Bài văn tả cảnh lăng Bác Hồ 1
"Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác", câu hát cất lên khiến lòng người xao xuyến bồi hồi. Càng xúc động hơn nữa với những ai đã thực sự được đặt chân đến lăng Bác. Kết thúc cấp học Tiểu học, em đã may mắn được bố mẹ thưởng một chuyến đến thăm lăng Bác Hồ.
Từ xa nhìn về lăng, em đã nhìn thấy "thấp thoáng trong sương hàng tre bát ngát". Đó là những rặng tre ngà thân vàng óng được trồng phía nam và phía bắc của lăng. Hình ảnh hàng tre tượng trưng cho con người Việt Nam bất khuất, kiên cường. Dọc theo lối nhỏ đến gần lăng là những hàng cây vạn tuế rất lớn. Loài cây này được đặt cả phía trước và sau lăng, tất cả có bảy mươi chín cây tượng trưng cho bảy mươi chín năm tuổi thọ của Bác. Đến gần, em mới có dịp được ngắm lăng Bác kĩ hơn.
Lăng Bác là một khối nhà vững chãi gồm ba lớp. Lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp; lớp giữa là phân trung tâm của lăng, quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Trên đỉnh lăng là hàng chữ "Chủ tịch Hồ Chí Minh" ghép bằng đá ngọc màu đỏ thẫm. Trước lăng là quảng trường Ba Đình với một đường dành cho lễ diễu binh, duyệt binh, và một thảm cỏ dài rộng mênh mông xanh mượt được chia thành hàng trăm ô cỏ nhỏ vuông vắn. Trước mặt lăng là cột cờ, lá Quốc kỳ đỏ thắm với ngôi sao vàng đã được kéo lên đang tung bay trong gió.
Bước qua những bậc tam cấp, em đến gần cửa lăng. Cửa lăng làm từ các cây gỗ quý từ Tây Nguyên. Hai bên cửa là hai cây hoa đại cổ thụ nở hoa hồng thắm. Trước cửa lăng có hai chú lính gác mặc đồng phục màu trắng tinh, các chú đứng thật nghiêm trang không hề có một cử động nhỏ nào. Bước vào tiền sảnh lăng, em ngỡ ngàng ngắm thật kĩ dòng chữ "Không có gì quý hơn Độc lập Tự do" và chữ ký của Bác Hồ được dát bằng vàng.
Qua tiền sành là dãy cầu thang thấp dẫn vào phòng trung tâm, đó là nơi lưu giữ thi hài của Bác kính yêu. Bác được đặt trong hòm kính khung bằng gỗ quý có các hình điêu khắc hoa văn là các đám mây; hòm kính ấy được đặt trên một bục đá. Qua lớp kính trong suốt, em thấy Bác nằm bình yên, gương mặt tĩnh lặng. Bác vẫn mặc bộ quần áo kaki bạc màu, dưới chân có đặt một đôi dép cao su giản dị. Ánh sáng dìu dịu của chiếc đèn nê-ông tỏa ra khiến em ngỡ rằng đó là ánh sáng tỏa ra từ Bác. Bốn phía hòm có bốn người lính đứng trang nghiêm như gác cho giấc ngủ ngàn thu yên tĩnh của vị Cha già dân tộc.
Rời khỏi lăng Bác em vẫn không nguôi xúc động bồi hồi. Nghĩ đến hình ảnh Bác, em thầm hứa sẽ học tập tốt hơn để hàng năm được vào lăng viếng Bác, xứng đáng với những tình cảm lớn lao Bác dành cho thiếu nhi chúng em.
Bài văn tả cảnh lăng Bác Hồ hay nhất 2
Nhân dịp ra Hà Nội thăm ông bà, em được bố mẹ dẫn đến viếng lăng Bác Hồ ở Quảng trường Ba Đình lịch sử. Từ xa, em đã nhìn thấy vẻ uy nghi, hùng tráng của lăng Bác giữa quảng đất rộng bao la. Cây và hoa khắp miền đất nước vươn lên khỏe khoắn, reo vui trong làn gió mai đang tô điểm cho cảnh sắc nơi đây.
Em cùng bố mẹ theo đoàn người vào viếng lăng bằng cửa sau. Vừa bước lên thềm lăng, em đã nhìn thấy những cành đào Sơn La mang tên người chiến sĩ cách mạng Tô Hiệu vượt lên, đua sắc với nhành sứ đỏ thắm của đồng bằng Nam Bộ. Bên trái là những nhành mai tứ quý, mai vàng năm cánh miền Nam thành đồng tổ quốc, reo vui với mai Đông Mỹ của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Trên bậc tam cấp, hương thơm dìu dịu từ những khóm hoa nhài trắng mịn, hoa mộc, hoa ngâu kết chùm tỏa ra trong ánh nắng mai ấm áp. Kìa, bên phải gồm cổng vào, bên trong là những nhành hoa dạ lý hương chưa nở, điểm những nụ tươi.
Viếng xong khu vực sau lăng, em và bố mẹ theo đoàn người lần ra phía trước lăng. Hướng chính lăng, cạnh hàng dầu nước thẳng tắp, những đóa hoa lan đặc biệt của miền núi đã nở lứa đầu. Bên cạnh con đường từ chính lăng ra cổng lớn, những hàng cây chò nâu của đất tổ từ Vinh Phú được mang về trồng sóng đôi suốt dọc đường Hùng vương. Bước ra thềm lăng em bắt gặp mười tám cây vạn tuế tượng trưng cho hàng quân danh dự đang đứng trang nghiêm lặng lẽ trước đoàn người đến viếng lăng Bác.
Cây và hoa của non sông gấm vóc vẻ đây tụ hội, đâm chồi khoe sắc, thay lòng người dâng niềm tôn kính thiêng liêng dành cho Bác, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Bài văn tả cảnh lăng Bác hay nhất 3
Bác Hồ- vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của nhân dân, đất nước Việt Nam, mặc dù Người đã không còn nhưng trong trái tim của người dân Việt Nam thì Người vẫn sống mãi. Năm nay, nhà trường tổ chức cho chúng em đến thăm quan lăng Bác nằm tại quận Ba Đình ở thủ đô Hà Nội.
Lăng Bác chính là nơi cất giữ thi hài của vị Cha già của dân tộc. Hằng ngày, người dân từ khắp mọi miền tổ quốc, và có cả những vị khách nước ngoài nữa, đổ về đây rất đông để thắp nén nhang dâng lên Người.
Lăng Bác được bao quanh bởi hàng cây xanh. Cả mặt trước và mặt sau lăng đều có những cây vạn tuế, nghe cô giáo em nói rằng có bảy mươi chín cây vạn tuế, cũng là bảy mươi chín mùa xuân Người đã sống và cống hiến, giống như lúc sinh thời, Người đã sống và hòa hợp với thiên nhiên. Những hàng cây thẳng tắp, được cắt xén thật đẹp không chỉ khiến nơi đây thêm phần trang nghiêm mà còn khiến khách tham quan như được trở về với những năm tháng khi xưa của Người. Rồi cùng với đoàn người, chúng em nghiêm trang xếp hàng tiến dần hơn vào lăng. Ở đó có dòng chứ "Chủ tịch Hồ Chí Minh" màu đỏ thật nổi bật. Tại lối đi vào, có tấm thảm được trải rất dài và có cả những chú bộ đội nghiêm trang đứng gác như canh giấc ngủ bình yên cho Người. Từng người, không ai bảo ai đều yên lặng giữ trật tự, xếp thành hàng dần tiến vào sâu hơn. Sau đó, chúng em đến trung tâm lăng. Nơi ấy có thi hài của Người, xung quanh vẫn là những chú bộ đội đứng nghiêm trang. Người như đang say giấc ngàn thu sau một đời bôn ba vì dân, vì nước. Nét mặt mọi người xung quanh ai cũng ẩn chưa một nỗi buồn man mác. Sau khi đi một vòng, đoàn người sẽ trở ra. Và cứ như thế, từng đoàn người lại xếp hàng vào viếng thăm Người.
