Đề bài
I. TRẮC NGHIỆM
Câu 1 (NB): Pháp thực hiện tiến công mở màn cho cuộc xâm lược Việt Nam vào ngày tháng năm nào?
A. 31/08/1858. B. 01/09/1858.
C. 24/03/1858. D. 30/04/1858.
Câu 2 (NB): Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh vào ngày tháng năm nào?
A. 15/08/1945. B. 30/08/1945.
C. 25/08/1945. D. 05/08/1945.
Câu 3 (TH): Tại sao Pháp lại chọn Việt Nam là nơi xâm lược để làm thuộc địa:
A. Có vị trí địa lí thuận lợi.
B. Chế độ phong kiến đang suy yếu.
C. Là một quốc gia độc lập.
D. giàu tài nguyên, có vị trí địa lí quan trọng, chế độ phong kiến khủng hoảng nghiêm trọng.
Câu 4 (NB): Hội nghị Muy-nich với sự tham gia của các quốc gia nào sau đây?
A. Anh, Pháp, Nhật, Italia.
B. Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp.
C. Đức, Áo, Hung, Bỉ.
D. Anh, Pháp, Đức, Italia.
Câu 5 (NB): Hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ hai đối với con người kinh khủng như thế nào?
A. 1 triệu người chết, 500.000 người bị thương.
B. 60 triệu người chết, 90 triệu người bị thương.
C. 120 triệu người chết, 5 triệu người bị thương.
D. Hàng vạn người chết và bị thương.
Câu 6 (NB): Hiệp ước Nhâm Tuất được hoàn thành kí kết vào ngày tháng năm nào?
A. 05/06/1862. B. 06/05/1862.
C. 26/05/1862. D. 26/06/1862.
Câu 7 (VD): Bản chất sự liên kết các nước trong “phe Trục” là gì?
A. Liên minh các nước thực dân.
B. Liên minh các nước tư bản dân chủ.
C. Liên minh các nước phát xít.
D. Liên minh các nước thuộc địa.
Câu 8 (TH): Liên Xô đã có thái độ như thế nào với các nước phát xít?
A. Coi chủ nghĩa phát xít là kẻ thù nguy hiểm và ngay lập tức tuyên chiến với phát xít Đức.
B. Coi chủ nghĩa phát xít là đối tác trong cuộc chiến chống các nước đế quốc Anh, Pháp, Mĩ.
C. Lo sợ chủ nghĩa phát xít là kẻ thù nguy hiểm nên nhân nhượng với các nước phát xít.
D. Coi chủ nghĩa phát xít là kẻ thù nguy hiểm nên chủ trương liên kết với các nước Anh, Pháp để chống phát
xít và nguy cơ chiến tranh.
Câu 9 (VD): Nguyên nhân nào thúc đẩy các quốc gia trên thế giới hình thành liên minh chống phát xít?
A. Do uy tín của Liên Xô đã tập hợp được các nước khác.
B. Do hành động xâm lược, bành trướng của phe phát xít khiến thế giới lo ngại.
C. Do Anh, Mĩ đều thua nhiều trận trên chiến trường.
D. Do nhân dân các nước trên thế giới đoàn kết.
Câu 10 (NB): Đứng trước vận nước nguy nan, ai là người đã mạnh dạn dâng lên triều đình những bản điều trần, bày tỏ ý kiến cải cách duy tân?
A. Nguyễn Tri Phương.
B. Nguyễn Trường Tộ.
C. Tôn Thất Thuyết.
D. Hoàng Diệu.
Câu 11 (NB): Để chuẩn bị tấn công ra Bắc Kì lần thứ nhất, thực dân Pháp đã làm gì?
A. Xây dựng lực lượng quân đội ở Bắc Kì.
B. Tăng cường viện binh.
C. Cử gián điệp ra Bắc nắm tình hình và lôi kéo một số tín đồ Công giáo lầm lạc.
D. Gây sức éo buộc triều đình nhà Nguyễn kí hiệp ước mới.
Câu 12 (NB): Tướng Pháp chỉ huy cuộc tấn công ra Bắc Kì lần thứ nhất (1873) là
A. Gác-ni-ê. B. Bôlaéc.
C. Rivie. D. Rơve.
Câu 13 (TH): Vì sao quân đội triều đình nhanh chóng thất thủ tại thành Hà Nội năm 1873?
