Bài văn tả người bố kính yêu của em 1
Gia đình em có 4 người, mẹ em, bố em, anh hai và em. Mẹ em lúc nào cũng dễ dãi, nuông chiều con cái, còn bố em thì ngược lại, rất nghiêm túc. Thế nhưng em vẫn kính yêu bố em vô cùng.
Nhìn bố, ít ai nghĩ rằng ba đang ở vào độ tuổi bốn mươi lăm. Vì tóc bố vẫn còn đen, chỉ có lơ thơ vài sợi tóc trắng. Người bố hơi cao, không mập lắm, nên có vẻ khỏe khoắn. Sở dĩ được như vậy là do bố em năng tập thể dục vào mỗi buổi sáng. Nghe bà nội em kể rằng, thuở nhỏ bố em rất thích chơi thể thao; bóng chuyền, bóng bàn môn nào bố cung giỏi. Gương mặt bố hao hao hình chữ điền, trông đầy nét cương nghị.
Hàng ngày, sau giờ làm việc ở cơ quan về, bố em còn cuốc đất vun gốc cho mấy cây trồng xung quanh nhà. Cho nên, tuy vườn không phải là rộng lắm nhưng có nhiều thứ hoa quả. Cây nào cây nấy thẳng lối ngay hàng, đẹp chẳng khác chi một công viên nho nhỏ.
Đêm đêm, bố em hay thức tới khuya để làm thêm một số công việc tăng thu nhập cho gia đình. Em biết rõ điều đó lắm. Vì chúng em mà bố em phải chịu nhiều vất vả. Nhưng bố nào có quản khó nhọc gì đâu. Bố thường nói với mẹ em rằng, dù cực khổ mấy cũng chịu được, miễn là nhìn thấy chúng em ngoan ngoãn, siêng năng học hành là ba đã vui rồi. Bây giờ em mới hiểu câu “Công cha như núi Thái Sơn” thật là cao cả biết dường nào.
Những lúc rảnh rỗi, bố em thường dắt chúng em đi dạo quanh làng. Vừa đi, bố vừa kể chuyện hay giảng giải những điều thắc mắc chúng em thường gặp. À, mà sao cái gì bố cũng biết, biết nhiều thứ lắm. Anh Hai và em cứ nhờ bố giảng cho bài văn, hướng dẫn cho bài toán. Bố đúng là ông thầy thứ hai, ở nhà.
Em rất kính yêu bố em. Nhờ có bố mà cả gia đình sống trong cảnh ấm no, hạnh phúc. Cho nên, lúc nào, em cũng cố gắng học thật giỏi để bố em được vui lòng.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 2
Trong gia đình tôi, bố là người yêu thương tôi nhất. Bố luôn luôn lắng nghe mọi người nói và đặc biệt là tôi.
Bố có một thân hình to, cao, khoẻ mạnh. Bố rất khoẻ và luôn giúp đỡ mọi người trong gia đình. Bố có một đôi tay nổi cơ bắp, bàn tay bố có nhiều vết chai cứng như đá vì phải làm việc nhiều. Mặt bố tròn, mũi cao, mồm rộng, để râu và bố có đôi mắt màu nâu tuyệt đẹp.
Hôm nào tôi đi học, bố và mẹ cũng ra tiễn tôi. Bố dặn dò tôi rất kỹ, nào là “đi học hôm nay phải…”, rồi thì “phải nghe lời cô giáo…”, nhưng câu cuối cùng vẫn là “con đi đường cẩn thận nhé”. Khi đi học về, đang dắt xe vào nhà thì tiếng nói của bố từ trong nhà vọng ra “Con đã về rồi à?”. Nhưng bố cũng rất nghiêm khắc, những hôm nào tôi mắc khuyết điểm, hay bị điểm kém thì bố lại bắt tôi làm bản kiểm điểm. Tuy vậy, nhưng tôi vẫn yêu bố.
Bố tôi! Một người trụ cột trong gia đình. Đối với tôi, bố cho việc lớn thành việc nhỏ, việc nhỏ thì cho qua. Bố tôi là một tấm gương sáng cho gia đình. Tục ngữ có câu “con không cha như nhà không có nóc” và đúng là như vậy. Bố con như người cha trong câu tục ngữ ấy, là một con người mẫu mực, một trụ cột không thể thiếu trong gia đình tôi. Là một người siêng năng, kiên trì, thông minh khác hẳn những người khác và đã có ý định làm gì thì phải làm cho bằng được nên bố được rất nhiều người kính trọng.
Tôi rất tự hào khi là con trai của bố, con sẽ luôn ghi nhớ những điều bố dạy bảo và sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ công ơn của bố.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 3
Đọc báo để mở mang kiến thức. Đọc báo để thấy được nhiều cảnh đời trong xã hội.Và đọc báo cũng là để giải trí sau giờ làm việc mệt nhọc. Ba em rất thích đọc báo và đọc nhiều nhất trong gia đình em.
Ba em làm việc ở nhà in của tòa soạn báo nên ngày nào ba cũng đem về rất nhiều báo. Đôi bàn tay lem luốc mực in của ba, rửa mãi vẫn chưa sạch hẳn những vệt đen sắp xếp từng tờ báo theo thứ tự để đọc. Có những tờ ở cơ quan ba in như: Tin tức, đời sống pháp luật, văn hóa thể thao…Cũng có những tờ ba mua thêm như: Tuổi trẻ, thanh niên, phụ nữ…Đôi mắt mệt mỏi của ba sau một đêm dài làm việc căng thẳng cố mở to và cuốn lấy từng chữ đều tăm tắp hiện ra trên mặt báo. Ánh mắt chăm chú như vậy nhưng vẫn dõi theo em đang chuẩn bị ăn uống, thay đồ đi học. Ba đọc đến những tin hỏa hoạn, động đất hay những tệ nạn xã hội, những tai nạn giao thông, liền đọc to lên cho cả nhà cùng nghe. Giọng ba thảng thốt, không còn trầm ấm như thường ngày mà lộ ra vẻ lo lắng, bất an. Lúc ấy, ba ngồi dựa vào thành ghế và thở dài. Cái dáng dong dỏng, cao cao ấy trong màu áo xanh công nhân chưa kịp thay làm em thấy chạnh lòng. Khi đọc những chuyện lạ bốn phương, những truyện cười, giọng ba cười khanh khách. Những lúc ấy, em liền chạy đến xem ké tờ báo, ba vuốt đầu em và kể cho em nghe. Hai cha con cười sảng khoái, giúp em tỉnh táo hẳn cơn buồn ngủ, để bắt đầu cho một ngày học mới. Ba hỏi em có muốn đọc báo Nhi Đồng không, ba mua. Ba khuyên em nên thường xuyên đọc báo để nắm bắt được nhiều thông tin trong cuộc sống và rèn cách viết văn.
Nhờ Ba truyền cho tinh thần đọc báo, hôm nay em viết văn tàm tạm được. Em rất biết ơn ba và yêu thương ba vô cùng.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 4
Mẹ là người sinh ra ta và có biết bao bài ca đã từng viết về mẹ. Bố lại là người luôn mạnh mẽ trước bao biến cố trong cuộc đời, dạy ta rắn giỏi đứng lên từ vấp ngã. Bố, mẹ là những người chúng ta gọi tên hàng ngày. Hạnh phúc vẹn tròn khi có bố ở bên. Em cũng vậy!
Bố em năm nay 40 tuổi rồi. Bố làm nghề thợ mộc, đây là nghề ông dạy bố từ nhỏ. Bố yêu nghề như yêu những con người luôn bên cạnh và đem niềm vui đến cho bố. Bố là người có dáng người cao, vạm vỡ dáng người ấy rất phù hợp với nghề nghiệp của bố. Bố có thể lấy dụng cụ một cách dễ dàng vì cánh tay bố dài và linh hoạt.
Bố cũng di chuyển rất nhanh, từ khâu lấy gỗ, kiến tạo, mọi công việc bố đều sắp xếp rất chu đáo, gọn gàng. Có lẽ vì vậy mà bàn tay bố không hề mềm mại, thô và chai sần nhưng lại vô cùng khéo léo, sản phẩm của bố độc đáo và ưng ý với mọi người. Với em, đó là bàn tay rất đặc biệt. Bố em có khuôn mặt tròn, đôi mắt bố luôn nhìn mọi người thân thiện, có lẽ cũng do nghề nghiệp đem lại niềm vui nên đôi mắt bố không hề tỏ ra mệt mỏi mà luôn sáng lên một cách kỳ lạ.
40 tuổi nhưng mái tóc bố không còn đen. Ngoài thời gian giúp em học bài, cùng mẹ làm những việc nặng nhọc, bố luôn ngồi ở xưởng gỗ để làm việc. Những lớp bụi của gỗ bám vào tóc làm cho bố như già đi. Em nhìn rõ hơn những sợi tóc bạc khi bố xoa xoa lớp bụi bám ấy. Khi làm việc, bố thường mặc những bộ quần áo tối màu, bố lúc nào cũng cần mẫn, tỉ mỉ trong từng sản phẩm và bố thường cài bút chì trên đôi tai rất điêu nghệ.
Những vật dụng trong nhà đều do bố làm cả, bố dành riêng cho em một giá sách được sơn bóng loáng, gửi gắm niềm mong muốn em sẽ cố gắng học tập. Bố không sở hữu chất giọng êm, ngọt ngào như của mẹ. Giọng bố ấm áp, truyền cảm, bố truyền đạt rất dễ hiểu và luôn ân cần với em. Nhất là lúc em gặp những bài toán khó hiểu, bố kiên trì giảng giải và luôn thúc đẩy em phải nỗ lực hết mình. Em thấy khâm phục bố lắm!
Bố là người sống kín đáo, tế nhị, không hề mất lòng ai. Mặc dù miệt mài với công việc nhưng bố luôn dành thời gian quan tâm tới gia đình. Em sẽ học tập ở bố đức kiên trì, bền bỉ. Với bản thân em, bố mang lại niềm tin rất lớn. Em thầm cảm ơn bố đã cho em một gia đình hạnh phúc, đủ đầy.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 5
"Cha ơi bóng cả cây cao
Che chở con những lao đao cuộc đời
Cha đưa cả tấm lưng gầy
Chở che con được tới ngày hôm nay".
Câu thơ trên là một trong những câu thơ em yêu thích. Quả đúng như vậy, cha chính là người vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Em cũng thế, em cũng có một người bố tuyệt vời. Em rất yêu quý và tự hào về bố của mình.
Bố em năm nay đã ngoài 40 tuổi. Bố có dáng người cao, vạm vỡ. Khuôn mặt bố vuông nhìn rất phúc hậu. Làn da bố sạm đen vì làm việc nhiều dưới trời nắng. Ai cũng ấn tượng với đôi mắt bố. Đôi mắt ấy luôn hiền từ và ấm áp. Nhưng khi bố tức giận, đôi mắt ấy trở nên cương nghị vô cùng.
Đôi bàn tay bố thô ráp, nhiều vết chai sạn vì công việc. Bố ăn mặc rất giản dị. Sau giờ làm việc về, bố còn chăm bẵm cho khu vườn rau trước nhà. Bố cuốc đất, trồng cây rất giỏi. Những việc nặng sửa chữa trong nhà, một mình bố đều thực hiện được hết. Bố thường nói với mẹ em rằng, dù cực khổ mấy cố gắng để chăm sóc cho các con được ăn học đến nơi đến chốn.
Mặc dù chăm chỉ với công việc nhưng bố luôn dành thời gian quan tâm tới gia đình. Bố chưa bao giờ quên đốc thúc em học bài. Sinh nhật em năm nào bố cũng nhớ. Khi em bị ốm, bố cùng mẹ ngày đêm chăm sóc, nấu cháo cho em.“Công cha như núi Thái Sơn” câu ca dao ấy vẫn luôn đúng cho tới tận ngày nay. Bố luôn là người dạy em những điều hay lẽ phải. Em thầm cảm ơn bố đã dạy em lớn khôn và trưởng thành.
