I. Định hướng
- Làm bài thơ bốn chữ, năm chữ cần:
+ Thể hiện cách nhìn, cách cảm nhận,...của người viết về cuộc sống
+ Sử dụng từ ngữ, hình ảnh phù hợp để thể hiện cách nhìn, cảm xúc của bản thân về cuộc sống.
+ Sử dụng các biện pháp tu từ phù hợp để tạo nên những liên tưởng độc đáo, thú vị
+ Gieo vần, ngắt nhịp một cách hợp lí để làm tăng giá trị biểu đạt của ngôn từ
+ Đặt nhan đề phù hợp với nội dung văn bản
+ Đảm bảo đủ số chữ (bốn chữ hoặc năm chữ) ở các dòng thơ theo yêu cầu của thể loại
II. Những lưu ý khi làm bài thơ bốn chữ, năm chữ
- Khi làm bài thơ bốn chữ, năm chữ, các em cần chú ý cách gieo vần:
+ Có thể gieo vần chân (vần được gieo ở cuối dòng thơ)
+ Vần lưng (vần được gieo ở giữa dòng thơ)
+ Vần liền (vần được gieo liên tiếp ở các dòng thơ)
+ Vần cách (vần không được gieo liên tiếp mà thường cách ra một dòng thơ)
+ Vần hỗn hợp (vần được gieo không trật tự nào).
- Bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ có thể gieo nhiều vần.
- Mỗi bài thơ có thể có nhiều khổ, số dòng trong mỗi khổ thơ cũng không cố định.
III. Bài tập minh họa
Bài tập: Em hãy sưu tầm một bài thơ bốn hoặc năm chữ, dựa vào đó sáng tác một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ với đề tài tự chọn. Chỉ ra cách gieo vần trong bài thơ đó.
Phương pháp giải:
- Dựa vào các văn bản, sách báo, internet để sưu tầm một bài thơ bốn hoặc năm chữ
- Đọc lại các lưu ý làm bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ
- Có thể chọn đề tài để viết
- Lên ý tưởng và viết bài thơ
- Chỉ ra cách gieo vần trong bài thơ đó
Lời giải chi tiết:
Bài thơ sưu tầm:
Em yêu màu đỏ
Như máu con tim
Lá cờ tổ quốc
Khăn quàng đội viên
Em yêu màu xanh
Đồng bằng, rừng núi
Biển đầy cá tôm
Bầu trời cao vợi
Em yêu màu vàng
Lúa đồng chín rộ
Hoa cúc mùa thu
Nắng trời rực rỡ
(Sắc màu em yêu - Phạm Đình Ân)
Sáng tác bài thơ:
Hạt nắng mênh mang
Thắp lửa hai hàng
Lòng như gió bay
Một màu phượng cháy
(Bài làm của học sinh)
Vần chân: mang – hàng; bay - cháy