Rời lăng Bác trở về mà lòng em vẫn mãi nghĩ về Bác kính yêu. Vì vậy, em sẽ cố gắng học tập thật tốt, trở thành một công dân tốt để góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng đất nước trong thời kì đổi mới, cũng là để cảm ơn Người và thế hệ đi trước đã cho chúng em sống trong bầu trời hòa bình, ấm no.
Bài văn tả cảnh lăng Bác cực hay 4
Vì chăm ngoan và học giỏi, lớp chúng tôi đã được các bác phụ huynh cho đi thăm lăng Bác Hồ. Ở đó, tôi có những trải nghiệm và hiểu biết thêm về lăng Hồ Chủ tịch.
Lăng Bác nhìn từ xa như một ngôi nhà hiện ra thấp thoáng sau hàng tre ngà. Những cây tre vươn cao, rì rào trong gió như bài hát của cỏ cây, thiên nhiên đưa Bác vào giấc ngủ ngàn thu một cách nhẹ nhàng, bình yên. Thân tre vươn cao, mọc thành từng khóm như con người Việt Nam luôn vượt khó, đoàn kết và yêu thương nhau luôn ở bên và dõi theo Bác.
Tiến vào phía trong chính là nơi Bác yên nghỉ. Các cô chú hướng dẫn viên nói rằng nơi đây được khởi công vào ngày 2/9/1973 và hoàn thành vào ngày 19/8/1975, để lưu giữ thi hài Hồ Chủ Tịch. Mỗi ngày có hàng trăm người xếp hàng để được vào thăm viếng Bác. Chúng em cũng xếp hàng rất nghiêm túc. Mọi người rất vui, hào hứng nhưng không ồn ảo vì trật tự chung.
Có nhiều lối đi vào lăng Bác nhưng những người tham quan chỉ được vào bằng lối chính của lăng, hướng về phía đông là Quảng trường Ba Đình. Lăng gồm có ba lớp với chiều cao 21,6m. Lớp dưới có kết cấu bậc nhiều cấp, có lễ đài dành cho đoàn chủ tịch vào những ngày có sự kiện lớn như lễ Quốc Khánh hay các ngày kỉ niệm. Phần giữa là kết cấu trung tâm của lăng bao gồm phòng thi hài, hành lang và cầu thang lên xuống. Phần trên là mái lăng được cách điệu hình giống hình bông sen nở. Trước mặt chính lăng có dòng chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đá hồng ngọc màu mận chín.
Bước đến bậc tam cấp, chúng em tiến tới cửa lăng. Cửa lăng có màu gỗ nâu, bên là những chiếc vòn hoa nghiêm trang thay cho tấm lòng của con dân Việt Nam gửi đến Bác. Dọc lối đi vào là những chú công an mặc bộ đồng phục màu trắng rất nghiêm trang và anh dũng. Một cảm giác lạ trong em trước khoảnh khắc thiêng liêng được gặp người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Cuối cùng, sau bao nhiêu lâu chờ đợi em đã được thấy Bác. Ở đây lạnh và tối, khác hẳn với buổi sáng nóng nực ở ngoài kia. Dưới ánh sáng mờ nhạt, Bác hiện ra trong lồng kính được làm bằng gỗ với các nét vẽ, điêu khắc rất tinh vi. Vẫn hình ảnh Bác giản dị như trong những bài học trên lớp: bộ quần áo ka ki màu bạc với đôi dép cao su đi dưới chân. Gương mặt Bác trắng, tỏa ra sự bình yên, miệng như đang nở nụ cười. Những người vào thăm lần lượt đi thành hàng vòng tròn, nếu không biết thì đã nghĩ Bác đang ngủ. Một giấc ngủ bình yên và nhẹ nhõm sau những tháng ngày sống vì Tổ quốc. Bốn người lính đứng nghiêm trang nới bốn góc như hình ảnh người con canh cho cha được giấc ngủ bình yên.
Bước ra từ lăng Bác, mọi người ai cũng lặng lẽ, cúi đầu. Một phần do xúc động bởi được gặp Bác, được ngắm người lãnh tụ vị đại; đó cũng là sự nghẹn ngào biết ơn của ngươi con dành cho người cha nơi chín suối. Bác ơi! Bác sẽ luôn ở bên chúng cháu, là tấm gương để chúng cháu noi theo.
Bài văn tả cảnh lăng Bác hay nhất hay nhất 5
Hè này em được bố mẹ cho lên thăm lăng Bác, trong lòng dâng lên niềm háo hức và vui sướng. Em đã xem nhiều thước phim về Bác, nghe nhiều người tả về lăng Bác nhưng đây mới là lần đầu tiên em được trực tiếp đến thăm nơi đây. Điều ấn tượng nhất với em từ cảm nhận đầu tiên là cái nắng gay gắt của mùa hè không thể ngăn cản được tình cảm, và sự kính yêu của mỗi người dân dành cho Bác, đoàn người cứ thế mỗi lúc một kéo dài thêm như vòng hoa lớn dâng lên Người. Quảng Trường Ba Đình rộng lớn càng làm cho lăng Bác trở nên uy nghiêm hơn. Đến gần mới thấy kĩ được hai bên lăng là hàng cây vạn tuế, cùng với bao loài hoa đủ hương đủ sắc hội tụ từ mọi miền đất nước về đây. Đứng song song với hàng cây là những người lính mặc áo trắng đứng trang nghiêm, gác súng trên vai ngày đêm bảo vệ lăng Bác. Lăng Bác là một tòa nhà to và đầy uy nghi. Bước lên trên mấy bậc thềm là đến nơi để lư hương nơi thắp hương tưởng niệm và đặt những vòng hoa của khách thập phương về đây viếng thăm. Mái lăng hình tam cấp, trước cửa lăng là những cột vuông bằng đá hoa cương sáng đẹp và vững chãi. BưỚc qua cánh cửa to bằng làm bằng gỗ quý, là vào đến trong lăng. Đi qua những bậc cầu thang là vào đến nơi Bác nằm. Bác nằm trong một hòm kính trog suốt được đặt trên thềm đá. Phía trong ấy là người lãnh tụ muôn vàn kính yêu, chòn râu dài, gương mặt phúc hậu, hiền từ. Xung quanh nơi Bác nằm lại là những người lính áo trăng cầm súng canh cho giấc ngủ của Người. Cùng đoàn người đi một vòng trên bậc cầu thang xung quanh hòm kính ấy, em cảm thấy một niềm thiêng liêng dâng lên trong tâm hồn, khoảnh khắc ấy, Bác đã đi xa mà bỗng thật gần gũi. Rời khỏi lăng Bác, lòng em không khỏi xúc động bồi hồi. Em nghĩ về những quãng đường lịch sử, nghĩ về những vĩ nhân, những tấm gương sáng của dân tộc. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để đúng với nguyện ước của Người khi ra đi.