Em rất yêu mến bố của em. Em luôn mong ước cho bố sống thật khỏe để sống với em mãi mãi.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 6
Em là học sinh lớp 5, rất khỏe mạnh và hiểu biết rất nhiều điều. Ngoài việc em nỗ lực học tập, còn nhờ công chăm sóc rất chu đáo của, sự dạy dỗ của mẹ em.
Năm nay mẹ em đã bốn mươi mốt tuổi. Nhan sắc của mẹ không đẹp, nước da rám nắng. Đôi mắt mẹ đen láy, thể hiện sự thông minh của mẹ. Mái tóc của mẹ đen như gỗ mun, được cắt ngắn rất gọn gàng. Dáng người mẹ tầm thước. Mẹ hiện đang làm việc ở Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.
Mẹ không giỏi nấu nướng, làm việc nhà, chăm em bé nhưng vì thương con, mẹ đã học hỏi và vượt qua những khó khăn đó. Năm ấy, em gái em mới hai tuổi, rất hay ốm đau. Nhiều đêm mẹ phải thức trắng để trông em. Mẹ là trụ cột gia đình, nên ngoài việc làm ở nhà xuất bản, mẹ còn phải làm rất nhiều công việc khác. Nhiều đêm, mẹ phải thức đến hai, ba giờ sang để làm việc.
Thương mẹ, em nghỉ các lớp học thêm và hứa với mẹ tự học và học giỏi để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho mẹ. Tuy bận nhiều công việc nhưng mẹ luôn quan tâm đến việc học của em, nhắc nhở em làm bài đầy đủ. Những ngày khai giảng hoặc ngày hội của trường, mẹ đều có mặt. Mẹ còn chụp ảnh cho em để làm kỉ niệm. Trong cuộc sống hàng ngày, mẹ rèn em cách ăn nói, cử xử với ông bà, cô dì, chú bác, các anh chị và bạn bè.
Vào ngày chủ nhật, mẹ đưa chúng em đi ăn sáng, đi chơi. Vào dịp nghỉ hè, mẹ cho chúng em đi nghỉ mát, về quê nội, quê ngoại. Mẹ rất thương em gái em nên sáng nào mẹ cũng dậy sớm, cho em ăn và đưa em đi học. Đêm đến, mẹ ôm hai anh em, ba mẹ con cùng hát ru bài “Bé ơi, ngủ ngoan”.Chẳng mấy chốc ba mẹ con đã chìm vào giấc ngủ.
“Dù con đếm được cát sông
Cũng không đếm được tấm lòng mẹ cha”.
Qua hai câu thơ trên, em luôn ghi lòng tạc dạ tình yêu của mẹ đối với em. Tuy nhiên, người mẹ em kể trên không phải là mẹ em mà là bố em. Ngày mẹ em rời bỏ em, em thấy đất trời như sụp đổ, em là người bất hạnh nhất. Lúc đó em mới học lớp hai, em gái em hai tuổi. Bố em là người vĩ đại nhất. Bố đã yêu thương, che chở cho em vượt qua những ngày giông bão ấy.
Bố vừa là bố vừa là mẹ. Bố có sự dịu dàng chu đáo của mẹ lại có tính nghiêm khắc, bao dung của bố. Những ngày đau khổ đã qua. Năm nay em học lớp 5, em gái em đã vào lớp 1. Bình minh đã trở về với bố con em, em đã thấy bố cười rất tươi. "Bố ơi, con yêu bố! Ngày 18 tháng 8 là ngày sinh nhật bố. Con chúc bố mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc bên chúng con!".
Bài văn tả người bố kính yêu của em 7
Sáng sớm tinh mơ của một ngày chủ nhật, em thức dậy sau một giấc ngủ say nồng. Nhìn ra khung cửa sổ, em thấy bố trồng cây ở mảnh đất sau nhà.
Bố đang hì hục cuốc đất. Với vóc người cao lớn, làn da ngăm ngăm nên trông thật khỏe. Bố quai những lưỡi cuốc chắc nịch xuống đất, lớp đất cứng được đào lên, cỏ dại không còn nơi nương tựa. Bố giũ cỏ rồi bỏ thành đống. Đôi tay rắn chắc của bố lại giữ vững cán cuốc, đưa lên rồi giáng xuống phụp, phụp! Chỉ một lát, khoảng vườn đã sạch cỏ, lớp đất cứng đã tơi xốp.
Bố dùng xẻng đào những cái hố nhỏ vuông vức, thẳng hàng nhau. Lưỡi xẻng phăm phăm cắm sâu vào lòng đất, mạnh mẽ kêu vang, nó đánh thức côn trùng đang còn say giấc ngủ. Bố cứ làm việc, chăm chú không ngừng. Hố được đào xong, bố bỏ phân chuồng vào các hố, rải lên một lớp đất mỏng rồi đặt cây con xuống hố, sửa cho cây đứng thẳng và lấp đất lại, nện đất thật chặt vào gốc.
Trồng xong bố dùng cọc tre rào xung quanh mỗi cây, sau đó bố tưới nước cho cây. Những dòng nước mát lành chảy nhè nhẹ vào gốc, cây con như vui mừng đón nhận. Nhìn bố làm việc, em thầm nghĩ đến ngày cây sinh sôi, nảy nở. Em hình dung khoảng vườn nhỏ này sẽ trở thành một vườn cây xanh tươi để hẹn ngày kết trái. Em lại càng thương bố hơn.
Bố vẫn mải miết làm việc dưới ánh nắng mai hồng, bố cần mẫn tưới nước cho cây như để tiếp thêm sức sống cho cây con khi trở về với đất. Bố làm xong mọi việc, nhìn lại hàng ngày cây xanh tươi vừa trồng, đôi mắt bố ánh lên một niềm vui khó tả. Vầng trán cao của bố đã lấm tấm mồ hôi. Chiếc áo công nhân bố mặc đang thấm ướt và bắn vào đất bùn non. Có lẽ bố cũng thấm mệt nhưng bố cảm thấy rất hài lòng bởi đã làm xong một công việc có ích.
Bố làm việc vất vả để cho em được no ấm. Bố là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình em, bố là trụ cột vững vàng chống đỡ mọi phong ba, bão táp để bảo vệ em. Bất chợt, em khẽ cất lên tiếng hát: Bố, bố là phi thuyền - Cho con bay vào không gian. Em nguyện ra sức học tập và rèn luyện để xứng đáng là con ngoan của bố.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 8
Em thích ngắm nhìn mọi người trong nhà lúc đang làm việc như mẹ nấu cơm, em gái tập viết và đặc biệt thích quan sát bố khi đọc báo. Mặc dù thời đại công nghệ, báo mạng có nhiều nhưng bố vẫn giữ thói quen đọc báo viết bởi nguồn thông tin ở đó đáng tin cậy hơn và cũng dễ đọc hơn.
Bố đi làm cả ngày, chỉ có thời gian rảnh rỗi vào buổi tối nên sáng nào trước khi đi làm bố cũng mua báo để ở nhà. Tối tối, sau bữa cơm, bố thường ngồi đọc báo. Bố coi đọc báo cũng như một công việc, cần tập trung và nghiêm túc. Vì vậy, khi đọc bố rất cần yên tĩnh. Bố ngồi bên chiếc bàn cạnh cửa sổ, ở đó thoáng mát và tĩnh lặng. Mỗi tối, bố dành cả tiếng đồng hồ để xem tin tức.
Những tờ báo hay được bố em quan tâm là tờ báo Lao động, An ninh, Tuổi trẻ... và không thể thiếu tờ báo Thể thao. Trước lúc đọc báo, bố lấy từ trong ngăn bàn cái kính trắng, mắt không được tốt khiến bố cần có sự trợ giúp. Lần lượt, bố đọc từng tờ, tờ báo nào bố cũng mở nhanh tất cả các trang xem có tin tức gì nóng hổi, rồi lại lần lượt xem kĩ từ đầu. Bố rất quan tâm đến những sự kiện nổi bật diễn ra trong ngày nên mục đó được bố rất chú ý.
Nhìn dáng bố ngồi ngay ngắn, gương mặt nghiêm túc y như khi làm việc vậy. Đôi mắt bố dõi chăm chú từng dòng, từng dòng một. Đôi lông mày rậm của bố thỉnh thoảng níu lại. Những nếp nhăn trên trán lúc co lại lúc giãn ra như suy tư, băn khoăn điều gì. Có lẽ mẩu tin nào đó khiến bố bứt rứt nên bố đưa tay lên vò vò mái tóc khiến nó rối tung. Những lúc đọc được tin gì tâm đắc, khuôn mặt bố giãn ra dễ chịu, một nụ cười nở khẽ trên môi.
Những mẩu chuyện cười làm cho bố thư giãn hơn, thi thoảng tự nhiên bố nói to lên "hay", khiến cả nhà bụm miệng cười. Tờ báo không thể bỏ qua của bố là tờ Thể thao. Mặc dù đã theo dõi tin trên ti vi nhưng bố muốn xem họ bình luận, nhận xét thế nào về các trận đấu, về các cầu thủ... Vì thế, đây là giờ phút bố say sưa nhất. Bàn tay bố đặt lên bàn, mấy ngón tay gõ gõ nhẹ, cái đầu gật gù vẻ tâm đắc lắm. Mẹ bảo em mang nước cho bố. Em bưng lên để bên cạnh nhưng bố vẫn không để ý, cứ mải miết đọc...
Một giờ trôi qua với biết bao cảm xúc. Sau khi "giải quyết" xong các tờ báo, bố thở một hơi nhẹ nhõm. Bố gấp lại các tờ báo một cách gọn gàng rồi đặt lên cái kệ gần đó, xếp theo vị trí đã định. Bố đứng dậy, bỏ đôi kính trên mắt xuống và vặn mình mấy cái... Bố ra ngoài nói chuyện với mọi người. Nếu có tin tức gì hay bố kể lại cho cả nhà nghe, bàn tán sôi nổi. Nhiều khi không biết bố đang nói về vấn đề gì nhưng nhìn bố hào hứng thì ai nấy đều lắng nghe.
Em thích nhất là được nhìn bố ngồi đọc báo mỗi tối. Chính bố là người truyền lại cho em cảm hứng đọc sách. Bố dạy cho em văn hóa đọc và việc đọc sách quan trọng như thế nào. Việc đọc sách báo dần dần ngấm vào em, em luôn thích khám phá những điều mới lạ từ sách báo mang lại và thầm cảm ơn bố vì điều tốt đẹp đó.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 9
Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.
Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ. Bốn mươi tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ.
Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi thay: Thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình. Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày.
Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề lái xe. Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngã bóng từ lâu. Mái tóc bố đã dần bạc đi trong sương sớm. Công việc ấy rất dễ dàng với những người bình thường nhưng với bố nó rất khó khăn và gian khổ.
Bây giờ có những lúc phải chở khách đi đường xa, đường sốc thì những cơn đau dạ dày của bố lại tái phát. Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè nắng to nhiệt độ tới 36 - 39 độ C, hay những ngày mưa ngâu rả rích cả tháng 7, tháng 8, rồi cả những tối mùa đông lạnh giá, bố vẫn cố gắng đứng dưới những bóng cây kia mong khách qua đường.
Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hi sinh, chịu thương, chịu khó như vậy. Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đứng như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau vật vã mà bố phải chịu đựng, tôi chỉ biết òa lên mà khóc. Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần.
Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không? Những lúc ấy, tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, tôi chỉ muốn với bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh cho bố.
Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở tôi nhiều lắm. Bố luôn nói rằng bố sẽ luôn chiến đấu. Chiến đấu cho tới những chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Vào mỗi tối, khi còn cố gắng đi lại được, bố luôn bày dạy cho mấy chị em học bài.
Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Tôi phục bố lắm, bố thuộc hàng mấy nghìn câu Kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng... Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi sẽ làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố, sẽ kiếm tiền để phụng dưỡng bố và đi tiếp những bước đường dở dang trong tuổi trẻ của bố.
Tôi luôn biết ơn bố rất nhiều, bố đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó là con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc. Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi theo. Và tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi giang, là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của bố.
