Tác giả, Tác phẩm văn 7 – Những câu hát châm biếm

Những câu hát châm biếm

I. Đôi nét về tác phẩm Những câu hát châm biếm

1. Giá trị nội dung

“Những câu hát châm biếm” đã thể hiện khá tập trung nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam. Những câu hát châm biếm ấy đã phơi bày các sự việc mâu thuẫn, phê phán thói hư, tật xấu của những hạng người và sự việc đáng cười trong xã hội

2. Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ lục bát

- Sử dụng hình ảnh so sánh, ẩn dụ, tượng trưng

- Biện pháp nghệ thuật nói ngược, phóng đại

II. Phân tích tác phẩm

a) Dàn ý

I. Mở bài

- Giới thiệu về ca dao, dân ca (khái niệm, đặc trưng về nội dung và nghệ thuật,…)

- Giới thiệu về “Những câu hát châm biếm” (khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,…)

II. Thân bài

1.Bài 1 – Dàn ý mẫu số 1

- “Giới thiệu” chân dung nhân vật “chú tôi”:

+ Hay tửu hay tăm: nghiện rượu

+ Hay nước chè đặc: nghiện chè

+ Hay nằm ngủ trưa: lười biếng

+ Ngày thì ước những ngày mưa, đêm thì ước những đêm thừa trống canh: lười lao động, thích ăn chơi, hưởng thụ

- Hình ảnh đối lập với hình ảnh “chú tôi”

+ Cái cò lặn lội bờ ao: sự vất vả, cơ cực, lam lũ của người cháu

+ Cô yếm đào: người con gái xinh đẹp, giỏi giang

Dùng hình ảnh nói ngược và phép đối lập, bài ca dao chế giễu những người nghiện ngập rượu chè, lười biếng, thích hưởng thụ trong xã hội

Bài 1 – Dàn ý mẫu số 2

"Cái cò lặn lội bờ ao

Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?

Chú tôi hay tửu hay tăm,

Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa.

Ngày thì ước những ngày mưa,

Đêm thì ước những đêm thừa trống canh"

- Hình ảnh người cháu: được ẩn dụ bởi hình ảnh "cái cò" - đang phải lặn lội, vất vả làm việc.

- Hình ảnh người được cầu hôn: "cô yếm đào" - hình ảnh ẩn dụ chỉ người con gái xinh đẹp, đang độ tuổi xuân thì, gia đình có điều kiện khá giả.

- Hình ảnh người chú được giới thiệu:

"hay tửu hay tăm" - chỉ người có thói nghiện rượu, thường hay nhậu nhẹt, say sưa chè chén suốt ngày

"hay nước chè đặc" - chỉ người thích ngồi buôn chuyện, lê la khắp chốn mà là nước chè đặc thì thời gian ngồi như vậy sẽ rất lâu - chỉ những kẻ ăn không ngồi rồi, không có công việc

"hay nằm ngủ trưa" - người nông dân lao động ngày xưa thường không có khái niệm ngủ trưa, họ chỉ ngồi nghỉ một lát rồi lại làm việc - kẻ ngủ trưa chỉ kẻ lười biếng

"ngày thì ước mưa", "đêm thì ước thừa trống canh" - muốn ban ngày trời mưa để không phải đi làm, muốn ban đêm thừa trống canh (có thêm thời gian) để được ngủ nhiều hơn - người lười biếng lại tham lam, nhác nhớn.

→ Người chú hội tụ đủ mọi thói hư tật xấu của con người và không hề có một ưu điểm nào cả.

→ Đặc biệt từ "hay" được sử dụng như một tính từ "cái hay, cái tốt, cái đẹp" - ở đây từ "hay" được sử dụng biện pháp nói ngược - đi cùng các thói hư tật xấu của người chú để thể hiện sự giễu cợt của người kể.

Xuất hiện các cặp hình ảnh tương phản:

Người cháu (chăm chỉ, vất vả làm việc) - người chú (có đủ mọi tật xấu: lười biếng, tham lam, nghiện rượu, chè...)

Người đàn ông muốn cưới (xấu nết đủ điều) - người con gái được hỏi (xinh đẹp, trẻ trung)

Việc sắp đặt tình huống có những hình ảnh tương phản rõ nét như vậy nhằm làm nổi bật lên những thói hư tật xấu đáng chê trách của con người

Đồng thời thể hiện thái độ giễu cợt, mỉa mai của người đời với những thói xấu ấy.

