Đề bài
Câu 1: Phong trào Cần vương là phong trào yêu nước theo khuynh hướng ý thức hệ tư tưởng nào?
A. Dân chủ tư sản. B. Tư sản.
C. Vô sản. D. Phong kiến.
Câu 2: Người lãnh đạo chủ yếu của cuộc khởi nghĩa Hương Khê là?
A. Hoàng Hoa Thám.
B. Tôn Thất Thuyết.
C. Phan Đình Phùng.
D. Nguyễn Thiện Thuật.
Câu 3: Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam đã làm xuất hiện những lực lượng xã hội mới nào?
A. Địa chủ phong kiến, tư sản, công nhân.
B. Công nhân, nông dân, tư sản.
C. Công nhân, tư sản, tiểu tư sản.
D. Địa chủ phong kiến, công nhân dân.
Câu 4: Sau Hiệp ước 1862, phong trào đấu tranh của nhân dân 3 tỉnh miền Đông Nam Kì có gì khác so với giai đoạn trước?
A. Nhân dân tự tổ chức kháng chiến.
B. Nhân dân đầu hàng thực dân Pháp.
C. Hợp tác với triều đình chống Pháp.
D. Chống pháp và chống phong kiến đầu hàng.
Câu 5: Theo Hiệp ước Giáp Tuất (1874) Pháp sẽ
A. được toàn quyền xử trí đội quân Cờ đen.
B. rút quân khỏi Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Kì.
C. rút quân khỏi sáu tỉnh Nam Kì.
D. giúp triều đình giải quyết vụ Giăng Đuy-puy.
Câu 6: Sau Hiệp ước 1862, phong trào đấu tranh nào của nhân dân ở 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ đã làm Pháp gặp khó khăn trong việc quản lý vùng đất mới
A. Bám sát địch quấy rối và tiêu diệt.
B. Phong trào” tị địa”.
C. Vườn không nhà trống.
D. Bất hợp tác với giặc.
Câu 7: Cuộc khởi nghĩa nào không nào không nằm trong phong trào Cần vương?
A. Yên Thế. B. Hương Khê.
C. Bãi Sậy. D. Ba Đình.
Câu 8: Năm 1882, Pháp đã cử tướng nào đưa quân ra Bắc Kì lần 2?
A. Ri-vi-e. B. Giăng Đuy-puy.
C. Gác-ni-ê. D. Ét-pê-răng.
Câu 9: Phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta (1858-1883) chủ yếu do lực lượng nào tổ chức, lãnh đạo?
A. Triều đình.
B. Nông dân.
C. Văn thân, sĩ phu yêu nước.
D. Địa chủ, phú nông.
Câu 10: Hãy chọn phương án phù hợp để hoàn thiện đoạn dữ liệu sau: Âm mưu của Pháp là chiếm… làm căn cứ rồi tấn công ra…., nhanh chóng buộc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng.
A. Lăng Cô … Huế.
B. Gia Định … Hà Nội.
C. Huế ... Hà Nội.
D. Đà Nẵng … Huế.
Câu 11: Quy mô của cuộc khởi nghĩa Hương Khê diễn ra trong 4 tỉnh nào?
A. Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị.
B. Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị.
C. Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
D. Thanh Hóa, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Trị.
Câu 12: Đêm mồng 4 rạng sáng 5/7/1885 phe chủ chiến tấn công quân Pháp ở đâu?
A. Tòa Khâm sứ. B. Tân Hòa.
C. Hương Khê. D. Thuận An.
Câu 13: Hoạt động chủ yếu của các văn thân sĩ phu yêu nước ở miền Tây Nam Kì (1867)?
A. Kêu gọi nhân dân kháng chiến.
B. Bất hợp tác với giặc.
C. Ủng hộ chính sách của triều đình.
D. Bỏ đi nơi khác.
Câu 14: Năm 1882, ai là người giữ chức Tổng Đốc Hà Nội?
A. Hoàng Tá Viêm.
B. Nguyễn Tri Phương.
C. Hoàng Diệu.
D. Lưu Vĩnh Phúc.
Câu 15: Hiệp ước Hác- măng (1883) và Pa-tơ-nốt (1884) phản ánh điều gì?
