Giáo án Bài 14: Giảm phân Sinh học 10 Cánh diều


Ngày soạn: .../.../...

Ngày dạy: .../.../...

Trường: …………………….

Tổ: ………………………….

Họ và tên giáo viên:

………………………………..

BÀI 14: GIẢM PHÂN

Thời gian thực hiện: 02 tiết

I. MỤC TIÊU

Sau khi học xong bài này, HS đạt các yêu cầu sau:

1. Về năng lực

1.1. Năng lực Sinh học

- Dựa vào cơ chế nhân đôi và phân li của nhiễm sắc thể để giải thích được quá trình giảm phân, thụ tinh cùng với nguyên phân là cơ sở của sinh sản hữu tính ở sinh vật.

- Lập được bảng so sánh quá trình nguyên phân và quá trình giảm phân.

- Trình bày được một số nhân tố ảnh hưởng đến quá trình giảm phân.

- Vận dụng kiến thức về nguyên phân và giảm phân vào giải thích một số vấn đề trong thực tiễn.

1.2 Năng lực chung

- Tự chủ và tự học: Luôn chủ động, tích cực tìm hiểu về giảm phân qua các nguồn học liệu khác nhau và xử lí thông tin thu được.

- Giao tiếp và hợp tác: Biết chủ động phát biểu để nêu ý kiến của bản thân khi học về quá trình giảm phân.

- Giải quyết vấn đề và sáng tạo: Làm mô hình giảm phân bằng các nguyên vật liệu dễ kiếm.

2. Về phẩm chất

- Chăm chỉ: Tích cực nghiên cứu tài liệu, thường xuyên theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

- Trách nhiệm: Sẵn sàng chịu trách nhiệm về các nội dung trình bày về quá trình giảm phân.

II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU

1. Giáo viên

- Video hoặc hình ảnh động về giảm phân, phát sinh giao tử, giảm phân, hình vẽ SGK.

2. Học sinh

- Nghiên cứu sách giáo khoa, tìm tài liệu liên quan đến giảm phân trên internet.

- Làm mô hình, tranh vẽ về các kì của giảm phân: Mỗi nhóm HS phân công nhau vẽ 1 tranh về các kì của giảm phân không chú thích hình vẽ.

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

1. Hoạt động 1: Khởi động (Mở đầu)

a. Mục tiêu:

- Tạo ra mâu thuẫn nhận thức cho HS, khơi dậy mong muốn tìm hiểu kiến thức.

- HS xác định được nội dung bài học là tìm hiểu về giảm phân, ý nghĩa giảm phân, điểm khác của nguyên phân và giảm phân.

b. Nội dung:

- GV yêu cầu HS thảo luận cặp đôi, suy nghĩ và trả lời câu hỏi sau:

+ Bằng cơ chế nào mà bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội (2n) của loài sinh sản hữu tính được duy trì nguyên vẹn từ thế hệ này sang thế hệ khác?

c. Sản phẩm học tập:

- Các câu trả lời của HS (có thể đúng hoặc sai).

d. Tổ chức hoạt động:

Hoạt động của giáo viên - học sinh

Nội dung kiến thức

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ:

- GV yêu cầu HS thảo luận cặp đôi, suy nghĩ và trả lời câu hỏi sau:

+ Bằng cơ chế nào mà bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội (2n) của loài sinh sản hữu tính được duy trì nguyên vẹn từ thế hệ này sang thế hệ khác?

- HS tiếp nhận nhiệm vụ.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ:

- HS thảo luận cặp đôi, kết hợp kiến thức bản thân để trả lời câu hỏi.

- GV gợi ý nếu cần thiết.

Bước 3: Báo cáo, thảo luận:

- GV yêu cầu 2 – 3 HS đưa ra ý kiến.

Bước 4: Kết luận, nhận định:

- GV nhận xét, tổng hợp ý kiến.

- GV chưa chốt kiến thức mà dẫn dắt vào bài học mới.

- Các câu trả lời của HS về câu hỏi mở đầu.

