Đề kiểm tra 15 phút chương 1 phần 3 - Đề số 8 có lời giải chi tiết

Đề bài

I. TRẮC NGHIỆM

Câu 1. Phong trào nông dân Yên Thế bùng nổ do

A. muốn giúp vua cứu nước

B. vì bị vua quan phong kiến áp bức nặng nề.

C. muốn lật đổ vương triều nhà Nguyễn

D. căm thù Pháp, chống Pháp để bảo vệ cuộc sống tự do.

Câu 2. “Phàm những người đã cùng dự mối lo này, tưởng cũng tự biết. Biết thì phải dự vào công việc, nghiến răng dựng tóc để giết giặc, nào ai không có cái lòng như thế?”. Đoạn trích trên nằm trong tác phẩm nào và mục đích viết tác phẩm này là gì

A. Chiếu Cần vương, kêu gọi nhân dân giúp vua cứu nước.

B. Chiếu Cần vương, thể hiện tinh thần đoàn kết của nhân dân.

C. Chiếu dời đô, đưa ra lí do cần chuyển kinh đô sang vùng đất mới

D. Chiếu dời đô, kêu gọi nhân dân đoàn kết chống giặc Tống.

Câu 3. Lãnh đạo của phong trào Cần vương thuộc tầng lớp nào?

A. Nông dân. B. Thị dân.

C. Văn thân, sĩ phu. D. Tiểu tư sản.

Câu 4. Phong trào Cần vương mang tính chất

A. Là phong trào yêu nước dưới ngọn cờ phong kiến

B. Là một cuộc khởi nghĩa nông dân bình thường

C. Là phong trào khởi nghĩa mang tính tự giác

D. Là một cuộc đấu tranh chính trị, biểu tình mang chất tự phát.

Câu 5. Đâu là đặc điểm của căn cứ Bãi Sậy?

A. Là vùng đầm, hồ, lau lách có nhiều hào lũy cạm bẫy.

B. Là vùng sông nước, thuận lợi cho thủy chiến.

C. Là vùng rừng núi hiểm trở, nhiều mai phục.

D. Là vùng trung du đồi núi, với hình thức đóng doanh trại.

Câu 6. Các phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX chủ yếu diễn ra ở

A. Bắc kì, Nam kì.

B. Trung Kì, Nam kì.

C. Nam kì.

D. Bắc kì, Trung kì.

Câu 7. Mục tiêu của phong trào Cần vương là

A. Đánh Pháp, giành độc lập dân tộc, lập lại chế độ phong kiến .

C. Đánh Pháp, thiết lập chế độ dân chủ tư sản.

B. Lật đổ chế độ phong kiến cũ thiết lập chế độ phong kiến mới.

D. Lật đổ chế độ phong kiến cũ thối nát, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển .

Câu 8.

“Súng ta chế được vừa xong

Đem ra mà bắn nức lòng lắm thay

Bắn cho tiệt giống quân Tây

Cậy nhiều sống ống phen này hết khoe.”

Trên đây là bài thơ nằm ca ngợi việc chế tạo được súng theo mẫu súng trường của Pháp trong cuộc khởi nghĩa nào

A. Bãi sậy B. Ba Đình

C. Yên Thế D. Hương Khê

II. TỰ LUẬN

Câu 1: Tóm lược diễn biến 2 giai đoạn của phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX và rút ra đặc điểm của mỗi giai đoạn.

Câu 2: Tại sao khởi nghĩa Hương Khê được coi là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương?

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. TRẮC NGHIỆM

1. D

2. A

3. C

4. A

5. A

6. D

7. A

8. D

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 133.

Cách giải:

Yên Thế là vùng bán sơn địa ở phía tây bắc Bắc Giang. Vào giữa thế kỉ XIX, do tình trạng suy sụp của nền nông nghiệp nước ta, tại đâu đã hình thành những xóm làng của nông dân nghèo từ các nơi tụ họp về. Họ nương tựa vào nhau để sinh sống và chống lại các thế lực từ bên ngoài. Khi thực dân Pháp chiếm Bắc Kì, chúng đưa quân lên bình định cả vùng Yên Thế để bảo vệ cuộc sống của mình, nhân dân ở đây đã đứng lên tự vệ.

