Viết: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ

Sách cánh diều

Đổi lựa chọn

I. Định hướng

a. Khái niệm

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ thực chất là trả lời câu hỏi: “Bài thơ gợi cho em những tình cảm, cảm xúc gì? Vì sao?”. Trong đoạn văn, em có thể nêu cảm xúc về nội dung hoặc nghệ thuật, một câu thơ, khổ thơ, đoạn thơ hoặc cả bài thơ mà em có ấn tượng và yêu thích.

b. Để viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ, các em cần chú ý:

- Đọc kĩ để hiểu nội dung và nghệ thuật của bài thơ. Xác định các yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ gây ấn tượng và gợi cảm xúc cho em.

- Viết đoạn văn, trong đó nêu rõ: Em có cảm xúc về vấn đề gì (nội dung hay hình thức nghệ thuật, một câu, khổ, đoạn hay cả bài thơ)? Cảm xúc của em như thế nào (xúc động, vui, thích, buồn, hân hoan,...)? Điều gì đã mang lại cho em cảm xúc đó? Vì sao?...

II. Quy trình viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ

a. Chuẩn bị

- Xem lại nội dung đọc hiểu bài thơ

- Xác định những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ

b. Tìm ý và lập dàn ý

- Xác định những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ:

+ Đặc sắc về nội dung

+ Đặc sắc về nghệ thuật

- Tìm ý cho đoạn văn bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

+ Em thích nhất câu, khổ, đoạn thơ nào hay cả bài thơ?

→ Em thích cả bài thơ.

+ Em thích chi tiết nội dung hay yếu tố nghệ thuật đặc sắc nào trong bài thơ? Vì sao?

+ Câu, khổ, đoạn thơ hoặc chi tiết nội dung hay yếu tố nghệ thuật đó đã mang lại cho em những cảm xúc gì?

- Lập dàn ý cho đoạn văn bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

+ Mở bài: Nêu cảm nghĩ chung về bài thơ: dẫn ra yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc khiến em yêu thích.

+ Thân bài: Nêu cụ thể cảm xúc của em về yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc đã xác định ở mở đoạn.

+ Kết bài: Khái quát lại suy nghĩ của bản thân về yếu tố đã mang lại cảm xúc ấy.

c. Viết: Viết đoạn văn theo dàn ý đã lập. Khi viết, cần sử dụng được các từ ngữ ghi lại một cách sinh động và chính xác cảm xúc của em.

d. Kiểm tra và chỉnh sửa

- Kiểm tra chính tả

- Kiểm tra nội dung

- Điều chỉnh lại nếu cần thiết

III. Bài tập minh họa

Đề bài: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc xong bài thơ Tiếng gà trưa - Xuân Quỳnh, SGK Ngữ văn 7 Tập 1 Cánh Diều.

Hướng dẫn giải:

- Dựa vào Quy trình viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ, năm chữ - Lên ý tưởng và viết bài thơ:

+ Bài thơ nói về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu

+ Rộng hơn là tình cảm gia đình đã làm sâu sắc thêm tình quê hương đất nước + Chính vì tình cảm, kỉ niệm đó mà người cháu "chiến đấu hôm nay"

+ ...

Lời giải chi tiết:

Bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh là một bài thơ nói về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình bà cháu trong bài thơ, nói rộng hơn là tình cảm gia đình đã làm sâu sắc thêm tình quê hương đất nước. Người cháu ra đi chiến đấu vì lòng yêu Tổ quốc. "Tổ quốc" là một từ thật thiêng liêng nhưng cũng hết sức trừu tượng. "Tổ quốc" có trong mình "xóm làng thân thuộc". "Tổ quốc" có trong mình những kỉ niệm với bà, giản dị như tiếng gà cục tác. Như vậy, có thể nói "Tổ quốc" thiêng liêng, trừu tượng nhưng cũng thật giản dị, gần gũi. Bài thơ Tiếng gà trưa đã nói về tình cảm và kỉ niệm đẹp đẽ của người cháu với bà của mình. Chính vì tình cảm, kỉ niệm đó mà người cháu "chiến đấu hôm nay". Tình cảm đã khiến người ta có sức mạnh để bảo vệ những điều bình dị mà thiêng liêng. Đó là điều được gợi ra trong tôi sau khi đọc bài thơ.