Thao tác lập luận

Kỳ thi ĐGNL ĐHQG Hồ Chí Minh

Đổi lựa chọn

I. Thao tác lập luận giải thích

- Khái niệm: "Giải thích" là làm cho người đọc hiểu rõ các tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ,…cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho con người.

- Người ta thường giải thích bằng các cách: nêu định nghĩa, kể ra các biểu hiện, so sánh, đối chiếu với các hiện tượng khác, chỉ ra các mặt lợi, hại, nguyên nhân, hậu quả, cách đề phòng hoặc noi theo,….của hiện tượng hoặc vấn đề được giải thích.

II. Thao tác lập luận phân tích

- Khái niệm: "Phân tích"là chia tách đối tượng, sự vật hiện tượng thành nhiều bộ phận, yếu tố nhỏ để đi sâu xem xét kĩ lưỡng nội dung và mối liên hệ bên trong của đối tượng.

- Mục đích của phân tích là làm rõ đặc điểm về nội dung, hình thức, cấu trúc và các mối quan hệ bên trong, bên ngoài của đối tượng (sự vật, hiện tượng,…)

- Khi phân tích, cần chia, tách đối tượng thành các yếu tố theo những tiêu chí, quan hệ nhất định (quan hệ giữa các yếu tố tạo nên đối tượng, quan hệ nhân quả, quan hệ giữa đối tượng với các đối tượng liên quan, quan hệ giữa người phân tích với đối tượng phân tích,…)

- Phân tích cần đi sâu vào từng yếu tố, từng khía cạnh song cần đặc biệt lưu ý đến quan hệ giữa chúng với nhau trong một chỉnh thể toàn vẹn, thống nhất.

III. Thao tác lập luận chứng minh

- Khái niệm: "Chứng minh" là một phép lập luận dùng những lí lẽ, bằng chứng chân thực, đã được thừ nhận để chứng tỏ luận điểm mới (cần được chứng minh) là đáng tin cậy.

- Các lĩ lẽ, bằng chứng dùng trong phép lập luận chứng minh phải được lựa chọn, thẩm tra, phân tích thì mới có sức thuyết phục.

IV. Thao tác lập luận bình luận

- Khái niệm: "Bình luận" nhằm đề xuất và thuyết phục người đọc (người nghe) tán đồng với nhận xét, đánh giá, bàn luận của mình về một hiện tượng (vấn đề) trong đời sống hoặc trong văn học.

- Có nhiều cách để bình luận, nhưng dù theo cách nào thì người bình luận cũng phải:

+ Trình bày rõ ràng, trung thực hiện tượng (vấn đề) được bình luận.

+ Đề xuất và chứng tỏ được ý kiến nhận định, đánh giá của mình là xác đáng.

+ Có những lời bàn sâu rộng về chủ đề bình luận.

V. Thao tác lập luận bác bỏ

- Khái niệm: "Bác bỏ" là dùng lí lẽ và chứng cứ để gạt bỏ những quan điểm, ý kiến sai lệch hoặc thiếu chính xác,...từ đó nêu ý kiến đúng của mình để thuyết phục người đọc, người nghe (người đọc).

- Có thể bác bỏ luận điểm, luận cứ hoặc cách lập luận bằng cách nêu tác hại, chỉ ra nguyên nhân hoặc phân tích những khía cạnh sai lệch, thiếu chính xác, …của luận điểm, luận cứ, lập luận ấy.

- Khi bác bỏ, cần tỏ thái độ khách quan, đúng mực.

VI. Thao tác lập luận so sánh

- Khái niệm: "So sánh" là một thao tác lập luận nhằm đối chiếu hai hay nhiều sự vật, đối tượng hoặc là các mặt của một sự vật để chỉ ra những nét giống nhau hay khác nhau, từ đó thấy được giá trị của từng sự vật hoặc một sự vật mà mình quan tâm.

- Mục đích của so sánh là làm sáng rõ đối tượng đang nghiên cứu trong tương quan với đối tượng khác. So sánh đúng làm bài văn nghị luận sáng rõ, cụ thể, sinh động và có sức thuyết phục.

- Khi so sánh, phải đặt các đối tượng vào cùng một bình diện, đánh giá trên cùng một tiêu chí mới thấy được sự giống nhau và khác nhau giữa chúng, đồng thời phải nêu rõ ý kiến, quan điểm của người nói (người viết).