* Gợi ý:

Nhờ sự kết hợp của 3 cơ chế nguyên phân, giảm phân và thụ tinh mà bộ NST lưỡng bội 2n của loài sinh sản hữu tính được duy trì nguyên vẹn từ thế hệ này sang thế hệ khác:

- Giảm phân tạo ra các giao tử có bộ NST giảm đi một nửa (n). Sau đó, sự kết hợp của 2 giao tử (n) trong thụ tinh tạo thành hợp tử (2n), khôi phục lại bộ NST 2n đặc trưng của loài.

- Tế bào hợp tử 2n trải qua nhiều lần nguyên phân và biệt hóa tế bào phát triển thành cơ thể đa bào trưởng thành.

2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới

Hoạt động 2.1: Tìm hiểu cơ chế nhân đôi và phân li của nhiễm sắc thể trong giảm phân

a. Mục tiêu:

- Nêu được cơ chế nhân đôi và phân li của nhiễm sắc thể trong giảm phân.

- Lập được bảng so sánh quá trình nguyên phân và quá trình giảm phân.

b. Nội dung:

- GV sử dụng kĩ thuật phòng tranh, yêu cầu HS hoạt động nhóm ở nhà: Vẽ tranh các kì của giảm phân I và giảm phân II trên giấy A0, kèm chú thích đặc điểm của các kì:

+ Nhóm 1, 2: Giảm phân I: Vẽ cả kì trung gian và 4 kì: Đầu, giữa, sau, cuối.

+ Nhóm 3, 4: Giảm phân II: Vẽ các kì đầu, giữa, sau cuối.

- Tại lớp: Đại diện nhóm trình bày sản phẩm.

+ Lập bảng so sánh quá trình nguyên phân và giảm phân theo gợi ý trong bảng 14.1 SGK.

c. Sản phẩm học tập:

- Bức tranh toàn cảnh về quá trình giảm phân: Giảm phân I, giảm phân II và đặc điểm các kỳ.

- Trình bày được sản phẩm của nhóm.

- Bảng so sánh quá trình nguyên phân và giảm phân.

Điểm

Nội dung so sánh

Nguyên phân

Giảm phân

Khác nhau

Kết quả

Từ 1 tế bào mẹ ban đầu tạo ra 2 tế bào con mang bộ nhiễm sắc thể giống tế bào mẹ.

Từ 1 tế bào ban đầu tạo ra 4 tế bào con mang bộ nhiễm sắc thể giảm đi một nửa so với tế bào mẹ.

Diễn ra ở loại tế bào

Tất cả các tế bào trừ tế bào sinh dục chín.

Tế bào sinh dục chín.

Các giai đoạn

Kì trung gian, phân chia nhân (gồm 4 kì là kì đầu, kì giữa, kì sau, kì cuối) và phân chia tế bào chất.

Kì trung gian, giảm phân I (kì đầu I, kì giữa I, kì sau I, kì cuối I), giảm phân II (kì đầu II, kì giữa II, kì sau II, kì cuối II).

Hiện tượng tiếp hợp và trao đổi chéo

Không có hiện tượng tiếp hợp và trao đổi chéo.

Có hiện tượng tiếp hợp và có thể trao đổi chéo giữa các chromatid của các nhiễm sắc thể tương đồng ở kì đầu I.

Sắp xếp nhiễm sắc thể trên thoi phân bào

- Ở kì giữa, các NST kép tập trung thành 1 hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào.

- Ở kì giữa I, các nhiễm sắc thể kép trong cặp nhiễm sắc thể tương đồng tập trung thành 2 hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào.

- Ở kì sau II, các NST kép tập trung thành 1 hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào.

Các nhiễm sắc thể tách nhau ở tâm động

Xảy ra ở kì sau.

Không xảy ra ở kì sau I nhưng xảy ra ở kì sau II.

Số lần phân bào

1 lần.

2 lần.

Đặc điểm của tế bào sinh ra so với tế bào ban đầu

Tế bào sinh ra có bộ nhiễm sắc thể 2n đơn giống nhau và giống hệt tế bào mẹ ban đầu.

Tế bào sinh ra có bộ nhiễm sắc thể n đơn giảm đi một nửa so với tế bào mẹ ban đầu.

Giống nhau

- Đều là hình thức phân bào có sự tham gia của thoi phân bào.

- Đều có một lần nhân đôi DNA ở kì trung gian trước khi phân bào.

- Sự phân chia nhân đều diễn ra theo các kì: kì đầu, kì giữa, kì sau, kì cuối.