Bài văn tả cảnh lăng Bác hay nhất 6
Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là lí tưởng, là động lực phấn đấu của thế hệ măng non chúng em. Và ngày hôm nay, em đã có dịp được đến thăm lăng Bác, được chứng kiến toàn bộ không gian nơi đây em lại càng thêm ngỡ ngàng. Lăng Bác uy nghi, sừng sững giữa hai bên là những hàng tre xanh. Những hàng tre ấy như là sự đại diện của tâm hồn dân tộc Việt Nam, thanh cao và luôn vững vàng qua mọi bão tố, là hình ảnh của những chiến sĩ Việt Nam kiên cường bất khuất, bảo vệ cho sự bình yên của nước nhà. Bốn bề là tre xanh như sự bảo vệ, sự thành kính mà người con Việt Nam dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc. Lăng Bác nằm ở chính giữa, để đi vào chúng ta cần đi qua sự kiểm tra kĩ càng của những người lính áo trắng xếp hàng thẳng tắp từ tận ngoài cổng và đến trong lăng. Để vào được lăng Bác, chúng em phải xếp hàng từ rất sớm, nhìn đoàn người vào lăng viếng bác giống như đó là sự trân trọng, kính yêu vô ngần của dân tộc dành cho Người. Lăng Bác gồm có ba tầng cấu trúc. Tầng dưới cùng là bậc thềm được lát đá trơn nhẵn, luôn được quét dọn kĩ càng, lớp giữa là khu trung tâm, được dựng bốn xung quanh là những cột đá hoa cương rất vững vàng và tầng trên cùng là mái lăng đi kèm dòng chữ ‘ Chủ Tịch Hồ Chí Minh’. Khi đi vào bên trong, chúng em bước đi trong sự trang nghiêm, Bác được đặt trong hòm kính, vẫn là bộ quần áo đã sờn màu ấy, vẫn là sự giản dị, thanh cao của một người đã hết lòng vì đất nước. Xung quang là ánh đèn vàng dịu tỏa sáng quanh thân bác, như ánh sáng từ vầng trăng trong thơ của Bác, như ánh sáng hào quang từ Người tỏa ra. Bốn phía là bốn người lính nghiêm trang canh giữ cho giấc ngủ của người. Ra khỏi lăng, em vẫn chưa thoát khỏi xúc cảm bồi hồi, xao xuyến, ngoảnh đầu nhìn lại quảng trường Ba Đình lộng gió, em thầm tự nhủ sẽ cố gắng học tập, phấn đấu để trở thành con ngoan trò giỏi, xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ.
Bài văn tả cảnh lăng Bác hay nhất 7
Ao ước lớn nhất của em chính là được có dịp đi thăm lăng Bác. Hè vừa rồi để thưởng cho kết quả học tập tốt của em, bố mẹ đã dẫn em đi thăm quan lăng Bác. Chao ôi! Lăng Bác mới đẹp và trang trọng làm sao!
Nhìn từ xa lăng bác như một khuôn viên nhỏ toát lên sự thiêng liêng, cao quý và đầy niềm kính trọng. Đầu tiên là một chiếc cổng vào rất to, sau khi xếp hàng vào trong, em đi qua những thảm cỏ xanh mượt vẫn còn dẫm sương mai, những bông hoa đủ màu sắc rực rỡ lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Đi thêm một đoạn nữa là đến lăng Bác, bên ngoài lăng có dòng chữ to, in đậm : “ Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh”. Bước vào bên trong, tất cả đều được sử dụng một màu đèn là màu vàng nhạt tạo nên cảm giác thiêng liêng và cao quý. Nhẹ nhàng đi qua nơi Bác an nghi, gương mặt Bác toát lên nét hồng hào, an xuôi, em có cảm giác như mình vừa được nhìn thấy ông tiên trong cuộc đời mình vậy . Sau đó em được các chú cảnh vệ dẫn đến nhà sàn năm xưa Bác ở, nhà sàn có kiến trúc rát giản dị, mộc mạc những lại rất đẹp và tinh tế. Bên cạnh ngôi nhà giản dị ấy là một hồ cá và những bông hoa cúc vàng tươi rạo rực đón ngày mới.
Em rất vui vì đã có dịp được đi thăm quan lăng Bác, chuyến đi này đã để lại trong em rất nhiều kỉ niệm đẹp. Em sẽ cố gắng học thật giỏi và nghe lời bố mẹ, sau này trở thành một người tốt, một công dân tốt để góp một phần công sức nhỏ bé dựng xây nước nhà lớn mạnh hơn.
Bài văn tả cảnh lăng Bác hay nhất 8
“Tháng chín lại về nhớ Bác thôi !
Mùa thu năm ấy Bác xa rồi !
Chim muông ngơ ngác ngừng tiếng hót!
Trời buồn ứa lệ nước tuôn rơi !”
Những câu thơ gây xúc động mạnh mẽ tới người đọc về người cha già, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Trước đây, em chỉ được ngắm nhìn Bác qua những bức ảnh chân dung, thế nên khi được bố mẹ cho đi thăm lăng Bác, em đã rất vui sướng và thích thú.
Quan sát từ xa, lăng Bác đứng hiên ngang, trang nghiêm với phông nền là bầu trời xanh thăm thẳm. Xung quanh lăng được bao bọc bởi những khu vườn nơi hơn 250 loài thực vật được trồng từ khắp mọi miền của Việt Nam. Phía nam và phía bắc là hàng cây tre xanh, vươn cao trước gió. Tre được trồng như tượng trưng cho con người Việt Nam kiên cường, chịu thương chịu khó, em tưởng tượng đó như những người chiến sĩ Việt Nam áo xanh đứng canh gác quanh lăng Bác, hay cũng như là những người dân thương mến luôn dành tình cảm biết ơn vô bờ kính dâng Bác. Dọc theo con đường vào lăng, là bảy mươi chín cây vạn tuế tượng trưng cho bảy mươi chín mùa xuân cuộc đời Bác. Bên ngoài lăng được ốp bằng đá xám, đỏ đã được đánh bóng. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Ở mặt chính có dòng chữ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh" bằng đá hồng màu mận chín.
Vào khuôn viên của lăng, con người được đắm mình trong sự bình yên, thoải mái, trong lành của thiên nhiên. Hàng người dần dần tiến sâu vào phía trong. Tiền sảnh có dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và chữ kí của Người. Hai bên cửa chính là hai cây hoa đại. Trước cửa lăng luôn có hai người lính canh gác thay nhau luân phiên trực. Đi qua sảnh là một cầu thang thấp dẫn vào nơi Bác yên nghỉ. Thi hài Bác được đặt trong hòm kính bằng gỗ quý, hình ảnh Người luôn gắn liền với bộ quần áo ka ki bạc màu, dưới chân có đặt một đôi dép cao su. Đó là hình ảnh giản dị, gần gũi với người dân mà cả cuộc đời Bác gắn bó.
Thời gian thăm lăng có hạn nhưng những cảm xúc rất khẽ vẫn cứ mãi gợn trong lòng em, nhẹ nhàng mà chân thật không nguôi. Nhìn ảnh Bác cười hiền hậu như vậy, em mong muốn cho đất nước ta ngày càng thịnh vượng, phát triển hơn.
Bài văn tả cảnh lăng Bác hay nhất 9
Đất nước có được ngày độc lập hòa bình như hôm nay tất cả là nhờ có máu, mồ hôi, nước mắt của biết bào người chiến sĩ bộ đội đã hi sinh vì tổ quốc. Và đứng sau thành quả lớn lao vĩ đại của dân tọc chính là vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh, người đã ra đi nhưng không hề tan vào cát bụi mà người vẫn ở đó, với giấc ngủ yên bình trong lăng chủ tịch. Em và mẹ chỉ cần khi nào rảnh rỗi là sẽ đến thăm lăng Bác.
