I. Khái niệm khí quyển
- Khí quyển là lớp không khí bao quanh Trái Đất, luôn chịu ảnh hưởng của Vũ Trụ, trước hết là Mặt Trời.
- Thành phần của khí quyển: là không khí, bao gồm hỗn hợp các chất khí:
+ Ni-tơ: 78,1%
+ Oxi: 20,9%
+ Các chất khí khác (ác-gông, carbonic,...) và hơi nước: 1%
- Cấu trúc của khí quyển được chia thành 5 tầng: tầng đối lưu, tầng bình lưu, tầng giữa, tầng nhiệt và tầng khếch tán. Trong đó, tầng đối lưu là quan trọng nhất vì có liên quan đến các quá trình tự nhiên diễn ra trên bề mặt Trái Đất.
- Khí quyển có vai trò quan trọng đối với sự hình thành, phát triển và bảo vệ sự sống trên Trái Đất.
II. Nhiệt độ không khí
a. Nhiệt độ phân bố theo vĩ độ
- Từ xích đạo về hai cực, nhiệt độ không khí càng giảm, biên độ nhiệt năm càng lớn.
- Biểu hiện rõ rệt của quy luật phân bố nhiệt độ theo vĩ độ là: sự phân bố các vòng đai nhiệt (dựa vào ranh giới của các vành đai nhiệt tháng nóng nhất).
+ Vòng đai nóng: nằm giữa các vành đai nhiệt +20 độ C
+ Vòng đai ôn hòa: nằm giữa vành đai nhiệt +10 độ C đến +20 độ C
+ Vòng đai lạnh: nằm giữa vành đai nhiệt 0 độ C đến +10 độ C
+ Vòng đai băng giá vĩnh cửu: nằm từ vành đai nhiệt 0 độ C đến hai cực.
- Nguyên nhân: do Trái Đất có dạng hình cầu nên góc chiếu của tia sáng Mặt Trời đến Trái Đất khác nhau ở các vĩ độ, lớn nhất ở xích đạo và giảm dần về hai cực, nên nhiệt độ có xu hướng giảm dần từ xích đạo về hai cực.
b. Nhiệt độ phân bố theo lục địa và đại dương
- Bề mặt đất nhận nhiệt nhanh hơn và tỏa nhiệt cũng nhanh hơn đại dương. Nên:
+ Mùa hạ: lục địa có nhiệt độ cao hơn đại dương
+ Mùa đông: lục địa có nhiệt độ thấp hơn đại dương
- Biên độ nhiệt năm trên lục địa lớn, trên đại dương nhỏ.
- Nhiệt độ không khí còn thay đổi theo bờ đông và bờ tây lục địa, do ảnh hưởng của các dòng biển nóng, lạnh.
c. Nhiệt độ phân bố theo địa hình
- Theo độ cao: trong tầng đối lưu, trung bình cứ lên cao 100m nhiệt độ không khí giảm 0,6 độ C. Nguyên nhân: do càng lên cao, không khí càng loãng không hấp thụ và giữ được nhiều nhiệt.
- Theo độ dốc: sườn núi có độ dốc lớn, góc nhập xạ nhỏ nên nhận được lượng nhiệt ít hơn và ngược lại.
- Theo hướng sườn: sườn núi đón ánh sáng Mặt Trời có nhiệt độ cao hơn sườn khuất.