I. Thạch quyển
- Thạch quyển là phần cứng ngoài cùng của vỏ Trái Đất, bao gồm vỏ Trái Đất và phần trên của lớp Manti.
- Vật chất chủ yếu cấu tạo nên thạch quyển ở trạng thái cứng và chủ yếu là các loại đá.
- Độ dày khoảng 100km.
- Ranh giới bên dưới của thạch quyển tiếp xúc với lớp quánh dẻo của manti, nên các mảng kiến tạo có thể dịch chuyển hoặc trượt trên đó.
II. Tác động của nội lực đến địa hình bề mặt Trái Đất
a. Khái niệm
- Nội lực là lực sinh ra trong lòng Trái Đất, liên quan tới nguồn năng lượng bên trong Trái Đất.
- Nguyên nhân:
+ Do sự phân hủy các chất phóng xạ
+ Do các phản ứng hóa học tỏa nhiệt
+ Do chuyển động tự quay của Trái Đất
+ Do sự sắp xếp vật chất theo tỉ trọng, ...
- Nội lực làm dịch chuyển các mảng kiến tạo, hình thành các dãy núi, tạo ra các uốn nếp, đứt gãy; gây ra động đất, núi lửa, ... làm thay đổi địa hình bề mặt Trái Đất, khiến nó gồ ghề, cao thấp, mấp mô hơn.
b. Tác động
Tác động của nội lực thể hiện qua vận động theo phương thẳng đứng và vận động theo phương nằm ngang.
* Vận động theo phương thẳng đứng:
- Là vận động nâng lên hạ xuống diễn ra trên một khu vực rộng lớn. Làm cho bộ phận này của lục địa được nâng lên, trong khi bộ phận khác bị hạ xuống.
- Kết quả: dẫn tới hiện tượng biển tiến và biển thoái.
- Ngày nay vận động này vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên Trái Đất như bán đảo Xcan-đi-na-vi ở Bắc Âu – vùng phía bắc của Thụy Điển và Phần Lan đang được nâng lên, trong khi phần lớn lãnh thổ Hà Lan bị hạ xuống.
* Vận động theo phương nằm ngang: Làm cho vỏ Trái Đất bị nén ép ở khu vực này và tách giãn ở khu vực khác, gây ra hiện tượng uốn nếp và đứt gãy.
- Hiện tượng uốn nếp: là hiện tượng các lớp đá bị xô ép, uốn cong thành các nếp uốn nhưng không phá vỡ tính liên tục của chúng. Xuất hiện ở những nơi đá có độ dẻo cao, thường là đá trầm tích.
- Hiện tượng đứt gãy:
+ Xảy ra ở những vùng đá cứng, làm cho các lớp đất đá gẫy, đứt ra rồi dịch chuyển ngược hướng nhau theo phương gần như thẳng đứng hay nằm ngang.
+ Tạo ra các hẻm vực, thung lũng, ... Ví dụ: thung lũng sông Hồng (Việt Nam),...
+ Nếu cường độ yếu, đá chỉ nứt nẻ, không chuyển dịch, tạo ra các khe nứt, ...
+ Nếu cường độ lớn, sẽ làm cho các lớp đá có bộ phận trồi lên, có bộ phận sụt xuống, hình thành các địa hào, địa lũy, ...
- Địa lũy như dãy núi Con Voi (Việt Nam) nằm giữa hai đứt gãy sông Hồng và sông Chảy
- Địa hào như thung lũng sông Rai-nơ (châu Âu), biển Đỏ và các hồ dài, hẹp ở Đông Phi,...