Lăng Bác không chỉ là quần thể kiến trúc xây để tưởng nhớ Bác mà cũng là để tưởng nhớ về cả dân tộc quần lao kiên cường, bằng chứng là dù mới đi từ xa, ta đã có thể thấy những khóm tre xanh mướt đứng thẳng tắp kiên cường bất khuất ngay lỗi vào lăng. Tiến vào, em được dặt trên quảng trường Ba Đình lịch sử của dân tộc, nơi này ngày 2/9/1945 đã đánh dấu thời khắc thiêng liêng cuả cả nước, và bây giờ quảng trường năm nào đã khang trang hơn với 240 ô cỏ xanh mướt thấm đẫm sương đêm gây ấn tượng với tất cả người đến thăm. Lăng Bác hướng về phía đông, xung quanh là 79 cây vạn tuế tượng trưng cho 79 mùa xuân cống hiến trọn vẹn cho đất nước của Bác, vào buổi sán khi anh mặt trời chiếu rọi trông thật uy nghi. Lăng gồm hai tầng, tầng phía dưới được thiết kế nhiều bậc cấp, cũng là người đó dòng người vào viếng, tầng hai có cột đỡ bằng đã vững chãi, phía trên là dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng đá hồng ngọc. Mái lăng được thiết kế như hình hoa sen nở, quốc hoa của Việt Nam, có thể nói từng góc cạnh nhỏ của lăng đều mang hơi thở tự hào của đất nước. Nhìn bên ngoài ta đã thấy vẻ trang nghiêm nhưng đến lúc vào trong lăng, chúng ta mới cảm nhận được không gian dành sự kính trọng tuyệt đối dành cho Bác. Phòng lăng được bao phủ bởi màu đỏ như nhung, ánh đèn điện sáng lóa, Bác nằm đó, yên bình như đang trong một giấc ngủ sâu mà cả đời chưa từng được trải qua vì lo nghĩ việc nước, em ngắm nhìn khuôn mặt Bác, vẫn phúc hậu và hiền từ chưa bao giờ thay đổi. Phòng lăng yên tĩnh vô cùng, chỉ có tiếng bước chân chầm chậm và đôi khi là tiếng nức nở khe khẽ, ai cũng thương, cũng kính trọng Bác…
Dù đã thăm lăng Bác nhiều lần nhưng mỗi khi rời khỏi lăng, lòng em đều bồi hồi và dâng lên niềm tiếc thương vô hạn, Bác ra đi song vẫn sẽ sống mãi trong lòng dân tộc.
Bài văn tả cảnh lăng Bác hay nhất 10
Dịp hè vừa rồi, em được ba mẹ đưa về quê chơi. Quê em là một huyện lị ngoại ô Hà Nội nên sẵn dịp này, cả nhà lên Hà Nội chơi một chuyến. Ấn tượng sâu sắc nhất với em chính là khi đến thăm lăng Bác.
Đặt chân lên quảng trường Ba Đình, em choáng ngợp bởi khoảng sân rộng với các ô cỏ xanh mướt còn đọng sương đêm. Cả khoảng sân cỏ rộng rãi được chia thành vô số ô vuông nhỏ như hình bàn cờ tướng, mà người vào lăng vào giờ hành chính không nhiều nên hệt như các quân cờ đang di chuyển. Đi qua quảng trường, em có thể thấy rõ tòa nhà vững chãi xây bằng đá. Mẹ cầm tay em và nói đã đến lăng Bác rồi. Chà, lăng Bác mới thật uy nghiêm làm sao! Kiến trúc được xây từ đá cẩm thạch toát lên vẻ cao quý mà vẫn giản dị.
Trên tầng cao nhất, em thấy dòng chữ đỏ “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH” được khắc tỉ mỉ. Bên ngoài lăng, biết bao loài hoa thơm từ khắp đất nước đua nhau khoe sắc, tỏa hương thơm dịu nhẹ. Em còn thấy có rất nhiều bồn cây vạn tuế đặt trước và sau lăng. Theo đoàn người vào trong lăng, em thấy Bác được đặt nằm trong quan tài bằng thủy tinh. Nhìn Bác vẫn hồng hào, hiền từ như khi đang ngủ. Em thấy cổ họng nghèn nghẹn, xúc động ngắm nhìn Người.
Chỉ được ngắm Bác một lát, em phải theo đoàn người quay ra ngoài lăng. Tuy chỉ có vài phút ngắn ngủi, em cảm thấy mình đã lớn hơn một chút. Em tự hứa sẽ học thật giỏi và ngoan ngoãn hơn nữa để không phụ công lao của Bác.
Bài văn tả cảnh lăng Bác hay nhất 11
Em sinh ra và lớn lên ở miền Trung, là người con của xứ Nghệ quê Bác. Từ bé, cũng như bao bạn bè khác, em đã được biết đến Bác là người cha vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, nhân dịp ra Hà Nội chơi, em xin mẹ đưa đi thăm lăng Bác.
Từ xa, em đã thấy loáng thoáng rặng tre xanh thẳng tắp tạo thành hàng lũy che chắn ngay lối vào lăng. Trong gió mùa thu, lá tre lao xao như đang hát vang bài ca mừng chiến thắng. Đi qua rặng tre là quảng trường Ba Đình lịch sử. Đây là nơi đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử mà em vẫn thấy trong sách, nay đã được tận mắt chiêm ngưỡng. Dọc theo quảng trường là hàng cỏ xanh tươi được cắt tỉa cẩn thận, chia thành các ô vuông đều tăm tắp dẫn lối. Quanh lăng Bác trồng rất nhiều hoa, đặc biệt còn có 79 chậu vạn tuế tượng trưng cho 79 năm tuổi thọ của Bác nữa.
Vào trong lăng, em được nhìn kỹ hơn sự uy nghi và thiêng liêng của nơi đây. Từng cột đá to lớn trụ đỡ cho tòa nhà 3 lầu. Thi hài Bác được đặt ở tầng trên, em theo mẹ đi dọc cầu thang bằng cẩm thạch đến tận nơi thăm Bác. Trong quan tài bằng thủy tinh được điêu khắc viền gỗ tinh xảo, Bác nằm yên như đang ngủ. Đôi mắt sáng quắc đã khép lại, nhưng gương mặt hiền từ, chòm râu trắng vẫn chân thật như khi Bác còn sống. Bên cạnh Bác có rất nhiều chú cảnh vệ mặc đồng phục trắng nghiêm chỉnh đứng canh cho Bác yên giấc ngàn thu.
Được tận mắt trông thấy Bác khiến em rưng rưng nước mắt, dù đã rời lăng nhưng lòng em vẫn văng vẳng lời bài hát về Người. Nhờ có Bác, chúng em mới có được cuộc sống độc lập tự do ngày hôm nay, vì vậy em sẽ cố gắng trở thành người có ích để không phụ lòng cha anh.
Bài văn tả cảnh lăng Bác hay nhất 12
Mùa hè năm ngoái em được bố mẹ cho tới thăm lăng Bác, một nơi mà em đã luôn ao ước được đến. Bố mẹ biết điều đó nên tranh thủ lúc rảnh đã đưa em đi.
Lăng Bác nằm ở trung tâm của thủ đô Hà Nội và có một khuôn viên rất rộng. Em chưa từng thấy một nơi nào tĩnh lặng như ở đây. Tất cả mọi người đến với lăng Bác đều phải xếp hàng để chờ tới lượt mình được vào bên trong. Ai nấy đều ăn mặc lịch sự và có thái độ nhã nhặn. Hoàn toàn không có sự ồn ào và chen lấn. Đứng từ phía xa nhìn lại em đã thấy hàng tre xanh như trong những vần thơ, những bài hát mà em đã biết như bài Tre ngà bên lăng Bác. Em cùng với dòng người nhẹ bước đi vào phía trong lăng Bác. Ở bên trong lăng không rộng nhưng đủ thoáng và đặc biệt yên tĩnh. Bác đang nằm ở vị trí trung tâm, nhìn Bác như đang ngủ, một giấc ngủ nghìn thu. Bên trong quan tài nơi Bác yên nghỉ có nhiều ánh đèn chiếu sáng giúp em có thể nhìn Bác được rõ hơn. Em đi ra phía ngoài lăng Bác, dạo bước ngắm nhìn khung cảnh xung quanh trước khi ra về. Phía trước lăng Bác vẫn là cột cờ, sáng sáng nơi này vẫn diễn ra nghi thức chào cờ mà em vẫn được xem trên tivi.