- Nhiễm sắc thể đều trải qua những biến đổi tương tự như: tự nhân đôi, đóng xoắn, phân li, tháo xoắn. Màng nhân và nhân con đều tiêu biến vào kì đầu và xuất hiện vào kì cuối, thoi phân bào đều tiêu biến vào kì cuối và xuất hiện vào kì đầu.

- Diễn biến các kì của giảm phân II giống với nguyên phân.

d. Tổ chức hoạt động:

Hoạt động của giáo viên - học sinh

Nội dung kiến thức

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ:

- Ở nhà ( Phân công trước 1 tuần) ( Sử dụng giao nhiệm vụ và kỹ thuật phòng tranh) : Yêu cầu các nhóm thảo luận và vẽ hình minh họa các kỳ của giảm phân I, II kèm tên và đặc điểm các kỳ, tạo thành bức tranh ( Sử dụng bút mầu cho sinh động)

+ Nhóm 1,2: Mỗi nhóm vẽ 1 bức tranh về giảm phân I ( Tham khảo hình vẽ trên internet).

+ Nhóm 3, 4: Mỗi nhóm vẽ bức tranh về giảm phân II ( Tham khảo hình vẽ trên internet).

- Trên lớp:

+ Yêu cầu HS xem hình động về các kỳ giảm phân.

+ Yêu cầu các nhóm treo các tranh đã làm ở nhà lên đúng vị trí GV phân công.

+ Các nhóm hoàn thành bảng so sánh nguyên phân và giảm phân.

- HS tiếp nhận nhiệm vụ.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ:

- Các nhóm thảo luận, phân công nhiệm vụ mỗi thành viên vẽ bức tranh toàn cảnh về giảm phân I, II như GV phân công cho mỗi nhóm.

- GV định hướng, giám sát và giúp đỡ nhóm yếu hơn.

- GV kiểm tra sự chuẩn bị ở nhà của HS.

Bước 3: Báo cáo, thảo luận:

- GV yêu cầu đại diện các nhóm trình bày sản phẩm của nhóm mình.

- HS báo cáo nội dung, di chuyển tham quan tranh của nhóm khác.

- HS báo cáo bảng so sánh.

- Các nhóm khác lắng nghe, nhận xét, phản biện.

Bước 4: Kết luận, nhận định:

- GV nhận xét hoạt động và nội dung trình bày của các nhóm và đưa ra đáp án chính xác, rồi kết luận.

Giảm phân I:

Các kì

Giảm phân I

Tranh hình

Kì đầu

- NST nhân đôi tạo thành NST kép dính nhau ở tâm động.

- Các NST bắt đôi với nhau theo các cặp tương đồng -> xoắn lại.

- Thoi vô sắc được hình thành.

- NST tương đồng trong mỗi cặp dần tách nhau ở tâm động.

- Trong quá trình bắt đôi và tách nhau các NST tương đồng trao đổi các đoạn crômatit cho nhau.

- Màng nhân và nhân con biến mất.

Kì giữa

- Các NST kép di chuyển về mặt phẳng xích đạo của TB thành 2 hàng.

- Thoi vô sắc từ các cực TB chỉ đính vào một phía của mỗi NST kép.

Kì sau

Mỗi NST kép trong cặp NST tương đồng được thoi vô sắc kéo về 2 cực của TB.

Kì cuối

- ở mỗi cực NST dần dãn xoắn. Màng nhân và nhân con xuất hiện. Thoi vô sắc biến mất và TBC phân chia.

- Tạo 2 TB con có bộ NSt đơn bội kép (nNST kép)

Giảm phân II:

Các kì

Tranh hình

Kì đầu

Không có sự nhân đôi của NST. Các NST co xoắn lại.

Kì giữa

Các NST kép tập trung thành 1 hàng ở mặt phẳng xích đạo của TB

Kì sau

Các NS tử tách nhau tiến về 2 cực của TB.

Kì cuối

Màng nhân và nhân con xuất hiện, TBC phân chia.

- ở ĐV:

+ Con đực: 4TB đơn bội -> 4 tinh trùng.

+ Con cái: 4TB đơn bội -> 1TB trứng và 3 thể định hướng

- ở TV: các TB con nguyên phân 1 số lần để hình thành hạt phấn và túi noãn.

