Đề bài
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Vào giờ này năm ngoái, không nhiều người trong giới báo chí cũng như người dùng Internet ở Việt Nam quan tâm đến cái gọi là “fake new” – tin giả. Trước nữa lại càng không. Quan niệm phổ biến trong thời đại hiện nay là ai cũng trở nên thông minh, vả lại, có rất nhiều thiết bị thông minh quanh mình – cái gì cũng được gắn thêm từ smart(*), từ nhà cửa, xe hơi, thẻ thanh toán cho đến điện thoại – nên không dễ bị lừa.
Thực tế, chúng ta đang sống trong một thế giới mà một tin tức hoàn toàn bịa đặt như việc ngôi sao điện ảnh Keanu Reeves tuyên bố vào ngày 21/11/2017 vừa qua rằng “những nhân vật tinh túy ở Hollywood đã dùng máu của trẻ sơ sinh để thăng tiến” đã đứng đầu danh sách nội dung tìm kiếm trên YouTube và lan truyền như virus trên Facebook với hơn 26.000 lượt tương tác chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi.
Đó là một thế giới mà những hoang tin có thể dẫn đến các thảm kịch trong đời sống dễ dàng lan truyền với tốc độ chóng mặt từ người này sang người khác thông qua các phần mềm chat(**) hoặc các mạng xã hội.
[…] Từ Mỹ đến châu Âu, từ châu Á đến vùng Caribe hay tận châu Phi, fake news đang như một bệnh dịch khủng khiếp bò dần vào từng ngóc ngách của xã hội. Fake news tồn tại từ rất lâu trong đời sống, nhưng chính nhờ mạng xã hội mà nó mới bùng phát tới cấp độ khủng khiếp như hiện nay. Đặc điểm nổi bật của mạng xã hội là người dùng không cần phải tìm kiếm thông tin mà thông tin tự tìm kiếm đến người dùng. Fake news cũng chủ động tiếp cận và tấn công người dùng theo cách đó.
Fake news không chỉ bóp méo thông tin theo kiểu vô thưởng vô phạt, fake news không chỉ là câu chuyện cắt dán tin tức bừa bãi để kiếm tiền quảng cáo… Hơn thế, fake news đang làm gia tăng tình trạng nhục mạ các cá nhân, làm cho doanh nghiệp, tổ chức lao đao khốn khổ, fake news thậm chí còn được lợi dụng vào các âm mưu chính trị và làm rối loạn xã hội…
(Lê Quốc Minh – Cuộc chiến chống lại fake news và trách nhiệm xã hội của báo chí, dẫn theo VietnamPlus)
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2: Qua đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào là fake news (tin giả)?
Câu 3: Vì sao tác giả cho rằng: fake news đang như một bệnh dịch khủng khiếp bò dần vào từng ngóc ngách của xã hội?
Câu 4: Theo anh/chị, mỗi chúng ta cần có cách ứng xử như thế nào để hạn chế sự lan truyền của những tin tức giả trên mạng xã hội?
II.LÀM VĂN
Câu 1.
Từ đoạn trích phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tác hại của việc truyền bá những thông tin sai lệch, giả mạo trong cuộc sống hiện nay.
Câu 2.
Phân tích sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật Phùng (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu, Ngữ Văn 12 Tập hai, Nxb Giáo dục, 2015). Từ đó, nhận xét về tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ được nhà văn gửi gắm qua tác phẩm.
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Phong cách ngôn ngữ: chính luận.
Câu 2:
- Fake new có thể hiểu là những tin tức giả, tin tức bịa đặt về một vấn đề, sự kiện nào đó.
Câu 3:
“Fake news đang như một bệnh dịch khủng khiếp bò dần vào từng ngóc ngách của xã hội” vì:
- Fake new đang lan tỏa với tốc độ khủng khiếp từ châu Âu sang châu Á, châu Phi.
- Nhờ mạng xã hội mà fake new bùng phát tới cấp độ vô cùng khủng khiếp như hiện nay.
- Fake new tự tìm đến với người dùng, chủ động tiếp cận và tấn công người dùng.
