I. Làm tròn số
Ở nhiều tình huống, ta cần tìm một số thực xấp xỉ với số thực đã cho để tiện ghi nhớ, đo đạc, tính toán. Số thực tìm được như thế gọi là số làm tròn.
Khi làm tròn số thập phân đến hàng nào đó, ta gọi đó là hàng quy tròn.
Muốn làm tròn số thập phân đến một hàng quy tròn nào đó:
Bước 1: Gạch dưới chữ số thập phân của hàng quy tròn.
Bước 2: Nhìn sang chữ số ngay bên phải
+ Nếu chữ số đó lớn hơn hoặc bằng 5 thì tăng chữ số gạch dưới lên 1 đơn vị rồi thay tất cả các chữ số bên phải bằng số 0 hoặc bỏ đi nếu chúng ở phần thập phân.
+ Nếu chữ số đó nhỏ hơn 5 thì giữ nguyên chữ số gạch rồi thay tất cả các chữ số bên phải bằng số 0 hoặc bỏ đi nếu chúng ở phần thập phân.
Ví dụ: Làm tròn số 34,713 đến hàng phần mười, ta được: 34,8
Chú ý: Để làm tròn số thực âm, ta sẽ làm tròn số đối của nó rồi thêm dấu “ – ” vào trước kết quả làm tròn.
II. Làm tròn số căn cứ vào độ chính xác cho trước
Ta nói số a được làm tròn đến số b với độ chính xác d nếu khoảng cách giữa điểm a và điểm b trên trục số không vượt quá d.
Chú ý:
+ Nếu độ chính xác d là số chục thì ta thường làm tròn a đến hàng trăm.
+ Nếu độ chính xác d là số phần nghìn thì ta thường làm tròn a đến hàng phần trăm.
Ví dụ: Làm tròn số 2,13452….với độ chính xác 0,005, tức là làm tròn số 2,13452…. đến hàng phần trăm ta được 2,13.
Chú ý: Trong đo đạc và tính toán, ta cố gắng làm tròn với độ chính xác càng nhỏ càng tốt.
III. Ước lượng các phép tính
Đôi khi ta không quá quan tâm đến kết quả chính xác mà chỉ cần ước lượng kết quả, nghĩa là tìm một số gần sát với kết quả chính xác.
Ví dụ:
Ước lượng kết quả của phép tính: $49,87.1000,16$
Ta ước lượng $49,87.1000,16= 50.1000 = 50 000$