Tác giả, Tác phẩm văn 7 – Những câu hát về tình cảm gia đình

Những câu hát về tình cảm gia đình

I. Đôi nét về tác giả

- Ca dao, dân ca là những khái niệm tương đương, chỉ các thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời và nhạc, dùng để diễn tả đời sống nội tâm của con người.

- Để phân biệt ca dao và dân ca, hiện nay, người ta đưa ra hai khái niệm như sau:

   + Dân ca là những sáng tác kết hợp lời và nhạc, tức là những câu hát dân gian trong diễn xướng

   + Ca dao là lời thơ của dân ca. Ca dao còn bao gồm cả những bài thơ dân gian mang phong cách nghệ thuật chung với lời thơ của dân ca. Khái niệm ca dao còn được dùng để chỉ một thể thơ dân gian – thể ca dao

II. Đôi nét về tác phẩm : Những câu hát về tình cảm gia đình

1. Giá trị nội dung

- Tình cảm gia đình là một trong những chủ đề tiêu biểu của ca dao, dân ca. Những câu hát thuộc chủ đề này thường là lời ru của mẹ, lời của cha mẹ, ông bà nói với con cháu, lời của con cháu nói về cha mẹ, ông bà. Những câu hát này thường dùng để bày tỏ tâm tình, nhắc nhở về công ơn sinh thành, về tình mẫu tử, tình cảm anh em ruột thịt.

- Giáo dục con người về lòng biết ơn và tình cảm yêu thương trong gia đình

2. Giá trị nghệ thuật

- Sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát

- Sử dụng biện pháp so sánh, ẩn dụ, nghệ thuật đối,…

- Giọng điệu ngọt ngào, tâm tình, thủ thỉ….

III. Phân tích văn bản

a)    Dàn ý

Dàn ý phân tích mẫu số 1

I. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về thể loại ca dao, dân ca (khái niệm, đặc điểm nội dung và nghệ thuật,…)

- Giới thiệu về chùm ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình (khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,…)

II. Thân bài

1. Bài 1: Lời mẹ hát ru con

- Biện pháp so sánh: công cha – núi ngất trời, nghĩa mẹ - nước ở ngoài biển Đông

⇒ Dùng cái rộng lớn, mênh mông của thiên nhiên để gợi nên công lao to lớn, không gì sánh bằng của cha mẹ

- “Cù lao chín chữ”: hình ảnh ẩn dụ quen thuộc, nói lên lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ, đồng thời làm tăng thêm âm điệu tôn kính, nhắn nhủ, tâm tình của câu hát

⇒ Với việc sử dụng biện pháp so sánh, hình ảnh ẩn dụ bài ca dao đã ngợi ca công lao to lớn của cha mẹ. Đồng thời, qua đó, răn dạy con cháu phải luôn ghi nhớ và báo đáp công ơn to lớn ấy

2. Bài 2: Lời người con gái lấy chồng xa quê với mẹ

- Thời gian: chiều chiều –thời gian buổi chiều gợi cảm giác buồn, nhớ nhà và từ láy “chiều chiều” gợi cảm giác tuần hoàn, lặp đi lặp lại

- Không gian: ngõ sau – gợi sự vắng lặng, không gian rộng lớn, mênh mông, gợi sự cô đơn, buồn tẻ

- Nỗi niềm của người con gái:

   + Trông về quê mẹ: một cái nhìn đăm đăm, đầy thương nhớ

   + Ruột đau chín chiều: nỗi cô đơn làm dâu xứ lạ, nhớ thương cha mẹ, tê tái, đau buồn không giúp đỡ được cha mẹ.

⇒ Không gian và thời gian gợi nên nỗi buồn, cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi của cô gái lấy chồng xa, đây cũng chính là số phận của người phụ nữ trong xã hội trọng nam khinh nữ.

3. Bài 3: Lời của con cháu với ông bà

- Ngó lên: hành động gợi sự trân trọng, tôn kính

- Hình ảnh “nuộc lạt mái nhà”: nhiều, gợi sự kết nối bền chặt, không tách rời của sự vật cũng như tình cảm huyết thống và công lao to lớn của ông bà trong việc xây dựng gia đình

- So sánh theo mức độ tăng tiến: bao nhiêu ... bấy nhiêu gợi nên nỗi nhớ trùng điệp, vô tận, không bao giờ nguôi, không bao giờ dứt

⇒ Câu ca dao nói lên một tình cảm cao đẹp, đáng trân trọng của con gnuwoif Việt Nam: luôn hiếu thảo, biết ơn đối với đấng sinh thành

4. Bài 4: Tiếng hát về tình cảm anh em ruột thịt

- Sử dụng cặp từ “cùng chung”- “cùng thân”: khẳng định tình cảm anh em thân thương, mối quan hệ ruột thịt, sự gắn bó thân thiết

- Nghệ thuật so sánh “anh em” – “chân tay”: cách ví von giàu hình tượng gợi sự liên tưởng về mối quan hệ mật thiết, biết nương tựa lẫn nhau trong cuộc sống

⇒ Bài ca dao nhắc nhở anh em trong cùng gia đình phải biết yêu thương lẫn nhau, nương tựa và cùng hỗ trợ lẫn nhau. Làm được điều đó sẽ khiến cha mẹ vui lòng

III. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật

   + Nội dung: ca ngợi tình cảm gia đình, răn dạy mỗi người phải luôn ghi nhớ và báo đáp công ơn của cha mẹ

   + Nghệ thuật: thể thơ lục bát, lối nói ví von, so sánh, ẩn dụ, giọng điệu tâm tình, thủ thỉ,...

- Cảm nhận của bản thân: tình cảm gia đình, anh em ruột thịt luôn là tình cảm thiêng liên và quý giá nhất. Mỗi người chúng ta phải luôn ghi nhớ và giữ gìn tình cảm ấy.

Dàn ý phân tích mẫu số 2

I. Mở bài

Giới thiệu về ca dao dân ca:

+ Trong ca dao dân ca phản ánh những tình cảm tốt đẹp giữa con người và cả quê hương, đất nước.

+ Chúng ta biết được nhưng câu ca dao, dân ca về tình cảm gia đình vô cùng ý nghĩa như tình cảm biết ơn của con cái với cha mẹ, tình cảm của người con gái đi lấy chồng xa, tình cảm của con cháu đối với ông bà, tình cảm anh em trong gia đình.

II. Thân bài

1. Bài 1: Lời mẹ hát ru con

Trước hết ta thấy được tình cảm của con cái đối với công lao sinh dưỡng của cha mẹ:

              “Công cha như núi ngất trời

      Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông

               Núi cao biển rộng mênh mông

      Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”

- Qua bài ca dao, chúng ta có thể đoán được đây là lời hát ru của mẹ dành cho con. Lời hát ru ngọt ngào mà sâu lắng để nói về công cha, nghĩa mẹ.

