Số thực. Giá trị tuyệt đối của một số thực

Sách chân trời sáng tạo

Đổi lựa chọn

I. Khái niệm số thực và trục số thực

Số hữu tỉ và số vô tỉ được gọi chung là số thực. Kí hiệu: \(\mathbb{R}\)

Với $a,b$ là hai số thực dương, nếu \(a > b\) thì \(\sqrt a {\rm{\;}} > \sqrt b .\)

Ta có \(\mathbb{N} \subset \mathbb{Z} \subset \mathbb{Q} \subset \mathbb{R};{\mkern 1mu} I \subset \mathbb{R}\).

Ví dụ: \(0,25 \in \mathbb{R}; - 3 \in \mathbb{R};...\)

Trục số thực

+ Mỗi số thực được biểu diễn bởi một điểm trên trục số.

+ Mỗi điểm trên trục số biểu diễn một số thực.

Chú ý: Các số thực lấp đầy trục số.

II. Thứ tự trong tập hợp các số thực

So sánh 2 số thực:

Các số thực đều viết được dưới dạng số thập phân (hữu hạn hay vô hạn). Ta có thể so sánh 2 số thực tương tự như so sánh số thập phân.

Ví dụ:

0,322 …< 0,324…nên 0,3(2) < 0,324…

- Với 2 số thực bất kì, ta luôn có hoặc a = b hoặc a > b hoặc a < b

- Nếu a < b ; b < c thì a < c (Tính chất bắc cầu)

- Nếu a < b thì điểm a nằm trước điểm b trên trục số

Chú ý: Nếu 0 < a < b thì \(\sqrt a  < \sqrt b \)

Ví dụ: Vì 3 < 4 nên \(\sqrt 3  < \sqrt 4  = 2\)

III. Số đối của một số thực

Hai số thực có điểm biểu diễn trên trục số cách đều điểm gốc O và nằm về hai phía ngược nhau là hai số đối nhau, số này là số đối của số kia

+ Số đối của số thực a là –a. Ta có: $a + (-a) = 0$

+ Số đối của số 0 là 0

Ví dụ: Số đối của \( - \sqrt 8 \) là \(\sqrt 8 \)

Nếu a > b thì $–a < -b$

IV. Giá trị tuyệt đối của một số thực

Khoảng cách từ điểm a trên trục số đến gốc O là giá trị tuyệt đối của số a, kí hiệu là |a|

Nhận xét:

+ Hai số đối nhau thì có giá trị tuyệt đối bằng nhau

+ Giá trị tuyệt đối của 0 là 0

+ Giá trị tuyệt đối của một số dương là chính nó

+ Giá trị tuyệt đối của một số âm là số đối của nó

+ Giá trị tuyệt đối của một số thực luôn không âm.

Ví dụ:

$|2,3| = 2,3$

$|-2,3| = 2,3$

$|-2,3| = |2,3|$

Giả sử 2 điểm A và B lần lượt biểu diễn 2 số thực a và b khác nhau trên trục số. Khi đó, độ dài của đoạn thẳng AB là $|a – b|$