Em rất thích vẻ tĩnh lặng của nơi đây và hi vọng rằng một ngày nào đó sẽ được quay lại đây.
Bài văn tả cảnh lăng Bác hay nhất – Bài văn mẫu số 13
Hà Nội có rất nhiều cảnh đẹp. Nhưng mình không thể kể hết cho các bạn nghe trong một thời gian ngắn được. Hôm nay, mình chỉ kể cho các bạn nghe về một cảnh đẹp của Hà Nội thôi nhé.
Cùng ba má ra thăm Hà Nội, mình thật háo hức. Ngay ngày đầu tới Hà Nội, mình đã được ba má cho đi viếng lăng Bác. Trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, lăng Bác uy nghi mà gần gũi làm sao. Ngay phía trước lăng là những ô cỏ vuông vức xanh mượt trông như một bàn cờ. Cây và hoa khắp miền đất nước về đây tụ hội, đâm chồi, phô sắc, tỏa ngát hương thơm. Ngay thềm lăng, những cây vạn tuế đứng trang nghiêm. Hướng chính lăng, cạnh hàng dầu nước thẳng tắp, những đóa hoa ban nở trắng cành. Sau lăng, là những cành đào Sơn La đứng bên những hàng sứ đỏ như hòa quyện vào nhau rất đẹp. Trên thềm lăng, hoa nhài, hoa mộc, hoa ngâu, … đang tỏa hương ngào ngạt. Đoàn người vào lăng viếng Bác cứ dài, cứ dài mãi. Được nhìn Bác từ một khoảng cách rất gần, tất cả mọi người không ai cầm được nước mắt. Bác nằm đẹp như một ông tiên trong câu chuyện cổ tích. Mình đã khóc. Nước mắt dàn dụa. Ra khỏi lăng rồi mà mình vẫn còn nức nở.
Đi thăm thêm nhiều cảnh đẹp nữa, nhưng cảnh đẹp ở lăng Bác đã để lại trong mình ấn tượng sâu sắc nhất đấy các bạn ạ.
Bài văn tả cảnh lăng Bác hay nhất 14
Thế là năm học 2019-2020 đã kết thúc, một năm học mà tôi đã ra sức phấn đấu để đạt được kết quả học tập tốt nhất. Thật bất ngờ, cuối năm học cô Hiệu trưởng nhà trường thông báo: Tất cả những học sinh đạt danh hiệu Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện được nhà trường tổ chức đi thăm lăng Bác.
Nhận được tin ấy, chúng tôi đứa nào cũng háo hức chờ đợi ngày được về thủ đô, được vào lăng viếng Bác và báo công với Bác. Thế rồi ngày đó cũng đã đến.
Hôm đó, tôi dậy từ sáng sớm, cũng không cần phải chờ mẹ gọi như mọi khi, trong tôi có một cảm giác rất lạ hối thúc khiến tôi tự nhắc nhở mình: hãy khẩn trương! Tôi bước ra cửa, bầu trời của buổi sớm mùa hè như được đẩy cao lên, trong xanh vòi vọi. Một làn gió mát rượi từ trên cao thổi tới mang theo hương cau man mác. Mấy chú chim ríu rít hót vang chào buổi sáng. Tôi xúng xính trong bộ quần áo đồng phục của nhà trường. Tôi nhảy chân ba chân sáo. Bố nhìn tôi âu yếm và dặn tôi đủ điều. Lúc đó tôi chỉ muốn chạy nhanh đến trường.
Đồng hành cùng tôi trong chuyến đi này là mẹ vì hôm đó bố tôi bận. Các bạn tôi bạn nào cũng có bố hoặc mẹ đi cùng. Chúng tôi vui như chưa bao giờ được vui đến thế. Các thầy, cô giáo của tôi hôm nay cũng đẹp lạ thường. Các cô giáo duyên dáng trong bộ áo dài truyền thống. Các thầy chỉnh tề với chiếc áo trắng sơ vin thắt caravat. Đúng 6 giờ đoàn xe chúng tôi khởi hành thẳng tiến tới thủ đô thân yêu! Con đường đối với chúng tôi vô cùng lạ lẫm. Chúng tôi nghiêng ngó nhìn ra ngoài cửa kính để ngắm những dãy phố sang trọng, những tòa nhà cao tầng tới ngút tầm mắt. Anh hướng dẫn viên bắt nhịp cho chúng tôi hát vang những bài ca về Bác Hồ kính yêu. Những bài ca ấy ở trường chúng tôi vẫn hát nhưng hôm nay tôi thấy như hay hơn, sâu lắng và đằm thắm hơn.
Con đường tuy xa nhưng lại hóa gần. Chả mấy chốc chúng tôi đã đến khu vực lăng Bác. Mở ra trước mắt tôi là một không gian mênh mông rộng lớn nằm giữa lòng thủ đô. Tôi hồi hộp, tim tôi đập nhanh hơn, háo hức chờ đợi. Chúng tôi đi theo hàng nối tiếp giữa biển người đang xếp hàng vào lăng viếng Bác. Đường đi bộ vào lăng Bác khá dài, trời lại nắng nhưng dù có phải chờ đợi lâu đến đâu, chúng tôi vẫn trật tự, im lặng … Và tôi hiểu rằng tôi cũng như các bạn của mình lúc này đây đều rất đỗi tự hào vì mình là những đại diện tiêu biểu thay mặt cho các bạn học sinh toàn trường về đây để báo công và tỏ lòng biết ơn tới Bác.
Giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, lăng Bác uy nghi mà gần gũi. Phía trước Lăng là dòng chữ “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH”. Trước thềm lăng là hai cây đại to, nở hoa vàng rực, những chậu hoa rực rỡ sắc màu, hương thơm man mác thoảng theo làn gió càng khiến cho không gian nơi này thêm trong lành, thanh tịnh. Tôi nhớ lại bài học của tôi “…Hoa ở đâu từ khắp miền đất nước về đây tụ hội đâm chồi và tỏa ngát hương thơm. Ngay thềm lăng mười tám cây vạn tuế tượng trưng cho một đoàn quân danh dự đứng trang nghiêm…”. Tôi nhẩm đếm: 1,2,3,… Quả đúng như lời nhà văn viết, mỗi cây ở đây đều có lịch sử của nó, nó tượng trưng cho mỗi vùng đất, mỗi miền quê, nó là kết tinh tình yêu của mỗi con người trên khắp dải đất hình chữ “S” thân yêu này.
