I. Ngôn ngữ vùng miền
- Ngôn ngữ vùng miền (phương ngữ) là biến thể theo mỗi địa phương của một ngôn ngữ, được thể hiện chủ yếu trên các phương tiện ngữ âm và từ vựng.
- Mỗi phương ngữ có những đặc điểm riêng về ngữ âm, thể hiện qua cách phát âm của người dân mỗi địa phương.
- Đặc biệt, trong mỗi phương ngữ bao giờ cũng có một số từ ngữ không có nghĩa tương đương trong ngôn ngữ toàn dân.
II. Từ địa phương
a. Khái niệm
Mỗi vùng miền cả một số từ ngữ riêng biệt, thường gọi là từ ngữ địa phương. Những từ ngữ đó phát sinh từ những nét riêng về điều kiện tự nhiên, đặc điểm tâm lí và phong tục tập quán của cư dân địa phương. Từ địa phương rất đa dạng, thể hiện ở các mặt ngữ âm và từ vựng:
b. Về mặt ngữ âm
- Một từ ngữ có thể được phát âm không giống nhau ở các vùng miền khác nhau. Ví dụ:
+ Mặc dù cùng viết là ra nhưng người ở phần lớn các tỉnh miền Bắc phát âm giống như da, còn người miền Trung và miền Nam phát âm là ra; cùng viết là vui nhưng người miền Nam phát âm giống như dui, còn người miền Bắc và miền Trung phát âm là vui,...
c. Về mặt từ vựng
- Các vùng miền khác nhau đều có những từ ngữ mang tính địa phương (từ ngữ địa phương). Ví dụ:
+ Từ thầy, u (từ dùng ở một số tỉnh miền Bắc); bọ, mạ (từ dùng ở một số tỉnh miền Trung, tiêu biểu là Quảng Bình); tía, má (từ dùng ở nhiều tỉnh miền Nam) được dùng để gọi cha, mẹ.
+ Lưu ý: Trong tác phẩm văn học, việc sử dụng một số từ ngữ địa phương phản ánh cách nói của nhân vật, của người dân ở địa phương nhất định; đồng thời, tạo sắc thái thân mật, gần gũi, phù hợp với bối cảnh mà tác phẩm miêu tả. Tuy nhiên, việc sử dụng từ ngữ địa phương cũng cần có chừng mực; nếu không, sẽ gây khó khăn cho người đọc và hạn chế sự phổ biến của tác phẩm.
III. Bài tập minh họa
Bài tập: Đọc bài thơ sau đây của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi và thực hiện các yêu cầu sau:
Cái gầu thì bảo cải đài
Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi
Chộ tức là thấy em ơi
Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em.
Thích chi thì bảo là sèm
Nghe ai bảo đọi thì đem bát vào
Cá quả lại gọi cá tràu
Vo trốc là bảo gội đầu đấy em…
Nghe em giọng Bắc êm êm
Bà con hàng xóm đến xem chật nhà
Răng chưa sang nhởi nhà choa
Bà o đã nhốt con ga trong truồng
Em cười bối rối mà thương
Thương em một lại trăm đường thương quê
Gió lào thổi rạc bờ tre
Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn
Chắt từ đá sỏi đất cằn Nên yêu thương mới sâu đằm đó em.
a. Tìm các từ địa phương được sử dụng trong bài thơ.
b. Nêu ý nghĩa của việc sử dụng những từ địa phương ấy.
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung từ địa phương để liệt kê
Dựa vào hiểu biết các nhân để phân tích ý nghĩa của những từ địa phương ấy
Lời giải chi tiết:
a. Các từ ngữ địa phương sử dụng trong bài thơ là:
“đài“
“cươi“
“chộ”
“trụng”
“sèm“
“đọi”
“cá tràu“
“vo troốc”
“mô”
“nhởi”
“choa"
“o”
“con ga”
“truồng”
b. Bài thơ sử dụng nhiều từ địa phương (Hà Tĩnh) thể hiện tình yêu của tác giả đối với nơi mình sống, đồng thời làm cho người đọc tò mò và tìm hiểu nhiều hơn về ngôn ngữ nơi đây.