- Nội dung: Đây là lời của cha mẹ nói với con cái về công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái và nhắc nhở phận làm con phải ghi nhớ công ơn sâu nặng đó.

+ Hai câu đầu: biện pháp so sánh được sử dụng nhuần nhuyễn. Công cha được ví với núi ngất trời, nghĩa mẹ được ví như nước ở ngoài biển Đông. Hình ảnh núi ngất trời là một hình ảnh cao lớn, vững chãi và hình ảnh cao lớn đó được ví như công lao của cha cũng tương ứng với trụ cột của người cha trong gia đình. Còn hình ảnh nước ngoài biển Đông, nước ở ngoài biển Đông chảy trong trẻo, ngọt ngào, dào dạt và không bao giờ vơi cạn cũng giống như tình mẹ.

-> Lối ví von so sánh “Công cha – núi ngất trời”, “Nghĩa mẹ – nước ở ngoài biển Đông”. Tác giả lấy cái vô hình để so sánh cái hữu hình. Lấy cái mênh mông, vĩnh hằng vô hạn của trời đất, thiên nhiên để nói đến công cha nghĩa mẹ qua đó, nổi bật ý nghĩa là ca ngợi công ơn to lớn của cha mẹ.

+ Hai câu cuối: câu thứ ba lặp lại hình ảnh núi cao và biển rộng và bài ca dao còn nhắc đến một khái niệm đó là cù lao chín chữ. Cù lao chín chữ là nhắc nhở con người nhớ đến chín chữ cù lao, công sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ đó là: sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (cho bú, cho ăn), trưởng (nuôi cho lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom, đoái hoài), phục (theo dõi để uốn nắn), phúc (che chở). Như vậy, chín chữ cù lao này đã theo suốt những đứa con trong chặng đường đời để ghi nhớ về công lao sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái.

-> Thành ngữ “Cù lao chín chữ” chính là chỉ nỗi vất vả của cha mẹ, không thể đong đếm được.

=> Như vậy, bài ca dao đã gợi nhớ cho chúng ta về công cha và nghĩa mẹ là công ơn thiêng liêng với con người và đồng thời nhắc nhở những người con phải có ý thức và đền đáp công ơn sinh thành nuôi dưỡng to lớn ấy.

2. Bài 2: Lời người con gái lấy chồng xa quê với mẹ

 Nỗi niềm của người con gái đi lấy chồng xa nhớ về mẹ, nhớ quê hương

 “Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”

- Câu ca dao nói về tình cảm của người con gái khi mà lấy chồng xa quê:

+ Thời gian: "chiều chiều" - từ láy gợi buồn và thời gian tuần hoàn, lặp lại.

+ Không gian: "ngõ sau" - vắng lặng, không gian rộng, gợi sự cô đơn.

+ Hành động: "đứng" - sự hướng vọng, không yên lòng.

=> Những từ ngữ chỉ không gian thời gian cụ thể để nói đến nỗi buồn nhớ của người con gái. Ai thấu được nỗi nhớ của người con gái đi lấy chồng xa. “Chiều chiều” gợi khoảng thời gian, kéo dài, chiều chiều gợi nỗi buồn, nỗi nhớ. Khoảng thời gian đó, người con gái “đứng ngõ sau” thì ngõ sau đấy càng vắng lặng, heo hút.

- Nỗi niềm: "ruột đau chín chiều " - "chín bề", nhiều bề: nỗi cô đơn làm dâu xứ lạ, nhớ thương cha mẹ, tê tái, đau buồn không giúp đỡ được cha mẹ.

=> Người con gái đi lấy chồng xa quê chiều chiều ra đứng ngõ sau để nhớ về quê hương, nhớ về mẹ. Đây là nỗi đau, buồn tủi của kẻ làm con khi phải xa cách cha mẹ, không đỡ đần chăm sóc được cha mẹ khi về già.

3. Bài 3: Lời của con cháu với ông bà

  “Ngó lên nuộc lạt mái nhà

Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”

– Tình cảm của con cháu với ông bà của mình đó là một tình cảm huyết thống, thể hiện công lao to lớn của ông bà khi xây dựng gia đình.

–  Cụm từ “Ngó lên” ý nói trông lên thể hiện sự tôn kính của con cháu với ông bà. Hình ảnh cụ thể thể hiện sự gắn kết, kết nối tình cảm đó một cách bền chặt gắn bó nhất qua cụm từ “Nuộc lạt mái nhà”.

– Tình cảm thật sâu đậm qua cặp quan hệ từ so sánh “bao nhiêu- bấy nhiêu” gợi nỗi nhớ da diết của con cháu đối với ông bà tổ tiên.

=> Qua câu ca dao, nhắc nhở con cháu, dù đi đâu làm gì cũng nên nhớ về ông bà, cha mẹ, huyết thống của gia đình.

4. Bài 4: Tiếng hát về tình cảm anh em ruột thịt

                “Anh em nào phải người xa

              Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân

                   Yêu nhau như thể tay chân

             Anh em hòa thuận hai thân vui vầy”

- Nội dung: Nhắc nhở chúng ta anh em phải hòa thuận, phải biết đoàn kết, nương tựa vào nhau, thương yêu nhau để cha mẹ vui lòng.

- Nghệ thuật: phép so sánh, điệp ngữ.

- Tình cảm anh em trong gia đình là tình cảm không bao giờ có thể tách rời, mất đi được. Vì họ cùng một mẹ sinh ra, cùng được cha mẹ nuôi dưỡng, dạy dỗ từ khi còn cất tiếng khóc oe oe cho đến khi trưởng thành và mãi về sau. Vậy nên, tình cảm đó được diễn tả một cạnh cụ thể:

+  Lời khẳng định anh em không phải người xa lạ gì. Bởi cùng chung máu thịt. Nhưng chữ “cùng, chung, một” để diễn tả anh em là hai mà như là một, cùng một cha mẹ, cùng chung sống trong một gia đình, được cha mẹ nuôi dưỡng.

+ Sử dụng hình ảnh tay, chân là những bộ phận rất quan trọng, luôn gắn liền với cơ thể, có quan hệ mật thiết với nhau để nói đến sự bền chặt của tình cảm anh em trong một gia đình,

+ Lấy tay, chân để so sánh ví với tình anh em để thể hiện tình cảm anh hem trong gia đình gắn bó thân thiết như chân với tay, không thể xa rời mà phải biết nương tựa nhau.