Mặc dù những thời gian rảnh rỗi của bố còn lại rất ít nhưng bố vẫn trồng và chăm sóc khu vườn trước nhà để cho nó bao giờ cũng xanh tươi. Những giỏ phong lan có bao giờ bố quên cho uống nước vào mỗi buổi sáng; những cây thiết ngọc lan có bao giờ mang trên mình một cái lá héo nào? Những cây hoa lan, hoa nhài có bao giờ không tỏa hương thơm ngát đâu? Bởi đằng sau nó luôn có một bàn tay ấm áp chở che, chăm sóc, không những yêu hoa mà bố còn rất thích nuôi động vật.
Tuy nhà tôi bao giờ cũng có hai chú chó con và một chú mèo và có lúc bố còn mang về những chiếc lồng chim đẹp nữa. Và hơn thế, trong suốt hơn năm năm trời chung sống với bệnh tật, tôi chưa bao giờ nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn tránh sự thật, bố luôn đối mặt với “tử thần”, bố luôn dành thời gian để có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn.
Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả gia đình đã dần khá lên, khi các chị tôi đã có thể kiếm tiền, thì bố lại bỏ chị em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia. Bố đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại. Giờ đây khi tôi vấp ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa.
Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người xung quanh mình hơn, và đặc biệt hãy quan tâm, chăm sóc cho bố của mình, tha thứ cho bố, khi bố nóng giận và nỡ mắng mình bởi bố luôn là người yêu thương nhất của chúng ta.
Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này. Và bố hãy yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi. Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con. Những kỉ niệm, những tình cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng, nó như chính linh hồn của mình.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 10
Tình cha con luôn là thứ tình cảm âm thầm, lặng lẽ nhưng mạnh mẽ và da diết. Chưa bao giờ em viết bất cứ một điều gì dành cho cha, bởi rằng có lẽ ngôn từ không đủ sức để diễn tả hết tình cảm đó. Và có lẽ em không đủ can đảm để viết ra những lời tự sâu trong trái tim dành cho cha. Đó là một người đàn ông đặc biệt trong cuộc đời em hôm nay và cả mai sau nữa.
Cha là người mang đến cho em một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc và nhiều yêu thương như thế này. Cha gánh trên đôi vai gầy cả một gia đình lớn, gánh hết ước mơ của những đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Những điều cha làm cho chúng em chưa bao giờ là thừa, bởi với cha, tình yêu chưa bao giờ là đủ giành cho gia đình. Cả cuộc đời cha nhọc nhằn, vất vả, tần tảo sớm hôm vì miếng cơm manh áo của gia đình, của những đứa con thơ đang trông ngóng trông từng ngày.
Nếu như mẹ âm thầm tần tảo sớm hôm thì cha là người đàn ông đầy nghị lực, gánh vác hết mọi chuyện lớn trong gia đình. Cha như cây đại thụ chống những cơn bão nổi dậy trong gia đình. Nếu không có ý chí, nghị lực và tình yêu phi thường thì cha không thể gánh vác được trách nhiệm lớn lao như thế. Em vẫn thường bắt gặp hình ảnh người mẹ dịu hiền, đảm đang, tần tảo trong những câu thơ, áng văn của nhiều nghệ sĩ nhưng hình ảnh người cha thật hiếm hoi.
Có lẽ tình cảm giành cho mẹ rất dễ bày tỏ nhưng đối với cha thì rất khó khăn. Tuy nhiên không phải thế mà vai trò người cha trở nên giảm đi. Ngược lại vai trò và trách nhiệm ngày càng to lớn và được khẳng định mãnh liệt hơn. Cha em là một người rất hiền lành, mọi việc trong nhà cha đều lo toan, những việc nhà cha cũng hay đỡ đần giúp mẹ. Có rất nhiều lúc mẹ cười bảo với mấy chị em rằng “Cha mấy đứa ai cũng khen giỏi giang, không ngại giúp việc nhà cho vợ”. Em rất tự hào vì có người cha tuyệt vời như vậy.
Em còn nhớ có một lần mẹ ốm, phải đi viện. Những ngày này cha vừa làm tròn vai trò người cha, vừa gánh thêm vai trò làm mẹ. Sáng sáng cha dậy nấu cơm cho con ăn, rồi đưa con đi học, rồi quét dọn, chăm sóc đàn heo vừa mới sinh. Cha lo lắng cho mẹ đến nỗi hốc hác cả gương mặt, đôi mắt cha trở nên nặng nề nhưng vẫn ánh lên niềm tin yêu trong cuộc sống.
Cha là con út trong gia đình của ông nội, các cô và bác đều đi xa. Cha gánh vác chuyện gia đình mình và gia đình lớn của ông nội. Cha vẫn đều đặn chăm sóc ông bà, thường xuyên dẫn ông bà đi khám sức khỏe định kì. Có nhiều lúc em thấy cha loay hoay bên bếp lò, nấu bát canh chua cho ông bà nội. Bởi đây là món mà ông bà rất thích ăn. Cha đã tự tay vào bếp làm cho ông bà mà không cho các con nấu. Một cử chỉ bình dị nhưng đã nói lên được tấm lòng hiếu thảo, đáng trân trọng mà cha dành cho ông bà.
Cha là một người giàu đức hi sinh, vẫn luôn dành cho gia đình những điều tốt đẹp nhất. Có nhiều lúc đi làm về, em nhìn thấy sự mệt nhọc trên gương mặt cha nhưng cha vẫn nở nụ cười tươi, vẫn luôn mang đến cho gia đình không khí vui tươi nhất. Chưa bao giờ cha kêu ca, than vãn mệt mỏi hay cuộc sống có quá nhiều thứ phải lo toan. Đây là điều mà em học được ở cha, một đức tính là một người đàn ông cần có được.
Cha luôn là một người đàn ông tuyệt vời và vĩ đại nhất đối với gia đình em. Là tấm gương sáng về cách làm người mà em đã học tập được rất nhiều. Em mong sao cha luôn khỏe mạnh, vui vẻ để cả nhà em luôn được hạnh phúc sum vầy như thế này.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 11
Tục ngữ có câu: “Con có cha như nhà có nóc”. Câu nói đó cho thấy vị trí và vai trò quan trọng của người cha trong gia đình. Đối với em, hình ảnh của bố luôn in đậm trong tâm trí.
Bố em đã ngoài 40 tuổi. Bố là một chiến sĩ công an. Điều đó khiến em rất tự hào và hãnh diện. Bố thường phải đi trực và làm nhiệm vụ. Bố có khuôn mặt chữ điền, ánh mắt nghiêm nghị. Những hôm trời nóng, bố đi làm về, gương mặt đỏ ửng lên, mồ hôi lấm tấm trên mặt và ướt cả một mảng lưng áo. Em hiểu rằng bố phải đứng gác dưới nắng gắt nên càng thương bố hơn.
Nước da bố rám nắng, khỏe mạnh. Những buổi tối không phải đi làm, bố lại ngồi suy tư với những tài liệu của cơ quan. Lúc ấy, gương mặt bố đăm chiêu suy nghĩ, đôi mắt sáng ngời, đôi chân mày rậm rạp cứ nheo lại. Mái tóc bố đã lấm tấm những sợi bạc. Em biết rằng bố phải lo công việc ở cơ quan vốn gian nan và khó khăn, đặc biệt là hết sức nguy hiểm nhưng lúc nào bố cũng cố gắng hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
Mỗi khi đi làm, bố thường mặc quân phục và đội chiếc mũ công an trông rất oai nghiêm. Những lúc đêm khuya, có điện thoại gọi tới, vì nhiệm vụ là bố lại choàng dậy và vội vã lên đường bất kể thời tiết ra sao. Bố em không chỉ là người chiến sĩ dũng cảm ở cơ quan mà còn là người giữ bình yên cho khu phố và cũng là người trụ cột trong gia đình. Tuy bận bịu ở cơ quan nhưng bố vẫn không quên chăm lo những công việc trong gia đình và hết lòng yêu thương con cái.
Bố luôn kiểm tra, kèm cặp việc học hành của chị em em. Bố cũng rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái. Tuy nhiên, nhiều lúc, bố lại rất vui tính và hài hước. Thỉnh thoảng, bố lại kể chuyện cười cho hai chị em nghe khiến hai đứa phá lên cười như nắc nẻ. Đối với bà con hàng xóm, có việc gì là bố luôn sẵn lòng giúp đỡ. Mọi người đều kính nể và yêu quý bố.
Em rất yêu quý bố và rất tự hào vì bố là người chiến sĩ công an vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Bố là điểm tựa vững chắc cho gia đình em, giống như câu hát: ”Ba sẽ làm cánh chim, cho con bay thật xa”
Bài văn tả người bố kính yêu của em 12
Gia đình tôi sống theo kiểu “tam đại đồng đường” trong căn nhà gỗ, giữa vườn cây khá rộng ở cuối dãy phố chạy thẳng ra bến sông Hồng. Tôi yêu quý tất cả những người ruột thịt nhưng gần gũi, gắn bó hơn cả vẫn là cha. Cha không chỉ sinh thành, nuôi dưỡng mà còn là người bạn lớn thân thiết của tôi. Không thể kể hết những kỉ niệm của thời thơ ấu, nhưng riêng kỉ niệm về tình cha con thì mỗi lần nhớ lại, tôi đều rưng rưng xúc động.
Nhớ nhất là hồi tôi học lớp Một. Buổi khai trường đầu tiên trong đời, tôi được cha chở đi học trên chiếc xe đạp cũ kĩ đã tróc hết sơn. Ngồi đằng sau, tôi ríu rít hỏi cha đủ chuyện: “Cha ơi! Cái trống trường có to không hả cha? Lớp học có rộng bằng nhà mình không? Con có được mang theo mấy chú dế đực vào lớp không?” Đại loại rặt chuyện vớ vẩn của một chú nhóc sáu tuổi, thế nhưng cha tôi vui vẻ trả lời bằng hết.
Nhìn đám đông ồn ào, nhộn nhịp trước cổng trường, tôi sợ, cứ ôm chặt lấy lưng cha. Cha vuốt tóc tôi, an ủi: “Thôi, xuống đi con! Con trai phải mạnh dạn lên chứ! Nhìn kìa, bạn Hoàng, bạn Tuấn đang đi vào sân đấy! Hoàng ơi, Tuấn ơi! Chờ bạn Tùng với nào!”. Tôi tụt xuống xe, gật đầu chào cha rồi chạy nhanh đến chỗ gốc bàng trong sân, không quên quay đầu lại dặn: “Đến trưa, cha nhớ đón con, cha nhé!” Bất kể nắng mưa, ngày nào cha con tôi cũng bên nhau như vậy.
Chuyện vui buồn ở lớp, tôi đều kể cha nghe. Cha mua cho tôi mấy quyển vở tập viết. Buổi tối, cha tranh thủ rèn chữ cho tôi. Cha cầm tay tôi, hướng dẫn từng nét cong, nét thẳng. Cha đọc cho tôi nghe những bài thơ ngộ nghĩnh viết cho thiếu nhi, dạy tôi học thuộc lòng và tập chép. Thú vị hơn nữa là cha dạy tôi hát và tôi cũng hát lại cho cha nghe những bài hát học được ở trường. Giọng trầm của cha chẳng thể nào hòa với cái giọng lanh lảnh non nớt của tôi, thế nhưng vui lắm, cả nhà cười nghiêng ngả.
Cha tôi mê bóng đá và đã truyền tình yêu ấy sang tôi. Cái sân gạch trước nhà trở thành sân bóng lí tưởng của cha con tôi. Sáng cầu lông, chiều bóng đá, trước và sau giờ cha đi làm, tôi đi học. Cổ động viên là ông bà nội và chú chó Bốp cùng cô mèo Tina nhõng nhẽo. Nhiều lần tôi sút thủng lưới “đối phương”, thích ơi là thích!
