I. Tính chất của nước biển và đại dương
a. Độ muối
- Nguyên nhân hình thành độ muối: do nước sông hòa tan các loại muối từ đất, đá trong lục địa đưa ra.
- Độ muối trung bình của nước biển là 35 o/oo
- Các nhân tố ảnh hưởng đến độ muối: lượng bốc hơi, lượng mưa và lượng nước sông đổ vào, vĩ độ, độ sâu.
b. Nhiệt độ
- Chế độ nhiệt của nước biển điều hòa hơn chế độ nhiệt của không khí.
- Nhiệt độ trung bình trên biển và đại dương thế giới khoảng: 17oC
- Các yếu tố ảnh hưởng đến nhiệt độ trên biển:
+ Theo mùa trong năm, nhiệt độ nước biển vào mùa hạ cao hơn mùa đông.
+ Theo vĩ độ, nhiệt độ nước biển giảm dần từ xích đạo về hai cực.
+ Theo độ sâu, càng xuống sâu nhiệt độ nước biển càng giảm.
- Biên độ nhiệt năm của nước biển và đại dương không lớn, đặc biệt là khu vực ngoài khơi và vùng vĩ độ thấp.
II. Sóng, thủy triều và dòng biển
a) Sóng biển
- Khái niệm: Là sự dao động của nước biển theo chiều thẳng đứng.
- Nguyên nhân: Được hình thành chủ yếu do tác động của gió. Gió càng to và thời gian thổi càng lâu thì sóng biển càng lớn.
- Phân loại: Sóng bạc đầu, sóng lừng, sóng thần,…
Trong đó, sóng thần là loại thiên tai khủng khiếp và gây thiệt hại nặng nề nhất cho vùng ven biển.
+ Được hình thành từ các trận động đất và núi lửa dưới đáy đại dương.
+ Tạo nên một dạng sóng dài đặc biệt, lan truyền theo phương ngang, với tốc độ lớn, vào đến bờ có thể cao đến 20m.
b) Thuỷ triều
- Khái niệm: Là hiện tượng dao động thường xuyên, có chu kỳ của các khối nước trong các biển và đại dương.
- Nguyên nhân: Do lực hút (lực hấp dẫn) của Mặt Trăng và Mặt Trời cùng với lực li tâm của Trái Đất
- Các trạng thái triều:
+ Triều cường: vào các ngày trăng tròn hoặc không trăng (thủy triều lên xuống lớn nhất) khi Mặt Trăng, Mặt Trời và Trái Đất thẳng hàng.
+ Triều kém: vào các ngày trăng khuyết (thủy triều lên xuống nhỏ nhất) khi Mặt Trăng, Mặt Trời và Trái Đất vuông góc.
Phân loại:
+ Nhật triều: mỗi ngày thủy triều lên xuống một lần
+ Bán nhật triều: mỗi ngày thủy triều lên xuống hai lần
+ Triều không đều: có ngày lên xuống một lần, có ngày lên xuống hai lần.
(Ở Việt Nam có cả 3 loại thủy triều trên, nhưng phổ biến nhất là nhật triều)
c) Dòng biển (hải lưu)
- Khái niệm: Là dòng nước trên các biển và đại dương tạo thành các dòng chảy tương tự như các dòng sông trên lục địa.
- Nguyên nhân: Được hình thành chủ yếu do tác động của các loại gió thổi thường xuyên trên bề mặt Trái Đất. Hoặc sự chênh lệch nhiệt độ, độ muối, ... giữa các vùng biển khác nhau.
- Phân loại:
+ Dòng biển nóng: chảy từ vĩ độ thấp lên vĩ độ cao, tính chất nóng và ẩm
+ Dòng biển lạnh: chảy từ vĩ độ cao lên vĩ độ thấp, tính chất lạnh và khô.
Ở vùng gió mùa hoạt động thường xuyên, xuất hiện các dòng biển thay đổi tính chất và chiều theo mùa.
- Ảnh hưởng lớn đến khí hậu vùng đất ven biển nơi mà chúng chảy qua.
III. Vai trò của biển và đại dương đối với sự phát triển kinh tế - xã hội
Biền và đại dương có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ngày nay:
- Cung cấp nguồn tài nguyên quý giá: tài nguyên sinh vật biển, tài nguyên khoáng sản biển (dầu mỏ, khí đốt, muối biển, ...), năng lượng sóng biển, thủy triều, ....
- Là môi trường cho các hoạt động kinh tế - xã hội: đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải biển, du lịch biển, là nguồn sinh kế cho cộng đồng dân cư ven biển, ...
- Góp phần điều hòa khí hậu, đảm bảo sự đa dạng sinh học,...
Tuy nhiên tài nguyên biển có hạn và dễ bị tổn thương. Vì vậy con người cần khai thác biển và đại dương một cách hợp lí và bền vững.