Sau một chặng đường dài, cả đoàn đã vào tới lăng Bác. Không khí trong Lăng mát dịu, tĩnh lặng và trang nghiêm. Dòng người nhẹ nhàng di chuyển, mắt hướng về nơi Bác đang yên nghỉ. Bác nằm đó, an lành trong giấc ngủ, nét mặt rạng ngời. Tim tôi như nghẹn lại, bước chân như cố níu chậm hơn để được nhìn ngắm Bác lâu hơn… Hàng người vẫn đi chậm rãi, ngay ngắn … Có lẽ dù là những con người khác nhau đến từ những vùng miền, đất nước khác nhau nhưng tất cả đều mang một cảm xúc giống nhau, đó là lòng thành kính, sự xúc động và bồi hồi khó tả…
Ra khỏi Lăng, các anh chị hướng dẫn viên dẫn chúng tôi đi thăm quan Phủ Chủ tịch, nhà sàn, ao cá Bác Hồ, nhà Bảo tàng, được nhìn tận mắt từng dụng cụ sinh hoạt của Bác thường ngày: đôi dép cao su, chiếc gậy tre, chiếc mũ cối, bộ quần áo vải bạc màu, chiếc giường Bác nằm, chiếc bàn làm việc, chiếc ghế Bác ngồi…; được xem những thước phim tư liệu quý về cuộc đời của Bác… Tất cả vẫn còn nguyên vẹn hiện hữu trước mắt chúng tôi như Bác vẫn đang còn đó. Tự nhiên tôi thấy trong mình bỗng dâng lên một cảm giác thật lạ: vừa cảm phục, vừa nhớ nhung, vừa thương tiếc, nó giống như là cái cảm giác khi tôi đứng trước nấm mồ của ông nội mình lúc bố đưa tôi đi thắp hương ở mộ ông. Mắt tôi bỗng mờ nhòa. Tôi cố ngăn không cho dòng nước mắt chảy dài. Tôi lại nhớ về câu chuyện bà tôi kể: Năm 1969, khi nghe tin Bác Hồ ra đi mãi mãi, dưới trời mưa tầm tã, hàng triệu người đội mưa tiễn đưa Bác, nước mắt của con người hòa với nước mắt của đất trời tiếc thương Người vô hạn!
Xế chiều, đoàn xe chúng tôi tạm biệt Hà Nội, tạm biệt Thủ đô nơi có Bác luôn dõi theo mỗi bước chân của thầy và trò Trường Tiểu học Khánh Tiên. Trở về Ninh Bình trong tâm trạng bùi ngùi xúc động nhưng mỗi thành viên trong đoàn đều có một niềm vui chung, bởi có thể nói, chuyến đi thăm lăng Bác của đoàn chúng tôi là một trải nghiệm vô cùng ý nghĩa và quý báu. Tôi thầm hứa với lòng mình là sẽ cố gắng học tập thật tốt để sang năm tôi lại được về thủ đô, lại được vào Lăng viếng Bác.
Nhớ về Bác, tôi càng thấm thía lời dạy năm xưa của Người: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không. Dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Tôi hiểu, Bác kỳ vọng ở thế hệ chúng tôi rất nhiều!
Bài văn tả cảnh lăng Bác hay nhất 15
Để khen thưởng, động viên cho những học sinh có thành tích tốt trong năm học vừa qua trường cấp hai của tôi tổ chức một chuyến du lịch thay cho phần thưởng sách vở. Tôi đã rất may mắn và hạnh phúc khi mình đã có thành tích học tập tốt và có mặt trong chuyến đi này.
Đây là chuyến du lịch đến thăm lăng Bác, vì vậy tôi rất háo hức và kỳ vọng. Chuyến du lịch của trường tôi chính thức bắt đầu, để đảm bảo đúng lộ trình thì năm giờ sáng chúng tôi đã phải có mặt ở trường, vì lúc ấy trời còn khá tối nên bố đã đưa tôi đến trường, tận khi lên xe thì bố tôi mới yên tâm ra về. Chuyến đi này làm tôi thao thức suốt đêm, mong sao cho trời mau sáng để tôi có thể đến trường.
Đây là lần đầu tiên tôi được đi thăm lăng Bác Hồ. Chuyến xe dừng tại lăng Bác lúc bảy giờ ba mươi phút sáng. Ngay khi bước xuống xe cảm giác đầu tiên của tôi là sự choáng ngợp bởi không gian rộng lớn và sự trang nghiêm, thành kính nơi đây. Đường vào lăng Bác có rất nhiều những chú bộ đội đứng gác lăng, các chú đứng trang nghiêm với khẩu súng trên vai.
Các chú bộ đội là người ngày đêm canh giữ, bảo vệ bình yên cho giấc ngủ của Bác, tuy nhiên những chú bộ đội gác lăng không phải mặc những bộ quân phục màu xanh như ta vẫn thấy, các chú khoác lên mình bộ quân phục màu trắng, chiếc mũ màu trắng nên càng tạo ra sự trang nghiêm, thành kính cho lăng Bác.
Hôm ấy không chỉ có thầy cô và các bạn học sinh đến thăm lăng và còn rất nhiều những đoàn tham quan khác, họ đến từ khắp nơi của Tổ Quốc, đôi khi tôi còn bắt gặp những đoàn tham quan của những du khách nước ngoài, họ được người hướng dẫn viên giới thiệu về lăng Bác cũng như những công lao to lớn của Bác đối với dân tộc Việt Nam.
Nhìn những đoàn tham quan, tôi cũng như các bạn đều tràn ngập cảm xúc tự hào, vì Bác Hồ không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ vĩ đại trong lòng người dân Việt Nam, mà còn là một danh nhân văn hóa thế giới được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, cảm phục.
Nơi chúng tôi đứng đây chính là quảng trường Ba Đình lịch sử, theo như lời của thầy trưởng đoàn thì đây chính là nơi Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập trước hàng triệu quốc dân đồng bào, tuyên bố với nhân dân cũng là lời tuyên cáo với Thế giới: nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính thức ra đời. Đây là một dấu son lịch sử vì nó đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Ngay trước quảng trường là cột cờ, trên đó có treo lá cờ đỏ sao vàng rất lớn bay phấp phới trong gió. Khi chuẩn bị đến giờ mở cửa lăng Bác để tiếp đón đoàn người vào viếng, một nghi thức duyệt binh vô cùng đồng đều và nghiêm trang của các chú bộ đội đã diễn ra. Khi ấy, ánh nhìn của mọi người đều tập trung vào đoàn diễu hành ấy.
Sau lễ duyệt binh, chúng tôi được các thầy cô hướng dẫn xếp hàng để đi vào lăng. Vì khách tham quan rất đông nên hàng người vào viếng cũng rất dài. Dù phải đợi rất lâu dưới trời nắng để đợi đến lượt vào viếng, nhưng chúng tôi cũng như tất cả mọi người có mặt ở đây đều rất nghiêm trang, tỏ thái độ thành kính, tuyệt nhiên không hề có tiếng nói chuyện hay kêu ca gì cả.
Sau thời gian chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng được vào lăng, không gian trong lăng không rộng lắm nhưng không khí lại vô cùng thành kính, thiêng liêng. Chúng tôi đi theo hàng và lần lượt đi qua nơi Bác nghỉ. Bác nằm đấy, đôi mắt hiền từ nhắm lại như đang chìm vào giấc ngủ sâu, miệng Bác như hé một nụ cười. Bác như phát ra vầng hào quang chói lọi, vừa suy nghĩ, vừa gần gũi.
Chuyến tham quan lăng Bác quả thật là một chuyến đi đầy thú vị, lần đầu tiên tôi được đến thăm Bác, được tỏ lòng thành kính, sự kính yêu vô bờ dành cho Bác, người cha già của dân tộc Việt Nam. Cũng qua chuyến đi này tôi cũng được học hỏi thêm được rất nhiều kiến thức bổ ích, về lịch sử Việt Nam, về công lao trời bể của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài văn tả cảnh lăng Bác hay nhất 16
Cuộc đời mỗi người là sự nối tiếp của những chuyến đi. Mỗi chuyến đi đều mang lại những ý nghĩa, để lại ấn tượng khác nhau. Trong số những chuyến đi ấy, có một chuyến tham quan mà tôi nhớ nhất là chuyến tham quan khu vực lăng Bác và khu di tích Phủ Chủ tịch.