Rất nhẹ nhàng, tự nhiên, cha đã rèn cho tôi nếp sống tự giác, kỉ luật và sức khoẻ dẻo dai. Cha thường bảo việc gì mình làm được thì nên làm, tránh phiền người khác. Là con trai càng không nên ngại khó, ỷ lại. Tôi biết cha rất thương con nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc. Tôi có lỗi, dù là nhỏ, cha đều nhắc nhở kịp thời. Một lần, tôi hỏi cha ghét gì nhất, cha đáp: “Cha ghét nhất thói đố kị, dối trá và ích kỉ. Con phải biết quan tâm tới người khác thì người khác mới quan tâm đến con”. Càng lớn, tôi càng thấm thía lời cha dạy. Cha là trụ cột của gia đình tôi cả về vật chất lẫn tinh thần. Cha là gương sáng mẫu mực của các con. Chúng tôi luôn yêu quý và tự hào về người cha đáng kính.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 13
Ai cũng bảo “người em yêu nhất là mẹ và người yêu mẹ nhất là em nhưng em cho rằng điều đó không đúng. Người em yêu nhất là bố và bố là người yêu em nhất. Bố em là Nguyễn Kế Hiếu, 42 tuổi.
Bố em có dáng người thấp, đậm với cái bụng to, khác bố nhà người ta bụng thon 6 múi. Bố nhà người ta đầu bóng vì vuốt keo, bố em đây đầu bóng vì lâu ngày chưa gội. Bố nhà người ta trán cao, hiểu biết rộng dài, bố em đây trán dô, siêu "lầy".
Bố nhà người ta mắt ánh lên sự nghiêm nghị, bố em đây mỗi khi làm sai là mắt láo liên như quạ vào chuồng lợn. Bố nhà người ta môi bặm lại nghiêm túc, bố em miệng chỉ có cười suốt ngày.
Bố nhà người ta tài giỏi, độc lập, vợ con nể phục, bố em đây bị vợ mắng suốt ngày để rồi tối đến rủ em lên giường ngủ sớm, nhưng thực ra là để hai bố con trùm chăn nói xấu mẹ. Bố nhà người ta được cấp dưới ngưỡng mộ, bố em đây làm tài xế xe ôm cho các cô, các bác. Bố em còn thua xa bố nhà người ta.
Nhưng bố em sẵn sàng ký vào bản tự kiểm điểm của em mà không mách mẹ; sẵn sàng che giấu khuyết điểm của em; sẵn sàng nghe cuộc gọi phê bình của cô; sẵn sàng thức đến 3, 4 giờ sáng đợi em làm xong bài và đi ngủ; sẵn sàng ngồi bên cùng em "cày" Toán khó mấy tiếng đồng hồ; sẵn sàng thức dậy sớm mỗi sáng để gọi em dậy, mặc dù bố còn thèm ngủ hơn em; sẵn sàng nhường em miếng trứng cá ngon lành mà bố rất thích; sẵn sàng cho em mượn iPad vào cuối tuần với lý do là "cho nó giải trí thêm chút"; sẵn sàng đánh xe đến lớp đón em, cho dù phải bỏ một buổi họp quan trọng; sẵn sàng đấu hài với em, tán chuyện linh tinh cùng em để "giúp nó giảm stress"…
Bố em rất khéo năn nỉ mẹ đừng đánh em, hoặc nhận tội thay để em không bị mẹ mắng. Mấy câu ấy thường chỉ là mấy câu như: "Khiếp sáng sớm đài đã hát dân ca, cải lương hay vọng cổ rồi à?", "Trời đánh còn tránh miếng ăn nhé!", "Ê, hình như có Giọng hát Việt rồi kìa!",… đủ để nhắc khéo mẹ và em thoát nạn.
Nói thế thôi nhưng đối với em, một người bố như thế là tất cả rồi. Bố chả bao giờ khiến em buồn hay khóc. Bố luôn là anh hùng giải cứu em khỏi những trận lôi đình của mẹ, giúp em yêu Toán như xưa, giúp em đi học đúng giờ…
Cảm ơn bố rất nhiều! Con chúc "Papa" luôn mạnh khỏe, sớm hết bệnh tiểu đường và sống lâu mãi với chúng con, "Papa" nhé!
Bài văn tả người bố kính yêu của em 14
Tôi yêu quý tất cả những người ruột thịt nhưng gần gũi, gắn bó hơn cả vẫn là cha. Cha không chỉ sinh thành, nuôi dưỡng mà còn là người bạn lớn thân thiết của tôi. Không thể kể hết những kỉ niệm của thời thơ ấu, nhưng riêng kỉ niệm về tình cha con thì mỗi lần nhớ lại, tôi đều rưng rưng xúc động.
Hồi lên bốn, lên năm, tôi theo cha nhiều hơn theo mẹ. Bởi lẽ mẹ đi làm xa, sáu giờ đã rời nhà và tối mịt mới về, không thể chăm sóc tôi hằng ngày được, ông bà nội già yếu, cha tôi không dám phiền, nên hầu như mọi việc lớn nhỏ trong nhà, cha đều làm cả.
Những sáng mùa đông, gió bấc xào xạc ngoài vườn cây và lùa hun hút qua khe cửa, cha tôi dậy sớm đun nước rót vào phích rồi đặi thêm ấm nữa để ông bà nội có nước nóng rửa mặt. Bên tách trà nóng thơm ngát, ông nội và cha tôi trò chuyện. Tôi ngồi lọt thỏm trong lòng, áp mặt vào khuôn ngực vạm vỡ, ấm sực của cha mà cảm thấy sung sướng vô ngần. Ngoài đường có tiếng rao lanh lảnh: “Bánh mì nóng giòn đây! Bánh mì mới ra lò đây!”. Cha chạy ù ra mua cho tôi một chiếc. Tôi bẻ từng miếng nhỏ, nhai rau ráu ngon lành.
Những chiều hè, mặt trời vừa lặn sau dãy núi Ba Vì tím biếc, cha nhấc tôi lên vai, hai cha con đi dọc triền đê hứng gió, rổi xem đám trẻ thả diều. Sau đó cha cho tôi xuống bến sông tắm. Tôi thích thú ngâm mình trong dòng nước phù sa mát rượi và thoả thuê quẫy đạp trên đôi tay rắn chắc của cha. Nhờ cha dạy mà tôi biết bơi rất sớm.
Trong nhà, chỗ nào cũng có đồ chơi cha làm cho tôi. Trên bệ cửa sổ là chú bé cưỡi trâu thổi sáo, là mẹ con đàn lợn quây quần bên nhau, dễ thương lạ lùng! Rồi khay quả gồm bưởi, cam, na, ổi, chuối được tô màu y như thật… Tất cả đều do bàn tay khéo léo của cha nặn từ đất sét móc ở bờ sông. Những con cào cào, châu chấu, chuồn chuồn, bươm bướm tết bằng lá dừa theo tôi vào trong giấc ngủ say nồng. Tôi cảm nhận tình yêu nồng nàn của cha dành cho đứa con trai bé bỏng từ những thứ đồ chơi ấy.
Nhớ nhất là hồi tôi học lớp Một. Buổi khai trường đầu tiên trong đời, tôi được cha chở đi học trên chiếc xe đạp cũ kĩ đã tróc hết sơn. Ngồi đằng sau, tôi ríu rít hỏi cha đủ chuyện: “Cha ơi! Cái trống trường có to không hả cha? Lớp học có rộng bằng nhà mình không? Con có được mang theo mấy chú dế đực vào lớp không?”. Đại loại rặt chuyện vớ vẩn của một chú nhóc sáu tuổi, thế nhưng cha tôi vui vẻ trả lời bằng hết.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 15
“Công cha như núi Thái Sơn” câu ca dao ấy vẫn luôn đúng cho tới tận ngày nay. Cha luôn là người dạy em những điều hay lẽ phải, nếu như mẹ cho em một bàn tay dịu dàng, một tình yêu thương ngọt ngào thì cha lại như một sự nâng đỡ em trong cuộc đời và cho em một tình yêu đong đầy nhưng cũng đầy nghiêm khắc. đối với em cha không chỉ là một người trụ cột của gia đình, không chỉ là một người cha mà còn là một anh hùng, một tấm gương đạo đức để em học tập và noi theo.
Cha em như một vị anh hùng trong mắt em vậy. Cha em không cao lắm chỉ có một mét sáu bảy thôi thế nhưng thân hình ấy lại hơi mập đủ có thể che chở cho em trước những nguy hiểm. Nhớ có lần cả một cành cây khô rơi xuống cha đã lấy thân hình của mình để đỡ lấy cái đau ấy. Cha em mập là vậy nhưng cha lại rất nhanh nhẹn trong công việc. Không những thế cha còn có cả một khuôn mặt chữ điền vuông vắn có phúc, em biết điều đó vì được nghe rất nhiều người khen cha và thật tự hào về cha của mình. Cha có nước da trắng mà khiến nhiều người phụ nữ cũng phải ghen tị vì nước ấy. Những buổi đi làm đồng về cùng nhau rửa chân tay lấm bùn trên con mương nhỏ ai cũng phải trầm trồ vì làn da ây. Rồi có người lớn khéo chửi đùa “ Sư mày đàn ông con trai gì mà trắng hơn cả đàn bà thế”. Nước da trắng ấy không phải là da trắng bạch mà đủ độ trắng với một người đàn ông phong độ như cha em.
Mắt cha em to tròn và ướt nước, nhìn ban đêm thì thật lấp lánh hiền từ như những ngôi sao ngoài trời đêm. Đôi môi đẹp lắm và cả những hàm răng đều tăm tắp như hạt ngô càng làm cho vẻ hiền từ của cha trở nên đẹp lạ thường. Mà đặc biệt mỗi khi cha cười em thấy hạnh phúc biết bao, đó là một nụ cười rạng rỡ, một nụ cười hiền lành chất phác của một người nông dân. Đặc biệt hơn nữa là đôi bàn tay cha, đôi bàn tay ngày ngày chăm lo em, đôi tay vuốt má, đôi tay ẵm em và cả đôi tay đòn roi đau đớn nữa. Bàn tay cha không mềm mại như bàn tay của nhiều người khác bởi quê hương nghề chính là đồng ruộng vì vậy mà đôi bàn tay của cha chai đi vì cày bừa, chai đi vì mưa nắng ngoài ruộng. Thế nhưng đôi bàn tay vẫn tràn đầy yêu thương khi vỗ về những đứa con nhỏ, vẫn xoa đầu hay vuốt mà chúng đầy ngọt ngào. Và cũng chính vì thế em hiểu được phần nào những nỗi vất vả mà cha đã phải chịu vì em. Không những thế bàn tay chai, khô cằn, ngắn ngủn đó lại em có thể viết rất đẹp và làm ra những đồ vật thật đẹp mắt trong nhà. Bàn tay ấy còn làm nên những ngôi nhà đẹp đẽ, nhìn những viên gạch đỏ lừ được xếp thành hàng bên cạnh những hàng vữa thật sự thích mắt.
Và giờ đây khi em đã khi thời gian và những nhọc nhằn mà cha đã trải qua đã khắc tạc trên khuôn mặt mái tóc cha em. Mới ngày nào mà mái tóc đã ngả sang màu khói. Đó không hẳn là trắng cũng không hẳn đã là đen, đó là một màu tóc của sương sớm, là màu tóc của những ánh nắng gắt gỏng trên cánh đồng ban trưa và là màu của cơn mưa rào nọ. tất cả những nhọc nhằn sóng gió của cuộc đời cũng như những vất vả khi chăm sóc những đứa con trưởng thành như hằn in trên những vết nhăn trên mắt cha. Mỗi lần cha cười những vết nhăn ấy lại lộ ra rõ hơn hay cũng có khi em nhận bắt gặp những nếp nhăn ấy nhưng không phải cười mà là cha đang suy nghĩ về điều gì đó. Dẫu thời gian có mang tuổi thanh xuân cảu cha đi nhưng cho đến bây giờ cha vẫn luôn là người bảo vệ em khỏi những nguy hiểm của cuộc sống, cha vẫn là điểm tựa vững chắc và bàn tay nâng đỡ khi em vấp ngã.