=> Bài ca dao cũng nhắc nhở anh em trong gia đình phải hòa thuận để cha mẹ vui lòng, biết thương yêu, đùm bọc nhau “Anh em hòa thuận hai thân vui vầy”.

III. Kết bài

- Tóm lại giá trị nội dung và nghệ thuật:

+ Nội dung: tình cảm gia đình là một tình cảm thiêng liêng của mỗi người, những câu ca dao về gia đình khiến chúng ta thêm yêu, thêm trân quý tổ ấm của mình hơn.

+ Nghệ thuật:

Thể thơ dân tộc lục bát gần gũi, quen thuộc.

Cách ví von, so sánh.

Những hình ảnh gần gũi, quen thuộc trong đời sống hàng ngày.

Ngôn ngữ không theo hình thức đối đáp mà chỉ là lời nhắn nhủ, tâm tình.

 - Cảm nhận của bản thân: Bài ca dao, dân ca về tình cảm gia đình đã cho chúng ta những bài học lời nhắc nhở bổ ích đối với ông bà, cha mẹ, anh em trong gia đình. Những tình cảm đó thật thiêng liêng và đáng trân trọng giữ gìn. Chúng ta nên ghi nhớ những câu ca dao này để luôn nhắc nhở, tình cảm gia đình phải luôn được gìn giữ và bảo tồn.

b) Bài văn phân tích

Phân tích bài 1 – Bài văn mẫu số 1

Đã từ bao đời nay ca dao dân ca luôn gắn liền với đời sống thực tiễn của nhân dân lao động, thể hiện rõ nét những vẻ đẹp trong đời sống tinh thần, đời sống lao động của nhân dân. Và đặc biệt hơn cả, dù chỉ là những câu hát, câu nói truyền miệng nhưng nó lại mang theo mình những giá trị nhân văn, đạo đức sâu sắc, góp phần giáo dục, răn dạy con người về cách đối nhân xử thế trong cuộc sống. Đặc biệt khi là nói về tình cảm gia đình có rất nhiều bài ca dao hay, ví như một bài ca dao nói về ơn nghĩa cha mẹ.

"Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông

Núi cao biển rộng mênh mông

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi"

        Với thể lục bát quen thuộc bài ca dao trên mang âm điệu nhẹ nhàng, trầm bổng tựa như lời ru ngọt ngào của người mẹ trẻ, người mẹ thủ thỉ với đứa con những lời thật ngọt ngào, đó chính là câu ca dao xưa thật là xưa, là lời cha ông bao đời truyền lại. Mẹ nhẹ nhàng ru con vào giấc ngủ, cũng nâng bước chân con chập chững vào đời bằng những bài học đạo đức thật sâu sắc và ý nghĩa. Thứ đầu tiên mẹ dạy con chẳng phải là những vần ê, a mà là đạo lý làm người, nghe thật kỳ lạ phải không, thế nhưng ai bảo con không hiểu, con vốn đã học từ trong bụng mẹ rồi ấy.

        Trong lời mẹ hát, con biết được rằng cha yêu thương con cũng chẳng kém gì mẹ, "Công cha như núi ngất trời", mẹ sinh con ra, cha ngày vất vả cực nhọc lao động để nuôi con khôn lớn, một đời dài như vậy cha dành phân nửa cho con, tình cảm ấy dẫu có là núi cao cũng chưa hẳn sánh bằng. Cũng như cha, mẹ mang nặng đẻ đau con chín tháng mười ngày, sinh con ra trong khó nhọc, chăm bẵm con từng ngày, có lẽ trên đời này chẳng còn một ai thương con hơn mẹ nữa. Sự hy sinh, tấm lòng cao cả của mẹ chắc phải lấy "nước ngoài biển Đông" mới có thể đong đếm hết được. "Cù lao chín chữ" tức là nói về công lao của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng con cái thành người, vất vả khốn khổ nhiều bề nhiều bận.

        Người ta ví trồng người cũng như trồng cây vậy, nhưng nếu như trồng một cái cây chỉ cần chú ý "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống", thì nuôi con còn vất vả cực nhọc hơn gấp bội, bởi đó là một quá trình dài đằng đẵng có khi là đi hết cả cuộc đời, lòng cha mẹ vẫn không thôi bận tâm về con cái. Nếu để liệt kê "cù lao chín chữ", thì nuôi con bắt đầu bằng chữ sinh, sau là chữ cúc, nghĩa là dạy con tập đi, tập đứng, rồi phủ, vuốt ve, làm cho con cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, lại súc là cho con bú nguồn sữa ngọt ngào, cho con ăn những thứ tốt nhất. Sau đó là trưởng, nuôi lớn con, rồi lại dục, dạy dỗ cho con nên người, trong suốt quá trình bậc cha mẹ lúc nào cũng phải cố, đoái hoài, trông nom kỹ lưỡng, sợ con có bề gì. Con đã có suy nghĩ, nhận thức lại vẫn phải phục, theo dõi tính tình, để uốn nắn cho kịp, rồi vẫn phải phúc, che chở, đỡ đần khi con có chuyện.

        Nói tóm lại rằng phận làm cha mẹ, đặc biệt là trong văn hóa phương Đông, dường như đó là nỗi vất vả cả đời, nhưng cũng là hạnh phúc cả đời của bậc làm cha làm mẹ, đối với cha mẹ con cái là món quà, là điều tuyệt vời nhất thế gian, trong mắt họ con cái luôn bé bỏng, cần được chở che, chăm sóc.

        Thế nên tình cha, tình mẹ vốn bao la biển trời, phận là con cái, lớn lên dưới vòng tay yêu thương của cha mẹ, dẫu gia cảnh bần hàn hay sung túc thì mỗi một con người vẫn phải ghi lòng tạc dạ công ơn sinh dưỡng của cha mẹ. Phận làm con phải đặt chữ hiếu làm đầu, phải hết sức tôn kính, yêu thương cha mẹ của mình, đừng dại dột làm kẻ bất hiếu, đó là những gì mà bài ca dao muốn truyền đạt cho chúng ta.

        Bài ca dao tuy chỉ vỏn vẹn 4 câu, nhưng chứa đựng những nội dung vô cùng sâu sắc về tình cảm gia đình, răn dạy mỗi con người cần phải ghi nhớ công ơn cha mẹ, đặt chữ hiếu lên hàng đầu. Bài ca dao sử dụng thể lục bát truyền thống, âm điệu nhẹ nhàng như lời ru của mẹ, dùng các so sánh liên tưởng đặc sắc, có tầm vóc to lớn nhằm đề cao công ơn của cha mẹ.