A. Pháp hoàn thành về cơ bản cuộc xâm lược Việt Nam.
B. Pháp hoàn thành việc thiết lập chế độ bảo hộ ở Việt Nam.
C. Pháp hoàn thành công cuộc bình định Việt Nam.
D. Pháp hoàn thành việc xây dựng bộ máy chính quyền thực dân.
Câu 16: Lãnh đạo của phong trào Cần vương trong giai đoạn 1885-1888 là ai?
A. Văn thân, sĩ phu yêu nước.
B. Hàm nghi và Tôn Thất Thuyết.
C. Địa chủ, phú nông.
D. Quan lại phong kiến.
Câu 17: Sự kiện nào đánh dấu Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) lan rộng ra toàn thế giới?
A. Nhật Bản tấn công Trân Châu cảng.
B. Đức tấn công Ba Lan, buộc Anh và Pháp phải tuyên chiến với Đức.
C. Mĩ tuyên chiến với Nhật sau đó là Đức, Italia.
D. Phát xít Đức tấn công Liên Xô.
Câu 18: Sự kiện nào trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) được coi là thời cơ của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam?
A. 15/8/1945 Nhật Bản đầu hàng không điều kiện.
B. Mĩ ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản (6/8/1945 và 9/8/1945).
C. 5/1943 quét sạch quân Đức - Ita-li-a ra khỏi lục địa châu Phi.
D. 9/5/1945 Đức kí văn bản đầu hàng vô điều kiện.
Câu 19: Qua công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, phương thức sản xuất nào từng bước du nhập vào Việt Nam?
A. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
B. Phương thức sản xuất phong kiến.
C. Phương thức sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp.
D. Phương thức sản xuất thực dân.
Câu 20: Nguyên nhân cơ bản nhất khiến Pháp chú ý đến việc xây dựng hệ thống giao thông ở Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất là?
A. Thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, thống nhất thị trường.
B. Thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các vùng.
C. Phục vụ công cuộc khai thác và mục đích quân sự.
D. Phục vụ việc phát triển công nghiệp của Pháp ở Việt Nam.
Câu 21: Trước cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, xã hội Việt Nam có 2 giai cấp cơ bản nào?
A. Địa chủ phong kiến và nông dân.
B. Địa chủ phong kiến và công nhân.
C. Địa chủ phong kiến và tư sản.
D. Công nhân, nông dân.
Câu 22: Phe chủ chiến trong triều đình dựa vào đâu để có thể mạnh tay hành động chống Pháp?
A. Được nhà Thanh giúp đỡ đánh Pháp.
B. Sự ủng hộ của vua quan triều đình.
C. Phong trào phản đối hai hiệp ước của nhân dân.
D. Thực dân Pháp đang lơ là vì đã hoàn thành cuộc xâm lược.
Câu 23: Từ 1888-1896, lãnh đạo phong trào Cần vương có điểm gì khác so với giai đoạn trước?
A. Do các văn thân, sỹ phu yêu nước và nông dân lãnh đạo.
B. Do các văn thân, sỹ phu yêu nước tiến bộ lãnh đạo.
C. Có sự chỉ đạo của triều đình (Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết).
D. Không có sự chỉ đạo của triều đình (Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết).
Câu 24: Dưới tác động của chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất, tầng lớp nào có quan hệ gắn bó mật thiết với nông dân Việt Nam?
A. Tư sản. B. Công nhân.
C. Tiểu tư sản. D. Địa chủ phong kiến.
Câu 25: Ba tỉnh miền Tây Nam Kì bị Pháp chiếm gọn trong 5 ngày (từ 20 đến 24/6/1867) gồm các tỉnh nào?
A. Vĩnh Long, Gia Định, Hà Tiên.
B. An Giang, Định Tường, Biên Hòa.
C. Gia Định, Định Tường, Biên Hòa.
D. Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
Câu 2: Người đứng đầu phe chủ chiến chủ trương chống Pháp trong triều đình Huế là ai?