Em rất yêu mến cha của em nếu có một điều ước em luôn mong sức khỏe đến cho cha để cha sống với em mãi mãi. Nếu như mẹ giống như một thiên thần một bà tiên trong mắt em thì cha lại giống như một vị anh hùng, một ông tiên hiền lành không chỉ mang đến những phép màu cho cuộc đời em mà mang đến cả một tình phụ tử thiêng liêng đầy che chở.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 16
Tôi đang ngồi học, đêm đã buông xuống tĩnh mịch từ lâu, chợt nghe đâu đây tiếng gió thổi lao xao lùa vào gian phòng khe khẽ. Chợt, nhìn sang chiếc hộp gỗ trên bàn học, đó là hộp đựng bộ que tính bố đã tự tay làm cho tôi. Trong lòng tôi bỗng dưng dưng một niềm cảm xúc yêu thương bố lạ kì, mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Bố tôi năm nay đã ngoài 40 tuổi, mái tóc cũng đã điểm bạc. Nước da ngăm đen, rám nắng, và có chút chai sạn. Mỗi lần nhìn vào gương mặt ấy, khóe mắt tôi lại thấy cay cay, những tháng năm lăn lộn, không quản nắng mưa đã bôn ba trên mọi nẻo đường chở hàng nuôi tôi khôn lớn. Có những lúc, nhìn người ta đi ngoài đường, quần là áo lượt xe ô tô hạng sang tôi lại xót xa nhớ về người cha ấy của tôi. Lẽ ra giờ này bố cũng có thể như thế, nhưng vì tôi, vì đàn con thân yêu, bố đã hi sinh cả thanh xuân và sức lực của mình để gắng sức nuôi chúng tôi nên người. Tôi tự nhủ mình sẽ phải học thật tốt đê không phụ lòng mong mỏi của bố. Những cánh tay to, chắc khỏe, gân guốc đã lo toan, chèo chống cho gia đình này không biết bao phen sóng gió. Tôi cũng không dám tưởng tượng nếu không có bố, cuộc đời chị em tôi sẽ đi về đâu.
Bố tôi là người rất hiền lành và tốt bụng. Nhưng điều ấy không đồng nghĩa với việc bố để chị em tôi được dễ dãi. Ông rất yêu các con của mình. Có gì ngon bố cũng để giành phần chúng tôi, vậy mà những đứa trẻ non nớt không hiểu chuyện như chúng tôi lại chưa làm được điều ấy. Công việc bên ngoại, bên nội, của hàng xóm láng giềng có ai nhờ đến bố đều giúp đỡ rất nhiệt tình. Có lẽ chính vì vậy mà bố được rất nhiều người quý mến, kính trọng, tin tưởng. Bố hay kể cho tôi nghe về tổ tiên tôi ngày trước, nhắc tôi phải biết uống nước nhớ nguồn. Những bài học nhân sinh, bài học về cách làm người của bố đã lớn dần lên cùng tháng năm, cho tôi những hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống, cội nguồn dân tộc.
Bố là cả một khoảng trời để chú chim non bé nhỏ là tôi được thỏa sức vẫy vùng. Thuở ấu thơ, tôi hay cùng bố ra bờ sông câu cá, bố dạy tôi tập bơi, dạy tôi cách thả diều, cách làm những chiếc đèn kéo quân vui tết trung thu. Tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng ấy của tôi đã được làm hồng lên bởi tình yêu thương, sự chỉ bảo ân cần của bố. Thỉnh thoảng, nhìn chiếc áo phai màu, sờn vai bố đang mặc tôi lại ùa về kỉ niệm những đêm đông bố đã chịu lạnh để tôi được cuộn tròn trong chiếc chăn bông ấm áp và ra ngoài làm việc. Bố đã hi sinh cho tôi nhiều lắm, tuổi thanh xuân, sức lực và cả tình yêu bao la vô bờ ấy, bố dồn cả vào trái tim non nớt của tôi, che chở, ủ ấm nó để nó không bao giờ chịu những vết trầy xước gì. Tôi cảm thấy mình thật sự là một đứa trẻ may mắn vì được lớn lên trong tình phụ tử thiêng liêng, cao đẹp như vậy.
Có thể thời gian trôi đi, tôi rồi cũng sẽ trưởng thành lên, và ai ai cũng vậy. Nhưng những bài học sâu sắc, những kỉ niệm, và tình cảm bao la mà bố giành cho tôi sẽ là hành trang nâng bước tôi trong suốt chặng đường dài bây giờ và mãi cả sau này nữa.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 17
“Lưng cha thì đội nắng gầy
Ôi tóc bạc tựa trăng soi...”
Điều may mắn và hạnh phúc nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta là được sống trong vòng tay yêu thương của bố. Bố luôn là người che chở, bảo vệ cho ta trong suốt cuộc đời. Càng lớn lên và thấu hiểu những cay đắng, nhọc nhằn, tôi càng cảm thấy biết ơn vì những hi sinh lớn lao mà bố đã dành cho mình.
Bố tôi năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi. Dáng người bố cao gầy. Trong mắt tôi, dáng hình ấy lúc nào cũng thật to lớn và vững chãi để che chở cho cả gia đình. Làn da bố rám nắng vì phơi nắng dầm sương, trải qua đủ khó khăn, khổ cực vì cuộc mưu sinh vất vả. Khuôn mặt bố vuông chữ điền, toát lên vẻ hiền lành và đôn hậu. Đôi mắt bố đen láy, trong đôi mắt ấy chứa đựng cả bầu trời yêu thương bố dành cho các con. Mỗi khi mỉm cười, đôi mắt bố thật đỗi dịu dàng, thể hiện sự trìu mền pha chút nuông chiều. Mái tóc bố không còn đen nữa mà đã lấm tấm bạc. Nhìn những sợi tóc bạc ấy, tôi càng thương bố nhiều hơn vì những gian lao, vất vả bố phải trải qua để nuôi chúng tôi khôn lớn. Tôi thích nhất là những lúc bố cười. Nụ cười ấy mới ấm áp làm sao. Những lúc như thế, tôi tự nhủ phải chăm ngoan hơn nữa để nụ cười ấy có thể xuất hiện nhiều hơn trên đôi môi của bố. Đôi bàn tay bố chai sần, thô ráp nhưng tôi vẫn luôn yêu đôi bàn tay ấy. Đôi bàn tay khó nhọc vì gia đình. Đôi bàn tay hi sinh vì sự bình yên, hạnh phúc của các con.
Trong kí ức tuổi thơ của tôi luôn đong đầy những kỉ niệm về bố. Ngày mới chập chững biết đi, bố dắt tay tôi đi trên con đường làng quen thuộc. Cái bóng liêu xiêu trải dài trên mặt đường trùm lên cái bóng bé nhỏ của tôi. Mỗi khi tôi vấp ngã, bố dịu dàng đỡ tôi dậy, đôi bàn tay nhẹ nhàng vuốt lên mái tóc khi tôi bật khóc. Bố là người kiệm lời, ít nói nhưng tôi biết tình yêu thương bố dành cho các con lúc nào cũng dạt dào và chan chứa. Bố cùng tôi đến trường trong ngày đầu đi học, dạy tôi làm những phép tính đầu tiên. Những đêm thức khuya học bài, lúc nào bố cũng chờ tôi đi ngủ rồi mới an giấc. Bố luôn yêu thương và chiều chuộng tôi nhưng vẫn nghiêm khắc chỉ bảo mỗi khi tôi mắc lỗi. Bố dạy tôi cách sống, cách làm người, hiểu được những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, ý nghĩa của sự trung thực, ngay thắng, lòng khoan dung và biết ơn. Cả cuộc đời bố đã vất vả hi sinh vì gia đình, thế nhưng, vẫn có lúc tôi vô tình làm bố buồn, chẳng thể đáp ứng được sự kì vọng và tin tưởng của bố.
Sau này lớn lên, rồi tôi sẽ phải rời xa vòng tay của bố nhưng tôi tin rằng bố sẽ mãi là người che chở, dõi theo và bảo vệ cho tôi trong suốt cuộc đời. Những bài học của bố sẽ là hành trang theo tôi suốt cuộc đời, tình yêu của bố sẽ là động lực để tôi tiến lên phía trước.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 18
Gia đình em là một tổ ấm gồm 4 thành viên: bố mẹ, anh trai em và em. em yêu quý tất cả mọi người nhưng bố là người em kính trọng và yêu quý nhất bởi từ bé bố đã là người chăm sóc, gần gũi và yêu thương em vô ngần. Đặc biệt hơn cả thì bố chính là bức tường thành vững chãi để em trở về sau mỗi lần vấp ngã.
Bố em tên là Nguyễn Đình Phong năm nay 40 tuổi. Thân hình bố to, cao vạm vỡ. Một phần là bởi bố là bộ đội được rèn luyện trông môi trường quân ngũ nên rất khỏe và cường tráng. Làn da ngăm đen vì những buổi luyện tập trên thao trường hàng giờ đồng hồ. Em yêu nhất là đôi mắt bố. Dưới hàng lông màu rậm là đôi mắt to, luôn ánh lên sự yêu thương và quan tâm đến mọi người. Nhìn vào ánh mắt ấy em cảm nhận được cả một bầu trời yêu thương. Mỗi khi mắc lỗi, ánh mắt ấy lại ánh lên sự nghiêm nghị khiến em phải tự nhìn nhận lại bản thân để rút kinh nghiệm và không phạm phải sai lầm nữa. Nhưng những khi em vấp ngã, thất bại khi đã cố gắng hết sức thì bố cũng không hề trách móc, ánh mắt lại toát lên sự bao dung, động viên và an ủi để em vững bước. Trán của bố em cao vuông. Chính vầng trán ấy đã bao đêm thao thức, suy tư để tìm ra những hướng giải quyết hay cho gia đình. Theo năm tháng thì mái tóc bố đã dần pha sương. Bão tố cuộc đời đã in hằn trên mái đầu với những mái tóc điểm bạc và những nếp nhăn trên khuôn mặt vuông chữ điền.
Vào thời gian rảnh rỗi bố em rất thích đọc báo và xem thời sự. Vì vậy mà bố có vốn hiểu biết uyên thâm về mọi lĩnh vực của đời sống từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, giáo dục. Vì vậy mà từ khi biết nhận thức và tiếp thu, bố đã dạy em nhiều điều hay lẽ phải, cách đối nhân xử thế với mọi người để rồi em khôn lớn hơn mỗi ngày. Giọng của bố lúc dạy dỗ các con rất trầm ấm, dứt khoát mà đầy yêu thương, trừu mến.
Ở cơ quan, bố là người rất mẫu mực và nghiêm túc. Bởi vậy mà mọi người trong cơ quan đếu yêu quý và kính nể bố. Khi làm việc nghiêm túc là vậy nhưng vào những giờ giải lao bố lại rất vui vẻ và trẻ trung. Cầm cây đàn ghita trên tay, bố cùng các đồng nghiệp hát vang bài ca: “ đời lính có khi thật nhớ nhà, nhờ gió đem lời yêu thương, gửi tới nơi quê nhà, nơi có những vì sao đợi mong…”. Giọng hát của bố nghe rất hay, lúc trầm, lúc bổng khi lại du dương.
Bố là người rất khéo tay. Mọi đồ đạc trong nhà hầu hết là do bố tự tay làm từ chiếc bàn học, cái kệ sách đến cái nôi ngày nhỏ em nằm. Nhờ bàn tay của bố mà mọi đồ đạc trong nhà đều rất đẹp đẽ. Tối tối thì bố lại dạy em học bài. tính bố em rất ân cần, chu đáo, khi thì hiền lành nhưng cũng có lúc rất cương quyết, nghiêm nghị.
Nếu mẹ là người ân cần chu đáo tần tảo sớm hôm lo cho gia đình thì bố lại chính người đàn ông đầy nghị lực, gánh vác mọi công việc lớn nhỏ trong nhà. Cha như cây đại thụ che chở mọi người khỏi những giông tố.
Bố đã vất vả nhiều vì cuộc sống này. Em luôn tự nhủ với lòng mình sẽ học thật giỏi để không phụ lòng cha mẹ.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 19
Dù bạn ở đâu, dù rằng làm gì thì bạn vẫn luôn phải hướng về cha mẹ. Tình phụ tử luôn là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý đối với mỗi con người, là chiếc la bàn định hướng cho ta trên chặng đường dài. Em cũng có một người bố đáng trân trọng, đáng kính như thế.
