Đề kiểm tra 45 phút phần 1 sử 11 - Đề số 2 có lời giải chi tiết

Đề bài

I. TRẮC NGHIỆM (4 điểm)

Câu 1. Tính chất xã hội Trung Quốc đã có sự biến đổi như thế nào sau khi triều đình Mãn Thanh kí với các nước đế quốc Điều ước Tân Sửu (1901)?

A. thuộc địa nửa phong kiến.

B. nửa thuộc địa, nửa phong kiến.

C. tư bản chủ nghĩa.

D. quân chủ lập hiến.

Câu 2. Sự kiện nào sau đây chứng tỏ cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc chấm dứt?

A. Khởi nghĩa ở Vũ Xương bị thất bại.

B. Nền quân chủ Mãn Thanh sụp đổ.

C. Tôn Trung Sơn từ chức Đại Tổng thống, trao quyền cho Viên Thế Khải.

D. Triều đình Mãn Thanh bị cấu kết với đế quốc đàn áp cách mạng.

Câu 3. Chính sách ngoại giao mềm dẻo của Xiêm được thể hiện ở việc

A. Vừa lợi dụng Anh - Pháp vừa tiến hành cải cách để tạo nguồn lực cho đất nước

B. Vừa lợi dụng vị trí nước “đệm” giữa hai thế lực Anh - Pháp vừa cắt nhượng một số vùng đất phụ thuộc để giữ gìn chủ quyền

C. Vừa lợi dụng vị trí nước “đệm” vừa chấp nhận kí kết hiệp ước bất bỉnh đằng với các đế quốc Anh, Pháp

D. Vừa lợi dụng vị trí nước “đệm” vừa phát huy nguồn lực của đấ nước để phát triển

Câu 4. Từ nửa sau thế kỉ XIX, các nước Đông Dương trở thành thuộc địa của nước thực dân nào?

A. Pháp. B. Mĩ.

C. Anh. D. Đức.

Câu 5. Thực dân Anh thi hành chính sách nhượng bộ tầng lớp có thế lực trong giai cấp phong kiến Ấn Độ nhằm mục đich gì?

A. Xoa dịu tinh thần đấu tranh của họ.

B. Cấu kết với họ để đàn áp nhân dân Ấn Độ.

C. Làm chỗ dựa vững chắc cho nền thống trị của mình.

D. Biến họ thành tay sai đắc lực cho mình.

Câu 6. Ý nghĩa quan trọng nhất của cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc năm 1911 là

A. Lật đổ triều đình phong kiến Mãn Thanh.

B. Tác động đến phong trào đấu tranh ở một số nước châu Á.

C. Đưa giai cấp tư sản Trung Quốc lên nắm quyền.

D. Thiết lập chế độ quân chủ lập hiến ở Trung Quốc.

Câu 7. Chính sách thống trị nổi bật của thực dân phương Tây ở Mĩ Latinh là gì?

A. Thiết lập chế độ thống trị phản động, gây ra nhiều tội ác dã man, tàn khốc

B. Thi hành chính sách thực dân mới, trao quyền cho người bản xứ

C. Lôi kéo lực lượng tay sai, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc

D. Thành lập các tổ chức chính trị, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc:

Câu 8. Hai quốc gia nào ở châu Phi vẫn giữ được nền độc lập trước sự xâm lược của thực dân phương Tây ở cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX?

A. Êtiôpia và Ai Cập

B. Xuđăng và Ănggôla

C. Angiêri và Tuynidi

D. Êtiôpia và Libêria

Câu 9. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế của Cách mạng Tân Hợi 1911 là

A. Một số người lãnh đạo Trung Quốc Đồng minh hội không kiên quyết, chủ trương thương lượng, nhượng bộ với kẻ thù

B. Để chính quyền cách mạng rơi vào tay thế lực phong kiến quân phiệt

C. Không giải quyết được vấn đề cơ bản của cách mạng là ruộng đất cho nông dân

D. Không thực hiện được vấn đề giải phóng dân tộc vấn đề cơ bản của cuộc cách mạng

Câu 10. Đặc điểm quá trình xâm lược của các nước đế quốc ở khu vực Đông Nam Á là gì?

A. Diễn ra nhanh, dồn dập.

B. Kéo dài liên tục từ thế kỉ XVI đến hết thế kỉ XIX.

C. Sự phân chia thuộc địa giữa các nước đế quốc không đồng đều.

D. Có sự tranh chấp giữa các nước.

II. TỰ LUẬN (6 điểm)

Câu 1. (2 điểm) Vì sao Xiêm là nước duy nhất ở khu vực Đông Nam Á không trở thành thuộc địa của Phương Tây?

Câu 2. (4 điểm) Những sự kiện nào chứng tỏ vào cuối thế kỉ XIX, Nhật Bản đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa?

Lời giải chi tiết

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. TRẮC NGHIỆM

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

B

C

B

A

C

A

A

D

A

B

Câu 1.

Phương pháp: sgk trang 13

Cách giải:

Năm 1901, triều đình Mãn Thanh đã kí với các nước đế quốc Điều ước Tân Sửu, theo đó Trung Quốc phải trả một khoản tiền bồi thường chiến tranh và buộc phải để cho các nước đế quốc được quyền đóng quân ở Bắc Kinh. Với Điều ước Tân Sửu, Trung Quốc đã thực sự trở thành nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến

Chọn: B

Câu 2.

Phương pháp: sgk trang 17.

Cách giải:

Ngày 6-3-1912, Viên Thế Khải tuyên thệ nhậm chức Đại Tổng thống Trung Hoa Dân quốc. Trên thực tế cách mạng Tân Hợi đến đâu chấm dứt. Các thế lực phong kiến quân phiệt lên nắm chính quyền.