A. Hoàng Hoa Thám.
B. Tôn Thất Thuyết.
C. Hàm Nghi.
D. Phan Đình Phùng.
Câu 27: Để loại trừ sự can thiệp của nhà Thanh vào Việt Nam, năm 1884 Pháp đã kí với chính quyền Mãn Thanh văn bản nào?
A. Điều ước Bắc Kinh.
B. Quy ước Thiên Tân.
C. Điều ước Tân Sửu.
D. Điều ước Nam Kinh.
Câu 28: Sau hai Hiệp ước năm 1883 và 1884 Pháp bắt đầu xúc tiến việc thiết lập chế độ bảo hộ và bộ máy chính quyền thực dân ở đâu?
A. Bắc Kì và Trung Kì.
B. Bắc Kì và Nam Kì.
C. Nam Kì và Trung Kì.
D. Bắc Kì, Trung Kì, Nam Kì.
Câu 29: Người lãnh đạo chủ yếu của cuộc khởi nghĩa Yên Thế là?
A. Đinh Công Tráng. B. Cường Để.
C. Đề Nắm. D. Hoàng Hoa Thám.
Câu 30: Cuộc khởi nghĩa nào là tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương?
A. Bãi Sậy. B. Ba Đình.
C. Yên Thế. D. Hương Khê.
Câu 31: Hiệp ước nào đánh dấu triều đình nhà Nguyễn chính thức thừa nhận 6 tỉnh Nam Kì là đất thuộc Pháp?
A. Hiệp ước Pa-tơ-nốt.
B. Hiệp ước Giáp Tuất.
C. Hiệp ước Hác-măng.
D. Hiệp ước Nhâm Tuất.
Câu 32: Tại sao nhân dân ta hai lần giành thắng lợi lớn ở trận Cầu Giấy?
A. Sự mưu trí của đội quân do Hoàng Tá Viêm và Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy cùng cuộc kháng chiến của nhân dân.
B. Có sự chỉ đạo, phối hợp giữa triều đình và nhân dân.
C. Lực lượng của Pháp ở Bắc Kì còn mỏng.
D. Nhờ sự chi viện của nhà Thanh.
Câu 33: Khi tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất Pháp cử ai sang làm Toàn quyền Đông Dương?
A. Gác-ni-e. B. Pôn-Đu-me.
C. An-be Xa-rô. D. Cuốc-xy.
Câu 34: Khi thành Hà Nội bị giặc chiếm (1873), các sĩ phu văn thân yêu nước đã tổ chức nhân dân kháng chiến dưới hình thức nào?
A. Ngày đêm bám sát địch quấy rối và tiêu diệt địch.
B. Lập Nghĩa hội, bí mật tổ chức chống Pháp.
C. Bỏ đi nơi khác sống, không chịu hợp tác với Pháp.
D. Bất hợp tác với Pháp, không bán lương thực.
Câu 35: Ý nào dưới đây không phải là nguyên nhân làm bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945)?
A. Chính sách nhượng bộ của Anh, Pháp sự trung lập của Mĩ.
B. Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về vấn đề thuộc địa.
C. Thế giới hình thành hai khối quân sự đối đầu nhau, chạy đua vũ trang.
D. Hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới làm chủ nghĩa phát xít ra đời, đẩy mạnh xâm lược.
Câu 36: Đặc điểm cơ bản của nông nghiệp Việt Nam giữa thế kỉ XIX trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam là gì?
A. Tổ chức lễ cày tịch điền, khuyến khích sản xuất.
B. Nhà nước quan tâm đến đê điều.
C. Chú ý bảo vệ sức kéo cho nông nghiệp.
D. Đất đai khai khẩn tập trung trong tay cường hào, địa chủ.
Câu 37: Nguyên nhân ban đầu của khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) là gì?
A. Tinh thần yêu nước, đấu tranh chống Pháp giành độc lập tự do cho dân tộc.
B. Hưởng ứng chiếu Cần vương đứng lên giúp vua kháng chiến.
C. Phản đối hai Hiệp ước 1883, 1884.
D. Chống lại chính sách bình đình, cướp bóc của Pháp.
Câu 38: Chính sách nào của nhà Nguyễn đã gây ra mâu thuẫn, làm rạn nứt khối đoàn kết dân tộc và gây bất lợi cho cuộc kháng chiến?