Bố em năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi, dáng người bố cao gầy nhưng trong mắt em bố lúc nào cũng hiện lên là một người khỏe mạnh và là trụ cột vững chắc trong gia đình. Bố em có nước da bánh mật có lẽ bố phải làm lụng vất vả nhiều, lo toan mọi công việc lớn trong gia đình. Khuôn mặt bố vuông chữ điền cùng với đôi lông mày rậm toát lên vẻ đôn hậu. Đôi mắt đen láy, sâu thẳm chứa đựng cả bầu trời yêu thương dành cho con. Đôi mắt ấy cũng luôn toát lên niềm vui khi em đạt kết quả tốt và cũng chứa đựng nỗi lo âu khi em bị điểm kém hay không hoàn thành nhiệm vụ. Chính đôi mắt ấy cũng như động lực giúp em đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Mái tóc bố không còn đen như trước nữa mà đã có những sợi tóc bạc đã bị năm tháng nhuốm màu vất vả. Em thích nhất là lúc bố cười. Những lúc bố cười em cảm thấy rất ấm áp và vô cùng thân thương, trìu mến. Nụ cười cũng như thắp lên cho em niềm tin, những ước mơ cháy bỏng. Những lúc ấy em chỉ mong sao sẽ học tập thật tốt để nụ cười luôn hiện lên trên gương mặt của bố. Đôi bàn tay bố chai sạn, thô ráp vì phải làm lụng khó nhọc vì gia đình.
Trong kí ức tuổi thơ của em có biết bao nhiêu kỉ niệm gắn bó với cha. Bố em rất hiền nhưng cũng rất nghiêm khắc trong công việc và trong việc dạy dỗ con cái. Nếu như mẹ dạy con sự hiền lành, dịu dàng nữ tính thì bố lại dạy cho em sự quyết đoán trong khi giải quyết những công việc lớn. Vào mỗi buổi tối bố thường dạy em học bài, có bài nào không hiểu bố giảng giải, phân tích cặn kẽ từng li từng ti để em hiểu vấn đề một cách thấu đáo hơn.Dù bận đến mấy nhưng bố cũng luôn dành thời gian nhắc nhở em học tập và dạy em cách chơi thể thao để luyện tập thể dục. Em nhớ có lần mẹ em bị ốm nên bố phải lo toan mọi công việc trong gia đình từ việc lớn đến việc vỏ. Bố nấu cháo cho mẹ ăn rồi dậy sớm nấu cơm cho hai chị em em ăn đi học và đưa em đến trường. Bố lo lắng cho mẹ đến nỗi hốc hác cả gương mặt, đôi mắt bố trở nên nặng nề nhưng vẫn ánh lên niềm tin yêu trong cuộc sống. Ngoài ra, bố rất nhiệt tình giúp đỡ mọi người, có việc gì giúp được thì bố giúp luôn chứ không ngần ngại chần chừ điều gì cả. Bố em thường dạy em là phải biết “ bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Bởi thế nên mọi người trong xóm ai cũng trân trọng và ngưỡng mộ bố rất nhiều. Bố là một người giàu đức hi sinh, vẫn luôn dành cho gia đình những điều tốt đẹp nhất vì vậy mà công lao của bố không thể kể được:
“ Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Bố luôn là người đàn ông đáng quý nhất của cuộc đời em. Bố như ngọn hải đăng soi đường chỉ lối để em không hề bị mất phương hướng trên cuộc đời dài và rộng. Bố chính là một tấm gương sáng để cho chúng em học tập và noi theo. Mai này dù có phải xa vòng tay yêu thương của bố thì em cũng chỉ muốn thốt lên câu nói từ tận đáy lòng là: “ Con yêu bố nhiều lắm, bố ơi”.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 20
Tôi rất thích câu thơ của một nhà thơ khuyết danh về tình thương yêu và sự hi sinh của cha mẹ “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”
Ba tôi năm nay gần bốn mươi tuổi, độ tuổi mà con người ta cường tráng nhất, oai phong nhất. Dáng người ba cân đối với vẻ cao ráo cùng làn da nâu toát lên vẻ khỏe khoắn. Khuôn mặt góc cạnh tạo nên nét cương nghị, nghiêm khắc của một người đàn ông trưởng thành. Khuôn mặt ấy đã in hằn những dấu vết lam lũ của cuộc đời như một vài vết sẹo hay vệt nám nơi gò má. Đôi mắt sâu hoằm nhưng vô cùng linh hoạt. Ánh mắt của ba lúc thì nghiêm nghị, lúc thì đầy ắp thương yêu. Chiếc mũi cao giúp khuôn mặt ba trở nên điển trai, phong độ. Chiếc mũi rất hợp với nụ cười bừng sáng.
Là một kĩ sư, bố tôi có đôi tay chai sạn. Những ngón tay bây giờ như to hơn, chẳng còn vẻ thon dài của bàn tay chàng thư sinh ngày trước. Lòng bàn tay thô ráp, nhưng chẳng hiểu sao, tôi rất thích nắm đôi bàn tay ấy. Dường như khi đặt bàn tay nhỏ bé của mình trong đó, tôi cảm nhận được bao vất vả mà ba đã trải qua. Mẹ tôi kể, những ngày đầu tôi chập chững bước những bước đầu tiên, ba chính là người dìu dắt tôi. Không may, tôi bị ngã, ba chạy vội sang ôm tôi vào lòng. Ngày đó còn bé, chỉ biết òa khóc kêu mấy tiếng “ba…ba…”. Khi lớn hơn, có lần tôi bị ngã xe, ba không còn vỗ về tôi như ngày đó. Ba nhìn tôi nghiêm khắc và mắng. Tôi vẫn òa khóc, khóc bởi giận dỗi. Sau đó, tôi hiểu, ba vì lo lắng quá cho tôi, muốn tôi chững chạc trong những bước đi trên đường đời dài phía trước.
Ba là người mà tôi kính trọng nhất. Dù đi hết cuộc đời, hình ảnh người ba quanh năm mệt nhọc vì gia đình sẽ luôn ghi dấu trong trái tim tôi. Tôi nguyện cầu cho người cha của cuộc đời sẽ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và an yên.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 21
Mẹ em lúc nào cũng dễ dãi nuông chiều còn ba em là người nghiêm khắc và cứng rắn, nhưng không vì đó mà tình cảm em dành cho ba ít hơn mẹ.
Nhìn ba ít ai nghĩ ba đang ở độ tuổi 50 vì đầu ba hấu như không có 1 sợi tóc bạc nào, ba nói đuợc vậy là do hồi nhỏ uống nước trà xanh nhiều . Người ba hơi cao không mập lắm nhưng có nét khỏe khoắn mạnh mẽ nhờ siêng tập TDTT vào mỗi buổi sáng. Nghe bà nội kể hồi nhỏ ba em chơi bóng bàn và cầu lông rất giỏi.Gương mặt ba em hình chữ điền tỏ vẻ phúc hậu và cắt mái tóc ngắn khá mô đen để lộ vầng trán cao thể hiện trí thông minh.Đôi lông mày hình lá lĩu và cặp mắt đen lấy luôn tỏ ra cái nhìn trìu mến với mọi người.Cái miệng hay cười để lộ hàm răng trắng và đều như trái bắp.
Hằng ngày sau giờ làm ở cơ quan ba em hay thức tới khuya làm sổ sách kiếm thêm thu nhập, em biết rất rõ điều đó vì ba yêu thương gia đình mà.Ba thường nói với em chỉ cần con học giỏi chăm ngoan thì ba vui rồi, sau khi nghe ba nói em quyết tâm học thật giỏi để ba vui. Bây giờ em đã hiểu câu công cha như núi thái sơn cao cả như thế nào.
Ba em còn có sở thích là trồng cây. Mỗi buổi sáng ba đều dậy sớm và sau khi tập thể dục ba em quay qua chăm sóc cho cây. Ba em rất thích cây xương rồng vì nó có 1 khát vọng sống mãnh liệt cắm vô đất nào cũng sống và ít uống nước vẫn sống.
Những lúc rảnh rỗi ba thường chở em đi chơi , đi ăn kem. Ba thương em lắm, có gì khó hỏi ba thì ba sẽ trả lời, em cũng nhờ ba mà học giỏi toán đó.Ba đúng là ông thầy thứ 2 của em.
Em rất kính yêu ba nhờ có ba mà gia đình em ấm no hạnh phúc cho nên lúc nào em cũng cố gắng làm theo lời ba dặn: học giỏi chăm ngoan, siêng năng chăm chỉ, cần cù liêm chính, có ngày thành danh.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 22
Người sinh ra em, chăm sóc em mỗi ngày là mẹ, còn người dạy bảo em, bảo vệ em là cha. Em thương cha của em rất nhiều giống như cha thương em và lo lắng cho em vậy.
Cha em năm nay 45 tuổi, cha còn rất trẻ và khỏe mạnh vì mỗi ngày cha đều tập thể dục vào buổi sáng. Có lẻ thế nên tay và chân của cha rắn chắc, những đường gân nổi lên mạnh mẽ. Em vẫn thường thử sức đôi tay ấy bằng trò kéo tay. Dù kéo bằng cả hai tay nhưng vẫn không thể nào thắng cha. Có lần em khóc vì thua nên cha đã cố tình nhường em. Em thích nhìn gương mặt của cha lúc cha cười. Gương mặt chữ điền phúc hậu với đôi lông mài rậm rạp và đôi mắt to. Cha có nụ cười rất duyên vì mỗi lần cười gương mặt cha hiện lên đồng tiền tròn sâu hút. Đôi đồng tiền này em được may mắn thừa hưởng từ cha. Mặc dù da hơi ngâm nhưng cha vẫn trông rất phong độ mỗi khi mặc cảnh phục đi làm. Tóc cha không đen mà ngã màu hơi nâu vàng, có lẽ vì công việc cha hay ra ngoài thường xuyên
Cha em là cảnh sát giao thông nên phải công tác thường xuyên. Công việc của cha khá bận rộn, có khi cả ngày nghỉ cũng phải đi trực các tuyến đường lớn. Cha ít nói nhưng rất có trách nhiệm trong công việc. Chưa bao giờ em thấy cha nghỉ làm vì lí do cá nhân. Có lúc trời mưa tầm tả em vẫn thấy cha đứng điều khiển các dòng xe qua lại cho tuyến đường thông suốt. Lúc ấy em thương cha nhiều lắm và ngưỡng mộ cha rất nhiều. Bận rộn vậy nhưng cha vẫn dành thời gian cho gia đình. Ngoài giờ làm, cha về nhà phụ giúp mẹ làm việc nhà, chơi với các con chứ không la cà bên ngoài. Cuối tuần cha thường dẫn cả nhà đi chơi và mua sắm. Nhìn nụ cười của mẹ em hiểu rằng mẹ rất hạnh phúc khi lấy cha. Đối với hàng xóm, cha rất thân thiện, cha hay giúp mọi người xung quanh từ những chuyện nhỏ nhất. Ở xóm em có một gia đình của cụ bà neo đơn, cha chính là người vận động địa phương xây cho bà ngôi nhà nhỏ và giúp cháu của bà tìm được công việc ổn định. Dù thế nhưng cha không kể công, cha thường dạy em giúp đở người khác đừng nên kể ơn.
Em rất tự hào vì có người cha vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà. Em luôn thầm hứa là sẽ cố gắng học tốt để lớn lên được làm một cảnh sát giao thông như cha.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 23
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trog nguồn chảy ra”
Cha mẹ là những người có công ơn sinh thành nuôi dưỡng chúng ta thành nên người. Không giống với mẹ, cha luôn là người sát cánh bên ta, dạy dỗ ta biết bao điều bằng chính sự cứng rắn, trưởng thành nhưng cũng chan chứa tình yêu.
