Đề số 67 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Thật ra, cuộc đời ai cũng có lúc không biết nên làm thế nào mới phải. Khi ấy, ba tôi dạy rằng, ta chỉ cần nhớ nguyên tắc sống cơ bản cực kì ngắn gọn: Trước hết hãy tôn trọng người khác. Rồi sau đó, nghe theo chính mình. Hãy tôn trọng. Bởi cuộc đời là muôn mặt và mỗi người có một cuộc sống riêng biệt. Chẳng có cách sống này là cơ sở để đánh giá cách sống kia. John Mason có viết một cuốn sách tựa đề “Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao”. Tôi không biết nó đã được dịch ra tiếng Việt chưa, nhưng đó là một cuốn sách rất thú vị. Nó khiến tôi nhận ra rằng mỗi con người đều là một nguyên bản, duy nhất, độc đáo và đáng tôn trọng.

Tôi luôn xem nguyên tắc ấy như một đôi giày mà tôi phải mang trước khi ra khỏi nhà. Xỏ đôi giày đó, và đi khắp thế gian, đến bất cứ nơi nào bạn muốn. Con người sinh ra và chết đi đều không theo ý mình. Chúng ta không sinh ra với ngoại hình, tính cách, tài năng hay sự giàu có mà mình muốn chọn lựa. Nhưng chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình. Chúng ta có một cơ hội duy nhất để sống như mình muốn, làm điều mình tin, sáng tạo điều mình mơ ước, theo đuổi điều mình khát khao, yêu thương người mình yêu. Bạn biết mà, cơ hội đó chính là cuộc đời này – một chớp mắt so với những vì sao. Bởi thế, đừng để mình cứ mãi xoay theo những tiếng ồn ào khác, hãy lắng nghe lời thì thầm của trái tim.

(Lắng nghe lời thì thầm con tim – Phạm Lữ Ân)

Câu 1: Xác định thao tác lập luận của văn bản trên.

Câu 2: Anh/Chị hiểu như thế nào về câu nói: Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao.

Câu 3: Tại sao tác giả nói: Chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình?

Câu 4: Điều anh/chị tâm đắc nhất trong đoạn trích trên là gì?

II.LÀM VĂN

Câu 1

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong phần Đọc hiểu: Đừng để mình cứ mãi xoay theo những tiếng ồn ào khác, hãy lắng nghe lời thì thầm của trái tim.

Câu 2

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau đây:

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

(Tây Tiến – Quang Dũng)

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1:

- Thao tác lập luận: bình luận.

Câu 2:

Câu nói: Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao.

- Bạn sinh ra là một nguyên bản: Khi sinh ra đã mang một ngoại hình, một tích cách và tài năng riêng biệt. Mình là chính mình không trộn lẫn bất kì ai.

- Đừng chết như một bản sao: khi lớn lên do tác động của môi trường sống, môi trường làm việc mà đánh mất mình, sống theo cách sống người khác; do “sung” thần tượng của mình mà “bắt chước” từ ăn mặc, nói năng,… nhưng làm sao có thể giống như “bản chính” được mà sẽ chết như bản sao. Hãy là chính mình.

Câu 3:

- Tác giả nói: Chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình là vì:

- Cuộc đời của mỗi con người rất ngắn ngủi, chỉ là chớp mắt của vũ trụ. Vì vậy ta không có cơ hội để sống cuộc đời mình lần thứ hai. Cho nên hãy sống thật với chính mình, sống với những đam mê khát vọng của mình, làm điều mình tin, sáng tạo điều mình mơ ước, theo đuổi điều mình khát khao để khi từ giã cuộc đời này không có điều gì phải hối tiếc.

Câu 4:

- Thí sinh chọn điều mình tâm đắc nhất và nêu rõ vì sao thông điệp đó có ý nghĩa với mình nhất.

- Có thể chọn: Chúng ta được là chính mình. Sống như nguyên bản của mình, làm những điều mình tin, theo đuổi điều mình khát khao.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Giải thích:

- Đừng để mình cứ mãi xoay theo những tiếng ồn ào khác: là không sống thụ động; không để hoàn cảnh chi phối, tác động; không chạy theo “hiệu ứng đám đông”.