Cuối năm học lớp 5, nhà trường bất ngờ tổ chức cho lớp tôi chuyến tham quan Phủ Chủ tịch tại thủ đô Hà Nội vào hai ngày cuối tuần. Đây là chuyến đi xa đầu tiên của cả lớp trong suốt năm năm học nên ai cũng háo hức, giờ ra chơi nào cũng tụm đầu lại với nhau, bàn tán sôi nổi về chuyến đi này.
Ngày xuất phát, khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, vui tươi. Các thầy cô quyết định sắp xếp di chuyển từ trường vào buổi chiều thứ 7 để được viếng lăng Bác vào sáng chủ nhật hôm sau. Xe lăn bánh, mỗi đứa một ba lô, tạm biệt miền quê giản dị thanh bình để hướng về thủ đô. Xe chạy bon bon suốt 3 tiếng đồng hồ mà cả lũ cứ mở tròn mắt, chỉ chỉ cảnh vật bên đường đầy thích thú. Tới thủ đô thì đã chiều muộn, cả đoàn dừng chân tại khách sạn, ăn cơm rồi tắm rửa và về phòng, nghỉ ngơi để buổi sáng dậy sớm.
Một đêm nhanh chóng qua đi, đúng 6 giờ chúng tôi đã có mặt tại sảnh lớn của khách sạn, ăn mặc quần áo học sinh nghiêm trang, lịch sự. Theo sự hướng dẫn của các thầy cô rồi đi đến lăng Bác. Dù đã liên lạc với người quản lý viếng lăng từ trước nhưng chủ nhật, khách tham quan đến viếng quá đông, chúng tôi phải chờ gần một tiếng đồng hồ mới được vào lăng viếng Bác. Người trưởng đoàn đọc bài viếng, giới thiệu tên đoàn xong thì cả đoàn cùng đứng ngay ngắn, chầm chậm bước theo hai người lính gác lăng dâng hoa phía trước tiến vào lăng Bác. Khác hẳn với nhiệt độ bên ngoài nắng chói chang, trong lăng mát lạnh và yên tĩnh, ai cũng tỏ lòng thành kính với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu, bước đi nhẹ nhàng không một tiếng động. Người nằm trên giường ở giữa lăng, ánh sáng nhu hòa màu vàng chiếu lên khuôn mặt hiền từ của Người, yên bình vô cùng...
Mặt trời lên cao thì chúng tôi cũng rời khỏi lăng, theo dòng người đông đúc hướng về khu di tích phủ Chủ tịch. Địa điểm đầu tiên là nhà sàn Bác Hồ, căn nhà được phục chế theo nhà sàn mà Bác ở những ngày cuối cuộc đời vĩ đại của mình. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm khiêm tốn tại một góc, hòa vào thiên nhiên bình dị, xinh đẹp. Cô hướng dẫn viên nói, trong nhà những kỷ vật của Bác vẫn còn lưu giữ lại, nơi này nơi kia là nơi Bác ngồi đọc công văn, viết và sửa di chúc, gửi thư cho đồng bào, cho thiếu nhi. Chúng tôi dường như tưởng tượng ra được hình ảnh Bác trầm ngâm bên khung cửa sổ, nắn nót viết từng dòng chữ chứa đựng tình yêu thương bao la rộng lớn.
Con đường dẫn vào nhà sàn ôm ấp lấy ao cá Bác Hồ với diện tích khá lớn,nước hồ trong veo, cá chép đủ màu sắc thi nhau bơi lội tung tăng trong nước mát. Có những con cá rất to, hai bên miệng còn có râu, cô giáo tôi bảo nó chắc hẳn đã già lắm rồi. Vừa đi, cô hướng dẫn viên vừa giới thiệu về lịch sử của ao cá, kể những câu chuyện của Bác với ao cá ấy. Du khách trong nước và quốc tế xen lẫn với nhau, ai cũng trầm trồ về vẻ đẹp của ao cá.
Vì phải trở về vào buổi chiều nên chúng tôi không được tham quan toàn bộ khu di tích, sau khi tham quan ao cá, địa điểm cuối cùng là Khu Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Viện Bảo tàng trang nghiêm, trưng bày rất nhiều hiện vật, tư liệu về cuộc đời và con người của Bác. Bên cạnh mỗi hiện vật đều chú thích tên, thời gian mà Bác sử dụng và những câu chuyện xung quanh. Có rất nhiều câu chuyện mà chúng tôi chưa bao giờ nghe đến. Vừa tham quan, chúng tôi vừa cảm thán về cuộc đời và những năm tháng kháng chiến của Người, tiếp thu được bao điều ý nghĩa và thú vị.
Thời gian trôi qua nhanh, chiều đến, chuyến tham quan của chúng tôi cũng phải kết thúc. Cả đoàn cùng chụp một bức ảnh lưu niệm rồi lên xe ra về. Dù chuyến đi ngắn ngủi nhưng để lại rất nhiều ấn tượng, lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy một phần cuộc đời của Bác Hồ kính yêu. Để rồi sau này, cảm giác tự hào và xúc động khi vào lăng viếng Bác vẫn còn in đậm mãi trong tôi.
Bài văn tả cảnh lăng Bác hay nhất 17
Cứ mỗi khi hè về, để thưởng cho thành tích học tập tốt trong năm học của hai chị em em thì bố em lại tổ chức một chuyến du lịch, đây cũng là thời gian cả gia đình có điều kiện cùng nhau tham quan, cùng nhau giải trí sau những ngày học tập và lao động mệt mỏi. Sau khi kết thúc năm học, bước vào kì nghỉ hè, bố em đã đưa cả gia đình cùng đi thăm lăng Bác. Chuyến đi này vô cùng lí thú, em không chỉ có thêm những hiểu biết mà còn thêm kính yêu vị cha già dân tộc, người đã đưa cả dân tộc Việt Nam ra khỏi bóng tối của nô lệ, bước tới ánh sáng của tự do, hòa bình.
Trong năm học vừa qua, sau bao nhiêu sự cố gắng, nỗ lực trong học tập và rèn luyện ở trường học, em đã đạt danh hiệu học sinh giỏi. Em vui mừng và tự hào lắm, thành tích này chính là kết quả của sự cố gắng không ngừng của em trong năm học vừa qua. Không chỉ em mà bố mẹ cũng hết sức vui mừng. Như thường lệ, cứ mỗi dịp nghỉ hè thì bố em sẽ thưởng cho cả hai chị em bằng một chuyến du lịch, mỗi năm là một địa điểm thú vị, hấp dẫn. Năm nay, bố em đã quyết định đưa cả nhà đi thăm lăng Bác. Em rất vui mừng và bồi hồi mong chờ khoảnh khắc có thể đặt chân đến lăng Bác.
lăng Bác là nơi Bác yên giấc ngàn thu, tuy đã nghe kể rất nhiều về địa danh này nhưng trực tiếp đến thì em chưa từng. Bởi vậy mà khi nghe bố nói đưa mọi người đến lăng Bác thì em tràn ngập cảm xúc vui tươi, hứng khởi thật khó có thể diễn tả thành Người. Bác Hồ là người mà em vô cùng kính trọng, không chỉ bởi công lao trời bể của Bác đối với dân tộc và nhân dân Việt Nam, mà đối với thiếu nhi Việt Nam bác cũng rất ân cần quan tâm, chăm sóc, Bác là người mà em luôn kính trọng và ngưỡng mộ. Chuyến đi này hứa hẹn rất nhiều điều lý thú.