Qua đó, khuyên nhủ mọi người nên sống lành mạnh, chăm chỉ lao động tránh xa những thói hư tật xấu.

2. Bài 2 – Dàn ý mẫu số 1

- Lời của thầy bói - phán những chuyện hệ trọng trong cuộc đời một con người

+ Lời phán cụ thể, rõ ràng, chắc như đinh đóng cột những chuyện hiển nhiên của tạo hóa

+ Nói dựa, nói nước đôi

- Cách châm biếm, phên phán: dùng chính những lười lẽ của thầy bói để vạch trần bộ mặt lừa bịp, dối trá, gian xảo của hắn

Bài ca dao phê phán, châm biếm những kẻ hành nghề mê tín dị đoan lừa lọc người khác để kiếm tiền, cũng phê phán những người ít hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, tin vào những điều phản khoa học.

Bài 2 – Dàn ý mẫu số 2

"Số cô chẳng giàu thì nghèo

Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà

Số cô có mẹ có cha

Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông

Số cô có vợ có chồng,

Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai"

→ Bài ca dao là lời phán của một thầy bói dành cho cô gái:

- Nội dung xem bói rất đa dạng, đều là những vấn đề hệ trọng của cuộc sống mà ai cũng quan tâm:

Giàu nghèo

Xuất thân

Vợ chồng

Con cái

→ Thế nhưng, những lời phán của thầy lại mang tính nói dựa, nước đôi "chẳng - thì"

→ Những đáp án của thầy phán khó mà không đúng được - bởi đó là tất cả những khả năng có thể xảy ra trong cuộc sống:

Không giàu thì nghèo - đây là 2 trạng thái kinh tế cơ bản của mọi người

30 Tết thịt treo trong nhà - đây là một phong tục truyền thống của nước ta - dù giàu hay nghèo thì vào 30 Tết mọi người cũng cố mua một ít thịt để ăn

Có mẹ có cha - mọi người muốn được sinh ra đều phải có mẹ và có cha, đây là điều hiển nhiên

Sinh con chẳng gái thì trai - đây là 2 giới tính sinh học duy nhất có thể có

→ Như vậy, thầy phán rất hay, không thể sai được những cũng chẳng đúng được điều gì và không cung cấp được thông tin gì cho người đi xem bói cả.

→ Những điều thầy nói bất kì ai ngoài kia cũng có thể nói được

→ Bài ca dao đã nhại lại lời của ông thầy bói, dùng chiến thuật gậy ông đập lưng ông vô cùng thành công. Từ đó, bài ca dao thể hiện thái độ:

Chế giễu, mỉa mai những kẻ tự xưng là thầy bói - đó chỉ là một hình thức bịp bợm mà mọi người cần tránh.

Phê phán, lên án những kẻ lừa dối lòng tin của người khác để trục lợi cho mình

Cảnh tỉnh, mỉa mai những người thiếu hiểu biết, tin vào những lời lừa lọc của thầy bói.

Bài 3 – Dàn ý mẫu số 1

- Ý nghĩa tượng trưng của các con vật trong bài ca dao:

+ Con cò: người nông dân

+ Cà cuống: những kẻ có thế lực, tai to mặt lớn

+ Chim ri, chào mào: cai lệ, lính lệ

+ Chim chích: những anh mõ làng

Mỗi con vật tượng trưng cho một hạng người trong xã hội xưa, làm cho nội dung châm biếm, phê phán trở nên sâu sắc, kín đáo

- Khung cảnh đám ma như một đám rước hội, là dịp để mọi người đánh chén, tụ hội, chia chác om sòm

Cảnh tượng mang giá trị tố cáo

Bài ca phê phán thủ tục ma chay rườm rà, làm khổ thêm người nông dân trong xã hội cũ

Bài 3 – Dàn ý mẫu số 2

"Con cò chết rũ trên cây,

Cò con mở lịch xem ngày làm ma.

Cà cuống uống rượu la đà,

Chim ri ríu rít bò ra lấy phần.