Chọn: C

Câu 3.

Phương pháp: sgk trang 25.

Cách giải:

Chính sách ngoại giao mềm dẻo của Xiêm là vừa lợi dụng vị trí nước “đệm” giữa hai thế lực đế quốc Anh - Pháp, vừa cắt nhượng một số vùng đất phụ thuộc (vốn là lãnh thổ của Cam-pu-chia, Lào, Mã Lai) để giữ gìn chủ quyền đất nước.

Chọn: B

Câu 4.

Phương pháp: sgk trang 19.

Cách giải:

Từ nửa sau thế kỉ XIX, thực dân Pháp đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia). Đến cuối thế kỉ XIX, quá trình này đã được hoàn thành. Liên bang Đông Dương thuộc Pháp được thành lập.

Chọn: A

Câu 5.

Phương pháp: sgk trang 9, suy luận.

Cách giải:

- Mặc dù nắm quyền cai trị trực tiếp Ấn Độ nhưng để tạo chỗ dựa vững chắc cho mình, thực dân Anh đã thực hiện chính sách chia để trị, mua chuộc tầng lớp có thế lực trong giai cấp phong kiến bản xứ, tìm cách khơi sâu sự khác biệt về chủng tộc, tôn giáo và đẳng cấp trong xã hội.

- Tầng lớp có thế lực trong giai cấp phong kiến là bộ phận am hiểu về mọi mặt của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ được coi là “viên ngọc trên vương miện của nữ hoàng Anh”, Anh cần có sự hỗ trợ của tầng lớp này để cai trị Ấn Độ chặt chẽ và dễ dàng hơn. Đây cũng là chính sách cai trị mà nhiều nước đế quốc thực dân áp dụng đối với thuộc địa của mình.

Chọn: C

Câu 6.

Phương pháp: sgk trang 17, suy luận.

Cách giải:

Ý nghĩa quan trọng nhất của cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc năm 1911 là đã lật đổ được triều đình Mãn Thanh - tay sai của các nước đế quốc, trở lực ngăn cản sự phát triển của đất nước, chấm dứt sự tồn tại hàng nghìn năm của chế độ phong kiến ở Trung Quốc. Từ đó mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển và có ảnh hưởng nhất định đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á.

Chọn: A

Câu 7.

Phương pháp: sgk trang 28.

Cách giải:

Từ thế kỉ XVI, XVII, đa số các nước Mĩ Latinh lần lượt biến thành thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Chủ nghĩa thực dân thiết lập ở đây chế độ thống trị rất phản động, gây ra nhiều tội ác dã man, tàn khốc.

Chọn: A

Câu 8.

Phương pháp: sgk trang 28.

Cách giải:

Êtiôpia và Libêria là hai quốc gia ở châu Phi vẫn giữ được nền độc lập trước sự xâm lược của thực dân phương Tây ở cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.

Chọn: D

Câu 9.

Phương pháp: Phân tích, đánh giá.

Cách giải:

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế của Cách mạng Tân Hợi 1911 là do một số người lãnh đạo Đồng Minh hội không kiên quyết, chủ trương thương lượng, nhượng bộ với kẻ thù - Viên Thế Khải (chấp nhận sự mặc cả để Viên Thế Khải lên làm Đại Tổng thống để đổi lấy sự thoái vị của Phổ Nghi và từ chức của Tôn Trung Sơn) khiến cho thành quả cách mạng bị cướp đoạt.

Chọn: A

Câu 10.

Phương pháp: Nhận xét, đánh giá.

Cách giải:

Đặc điểm quá trình xâm lược của các nước đế quốc ở khu vực Đông Nam Á là: Kéo dài liên tục từ thế kỉ XVI đến hết thế kỉ XIX.

Chọn: B

II. TỰ LUẬN

Câu 1.

Phương pháp: suy luận.

Cách giải:

- cuộc cải cách của vua Ra-ma V tạo điều kiện cho đất nước có những biến đổi sâu sắc, Xiêm dần mạnh lên về kinh tế, quân sự,... => Nền kinh tế Xiêm phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa.

- Xiêm đã khôn khéo lợi dụng vị trí “nước đệm”, và chính sách ngoại giao mềm dẻo cát nhượng một số vùng đất,... Nhờ vậy mà Xiêm giữ được chủ quyền của đất nước.

Câu 2.

Phương pháp: suy luận.

Cách giải:

- Trong 30 năm cuối thế kỉ XIX, Chủ nghĩa tư bản phát triển nhanh chóng ở Nhật Bản. Công nghiệp ngành đường sắt, ngoại thương, hàng hải đều có những chuyển biến quan trọng.

- Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa kéo theo sự tập trung trong công nghiệp, thương nghiệp và ngân hàng... Nhiều công ti độc quyền xuất hiện như: Mít-xưi, Mít-su-bi-si,... Các công ti này làm chủ nhiều ngân hàng hầm mỏ, xí nghiệp, đường sắt, tàu biển,... và có khả năng chi phối, lũng loạn cả nền kinh tế lẫn chính trị ở Nhật Bản.

- Giới cầm quyền Nhật Bản thi hành chính sách xâm lược và bành trướng. Nhật Bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa gắn liền với các cuộc chiến tranh xâm lược: Chiến tranh Đài Loan (1874), Chiến tranh Trung - Nhật (1894 - 1895) và Chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905).

- Tầng lớp quý tộc, võ sĩ Samurai có ưu thế chính trị rất lớn khi Nhật Bản tiến lên tư bản chủ nghĩa. Họ chủ trương xây dựng Nhật Bản bắng sức mạnh quân sự.

=> Vì thế, đế quốc Nhật có đặc điểm là chủ nghĩa đế quốc phong kiến quân phiệt.