Phân tích bài 2 – Bài văn mẫu số 1

   Gia đình là chiếc nôi đằm thắm ngọt ngào nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn. Ông bà, cha mẹ, anh em sống quây quần bên nhau trong tình yêu thương vô bờ bến. Tình cảm ấy được hun đúc và truyền lại cho nhau từ đời này sang đời khác qua những câu ca dao đằm thắm ngọt ngào. Công cha, nghĩa mẹ, tình yêu thương anh chị em, tình yêu nam nữ, vợ chồng... Sống với ta như những kỉ niệm đẹp không bao giờ quên. Một ví dụ về tình yêu thương, nỗi nhớ của người con gái với mẹ già làm ta cảm động.

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.

      Ca dao cổ truyền có nhiều câu mở đầu bằng hai tiếng chiều chiều:

Chiều chiều xách giỏ hái rau

Chiều chiều ra đứng bờ sông...

       Chiều chiều là giai điệu nhè nhẹ, buồn thương. Điệu tâm hồn biểu hiện trong câu ca dao vô cùng đặc sắc, nó quyện vào tâm hồn người đọc, người nghe.

       Câu thơ thứ nhất vừa có tính thời gian (chiều chiều) vừa có tính không gian (ngõ sau, quê mẹ). Buổi chiều tà, lúc hoàng hôn buông xuống, ngày sắp tàn vũ trụ sắp đi vào cõi hư vô. Đây là những khoảng thời gian gợi nhớ, gợi sầu cho những kẻ tha hương. Nguyễn Du đã từng nhắc đến trong Truyện Kiều: Song xa vò võ phương trời - Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng hay Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà (Huy Cận). Trong bài ca dao trên cũng nói đến buổi chiều. Thời gian cứ lặp đi lặp lại ngõ sau chứ không phải là ngõ trước? Ngõ sau mới trông ra cánh đồng hắt hiu vắng vẻ, phải là chiều chiều khi cơm nước xong xuôi thì mới quạnh hiu. Sự lặp đi lặp lại âm thanh ấy cũng chính là sự lặp lại một hành động (ra đứng ngõ sau trông về quê mẹ) của một tâm trạng. Nghĩ về quê hương là nghĩ về mẹ, bóng hình mẹ đã tạc vào hình bóng quê hương. Nhân vật trữ tình trong câu ca dao không được giới thiệu chi tiết cụ thể. Nhưng ta vẫn thấy hiện lên hình ảnh cô gái xa quê, nhớ quê, nhớ gia đình... (đi lấy chồng xa?). Chắc là nhớ lắm, nhớ quá nên cứ chiều chiều và chiều nào cũng vậy cô ra ngõ sau ngậm ngùi ngóng về quê mẹ.

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

       Càng trông về quê mẹ càng lẻ loi, cô đơn nơi quê người, nỗi thương nhớ da diết không nguôi:

Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.

       Quê mẹ sau luỹ tre xanh. Nơi cô gái sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, làng xóm. Biết bao kỉ niệm buồn vui cùng gia đình bè bạn. Nơi mà chiều chiều chăn trâu cắt cỏ, có dòng sông nhỏ uốn quanh, có cánh đồng cò bay thẳng cánh, có bà con chất phác hiền lành lam lũ sớm hôm. Nơi ấy mẹ cha tần tảo sớm khuya nuôi con khôn lớn. Nếu như theo phong tục xưa Gái thập tam nam thập lục thì cô gái đi lấy chồng từ thuở mười ba. Mười ba năm ấy sống bên mẹ hiền cô vẫn chỉ là đứa con bé bỏng được yêu chiều trong vòng tay của mẹ. Vậy mà giờ nơi quê người đất khách lòng cô lại chẳng xót xa, thương nhớ. Giờ này sau luỹ tre xanh mẹ già, với mái tóc bạc phơ tựa cửa ngóng đứa con xa. Sao mẹ ơi mẹ chẳng:

Có con thì gả chồng gần

Có bát canh cần nó cũng đem cho.

       Vậy là chỉ đến khi không được sống trong sự nuông chiều của cha và sự săn sóc yêu thương của mẹ, khi những hạnh phúc trìu mến ấy mất rồi người con mới thấm thía hết sự ngọt ngào khi bên mẹ.

       Ca dao nói ít mà gợi nhiều. Chỉ hai từ quê mẹ mà gợi ra cho người đọc một trường liên tưởng vô cùng lớn. Người con xa quê trông về quê mẹ mà lòng day dứt khôn nguôi. Bốn tiếng ruột đau chín chiều diễn tả nỗi nhớ da diết đó. Tục ngữ, thành ngữ có chín nhớ mười thương thì ca dao có ruột đau chín chiều buổi chiều nào cũng nhớ về quê mẹ, trông hướng nào cũng thấy tê tái, xót xa. Càng nhớ, người con lại càng thương, nỗi buồn cứ như vậy tăng lên gấp bội. Dường như nỗi nhớ ấy, sự cô đơn ấy không có giới hạn, có lẽ trong những lúc như vậy đứa con xa mơ ước nhiều lắm.

       Ước gì giờ đây đang nằm trong vòng tay âu yếm của mẹ, để tận hưởng cái giây phút mơn man khắp da thịt trong đôi bàn tay dịu hiền, muốn ngồi bên mẹ để trò chuyện, tâm sự để đếm từng sợi tóc pha sương theo tháng ngày. Bỗng xa xa, khoan nhặt tiếng chim kêu chiều:

Vẳng nghe chim vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau

       Bài ca dao là tình cảm mẹ con, tình cảm quê hương và gia đình sâu sắc trong tâm hồn mỗi chúng ta. Tình thương nỗi nhớ gắn liền với tấm lòng biết ơn sâu nặng của người con gái xa quê đối với mẹ già. Giọng điệu tâm tình sâu lắng, lời thơ êm ái nhẹ nhàng gợi lên trong lòng người đọc bao liên tưởng về tình cảm mẹ con, gia đình, những kỉ niệm yêu dấu tuổi thơ. Làm sao chúng ta có thể quên được bài ca dao trữ tình đằm thắm như vậy.

Phân tích bài 2 – Bài văn mẫu số 2

Tuổi thơ của con người luôn gắn liền với mẹ thân thương. Mẹ chăm bẵm ru hời con khi con còn bé, mẹ dạy bảo khi con lớn khôn... Con mang tình mẹ sâu nặng lắm. Rồi một ngày kia con, con bé nhỏ của mẹ phải đi xa... và nỗi nhớ mẹ giày vò, tức tưởi trong tâm con. Có một bài ca dao đã viết hộ tâm trạng ấy của một cô gái, tâm trạng mà bất cứ người con xa que nào cùng luôn nghĩ:

"Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều"

Cả bài thơ nhuốm đầy tâm trạng nhớ nhung, đau xót. Một tâm trạng có lẽ làm tím cả trời chiều mênh mang.