Chào mào thì đánh trống quân,

Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao"

- Mỗi con vật trong bài ca dao tượng trưng cho một tầng lớp người trong xã hội xưa:

Con cò - tượng trưng thân phận người nông dân, lao động bình thường trong xã hội

Cà cuống - tượng trưng những kẻ có chức, có vị thế trong xã hội

Chim ri, chào mào - tượng trưng cho cai lệ, lính lệ - những tay sai của kẻ có chức, có quyền trong xã hội

Chim chích - tượng trưng cho anh mõ chuyên đi thông báo các thông tin trong làng

→ Thế giới các loài vật được dùng để truyền tải câu chuyện của thế giới con người - qua đó thể hiện thái độ của nhân dân một cách kín đáo. Các loài vật được nhân hóa, thể hiện các hành động giống như lớp người mà chúng tượng trưng:

Cò con - tìm ngày để làm đám tang cho người thân đã qua đời của mình → Thực hiện một tục lệ có từ xưa của nhân dân ta

Cà cuống - uống rượu la đà → Những kẻ có vai vế trong làng được mời đến đám ma ăn uống, chè chén say sưa

Chim ri - ríu rít bò ra lấy phần → Từ láy "ríu rít" thể hiện sự vui vẻ, phấn khởi của những kẻ đến đám ma vì được ăn uống thỏa thuê.

Chào mào - đánh trống quân → Đóng vai trò như một nhạc công tạo nên không khí rộn ràng, ồn ã, góp vui cho bữa tiệc

Chim chích - vác mõ đi rao → Là người đưa tin, thông báo cho mọi người đến cùng ăn uống, chè chén

→ Tất cả các thành phần đến dự đám ma của con cò đều khiến cảm giác như đây là một bữa tiệc vui mừng - khi không có ai tỏ ra đau xót, thương tiếc cho sự ra đi ấy cả

→ Mọi người đến với mục đích là ăn uống, chè chén, vui chơi nhộn nhịp chứ không phải là chia buồn với khổ chủ

Từ đó, bài ca dao đã lên án, phê phán, châm chọc một hủ tục của người dân ngày xưa (làm đám mà để "khao" cả làng ăn uống, nhậu nhẹt khi có người mất) - và cần phải xóa bỏ hủ tục này càng sớm càng tốt.

Bài 4 – Dàn ý mẫu số 1

- Hình ảnh “cậu cai”:

+ Nón dấu lông gà; bộc lộ quyền lực

+ Ngón tay đeo nhẫn: tính cách phô trương, thích khoe mẽ

+ Bộ dạng thảm hại của cậu cai khi phải thuê mượn quần áo

Bức chân dung biếm họa của cậu cai: lố lăng, kệch cỡm, thích phô trương, không có quyền lực nhưng luôn cố làm “ra dáng” để lwuaf bịp mọi người

- Nghệ thuật châm biếm đặc sắc:

+ Gọi “câu cai” với mục đích châm biếm, chế giễu những tên cai lệ không có quyền lực

+ Dùng kiểu câu nêu “định nghĩa”, cũng như vài nét phác họa mỉa mai cậu cai xuất hiện như kẻ lố lăng, khoe mẽ, thảm hại

+ Nghệ thuật phóng đại ba: năm được một chuyến sai >< sự thuê mượn những thứ xoàng xĩnh như áo ngắn, quần dài

Bài 4 – Dàn ý mẫu số 2

"Cậu cai nón dấu lông gà,

Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai.

Ba năm được một chuyến sai,

Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê"

- Cai lệ là một chức chỉ những tên tay sai của chính quyền Pháp thuộc ngày xưa → Chữ "cậu" ngày xưa dùng để gọi những vị thiếu gia, tú tài con nhà khá giả, có học hành, nay được đặt trước từ "cai" - một tên tay sai đã thể hiện thái độ mỉa mai, coi rẻ của người dân.

- Cậu cai ở đây cũng có những trang bị rất là oai phong, đường bệ để xứng với công việc của mình:

Nón dấu lông gà - chiếc mũ có dấu hiệu của người có vai vế, chức tước

Ngón tay đeo nhẫn - dấu hiệu của người có tiền của dư dả, đời sống giàu sang

- Thế nhưng một câu cai oai phong như thế lại:

"Ba năm được một chuyến sai" - gần như là thất nghiệp, không được trọng dụng, nhàn rỗi, không làm việc gì trong suốt 3 năm - nghệ thuật phóng đại, nói quá - làm bật lên sự bất tài, vô công rồi nghề của cậu cai.

"Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê" - sử dụng biện pháp nói quá để thể hiện sự thiếu thốn của cậu cai - đồng thời thể hiện thói thích khoe mẽ, ham hư vinh của cậu - khi mà cố vay mượn để chắp vá.

Bức chân dung biếm họa của cậu cai: lố lăng, kệch cỡm, thích phô trương, không có quyền lực nhưng luôn cố làm “ra dáng” để lừa bịp mọi người

Thể hiện thái độ phê phán hạng người không có gì (tài năng, của cải, quyền lực) nhưng thích thể hiện, khoe mẽ với thái độ kệch cỡm trong xã hội.

III. Kết bài

Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của “Những câu hát châm biếm”

+ Nội dung: phê phán thói hư tật xấu của những hạng người và sự việc đáng cười trong xã hội

+ Nghệ thuật: thể thơ lục bát, hình ảnh so sánh, ẩn dụ, tượng trưng, biện pháp nói ngược, phóng đại,…

b) Phân tích tác phẩm

Phân tích bài 1 – Bài văn mẫu số 1

Cái cò lặn lội bờ ao

Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?

Chú tôi hay tửu hay tăm

Hay nước chè đặc hay nằm ngủ trưa

Ngày thì ước những ngày mưa

Đêm thì ước những đêm thừa trống canh

Những câu hát châm biếm là sự biểu hiện khá tập trung những nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian. Nó thường sử dụng các hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng, các biện pháp nói ngược, phóng đại để lập ý nhằm phơi bày và phê phán những thói hư tật xấu như tham ăn, lười làm, hay ngủ, mải chơi… trong dân gian. Bài ca dao này là một bài ca phê phán người lười. Nó có cách đặt vấn để rất hay và độc đáo:

Cái cò lặn lội bờ ao

Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?

Hai câu đầu vừa là lời giới thiệu lại vừa giống một câu đưa đấy dẫn mối. Tác giả dân gian giới thiệu cô gái nọ, một cô gái xinh đẹp nết na (nghĩa ẩn dụ của yếm đào và chịu thương chịu khó (thân cò lặn lội). Nhưng không phải là chỉ lời giới không. Lời giới thiệu ấy hướng đến một cái đích khác (lấy chú tôi chăng). Lời dẫn mối ấy khiến người đọc và cả cô gái kia nữa phải tò mò, phải tìm hiểu ngay xem người chú là một trang nam tử ra sao? Và thế là lời ca dao lại tiếp tục rất tự nhiên và liền mạch:

Chú tôi hay tửu hay tăm

Hay nước chè đặc hay nằm ngủ trưa

Đọc đến đây người đọc đã thấy thật ngỡ ngàng. Hóa ra hai câu đầu không phải là lời dẫn mối. Nó chỉ là bước đệm cho cái ý định châm biếm mà thôi. Tưởng rằng người chú thế nào hóa ra lại là một anh rượu chè đủ cả, mà không chỉ nghiện rượu không, anh còn hay ngủ. Một cô gái thông minh chắc đã nhận ra một anh chồng mê rượu tăm, chè đặc và lại ham ngủ ngay giữa ban ngày thì anh chồng ấy chắc chắn chẳng bao giờ là một người đáng yêu đáng lấy.

Nhưng không chỉ thế, cái bản chất của anh còn được giới thiệu rõ hơn thêm:

Ngày thì ước những ngày mưa

Đêm thì ước những đêm thừa trống canh

Vậy là đã quá rõ rồi. Một anh mà cả ngày lần đêm đều cứ nghĩ, cứ ước đến chuyện ăn, chuyên ngủ thì chắc chắn là một anh lười đích thực và nhất quyết không thể chọn làm chồng cho được. Bài ca dao khép lại cũng chính là lời phủ định mạnh mẽ, sâu xa.

Có thể nói những câu hát châm biếm dân gian là những nụ cười dí dỏm. Nó không nhằm vùi dập đối tượng nhưng nó làm cho đối tượng phải xấu hổ mà tự thay đổi bản chất đi. Chính vì thế mà những câu hát châm biếm dân gian đã góp phần làm trong sạch xã hội con người.