A. Chính sách “bế quan tỏa cảng”.
B. Nhà nước nắm độc quyền thương nghiệp.
C. Thực hiện “cấm đạo”, đuổi giáo sĩ phương Tây.
D. Tổ chức khai khẩn quy mô nhưng ruộng đất tập trung trong tay địa chủ.
Câu 39: Năm 1882, Pháp lấy cớ gì để kéo quân ra Bắc Kì lần II?
A. Giúp triều đình giải quyết vụ Giăng Đuy-puy.
B. Giúp triều đình cải cách đất nước.
C. Vu cáo triều đình vi phạm Hiệp ước 1862.
D. Vu cáo triều đình vi phạm Hiệp ước 1874.
Câu 40: Ý nào phản ánh đúng nhất về chiếu Cần vương?
A. Kêu gọi văn thân sĩ phu, nhân dân cả nước giúp vua kháng chiến.
B. Kêu gọi văn thân sĩ phu kháng chiến.
C. Kêu gọi văn thân, sĩ phu đứng lên cùng triều đình kháng chiến.
D. Kêu gọi văn thân sĩ phu, nhân dân cùng triều đình kháng chiến.
Lời giải chi tiết
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
1 | D | 11 | C | 21 | A | 31 | B |
2 | C | 12 | A | 22 | C | 32 | A |
3 | C | 13 | B | 23 | D | 33 | B |
4 | D | 14 | C | 24 | B | 34 | B |
5 | B | 15 | A | 25 | D | 35 | C |
6 | B | 16 | B | 26 | B | 36 | D |
7 | A | 17 | C | 27 | B | 37 | D |
8 | A | 18 | A | 28 | A | 38 | C |
9 | C | 19 | A | 29 | D | 39 | D |
10 | D | 20 | C | 30 | D | 40 | A |
Câu 1.
Phương pháp: sgk trang 125, suy luận.
Cách giải:
Phong trào Cần Vương là phong trào yêu nước theo khuynh hướng, ý thức hệ phong kiến do mục tiêu của phong trào là đánh đổ thực dân Pháp, thiết lập lại ngôi vua và chế độ phong kiến. Sự thất bại của phong trào Cần Vương cũng đánh dấu sự thất bại của khuynh hướng phong kiến.
Chọn: D
Câu 2.
Phương pháp: sgk trang 131.
Cách giải:
Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Hương Khê là Phan Đình Phùng.
Chọn: C
Câu 3.
Phương pháp: sgk trang 138-139, suy luận.
Cách giải:
Lực lượng xã hội bao gồm cả giai cấp và tầng lớp. Lực lượng xã hội mới xuất hiện trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp ở Việt Nam (1897-1914) bao gồm:
- Giai cấp: công nhân.
- Tầng lớp: tư sản và tiểu tư sản.
Chọn: C
Câu 4.
Phương pháp: sgk trang 112, suy luận.
Cách giải:
Từ năm 1862 trở đi: triều đình Huế tỏ thái độ hòa hoãn với Pháp, vừa sợ Pháp vừa sợ dân, kí với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất (5-6-1862), công nhận 3 tỉnh miền Đông Nam Kì thuộc Pháp => Cuộc kháng chiến của nhân dân ta lúc này là kết hợp chống Pháp và chống phong kiến đầu hàng.
Chọn: D
Câu 5.
Phương pháp: sgk trang 119.
Cách giải:
Triều đình Huế kí với Pháp Hiệp ước Giáp Tuất (1874), theo đó quân Pháp rút khỏi Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Kì.
Chọn: B
Câu 6.
Phương pháp: sgk trang 112.
Cách giải:
Sau Hiệp ước 1862, phong trào “tị địa” diễn ra rất sôi nổi, khiến cho Pháp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức, quản lí những vùng đất chúng mới chiếm được.
Chọn: B
Câu 7.
Phương pháp: sgk trang 126-128, suy luận.
Cách giải:
- Ba cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào Cần vương là: Khởi nghĩa Ba Đình, Bãi Sậy, Hương Khê.
- Khởi nghĩa Yên Thế thuộc phong trào đấu tranh tự vệ của nhân dân cuối thế kỉ XIX.
