng gì em đều vẽ ra để giúp họ. Em vẽ cuốc, cày cho lao động, vẽ đèn cho ánh sáng để nhân dân sinh hoạt. Nhờ tấm lòng lương thiện và trong sáng của Mã Lương mà ai cũng quý mến em. Những thứ em vẽ cho người quanh mình không phải là vàng bạc, của cải vật chất xa hoa mà là những vật dụng cần thiết trong lao động. Hơn ai hết em hiểu được những người nông dân họ tuy vất vả nhưng không bao giờ chịu nhận lấy những vật chất quý giá không phải tự bàn tay mình làm ra. Em cũng hiểu được rằng chỉ có kiên trì lao động, của cải bằng chính sức mình làm ra mới bền lâu và đáng trân trọng. Tình cảm và tấm lòng của Mã Lương thật đáng quý biết bao. Tuy còn nhỏ nhưng em đã rất hiểu chuyện và thông minh.

Em thấy hạnh phúc vô bờ khi mình có thể giúp đỡ được nhiều người, nhưng câu chuyện về cây bút thần lại không mấy đến tai những kẻ tham lam, quyền quý khiến em gặp không ít rắc rối. Đầu tiên là tên địa chủ hống hách, hắn bắt em vẽ theo ý muốn của hắn để thoả mãn lòng tham không đáy nhưng Mã Lương đâu chịu nhún nhường, cam chịu mà làm theo lời hắn. Em không làm theo ý hắn, quyền uy của hắn không khiến em e dè, sợ hãi mà một mực, kiên quyết không chịu vẽ. Bị bắt giam lại nơi ngục tối, em tìm cách thoát ra ngoài, khi bị sự truy đuổi của tên địa chủ độc ác kia, em dùng bút thần vẽ mũi tên bắn chết hắn. Đó là một sự trừng phạt đích đáng cho kẻ tàn nhẫn, tham lam, coi của cải vật chất trên hết.

Khi đến một thị trấn khác, em bị nhà vua bắt giam. Vừa ép Mã Lương phải vẽ theo những gì mà ông ta muốn và hứa sẽ cho em những vàng bạc, châu báu. Nhưng làm gì em cần những thứ đó, em biết được bản chất độc ác, uy quyền và tham vọng của tên vua kia nên tìm cách trừng phạt hắn. Những gì vua yêu cầu em đều vẽ trái ngược hẳn, vua bảo vẽ rồng thì em vẽ con cóc ghẻ, vừa bắt vẽ phượng em lại vẽ con gà trụi lông, vua bảo vẽ núi vàng em vẽ toàn những tảng đá lớn, vẽ thỏi vàng biến thành con mãng xà lớn, đầy hung dữ. Cuối cùng, em vẽ sóng biển, bão tố, mưa giông, nhấn chìm con thuyền chở tên vua bạo ngược, tham tàn kia.

Từ đó, em đi khắp nơi giúp đỡ dân nghèo, tài năng và cây bút thần quý gia của em được khắp nơi truyền tụng. Tài năng, sự thông minh, tấm lòng lương thiện đã hội tụ ở con người Mã Lương. Em chính là biểu tượng của cái thiện lương, tấm lòng tốt đẹp đồng thời cũng là nhân vật mà tác giả dân gian gửi gắm khát khao về công lí, lẽ phải và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Truyện cổ tích "Cây bút thần" đã để lại trong em nhiều bài học quý giá. Đó là bài học về sự chăm chỉ, kiên trì rèn luyện, bài học về lòng đam mê và nuôi dưỡng đam mê. Đó còn là bài học về đạo lý sống tốt đẹp, biết yêu thương và đồng cảm, biết giúp đỡ những người có số phận bất hạnh và khó khăn hơn mình. Đó còn là bài học về lối sống khiêm tốn, biết bằng lòng với những gì mình đang có, tránh tham lam, ích kỉ, ác độc.