I. Vị trí của vật chuyển động tại các thời điểm
- Cách xác định vị trí của vật: dùng hệ tọa độ vuông góc có gốc là vị trí của vật mốc, trục hoành Ox và trục tung Oy. Các giá trị trên các trục tọa độ được xác định theo một tỉ lệ xác định.
Ví dụ: Nếu tỉ lệ là \(\dfrac{1}{{1000}}\) thì vị trí của điểm A trong Hình 4.1 được xác định trên hệ tọa độ là A (x = 10 m; y = 20 m) và của điểm B là B (x = -10 m; y = 20 m).
- Cách xác định thời điểm: Chọn mốc thời gian, đo khoảng cách thời gian từ thời điểm được chọn làm mốc đến thời điểm cần xác định.
Ví dụ: Nếu chọn mốc thời gian là lúc 6 h và thời gian chuyển động là 2 h thì thời điểm kết thúc là 2 + 6 = 8 h.
Hệ quy chiếu = Hệ tọa độ + Mốc thời gian + Đồng hồ đo thời gian.
Chú ý: Khi vật chuyển động trên đường thẳng thì chỉ cần dùng hệ tọa độ có điểm gốc O (vị trí của vật mốc) và trục Ox trùng với quỹ đạo chuyển động của vật.
II. Độ dịch chuyển tổng hợp – Vận tốc tổng hợp
* Tính tương đối của chuyển động
- Hệ quy chiếu đứng yên: là hệ quy chiếu gắn với vật làm gốc được quy ước là đứng yên
Ví dụ: sân ga, người quan sát đứng yên trên mặt đất
- Hệ quy chiếu chuyển động: là hệ quy chiếu gắn với vật làm gốc chuyển động so với hệ quy chiếu đứng yên
Ví dụ: tàu hỏa chuyển động so với sân ga, bậc thang cuộn khi đang hoạt động so với mặt đất, dòng nước đang trôi so với người đứng yên trên mặt đất
* Độ dịch chuyển tổng hợp – vận tốc tổng hợp
- Vật 1: Vật chuyển động đang xét
- Vật 2: Vật chuyển động được chọn làm hệ quy chiếu chuyển động
- Vật 3: Vật đứng yên được chọn làm gốc của hệ quy chiếu đứng yên
=> Độ dịch chuyển tổng hợp: \(\overrightarrow {{d_{13}}} = \overrightarrow {{d_{12}}} + \overrightarrow {{d_{23}}} \)
=> Vận tốc tổng hợp: \(\overrightarrow {{v_{13}}} = \overrightarrow {{v_{12}}} + \overrightarrow {{v_{23}}} \)