Chọn: A
Câu 8.
Phương pháp: sgk trang 119.
Cách giải:
Ngày 3-4-1882, quân Pháp do Đại tá Ri-vi-e chỉ huy bất ngờ đổ bộ lên Hà Nội.
Chọn : A
Câu 9.
Phương pháp: Nhận xét phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta (1858-1883), đánh giá.
Cách giải:
Phong trào kháng chiến của nhân dân ta (1858 - 1883) chủ yếu do văn thân, sĩ phu yêu nước lãnh đạo. Đây thường là những người có học thức, được nhân dân ủng hộ và hưởng ứng.
Chọn : C
Câu 10.
Phương pháp: sgk trang 108.
Cách giải:
Âm mưu của Pháp là chiếm Đà Nẵng làm căn cứ, rồi tấn công ra Huế, nhanh chóng buộc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng.
Chọn : D
Câu 11.
Phương pháp: sgk trang 131.
Cách giải:
Địa bàn của cuộc khởi nghĩa Hương Khê là 4 tỉnh Bắc Trung Kì: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Chọn : C
Câu 12.
Phương pháp: sgk trang 125.
Cách giải:
Đêm mồng 4, rạng sáng ngày 5-7-1885, Tôn Thất Thuyết đã hạ lệnh tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá và tòa Khâm sứ.
Chọn : A
Câu 13.
Phương pháp: sgk trang 114, suy luận.
Cách giải:
Sau khi ba tỉnh miền Tây Nam Kì rơi vào tay Pháp, một số văn thân sĩ phu yêu nước bất hợp tác với giặc, tìm cách vượt biển ra vùng Bình Thuận (Nam Trung Kì) nhằm mưu cuộc kháng chiến lâu dài. Một số khác ở lại bám đất, bám dân, tiếp tục tiến hành cuộc vũ trang chống Pháp.
-> Hoạt động chủ yếu của các văn thân, sĩ phu yêu nước ở miền Tây Nam Kì (1867) là bất hợp tác với giặc.
Chọn: B
Câu 14.
Phương pháp: sgk trang 119.
Cách giải:
Năm 1882, Hoàng Diệu là người giữ chức Tổng đốc Hà Nội.
Chọn: C
Câu 15.
Phương pháp: sgk trang 124.
Cách giải:
Với các hiệp ước Hác-măng (1883) và Pa-tơ-nốt (1884), thực dân Pháp đã hoàn thành về cơ bản cuộc xâm lược Việt Nam.
Chọn: A
Câu 16.
Phương pháp: sgk trang 126.
Cách giải:
Trong thời gian từ năm 1885 đến 1888, phong trào đặt dưới sự chỉ huy của Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết.
Chọn: B
Câu 17.
Phương pháp: sgk trang 95.
Cách giải:
Ngày 7-12-1941, quân Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng - căn cứ hải quân chủ yếu của Mĩ ở Thái Bình Dương. Hạm đội Mĩ bị thiệt hại nặng nề. Mĩ tuyên chiến với Nhật Bản và sau đó là Đức và Italia -> Chiến tranh thế giới thứ hai lan rộng ra toàn thế giới.
Chọn: C
Câu 18.
Phương pháp: Phân tích diễn biến Chiến tranh thế giới thứ hai, liên hệ lịch sử Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945.
Cách giải:
Sự kiện Nhật đầu hàng quân Đồng minh (15-8-1945), kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai cũng có tác động đến Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu kẻ thù duy nhất của Việt Nam đã ngã gục, tạo thời cơ khách quan thuận lợi - thời cơ “ngàn năm có một” cho Việt Nam tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Chọn: A
Câu 19.
Phương pháp: sgk trang 138.
Cách giải:
Với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa từng bước du nhập vào Việt Nam.
Chọn: A
Câu 20.
Phương pháp: sgk trang 137, suy luận.
Cách giải:
Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, chính quyền thuộc địa chú ý đến việc xây dựng hệ thống giao thông, vừa phục vụ cho công cuộc khai thác lâu dài, vừa phục vụ mục đích quân sự.
Chọn: C
Câu 21.
Phương pháp: sgk trang 138-139, suy luận.