- Lắng nghe lời thì thầm của trái tim là phải biết lắng nghe tiếng nói của con tim, lắng nghe xem nó muốn gì, thích gì và hãy làm theo những gì trái tim muốn.

=> Ý nghĩa của câu nói: Hãy sống và làm theo điều con tim muốn. Hãy sống là mình, không bị tác động, chi phối những gì xung quanh.

* Bàn luận vấn đề:

- Tại sao Đừng để mình cứ mãi xoay theo những tiếng ồn ào khác. Bởi vì mình đã là nguyên bản của mình. Phải có chính kiến, bản lĩnh để mình là chính mìnhtức là không bị khách quan tác động, chi phối, không làm theo “đám đông” xung quanh mà phải làm những điều mình thích, nói những điều mình nghĩ.

- Tại sao hãy lắng nghe lời thì thầm của trái tim tức là hãy lắng nghe và làm theo những gì con tim muốn; tin vào chính mình, tin vào trí tuệ, năng lực của mình; tin vào trực giác của mình để biến thành sức mạnh tinh thần. Có vậy mới thực hiện được đam mê, khát vọng của mình.

(Dẫn chứng phù hợp với vấn đề)

- Tuy nhiên lắng nghe sự mách bảo của trái tim không có nghĩa là không biết tiếp thu cái hay của người khác. Không có nghĩa là bảo thủ chỉ tin vào chính mình không lắng nghe ý kiến của tập thể… Phê phán những ai không bản lĩnh, sống a dua, bắt chước.

* Bài học nhận thức và hành động

- Ý kiến trên là bài học cuộc sống cho tất cả chúng ta.

- Hãy học cách sống là chính mình. Tự trang bị kiến thức, kĩ năng sống, không để hoàn cảnh tác động, chi phối.

Câu 2:

1. Giới thiệu khát quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích

- Hàn Mặc Tử (1912-1940) là gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ Mới 1930 - 1945. Tuy cuộc đời nhiều bi thương nhưng ở ông luôn dồi dào sức sáng tạo. Đọc thơ Hàn Mặc Tử ta thấy rõ một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế. Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những bài thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử nằm trong tập Thơ điên (1938). Bài thơ vừa là bức tranh thiên nhiên, con người xứ Huế, vừa là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người.

- Quang Dũng (1921 – 1988) là một nghệ sĩ đa tài với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn. Tây Tiến (1948) là thành tựu xuất sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên nền cảnh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, dữ dội mà cũng mĩ lệ diễm ảo của ngòi bút tài hoa, lãng mạn.

=> Hai đoạn thơ nằm phần giữa tác phẩm, gắn liền với cảnh sông nước đều là những đoạn hay, góp phần bộc lộ sâu sắc tư tưởng, chủ đề tác phẩm.

2. Phân tích

2.1 Đoạn thơ Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử

- Cảnh sông nước Hương giang với gió, mây, hoa bắp, con thuyền neo đậu. Cảnh êm đềm, lung linh như dát vàng, tắm gội ánh trăng.

- Thơ Tứ tại tâm chữ không tại cảnh (Chu Văn Sơn), chính vậy mà sắc thái của cảnh nhuốm nõi buồn li tán: gió, mây đang chia lìa; dòng nước buồn thiu; hoa bắp lay.

=> Linh hồn tạo vật như nhuốm đầy điệu hồn thi nhân.

- Nỗi niềm nhân vật trữ tình được cất lời trong ngữ điệu hỏi: Thuyền ai?/Thuyền ai đậu bến sông trăng? Có chở? Có chở trăng về? …da diết, khắc khoải của một con người trong tâm thế ngóng trông, đợi chờ. Chữ kịp chứa đựng cả tấn bi kịch của thân phận. Câu hỏi tu từ cho thấy tâm thế thi nhân dù sắp lìa xa cõi thế vẫn không thôi da diết khắc khoải khát đời, níu đời mãnh liệt.