Phân tích bài 1 – Bài văn mẫu số 2

Cái cò lặn lội bờ ao

Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?

Chú tôi hay tửu hay tăm,

Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa.

Ngày thì ước những ngày mưa.

Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.

Đây là lời của “cái cò lặn lội bờ ao” ướm hỏi “cô yếm đào” cho chú mình. Đó cũng là tiếng cười của người lao động chân chính dối với nhân vật “chú” lười biếng, nghiện ngập. Cái cò là một sự hóa thân của người nông dân để thuận tiện cho việc giải bày tâm tư. Cô yếm đào là người con gái đẹp đẽ, nết na. Lời mai mối tưởng chừng như là một tin mừng nhưng đọc xong bài ca dao lại thấy đó là lời mỉa mai, chua chát.

Hình ảnh người chú được tái hiện khá sinh động với 3 điều mà “chú” rất “hay”: hay tửu hay tăm (nghiện ngập), hay chè đặc (thích thảnh thơi), hay nằm ngủ trưa(lười biếng) và 2 điều ước: ngày thì ước mưa, đêm thì ước dài (thừa trống canh).

Ở đây, cái “hay” của chú lại cho ta thấy chú rất “dở”. Bởi vì, hay rượu, hay chè cũng có nghĩa là chú thường xuyên rượu chè be bét. Người nông dân vốn cần cù một nắng hai sương, chân lấm tay bùn quanh năm ấy vậy mà chú lại hay nằm ngủ trưa. Điều đó cho thấy chú ta rất lười biếng. Cái lười biếng là nguyên nhan dẫn đến sự nghèo khó:

“Giàu đâu những kẻ ngủ trưa

Sang đâu những kè say sưa tối ngày”

Cái ước muốn của chú cũng bất bình thường. Tưởng là chú ao ước những điều gì lớn lao có thể xoay chuyển cả vũ trụ, hoá ra lại là ước ngày mưa để khỏi phải đi làm, ước đêm dài thêm nữa để ngủ cho sướng. Toàn là những ước muốn hưởng thụ không muốn lao động. Đó là một lối sống thụ hưởng đáng trách.

Không cần phải nói cũng đủ biết, lời nói: “lấy chú tôi chăng?” đã được câu trả lời rồi. Người ta lấy chồng, cưới vợ thì lựa người hay lam hay làm, tính tình tốt đẹp. Chẳng ai đi lấy người lười biếng, mơ mộng viễn vong như chú tôi. Dân gian đã đặt nhân vật chú tôi bên canh hình ảnh cô yếm đào như một phép tương phản, ngầm ý mỉa mai, giễu cợt, phê phán những con người lười nhác nhưng lại đòi cao sang và khẳng định, đề cao giá trị của người lao động.

Bài ca dao còn có thể hiểu là lời tỏ tình mộc mạc, hóm hỉnh của người lao động. “Cái cò lặn lội bờ ao” là lời oán thán, trách móc của những người vợ có chồng nghiện ngập… Bài ca dao làm hiện rõ thân phận khổ đau, bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Họ có nhiều phẩm chất tốt đẹp nhưng chẳng bao giờ được lựa chọn trong tình yêu và hôn nhân. Họ sống trong những ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến và cam chịu số phận, chẳng thể nào làm thay đổi được.

Phân tích bài 2 – Bài văn mẫu số 1

Số cô chẳng giàu thì nghèo

Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà

Số cô có mẹ có cha

Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông

Số cô có vợ có chồng,

Sinh con đầu lòng, chẳng gái thì trai

Bài ca dao trên đây phê phán thói mê tín dị đoan của người nông dân trong xã hội xưa, họ không chịu lao động mà chỉ trông mong cái gì tốt đẹp xa vời. Đây là lời của thầy bói nói với một cô gái đi xem bói, châm biếm những người hành nghề mê tín dị đoan, lợi dụng lòng tin của những người nhẹ dạ dể lùa gạt. Người phụ nữ trong bài ca dao đi xem bói nhưng lại được "thầy" phán những điều tất nhiên mà bất cứ người nào cũng biết, hoàn cảnh sống không giàu thì chỉ có thể là nghèo, và dẫu có nghèo đến mấy thì ngày ba mươi tết cũng có thịt để treo trong nhà. Và câu trả lời mẹ cô đàn bà cha cô đàn ông khiến cho chúng ta phải bật cười, đây đều là những sự thật, quy luật của cuộc sống, những điều ai cũng biết thì đâu cần xem bói. Bài ca dao phê phán những thầy bói rởm, dùng những lời lẽ bịa đặt để ăn tiền, và châm biếm những con người thụ động, mê tín chỉ biết trông vào sự may mắn của số phận.

