Soạn bài Ông đồ

Sách cánh diều

Đổi lựa chọn

Câu 1 (trang 48, SGK CD Ngữ Văn 7, tập 1)

Đề bài: Bài thơ Ông đồ viết về ai và về việc gì? Ai là người bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ trong bài thơ? Đó là cảm xúc, suy nghĩ gì?

Phương pháp giải:

Đọc bài thơ và xác định nhân vật trữ tình, cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài

Lời giải chi tiết:

Bài thơ viết về ông đồ viết thư pháp thời xưa và sự lãng quên của xã hội với ông đồ. Bài thơ là tiếng nói thẳm sâu tận đáy lòng của tác giả trước sự lụi tàn của một thế hệ, một tư tưởng và một nét đẹp của cảnh cũ, người xưa.

Câu 2 (trang 48, SGK CD Ngữ Văn 7, tập 1)

Đề bài: Nội dung bài thơ được trình bày theo trình tự nào? Cách trình bày ấy có tác dụng gì?

Phương pháp giải:

Đọc cả bài thơ và xác định trình tự nội dung. Chỉ ra tác dụng

Lời giải chi tiết:

Nội dung bài thơ được trình bày theo trình tự thời gian, từ ngày xưa đến ngày nay. Qua đó thể hiện sự thay đổi và vắng bóng nghệ thuật thư pháp, vắng hình ảnh ông đồ.

Câu 3 (trang 48, SGK CD Ngữ Văn 7, tập 1)

Đề bài: Chỉ ra và phân tích sự khác nhau của hình ảnh ông đồ ở các khổ thơ 1,2 so với các khổ thơ 3,4. Sự khác nhau ấy nói lên điều gì?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ 4 khổ thơ đầu để so sánh sự khác nhau của hình ảnh ông đồ

Lời giải chi tiết:

- Khổ 1+2: hình ảnh ông đồ viết chữ nho ngày Tết là một hình ảnh đẹp, đem lại niềm vui cho mọi người. Ngày ấy nghệ thuật thư pháp còn được coi trọng

- Khổ 3+4: vẫn diễn tả không gian ấy, thời gian ấy, nhưng không khí khác: vắng vẻ theo từng năm, đến giờ thì hầu như không còn "người thuê viết".

=> Sự khác nhau gợi cho người đọc cảm xúc thương cảm ông đồ, ông đang bị lãng quên cùng với thú chơi câu đối một thời.

Câu 4 (trang 48, SGK CD Ngữ Văn 7, tập 1)

Đề bài: Trong bài thơ, tác giả sử dụng những biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của những biện pháp đó.

Phương pháp giải:

Xác định các biện pháp tu từ và chỉ ra tác dụng của chúng

Lời giải chi tiết:

* Các biện pháp tu từ được sử dụng trong bài:

- Nhân hóa:

“Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu”

→ Giấy, mực không được động đến nên buồn sầu. Chúng cũng có tâm hồn, cảm xúc như con người.

- So sánh:

“Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa, rồng bay”

→ Tài năng viết chữ của ông đồ. Ông viết đẹp, nghệ thuật như phượng múa, rồng bay.

Câu 5 (trang 48, SGK CD Ngữ Văn 7, tập 1)

Đề bài: Theo em, những dòng thơ sau tả cảnh hay tả tình? Vì sao?

- Giấy đỏ buồn không thắm;

Mực đọng trong nghiên sầu…

- Lá vàng rơi trên giấy;

Ngoài trời mưa bụi bay

Phương pháp giải:

Đọc và nêu cảm nhận

Lời giải chi tiết:

Những câu thơ:

- Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu…

 - Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay

Đó là những câu thơ không chỉ tả cảnh. Tác giả đã dùng biện pháp nhân hoá làm cho giấy, mực, những vật vô tri cũng biết sầu buồn. Phải chăng, cái buồn của bản thân ông đồ cũng làm lây nhiễm sang cảnh vật? Lá vàng, mưa bụi thật là buồn. Lá lại rơi trên giấy không thắm, mưa bụi lại làm cho cảnh vật như nhoè mờ. Ông đồ đã bị lãng quên, càng bị khuất lấp. Những câu thơ như thế đã làm cho bài thơ tạo được cho người đọc ấn tượng và ám ảnh sâu sắc.

Câu 6 (trang 48, SGK CD Ngữ Văn 7, tập 1)

Đề bài: Qua bài thơ Ông đồ, em hiểu gì về tục “xin chữ” mỗi dịp Tết đến, xuân về? Nếu vẽ minh họa cho bài thơ, em sẽ vẽ hình ảnh nào?

Phương pháp giải:

Trình bày hiểu biết về tục xin chữ và nêu ý tưởng nếu vẽ minh họa cho bài thơ

Lời giải chi tiết:

Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa trọng tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.

Nếu vẽ minh họa cho bài thơ, em sẽ vẽ hình ảnh ông đồ cặm cụi ngồi viết thư pháp.