Đề bài
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi
Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.
Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm... Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kỹ năng đã được trau dồi cùng với vốn tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.
Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn. "
(Tuoitre.vn - Xây dựng bản lĩnh cá nhân)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?
Câu 2: Theo tác giả, thế nào là người bản lĩnh?
Câu 3: Tại sao tác giả cho rằng “Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh”.
Câu 4: Theo anh/chị, một người có bản lĩnh sống phải là người như thế nào?
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý kiến: Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.
Câu 2:
Về hình tượng sông Hương trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, có ý kiến cho rằng: “Sông Hương mang vẻ đẹp đầy nữ tính và rất mực đa tình”.
Bằng hiểu biết về tác phẩm, anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận xét trên.
-HẾT-
Lời giải chi tiết
I- ĐỌC HIỂU:
| Câu 1: PTBĐ: nghị luận Câu 2: - Theo tác giả, người có bản lĩnh là người dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Câu 3: - Sở dĩ tác giả cho rằng bản lĩnh tốt là vừa phục vu được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh bởi vì khi một cá nhân có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm nhưng chỉ nhằm muc đích phục vụ cá nhân mình, không quan tâm đến những người xung quanh, thậm chí làm phương hại đến xã hội thì không ai thừa nhận anh ta là người có bản lĩnh... Câu 4: Để rèn luyện bản lĩnh sống, chúng ta cần: - Phải trau dồi tri thức, kinh nghiêm, kỹ năng. - Phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. - Phải có ý chí, quyết tâm, nghị lực. - Phải có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn. |
II. LÀM VĂN: | Câu 1: 1 - Yêu cầu về kỹ năng: - Học sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. - Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 2 - Yêu cầu về kiến thức: - Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: tuổi trẻ cần có bản lĩnh để đương đầu với khó khăn thử thách - Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lý, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lý lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động 3 - Hướng dẫn làm bài: 1. Mở bài: • Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tuổi trẻ cần có bản lĩnh để đương đầu với khó khăn thử thách 2. Thân bài: *) Giải thích: Bản lĩnh là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân và có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn. *) Phân tích, chứng minh Ý nghĩa của việc sống bản lĩnh - Sống bản lĩnh giúp cho bản thân có được sự tự tin trong cuộc sống, từ đó đề ra những mục tiêu và dám thực hiện chúng. - Bên cạnh đó, người bản lĩnh cũng dễ dàng thừa nhận những sai sót, khuyết điểm của mình và tiếp thu những cái hay, cái mới. - Trước những cám dỗ của cuôc sống, người bản lĩnh hoàn toàn có thể tự vệ và tự ý thức được điều cần phải làm. *) Bình luận, mở rộng - Là học sinh, bản lĩnh được biểu hiện qua nhiều hành vi khác nhau. Đó là khi bạn cương quyết không để cho bản thân mình quay cóp, chép bài trong giờ kiểm tra. Đó là khi bạn sẵn sàng đứng lên nói những sai sót của bạn bè và khuyên nhủ họ. Khi mắc sai lầm, bạn tự giác thừa nhận và sửa sai. *) Bài học nhận thức và hành động - Không phải ai sinh ra cũng có được bản lĩnh. Bản lĩnh của mỗi người được tôi luyện qua nhiều gian lao, thử thách. Bằng sự can đảm, học từ những thất bại, đứng dậy từ những vấp ngã,... mỗi chúng ta đang dần tạo nên một bản lĩnh kiên cường. 3. Kết bài: - Tổng kết vấn đề - Rút ta bài học Câu 2: 1 - Yêu cầu về kỹ năng: - Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 2 - Yêu cầu về kiến thức: a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lý, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lý lẽ và đưa dẫn chứng. 3 – Hướng dẫn làm bài 1. Mở bài: *) Vài nét về tác giả, tác phẩm - Hoàng Phủ Ngọc Tường là gương mặt tiêu biểu của văn học Viêt Nam hiện đại, cũng là một trí thức giàu lòng yêu nước. Ông có phong cách độc đáo và đặc biệt sở trường về thể bút kí, tuỳ bút. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý... - Ai đã đặt tên cho dòng sông? là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đến với tác phẩm người đọc sẽ gặp ở đó dòng sông Hương với vẻ đẹp đầy nữ tính và rất mực đa tình. 2. Thân bài: *) Giải thích ý kiến: Vẻ đẹp nữ tính: Có những vẻ đẹp, phẩm chất của giới nữ (như: xinh đẹp, dịu dàng, mềm mại, kín đáo...) Rất mực đa tình: Rất giàu tình cảm. ⇒ Ý kiến đề cập đến những vẻ đẹp khác nhau của hình tượng sông Hương trong sự miêu tả của Hoàng Phủ Ngọc Tường. *) Phân tích vẻ đẹp sông Hương: + Vẻ đẹp nữ tính: - Khi là môt cô gái Digan phóng khoáng và man dại với bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do và trong sáng. Khi là người mẹ phù sa của môt vùng văn hoá xứ sở với một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ. - Khi là một người con gái đẹp ngủ mơ màng. Khi là người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Khi được ví như là Kiều, rất Kiều. Khi là người con gái Huế với sắc màu áo cưới vẫn mặc sau tiết sương giáng. ⇒ Dù ở bất kỳ trạng thái tồn tại nào, sông Hương trong cảm nhận của Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn đầy nữ tính, xinh đẹp, hiền hòa, dịu dàng, kín đáo nhưng không kém phần mãnh liệt... + Rất mực đa tình: - Cuộc hành trình của sông Hương là cuộc hành trình tìm kiếm người tình mong đợi. Trong cuộc hành trình ấy, sông Hương có lúc trầm mặc, có lúc dịu dàng, cũng có lúc mãnh liệt mạnh mẽ... Song nó chỉ thực vui tươi khi đến ngoại ô thành phố, chỉ yên tâm khi nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời. Gặp được thành phố, người tình mong đợi, con sông trở nên duyên dáng ý nhị uốn một cánh cung rất nhẹ sang Cồn Hến, cái đường cong ấy như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu. - Sông Hương qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi, muốn ở, như những vấn vương của một nỗi lòng. - Sông Hương đã rời khỏi kinh thành lại đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng Đông - Tây để gặp lại thành phố 1 lần cuối. Nó là nỗi vương vấn, chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Như nàng Kiều trong đêm tình tự, sông Hương chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó... *) Vài nét về nghệ thuật: Phối hợp kể và tả; biện pháp ẩn dụ, nhân hóa, so sánh; ngôn ngữ giàu chất trữ tình, chất triết luận. *) Đánh giá: - Miêu tả sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường bộc lộ một vốn hiểu biết phong phú, một trí tưởng tưởng bay bổng. - Đằng sau những dòng văn tài hoa, đậm chất trữ tình là một tấm lòng tha thiết với quê hương, đất nước. 3. Kết bài: - Tổng kết lại vấn đề |