A. Triều đình đã đầu hàng.
B. Quân triều đình chống cự yếu ớt.
C. Quân triều đình đã thực hiện chiến thuật phòng thủ, dựa vào thành đánh giặc, chưa kết hợp với nhân dân kháng chiến.
D. Triều đình mải lo đối phó với phong trào đấu tranh của nhân dân.
Câu 14 (TH): Cuối năm 1913, cách mạng Việt Nam trải qua giai đoạn khó khăn là do
A. Thực dân Pháp tăng cường khủng bố trước những hoạt động của Việt Nam Quang phục hội, Phan Bội Châu bị bắt.
B. Hoạt động của Việt Nam Quang phục hội không đạt hiệu quả.
C. Thực dân Pháp cấu kết với giới quân phiệt Trung Quốc trục xuất những thành viên của Việt Nam Quang phục hội.
D. Việt Nam Quang phục hội không có đường lối, mục tiêu rõ ràng.
Câu 15 (NB): Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam đã làm xuất hiện các giai cấp và tầng lớp xã hội mới, đó là
A. Địa chủ nhỏ và công nhân.
B. Công nhân, tư sản dân tộc và tiểu tư sản.
C. Công nhân, nông dân và tư sản dân tộc.
D. Công nhân, nông dân và tiểu tư sản.
Câu 16 (NB): Chiến tranh thế giới thứ nhất làm cho việc trao đổi hàng hóa giữa Pháp với Đông Dương thế nào?
A. Hàng hóa nhập khẩu từ Pháp sang Đông Dương giảm.
B. Hàng hóa nhập khẩu từ Pháp sang Đông Dương tăng lên.
C. Hàng hóa xuất khẩu từ Đông Dương sang Pháp giảm.
D. Hàng hóa xuất khẩu từ Đông Dương sang Pháp tăng lên.
Câu 17 (NB): Đối với các nhà yêu nước tiền bối, Nguyễn Tất Thành có thái độ như thế nào?
A. Khâm phục tinh thần yêu nước của họ.
B. Không tán thành con đường cứu nước của họ.
C. Khâm phục tinh thần yêu nước, nhưng không tán thành con đường cứu nước của họ.
D. Tán thành con đường cứu nước của họ.
Câu 18 (NB): Bối cảnh lịch sử nào quyết định việc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước?
A. Thực dân Pháp đặt xong ách thống trị trên đất nước Việt Nam.
B. Phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ.
C. Các tư tưởng cứu nước mới theo khuynh hướng dân chủ tư sản ảnh hưởng sâu rộng đến nước ta.
D. Con đường cứu nước giải phóng dân tộc ở Việt Nam đang bế tắc, chưa có lối thoát.
Câu 19 (VD): Trong hành trình tìm đường cứu nước, nhận thức đầu tiên của Nguyễn Tất Thành, khác với các nhà yêu nước đi trước là
A. Cần phải đoàn kết các lực lượng dân tộc để đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.
B. Ở đâu bọn đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu người lao động cũng bị áp bức bóc lột dã man.
C. Cần phải đoàn kết với các dân tộc bị áp bức để đấu tranh giành độc lập.
D. Cần phải đoàn kết với nhân dân Pháp trong cuộc đấu tranh giành độc lập.
Câu 20 (NB): Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thất bại của phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỉ XIX là gì?
A. Triều đình phong kiến đã đầu hàng hoàn toàn.
B. Kẻ thù đã áp đặt được ách thống trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
C. Thiếu một lực lượng xã hội tiên tiến, có đủ năng lực và để ra đường lối đúng để lãnh đạo phong trào.
D. Việt Nam là một nước phong kiến lạc hậu.
II. TỰ LUẬN
Câu 1: Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914) em hãy:
a. Trình bày những chính sách khai thác của thực dân Pháp về: Chính trị; kinh tế; văn hóa - giáo dục.
b. Phân tích những tác động của chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp đối với nước ta.
Câu 2: Từ những hiểu biết về Phan Bội Châu, em hãy trình bày chủ trương, hoạt động, bài học rút ra.