2.2 Đoạn thơ Tây Tiến – Quang Dũng

- Cảnh thiên nhiên sông nước miền Tây với chiều sương, hồn lau nơi triền sông, hoa đong đưa mềm mại, thanh thoát. Cảnh hiện lên diễm ảo, mênh mông, hoang sơ, nên thơ và đầy quyến luyến, tình tứ. Nét vẽ mờ nhòe để cảnh được mộng hơn và nỗi nhớ giăng mắc trong cảnh.

- Thơ là tiếng lòng (Diệp Tiếp), tiếng lòng của Quang Dũng rung ngân nhiều cung bậc: từ nhớ cảnh hồn lau đến nhớ dáng người trên độc mộc, một vẻ đẹp vừa rắn rỏi, khỏe khoắn, vừa gợi mềm mại, uyển chuyển… Đó là hình ảnh thơ đẹp in thẳm vào miền nhớ khó phai mờ.

- Hai câu hỏi tu từ có thấy, có nhớ khơi nguồn cho mạch nhơ thương tuôn chảy, âm điệu thơ trở nên bâng khuâng, sâu lắng, giọng thơ trở nên tha thiết, dịu nhẹ.

2.3 Điểm tương đồng và khác biệt

* Sự tương đồng:

- Cả hai đoạn thơ đều thể hiện qua hồi tưởng, niềm gắn bó tha thiết, sâu sắc về cảnh về người

- Sử dụng thể tho bảy chữ hiện đại.

=> Chính cái tôi lãng mạn chắp cánh cho cảnh vật thêm mơ mộng, huyền ảo, lung linh.Cả hai đoạn thơ đều thấy nét bút tài hoa của hai thi sĩ.

* Sự khác biệt

- Trong Đây thôn Vĩ Dạ, hồi ức về sông nước Hương giang một đêm trăng để bày tỏ tinhd yêu sâu nặng của Hàn Mặc Tử với cảnh và người xứ Huế. Đó cũng là tình cảm nhân văn của một cái tôi Thơ Mới lãng mạn yêu đời, yêu người ngay cả khi cái chết cận kề.

- Trong Tây Tiến, nỗi nhớ về sông nước miền Tây chiều sương Châu Mộc để làm nổi bật lên vẻ đẹp ngang tàn, khí phách nhưng cũng hết sức lãng mạn, tình tứ của người lình Tây Tiến. Qua đó làm nổi bật cái tôi Quang Dũng hào hoa để say cảnh, say người xứ lầm vẫn đậm cái chất lí tưởng của một thế hệ thanh niên trong trường chinh vĩ đại của dân tộc.

* Lý giải:

- Vì sao giống: Cả Hàn Mặc Tử và Quang Dũng đều là những hồn thơ lãng mạn, tài hoa trong nèn văn học dân tộc.

- Vì sao khác: Mỗi nhà thơ đều có cảm xúc riêng khi đứng trước cảnh và người Thơ khởi phát từ lòng người (Lê Quý Đôn). Hơn nữa do thời đại chi phối và trào lưu văn học của hai tác giả khác nhau.

* Đánh giá nâng cao:

- Nhà thơ Nga RaxumgamZatốp từng phát biểu Đừng nói ‘trao cho tôi đề tài”, hãy nói “trao cho tôi đôi mắt”. Hàn Mặc Tử và Quang Dũng biết rằng: sáng tạo là thiên chức cũng là phẩm chất xác định tư cách người nghệ sĩ cho nên khi được trao cho tôi đề tài nhưng hai nhà thơ đã tìm cho mình đường đi, ngã rẽ riêng.

- Hơn nữa mỗi nhà thơ ở trong tâm thế sáng tác khác nhau. Cảm xúc trước cảnh khác nhau… Chính vì vậy mà cùng dòng sông trôi vào miền thơ của hai thi sĩ, song ở hai khúc đàn ấy, phần đệm thì giống nhau nhưng phần chủ âm và tiết tậu thì hoàn toàn khác nhau.

3. Kết luận

- Khái quát và mở rộng vấn đề.

Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại Tuyensinh247.com