Những điều vốn thế, hiển nhiên thế chẳng cần phải tìm đến bói toán người ta cũng biết lại được thầy nói bằng cái vẻ nghiêm trang, nghiêm trọng. Lại nữa, bằng cách nói nước đôi theo kiểu chẳng thế này thì thế nọ. Chấn tướng của thầy càng rõ hơn. Bộ mặt thật của kẻ chuyên lừa bịp kiếm tiền bị vạch trần, bị phơi bày, bị lôi ra ánh sáng. Nhục nhã và xấu xa, hắn xứng đáng để người ta mỉa mai, bêu riếu. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, tác giả dân gian còn muốn phê phán những người mê tín đến mức lú lẫn, không phân biệt đâu là thực, là hư. Tìm đến lễ bái vu vơ, tiền mất mà tật mang, mua thêm nỗi lo lắng vào lòng. Bời thế tiếng cười lại đa sắc, đa diện và ý nghĩa của nó lại càng thấm thìa, sấu xa.

Cách châm biếm thú vị ở chỗ dùng "gậy ông đập lưng ông", dùng chính lời của thầy bói để vạch trần bản chất bản chất bịp bợm của y.

Người ta không giàu thì là nghèo; chúng ta được sinh ra là bởi có cha mẹ; mẹ ta hẳn là đàn bà, cha ta hẳn đàn ông; ai rồi cũng phải có vợ có chống; con cái không là con trai thì là con gái. Điều ấy là hiển nhiên, không còn phải đoán nữa. Lời thầy phán cứ trơn tuồn tuột, cái giọng của thầy cứ chắc chắn như là đinh đóng cột.

Kết cấu "chẳng.. thì.." tuôn ra ào ạt, tưởng như có thể nói dài bao nhiêu cũng dược. Người ta bật cười vì thầy phán toàn những điều hiển nhiên, toàn nói dựa nước đôi, lấp lửng. Bói như thế ai mà chẳng bói được? Ấy vậy mà vẫn có những kẻ cả tin, cứ gật gù cho lời thầy là phải, thầy thật là tài tình, biết được mệnh trời, thiên cơ thấu suốt.

Bài ca dao không chi chế giễu thầy bói mà còn phê phán cả những người mê tín vào những điều viễn vong, yếu đuối trước cuộc sống. Có ý nghĩa hơn trăm nghìn lời giải thích, bài ca dao xoáy vào sự mê muội của con người đã khiến cho những kẻ cơ hội móc túi tiền mình mà không hay.

Phân tích bài 2 – Bài văn mẫu số 2

Phân tích bài ca dao Số cô chẳng giàu thì nghèo…Số cô chẳng giàu thì nghèoNgày ba mươi Tết thịt treo trong nhà.Số cô có mẹ có chaMẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.Số cô có vợ có chồng,Sinh con đầu lòng, chẳng gái thì traĐây là lời của thầy bói nói với một cô gái đi xem bói. Bài ca dao châm biếm nhữngngười hành nghề mê tín dị đoan, lợi dụng lòng tin của những người nhẹ dạ dể lùa gạt.Cách châm biếm thú vị ở chỗ dùng “gậy ông đập lưng ông”, dùng chính lời của thầy bói để vạch trần bản chất bản chất bịp bợm của y.Người ta không giàu thì là nghèo; chúng ta được sinh ra là bởi có cha mẹ; mẹ ta hẳn là đàn bà, cha ta hẳn đàn ông; ai rồi cũng phải có vợ có chống; con cái không là con trai thì là con gái. Điều ấy là hiển nhiên, không còn phải đoán nữa. Lời thầy phán cứ trơn tuồn tuột, cái giọng của thầy cứ chắc chắn như là đinh đóng cột.Kết cấu “chẳng….thì…” tuôn ra ào ạt, tưởng như có thể nói dài bao nhiêu cũng dược. Người ta bật cười vì thầy phán toàn những điều hiển nhiên, toàn nói dựa nước đôi, lấp lửng. Bói như thế ai mà chẳng bói được? Ấy vậy mà vẫn có những kẻcả tin, cứ gật gù cho lời thầy là phải, thầy thật là tài tình, biết được mệnh trời, thiêncơ thấu suốt. Bài ca dao không chi chế giễu thầy bói mà còn phê phán cả những người mê tín vào những điều viễn vong, yếu đuối trước cuộc sống. Có ý nghĩa hơn trăm nghìn lời giải thích, bài ca dao xoáy vào sự mê muội của con người đã khiến cho những kẻ cơ hội móc túi tiền mình mà không hay.