Chọn đáp án: D

Câu 2

Phương pháp: liên hệ

Cách giải:

Đoạn trích nằm trong “Chiếu Cần vương” . Ngày 13-7-1885, khi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị). Tôn Thất Thuyết đã lấy danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi văn thân, sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên vì vua mà kháng chiến (kêu gọi nhân dân giúp vua cứu nước).

Chọn đáp án: A

Câu 3.

Phương pháp: so sánh.

Cách giải:

Lãnh đạo phong trào Cần vương khác với phong trào nông dân Yên Thế. Nếu phong trào Cần vương do văn thân, sĩ phu lãnh đạo thì phong trào nông dân Yên Thế là nông dân.

Chọn đáp án: C

Câu 4.

Phương pháp: so sánh.

Cách giải:

Khác với phong trào Cần vương bùng nổ mới mục đích giúp vua cứu nước mang tính chất là phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong kiến, mang tính dân tộc sâu sắc thì khởi nghĩa Yên Thế là phong trào tự vệ, tự phát nhằm bảo vệ cuộc sống trước chính sách bình định của thực dân Pháp.

Chọn đáp án: A

Câu 5.

Phương pháp: liên hệ

Cách giải:

Bãi Sậy là một vùng lau sậy rậm rạp, là một trong những căn cứ kháng chiến tiêu biểu nhất ở Bắc kì cuối thế kỉ XIX, nay thuộc các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ của tỉnh Hưng Yên.

Bãi Sậy có vị trí trọng yếu, án ngữ những tuyến thủy, bộ quan trọng của vùng tả ngạn sông Hồng. Tuy là vùng đồng bằng nhưng rất hiểm trở bởi những cánh rừng lau sậy rộng lớn, um tùm, sình lầy, cộn thêm vào đó là hệ thống hầm chông, cạm bẫy của nghĩa quân đã làm cho vùng này càng trở nên bí hiếm với những câu chuyện “cò biết cắn”, “rắn hai đầu”,…

Điều kiện tự nhiên ở Bãi Sậy rất thuận lợi cho nghĩa quân ẩn náu cũng như khi tiến hành tấn công giặc, đặc biệt khi chống giặc càn quét. Do đó, Nguyễn Thiện Thuật đã phát động khởi nghĩa, chọn nơi này làm căn cứ, để từ đây nghĩa quân có thể xuất đánh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, …rồi tỏa ra khắp vùng tả ngạn, khiến địch không thể lường trước được.

Chọn đáp án: A

Câu 6.

Phương pháp: phân tích, nhận xét

Cách giải:

Phong trào Cần vương trong giai đoạn từ năm 1885 đến 1888 chủ yễu diễn ra ở Trung Kì (từ Huế trở ra) và Bắc Kì. Giai đoạn hai từ năm 1888 đến 1896, địa bàn thu hẹp, quy tụ thành những trung tâm lớn. Trọng tâm chuyển lên vùng núi và trung du, tiêu biểu có khởi nghĩa Hùng Lĩnh.

Sở dĩ phong trào đấu tranh ở Bắc Kì và Trung Kì phát triển hơn Nam Kì vì Nam Ki là vùng đất Pháp đã chiếm được từ sớm, năm 1874 Pháp đã biến 6 tỉnh Nam Kì thành thuộc địa, xây dựng và thiết chặt bộ máy cai tri ở đây. Còn Bắc Kì và Trung Kì, đến năm 1884, Pháp mới hoàn thành xâm chiếm. Chính vì thế đến năm 1888, cách 4 năm Pháp chưa thể củng cố vững chắc nền thống trị ở hai vùng này.

Chọn đáp án: D

Câu 7.