Câu 3: Ngày nay, nước ta đang trong quá trình mở cửa và hội nhập. Em hãy phân tích những tác động của quá trình này đối với kinh tế, chính trị, xã hội ở nước ta như thế nào?
Lời giải chi tiết
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
1.B | 2.A | 3.D | 4.D | 5.B | 6.A | 7.C | 8.D | 9.B | 10.B |
11.C | 12.A | 13.C | 14.A | 15.B | 16.A | 17.C | 18.D | 19.B | 20.C |
I. TRẮC NGHIỆM
Câu 1.
Phương pháp: sgk Lịch sử 11, trang 108.
Cách giải:
Sáng 1/9/1585, địch gửi tối hậu thư, đòi trấn thủ thành Đà Nẵng trả lời trong vòng 2 giờ. Nhưng không đợi hết hạn, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã nổ súng rồi đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà.
Chọn: B
Câu 2.
Phương pháp: sgk Lịch sử 11, trang 101.
Cách giải:
Ngày 15/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh không điều kiện.
Chọn: A
Câu 3.
Phương pháp: Dựa trên nguyên nhân Pháp xâm lược Việt Nam, suy luận
Cách giải:
Lí do Pháp xâm lược Việt Nam:
* Về phía Pháp: Đang cần thị trường, thuộc địa.
* Về phía Việt Nam:
- Là quốc gia đông dân, giàu tài nguyên, có vị trí địa lí quan trọng.
- Chế độ phong kiến đang khủng hoảng, suy yếu nghiêm trọng.
Chọn: D
Câu 4.
Phương pháp: sgk Lịch sử 11, trang 91.
Cách giải:
Ngày 29/9/1938, Hội nghị Muy-ních được triệu tập với sự tham gia của người đứng đầu các chính phủ Anh, Pháp, Đức, Italia.
Chọn: D
Câu 5.
Phương pháp: sgk Lịch sử 11, trang 101.
Cách giải:
Hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ hai đối với con người là vô cùng nặng nề: 60 triệu người chết, 90 triệu người bị thương.
Chọn: B
Câu 6.
Phương pháp: sgk Lịch sử 11, trang 111.
Cách giải:
Hiệp ước Nhâm Tuất được hoàn thành kí kết ngày 5/6/1862.
Chọn: A
Câu 7.
Phương pháp: Phân tích quan hệ quốc tế trước Chiến tranh thế giới thứ hai.
Cách giải:
Bản chất sự liên kết các nước trong “phe Trục” là liên minh các nước phát xít: Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản. Phe Trục này được hình thành vào những năm 30 của thế kỉ XX còn được gọi là Trục Béc-lin - Rô-ma - Tô-ki-ô.
Chọn: C
Câu 8.
Phương pháp: Dựa trên quan hệ quốc tế trước Chiến tranh thế giới thứ hai, loại trừ.
Cách giải:
- Đáp án A loại vì lúc này Liên Xô chưa tuyên chiến ngay lập tức với Đức mà đàm phán với Đức để tránh 1 cuộc chiến tranh và bảo vệ lợi ích quốc gia trong tình thế bị các nước tư bản cô lập.
- Đáp án B loại vì không có hoạt động nào chứng tỏ Liên Xô coi chủ nghĩa phát xít là đối tác.
- Đáp án C loại vì chỉ có Anh, Pháp nhân nhượng Đức trong Hội nghị Muy-ních.
- Đáp án D đúng vì với các hoạt động xâm lược của phe phát xít, Liên Xô đã coi chủ nghĩa phát xít là kẻ thù nguy hiểm nên chủ trương liên kết với các nước Anh, Pháp để chống phát xít và nguy cơ chiến tranh.
Chọn: D
Câu 9.
Phương pháp: Phân tích các hành động của phe phát xít, nhận xét.
Cách giải:
- Đáp án A loại vì đây chỉ là 1 trong các nguyên nhân thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước lớn chống lại phe phát xít.
- Đáp án B đúng vì hành động xâm lược của phe phát xít đã làm cho các nước lo ngại. Cụ thể là Anh, Pháp sau đó có Mĩ đã bắt tay với Liên Xô để cùng chống lại các nước phát xít.
