Đề bài
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Chiến thắng của tuyển U23 Việt Nam trong trận tứ kết trước đội bóng hàng đầu châu Á, được quyết định trên chấm phạt đền may rủi. Bóng đá cần có sự may mắn nhưng chừng đó là chưa đủ. Trên hết là tinh thần, bản lĩnh hơn người, là ý chí thi đấu với hơn 100% sức lực, là đấu pháp biết mình biết người. Thứ nữa là từ tài luyện quân, cầm quân và điều binh khích tướng của vị huấn luyện viên người Hàn, Park Hang Seo, là từ động viên khích lệ kịp thời, đúng mực của người đứng đầu chính phủ và người hâm mộ nước nhà…
Vẫn những gương mặt cầu thủ không mới, nhưng khi giáp trận tại vòng chung kết U23 châu Á, cách trình diễn của đội bóng lại cho thấy nhiều sự khác biệt. Rõ nhất là tâm thế thắng không kiêu, bại không nản, biết cách vượt qua áp lực, biết “dĩ đoản (bình) chế trường (trận)”, điềm tĩnh mà ngạo nghễ đi tới chiến thắng cuối cùng.Rõ nhất nữa, là tâm lý ổn định, biết kiềm chế, không bị kích động khi đối thủ chơi xấu hoặc trọng tài xử ép. Rõ nữa, là toàn đội là một tập thể thống nhất, hoàn hảo, không chỉ trích nhau khi cá nhân mắc lỗi, biết hỗ trợ nhau lập công và ai cũng có thể lập công.
Niềm tin, niềm tự hào cao cả của những người yêu bóng đá nước nhà dành cho đội tuyển U23 lần này, có lẽ, xuất phát từ những điều tạo nên sự khác biệt đó. Văn hoá “mỏng” sẽ sinh ra thứ bóng đá xấu xí, cốt ăn thua, phong độ trồi sụt, nói gì tới đẳng cấp. Văn hoá “dày” sẽ tạo nên thứ bóng đá đẹp và sạch, thua hay thắng đều ĐƯỢC, biết hướng tới giá trị khác biệt, hơn hẳn, đẳng cấp.
(Theo Bóng đá và ngọn lửa nồng ấm… Vietnamnet.com. Ngày 22/1/2018)
Câu 1. Nêu thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn văn bản trên.
Câu 2. Theo tác giả, những yếu tố nào làm nên chiến thắng của tuyển U23 Việt Nam trong trận tứ kết gặp Irắc?
Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào về ý kiến: Văn hóa “mỏng” sẽ sinh ra thứ bóng đá xấu xí, cốt ăn thua, phong độ trồi sụt, nói gì tới đẳng cấp. Văn hóa “dày” sẽ tạo nên thứ bóng đá đẹp và sạch, thua hay thắng đều ĐƯỢC, biết hướng tới các giá trị khác biệt, hơn hẳn, đẳng cấp.
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: Vẫn những gương mặt cầu thủ không mới, nhưng khi giáp trận tại vòng chung kết U23 châu Á, cách trình diễn của đội bóng lại cho thấy nhiều sự khác biệt? Vì sao?
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự khác biệt trong cuộc sống.
Câu 2:
Cảm nhận của anh/chị về hình tượng Mị trong cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ Văn 12, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong cảnh buổi sáng đầu tiên khi tỉnh rượu (Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ Văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để nhận xét về cách nhìn và tình cảm của các nhà văn đối với người lao động nghèo trong xã hội cũ.
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Thao tác lập luận chính: phân tích.
Câu 2:
- Những yếu tố tạo nên thành công của đội tuyển U23 Việt Nam trong trận tứ kết:
+ Trước hết đó là sự may mắn.
+ Trên hết là tinh thần, bản lĩnh hơn người, là ý chí thi đấu với hơn 100% sức lực, là đấu phát biết nhìn người.
+ Tài luyện quân, cầm quân và điều binh khích tướng của vị huấn luyện người Hàn, Park Hang Seo.
+ Sự động viên khích lệ kịp thời, đúng mực của người đứng đầu chính phủ và người hâm mộ nước nhà.
Câu 3:
- “Văn hóa “mỏng” sẽ sinh ra thứ bóng đá xấu xí, cốt ăn thua, phong độ trồi sụt, nói gì tới đẳng caaos. Văn hóa “dầy” sẽ tạo nên thứ bóng đá đẹp và sạch, thua hay thắng đều ĐƯỢC, biết hướng tới các giá trị khác biệt, hơn hẳn, đẳng cấp” có nghĩa là:
- Văn hóa có ý nghĩa, tác động đến cách ứng xử của mỗi cá nhân đối với các vấn đề trong cuộc sống. Khi con người được đào tạo, giáo dục kĩ lưỡng, cẩn thận, một con người có văn hóa sẽ ứng xử văn minh, lịch sự, không lấy sự thắng thua là vui mừng hay cay cú. Ngược lại với những người văn hóa thấp kém, sẽ có cách ứng xử thô tục, thiếu văn minh. Văn hóa trong mỗi cá nhân sẽ là nhân tố tạo nên sự khác biệt ở mỗi người, và chính nó cũng tạo nên đẳng cấp của mỗi dân tộc.
Câu 4:
- Đồng ý với quan điểm.
- Vì:
+ Khi chiến thắng họ không kiêu ngạo, biết vượt qua áp lực, điềm tĩnh đi đến chiến thắng cuối cùng.
+ Tâm lý ổn định, biết kiềm chế, không bị kích động khi đối thủ chơi xấu hoặc bị trọng tài xử ép.
+ Quan trọng hơn cả, toàn đội là một tập thể thống nhất, hoàn hảo, không chỉ trích nhau khi cá nhân mắc lỗi, biết hỗ trợ nhau lập công và ai cũng có thể lập công.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- Sự khác biệt được nói đến là những nét riêng được khẳng định, được đề cao gắn với đời sống của cá thể trong xã hội.
- Sự khác biệt có thể được thể hiện ở suy nghĩ, quan điểm, lối sống, hành động, cách ứng xử của bản thân với người khác.
=> Sự khác biệt khiến con người thể hiện được bản sắc riêng, không bị hòa tan trong đám đông, trong cộng đồng.
* Bàn luận vấn đề
- Ý nghĩa của sự khác biệt là gì?
+ Sống khác biệt giúp chúng ta có những suy nghĩ độc lập, táo bạo, thể hiện được cá tính của bản thân.
+ Mỗi cá nhân là một thực thể với những màu sắc đa dạng. Sống khác biệt để tránh dập khuôn, một màu một cách sáo rỗng.
+ Những suy nghĩ khác, góc nhìn về thế giới và mọi vật xung quanh sẽ tạo điều kiện con người tìm kiếm cơ hội vươn lên.
- Làm thế nào để tạo ra sự khác biệt?
+ Thay đổi tư duy, suy nghĩ về các vấn đề cũ, tạo cho mình cách tiếp cận, nhìn nhận mới mẻ về sự vật, hiện tượng.
+ Mỗi cá nhân cần nỗ lực học tập, rèn luyện tạo nên những giá trị riêng biệt đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
+ Cần phải có sự bản lĩnh, tự tin, dám chấp nhận sự đánh giá của người hác đối với những khác biệt của mình với số đông.
* Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân
- Không phải sự khác biệt nào cũng có ý nghĩa. Có sự khác biệt có ý nghĩa tích cực nhưng cũng có những sự khác biệt có ý nghĩa tiêu cực. Khác biệt tiêu cực chính là sự kì dị, quái gở, phá vỡ những nét đẹp văn hóa truyền thống. Khác biệt của họ chỉ có một mục đích đó là làm cho mình thật nổi bật giữa đám đông.
- Ngoài ra, đề cao sự khác biệt không có nghĩa là cổ vũ cho lối sống hẹp hòi, ích kỉ, chối bỏ trách nhiệm với cộng đồng.
- Liên hệ bản thân: em đã làm gì để tạo nên sự khác biệt tích cực?
* Tổng kết vấn đề:
- Khác biệt là yếu tố cần thiết với mỗi cá nhân để tạo dấu ấn riêng trong cộng đồng. Nhưng sự khác biệt phải phù hợp với quy chuẩn đạo đức và thuần phong mĩ tục của xã hội.
Câu 2:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Tô Hoài là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Trong những sáng tác của mình, ông luôn thể hiện vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta. Ông cũng là nhà văn luôn hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người từng trải, vốn từ vựng giàu có.
- Vợ chồng A Phủ được sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc – tập truyện được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955.
- Đến với tác phẩm, người đọc thật sự ấn tượng với nhân vật Mị - nhân vật chính được khắc họa đậm nét trong khung cảnh màu xuân ở Hồng Ngài.
2. Phân tích
2.1 Giới thiệu về nhân vật Mị
* Chân dung, lai lịch:
- Nhan sắc: “trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị”. Mị xinh đẹp như bông hoa ban giữa núi rừng Tây Bắc.
- Tài năng: thổi lá hay như thổi sáo, có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
- Phẩm chất tốt đẹp: hiếu thảo, tự tin vào khả năng lao động của mình và khát khao tự do.
* Số phận bi kịch: trở thành con dâu gạt nợ
- Nguyên nhân: Do món nợ truyền kiếp của gia đình nên bị A Sử lừa bắt về làm vọ theo hủ tục của cướp vọ của người dân tộc thiểu số.
- Khi mới về làm dâu, Mị mang trong mình ý thức phàn kháng nhưng sau đó quen dần và chịu đựng nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.
2.2 Hình tượng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân: Mùa xuân đã làm sống dậy sức sống tiềm tàng trong Mị
* Nguyên nhân thức dậy sức sống tiềm tàng:
- Khung cảnh ngày xuân:
+ Màu sắc rực rỡ: cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy phơi trên mỏm đá xòe rộng ra như những cánh bướm sặc sỡ.
+ Âm thanh náo nhiệt, tưng bừng: tiếng trẻ con chờ tết chơi quay cười ầm trên sân chơi trước nhà …
- Tiếng sáo: có sự dịch chuyển, vận động:
+ Từ xa đến gần (Từ ngoài vào trong, từ khách thể nhập vào chủ thể):
Lấp ló ngoài đầu núi vọng lại.
Văng vẳng ở đầu làng.
Lửng lơ bay ngoài đường.
Rập rờn trong đầu Mị.
+ Từ hiện tại đến quá khứ (Từ cõi thực đến cõi mộng).
+ Tiếng sáo rủ bạn đi chơi đầy háo hức ⟶ tiếng sáo gọi bạn yêu trong tuyệt vọng.
⟹ Dìu hồn Mị bềnh bồng sống lại với những khát khao yêu thương hạnh phúc của ngày xưa, dẫn Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ.
- Hơi rượu:
+ Uống cả hũ rượu
+ Uống ực từng bát
=> Say lịm mặt ngồi đấy => Lãng quên hiện tại => Sống lại quá khứ.
* Diễn biến tâm lí – hành trình vượt thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại để tìm lại chính mình:
(+) Tương tranh, mẫu thuẫn giữa sức sống tiềm tàng và thực tại hiện hữu:
- Sức sống tiềm tàng:
+ Mị thấy “phơi phới” trở lại, “vui sướng”
+ Thức dậy ý thức và khát vọng: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”.
- Thực tại hiện hữu: Mị muốn đi chơi nhưng lại không đi chơi, Mị đi vào buồng.
(+) Trong hơi rượu ⟶ sức sống tiềm tàng lại trỗi dậy
- Mị như ở trạng thái mộng du, vượt thoát hoàn cảnh để tìm lại chính mình.
+ Lấy ống mỡ sắn một miếng để thắp đèn lên cho sáng. ⟶ thắp sáng căn buồng cũng là thắp sáng khát vọng giải thoát cuộc đời mình.
+ Chuẩn bị đi chơi: quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa, rút thêm cái áo.
(+) Hành động vượt thoát khỏi hoàn cảnh bị chặn đứng:
- Mị bị A Sử trói vào cột, không cho đi chơi.
=> A Sử chỉ trói được thân xác Mị chứ không trói được ý muốn đi chơi, không trói được khát vọng, sức sống của Mị.
=> Mị vẫn thả hồn theo tiếng sáo đến với những cuộc chơi.
(+) Sáng hôm sau Mị tỉnh lại, quay về thực tại, nhận ra tình thế bi đát của mình:
- Những dây trói xiết lại, đau dứt từng mảnh thịt.