Người ta thường nói: "Không ai hiểu con gái bằng mẹ và cũng không ai thương mẹ nhiều như các cô gái". Tình thương được biểu lộ bằng sự săn sóc, kính trọng, yêu thương. Vậy mà trong câu ca dao này, cô gái lại không được trực tiếp bày tỏ tình thương với mẹ mà chỉ biết giữ niềm thương ở tự đáy lòng. Thương cô gái xa quê yêu dấu nhưng ta cũng không khỏi băn khoăn: Sao cô không về thăm mẹ mà chiều chiều đứng nhìn gì vậy? Phải chăng cách trở đò giang? (Chiều chiều ra đứng bờ sông, Muốn về quê mẹ mà không có đò). Không! Khoảng cách không gian và thời gian sẽ không là gì nếu cô không bị ràng buộc. Cô gái phải ngậm ngùi mà lau nước mắt bởi một lẽ đơn giản nhất: cô đã lấy chồng. Dân gian có câu: 'Thuyền theo lái, gái theo chồng". Giờ đây cô đã là con nhà người, đâu còn là con gái yêu của mẹ nữa.

Và để rồi khi ánh chiều tà, sau bao nhiêu mệt nhọc, cô có thời gian cuối ngày để nhớ về mẹ, nhớ về công lao to lớn của cha mẹ:

"Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"

Công cha mẹ như trời như bể, vậy cô đã làm gì để đền đáp lại công ơn to lớn đó? Cả hơi ấm của mẹ cô cũng phải xa. Cô gái buồn lắm. Cái khoảnh khắc được khắc họa trong ca dao đã ẩn náu một nỗi buồn trải dài. Tâm trạng buồn của cô gái hòa vào không gian của buổi chiều tà để tạo thành một hoàng hôn vĩnh viễn trong tâm hồn.

"Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều"

Kín đáo, thầm lặng nhưng da diết như chiều muộn - đó là nét tế nhị thể hiện nỗi nhớ của các cô gái trong ca dao khi đã đi lấy chồng. Giữa một không gian trải dài vô tận, một con người đang mang tâm trạng nhớ thương bỗng cảm thấy mình lẻ loi, cô độc vô cùng. Lúc này con người mà cô mong mỏi nhất không thể là ai khác ngoài người mẹ thân thương. Người mẹ sẽ là điểm tựa dịu dàng nhưng vững chắc nhất cho cô gái, bởi vậy, cô càng mong càng nhớ hơn. Cô chọn một không gian riêng của mình, một mình sống trong tâm tưởng. Buổi chiều, ngõ sau, ta như thấy cái nhìn trăn trối của cô gái về phía chân trời xa, ở đó có mẹ già đang sớm trưa lụi hụi một mình. Giá như cô được chắp thêm đôi cánh để về bên mẹ, để lại là đứa con bé bỏng của mẹ. Giá như... tất cả chỉ là ước mơ.

Đọc câu ca dao ta cứ thấy có cái gì nghèn nghẹn, ta cảm thông với nỗi niềm của người con gái phải xa quê, xa mẹ rồi chiều chiều ra đứng ngõ sau để trông về quê mẹ với một nỗi nhớ thương da diết.

Bài ca dao cứ thổn thức trong tim ta, ta nghe như có tiếng khóc thầm trong lời hát ru dịu dàng:

"À ơi! Khi bé là con mẹ cha

Lớn lên xa mẹ lại ra con người"

Phân tích bài 2 – Bài văn mẫu số 3

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

Dân tộc Việt Nam ta có nguồn gốc con rồng cháu tiên, từ hồi mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân dù người sống trên đất kẻ sống dưới biển thế nhưng tình cảm gia đình vẫn luôn dào dạt, luôn nghĩ về nhau. Năm mươi người con dưới biển sẽ nhớ về mẹ, năm mươi người con trên non cũng nhớ về cha. Trong kho tàng ca dao Việt Nam có rất nhiều bài ca dao nói về tình cảm gia đình mà bài ca dao “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều” là một bài ca dao tiêu biểu cho những bài ca dao nói về tình cảm gia đình mà cụ thể ở đây là nỗi nhớ mẹ của người con gái đã đi lấy chồng.

Từ láy “Chiều chiều” thể hiện khoảng thời gian mà người con gái đã đi lấy chồng nhớ về mẹ. Cô gái ấy không nhớ mẹ vào buổi sáng, buổi trưa hoặc cũng có thể là lúc nào cô cũng nhớ nhưng chỉ có buổi chiều là khoảng thời gian tốt nhất để cô thể hiện nỗi nhớ ấy. Sau những công việc bận rộn của một ngày, cô gái ra đứng ngõ sau mà nhìn về quê mẹ. Không phải ngẫu nhiên chiều chiều cô mới ra ngõ sau đứng mà bởi vì khi ánh hoàng hôn buông xuống, tất cả những sinh vật đều trở về tổ ấm hay nơi trú ẩn của mình. Ánh hoàng hôn đẹp nhưng buồn khiến cho lòng người nao nao man mác. Cô gái đứng ở ngõ sau để trốn chồng, trốn con không muốn cho họ biết về tâm sự của mình. Càng nhìn về quê mẹ thì cô gái càng “ruột đau chín chiều”.

Nỗi nhớ mẹ, thương mẹ đau đáu, nỗi buồn lo khi không biết mẹ có được bình an khiến cho chiều nào cô gái cũng buồn cũng đau. Có thể nói câu ca dao “Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều” là một câu ca dao mang đậm chất nghệ thuật. Ruột đau chín chiều là chín chiều cô trông về quê mẹ thì đều đau lòng, buồn thương hay cô gái vì nhớ, vì lo cho mẹ mà ruột đau chín cả buổi chiều vốn đã vàng vọt vì ánh mặt trời xuống núi.

Tóm lại, bài ca dao thể hiện được nỗi nhớ thương của người con gái đi lấy chồng dành cho mẹ, dành cho những kỉ niệm ấu thơ khi còn sống bên mẹ. Cô đã có một gia đình riêng và không thể nào chăm sóc cho mẹ của mình nên ngày ngày cô dành thời gian buổi chiều để trông về quê mẹ, nhớ mẹ.

Phân tích bài 2 – Bài văn mẫu số 4

Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn con người, là chiếc nôi đầu tiên khi một đứa trẻ chào đời, hình thành nhân cách cho con người. Một gia đình luôn sum vầy hạnh phúc, cha mẹ luôn sống đúng chuẩn mực xã hội, đạo đức sẽ hình thành cho đứa trẻ những nhân cách tốt.