Trên đường đi em đã rất háo hức và mong chờ, chỉ mong có thể nhanh chóng đặt chân đến lăng Bác, có thể nhanh chóng vào lăng thăm viếng người cha già của dân tộc Việt Nam. Xe đến nơi, mở ra trước mắt em là một không gian vô cùng rộng lớn, lại có phần trang nghiêm, thành kính. Đối diện với lăng Bác là một khoảng đất rộng, xanh mướt bởi những đám cỏ xanh, theo lời bố em thì đó chính là quảng trường Ba Đình, nơi mà Bác Hồ của chúng ta đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào, tuyên bố nền độc lập của dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Trước quảng trường có cột cờ rất lớn, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong gió gợi cho em một cảm xúc tự hào, đây là lần đầu tiên em có cảm giác hân hoan, tự hào và yêu thương đất nước Việt Nam như vậy. Có lẽ bởi chính không gian của lịch sử, không gian hào hùng của dân tộc đã tác động đến nhận thức cũng như tình cảm của mỗi người. Và có lẽ cảm xúc hân hoan tự hào ấy không chỉ em mà tất cả những người đến thăm Lăng đều cảm nhận được.
Hai bên lăng Bác là hai rặng tre xanh thẳng tắp, hiên ngang như chính những người dân Việt Nam kiên cường ngày đêm ở bên Bác. Tre là biểu tượng cho sức mạnh và tinh thần của con người Việt Nam, hình ảnh hàng tre bên lăng càng gợi nhiều ý niệm về truyền thống cũng như tình cảm kính yêu của con người Việt Nam đối với Bác. Nhìn thấy hình ảnh hàng tre bên lăng, em bỗng nhớ đến những câu thơ đầy tha thiết, chân thành của nhà thơ Viễn Phương trong bài thơ “Viếng lăng Bác”:
“Con ở Miền Nam ra thăm lăng Bác
Bỗng thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”
Trước cửa dẫn vào lăng Bác có các chú bộ đội mặc cảnh phục đứng gác trang nghiêm. Sau khi xếp hàng thì cả gia đình em cũng đã có thể vào lăng viếng Bác. Trong lăng rộng và sáng, em có cảm giác thứ ánh sáng ấy không phải là những ánh điện mà do chính vầng hào quang tỏa ra từ Bác, đến gần nơi Bác yên nghỉ, em có thể nhìn rõ chân dung của Bác, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu của Bác cũng giống như những bức tranh, những tư liệu về Bác mà em từng nhìn thấy nhưng cảm giác đến gần Bác thì cảm xúc chân thực và tình cảm cũng tha thiết hơn rất nhiều.
Bác nằm đó trong giấc ngủ ngàn thu, khuôn mặt Bác yên bình, trên môi là nụ cười hiền từ rất nhẹ, có lẽ Người cũng đã yên tâm khi dân tộc Việt Nam đã được hòa bình, mọi người được sống trong ánh sáng của hạnh phúc. Người cha già dân tộc ấy đã có thể yên tâm để yên giấc ngàn thu, tỏa rạng và luôn hướng theo từng bước đường phát triển của con người Việt Nam
Đây là một chuyến đi vô cùng lí thú, em không chỉ biết đến một địa danh mới mà em cũng nhận thức được rất nhiều điều thú vị, có sự trưởng thành hơn trong tình cảm, đó là sự kính yêu, là cảm xúc tự hào đối với vị cha già dân tộc, đối với lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Bài văn tả cảnh lăng Bác hay nhất 18
Hà Nội là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Nó không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử, mà còn là một di sản kiến trúc, di sản văn hóa của Việt Nam.
Nhà sàn Bác Hồ là một di tích đặc biệt quan trọng trong quần thể di tích Phủ Chủ tịch. Từ khi Bác qua đời tới nay, khu di tích Phủ Chủ tịch đã đón tiếp hơn 21 triệu lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, trong đó có nhiều đoàn khách cấp cao, là nguyên thủ quốc gia của 150 nước và hàng trăm tổ chức quốc tế. Khách nước ngoài khi đến đây thường hỏi: Tại sao giữa thủ đô Hà Nội, Bác Hồ lại thích ở nhà sàn?
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã ở nhà sàn bằng tre nứa. Chín năm trường kỳ kháng chiến, Bác đã sống cùng với đồng bào dân tộc. Do vậy khi hòa bình, trở về Hà Nội, Người vẫn nhớ đồng bào với tình cảm đặc biệt sâu sắc.
Năm 1954 từ Việt Bắc trở về Hà Nội, từ chối không ở ngôi nhà của toàn quyền Đông Dương Pháp để dành làm nhà tiếp khách cho Đảng và Nhà nước, Bác Hồ chọn cho mình ngôi nhà nhỏ của người công nhân thợ điện. Người ở đây từ 19/12/1954 đến tháng 5/1958.
Sau chuyến thăm hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, trên đường về, Bác trầm ngâm suy nghĩ rồi nói với các đồng chí phục vụ: Bác muốn làm một căn nhà sàn ở bên kia bờ ao để ở và làm việc cho thoáng.
Theo ý Bác, mùa hè năm 1958, Cục thiết kế cơ bản thuộc Tổng cục Hậu cần đã thi công ngôi nhà này. Kiến trúc sư là ông Nguyễn Văn Ninh, Cục trưởng Cục thiết kế Dân dụng, Bộ Kiến trúc (nay là Công ty tư vấn xây dựng, Bộ xây dựng). Ông Ninh là một trong tám người Việt Nam học kiến trúc khóa đầu tiên ở trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Chính ông là người thiết kế lễ đài Ba Đình đón Bác và Trung ương Đảng, Chính phủ trở về thủ đô, ngày 1/1/1955.
Trước khi thiết kế, Bác đã trao đổi với kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh. Người nói: làm giống như ngôi nhà sàn Bác đã ở chiến khu Việt Bắc nhưng bằng gỗ. Tầng trên có hai phòng nhỏ, mỗi phòng vừa đủ để cho một người ở. Bác có ý định để Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở một phòng, Bác ở một phòng. Nhưng khi làm xong, vì Thủ tướng tiếp nhiều khách sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của Bác nên xin phép được tiếp tục ở ngôi nhà cũ.
Bác căn dặn kiến trúc sư rất cụ thể: Cần làm hành lang chung quanh để khi có các đồng chí lãnh đạo đến làm việc với Bác có lối đi và khi Bác làm việc, các đồng chí phục vụ đi lại không ảnh hưởng đến Người. Bác nói: Lợi dụng vách ngăn hai phòng làm một giá sách cho gọn, tiết kiệm và tiện sử dụng. Người nhắc nhở: Nhà làm bằng gỗ bình thường, gỗ loại một để dành làm tà vẹt đường sắt và trường học. Dưới tầng trệt, Bác bảo làm bệ xi măng thấp ở chung quanh, trên có lát ván tạo thành hàng ghế băng dài cho các cháu thiếu niên vào chơi có đủ chỗ ngồi.
Sau khi được Bác góp ý, bản vẽ thiết kế đã nhanh chóng hoàn thành và đi vào thi công. Trong thời gian Bác đi công tác, đội thi công 30 người lính công binh đã khẩn trương xây dựng và hoàn thành ngôi nhà vào ngày 1/5/l958. Vào dịp sinh nhật năm 1958, Bác Hồ đã chuyển sang ở ngôi nhà này cho tới ngày 17/8/1969.
Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc: dài 10,5m rộng 6,2m, có hai tầng, tầng trên có hai phòng: mỗi phòng rộng trên dưới 10m2 dùng làm phòng ngủ và phòng làm việc về mùa đông. Tầng dưới là nơi Bác Hồ thường làm việc về mùa hè, nơi họp Bộ Chính trị quyết định nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam, nơi tiếp khách thân mật. Nhà sàn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Ngôi nhà sàn Bác Hồ không những có ý nghĩa về lịch sử mà còn là một công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nho nhỏ đó cũng luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao".