I. Tác động của nội lực đến địa hình bề mặt Trái Đất
a. Khái niệm
- Nội lực là lực sinh ra trong lòng Trái Đất, liên quan tới nguồn năng lượng bên trong Trái Đất.
- Nguyên nhân:
+ Do sự phân hủy các chất phóng xạ
+ Do các phản ứng hóa học tỏa nhiệt
+ Do chuyển động tự quay của Trái Đất
+ Do sự sắp xếp vật chất theo tỉ trọng, ...
- Nội lực làm dịch chuyển các mảng kiến tạo, hình thành các dãy núi, tạo ra các uốn nếp, đứt gãy; gây ra động đất, núi lửa, ... làm thay đổi địa hình bề mặt Trái Đất, khiến nó gồ ghề, cao thấp, mấp mô hơn.
b. Tác động
Tác động của nội lực thể hiện qua vận động theo phương thẳng đứng và vận động theo phương nằm ngang.
* Vận động theo phương thẳng đứng:
- Là vận động nâng lên hạ xuống diễn ra trên một khu vực rộng lớn. Làm cho bộ phận này của lục địa được nâng lên, trong khi bộ phận khác bị hạ xuống.
- Kết quả: dẫn tới hiện tượng biển tiến và biển thoái.
- Ngày nay vận động này vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên Trái Đất như bán đảo Xcan-đi-na-vi ở Bắc Âu – vùng phía bắc của Thụy Điển và Phần Lan đang được nâng lên, trong khi phần lớn lãnh thổ Hà Lan bị hạ xuống.
* Vận động theo phương nằm ngang: Làm cho vỏ Trái Đất bị nén ép ở khu vực này và tách giãn ở khu vực khác, gây ra hiện tượng uốn nếp và đứt gãy.
- Hiện tượng uốn nếp: là hiện tượng các lớp đá bị xô ép, uốn cong thành các nếp uốn nhưng không phá vỡ tính liên tục của chúng. Xuất hiện ở những nơi đá có độ dẻo cao, thường là đá trầm tích.
- Hiện tượng đứt gãy:
+ Xảy ra ở những vùng đá cứng, làm cho các lớp đất đá gẫy, đứt ra rồi dịch chuyển ngược hướng nhau theo phương gần như thẳng đứng hay nằm ngang.
+ Tạo ra các hẻm vực, thung lũng, ... Ví dụ: thung lũng sông Hồng (Việt Nam),...
+ Nếu cường độ yếu, đá chỉ nứt nẻ, không chuyển dịch, tạo ra các khe nứt, ...
+ Nếu cường độ lớn, sẽ làm cho các lớp đá có bộ phận trồi lên, có bộ phận sụt xuống, hình thành các địa hào, địa lũy, ...
- Địa lũy như dãy núi Con Voi (Việt Nam) nằm giữa hai đứt gãy sông Hồng và sông Chảy
- Địa hào như thung lũng sông Rai-nơ (châu Âu), biển Đỏ và các hồ dài, hẹp ở Đông Phi,...
II. Tác động của ngoại lực đến địa hình bề mặt Trái Đất
a. Khái niệm
- Ngoại lực là lực sinh ra từ bên trên bề mặt Trái Đất.
- Nguyên nhân: Do nguồn năng lượng của bức xạ Mặt Trời.
- Ngoại lực gồm tác động của các yếu tố khí hậu (gió, mưa, nhiệt độ, ...), các dạng nước (nước chảy, sóng biển, băng, ...), sinh vật và con người.
- Dưới tác động của ngoại lực, địa hình bề mặt Trái Đất bị biến đổi theo hướng phá vỡ, san bằng địa hình do nội lực tạo nên, hình thành những dạng địa hình mới.
b. Tác động
Ngoại lực tác động đến địa hình bề mặt Trái Đất thông qua 3 quá trình:
* Quá trình phong hóa:
- Khái niệm: là quá trình phá hủy, làm thay đổi đá và khoáng vật dưới tác động của nhiệt độ, nước, sinh vật, ...
- Phân loại:
+ Phong hóa vật lí: là quá trình phá hủy, làm cho đá và khoáng vật bị vỡ với những kích thước khác nhau nhưng không làm thay đổi thành phần và tính chất của chúng.
Nguyên nhân: do sự dao động của nhiệt độ.
+ Phong hóa hóa học: là quá trình phá hủy, làm biến đổi thành phần, tính chất của đá và khoáng vật.
Nguyên nhân: do tác động của nước, nhiệt độ, các chất hòa tan trong nước (oxy, carbonic, axit hữu cơ, axit vô cơ, ...) và sinh vật.
+ Phong hóa sinh học: là quá trình phá hủy đá và khoáng vật dưới tác động của sinh vật (thực vật, nấm, vi khuẩn, ...) làm các đá bị biến đổi cả về mặt lí học và hóa học.
Nguyên nhân: do sự sinh trưởng của sinh vật (ví dụ rễ cây làm đá bị nứt vỡ, các chất hữu cơ từ hoạt động sống của sinh vật làm đá bị biến đổi về thành phần và tính chất,...)
- Kết quả: tạo ra lớp vỏ phong hóa.
* Quá trình bóc mòn:
- Khái niệm: là quá trình dời chuyển các sản phẩm phong hóa khỏi vị trí ban đầu dưới tác động của nước chảy, sóng biển, gió, băng hà, ...
- Phân loại:
+ Quá trình xâm thực (do nước chảy) tạo thành các khe rãnh, mương xói, thung lũng sông,.
+ Quá trình mài mòn (do sóng biển) tạo thành các vách biển, hàm ếch, nền mài mòn, ... và (do băng hà) tạo thành các máng băng, phi-o, đá lưng cừu, ...
+ Quá trình thổi mòn hay khoét mòn (do gió) tạo thành các nấm đá, rãnh thổi mòn, hoang mạc đá, ...
- Kết quả: tạo ra các dạng địa hình mới rất đa dạng như hàm ếch sóng vỗ, nấm đá, cột đá, tháp đá, các hang động cac-xtơ...
* Quá trình vận chuyển và bồi tụ:
- Quá trình vận chuyển là quá trình di chuyển vật liệu từ nơi này đến nơi khác.
+ Nguyên nhân: do mưa lớn kéo dài, do nước chảy, gió thổi, băng hà, ...
+ Phân loại: có hai hình thức vận chuyển:
- Các vật liệu nhỏ, nhẹ hòa tan và trôi theo dòng nước hoặc di chuyển theo chiều gió.
- Vật liệu lớn, nặng, lăn trên bề mặt dốc.
- Quá trình bồi tụ là quá trình tích tụ các vật liệu phá hủy. Dựa vào nhân tố bồi tụ, có thể chia ra:
+ Quá trình bồi tụ do băng hà hình thành các đồi băng tích, cánh đồng băng tích, ...
+ Quá trình bồi tụ do nước hình thành các bãi bồi ở ven sông, hình thành các đồng bằng châu thổ.
+ Quá trình bồi tụ do gió, tạo nên các đồi cát, cồn cát, cao nguyên hoàng thổ, ...
+ Quá trình bồi tụ do sóng hoặc dòng biển tạo nên bãi biển, cồn cát ngầm, doi cát ven bờ biển, ...