Phân tích bài 3 – Bài văn mẫu số 1

Mượn hình ảnh con cò, bài ca dao này phản ánh, khắc hoạ cảnh tượng một đám ma ở nông thôn ngày xưa. Hình ảnh đám ma hiện lên sinh động, nhiều nghịch lý. Đọc bài ca dao mà cười ra nước mắt.

Con cò chết rũ trên cây,

Cò con mở lịch xem ngày làm ma.

“Chết rũ” tức là chết đã nhiều ngày, tử khí bốc lên. Ấy thế mà chưa được chôn cất tử tế. Hình ảnh về cái chết của con cò thật thảm thương! Vây mà “cò con” cứ phải dềnh dàng theo hủ tục ma chay: mở lịch chọn ngày làm ma cho đúng với thủ tục và quan niệm tang chế. Thế rồi, cái thủ tục lằng nhằng ấy cũng xông, đám tang diễn ra nhưng hết sức đau lòng:

Cà cuống uống rượu la đà,

Chim ri ríu rít bò ra lấy phần.

Chào mào thì đánh trống quân,

Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao.

Đó không phải là cảnh đám ma buồn thảm. Đó là ngày hội để lũ chim kiếm chác. “Cà cuống uống rượu la đà”, uống đến say ngất ngưởng, như thể đám ma là chốn vui chơi. “Chim ri ríu rít bò ra chia phần”, tranh ăn một cách vui vẻ, hào hứng. Chào mào thì đánh trống quân đệm nhịp cho bài hát rộn ràng, tưng bừng. Chim chích thì “cởi trần vác mõ đi rao”, điệu bộ thô thiển, loan báo ầm ĩ không có chút nào nghiêm trang, trịnh trọng.

Hình ảnh đám ma đã phản ánh những hủ tục ma chay trong làng quê xưa. Mỗi con vật là hình ảnh tượng trưng cho một hạng người trong xã hội làng quê xưa. Con cò và cò con là hình ảnh của gia đình nông dân xấu số. Cà cuống chính kẻ tai to mặt lớn, có vai vế trong làng (xã trường, lí trưởng, địa chủ, nhà giàu), lợi dụng đám tang mà hạch sách rồi ăn uống no say, chẳng nghĩ gì đến kẻ xấu số. Chim ri, chào mào là bọn cai lệ, lính lộ, tay sai cũng tận dụng thời cơ kiếm chác, hò hô theo bọn quan lại. Chim chích là những anh mõ làng, thông báo cáo phó mà cởi trần thô thiển, không còn thể thống gì, khiến cho đám tang của “con cò” trở thành một trò cười. Thật quá đau lòng.

Đám ma đối với chúng là dịp để vui vẻ, kiếm chác, phô trương ầm ĩ. Chúng không thèm đếm xỉa đến những mất mát, đau thương của tang gia. Những hủ tục tang ma đó đã gây phiền hà, tốn kém cho gia chủ, cho cả họ hàng, làng xóm. Đây là những hủ tục cần phải loại bỏ trong xã hội hiện nay.

Bài ca dao này gần với truyện ngụ ngôn, bởi nó nói chuyện con người thông qua chuyện loài vật, làm cho ý đồ châm biếm, phê phán xã hội trở nên kín đáo, sâu sắc hơn. Việc sử dụng rộng rãi biện pháp nhân hoá đã làm cho câu chuyện trờ nên sinh động hơn.

Phân tích bài 4 – Bài văn mẫu số 1

Cậu cai nón dấu lông gà,

Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai.

Ba năm được một chuyến sai,

Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê.

