Soạn bài Người đàn ông cô độc giữa rừng

Sách cánh diều

Đổi lựa chọn

Câu 1 (trang 20, SGK CD Ngữ Văn 7, tập 1)

Đề bài: Văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng kể về việc gì? Đoạn trích có những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính? Nhan đề văn bản gợi cho em những suy nghĩ gì?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn trích

Lời giải chi tiết:

- Văn bản kể về cuộc gặp gỡ giữa An và tía nuôi với chú Võ Tòng ở căn lều của chú giữa rừng U Minh

- Đoạn trích có nhân vật “tôi” - An, tía nuôi An và chú Võ Tòng

- Nhân vật chính là chú Võ Tòng

- Nhan đề văn bản gợi cho em về một người đàn ông cô đơn, sống một mình giữa một khu rừng mênh mông.

Câu 2 (trang 20, SGK CD Ngữ Văn 7, tập 1)

Đề bài: Đặc điểm tính cách nhân vật Võ Tòng được nhà văn thể hiện trên những phương diện nào? Hãy vẽ hoặc miêu tả bằng lời về nhân vật Võ Tòng theo hình dung của em

Phương pháp giải:

Đọc kỹ đoạn trích

Lời giải chi tiết:

Nhân vật Võ Tòng hiện lên qua lời kể của nhân vật chú bé An, qua lời nhận xét của má nuôi An và qua các lời nói, hành động, cử chỉ của chính mình. Đặc điểm tính cách của nhân vật được thể hiện trực tiếp qua các phương diện sau:

- Ngoại hình (“chú cởi trần … nữa chứ” và hàng sẹo chạy từ thái dương xuống cổ): thể hiện sự phong trần, “kì kinh dị tướng”

- Lời nói:

+ Với An: thể hiện sự thân mật, suồng sã

+ Với tía nuôi của An: thể hiện sự thân tình nhưng vẫn giữ được sự lễ độ

- Hành động: trước khi đi tù (hiền lành, yêu tương vợ, cương trực, khảng khái); sau khi đi tù về và ở trong rừng (giỏi võ, mạnh mẽ, dũng cảm, chất phác, thật thà, tốt bụng, căm thù giặc Pháp và lũ hèn nhát, đốn mạt)

- Tính cách được thể hiện gián tiếp qua các phương diện: nơi ở và cách bài trí trong ngôi nhà, thói quen trong sinh hoạt,…

=> Võ Tòng là người cương trực, dũng cảm, hào hiệp.

Câu 3 (trang 20, SGK CD Ngữ Văn 7, tập 1)

Đề bài: Nêu tác dụng của việc kết hợp giữa lời kể theo ngôi thứ nhất (xưng “tôi”) với lời kể theo ngôi thứ ba trong việc khắc họa nhân vật Võ Tòng.

Phương pháp giải:

Đọc kỹ đoạn trích

Lời giải chi tiết:

Người kể chuyện trong văn bản này vừa ở ngôi thứ nhất (xưng “tôi”), vừa ở ngôi thứ ba, tức là “tuy hai mà một”. Việc thay đổi ngôi kể về nhân vật Võ Tòng như trong đoạn trích có tác dụng giúp việc kể chuyện linh hoạt hơn, khắc hoạ chân dung Võ Tòng ở nhiều góc nhìn khác nhau (cả trực tiếp và gián tiếp). Vì vậy mà nhân vật càng trở nên sinh động, chân thực trong cái nhìn vừa khách quan, vừa chủ quan.

Câu 4 (trang 20, SGK CD Ngữ Văn 7, tập 1)

Đề bài: Hãy nêu ra một số yếu tố (ngôn ngữ, phong cảnh, tính cách con người, nếp sinh hoạt,...) trong văn bản để thấy tiểu thuyết của Đoàn Giỏi mang đậm màu sắc Nam Bộ

Phương pháp giải:

Đọc kỹ đoạn trích.

Lời giải chi tiết:

Một số yếu tố cho thấy truyện của Đoàn Giỏi mang đậm màu sắc Nam Bộ:

- Ngôn ngữ: sử dụng ngôn ngữ địa phương đậm sắc Nam Bộ (tía, má, anh Hai, chị Hai, bá, nhà việc, khám, qua,...)

- Phong cảnh: núi rừng và sông nước đặc miền Nam Bộ.

- Tính cách con người: can trường, gan dạ, chất phác, thật thà, dễ mến.

- Nếp sinh hoạt: nếp sinh hoạt của con người nơi đây cũng rất tự do phóng khoáng, người với người đối đãi với nhau bằng tình cảm hào sảng, gần gũi.

Câu 5 (trang 20, SGK CD Ngữ Văn 7, tập 1)

Đề bài: Qua đoạn trích, em hiểu thêm được gì về con người của vùng đất phương Nam? Hãy nêu một chi tiết mà em thích nhất và lí giải vì sao

Phương pháp giải:

Đọc kỹ đoạn trích và nêu chi tiết mà em thích nhất

Lời giải chi tiết:

Đoạn trích Người đàn ông cô độc giữa rừng giúp ta hiểu thêm về con người Nam Bộ. Cụ thể là những người như ông Hai, bà Hai (tía và má nuôi của An), nhân vật “tôi” và đặc biệt là chú Võ Tòng,… Đó là những người sống chan hào với thiên nhiên, tính cách trung thực, thẳng thắn, trọng nghĩa khinh tài, anh dũng, luôn vì nghĩa lớn…

Chi tiết mà em thích nhất là câu nói cảm ơn của ông Hai và chú Võ Tòng. Nó thể hiện được lối sống ân nghĩa giữa người với người, tất cả hướng về nghĩa lớn, quyết tâm bảo vệ mảnh đất thân yêu.

Câu 6 (trang 20, SGK CD Ngữ Văn 7, tập 1)

Đề bài: Viết một đoạn văn (khoảng 6-8 dòng) nêu lên những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng

Phương pháp giải:

Đọc kỹ đoạn trích để khái quát nội dung và nghệ thuật

Lời giải chi tiết:

Người đàn ông cô độc giữa rừng là một đoạn trích tiêu biểu cho màu sắc thiên nhiên và con người Nam Bộ. Chỉ bằng một cuộc chuyện trò nho nhỏ và qua hình ảnh nhân vật tiêu biểu là chú Võ Tòng, nhà văn Đoàn Giỏi đã khắc họa rõ nét hình tượng con người Nam Bộ với tính cách cương trực, dũng cảm, hào hiệp. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc đi với việc sử dụng ngôi kể linh hoạt khiến câu chuyện thêm khách quan, gần gũi với người đọc. Thiên nhiên qua ngòi bút miêu tả chân thực của nhà văn cũng hiện lên xanh tươi đậm chất sông nước miền Nam khiến người đọc không khỏi yêu mến, nhớ nhung.