Hoạt động 2.2: Tìm hiểu sự phát sinh giao tử và thụ tinh

a. Mục tiêu:

- Trình bày được quá trình phát sinh giao tử và thụ tinh.

- Dựa vào cơ chế nhân đôi và phân li của nhiễm sắc thể để giải thích được quá trình giảm phân, thụ tinh cùng với nguyên phân là cơ sở của sinh sản hữu tính ở sinh vật.

b. Nội dung:

- GV sử dụng kĩ thuật khăn trải bàn, yêu cầu HS thảo luận nhóm nhỏ, hoàn thành các nhiệm vụ sau:

Nhóm 1,2:

+ Giao tử tham gia vào quá trình tạo ra cơ thể mới có bộ nhiễm sắc thể như thế nào so với tế bào sinh dưỡng?

+ So sánh các giai đoạn của sự phát sinh giao tử đực và sự phát sinh giao tử cái ở động vật.

Nhóm 3, 4:

+ Thụ tinh là gì? Hợp tử có bộ nhiễm sắc thể như thế nào so với các giao tử và tế bào sinh dưỡng của cơ thể bố mẹ?

+ Giải thích về nguồn gốc của nhiễm sắc thể trong mỗi cặp nhiễm sắc thể tương đồng trong tế bào của cơ thể sinh vật lưỡng bội.

c. Sản phẩm học tập:

- Các câu trả lời của HS.

1. Giao tử tham gia vào quá trình tạo ra cơ thể mới có bộ nhiễm sắc thể (n đơn) giảm đi một nửa so với số lượng nhiễm sắc thể (2n đơn) trong tế bào sinh dưỡng.

2. Giống nhau:

- Đều xảy ra với các tế bào mầm sinh dục.

- Đều trải qua các giai đoạn: phát triển, giảm phân, hình thành giao tử.

* Khác nhau:

Giai đoạn

Sự phát sinh giao tử đực

Sự phát sinh giao tử cái

Phát triển

Tế bào mầm sinh tinh phát triển thành tinh bào bậc 1.

Tế bào mầm sinh trứng phát triển thành noãn bào bậc 1.

Giảm phân I

Tinh bào bậc 1 qua giảm phân I cho 2 tinh bào bậc 2 có kích thước bằng nhau.

Noãn bào bậc 1 qua giảm phân I cho 1 noãn bào bậc 2 có kích thước lớn và 1 thể cực có kích thước nhỏ.

Giảm phân II

Mỗi tinh bào bậc 2 qua giảm phân II cho 2 tinh tử có kích thước bằng nhau.

Noãn bào bậc 2 qua giảm phân II cho 1 tế bào trứng có kích thước lớn và 1 thể cực có kích thước nhỏ.

Hình thành giao tử

Từ một tế bào mầm sinh tinh tạo ra 4 tinh tử, cả 4 tinh tử đều phát triển thành 4 tinh trùng.

Từ một tế bào mầm sinh trứng chỉ tạo ra 1 trứng còn 3 thể cực có kích thước nhỏ sẽ bị tiêu biến.

3. Thụ tinh là quá trình giao tử đực đơn bội (n) kết hợp giao tử cái đơn bội (n) tạo nên hợp tử lưỡng bội (2n).

- Về mặt số lượng nhiễm sắc thể, hợp tử có bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội (2n) gấp đôi bộ nhiễm sắc thể đơn bội (n) trong các giao tử và giống bộ nhiễm sắc thể trong tế bào sinh dưỡng của cơ thể bố mẹ.

4. Giao tử đực chứa bộ nhiễm sắc thể đơn bội có nguồn gốc từ bố, giao tử cái chứa bộ nhiễm sắc đơn bội có nguồn gốc từ mẹ. Thụ tinh là quá trình giao tử đực đơn bội (n) kết hợp giao tử cái đơn bội (n) tạo nên hợp tử lưỡng bội (2n), hợp tử sẽ phát triển thành phôi rồi phát sinh thành cơ thể mới. Như vậy, trong mỗi cặp nhiễm sắc thể tương đồng trong tế bào của cơ thể sinh vật lưỡng bội, 1 chiếc có nguồn gốc từ bố và 1 chiếc có nguồn gốc từ mẹ.

d. Tổ chức hoạt động:

Hoạt động của giáo viên - học sinh

Nội dung kiến thức

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ:

- GV yêu cầu HS thảo luận cặp đôi, suy nghĩ và trả lời câu hỏi sau:

- GV sử dụng kĩ thuật khăn trải bàn, yêu cầu HS thảo luận nhóm nhỏ, hoàn thành các nhiệm vụ sau:

+ Giao tử tham gia vào quá trình tạo ra cơ thể mới có bộ nhiễm sắc thể như thế nào so với tế bào sinh dưỡng?