- Đáp án C loại vì lúc này Anh chưa thất bại trên chiến trường (Anh có ưu thế về hải quân, không quân và có sự viện trợ của Mĩ nên kế hoạch đổ bộ lên nước Anh của quân Đức không thực hiện được).
- Đáp án D loại vì thực tế chiến trường cho thấy chỉ có một số nước lớn tham chiến.
Chọn: B
Câu 10.
Phương pháp: sgk Lịch sử 11, trang 116.
Cách giải:
Đứng trước vận nước nguy nan, một số quan chức, sĩ phu có học vấn cao, có dịp đi nước ngoài , tầm mắt rộng mở như: Nguyễn Hiệp, Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ, Đinh Văn Điền,… và đặc biệt là Nguyễn Trường Tộ, đã mạnh dạn dâng lên triều đình những bản điều trần, bày tỏ ý kiến cải cách Duy tân.
Chọn: B
Câu 11.
Phương pháp: sgk Lịch sử 11, trang 117.
Cách giải:
Để chuẩn bị tấn công ra Bắc Kì lần thứ nhất, thực dân Pháp đã phái gián điệp ra Bắc, điều tra tình hình bố phòng của ta, bắt liên lạc với Giăng Đuy-puy, một lái buôn đang hoạt động tại vùng biển Trung Quốc – Việt Nam. Ngoài ra, Pháp còn lôi kéo một số tín đồ Công giáo lầm lạc, kích động họ nổi dậy chống triều đình, hình thành đạo quân nội ứng cho cuộc xâm lược sắp đến.
Chọn: C
Câu 12.
Phương pháp: sgk Lịch sử 11, trang 117.
Cách giải:
Tướng Pháp chỉ huy cuộc tấn công ra Bắc Kì lần thứ nhất (1873) là Gác-ni-ê.
Chọn: A
Câu 13.
Phương pháp: Dựa trên cuộc kháng chiến chống Pháp của nhà Nguyễn tại Bắc Kì.
Cách giải:
Quân triều đình đã thực hiện chiến thuật phòng thủ, dựa vào thành đánh giặc, chưa kết hợp với nhân dân kháng chiến. => nhanh chóng thất thủ tại thành Hà Nội năm 1873.
Chọn: C
Câu 14.
Phương pháp: Phân tích bối cảnh lịch sử cuối năm 1913, giải thích.
Cách giải:
Cuối năm 1913, cách mạng Việt Nam trải qua giai đoạn khó khăn là do thực dân Pháp tăng cường khủng bố trước những hoạt động của Việt Nam Quang phục hội, Phan Bội Châu bị bắt.
Chọn: A
Câu 15.
Phương pháp: sgk Lịch sử 11, trang 139.
Cách giải:
Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam đã làm xuất hiện các giai cấp và tầng lớp xã hội mới, đó là: Công nhân, tư sản dân tộc và tiểu tư sản.
Chọn: B
Câu 16.
Phương pháp: sgk Lịch sử 11, trang 146.
Cách giải:
Chiến tranh thế giới thứ nhất làm cho hàng hóa nhập khẩu từ Pháp sang Đông Dương giảm.
Chọn: A
Câu 17.
Phương pháp: sgk Lịch sử 11, trang 152.
Cách giải:
Đối với các nhà yêu nước tiền bối, Nguyễn Tất Thành rất khâm phục tinh thần yêu nước, nhưng không tán thành con đường cứu nước của họ.
Chọn: C
Câu 18.
Phương pháp: sgk Lịch sử 11, trang 152.
Cách giải:
Trong bối cảnh con đường cứu nước giải phóng dân tộc ở Việt Nam đang bế tắc, chưa có lối thoát, với tinh thần yêu nước và ý chí đánh đuổi thực dân Pháp, Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước.
Chọn: D
Câu 19.
Phương pháp: So sánh hoạt động của Nguyễn Tất Thành với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh.
Cách giải:
Trong hành trình tìm đường cứu nước, nhận thức đầu tiên của Nguyễn Tất Thành, khác với các nhà yêu nước đi trước là: Ở đâu bọn đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu người lao động cũng bị áp bức bóc lột dã man.