Chính vì vậy, khi người con gái tới tuổi phải đi lấy chồng, được gả về một nơi xa xôi khiến cho người con gái nhớ quê nhà, ngày đêm trông ngóng về quê hương, với nỗi nhớ khôn nguôi về gia đình, về những người thân yêu của mình

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.

Hai câu ca dao thể hiện sự đau xót, nỗi niềm của cô gái khi nhìn về quê hương của mình. Nhìn về nơi có gia đình thân thương với những tình cảm thân thương, sự gắn bó vô cùng thiêng liêng, sâu sắc.

chiều chiều ra đứng ngõ sau

Điệp từ "chiều chiều" được lặp đi lặp lại, thể hiện một việc vô cùng quen thuộc, như một thói quen, thường trực nỗi nhớ nhung trong lòng người con gái xa quê, làm cho người đọc cảm thấy nhớ nhung ngậm ngùi cho thân phận của người con xa quê.

Chiều tà là cảnh hoàng hôn, buông xuống bóng tối bao phủ khiến cho người nỗi buồn trong lòng người càng dâng lên da diết, khiến cho con người càng cảm thấy thê lương, tâm trạng nhớ nhà, nhớ người thân càng trở nên quay quắt, da diết vô cùng.

"Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều". Hình ảnh trông về quê mẹ, trong không gian bao la, trước cảnh chiều tà buồn vương khiến cho con người càng trở nên bé nhỏ trước cảnh bao la, của hoàng hôn bao la. Sợi giây thương nhớ, gợi sầu khiến cho con người càng trở nên bé nhỏ.

Quê mẹ là nơi cô gái sinh ra lớn lên với những kỷ niệm ngọt ngào bên người thân. Biết bao kỷ niệm vui buồn sớm tối. Những kỷ niệm gia đình quây quần bên nhau, khiến cô gái vô cùng buồn phiền, nhớ nhung

Bài ca dao thể hiện tình cảm ruột thịt giữa con cái và cha mẹ là tình cảm thiêng liêng sâu sắc không gì có thể sánh được, người con gái khi lớn lên phải gả tới nơi xa xôi nhớ nhung thương nhớ mẹ cha ở quê nhà.

Giọng tâm tình đầy thương nhớ, lời thơ vô cùng dịu dàng sâu lắng khiến người đọc cảm thông với những tình cảm của người con gái xa nhà. Nỗi nhớ da diết chất chứa trong lòng người con gái khiến người con gái ruột đau như cắt.

Tình cảm tha thiết nỗi nhớ quê hương là tình cảm mà bất cứ người con nào xa quê thường có. Nó thể hiện tình cảm thiêng liêng gia đình ruột thịt gắn bó với nhau không gì chia lìa được.

Phân tích bài 3 – Bài văn mẫu số 1

   “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý cơ bản của dân tộc Việt Nam. Là biểu hiện của lòng hiếu nghĩa, người dân vẫn còn phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ… Hay trong giân dan cũng lưu truyền rất nhiều câu ca dao thể hiện tình cảm với ông bà tổ tiên, trong đó đặc biệt phải kể đến bài ca dao:

 “Ngó lên nuột lạt mái nhà

Bao nhiêu nuột lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”

       Trong câu ca dao ta có thể cảm nhận ra rõ ràng sự tinh tế của người xưa khi đem so sánh tình cảm của mình đối với gia đình mà đặc biệt ở đây là “ông bà” với những chiếc lạt để làm lên mái nhà. Ngày xưa, người ta thường lấy lạt chẻ bằng tre để buộc những mái gianh và để hoàn thành được những mái nhà như vậy cần rất nhiều nuột lạt, số nuột lạt ấy nhiều đến không thể đếm được. Chính vì thế mà tác giả không sử dụng một con số cụ thể nào mà sử dụng từ phiếm chỉ “bao nhiêu”, “bấy nhiêu” để thể hiện tình cảm lớn lao không từ ngữ nào diễn tả được hay mang ra “cân đo đong đếm” được.

       Qua cách thể hiện tình cảm của con cái đối với ông bà, cha mẹ; câu ca dao cũng nói lên đạo nghĩa về chữ hiếu của dân tộc Việt Nam, đây là một truyền thống tốt đẹp đã được gìn giữ và phát huy qua bao nhiêu thế hệ. Ở đây, hành động “ngó lên” còn thể hiện sự thành kính, thành khẩn khi ngước lên,hướng về với lòng biết ơn đối với lớp người đi trước-những con người đã tạo nên sự bình yên, hạnh ohusc của dân tộc. Nhịp thơ chậm, âm điệu ngậm ngùi càng thể hiện rõ lòng thành kính ấy.

       Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, hình ảnh so sánh giản dị, quen thuộc là những chiếc nuột lạt lại cũng như đang kể lên cái nghèo, cái khổ mà sâu hơn là đang thể hiện nỗi tủi hờn cho thân phận. Tuy nhiên, xã hội hiện nay lại đang có rất nhiều thành phần suy thoái về đạo hiếu, vì tiền, vì giàu sang mà bỏ quên bố mẹ, hay tồi tệ hơn là đánh đập, bỏ rơi người đã sinh thành, nuôi dưỡng mình… Thật đáng buồn cho một thế hệ.

       Bài ca dao ngắn gọn nhưng đã gói ghém được tất cả ý nghĩa, ý tình sâu sắc mà thấm thía của con cháu dành cho ông bà, cha mẹ. Qua đó, nhắn nhủ với thế hệ sau hãy tôn trọng và giữ gìn những thành quả chúng ta đang có, sống ý nghĩa và bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, bởi lòng biết ơn là nền tảng của đạo làm người.

Phân tích bài 3 – Bài văn mẫu số 2

Ngó lên nuộc lạt mái nhà

Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu

Viết về tình cảm, tấm lòng của con cháu hướng đến tổ tiên, bài ca dao trên có cách diễn đạt thật lạ, thật hay!

            Cái hay của cách diễn đạt trong bài nằm ở cách dùng từ và cách dùng hình ảnh so sánh. Bài ca dao mở đầu bằng động từ “ngó lên”, “ngó lên” là ngước lên, là nhìn lên. Hành động ấy chỉ sự thành kính, nó giống như việc thành khẩn thắp nén nhang dâng lên tiên tổ. “Ngó lên nuộc lạt mái nhà”, chỉ riêng việc ngó lên phía mái nhà đã gợi đến lòng biết ơn đối với những lớp người đi trước – những lớp người đã tạo ra và giữ yên mái ngói yên bình của ngôi nhà, dòng tộc. Không chỉ vậy, hướng ánh mắt lên mái nhà để ngó những nuộc lạt. Và hình ảnh so sánh ở đây thật độc đáo: “Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”. Nỗi nhớ được so sánh với số lượng nuộc lạt trên mái nhà! Có ai lại đi đo, đi đếm nỗi nhớ bao giờ… Nhưng trong thực tế, cũng chẳng ai đếm, ai đo lượng nuộc lạt trên mái nhà! Bởi nhắc đến hình ảnh “nuộc lạt”, ta chỉ thấy nó nhiều về số lượng và hơn thế nó tạo ra sự kết nối bền chặt cho mái nhà. Ở đây, tác giả so sánh nỗi nhớ với ông bà là dùng cái vô hạn để chỉ nỗi nhớ và sự yêu kính đồng thời gợi ra sự nối kết bền chặt của tình cảm máu mủ ruột rà, tình cảm huyết thống của con cháu với ông cha. Không chỉ thế, trong bài ca dao này, dân gian sử dụng thể lục bát biến thể. Câu tám tiếng lại gồm chín tiếng, nỗi nhớ ông bà như tràn ra khỏi phạm vi câu chữ.

            Bài ca dao ngắn gọn, giản dị nhưng xiết bao cảm động!

Phân tích bài 3 – Bài văn mẫu số 3

Người Việt Nam ta từ ngàn xưa đã có tục thờ cúng đất trời, tổ tiên. Dù giàu hay nghèo, trong mỗi nhà đều có một cái bàn thờ để con cháu quanh năm nhang khói cho ông bà, cha mẹ. Đây là một phong tục đẹp, phản ánh đạo lí : Uống nước nhớ nguồn,Ăn quả nhớ kẻ trồng cây... rất đáng chân trọng và gìn giữ.

   Nước ta vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Phần lớn nông dân sống cuộc đời nghèo khó, quanh năm bát mồ hôi đổi lấy bát cơm. Hình ảnh những mái rạ bạc phếch, dầu dãi mưa là hình ảnh phổ biến của nông dân thuở trước. Bao số phận cùng khổ của sưu cao thuế nặng, bởi áp bức bất công, bởi nỗi lo cơm áo hằng ngày. Biết lấy gì để báo đáp công lao trời biển của ông bà, cha mẹ? Niềm thương nỗi nhớ chất chứa trong lòng. Băn khoăn, day dứt lắm mà không làm sao được, chỉ biết buông tiếng thở than chua xót:

   Câu ca dao mộc mạc, giản dị như cách suy nghĩ và biểu hiện tình cảm của người nông dân chất phác, thật thà. Nhớ và thương là những khái niệm trừu tượng đã được cụ thể hóa bằng hình ảnh rất quen thuộc: nuộc lạt (nuộc: nút, mối) trên mái nhà. Khi lợp nhà bằng lá cọ, cỏ tranh hay rơm trạ, người ta thường dùng lạt giang hay lạt tre chẻ mỏng, ngâm nước cho mềm để buộc chặt từng lá cọ, từng tấm tranh, tấm rạ vào rui, mè cho chắc chắn, gió không thể thổi bay. Một mái nhà như thế có bao nhiêu nuộc lạt? Chắc là phải tới con số vài ngàn!

   Vào một buổi trưa hè oi ả, hay chiều mưa tầm tã, người con nằm nghỉ trên chiếc phản gỗ hoặc chiếc chõng tre, chợt ngó lên mái nhà rồi vắt tay ngang trán mà ngẫm nghĩ sự đời rồi than thân trách phận sao cứ bị cái nghèo đeo đuổi mãi không tha. Đập vào mắt là cái mái nhà chi chít những nuộc lạt, cách bàn thờ tổ tiên, ông bà chỉ một tầm tay. Nhìn bàn thờ tổ tiên, ông bà mà chạnh lòng thương nhớ, mà áy náy ân hận vì phận làm con, làm cháu chưa trọn. Dòng cảm xúc dâng đầy và nước mắt đã ứa quanh mi, đành chỉ biết tặc lưỡi thở dài, tủi cho người đã khuất và tủi cho người đang sống. Để bày tỏ lòng thành, còn gì hay hơn sự so sánh: Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu! Người con , người cháu không đếm xuể số lượng nuộc lạt cũng như không nói hết được nỗi nhớ ông bà... Cặp từ bao nhiêu... bấy nhiêu bộc bạch nỗi niềm thương nhớ và biết ơn vô hạn.

   Cách so sánh trên thường thấy trong ca dao: Qua đình ngả nón trông đình, Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu; hoặc: Qua cầu ngả nón trông cầu, Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu... Đây là cách biểu hiện tình cảm tự nhiên và chân thành của người lao động.

   Chỉ hai câu ca dao mà gói ghém biết bao ý nghĩa; nhưng nổi bật nhất và thấm thía nhất vẫn là lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Lòng biết ơn ấy là nền tảng của đạo lí, là cơ sở cho mọi điều tốt đẹp trên đời. Đọc câu ca dao, chúng ta càng thêm quý tâm hồn thuần hậu, trong sáng và hiếu nghĩa của người xưa.

Phân tích bài 4 – Bài văn mẫu số 1

Ca dao Việt Nam thật vô vàn ý nghĩa, nó thể hiện kinh nghiệm của cha ông trong mọi mặt của đời sống mà còn thể hiện tình cảm giữa cha mẹ và con cái, giữa con cháu với cha ông, giữa vợ với chồng… mà còn dành nhiều lời thơ cho tình cảm anh em. Bài ca dao sau tiêu biểu cho đề tài đó:

"Anh em nào phải người xa

Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân

Yêu nhau như thể tay chân

Rách làm đùm bọc dở hay đỡ đần."

       Mở đầu bài ca dao đã đưa ra nhận định: “Anh em nào phải người xa”, bài ca dao ngầm khẳng định: anh em với nhau là một mối quan hệ rất gần gũi, gắn bó. Gần gũi, gắn bó với anh em tuy hai nhưng cũng là một. Điều này thể hiện tình cảm anh em không gì có thể thay thế được. Anh em là những người “Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân”- cùng một cha mẹ sinh ra, đã cùng chung sống “một nhà”, đã cùng chung buồn vui, sướng khổ. Chính bởi đã “cùng”, đã chung nhau những yếu tố thiêng liêng về quan hệ nguồn gốc, môi trường sống, tác giả dân gian đưa ra lời khuyên về cách sống, cách đối xử của anh em trong gia đình:

Yêu nhau như thể tay chân

Rách làm đùm bọc dở hay đỡ đần.  