Câu 4:
Cách ứng xử để hạn chế sự lan truyền của những tin tức giả trên mạng xã hội:
- Đối với người đọc cần lựa chọn trang tin tức uy tín để đọc; khi đọc phải trở thành người đọc thông minh, biết lựa chọn và phân tích vấn đề trong mỗi tin tức; luôn có quan điểm của bản thân, phản biện vấn đề để không bị truyền thông dắt mũi.
- Với người viết, cần phải là người có tâm với nghề, đưa tin trung thực, chính xác.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề
* Bàn luận vấn đề
- Thực trạng: hiện nay việc truyền bá thông tin giả mạo diễn ra ngày càng phổ biến. Theo thống kê có đến 63% người đọc các bài trên facebook đều đang đọc thông tin giả mạo.
- Nguyên nhân:
+ Người viết muốn kiếm tiền quảng cáo, vì lợi ích cá nhân.
+ Người đọc muốn đọc những tin ngắn, giật gân.
- Tác hại:
+ Khiến cho người đọc hoang mang.
+ Gây nên bất ổn xã hội
+ Tin tức giả mạo còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.
- Giải pháp:
+ Kiểm soát chặt chẽ các thông tin được đưa lên mạng xã hội, có hình thức phạt nghiêm minh với những kẻ lan truyền thông tin giả.
+ Bản thân mỗi người cần tạo ra “sức đề kháng” trước rừng thông tin hiện nay. Chủ động tìm đến những nguồn thông tin đáng tin cậy; đọc và lọc thông tin, kiểm chứng thông tin trước khi lan truyền đến người khác.
Câu 2:
1. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
- Nguyễn Minh Châu là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Hành trình sáng tác của Nguyễn Minh Châu chia thành hai giai đoạn: trước những năm tám mươi, tác phẩm của ông mang khuynh hướng sử thi thiên về trữ tình lãng mạn; những năm cuối đời, ông chuyển hẳn sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh.
- Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được viết vào tháng 8 – 1983 in đậm phong cách tự sự - triết lí của Nguyễn Minh Châu.
- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận.
2. Phân tích
2.1 Giới thiệu về nghệ sĩ Phùng và câu chuyện của anh
- Phùng vốn là người lính của một thời đất nước rực lửa chiến tranh. Người lính thuở ấy luôn là biểu tượng của tình yêu, niềm tự hào, ý chí và khát vọng của cả một dân tộc.
- Hiện tại anh là nghệ sĩ nhiếp ảnh, sự hòa hợp giữa nghệ sĩ với chiến sĩ tạo nên ở anh những phẩm chất cao quý.
- Do sự phân công của trưởng phòng mà Phùng cần phải đến vùng biển miền Trung – nơi từng là chiến trường cũ của anh để săn một bức ảnh nghệ thuật cho vào bộ lịch năm sau với chủ đề thuyền và biển. Và chính chuyến đi này đã cho Phùng những trải nghiệm và nhận thức mới về cuộc sống.
2.2 Phân tích sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật Phùng
Sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật Phùng gắn liền với tình huống truyện và những phát hiện lí thú của anh.
a. Tình huống nhận thức
* Phát hiện thứ nhất - về cái tuyệt mĩ, tuyệt thiện:
- “Cảnh đắt trời cho”:
+ Hình ảnh chiếc thuyền thơ mộng, thanh bình xuất hiện giữa bầu sương mù trắng như sữa lại pha chút hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào.
+ Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im như tượng trên chiếc mui khum khum đang hướng mặt vào bờ.
=> Là bức họa diệu kỳ do thiên nhiên, cuộc sống ban tặng cho con người; là sản phẩm quý hiếm của hóa công mà trong đời người nghệ sĩ nhiếp ảnh nào cũng khao khát được chứng kiến.
- Cảm nhận của người nghệ sĩ:
+ Thấy rung động.
+ Thấy tâm hồn mình được thanh lọc, gột rửa.
+ Thấy hạnh phúc.
* Phát hiện thứ hai – về hiện thực cuộc sống:
- Sự thật kinh ngạc:
+ Đằng sau cái đẹp toàn mĩ là hiện thân của cái xấu, là hiện thực trần trụi: bước ra khỏi chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ là người đàn bà xấu xí trạc ngoài 40 tuổi, rỗ mặt…Đi sau người đàn bà là người đàn ông cao lớn, dữ dằn, tấm lưng rộng và cong như lưng của một chiếc thuyền…
+ Đằng sau cái đẹp được gọi là toàn thiện là hiện thân của cái ác, là cảnh tượng tàn nhẫn, điển hình của bạo lực gia đình: người đàn bà đi trước, người đàn ông lẳng lặng đi sau không nói câu nào…đột nhiên bỗng trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay,…, dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp lên người của người đàn bà, người đàn bà đứng im không chống trả, đứa bé chạy ra…
=> Cảm nhận của nghệ sĩ Phùng: “kinh ngạc đến thẫn thờ”, “mấy phút đầu cứ đứng há mồm ra mà nhìn”, “chết lặng”…
=> Tình huống mang đến cho Phùng những nhận thức về cuộc sống:
- Cuộc sống không hề đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng rất nhiều nghịch lý. Cuộc sống luôn tồn tại những điều tốt – xấu, thiện – ác.
- Đừng bao giờ nhầm lẫn hiện tượng và bản chất, đừng bao giờ nhầm lẫn giữa hình thức bề ngoài với nội dung thực chất bên trong, đừng vội đánh giá sự vật, con người ở dáng vẻ bên ngoài mà phải tìm hiểu thực chất bề sâu đằng sau vẻ ngoài ấy.
b. Tình huống ở tòa án huyện với câu chuyện của người đàn bà hàng chài
* Nguyên nhân: Sau một tuần phục kích, Phùng đã có được cảnh đắt trời cho. Và anh chứng kiến cảnh người chồng bạo hành, anh định lao ra thì thằng con trai của gia đình xông vào đánh bố. Sau mấy ngày, Phùng lại chứng kiến cảnh tương tự diễn ra. Anh can thiệp và bị đánh bị thương. Anh quyết định nhờ đến Đẩu – người có chỗ dựa vững chắc của pháp luật sẽ đứng ra can thiệp để giúp đỡ gia đình này.
* Câu chuyện của người đàn bà hàng chài tại tòa án huyện:
- Hoàn cảnh gia đình
- Lí do không muốn bỏ chồng
=> Câu chuyện này đã làm cho Phùng có những vỡ lẽ:
(+) Nhận thức về con người:
- Về chánh án Đẩu:
+ Mới chỉ đứng trên phương diện của luật pháp mà chưa hiểu được lí lẽ của cuộc đời ⟶ Sau khi nghe xong câu chuyện chánh án Đẩu mới vỡ lẽ: không thể đơn giản và dễ dãi trong việc đánh giá, nhìn nhận con người, sự việc, đừng để những thứ bề ngoài đánh lừa, đánh giá một cách vội vã để rồi dẫn đến sai lầm.
- Về các thành viên của gia đình hàng chài:
+ Người đàn bà hàng chài: Đằng sau vỏ bọc u mê, tăm tối, thất học kia là người trải đời sâu sắc, ẩn chứa vẻ đẹp của sự bao dung, của tình mẫu tử, có tình yêu thương con bao la vô bờ bến, thấu hiểu chồng.
+ Gã chồng vũ phu: Gã không chỉ là tội nhân mà gã còn là nạn nhân của hoàn cảnh. Vì hoàn cảnh xô đẩy, quẫn bách mới sinh ra thô bạo và vũ phu. Anh ta đáng trách nhưng ở một khía cạnh nào đó cũng đáng cảm thông.
+ Thằng Phác: Đằng sau hành động vô đạo, trái với luân thường đạo lý là tình yêu thương mẹ vô bờ bến, tình yêu thương bế tắc.
=> Tầng nhận thức mới: Đằng sau cái xấu, cái ác lại chứa đựng cái đẹp, chứa đựng hiện thực mà ít nhiều đáng được cảm thông và chia sẻ.
=> Cần tìm hiểu sâu sắc, chu đáo và kĩ lưỡng.
(+) Về căn nguyên của tội ác:
- Tội ác không phải từ phía địch, không phải do ma men dẫn đường, không phải do rượu chỉ lối; cũng không phải do bản chất mà là do hoàn cảnh thất học, đói nghèo, tăm tối xô đẩy, khiến con người bị tha hóa.
(+) Về giải pháp xã hội:
- Li hôn ⟶ Theo cách lí luận của người đàn bà hàng chài đây là giải pháp không khả thi.
- Hòa thuận, tiếp tục chung sống ⟶ khó để tin tưởng người chồng sẽ không dùng bạo lực nữa.
- Từ chối, tẩy chay, không lấy chồng ⟶ không tuân thủ quy luật sinh tồn ⟶ không được.
- Cách mạng chăm lo cho đời sống người dân hàng chài: Lên bờ để sinh sống ⟶ quen với việc mưu sinh bằng nghề chài lưới, không thể thích nghi với nghề nghiệp mới ⟶ không thực tế.
(+) Về cuộc đời và trách nhiệm của người phụ nữ:
- Cuộc đời: đa sự, luôn đan xen nhiều thuận lí và nghịch lí.
- Người nghệ sĩ: không thể chỉ dùng cái nhìn hời hợt để quan sát, muốn hiểu được cuộc đời thì buộc phải dấn thân, phải chú ý đến mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
(+) Về chính mình:
- Trước đây từng tự tin vì mình là người lính vào sinh ra tử, nhiều trải nghiệm ở những vị thế cam go và quyết liệt. Nhưng sau khi nghe câu chuyện của người đàn bà hàng chài Phùng thấy bản thân còn hời hợt và nông cạn, những gì mình biết, mình hiểu mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi; trách nhiệm của mình là phải tiếp tục tìm kiếm khám phá để hiểu kĩ lưỡng phần chìm.
=> Lần đầu tiên người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng nhận ra mình rõ ràng đến thế.
c. Tình huống một chuyến đi
* Tình huống:
- Bắt đầu chuyến đi theo yêu cầu của vị trưởng phòng khó tính:
+ Cần chụp một bức ảnh giống như bộ lịch đang có để hoàn thiện bộ lịch ấy ⟶ Yêu cầu về thứ nghệ thuật hoàn toàn tĩnh vật, không có con người ⟶ thứ nghệ thuật xa rời con người.
+ Cần một bức ảnh buổi sớm có sương mù (dù đã là tháng 7, không có sương) ⟶ thứ nghệ thuật rời xa cuộc sống, bất chấp sự thật, thứ nghệ thuật chủ quan – duy ý chí.
=> Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng khi khoác máy ảnh lên đường để thực hiện theo yêu cầu của vị trưởng phòng cũng có nghĩa là anh đang dập khuôn theo những quan điểm nghệ thuật mà vị trưởng phòng đã áp đặt lên anh.
- Chuyến đi đã khiến anh vỡ lẽ: Nghệ thuật không thể như vậy: không thể không quan tâm đến con người, không thể xa rời cuộc sống, không thể bất chấp sự thật.
- Kết thúc chuyến đi:
+ Nghệ sĩ Phùng quay trở về Hà Nội, nộp lại bức ảnh theo đúng yêu cầu của vị trưởng phòng.
+ Tuy nhiên anh có một sự li khai quyết liệt với thứ nghệ thuật mà vị trưởng phòng đề xuất và áp đặt lên anh.
* Những nhận thức của nghệ sĩ Phùng:
- Về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống: Nghệ thuật phải xuất phát từ cuộc sống, phải do cuộc sống đề xuất và quay trở về phục vụ cuộc sống ⟶ Nghệ thuật vị nhân sinh.
- Về thiên chức và trách nhiệm của người nghệ sĩ: Cần phải từ bỏ nghệ thuật minh họa, từ bỏ nghệ thuật tô hồng, từ bỏ nghệ thuật vị cấp trên đang tồn tại nhan nhản trong thời kì trước đổi mới để đến với thứ nghệ thuật do cuộc sống đề xuất. Nghệ thuật bao giờ cũng phải xuất phát từ cuộc sống và quay trở về phục vụ cuộc sống.
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.
Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại Tuyensinh247.com