Chọn: B
Câu 20.
Phương pháp: sgk Lịch sử 11, trang 154.
Cách giải:
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thất bại của phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỉ XIX là: Thiếu một lực lượng xã hội tiên tiến, có đủ năng lực và để ra đường lối đúng để lãnh đạo phong trào.
Chọn: C
B. TỰ LUẬN
Câu 1.
a. Phương pháp: sgk Lịch sử 11, trang 137 – 139.
Cách giải:
* Chính trị:
- Chia Việt Nam thành ba xứ với ba chế độ cai trị khác nhau: Bắc Kì là xứ nửa bảo hộ, Trung Kì theo chế độ bảo hộ, Nam Kì theo chế độ thuộc địa.
- Tổ chức bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương đều do thực dân Pháp chi phối.
* Kinh tế:
- Nông nghiệp: Pháp đẩy mạnh việc cướp đoạt ruộng đất, lập các đồn điền.
- Công nghiệp:
+ Pháp tập trung khai thác than và kim loại.
+ Ngoài ra, Pháp đầu tư vào một số ngành khác như xi măng, điện, chế biến gỗ, xay xát gạo, giấy, diêm,...
- Giao thông vận tải: Thực dân Pháp xây dựng hệ thống giao thông vận tải đường bộ, đường sắt để tăng cường bóc lột kinh tế và phục vụ mục đích quân sự.
- Về thương nghiệp:
+ Pháp độc chiếm thị trường Việt Nam, hàng hoá của Pháp nhập vào Việt Nam chỉ bị đánh thuế rất nhẹ hoặc được miễn thuế, nhưng đánh thuế cao hàng hoá các nước khác.
+ Hàng hóa của Việt Nam chủ yếu là xuất sang Pháp.
- Tài chính: đề ra các thứ thuế mới bên cạnh các loại thuế cũ, nặng nhất là thuế muối, thuế rượu, thuế thuốc phiện,...
* Văn hóa - giáo dục:
- Chính sách của Pháp hạn chế phát triển giáo dục ở thuộc địa, duy trì chế độ giáo dục của thời phong kiến, lợi dụng hệ tư tưởng phong kiến và tri thức cựu học để phục vụ chế độ mới.
- Số trường học chỉ được mở một cách dè dặt, số trẻ được đến trường rất ít, càng ở các lớp cao, số học sinh càng giảm dần.
- Thực hiện chính sách “Ngu dân”: kìm hãm nhân dân ta trong vòng ngu dốt để dễ bề cai trị.
b. Phương pháp: Phân tích.
Cách giải:
Những tác động của chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp đối với nước ta:
* Về kinh tế:
- Tích cực:
+ Cuộc khai thác của Pháp làm xuất hiện nền công nghiệp thuộc địa mang yếu tố thực dân
+ Thành thị theo hướng hiện đại ra đời, bước đầu làm xuất hiện nền kinh tế hàng hoá, tính chất tự cung tự cấp của nền kinh tế cũ bị phá vỡ.
+ Xây dựng được hệ thống giao thông vận tải.
- Tiêu cực: Một trong những mục tiêu của công cuộc khai thác là vơ vét sức người, sức của nhân dân thuộc địa. Do vậy:
+ Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cùng kiệt
+ Nông nghiệp lạc hậu, dậm chân tại chỗ
+ Công nghiệp phát triển nhỏ giọt, mất cân đối, thiếu hẳn công nghiệp nặng.
=> Nền kinh tế Việt Nam cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ, lạc hậu và phụ thuộc vào nền kinh tế chính quốc.
* Về xã hội: Bên cạnh các giai cấp cũ không ngừng bị phân hoá, xã hội Việt Nam đã xuất hiện thêm những giai cấp, tầng lớp mới:
- Giai cấp địa chủ phong kiến: đầu hàng, làm tay sai cho thực dân Pháp. Tuy nhiên, có một bộ phận địa chủ vừa và nhỏ có tinh thần yêu nước.