       Bài ca dao như một lời khuyên, lời răn dạy của cha ông cho những người làm anh em trên cuộc đời này, cần phải biết yêu thương lẫn nhau, đùm bọc nhau những lúc dở hay bất thường. Quan hệ anh em còn được ví với hình ảnh chân – tay, đó là những bộ phận gắn bó khăng khít trên một cơ thể thống nhất, cùng được nuôi chung bởi một dòng máu huyết thống của gia đình. Hình ảnh đó nói lên tình nghĩa và sự gắn bó thiêng liêng của anh em.

       Ngày nay khi xã hội phát triển tình cảm anh em có những ảnh hưởng của xã hội. ngày càng nhiều những vụ án, những vụ xung đột của anh em ruột với nhau. Không ít vụ án anh em vi tranh chấp tài sản mà sát hại nhau, thậm chí chỉ vì mâu thuẫn nhỏ cũng có thể hại cả gia đình người anh em của mình. Phải chăng đạo đức xã hội đã xuống cấp, hay giá trị đạo đức đã thay đổi? Đó chỉ là một bộ phận những người có nhận thức kém trong xã hội, vì lợi ích trước mắt mà hành động nông nổi, để lại hậu quả đáng tiếc cho người thân của mình.

       Bài ca dao là lời khuyên lời nhắn nhủ tới thế hệ chúng ta, đã là anh em một nhà, cùng do cha mẹ sinh ra chúng ta phải hòa thuận, phải biết nương tựa lẫn nhau thì gia đình mới ấm êm, cha mẹ mới vui lòng. Có như vậy chúng ta mới báo hiếu được cha mẹ, xã hội mới yên bình và phát triển được.

Phân tích bài 4 – Bài văn mẫu số 2

Tình cảm gia đình là một trong những tình cảm đẹp đẽ nhất của con người Việt Nam, tình cảm ấy được thể hiện đằm thắm ngọt ngào trong ca dao dân ca. Bên cạnh những bài ca ca ngợi công cha nghĩa mẹ, đạo làm con, tình cảm vợ chồng... còn có nhiều bài đặc sắc nói đến tình cảm anh em trong gia đình. Câu ca dao dưới đây là bài học về đạo lý làm người:

Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần

Trong ca dao dân ca, lối nói so sánh ví von được sử dụng khá hiệu quả. Chân và tay là những bộ phận quan trọng trên cơ thể con người không thể thiếu được, không thể tách rời nhau. Thiếu chân hoặc tay mọi cử chỉ hành động của con người bị hạn chế. Chân với tay phối hợp với các bộ phận khác tạo nên sự hoàn chỉnh cho vẻ đẹp của con người kế cả hình thể lẫn tinh thần.

Cách nói so sánh rất hay, lấy cái cụ thể để nói cái trừu tượng, lấy chân tay để nói tình cảm thân thiết gắn bó giữa anh em trong gia đình, trong dòng họ. Anh em cùng được sinh ra trong một gia đình, cùng cha mẹ và được nuôi dưỡng trong một tổ ấm. Anh em sống và lớn lên tình cảm gắn bó ruột thịt, họ cũng chung huyết hệ, bên nhau từ thuở ấu thơ đến lúc về già.

Gia đình, gia tộc của con người Việt Nam xưa nay mang tính truyền thống bền vững trong cộng đồng làng xã ngàn năm. Nó phát triển qua quan hệ tình nghĩa giọt máu đào hơn ao nước lã, máu chảy ruột mềm. Tình cảm ấy thể hiện sâu sắc trong lễ, tết, ma chay, cưới hỏi...

Từ mối quan hệ gia đình, nhân dân ta nói đến nghĩa vụ của anh em đối với nhau, nghĩa vụ ấy phải được thể hiện bằng hành động cụ thể:

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần

Đùm bọc, đỡ đần là thể hiện tình yêu thương nhau. Câu ca dao có hai vế đối nhau, mỗi vế là những cảnh đời khác nhau, số phận khác nhau. Trong anh và em có thể có kẻ giàu người nghèo, kẻ sang người hèn... Nhưng dẫu thế nào anh em vẫn phải đùm bọc yêu thương nhau.

Yêu thương là phải biết giúp nhau lúc hoạn nạn, khó khăn là: lá lành đùm lá rách, - hành động theo tình yêu thương.

Khi lớn lên, lập gia đình mỗi người có một hoàn cảnh riêng. Lúc khỏe cũng như lúc ốm đau bệnh tật, tối lửa tắt đèn có nhau, phải nương tựa vào nhau. Có được như vậy thì mới không khỏi môi hở răng lạnh,. Đó là đạo lý nghĩa tình huynh đệ. Bao năm tháng đã trôi qua chúng ta vẫn cảm thấy tiếng nói ấy vẫn vọng về từ cha ông:

Anh em nào phải người xa

Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân

Yêu nhau như thể tay chân

Anh em hoà thuận, hai thân vui vầy

Lòng hiếu thảo, tình cảm gia đình, anh em được xây dựng trên những quy ước của lễ giáo và sự ràng buộc về nghĩa vụ và trách nhiệm. Lúc nhỏ cha mẹ bận việc cấy cày, anh ru em ngủ, cõng em đi chơi.

Yêu nhau từ thuở trong nôi

Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru

Trong những cảnh đời côi cút, anh còn thay cha mẹ nuôi dạy em khôn lớn trưởng thành. Lòng hiếu thảo hoà quyện với tình huynh đệ Hiếu lễ là kính trọng cha mẹ và yêu thương hoà thuận với anh em. Anh yêu thương em, nhường nhịn cho em, em kính trọng ngoan ngoãn vâng lời. Đó là đạo lí, nền nếp gia phong.

Trong gia đình anh em có coi nhau như thể tay chân thì ra ngoài xã hội mới thương người như thể thương thân. Nếu như bất hoà trong tình cảm anh em thì chẳng những tình cảm anh em sứt mẻ mà xã hội cười chê:

Tưởng rằng chị ngã em nâng

Ai ngờ chị ngã, em bưng miệng cười

Làng xã Việt Nam xưa nay vẫn tồn tại những dòng họ. Vai trò của ông trưởng tộc rất lớn, tình huynh đệ được đề cao và được coi trọng. Ngày giỗ tổ là ngày thể hiện sự gắn bó :tình anh em và tưởng nhớ cội nguồn.

Gia đình là tế bào, nền tảng của xã hội. Từ tình thương anh em trong gia đình rộng ra:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng

Tóm lại bài ca dao mãi mãi là bài học về tình nghĩa anh em trong gia đình, thân thiết thuỷ chung. Tình cảm ấy phải được coi là máu thịt, có như vậy mới mong gìn giữ những đạo lý truyền thống của ông cha răn dạy chúng ta.