+ So sánh các giai đoạn của sự phát sinh giao tử đực và sự phát sinh giao tử cái ở động vật.

+ Thụ tinh là gì? Hợp tử có bộ nhiễm sắc thể như thế nào so với các giao tử và tế bào sinh dưỡng của cơ thể bố mẹ?

+ Giải thích về nguồn gốc của nhiễm sắc thể trong mỗi cặp nhiễm sắc thể tương đồng trong tế bào của cơ thể sinh vật lưỡng bội.

- HS tiếp nhận nhiệm vụ.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ:

- Sử dụng kỹ thuật khăn trải bàn: Nhóm trưởng phân công nhiệm vụ cho mỗi thành viên hoạt động cá nhân tìm hiểu nội dung được giao ghi vào các góc của bảng nhóm hoặc phiếu cá nhân, sau đó thống nhất ý kiến.

- GV gợi ý nếu cần thiết.

Bước 3: Báo cáo, thảo luận:

- GV yêu cầu đại diện một số nhóm trình bày nội dung, các nhóm còn lại nhận xét, bổ sung.

Bước 4: Kết luận, nhận định:

- GV nhận xét hoạt động và nội dung trình bày của các nhóm và đưa ra đáp án chính xác, rồi kết luận.

2. Sự phát sinh giao tử và thụ tinh

- Sự phát sinh giao tử:

+ Giao tử là tế bào có bộ NST đơn bội (n), có thể trực tiếp tham gia thụ tinh tạo thành hợp tử ở sinh vật đa bào. Các tế bào con được sinh ra từ quá trình giảm phân sẽ trải qua quá trình phát sinh giao tử hình thành giao tử đực và giao tử cái.

- Sự thụ tinh:

+ Thụ tinh là quá trình kết hợp giữa giao tử đực với giao tử cái. Ở động vật, giao tử đực là tinh trùng, còn giao tử cái là trứng; ở thực vật, giao tử đực thường là tinh tử, còn giao tử cái là noãn. Kết quả của thụ tinh là sự dung hợp giữa giao tử đực với giao tử cái, từ đó tạo ra hợp tử, phát triển thành phôi rồi có thể phát sinh ra cơ thể mới.

Hoạt động 2.3: Tìm hiểu một số nhân tố ảnh hưởng đến quá trình giảm phân

a. Mục tiêu:

- Trình bày được một số nhân tố ảnh hưởng đến quá trình giảm phân.

b. Nội dung:

- GV yêu cầu HS hoạt động cá nhân, đọc thông tin mục II SGK trang 90 và trả lời câu hỏi sau:

+ Theo theo, có những yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình giảm phân?

c. Sản phẩm học tập:

- Câu trả lời cho câu hỏi của GV.

d. Tổ chức hoạt động:

Hoạt động của giáo viên - học sinh

Nội dung kiến thức

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ:

- GV yêu cầu HS hoạt động cá nhân, đọc thông tin mục II SGK trang 90 và trả lời câu hỏi sau:

+ Theo theo, có những yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình giảm phân?

- HS tiếp nhận nhiệm vụ.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ:

- HS đọc thông tin và thực hiện nhiệm vụ.

- GV gợi ý nếu cần thiết.

Bước 3: Báo cáo, thảo luận:

- GV yêu cầu đại diện một số HS trình bày nội dung, các HS còn lại nhận xét, bổ sung.

Bước 4: Kết luận, nhận định:

- GV nhận xét hoạt động và nội dung trình bày của HS và đưa ra đáp án chính xác, rồi kết luận.