Bố tôi năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi. Dáng người bố cao gầy. Trong mắt tôi, dáng hình ấy lúc nào cũng thật to lớn và vững chãi để che chở cho cả gia đình. Làn da bố rám nắng vì phơi nắng dầm sương, trải qua đủ khó khăn, khổ cực vì cuộc mưu sinh vất vả. Khuôn mặt bố vuông chữ điền, toát lên vẻ hiền lành và đôn hậu. Đôi mắt bố đen láy, trong đôi mắt ấy chứa đựng cả bầu trời yêu thương bố dành cho các con. Mỗi khi mỉm cười, đôi mắt bố thật đỗi dịu dàng, thể hiện sự trìu mền pha chút nuông chiều. Mái tóc bố không còn đen nữa mà đã lấm tấm bạc. Nhìn những sợi tóc bạc ấy, tôi càng thương bố nhiều hơn vì những gian lao, vất vả bố phải trải qua để nuôi chúng tôi khôn lớn. Tôi thích nhất là những lúc bố cười. Nụ cười ấy mới ấm áp làm sao. Những lúc như thế, tôi tự nhủ phải chăm ngoan hơn nữa để nụ cười ấy có thể xuất hiện nhiều hơn trên đôi môi của bố. Đôi bàn tay bố chai sần, thô ráp nhưng tôi vẫn luôn yêu đôi bàn tay ấy. Đôi bàn tay khó nhọc vì gia đình. Đôi bàn tay hi sinh vì sự bình yên, hạnh phúc của các con.
Trong kí ức tuổi thơ của tôi luôn đong đầy những kỉ niệm về bố. Ngày mới lẫm chẫm biết đi, bố dắt tay tôi đi trên con đường làng quen thuộc. Cái bóng liêu xiêu trải dài trên mặt đường trùm lên cái bóng bé nhỏ của tôi. Mỗi khi tôi vấp ngã, bố dịu dàng đỡ tôi dậy, đôi bàn tay nhẹ nhàng vuốt lên mái tóc khi tôi bật khóc. Bố là người kiệm lời, ít nói nhưng tôi biết tình yêu thương bố dành cho các con lúc nào cũng dạt dào và chan chứa. Bố cùng tôi đến trường trong ngày đầu đi học, dạy tôi làm những phép tính đầu tiên. Những đêm thức khuya học bài, lúc nào bố cũng chờ tôi đi ngủ rồi mới an giấc. Bố luôn yêu thương và chiều chuộng tôi nhưng vẫn nghiêm khắc chỉ bảo mỗi khi tôi mắc lỗi. Bố dạy tôi cách sống, cách làm người, hiểu được những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, ý nghĩa của sự trung thực, ngay thắng, lòng khoan dung và biết ơn. Cả cuộc đời bố đã vất vả hi sinh vì gia đình, thế nhưng, vẫn có lúc tôi vô tình làm bố buồn, chẳng thể đáp ứng được sự kì vọng của bố.
Sau này lớn lên, rồi tôi sẽ phải rời xa vòng tay của bố nhưng tôi tin rằng bố sẽ mãi là người che chở, dõi theo và bảo vệ cho tôi trong suốt cuộc đời. Những bài học của bố sẽ là hành trang theo tôi suốt cuộc đời, tình yêu của bố sẽ là động lực để tôi tiến lên phía trước.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 24
Cây vĩ cầm đã câm lặng từ lâu, con còn nhớ khi chai sạn chiều hôn lên tay cha. Cây vĩ cầm vẫn ngân nga hằng đêm, bay mãi vào một thời ấu thơ là cây vĩ cầm. Trải bao giông bão, bao tháng năm kiếp người vẫn còn với cha cây vĩ cầm”...
Lời bài hát vang lên da diết làm em chợt nhớ về hình bóng yêu thương của bố - người cha muôn vàn kính yêu, người nghệ sĩ trong gia đình em.
Thấy bóng bố ngồi yên tĩnh bên cây vĩ cầm, câu chuyện về những ngày còn trẻ của bố mà mẹ hay kể lại ùa về. Hơn hai mươi năm trước, bố còn là chàng thanh niên hai mươi tuổi, nhiều ước mơ và hoài bão. Bố từ nhỏ đã kế thừa tình yêu âm nhạc từ bà nội, đặc biệt đam mê với loại hình nghệ thuật này.
Khi em ra đời thì bà nội đã mất, mẹ bảo bà hát dân ca hay lắm, bà còn biết kéo đàn nhị nữa. Nhưng bố không thích đàn nhị như bà nội, lúc bố 13 tuổi, hay sang nhà người hàng xóm từ bên nước ngoài về Việt Nam định cư, nghe người ta kéo đàn vĩ cầm - loại nhạc cụ hiếm có ở Việt Nam rồi theo người ta học kéo đàn.
Nhiều năm sau đổi mới, người hàng xóm kia quay lại quê hương họ tặng cho bố một cây vĩ cầm màu nâu nho nhỏ. Cứ như vậy, cây vĩ cầm ấy theo bố đến hôm nay đã qua hơn hai mươi năm.
Sau này, bố gặp mẹ, bố là chàng trai Hà thành hào hoa, mẹ lại thiếu nữ Sài Gòn sôi nổi, cảm mến chàng thanh niên chơi vĩ cầm giỏi, ít lâu sau thì về chung một nhà. Mẹ bảo sau khi lập gia đình, bố không chơi vĩ cầm thường xuyên như trước nữa, chỉ chăm chú làm ăn lo cho vợ con. Mãi đến khi em lên lớp 2, thấy bố đem cây vĩ cầm đã cũ ra lau chùi, tò mò hỏi mẹ mới biết. Em cứ nghĩ chắc mình sẽ không được nghe bố đàn vĩ cầm. Cho đến năm ngoái, anh trai đi xa về tặng cho bố một cây vĩ cầm màu nâu bóng, được thiết kế tỉ mỉ, đặt trong hộp gỗ. Em vẫn nhớ như in hình ảnh bố khi ấy, khuôn mặt vuông chữ điền chất phác của người đàn ông đã ngoài bốn mươi với nước da hơi ngăm bỗng bừng sáng hẳn lên.
Đôi mắt hiền từ thường ngày nheo nheo lại, vết nhăn mờ mờ nơi khóe mắt sau nhiều năm gánh vác gia đình thấp thoáng hiện lên. Bố nở nụ cười tươi, đôi tay gầy gầy khẽ vuốt ve cây đàn rồi nhẹ nhàng đặt nó lên, kẹp giữa bờ vai rộng và cần cổ.
Bàn tay bố từ từ đưa qua, kéo nhẹ dây đàn, bản nhạc du dương không biết tên vang lên, dù không được điêu luyện như những nghệ sĩ trên truyền hình nhưng nghe vô cùng ấm áp, xúc động. Hóa ra bố cũng là người nghệ sĩ tài giỏi như vậy.
Kéo đàn xong, bố nâng niu cây vĩ cầm, cẩn thận bỏ lại nó vào hộp rồi đem cất đi. Bóng dáng cao gầy, bước chân vững chắc, bình ổn thường ngày nhanh nhẹn hẳn lên. Sau đó, em cũng không được nghe bố kéo đàn vĩ cầm thêm lần nào nữa.
Bố trở về với cuộc sống thường ngày, vừa lo làm ăn nhỏ, vừa phụ giúp mẹ chăm lo gia đình. Bố là thần tượng của em từ ngày còn bé, luôn ân cần, dịu dàng, thậm chí nhiều món ăn bố nấu còn ngon hơn cả mẹ. Bố không bao giờ khắt khe trong việc học hành của em, thỉnh thoảng sẽ quan tâm con gái học hành có vất vả không, giúp em giảng giải nhiều bài tập khó. Nhiều lần, trời mưa gió mà vẫn phải đến trường, bố đều bỏ công việc, đưa đón em mới yên tâm.
Bố em vốn là người ít nói nhưng rất chu đáo, quan tâm đến mọi người. Những ngày đặc biệt như 20 – 10, 8 – 3, mẹ và em đều sẽ có quà, hai mẹ con lần nào cũng cảm động. Hàng xóm ai cũng yêu mến bố, đặc biệt là các cụ già, lúc nào cũng khen bố còn trẻ mà kiên nhẫn ngồi chơi cờ, tán gẫu với các cụ, các cụ bớt cô đơn hẳn.
Mỗi lần như vậy, em đều tự hào vô cùng. Bố chính là người mà em ngưỡng mộ nhất. Bố không chỉ là chỗ dựa vững chắc cho gia đình em mà còn là người luôn nhẹ nhàng dạy cho em nhiều bài học đạo lý làm người, sống đúng đắn và nhân hậu. Em luôn cảm thấy mình may mắn rất nhiều khi được trưởng thành trong sự bảo vệ yêu thương của bố mẹ.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 25
Gia đình em có 4 người, mẹ em, bố em, anh hai và em. Mẹ em lúc nào cũng dễ dãi, nuông chiều con cái, còn bố em thì ngược lại, rất nghiêm túc. Thế nhưng em vẫn kính yêu bố em vô cùng.
Nhìn bố, ít ai nghĩ rằng bố đang ở vào độ tuổi bốn mươi lăm. Bố có dáng người cân đối, thân hình khỏe khoắn. Sở dĩ được như vậy là do bố em năng tập thể dục vào mỗi buổi sáng. Gương mặt bố hao hao hình chữ điền, trông đầy nét cương nghị. Nụ cười tươi tắn và có duyên làm cho khuôn mặt bố thêm rạng ngời. Thêm vào đó là mái tóc dày và đen càng khiến cho bố trẻ hơn so với tuổi thật của mình.
Bàn tay của bố to và ấm áp. Trên đó có những vết chai nổi lên do phải lao động hàng ngày. Bố có bờ vai rộng cùng với cánh tay cơ bắp nên những việc nặng nhọc trong gia đình đều qua tay bố. Hàng ngày, sau giờ làm việc ở cơ quan, bố em còn cuốc đất vun gốc cho mấy cây trồng xung quanh nhà. Đêm đêm, bố em hay thức tới khuya để làm thêm một số công việc tăng thu nhập cho gia đình. Em biết rõ điều đó lắm. Vì chúng em mà bố em phải chịu nhiều vất vả.
Những lúc rảnh rỗi, bố em thường dắt chúng em đi dạo quanh làng. Vừa đi, bố vừa kể chuyện hay giảng giải những điều thắc mắc chúng em thường gặp. Bố hiểu biết rất rộng nên em hỏi điều gì bố cũng đều trả lời ngay. Nếu có thời gian là bố lại ngồi kiểm tra việc học của hai anh em. Bố thường giảng cho em những bài văn hay, hướng dẫn những bài toán khó. Giọng bố trầm ấm và ôn tồn giảng lại khi em chưa hiểu bài.
Bố yêu cả gia đình và luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho mọi người. Với những người xung quanh, bố thân thiện và hay giúp đỡ nên ai cũng quý bố. Đặc biệt, bố rất vui tính. Những câu chuyện bố kể rất có duyên và ai nghe xong cũng phải bật cười. Sở thích của bố là xem thời sự quốc tế, chơi vợt cầu lông và đưa cả nhà đi du lịch.
Em rất kính yêu bố em. Nhờ có bố mà cả gia đình sống trong cảnh ấm no, hạnh phúc. Bởi vậy, lúc nào, em cũng cố gắng học thật giỏi không phụ công ơn của bố.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 26
Hôm nay tròn một năm từ ngày bố mãi mãi rời xa con, rời xa gia đình thân yêu của mình. Bố ở bên trời kia có vui không bố? Con nhớ bố.
Ngày bố phải ra đi mãi mãi, một ngày buồn rười rượi, âm u và buồn bã. Ở cái tuổi trung niên bốn sáu, vì một tai nạn ngoài ý muốn xảy ra, bố đã nói lời tạm biệt mãi mãi với gia đình. Trong kí ức của tôi hình ảnh bố vẫn mãi vẹn nguyên, mãi không phai mờ. Tôi vẫn nhớ cái dáng cao gầy của bố. Nhớ cái dáng lúc nào cũng vội vã của một người mang số kiếp long đong. Tôi vẫn nhớ ngày mái tóc bố điểm sợi bạc, tôi vẫn hay tìm sợi bạc cho bố, mỗi sợi bố cho lại tôi 500 đồng. Vậy mà giờ chỉ còn trong hoài niệm. Tôi vẫn nhớ đôi mắt bố lúc nào cũng nhìn tôi với cái nhìn rất mực thân thương, trìu mến. Dù có lúc tôi làm bố buồn lòng, đôi mắt ấy buồn rượi rượi nhưng vẫn ánh lên sự quan tâm tới tôi. Nhìn vào đôi mắt ấy, tôi biết bs đang vui hay có tâm sự, nhìn vào đôi mắt ấy, tôi có thêm động lực để vững bước vào đời. Đôi tay đen sạm với những vết chai sần của một đời sương gió đã vì gia đình mà làm biết bao công việc từ lái xe xích lô, gánh lúa hay xách vữa, đảo bê tông,... Kỉ niệm về bố chỉ còn trong hoài niệm. Hình ảnh bố chỉ còn trong nỗi nhớ. Chẳng còn đâu những lần bố dạy tôi tập xe đạp, chỉ tôi cách bơi hay kể cho tôi nghe chuyện ngày xửa ngày xưa nữa. Vì bố mãi mãi chẳng còn ở bên tôi...