- Giai cấp nông dân: có số lượng đông đảo, bị áp bức bóc lột nặng nề. Họ sẵn sàng hưởng ứng, tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
- Tầng lớp tư sản: có nguồn gốc từ các nhà thầu khoán, chủ xí nghiệp, xưởng thủ công, chủ hãng buôn,... bị kìm hãm, chèn ép, chưa có tinh thần cách mạng.
- Tiểu tư sản thành thị: bao gồm chủ các xưởng thủ công nhỏ, viên chức cấp thấp và những người làm nghề tự do. Đó là những người có trình độ học vấn, nhạy bén với thời cuộc nên đã sớm giác ngộ và tích cực tham gia vào cuộc vận động cứu nước đầu thế kỉ XX.
- Công nhân: xuất thân từ nông dân, làm việc trong các đồn điền, hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp,… đời sống khổ cực, có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ chống giới chủ nhằm cải thiện đời sống.
- Đời sống nhân dân khổ cực, mâu thuẫn xã hội sâu sắc.
Câu 2.
Phương pháp: sgk Lịch sử 11, trang 140 – 141.
Cách giải:
* Chủ trương: Phan Bội Châu cho rằng: “nợ máu chỉ có thể trả bằng máu”, ông kiên trì dùng bạo lực giành độc lập. Ông cũng quan niệm, Nhật Bản cùng màu da, cùng văn hoá Hán học (đồng chủng, đồng văn), lại đi theo con đường tư bản châu Âu, giàu mạnh lên và đánh thắng đế quốc Nga (1905).
* Hoạt động:
- Tháng 5/1904, Phan Bội Châu lập Hội Duy tân ở Quảng Nam.
+ Mục đích: đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập, thành lập chính thể quân chủ lập hiến.
+ Hội tổ chức phong trào Đông Du, đưa gần 200 học sinh sang Nhật học.
+ Tháng 8/1908, Nhật bắt tay với Pháp trục xuất tất cả lưu học sinh Việt Nam và Phan Bội Châu. Phong trào tan rã.
- Nguyên nhân thất bại: do các thế lực đế quốc (Nhật - Pháp) cấu kết với nhau để trục xuất thanh niên yêu nước Việt Nam ở Nhật.
- Tháng 6/1912, Phan Bội Châu lập Việt Nam Quang phục hội:
+ Tôn chỉ: “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước Cộng hòa Dân quốc Việt Nam”.
+ Hội tổ chức ám sát những tên thực dân đầu sỏ, tấn công các đồn binh Pháp ở Vân Nam,...
+ Hoạt động của Việt Nam Quang phục hội trong buổi đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, khuấy động được dư luận trong và ngoài nước. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn ít trong khi lực lượng hao tổn khá lớn, nhiều người bị bắt và bị giết.
- Ngày 24/12/1913: Phan Bội Châu bị giới quân phiệt Trung Quốc bắt giam ở nhà tù Quảng Đông.
- Năm 1925, Phan Bội Châu bị bắt, rồi bị giam lỏng ở Huế cho đến khi qua đời.
* Bài học rút ra từ phong trào:
- Chủ trương bạo động là đúng, nhưng tư tưởng cầu viện là sai (không thể dựa vào đế quốc đánh đế quốc được).
- Cần xây dựng thực lực trong nước, trên cơ sở đó mà tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế chân chính.
Câu 3.
Phương pháp: Liên hệ, phân tích.
Cách giải:
* Chính trị:
- Tích cực:
+ Hội nhập và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
+ Liên kết, hợp tác có hiệu quả để giải quyết các vấn đề về chính trị.
- Tiêu cực: Sự cạnh tranh, các mâu thuẫn quốc tế vẫn luôn tồn tại giữa các nước, từ đó, đặt ra những thách thức trong hợp tác chính trị - an ninh giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
* Kinh tế - xã hội:
- Tích cực: Việt Nam có điều kiện hội nhập, giao lưu, học hỏi và phát triển về kinh tế cũng như thúc đẩy ổn định xã hội và giải quyết các vấn đề về kinh tế - xã hội.
- Tiêu cực:
+ Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
+ Bên cạnh đó, Việt Nam phải giải quyết vấn đề hội nhập, hòa nhập nhưng không hòa tan, không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, giải quyết vấn đề giữa cân bằng tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội trước những tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập.
Nguồn: Sưu tầm