Phương pháp: so sánh

Cách giải:

Mục tiêu của phong trào Cần vương là đánh Pháp, giành độc lập dân tộc, lập lại chế độ phong kiến thì mục tiêu của phong trào nông dân Yên Thế là bảo vệ cuộc sống yên bình chống lại những chính sách cướp bóc và bình định của giặc Pháp.

Chọn đáp án: A

Câu 8.

Phương pháp: sgk trang 132.

Cách giải:

Trong cuộc khơi nghĩa Hương Khê gia đoạn đầu (1885-1888). Trong một trận phục kích nghĩa quân thu được 17 khẩu súng trường của Pháp và 600 viên đạn. Cao Thắng cùng một số thợ rèn ở làng Trung Lương và Vân Chàng (Đức Thọ) dày công nghiên cứu và chế tạo thành công loại sung trường này, chế tạo được 500 khẩu trang bị cho nghĩa quân. Pháp phải công nhận sung trường của Cao Thắng chế tạo giống hệt những khẩu sung trường của binh xưởng nước Pháp chế tạo, chỉ khác ở 2 điểm: lò xo yếu và nòng sung không được xẻ rãnh nên đạn đi không xa và không mạnh. Tuy nhiên, trong điều kiện kỹ thuật đương thời thì đó là một thành công lớn.

Chọn đáp án: D

II. TỰ LUẬN

Câu 1:

Phương pháp: sgk Lịch sử 11 trang 126-128.

Cách giải:

Nội dung

Giai đoạn thứ nhất (1885 - 1888)

Giai đoạn thứ hai (1888 - 1896)

Lãnh đạo

Vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết, văn thân, sĩ phu yêu nước.

Văn thân, sĩ phu yêu nước.

Lực lượng

Đông đảo nhân dân, có cả dân tộc thiểu số.

Đông đảo nhân dân, có cả dân tộc thiểu số.

Địa bàn

- Rộng lớn, khắp Bắc và Trung Kì.

- Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng ở Bình Định, đề đốc Tạ Hiện (Thái Bình), Nguyễn Thiện Thuật (Hưng Yên),…

- Thu hẹp, quy tụ dần thành các trung tâm lớn, chuyển trọng tâm hoạt động lên vùng trung du và miền núi.

- Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh do Cao Điển và Tống Duy Tân lãnh đạo, khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo,…

Kết quả

Cuối năm 1888, do sự phản bội của Trương Quang Ngọc, vua Hàm Nghi rơi vào tay giặc và chịu án lưu đày sang An-giê-ri (Bắc Phi).

Năm 1896, phong trào Cần vương chấm dứt.

Đặc điểm

- Phong trào diễn ra dưới danh nghĩa “Cần vương”.

- Phát huy cao độ lòng yêu nước, huy động sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.

- Nổ ra lẻ tẻ, rời rạc, chưa tạo thành sự liên kết giữa các cuộc khởi nghĩa.

- Mặc dù nhà vua đã bị bắt, phong trào vẫn diễn ra sôi nổi.

- Phát huy cao độ lòng yêu nước, huy động sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.

- Nổ ra lẻ tẻ, rời rạc, chưa tạo thành sự liên kết giữa các cuộc khởi nghĩa.

Câu 2:

Phương pháp: sgk Lịch sử 11 trang 131-133, suy luận

Cách giải:

Nói khởi nghĩa Hương Khê là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương, vì:

- Quy mô, địa bàn hoạt động: rộng lớn, gồm 4 tỉnh Bắc Trung Kì: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

- Trình độ tổ chức quy củ: gồm 15 quân thứ, mỗi quân thứ có từ 100 đến 500 người do các tướng lĩnh tài ba chỉ huy.

- Thời gian tồn tại: dài nhất trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần vương (12 năm từ năm 1885 đến năm 1896).

- Phương thức tác chiến: tiến hành chiến tranh du kích nhưng hình thức phong phú, linh hoạt. Nghĩa quân đã tự chế tạo được súng trường.

- Khởi nghĩa thất bại đánh dấu mốc kết thúc của phong trào đấu tranh chống Pháp dưới ngọn cờ Cần vương.