II. Một số nhân tố ảnh hưởng đến quá trình giảm phân:

1. Nhân tố bên trong:

- Nhân tố di truyền: ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành giao tử: thời điểm bắt đầu giảm phân, số lần giảm phân, thời gian của một lần giảm phân.

- Hoocmon sinh dục (ở động vật).

2. Nhân tố bên ngoài:

- Nhiệt độ, hóa chất, các bức xạ… ức chế quá trình giảm phân.

- Các chất dinh dưỡng, căng thẳng thần kinh ảnh hưởng đến sự phân chia tế bào.

3. Hoạt động 3: Luyện tập

a. Mục tiêu:

- HS ôn tập, hệ thống được kiến thức về giảm phân, khắc sâu mục tiêu bài học.

b. Nội dung:

Hoạt động cá nhân trả lời câu hỏi: trả lời các câu hỏi sau

Câu 1: Số lượng NST ở tế bào con được sinh ra sau giảm phân là bao nhiêu ?

A. Gấp đôi TB mẹ (4n).

B. Gấp ba TB mẹ (6n).

C. Giống hệt TB mẹ (2n).

D. Giảm đi một nửa (n).

Câu 2: Tế bào con chứa bộ n NST đơn ở kì nào của giảm phân ?

A. Kì đầu II.

B. Kì cuối II.

C. Kì giữa II.

D. Kì sau II.

Câu 3: Tại sao bộ NST trong tế bào con sau giảm phân lại giảm đi còn 1 nửa?

c. Sản phẩm học tập:

Trả lời được các câu hỏi trắc nghiệm:

Đáp án: 1D, 2B

Câu 3: Vì giảm phân chỉ 1 lần nhân đôi NST nhưng lại có 2 lần phân chia tế bào.

d. Tổ chức hoạt động:

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ:

- GV chiếu các câu hỏi, sử dụng kĩ thuật tia chớp, yêu cầu HS trả lời câu hỏi.

- HS nhận nhiệm vụ.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ:

- HS suy nghĩ trả lời nhanh.

Bước 3: Báo cáo kết quả:

- 1 số HS trình bày câu trả lời, còn lại lắng nghe và bổ sung.

Bước 4: Kết luận và nhận định:

- GV đánh giá, điều chỉnh và đưa đáp án.

4. Hoạt động 4: Vận dụng

a. Mục tiêu:

- Vận dụng được kiến thức về nguyên phân và giảm phân vào giải thích một số vấn đề trong thực tiễn.

- Làm được mô hình các kì giảm phân bằng các nguyên liệu sẵn có.

b. Nội dung:

Trên lớp:

- GV yêu cầu HS trả lời các câu hỏi sau:

+ Có thể tác động đến những yếu tố nào trong giảm phân hình thành giao tử? Cho ví dụ.

+ Lấy ví dụ một số cây trồng, vật nuôi được điều khiển sinh sản bằng hormone sinh dục.

Về nhà:

- Làm mô hình giảm phân I: đủ 4 kì bằng nguyên vật liệu sẵn có.

c. Sản phẩm học tập:

- Các câu trả lời của HS.

- Mô hình các kì của giảm phân I.

d. Tổ chức hoạt động:

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ:

- GV yêu cầu HS trả lời các câu hỏi sau:

+ Có thể tác động đến những yếu tố nào trong giảm phân hình thành giao tử? Cho ví dụ.

+ Lấy ví dụ một số cây trồng, vật nuôi được điều khiển sinh sản bằng hormone sinh dục.

- Về nhà: Mỗi nhóm phân công làm mô hình giảm phân I đủ 4 kỳ với bộ NST 2n = 4, sử dụng nguyên liệu sẵn có như giấy mầu, kéo,…( Tùy sự sáng tạo của HS tuy nhiên không lãng phí).

- HS nhận nhiệm vụ.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ:

- GV hướng dẫn, hỗ trợ.

- HS tiến hành làm ở nhà theo nhóm và báo cáo theo cá nhân.

Bước 3: Báo cáo kết quả:

- HS xung phong trả lời câu hỏi.

- Vào tiết học sau, HS nộp báo cáo và sản phẩm.

Bước 4: Kết luận và nhận định:

- GV nhận xét câu trả lời và kết luận.

- GV thu sản phẩm và đánh giá bằng cho điểm.

Danh mục: Giáo án