Cách giải:
Trước cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, xã hội Việt Nam có hai giai cấp cơ bản là: địa chủ phong kiến và nông dân.
Chọn: A
Câu 22.
Phương pháp: sgk trang 124.
Cách giải:
Dựa vào phong trào kháng chiến của nhân dân, phái chủ chiến trong triều đình Huế, đại diện là Tôn Thất Thuyết mạnh tay hành động.
Chọn: C
Câu 23.
Phương pháp: sgk trang 126, suy luận.
Cách giải:
Khác với giai đoạn 1885 – 1888, trong giai đoạn 1888 – 1896, phong trào Cần vương không còn sự chỉ đạo của triều đình, nhưng phong trào vẫn tiếp tục phát triển, quy tục thành những trung tâm lớn.
Chọn: D
Câu 24.
Phương pháp: sgk trang 138-139, suy luận.
Cách giải:
Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất -> nông dân mất đất phải tìm ra thành phố kiếm việc làm trong các hầm mỏ đồn diền -> họ trở thành công nhân.
-> Công nhân có nguồn gốc từ nông dân -> có mối quan hệ mật thiết với nông dân.
Chọn: B
Câu 25.
Phương pháp: sgk trang 114.
Cách giải:
Trong 5 ngày (từ 20 đến 24-6-1867), thực dân Pháp đã chiếm gọn 3 tỉnh miền Tây Nam kì (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) không tốn một viên đạn.
Chọn: D
Câu 26.
Phương pháp: sgk trang 124.
Cách giải:
Sau hai Hiệp ước 1883 và 1884, dựa vào phong trào kháng chiến của nhân dân, phái chủ chiến trong triều đình Huế, đại diện là Tôn Thất Thuyết mạnh tay hành động.
Chọn: B
Câu 27.
Phương pháp: sgk trang 123.
Cách giải:
Thực dân Pháp kí với triều đình Mãn Thanh bản Quy ước Thiên Tân (11-5-1884) nhằm loại bỏ sự can thiệp của triều đình nhà Thanh.
Chọn: B
Câu 28.
Phương pháp: sgk trang 124.
Cách giải:
Sau hai Hiệp ước năm 1883 và 1884, thực dân Pháp bắt đầu xúc tiến việc thiết lập chế độ bảo hộ và bộ máy chính quyền thực dân trên phần lãnh thổ Bắc Kì và Trung Kì.
Chọn: A
Câu 29.
Phương pháp: sgk trang 134.
Cách giải:
Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) là thủ lĩnh tối cao của khởi nghĩa Yên Thế từ năm 1893 đến 1913. Trước đó, từ 1884 đến 1892, khởi nghĩa do Đề Nắm lãnh đạo.
Chọn: D
Câu 30.
Phương pháp: Phân tích, đánh giá.
Cách giải:
Cuộc khởi nghĩa Hương Khê là tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỉ do những nguyên nhân sau:
- Thời gian kéo dài nhất 1885 – 1896. - Địa bàn rộng lớn 4 tỉnh Bắc Trung kì
- Lãnh tụ: Phan Đình Phùng là sĩ phu đại khoa, Cao Thắng là tướng trẻ có tài…
- Tổ chức chặt chẽ hơn các cuộc khởi nghĩa khác...
- Phương thức hoạt động và tác chiến linh hoạt, chế tạo được vũ khí theo mẫu của Pháp…
- Cuộc khởi nghĩa huy động mức cao độ tiềm năng to lớn của nhân dân, lập nhiều chiến công gay cho địch tổn thất nặng nề….
Chọn: D
Câu 31.
Phương pháp: sgk trang 119.
Cách giải:
Hiệp ước năm 1874 (Hiệp ước Giáp Tuất) gồm 22 điều khoản, trong đó triều đình Nguyễn chính thừa nhận sáu tỉnh Nam Kì thuộc Pháp.
Chọn: B
Câu 32.
Phương pháp: Phân tích phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân ta, nhận xét.