Vì tôi là con một nên bố yêu thương và chiều chuộng tôi lắm. Bố rất ít khi mắng nặng lời với tôi. Mỗi khi tôi mắc lỗi, bố khuyên bảo nhẹ nhàng, chỉ cho tôi điều hay lẽ phải, giúp tôi vực dậy sau sai lầm. Những ngày mẹ vắng nhà, tôi thấy bố đảm lắm. Bố nấu ăn, dọn dẹp, làm tất cả công việc thay mẹ, tối đến dành thời gian dạy tôi học bài.
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày hôm ấy, ngày mà bố rời xa tôi. Hôm ấy, bố vì xây nốt cho xong nên tan làm muộn, mẹ lại chăm bà trên Hà Nội, tôi đứng ở cổng trường một mình chờ bố đón. Xe cộ cuối ngày nườm nượp lại qua. Khi tôi vừa thấy bóng xe bố, lòng vui mừng réo gọi : "A, bố đến đón Bông rồi! " Nhưng nụ cười còn chưa kịp tắt trên môi, tôi bàng hoàng một tai nạn xảy ra trước mắt. Một chiếc xe ô tô khác lao tới đâm thẳng xe bố và trước mắt tôi, bố nằm bất động trên mặt đường. Tôi hoảng hốt, sợ hãi, chỉ biết khóc, biết hét gọi bố và mong mọi người giúp bố. Ngày hôm ấy, một ngày tồi tệ : ngày bố rời xa tôi mãi mãi.
Thắp nén nhang tưởng nhớ bố, tôi không khỏi nghẹn lòng. Bố sống an vui nơi chín suối bố nhé! Đứa con bé bỏng của bố sẽ không phụ lòng bố, bố ơi.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 27
"Bố là tất cả, bố ơi bố ơi… "Trong trái tim mỗi người có lẽ tình cảm dành cho bố sẽ thật sâu nặng. Bố là người dạy bảo ta vững bước vào đời. Tôi luôn tự hào vì có một người bố tuyệt vời như thế.
Bố tôi năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi – cái tuổi mà sức trẻ, sức khỏe dẻo dai đã giảm đi trông thấy. Làn da ngăm đen vì ngày đêm dãi dầu sương gió. Vầng trán bố cao với đôi mắt sáng luôn ánh lên những cái nhìn khi trìu mến, yêu thương, lúc nghiêm nghị, mạnh mẽ. Mái tóc xanh ngày nào giờ đã có một vài sợi bạc như những chứng tích cho một đời lam lũ vất vả. Bàn tay bố không mềm mại như bàn tay mẹ, nó thô ráp hơn và đầy những vết chai sần. Tôi thích áp mặt mình vào bàn tay ấy để cảm nhận hết thảy nỗi cơ cực mưu sinh của bố thân yêu. Cái dáng gầy gò của bố đi vội vã trong cơn mưa chợt đổ khiến mỗi lần nhớ lại tôi không khỏi rưng rưng, xót xa.
Bố là một thợ xây lâu năm – một nghề mà phải dãi nắng dầm mưa quanh năm suốt tháng. Ngôi nhà tôi ở hôm nay cũng chính là tự tay bố xây nên bằng tất cả tâm huyết của mình. Tôi thương bố những ngày nắng như đổ lửa phải phơi lưng ra với đời, những ngày mưa tầm tã lại đội mưa để làm việc. Bố yêu thương chúng tôi, tình yêu của một người bố nghiêm khắc. Tuy rằng bố không hay vỗ về hay tâm sự với tôi như mẹ, nhưng những câu chuyện bố kể về ngày xưa, những bài học bố dạy tôi mỗi ngày, những sự giận dữ mỗi khi tôi lầm lỡ, tôi biết tất cả vì tốt cho tôi, muốn cho tôi nên người. Tôi vẫn nhớ cái ngày đó, cái ngày tôi mới đang học lớp Một, cái ngày mà mẹ phải lên viện chăm sóc bác cả, bố một mình thay mẹ gánh vác hết công việc nhà: nấu ăn, dọn dẹp, chở tôi đi học, dạy tôi học và ru tôi ngủ. Quần quật làm từ sáng sớm đến tối mịt, ấy vậy bố vẫn làm thêm vai trò của một người mẹ. Khi ấy, tôi ước giá như mình lớn hơn chút nữa, có thể giúp được bố phần nào…
Ngày tháng trôi đi, đứa trẻ năm nao giờ đã khôn lớn, đã có thể tự đi trên đôi chân chính mình. Đường đời gập ghềnh, sẽ có lúc tôi vấp ngã, có lúc tôi mệt mỏi, nhưng tôi luôn biết ở mái nhà thân yêu, bố vẫn luôn dõi theo bước chân tôi, sẵn sàng dang rộng vòng tay để tôi làm điểm tựa vững chắc trong cuộc đời này.
Bài văn tả người bố kính yêu của em 28
Bố là người vô cùng quan trọng trong cuộc sống của em cũng như của các bạn nhỏ khác. Em cũng có một ông bố tuyệt vời. Bố em tên là Tuấn Anh, Em rất tự hào và yêu quý bố.
Gia đình em có 3 người là mẹ em, bố em và em. Mẹ em ở nhà làm nội trợ, nấu ăn cho cả nhà. Mỗi ngày đi học về là em được thưởng thức các món từ tay mẹ làm. Các bạn ở lớp khen em vẽ đẹp. Có lẽ em được thừa hưởng từ bố. Bố em làm kiến trúc sư. Bố sáng lập ra công ty thiết kế nội thất kiến trúc Inhome. Hàng ngày bố đến công trường cùng các chú công nhân. Tối về bố lại miệt mài bên bàn làm việc.
Bố gọi đó là bản vẽ thiết kế. Những con số nhằng nhịt làm em hoa mắt nhưng em biết bố đã rất vất vả để làm nó. Bố thức rất khuya để làm việc. Tóc bố vì thế mà cũng nhuộm màu của những ánh đèn rồi cứ trắng nhiều lên. Thỉnh thoảng em vẫn nhổ tóc trắng cho bố.
Hôm qua đi làm về, bố nói với em bố bố mới thiết kế nội thất chung cư cao cấp Times City xong, ngày mai bố sẽ vẽ những ngôi nhà dành cho các bạn nhỏ mồ côi, không cha mẹ và bố muốn em giúp bố. Em vui lắm! Em cùng bố nghĩ ra những ngôi nhà thật đẹp cho các bạn. Em vẽ ngôi nhà bên cạnh những hàng cây để các bạn chơi đùa. Bố vẽ mấy phòng học cùng những bộ bàn ghế, bảng đen. Bố nói với em các bạn ấy phải học để trở thành người có ích, phải có ước mơ. Bố đã thức mấy đêm để hoàn thiện bản vẽ bởi có lẽ em vẽ vẫn chưa đẹp.
Em thương bố lắm, em sẽ học thật giỏi giống như các bạn ấy để lớn lên trở thành một kiến trúc sư giống bố, vẽ thật nhiều những ngôi nhà ước mơ cho các bạn nhỏ. Cảm ơn bố của con, con yêu bố rất nhiều!
Bài văn tả người bố kính yêu của em 29
"Bố là tất cả! Bố ơi Bố ơi! Câu hát hồn nhiên, đáng yêu này có thể lay động trái tim của bất cứ một ai được bố che chở, chăm bẵm từ nhỏ. Em cũng không phải là ngoại lệ, đối với em bố như là một thế giới thu nhỏ, thế giới ngập tràn tình yêu thương, một thế giới màu hồng ấm áp.
Bố em là người đàn ông 40 tuổi với chiều cao khiêm tốn một mét sáu mươi lăm, tuy chỉ cao có vậy nhưng bóng lưng bố đối với em lại cao lớn và vững chãi đến mức có thể che chắn cho em bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống. Gương mặt bố em hiện rõ các nếp nhăn ở đuôi mắt và các vết nám trên mặt vì bố hay phải đi ngoài đường bụi bặm nhiều nhưng bố luôn đưa áo chống nắng và khẩu trang cho em dùng với lí do là “Bố đàn ông cần gì quan tâm nhiều mấy cái đấy, mày con gái giữ da cho đẹp mai sau còn đi lấy chồng”. Tuy mặt nhiều nếp nhăn nhưng gương mặt bố vẫn toát ra một thần thái nào đó khiến người đối diện rất có thiện cảm. Em thừa hưởng đôi chân và bàn tay to của bố, tuy mẹ em hay đùa rằng “nét xấu của bố con hưởng hết rồi” nhưng không hiểu vì sao em lại thương đôi tay đôi chân chai sạn của bố vô cùng, đôi bàn tay dìu dắt và đôi bàn chân bước đi cùng em qua những dấu mốc, những gian nan của cuộc đời, làm sao em không thương được cơ chứ!
Ngày trước có lần bà nội kể với em rằng, đêm trước ngày em đẻ bố mẹ đã bắt taxi đến bệnh viện nhưng đến giữa đường thì xe bị thủng lốp thế là bố sốt sắng bắt xe ôm đưa mẹ em đến bệnh viện còn bố thì đi mua hoa chờ ngoài cổng viện. Mẹ em đẻ khó đi từ 2h sáng mà 12h trưa mới đẻ xong, khi bố được gặp em và mẹ, mọi cảm xúc của bố như vỡ òa, bố thút thít như đứa trẻ nhỏ khi được bế em trên tay.
Em từ nhỏ đã nhẹ cân và hay ốm đau, bố không ngại đưa hai mẹ con vào viện lúc đêm khuya khi em khó thở, sốt cao, bố không ngại chạy ra hàng thuốc cách nhà một quãng xa để mua thuốc cho em, bố không ngại đội mũ quàng chăn để dỗ em ăn mỗi khi em quấy khóc. Khi em bắt đầu đi học, tuy nhà cách trường khá xa nhưng bố không ngại nắng mưa sáng đưa chiều đón em từ trường về nhà, hỏi thăm em và mua cho em những cây xúc xích nóng hổi như một phần thưởng vì đã chăm chỉ học tập! Nhớ hồi lớp bốn có một lần em đi chơi với bạn mà quên nói với ông bà, thế là mọi người tìm em khắp khu phố, bố em đã phóng xe từ công ty về nhà khi biết tin. Khi em về bố và mọi người đã mắng em rất lâu nhưng em biết rằng mọi người làm vậy chỉ vì sợ em bị bắt cóc thôi. Lần đó em đã rất hối hận và tự hứa với bản thân mình sẽ không khiến bố và mọi người phải lo lắng cho mình nữa
Khi lớn lên chúng ta sẽ lao vào vòng xoáy của công việc nơi chúng ta đặt tiền và chức danh lên đầu mà quên mất rằng ở mái nhà nhỏ kia luôn có một người đàn ông với bóng hình to lớn luôn đợi chúng ta đi về ăn cơm nhà, luôn đợi chúng ta nói những lời yêu thương, luôn đợi để ôm chúng ta vào long
Bố à! Con của hiện tại không thể hiểu được nỗi lòng của bố, không hiểu được những khó khăn bố phải gánh trên vai nhưng con hứa mai sau con sẽ là người chăm sóc bố, thay bố gánh hết tất cả, con chỉ cần bố hạnh phúc thôi, con yêu bố nhiều!.