Đề bài
PHẦN I. ĐỌC – HIỂU: (3,0 điểm)
“Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.”
Đọc đoạn văn trên và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới:
Câu 1: Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm nào, của tác giả nào? (0,5 điểm)
Câu 2: Nội dung chính của đoạn văn trên? (0,5 điểm)
Câu 3: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. (1,0 điểm)
Câu 4: Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn, tác dụng của các phép tu từ đó. (1,0 điểm)
PHẦN II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Anh/chị hãy phát biểu ý kiến của mình về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”
Lời giải chi tiết
PHẦN I: ĐỌC – HIỂU
Câu 1.
- Đoạn văn trên được trích từ tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh.
Câu 2.
Nội dung chính:
- Khẳng định thực dân Pháp đã phản bội và chà đạp lên chính nguyên lý mà tổ tiên họ xây dựng, chúng đã lợi dụng lá cờ của tự do, bình đẳng, bác ái làm trái ngược với nhân đạo và chính nghĩa.
- Vạch trần bản chất xảo quyệt, tàn bạo, man rợ của thực dân Pháp về phương diện chính trị - văn hóa.
Câu 3.
- Phong cách ngôn ngữ của đoạn văn là phong cách ngôn ngữ chính luận và có lý giải (Lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép, bằng chứng xác thực, giàu sức thuyết phục, ngôn ngữ hùng hồn, đầy cảm xúc) hoặc nêu đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận...
Câu 4.
- Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn: Điệp từ (lặp từ), lặp cú pháp, liệt kê.
- Tác dụng: Lên án, tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với dân tộc ta về phương diện chính trị- văn hóa.
PHẦN II. LÀM VĂN
* Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận: Ý kiến do UNESCO đề xướng có ý nghĩa khái quát cao nhấn mạnh được mối quan hệ giữa học và hành, đúc kết được nhiều quan điểm về giáo dục của nhân loại.
- Giải thích:
+ Học để biết, tức là hiểu, nắm vững tri thức của nhân loại.
+ Học để làm: Vận dụng những kiến thức đã học vào trong cuộc sống.
+ Học để chung sống: Mục đích cuối cùng của mọi hoạt động học tập rèn luyện của con người là để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình và cho xã hội.
+ Học để tự khẳng định mình: qua quá trình học tập, con người tự hoàn thiện nhân cách, khẳng định sự tồn tại, ý nghĩa của mình trong cuộc sống, trong lòng mọi người.
- Phân tích mặt đúng nhận định:
+ Vế 1: học để biết, nhấn mạnh đến tính lý thuyết. Mỗi người cần phải học để tiếp thu, lĩnh hội tri thức của nhân loại. Tri thức về khoa học tự nhiên và tri thức về khoa học xã hội. Các tri thức này có vai trò quan trọng cho việc hình thành nên nhân cách và trí tuệ cho con người.
+ Vế thứ 2 của nhận định: học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình nhấn mạnh đến tính thực hành của việc học. Mỗi người cần phải ý thức rất rõ học đi đôi với hành, phải biết vận dụng những điều mình học để giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.
+ Mặt khác, học để chung sống với mọi người, không chỉ học kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn là vấn đề văn hóa, ứng xử, khả năng giao tiếp… Nếu không học thì con người sẽ không có những tri thức tối thiểu để hòa nhập với cộng đồng.
- Bác bỏ những biểu hiện sai lệch: Trong cuộc sống có không ít kẻ học chỉ nhằm mục đích vinh thân, phì gia. Học chỉ là để có bằng cấp mong có cơ hội thăng quan tiến chức.
- Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
- Khẳng định ý nghĩa của vấn đề: Câu nói có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực
- Liên hệ bản thân.