=> Thấy mình không bằng con ngựa ở bên kia vách.
2.3 Liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong cảnh buổi sáng đầu tiên khi tỉnh rượu:
* Giới thiệu khái quát về tác giả Nam Cao, tác phẩm Chí Phèo, cuộc đời nhân vật Chí Phèo:
- Nam Cao là cây bút xuất sắc của văn học hiện thực phê phán Việt Nam.
- Chí Phèo là một trong số những tác phẩm đầu tay của Nam Cao vào khoảng những năm 1940 – 1941 có tên là Cái lò gạch cũ. Sau đó nhà xuất bản tự ý đổi tên thành Đôi lứa xứng đôi (1941). Đến khi in lại trong tập Luống cày (1946), tác giả đặt lại tên truyện là Chí Phèo.
- Chí Phèo kể về cuộc đời bi kịch của người nông dân bị tha hóa, bị lưu manh hóa; bị cự tuyệt quyền làm người và cuối cùng phải tự kết liễu đời mình.
* Chí Phèo trong cảnh sáng hôm đầu tiên khi tỉnh rượu chính là sự hồi sinh trong Chí:
(+) Nguyên nhân:
- Chí Phèo tỉnh rượu: Chí Phèo bị cảm lạnh, hôm sau thì hắn tỉnh. Đây là lần đầu tiên hẳn “tỉnh” sau những cơn say triền miên.
- Chí nhận thức được cuộc sống xunh quanh:
+ Ánh sáng: mặt trời chắc đã lên cao và nắng chắc đã rực rỡ.
+ Âm thanh: tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá, tiếng những người đàn bà đi chợ bán vải về, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá.
- Nhận thức về bản thân:
+ Nhớ về quá khứ tươi đẹp.
+ Quay về với thực tại: số 0 tròn trĩnh (không vợ con, không tài sản…), số âm(nhận thấy mình đã sang dốc bên kia của cuộc đời)
+ Nghĩ về tương lai: đói rét, ốm đau, cô độc.
(+) Biểu hiện của sự hồi sinh:
- Thức tỉnh tính người qua giọt nước mắt:
+ Khi đón nhận bát cháo hành và những cử chỉ săn sóc của Thị Nở, Chí Phèo bâng khuâng.
+ Ngạc nhiên và cảm động (“mắt ươn ướt”) vì đây là lần đầu tiên được đàn bà cho, đây là lần đầu tiên Chí Phèo được ăn cháo, lần đầu được săn sóc bởi bàn tay đàn bà.
- Thức tỉnh tình người – biểu hiện cao nhất là tình yêu:
+ Thấy Thị Nở có duyên ⟶ bản chất của tình yêu.
+ Khao khát chung sống với Thị Nở ⟶ đích đến của tình yêu chân chính.
+ Không còn kinh rượu nữa nhưng cố uống cho thật ít; trở nên hiền lành đến khó tin.
=> Sức mạnh cảm hóa của tình yêu.
- Thức tỉnh khát vọng người: Khát vọng được làm người lương thiện, muốn làm hòa với mọi người. Thị Nở sẽ là người dẫn đường cho Chí.
2.4 Cách nhìn và tình cảm của nhà văn đối với người lao động nghèo trong xã hội cũ:
* Điểm tương đồng:
- Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phát hiện ra vẻ đẹp tiềm tàng của nhân vật. Ở Mị là vẻ đẹp và sức sống cũng như tinh thần phản kháng mạnh mẽ của người miền núi, ở Chí Phèo là bản chất lương thiện của con người.
- Thông cảm, đồng cảm với số phận bất hạnh của những người lao động nghèo.
- Lên án, tố cáo những thế lực gây ra số phận đau khổ cho người lao động.
- Niềm tin vào nhân cách, phẩm chất của người lao động.
* Điểm khác biệt:
- Nam Cao nhìn con người trong số phận bi kịch, nhân vật của ông chưa tìm được con đường đi, con đường giải phóng cho chính mình.
- Tô Hoài nhìn con người trong sự vận động đến với cuộc sống tốt đẹp, tương lai tươi sáng.
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.
Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại Tuyensinh247.com