Cách giải:
Trong cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống Pháp xâm lược Bắc Kì lần 1 và lần 2, trong khi quân triều đình nhanh chóng tan rã thì đội quân do Hoàng Tá Viêm chỉ huy và Lưu Vĩnh Phúc lãnh đạo đã mưu trí đánh giặc. Đồng thời, có sự ủng hộ của đông đảo quân chúng nhân dân làm nên chiến thắng Cầu Giấy lần thứ nhất và lần thứ hai khiến nhân dân ta vô cùng phấn khởi, làm chậm bước tiến xâm lược của Pháp.
Chọn: A
Câu 33.
Phương pháp: sgk trang 137.
Cách giải:
Năm 1897, Chính phủ Pháp cử Pôn Đu-me sang làm Toàn quyền Đông Dương để hoàn thiện bộ máy cai trị và tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất.
Chọn: B
Câu 34.
Phương pháp: sgk trang 118.
Cách giải:
Khi thành Hà Nội bị giặc chiếm, quân triều đình nhanh chóng tan rã nhưng nhân dân Hà Nội vẫn tiếp tục chiến đấu. Các văn thân, sĩ phu yêu nước đã lập Nghĩa hội, bí mật tổ chức kháng Pháp.
Chọn: B
Câu 35.
Phương pháp: Phân tích con đường dẫn tới chiến tranh, đánh giá.
Cách giải:
Nguyên nhân làm bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945)
- Nguyên nhân sâu xa:
+ Tác động của quy luật phát triển không đều về kinh tế và chính trị giữa các nước tư bản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, so sánh lực lượng trong thế giới tư bản thay đổi căn bản (Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về vấn đề thuộc địa).
+ Việc tổ chức và phân chia thế giới theo hệ thống Véc-xai - Oa-sinh-tơn không còn phù hợp nữa.
+ Chính sách nhượng bộ của Anh, Pháp sự trung lập của Mĩ -> chính quyền phát xít lợi dụng tình hình gây chiến tranh xâm lược.
-> Đưa đến một cuộc chiến tranh mới để phân chia lại thế giới.
- Nguyên nhân trực tiếp: cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1932 làm những mâu thuẫn trên thêm sâu sắc dẫn tới việc lên cầm quyền của chủ nghĩa phát xít với ý đồ gây chiến tranh để phân chia lại thế giới.
Chọn: C
Chú ý:
Đáp án C: hai khối quân sự đối đầu NATO – Vacsava hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Câu 36.
Phương pháp: Phân tích, liên hệ.
Cách giải:
- Trước khi thực dân Pháp xâm lược, tình trạng chiêm tinh ruộng đất ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, mặc dù nhà nước có tổ chức những cuộc khẩn hoang khá quy mô nhưng ruộng đất cuối cùng cũng rơi vào tay địa chủ, cường hào.
- Khi thực dân Pháp xâm lược, chúng đã chiếm ruộng đất của nhân dân để lập đồn điền trồng cao su, cũng cấp nguyên liệu cho sự phát triển của công nghiệp Pháp.
Chọn: D
Câu 37.
Phương pháp: sgk trang 133, suy luận.
Cách giải:
Khởi nghĩa Yên Thế nổ ra với mục đích tự vệ, bảo vệ cuộc sống của mỉnh trước chính sách cướp bóc và bình định của thực dân Pháp. Đây cũng là điểm khác quan trọng so với phong trào Cần vương.
Chọn: D
Câu 38.
Phương pháp: sgk trang 107.
Cách giải:
Chính sách đối ngoại sai lầm, nhất là việc “cấm đạo”, đuổi giáo sĩ phương Tây đã gây ra những mâu thuẫn, làm rạn nứt khối đoàn kết dân tộc, gây bất lợi cho sự nghiệp kháng chiến sau này.
Chọn: C
Câu 39.
Phương pháp: sgk trang 119.
Cách giải:
Năm 1882, Pháp vu cáo triều đình Huế vi phạm Hiệp ước năm 1874 để kéo quân ra Bắc.
Chọn: D
Câu 40.
Phương pháp: sgk trang 125.
Cách giải:
Ngày 13-7-1885, Tôn Thất Thuyết lấy danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần vương, kêu gọi văn thân, sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên vì vua mà kháng chiến.
Chọn: A
Nguồn: Sưu tầm