I. Số nguyên âm
1. Cách viết và đọc số nguyên âm
Các số tự nhiên 1,2,3,4,...còn được gọi là các số nguyên dương.
Các số −1,−2,−3,... gọi là các số nguyên âm đọc là âm một, âm hai, âm ba,… hoặc trừ một, trừ hai, trừ ba,…
Các số nguyên dương 1,2,3,... đều mang dấu “+” nên còn được viết được viết là +1,+2,+3,...
Cách nhận biết số nguyên âm:
Số nguyên âm được nhận biết bằng dấu “ – “ ở trước số tự nhiên khác 0.
Ví dụ:
−5 là số nguyên âm, đọc là: âm năm hoặc trừ năm
Âm hai được viết là: −2.
2. Ứng dụng thực tiễn
Số nguyên âm được sử dụng trong nhiều tình huống thực tiễn cuộc sống:
- Số nguyên âm được dùng để chỉ nhiệt độ dưới 0oC.
- Số nguyên âm được dùng để chỉ độ cao dưới mực nước biển.
- Số nguyên âm được dùng để chỉ số tiền nợ, cũng như để chỉ số tiền lỗ trong kinh doanh.
- Số nguyên âm được dùng để chỉ thời gian trước Công nguyên.
Ví dụ:
+ Bác An nợ 100000 đồng thì ta cũng có thể nói bác An có −100000 đồng.
+ Một cơ sở kinh doanh bị lỗ 30000000 đồng thì ta có thể nói lợi nhuận là: −30000000 đồng.
+ Nhà toán học Py-ta-go sinh năm −570, nghĩa là ông sinh năm 570 trước Công nguyên
+ Nhiệt độ 3 độ dưới 0oC được viết là −3oC; đọc là: âm ba độ C.
+ Vùng đất trũng dưới mực nước biển 5m, ta nói độ cao trung bình của vùng đất đó là −5m.
II. Tập hợp số nguyên
Tập hợp số gồm các số nguyên âm, số 0 và các số nguyên dương được gọi là tập hợp số nguyên.
Tập hợp các số nguyên được kí hiệu là Z.
Z={...;−4;−3;−2;−1;0;1;2;3;4;...}
Chú ý:
Số 0 không là số nguyên dương, cũng không là số nguyên âm.
Ví dụ 1:
1;23;247;−1;−92;−143 là các số nguyên.
Ví dụ 2:
Ta có: −3∈Z;0∈Z;25∈Z.
III. Biểu diễn số nguyên trên trục số
1. Trục số nằm ngang
- Chiều dương hướng từ trái sang phải, chiều ngược lại là chiều âm.
- Điểm gốc của trục số là điểm 0.
- Điểm biểu diễn số nguyên a gọi là điểm a.
- Đơn vị đo độ dài trên trục số là độ dài đoạn thẳng nối điểm 0 với điểm 1.
Ví dụ:
Trên trục số đã cho:
+ Điểm A biểu diễn số −5.
+ Điểm C biểu diễn số −1.
+ Điểm M biểu diễn số 2.
2. Trục số thẳng đứng
- Chiều dương hướng từ dưới lên trên, chiều ngược lại là chiều âm.
- Điểm gốc của trục số là điểm 0.
- Điểm biểu diễn số nguyên a gọi là điểm a.
- Đơn vị đo độ dài trên trục số là độ dài đoạn thẳng nối điểm 0 với điểm 1.
Ví dụ:
Trên trục số đã cho:
+ Điểm A biểu diễn số 2.
+ Điểm B biểu diễn số −1.