Bài ca dao đã tái hiện bức chân dung “cậu cai” (người làm chức cai) một cách hết sức sinh dộng và đáng cười:

Cách gọi “cậu” vừa ra vẻ tôn kính vừa chăm chọc, mát mẻ.

Trang phục đáng chú ý của cậu cai là cái nón dấu lông gà, ngón tay đeo nhẫn và kiểu câu định nghĩa “gọi là cậu cai” đã vẽ ra một cậu cai đầy vẻ oai phong rởm đời. Cái nón dấu lông gà là dấu hiệu nhận biết về “quyền lực” ít ỏi của cậu ta. Hình ảnh “ngón tay deo nhẫn” đã hé mở cho chúng ta thấy cái vẻ hợm của và trai lơ của tên cai lệ này.

Nhưng chưa hết, hình ảnh của cai lệ còn vô cùng thảm hại qua hai câu ca dao cuối: “Ba năm được một chuyến sai. Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê”. Thì ra cậu cai chẳng có mọt cái gì đán quý là của mình cả. Tất cả những gì của hắn mà người ta được biết đều là đồ mượn, là giả dối.

Với lối nói thậm xưng, câu ca dao đã lột trần chân tướng của tên cai lệ. Hắn thực chất chỉ là một tên tay sai hạng bét, dáng cười. Bài ca dao cũng kín đáo thể hiện lời tố cáo của dân gian đối với giai cấp thống trị đương thời. Sự giàu có và sang trọng của chúng không phải do chúng làm ra mà là đi cướp của người khác. Nạn nhân không ai khác chính là tầng lớp nông dân nghèo khó, cơ cực.

Phân tích bài 4 – Bài văn mẫu số 2

Trong số những đối tượng đả kích của ca dao châm biếm, những đối tượng mà đông đảo nhân dân lao động tiếp xúc luôn là những kẻ thừa hành, hoặc những kẻ tai to mặt lớn trong phạm vi một địa phương nhỏ là làng, xã: đó là các cậu cai, ông đội, là các ông xã, ông trùm...

Ngày xưa khi đi đường, nhất là khi có việc cần phải lên cửa quan người phụ nữ lao động rất sợ gặp phải các "cậu" thường hay nắm tay các cô gái mà buông lời ghẹo cợt, nhiều khi lại dùng chính ngay câu dân ca để ghẹo cợt:

"Gặp đây anh nắm cổ tay..."

Buộc phải tìm cách gỡ ra, cô gái có thể mềm mỏng mà nói:

"Cậu cai buông áo em ra,

Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa.

Chợ trưa rau nó héo đi,

Lấy gì nuôi mẹ, lấy gì nuôi con?"

Trong câu hát trên, hình ảnh "cậu" cai đã không ra gì rồi. Nhưng ca dao trào phúng còn đả kích sâu cay hơn nữa loại nhân vật đó. Một bài ca dao đã "định nghĩa" "cậu" cai một cách cay độc:

Ba năm được một chuyến sai,

Áo ngắn đi mượn quần dài đi thuê..."

Đầu đội nón lông gà chứng tỏ cậu là lính "tay sai" và chứng tỏ quyền hành của cậu. "Ngón tay đeo nhẫn" chứng tỏ tính cách trai lơ hay bắng nhắng, ngậu xị của cậu.

"Áo ngắn... quần dài" đi thuê, đi mượn vì ba năm mới có một chuyến sai. "Được chuyến sai" với cậu là dịp may và quyền hành, thân phận của cậu cũng chỉ có như thế. Thật là thảm hại cái cảnh "Áo ngắn đi mượn quần dài đi thuê"!

Với cái vỏ bề ngoài như thế, thực chất là sự khoe khoang để bịp người.

Bức biếm họa này thể hiện thái độ mỉa mai, khinh ghét và pha chút thương hại của người dân đối với cậu cai.

Trong ca dao châm biếm chúng ta cũng thấy có những yếu tố tục như truyện cười dân gian. Và cũng như trong truyện cười dân gian, yếu tố tục trong ca dao trào phúng không những chỉ là một phương tiện nghệ thuật, mà thường còn mang ý nghĩa xã hội: Đem ghép những cái rất tục vào những cái rất nghiêm của trật tự phong kiến, lễ giáo phong kiến, cũng là một trong những cách đấu tranh mạnh mẽ và có hiệu quả.